BẮT CÁ GIỮA DÒNG hay là: Lại Nguyên Ân và chuyện truy tìm những văn bản khó trên báo chí cũ

Vương Trí Nhàn

Năm 1976, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới được thành lập (chuyển từ tạp chí thành nhà xuất bản), thì năm 1977, phó giám đốc Nguyễn Minh Tấn liên hệ với Bộ Nội thương lấy Lại Nguyên Ân (đang dạy ở một trường trung cấp của Bộ) về tổ Phê bình văn học. (Tổ này thời tạp chí Tác phẩm mới có đến vài ba biên tập viên, nhưng khi chuyển thành nhà xuất bản thì đều xin chuyển đi hết, trong tổ không còn ai). Sau đó hai năm, đến 1979 thì tôi mới từ tạp chí Văn nghệ quân đội chuyển sang. Và hai chúng tôi cùng làm việc với nhau trong cùng một tổ biên tập gần ba mươi năm, tận cho tới lúc cùng về hưu, cuối năm 2007.

Kiểu làm xuất bản chuyên văn học như ở nhà Tác Phẩm Mới hồi 1980 – 1990s là nặng về in thơ, truyện, ký của giới sáng tác. Phần phê bình ban đầu chủ yếu tính đến các tập bài báo của một số nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Còn những người chuyên viết phê bình lâu năm, dù trong ngoài giới văn chương đã biết tên, cũng chỉ được nhà xuất bản cân nhắc rất dè dặt khi soạn các bản kế hoạch làm sách hàng năm.

Chính Nguyễn Minh Tấn là người đã có công mở ra việc biên soạn các tài liệu văn học trong quá khứ bằng việc đưa cho bọn tôi tập tài liệu do ông Tấn chủ trì hồi còn làm viện phó Viện Văn học, bao gồm những trích đoạn ý kiến về văn học của các tác gia Việt Nam thời kỳ văn học Hán Nôm (thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX); bọn tôi soạn mảng tài liệu này thành tập sách TỪ TRONG DI SẢN. Sách ra, được dư luận khen.

Một cách vô tình, tập sách ấy đã mở ra cho chúng tôi một hướng làm việc.

Thật vậy, nghiên cứu phê bình hồi đó rất coi nhẹ công tác tư liệu. Các sinh viên mới ra trường về các cơ sở giảng dạy hay nghiên cứu, khi được giao làm nhiệm vụ tư liệu thường chỉ coi đây là việc làm tạm thời, vì chính những người hướng dẫn họ cũng lo làm các chuyên luận, chuyên đề nghiên cứu (sau này là các luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ) hơn là lo làm tư liệu, tức là đi vào tích lũy xây dựng một vốn liếng chung các dữ liệu về báo chí xuất bản, tác giả tác phẩm, và nhất là văn bản.

Dù đã được đào tạo cơ bản ở đại học rồi, tôi và Ân vẫn coi mình là những người tự học nghề. Bọn tôi học nghề bằng cách vào ngay trong bếp núc của công tác nghiên cứu tức là việc chuẩn bị bản thảo, – chúng tôi không chỉ ngồi đấy gác cửa, biên tập để đưa in các tập bài đã có sẵn của cộng tác viên đưa đến, mà còn chủ động tổ chức thêm bản thảo, một phần bằng cách huy động công sức của các cộng tác viên, phần chính khác là tự mình bắt tay biên soạn. Bọn tôi nghĩ ra rồi đề xuất các chủ đề cho sách tư liệu, như: nhà văn ta từ sau 1945 luận bàn về văn học nghệ thuật; đời sống nhà văn, sinh hoạt văn học trong thời gian cách mạng (1930-45), kháng chiến (1946-54); hỏi chuyện nhà văn về quá trình “thai nghén” một vài tác phẩm cụ thể, v.v.

Các việc này chẳng ngon lành gì, vì nhiều khi mình đã nghĩ ra đề tài rồi đi đặt (chủ yếu là đặt các bạn làm nghiên cứu giảng dạy tại các viện, các trường đại học) mà vẫn chẳng ai nhận, hoặc có người nhận thì hầu hết cũng chỉ làm qua loa cho xong việc! Khá ít người coi công tác biên soạn tư liệu là phần nghiệp vụ cơ bản mà người nghiên cứu nào cũng phải làm, chí ít là cho hướng nghiên cứu của chính mình. Khá ít người thời ấy nhận ra rằng trong giới nghiên cứu có và cần phải có một loại chuyên gia mà sự nghiệp chủ yếu là ở công tác sưu tầm biên soạn, hệ thống hóa dữ liệu văn học sử, học thuật sử. Quay nhìn thế hệ trước, ít nhất thấy rõ một Trần Văn Giáp, – sự nghiệp của nhà thư mục học này rõ ràng có sự chuẩn bị của người Pháp.

Sau suốt mấy chục năm làm việc cùng nhau, tôi phát hiện ở anh Ân lối làm việc cần cù tỉ mỉ – “có khả năng theo đuổi những mục đích lớn trong một thời gian dài với tốc độ cao” – như cách nhận định của một người bạn tôi làm việc bên khoa học tự nhiên.

Bạn đọc khi mở ra trang Wikipedia chuyên về Lại Nguyên Ân sẽ tìm thấy một danh mục đầy đủ các sách anh Ân đã từng biên soạn, nó là một khối lượng, theo chữ thông thường phải gọi là khổng lồ, mà lại toàn là thứ có chất lượng.

Trong trí nhớ của tôi, khi nhắc tới việc biên soạn này của anh bạn đồng nghiệp, tôi nhớ ngay tới bộ sách Thơ mới, tác giả và tác phẩm hơn một nghìn trang, được in lại khá nhiều lần.

Tôi nhớ tới bộ sưu tập tạp chí Tiên phong của Văn hóa Cứu quốc hồi 1945-1946 và bộ sưu tập tạp chí Văn nghệ 1948-1954 tại Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, gần lại đây là bộ Biên niên hoạt động văn học của Hội nhà văn Việt Nam kể từ 1957 đến nay.

Tôi cũng nhớ tới hai quyển nghiên cứu so sánh biến thiên văn bản của các tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ.

Người xưa có câu “trước tác đẳng thân” ca ngợi những người viết nhiều biên soạn nhiều, tới mức nếu xếp chồng các tác phẩm đã in thì đã cao bằng chính chiều cao của người đó trong thực tế.

Tôi không biết có ai làm chuyện này bây giờ với Lại Nguyên Ân hay không, nhưng nếu có người làm, tôi chắc chúng ta sẽ có một hình ảnh anh Ân không thua kém gì các bậc tiền bối.

Tuy nhiên, trong sự nghiệp biên soạn sách của Lại Nguyên Ân thì việc làm bộ tuyển PHAN KHÔI, TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO mới thực là quan trọng, nó là một cái mốc khiến cho trước mắt một người như tôi cảm thấy có một Lại Nguyên Ân vượt hẳn lên so với người đồng nghiệp mà tôi vẫn đã sống cạnh gần ba chục năm trời.

Càng đọc vào càng thấy có một Lại Nguyên Ân phải đi tìm để hiểu đến những ngóc ngách nhất định của đời sống báo chí và văn học tiền chiến.

Càng đọc vào càng thấy có một Lại Nguyên Ân quan niệm về sự nghiệp văn học của một tác gia là rất bao quát và tỉ mỉ.

Càng đọc vào càng thấy hiện lên hình ảnh một con người cẩn trọng, đầy tham vọng mà lại biết từng bước dần dần thực hiện tham vọng của mình.

Tôi thường thầm nghĩ bộ sưu tập Lại Nguyên Ân làm về Phan Khôi là một thứ công việc bắt cá giữa dòng, sự thiện nghệ ở đây để lại dấu vết trên từng chi tiết.

Ròng rã trên hai chục năm trời, trong khi vẫn làm biết bao nhiêu công việc hệ trọng hơn đứt mọi công chức trong nghề, thì Lại Nguyên Ân vẫn có khả năng đi dần tới cái đỉnh cao mà càng đứng xa ra nhìn người ta càng cảm thấy bất ngờ “Ra việc khó thế mà cũng có người làm được!”

Trong một số bài viết và bài trả lời phỏng vấn cho báo chí gần đây, Lại Nguyên Ân đã kể lại khá tỉ mỉ một số bước đi quan trọng trong việc làm bộ sách chính của đời mình. Nào là khi được một nhà xuất bản gợi ý là có thể in loại sách về tác giả này. Nào là khi nhận được những tài liệu đầu tiên của bạn bè. Nào là khi qua tận khoa sử trường đại học Berkeley bên Mỹ cặm cụi ngồi bên màn hình computer đọc từng trang phim chụp báo Việt cũ ở xứ người và có được vài chục kilogram tài liệu photocopy làm hành lý trở về.

Tôi cũng từng có lúc thử làm một số việc sưu tầm trên kho báo chí ở các thư viện và phải thành thật mà thú nhận rằng tôi đã nản lòng vì thấy công việc nhiều khó khăn trở ngại quá, bao gồm đủ loại, vật chất lẫn tinh thần.

Tôi thường nghe nói là các thư viện ở nước ngoài giúp đỡ và tạo nhiều điều kiện cho người biên soạn hơn hẳn các thư viện trong nước.

Nhưng đa số các tài liệu mà Lại Nguyên Ân phải đánh vật để tìm tòi lại ở ngay Hà Nội.

Các thư viện Việt Nam là vậy, cơ sở, trình độ bảo quản cổ lỗ, những cán bộ thư viện đối tác của chúng tôi ban đầu cũng rất thiết tha với sự nghiệp khai thác các nguồn sách báo cũ phục vụ nghiên cứu, nhưng nhiều người cứ nản lòng dần vì thấy công việc thì to lớn quá mà sức mình thì có hạn.

Anh Ân không kể nhiều mà chỉ nói qua rằng mình đã làm bộ sách này ở ba nhà xuất bản khác nhau, nhưng tôi đoán sự làm việc của tác giả một bộ sách lớn như vậy với các vị giám đốc và các biên tập viên làm cái nghề thầm lặng này ở Việt Nam thật là trải qua biết bao nhiêu phiền toái.

Vậy mà Lại Nguyên Ân của chúng ta đã đi suốt hành trình khó khăn đó đến tận ga cuối cùng mà vẫn giữ được an toàn.

Có một điều mà tôi không khỏi ngạc nhiên mỗi khi giở lại bộ PHAN KHÔI, TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO mà tôi đã được tác giả tặng gần như đầy đủ, ấy là dù mở ra bất cứ trang nào ở tập nào tôi cũng vẫn thấy chúng được trình bày một cách trang nhã đúng quy cách, ở đó gần như không có (hoặc có rất ít) những hạt sạn.

Tư duy của Lại Nguyên Ân là một thứ tư duy ổn định – giống như tôi hay nói đùa với anh là một thứ điện 220V – trong khoảng hai lăm năm trời lúc nào cũng như lúc nào, không hề trồi sụt.

Sau hết, khi nhìn lại quá trình Lại Nguyên Ân làm bộ PHAN KHÔI, TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO, tôi muốn nhấn mạnh cái điều, nói cho to tát một chút, tôi tạm gọi là ý nghĩa quốc tế của công trình ở hai khía cạnh.

Một là khi làm công tác biên soạn, Lại Nguyên Ân đã học theo cách làm việc của các tác giả nước ngoài – chủ yếu là các nhà biên soạn sách người Nga, khi họ biên soạn các bộ tuyển tập, toàn tập của các tác giả kinh điển của họ. Cũng cần phải nói thêm là ở nước Nga thời Xô-viết cũng như ở nước mình, loại nhà nghiên cứu chỉ thích lao vào chuyên luận thì rất đông, còn loại cán bộ nghiên cứu lặng lẽ tỉ mỉ chăm lo cho các văn bản, cam phận nhẫn nhịn làm những công việc trong bóng tối, là loại người khá hiếm hoi, nhưng chính những người đọc sách có ít nhiều kinh nghiệm về xuất bản như bọn tôi thì lại đặc biệt kính trọng họ. Tôi biết anh Ân đã nghĩ tới những người này khi làm công việc của mình.

Hai là công việc anh Ân đã làm không tách rời không khí nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam hai ba chục năm nay, khi nhiều nhà nghiên cứu Âu Mỹ có điều kiện vào Việt Nam trao đổi với các nhà nghiên cứu chúng ta, đặt hàng chúng ta, chỉ ra cho chúng ta những việc cần làm, nhiều khi lại còn mách cho chúng ta cách quan hệ với các cơ quan tài trợ và sưu tầm giúp tài liệu. Trong khi nhiều đồng nghiệp đứt gánh giữa đường thì Lại Nguyên Ân là người đã tận dụng được sự giúp đỡ đó và đi được tới những bước cuối cùng, tức không phụ mọi sự kỳ vọng của những bạn bè ngoài nước đó.

Trong khi đạt tới ý nghĩa quốc tế như tôi nói trên – ý nghĩa quốc tế ở đây một phần được hiểu là đạt tới trình độ của các nhà nghiên cứu ở nước ngoài – thì Lại Nguyên Ân đồng thời cũng đã có thêm được một công trình mà tôi tin sẽ ở lại với các thế hệ nhà nghiên cứu trẻ trong nước, việc đó đồng nghĩa đưa sự lao động nghiêm túc và chuẩn mực của mình vượt cái khung thời gian hạn hẹp mà chúng ta đang sống để còn lại với vĩnh viễn.

Tháng Tám 2020

Nguồn:

Tiền phong chủ nhật, H., s. 222 (9.8.2020)

Comments are closed.