Nguyễn Xuân Xanh
CHÚNG TA TRÔNG NGÓNG ĐƯỢC VỀ NHÀ, NHƯNG KHÔNG BIẾT ĐI ĐÂU …
WIR SEHNEN UNS NACH HAUSE, UND WISSEN NICHT, WOHIN …
Joseph von Eichendorff
Bertolt Brecht 1937 (1898-1956) (New York Times. Credit: Fred Stein/dpa picture-alliance, via Associated Press)
Cùng bạn đọc,
Ngày 10 tháng 2 năm nay, 2023, Bertolt Brecht tròn 125 tuổi. Dĩ nhiên ông đã mất từ lâu (1956), tại Berlin Đông. Những ngày đó tôi có ý định làm một trang kỷ niệm ông, nhưng lực bất tòng tâm. Tài liệu của tôi, bài viết, bản dịch từ thời gian sống ở Đức giờ không biết chúng nằm đâu trong tủ sách của tôi.
Nhưng giờ năm cũ sắp hết, tôi cảm thấy cần phải viết vài điều, dù ngắn, và đăng vài bài thơ của ông mà vài người bạn tôi đã dịch. Tại sao lại quan tâm đến Bertolt Brecht? Chúng tôi không phải là nhà văn, hay phê bình văn học, mà chúng tôi những năm 1980 đã “sống cùng” với Brecht một phần đời. Hai trong ba chúng tôi lúc đó làm tờ báo in Phù Sa để viết lách. Không khí lúc đó trong sinh viên “ảm đạm”. Mất phương hướng, thất vọng là phổ biến. Chúng tôi cảm thấy phải tự phát triển mình độc lập. Đó là giai đoạn khó định hướng mà mỗi người phải tự tìm tòi con đường khi tiếng súng đã im. Chúng tôi đã sống với chính trị quá lâu, thụ động quá lâu. Nay yếu tố chính trị không còn nữa. Chúng tôi muốn “sống thật” với chính mình, với những gì mình có, và những gì mình sẽ đi tìm. Văn hóa là một lựa chọn gần gũi nhất. Nước Đức là “dân tộc của nhà thơ và nhà tư tưởng”, như câu châm ngôn thường nói. Còn chúng tôi là “con cháu của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm”? Nhưng vốn văn hóa trung học của chúng tôi chẳng là bao khi đứng trước nền văn minh phương Tây đồ sộ. Mặt khác, cuộc sống trước mặt làm chúng tôi chật vật trong việc định hướng. Nó cuốn hút và làm cho thời gian của mình bị tiêu pha hoàn toàn bởi lao động vì tồn tại. Mùa Xuân là thời gian đẹp nhất của năm, nhưng chúng tôi cứ ao ước giá mình được tự do để tận hưởng cảnh đẹp của đất trời! Cho nên chúng tôi cố gắng làm tờ Phù Sa để sống với những giá trị nhân văn cần được phát triển. “Diễn đàn văn hóa sông Spree/Ngày thì ‘đứng máy’ tối về làm thơ.” Spree là con sông nhỏ đẹp chảy qua Berlin làm cho nó thơ mộng thêm. Có diễn đàn, chúng tôi bắt đầu viết lách và học hỏi. Làm báo lúc đó sao sướng, vì tự do, có phải xin phép ai đâu?
Những năm 1980 dư âm của sự phản kháng xã hội còn mạnh mẽ từ phong trào phản kháng trước đó, mặc dù thế giới đã bình yên. Riêng tôi, tôi không thể hòa tan mình vào xã hội trước mặt. Có lẽ tự “bản chất” mình? Có một sự phản kháng thầm lặng bên trong. Tôi là người sống khác hơn cuộc sống bürgerlich công dân trung lưu, từ chối cuộc sống của văn hóa tiêu thụ dù chỉ là biểu hiệu. Suốt hai mươi năm ở Đức, tôi không có một TV. Kể từ cái chết đột ngột của nhà văn phản kháng Peter Weiss (1916-1982), người rất ủng hộ Việt Nam, tôi đọc sách rất nhiều, tất cả tự tìm tòi. Cái chết của Peter Weiss như đã gây ra một sự biến đổi trong tôi. Tôi bắt đầu đi tìm một thế giới mới để thay cho thế giới trước mặt. Tôi đọc Peter Weiss, Brecht, Einstein, Maxim Gorki, Rosa Luxemburg, Hölderlin, Strindberg, van Gogh, Schlegel, Goethe, Schiller, Kafka, Tolstoi, Marx, Engels, Lukács, Gramsci, Jung, và nhiều nhà văn, tư tưởng, khoa học khác. Đi la cà hết nhà sách này đến nhà sách khác, những chỗ bán sách cũ lẫn sách mới là một cái thú khám phá của tôi. Tôi cũng siêng năng ghi chép lại hằng ngày những gì đi qua đầu tôi, những gì tôi đọc được từ sách vở, báo chí. Đó cũng là cách tôi “tập viết”. Viết cho Phù Sa cũng là tập viết. Viết là giải phóng, làm cho tôi tự do hơn. “Càng ngày không hiểu tại sao tôi thèm viết, những lúc làm chuyên môn, những lúc ít thì giờ lại là những lúc tôi thèm viết nhất”, như tôi ghi lại trong nhật ký.
Dần dần tôi đã tạo cho mình một thế giới riêng, khác với thế giới trước mặt đã bị biến đổi sâu xa được nhà thơ Heinrich Heine diễn tả như sau:
Những bông hoa vĩ đại nhất của tinh thần Đức là triết học và thi ca. Thời hoàng kim này đã qua; nó đòi hỏi sự yên tĩnh bình dị; Nước Đức giờ đây đã bị cuốn vào sự chuyển động, tư tưởng không còn vị tha, sự thật thô thiển len vào thế giới trừu tượng của nó, toa xe lửa chạy bằng hơi nước gây ra một cảm xúc run rẩy cho chúng ta, làm cho thơ bị chết, khói than làm cho chim hót sợ hãi bay đi, và mùi đèn gas phá hỏng những đêm trăng thơm ngát.
Quê hương thi vị như Heine quan niệm vĩnh viễn không còn nữa. Và có lẽ những nhà thơ lớn cũng biến mất theo. Brecht là con người phản kháng chống lại nhiều thứ ước lệ, trong đó có thứ sống bürgerlich, cho nên dễ trở nên “đồng minh” của chúng tôi. Ông giúp chúng tôi đứng vững, có niềm tin trong những ngày tháng khó khăn, và là nguồn cảm hứng của chúng tôi để sáng tác. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch vô cùng sáng tạo, Thơ của ông là thơ lý tính, biện chứng và trí tuệ, nhưng cũng không thiếu phần trữ tình. Các giai thoại lịch sử, dù ở Trung Hoa hay ở các lục địa khác, dưới ngòi bút ông dễ dàng biến thành thơ. Đọc ông, chúng tôi cảm thấy mình trở nên sáng tạo hơn. Peter Weiss đã viết trong nhật ký:
Trải nghiệm với Brecht, lần đầu tiên tôi nhìn trực tiếp vào quá trình viết lách của ông. Mỗi xung động (Impuls), mỗi nhận xét nhỏ nhất đều bén rễ (ở tôi), lớn lên, thành hình dạng – tất cả trở thành sáng tạo.
Tôi hiểu ra rằng, lao động đơn điệu, dù là trí óc, lâu ngày sẽ dẫn tới sự cùn mằn tinh thần, tê liệt óc sáng tạo, như Adam Smith nói, nếu thiếu đi mảnh đất văn hóa màu mỡ tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn và khối óc. Từ những năm 1980 ở Berlin, tôi đã trở thành con người mới. Tôi nhớ những lời thổ lộ của Tolstoi: “Từ 1877 tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Những gì trước đó đều không tính.”
Sau Thế chiến II, khác với nhiều trí thức Đức, Brecht là một số ít người không trở lại Tây Đức, phần đất có nơi sinh của ông (Augsburg) và thủ đô Berlin mà ông từng sống và sáng tác trong không khi văn hóa rất sôi nổi, mà chọn định cư ở Đông Đức. Nhà triết học Ernst Bloch cũng là một người có sự lựa chọn như thế. Brecht muốn xây dựng một quê hương mới nhân bản để con người có đầy đủ những thuộc tính văn hóa con người như ông từng đấu tranh và mong ước. Nhưng trớ trêu thay, kết cục không được như thế. Những năm cuối cùng, ông lấy thêm quốc tịch Áo. Ernst Bloch, tác giả của bộ sách nổi tiếng Prinzip der Hoffnung (Nguyên lý của Hy vọng) thì bỏ qua Tây Đức. Brecht có những bài thơ bày tỏ sự “cay đắng” và thất vọng. Ông muốn có một quê hương mà chẳng được. Ông mất năm 1956 ở tuổi 58, còn quá trẻ.
Dưới đây tôi xin đăng vài bài thơ của Brecht, rất đặc trưng. Tiếp theo đó là bài Gửi những người mai sau (An die Nachgeborenen) rất nổi tiếng của Brecht mô tả thời đại ông mà ông đã đi qua và thái độ sống của ông. Bản dịch của nhà thơ Trần Dần. Những chỗ in màu xanh là của tôi bổ túc cho đúng nghĩa hơn, do Trần Dần sử dụng bản tiếng Pháp có những chỗ chưa sát nghĩa. Tiếp tục là hai bản dịch của Phương Nam và Phan Kim Hổ (qua links).
Tôi viết những dòng này trong sự vội vã để kịp post lên trong những giờ cuối của năm 2023, để vẫn còn chút gì “đúng hẹn” với Brecht, nên chắc chắn có nhiều sơ suất. Xin bạn đọc lượng thứ. Hẹn gặp lại các bạn năm mới 2024. Chúc các bạn một năm mới an lành, khỏe mạnh, và tiếp tục sáng tạo.
Nguyễn Xuân Xanh
Ngày cuối năm 2023
Wahrnehmung (Nhận thức)
Khi tôi trở về
Tóc tôi vẫn chưa hoa râm
Vui làm sao
Những nhọc nhằn của núi rừng đã qua
Phía trước những nhọc nhằn của đồng bằng còn đang chờ đợi.
Brecht
Bia tưởng niệm cho M. (Epitaph für M.)
Thoát khỏi bầy cá mập
Hạ được đám cọp beo
Nhưng lại bị xơi tái
Bởi mấy đàn chấy rận.
Brecht
Thay bánh xe (Der Radwechsel)
Tôi ngồi bên vệ đường
Thấy người lái xe thay bánh
Tôi đến từ nơi tôi không muốn đến
Tôi đi về nơi tôi chẳng muốn đi
Sao lại nhìn việc thay bánh xe
Một cách nóng ruột vậy?
Brecht
Giải pháp (Die Lösung)
Sẽ không dễ dàng hơn sao
Trong trường hợp đó đối với chính phủ
Giải tán nhân dân
Và chọn một nhân dân khác?
Brecht
Chỗ yếu (Schwächen)
Em không có
Tôi có một:
Bởi tôi yêu
Brecht
Về bạo lực (Über die Gewalt)
Dòng sông chảy xiết như thác thì bị gọi là bạo lực
Nhưng đáy sông ép nó lại
Không ai gọi là bạo lực.
Cơn dông bẻ cong những cây phong
Thì bị cho là bạo lực
Nhưng còn cơn dông
Bẻ cong lưng những người thợ làm đường thì sao?
Brecht
Khi ý thức văn chương của một người cạn kiệt, anh ta như đã mất.
Brecht
Có nhiều cách giết (Es gibt viele Arten zu töten)
Người ta có thể đâm dao vào bụng bạn, tước đoạt bánh mì bạn, không chữa bệnh cho bạn, quẳng bạn vào một căn hộ tồi tàn, tra tấn bạn đến chết bằng công việc, đẩy bạn đến chỗ tự tử, dẫn bạn đến chiến tranh, v.v. Chỉ một số ít thứ trong đó bị cấm trên đất nước của chúng ta.
KÝ ỨC VỀ MARIE A.
Erinnerung an Marie A.
Bertolt Brecht
Phương Nam và Thiên Lý dịch
1
Ngày thu trong ánh trăng xanh
Không gian êm ả dưới cành mận non
Vòng tay ôm giấc mơ ngon
Xanh xao thầm lặng tình son thuở nào
Những ngày xưa, đẹp làm sao
Trời hè thật trắng mây cao trên đầu
Bồi hồi ta ngắm thật lâu
Ngẩng đầu nhìn lại, mây đâu mất rồi
2
Tháng ngày lặng lẽ dần trôi
Còn đâu gốc mận ta ngồi thuở nao
Cuộc tình-bạn hỏi ra sao?
Những gì quá khứ đã vào lãng quên
Không, tôi chẳng nhớ gì thêm
Chỉ biết ngày ấy hôn lên mặt người
3
Nụ hôn cứ ngỡ quên rồi
Nếu không có đám mây thời đã qua
Trắng sao mây tự trời xa
Luôn ghi nhớ mãi theo ta bên lòng
Mận xưa chắc vẫn trổ bông
Hẳn người yêu cũ tay bồng tay mang
Đám mây ngày ấy chóng tàn
Ngẩng đầu lên, đã theo làn gió bay!
Berlin, 10/1984
TRUYỀN THUYẾT VỀ SỰ HÌNH THÀNH ĐẠO ĐỨC KINH TRÊN ĐƯỜNG LÃO TỬ ĐI Ở ẨN
Legende von der Entstehung des Buches Tao Te King auf dem Weg des Laotse in die Emigration
(1938)
Bertolt Brecht
Phan Kim Hổ dịch (01.04.2023)
Khi tuổi đã 70 và dần yếu sức
nhà hiền triết cũng muốn ngơi tay
vì trong nước đã suy đồi đạo đức
và cái ác hoành hành ngày ngày.
Và ông thắt dây giày.
Và ông gói ghém những gì cần tới:
Ít thôi. Mà thành đủ thứ nọ thứ này.
Như tẩu thuốc ông luôn hút vào buổi tối
và quyển sách nhỏ ông đọc hàng ngày.
Bánh mì trắng mắt ước chừng vừa phải.
Khi rẽ vào đường leo lên núi
ông vui ngắm thung lũng thoảng qua.
Và con bò vẫn ung dung cắm cúi
vừa gặm cỏ non vừa chở cụ già.
Vì theo ý ông bò cứ nhẩn nha.
Nhưng qua ngày thứ tư trong núi đá
viên quan trấn ải chặn đường họ:
“Có gì đắt tiền cần khai thuế?” – “Không gì cả.”
Và chú bé dắt bò nói, “Ông ấy đã dạy học trò.”
Và sự việc giải thích như thế là rõ.
Chợt người đàn ông vui mừng luống cuống
hỏi tiếp: “Ông có khám phá điều gì chăng?”
Chú bé nói: “Nước dù mềm khi chảy xuống
chiến thắng viên đá cứng với thời gian.
Bác hiểu chứ, cứng rắn thua khi thi gan.
(Còn tiếp)
Với bài này, Brecht muốn làm cho cộng đồng những người trốn chạy Hitler lấy lại niềm tin rằng, bạo lực, dù tàn bạo đến đâu, cuối cùng cũng sẽ thua cuộc.
GỬI NHỮNG NGƯỜI MAI SAU
An die Nachgeborenen
Bản dịch: Trần Dần; tu chỉnh (những chỗ in màu xanh): Nguyễn Xuân Xanh
I
Quả tôi sống những ngày đen tối lắm!
Những lời nói ngây thơ là lời nói điên rồ
Vầng trán phẳng lì đồng nghĩa với vô tri
Ai cười đó, chính là chưa hay tin dữ.
Thời thế gì
Mà nói đến cỏ cây
Cũng như đã phạm vào tội ác
Vì nó làm ngơ đi bao nhiêu sự kinh tởm quanh mình!
Ai người đó, đang bình thản đi trên phố
Chắc chẳng thể nào còn đến được
Bạn bè anh đang lúc khốn cùng?
Tôi còn kiếm được miếng ăn, đúng vậy
Nhưng hãy tin tôi: đó là chuyện rủi may.
Chẳng có gì tôi làm
Đáng cho tôi được no đủ
Sự may rủi đã chừa tôi ra đó.
(Khi may mắn không còn, đời tôi sẽ hết.)
Người ta bảo tôi: anh hãy uống hãy ăn
Hãy vui đi những gì tôi có!
Nhưng tôi uống tôi ăn sao được
Khi mỗi miếng ăn
Là cuớp đi của người đang đói
Và cốc nước tôi
Là phần của người đang khát?
Thế mà tôi vẫn uống, vẫn ăn.
Tôi cũng muốn trở nên nhà hiền triết.
Sách cổ còn ghi hiền triết nghĩa làm sao
Đứng ngoài cuộc giao tranh trên cõi tục
Không sợ hãi – sống thời gian ngắn ngủi
Cũng không cần (đến) bạo lực
Lấy ơn (để) trả oán
Những ham muốn, quên đi, đừng thỏa mãn
Hiền triết phải là như thế đó
Nhưng tất cả mọi điều này tôi chẳng thể làm theo:
Quả tôi sống những ngày đen tối lắm!
II
Tôi đến các thành phố vào thời loạn lạc
Cũng vừa khi nạn đói hoành hành
Tôi đến giữa đám đông (thời) đang bạo loạn
Và cả tôi cũng phẫn nộ theo.
Như thế qua đi cái quãng tháng năm
Phần tôi được sống trên quả đất.
Tôi ăn bữa ăn giữa các trận giao tranh
Tôi nằm ngủ bên cạnh những kẻ giết người
Tình ái đó, tôi chỉ yêu lơ đãng
Còn thiên nhiên, tôi chẳng bận tâm nhìn
Như thế qua đi cái quãng tháng năm
Phần tôi được sống trên quả đất.
Thời tôi sống,
Bao đường sá dẫn đến nơi bùn lội,
Ngôn ngữ phản tôi cho tên đao phủ
Sức tôi nhỏ. Nhưng thiếu tôi, bọn thống trị
Sẽ ngồi trên quyền lực chúng vững vàng hơn
Như thế qua đi cái quãng tháng năm
Phần tôi được sống trên quả đất.
Sức lực nhỏ bé.
Cái đích còn xa, xa lắc đàng xa
Nhưng vẫn rõ – Dù tôi không dám nghĩ
Có thể nào vươn tới được
Như thế qua đi cái quãng tháng năm
Phần tôi được sống trên quả đất.
III
Các anh, những người sẽ vượt lên những làn sóng dữ
Nơi chúng tôi đã bị nhận chìm.
Hãy nghĩ kĩ khi các anh nhắc đến
Những yếu hèn của lớp chúng tôi
Đến thời gian đen tối
Mà các anh đã thoát được
Vì chúng tôi đi – đổi nước nhiều hơn đổi giày đi,
Qua các cuộc đấu tranh giai cấp. Tuyệt vọng
Khi thấy bất công mà không thấy phẫn nộ.
Mặc dầu, lớp chúng tôi đều biết:
Căm thù sự đê tiện
Cũng sẽ làm biến dạng mặt ta đi
Giận dữ sự bất công
Cũng sẽ làm giọng người ta khản đục. Ôi! Chúng tôi,
Những kẻ muốn tạo nên một miếng đất thương yêu
Mà chẳng thể thương yêu nhau được
Nhưng các anh, khi đến thời ao ước đó
Khi con người là bạn của con người
Hãy nghĩ đến chúng tôi
Với sự độ lượng.
Bertolt Brecht
Bản gốc của Trần Dần và bản gốc tiếng Đức của Brecht có thể xem ở đây:
Thơ Bertolt Brecht: Gửi những người mai sau
Xem thêm hai bản dịch của Phương Nam và Phan Kim Hổ:
-
Thơ Bertolt Brecht (Phan Kim Hổ dịch) 31 Tháng Mười Hai, 2023
-
Thơ Bertolt Brecht (Phương Nam dịch) 31 Tháng Mười Hai, 2023