Cầm Thư quán (Kỳ 3)

Tiểu thuyết

Hà Thủy Nguyên

XIII

Cổng tam quan với tấm biển “Đông Long tự” nhoà trong màn mưa bụi phất phơ. Nắng nhàn nhạt chạy theo giọt nước lung linh rơi xuống sân gạch nâu bóng loáng. Mưa trơn tuột trên lá cỏ dài. Chuông chùa nện ba hồi nghe xa vắng đến nao lòng.

Ngọc Thư và Ngọc Cầm mặc mưa ẩm xiêm y, vẫn nhẹ gót hài bước qua cổng tam quan. Trong chùa tiếng tụng kinh ê a như gọi oan hồn từ một cõi mênh mang nào đó theo hương khói trở về.

Hai nàng chắp tay khấn trước lư hương trong sân chùa Hạ. Ngọc Cầm liếc mắt về phía mái hiên gần ao nước. Ngọc Thư trở gót đi, Ngọc Cầm vội vã đi theo.

Qua chùa Trung rồi tới chùa Thượng… Ngọc Thư dừng bước bên bàn trà của vị trụ trì. Nắng nhẹ chiếu qua mái chùa làm bừng lên màu trắng tinh khiết của những bông lan đang rung rinh.

– Thưa trụ trì… đây là Ngọc Cầm, em gái con…

Trụ trì khẽ lướt qua rồi lẩm bẩm: “Mô Phật!” Ngọc Thư mỉm cười tiếp lời:

– Ngày nguyên tiêu khách thập phương lại nhiều, con muốn dẫn em con lên chùa từ mười ba để được nghe trụ trì giảng về đạo…

Ngọc Cầm vẫn lơ đãng nghĩ tới ao nước trong chùa. Vị trụ trì mỉm cười nhân từ:

– Con thuyền lang thang giữa bể mơ… Khi cập bến ấy là lúc tỉnh mơ… Tiếc thay lẽ đời chẳng ai muốn tỉnh!

Ngọc Thư nhấp một ngụm trà:

– Nhưng thưa trụ trì… Liệu có phải rằng lúc cập bến ấy cận kề cùng lẽ diệt…

– Hãy quên sự diệt đi… Mưa đọng trên mái rêu phong và lại biến đi đâu mất. Mưa đã diệt ư?

Ngọc Cầm thở một hơi dài… Nàng đứng dậy chắp tay:

– Thưa trụ trì, thưa chị, em muốn được vãng cảnh chùa…

– Được, con hãy đi đi… – Trụ trì xua tay.

Dáng Ngọc Cầm khuất dần sau chùa Trung, trụ trì mới lên tiếng:

– Em gái con là người chìm đắm giữa biển mơ… e rằng sẽ không bao giờ chịu tỉnh.

Ngọc Thư ngước mắt nhìn bầu trời âm u:

– Con cũng chẳng biết làm sao! Chỉ có thể cầu trời Phật phù hộ cho Ngọc Cầm tiêu diêu, tự tại… Chẳng cách nào khác, kẻ tầm thường chỉ dám vui đạo dưới cõi trần thôi…

——-

Chú thích: Tức chùa Kim Liên ngày nay

XIV

Ngọc Cầm bước vội tới ao nước. Ao nước lốm đốm màu tím của những bông súng thanh thoát. Những bông súng không một chút cuốn hút Ngọc Cầm, nàng đang mê mẩn ngắm những bức thuỷ mặc treo dưới mái hiên ven bờ.

Sự lung linh của giọt sương đọng trên ngọn măng non… Đôi bướm trắng lượn vòng đón xuân… Một con thuyền mơ chìm đắm giữa sông trăng… Hồn nhiên thay! Ma quái thay! Ba bức tranh treo cạnh nhau cuốn lấy ánh mắt của nàng. Ngọc Cầm xiết chặt vạt áo. Những ngón tay nàng lúng lúng…

Cánh hoa đào rụng đầy hiên, điểm cho màu đất đen một vẻ tươi hồng. Ngày mai, những cánh hoa ấy cũng chỉ biến thành cát bụi!

… Chiều mười bốn, Ngọc Cầm vẫn khoác mưa vào chùa Đông Long. Cánh hoa hồng nhạt bám đầy trên vạt áo trắng tinh của nàng. Trên tường đã treo ba bức tranh khác.

Mưa thấm vài giọt vào bức tranh. Ngọc Cầm căng vạt áo lau nước đọng. Ai ngờ mực chưa khô. Những cây trúc ngả nghiêng trong gió bị nhoà đi không rõ lá cành.

Ngọc Cầm ngẩn ngơ hồi lâu thật chẳng biết phải làm sao. Nàng đành đợi. Nàng ngồi tựa vào bao lơn quanh ao mắt đăm đăm nhìn về phía những bông súng tím. Biết bao con bướm đậu lên vai nàng rồi lại bay… Biết bao những con chim vụt qua cất lên tiếng hót cao vút và biến mất… Mặt trời lên cao xuống thấp… Chủ nhân của những bức tranh vẫn cứ bặt tăm hơi.

Mưa càng lúc càng dầy… Hoa rụng mỗi lúc một nhiều… Những bức tranh đã nhoè hết, nét đậm lẫn vào nét nhạt.

Chuông chùa nện mấy tiếng khơi vơi. Trăng mười bốn sáng đùng đục. Hơi lạnh thấm dần qua kẽ áo vào da thịt Ngọc Cầm.

Nàng lại thấy biển… Biển chìm trong màn mưa xuân … Mưa nén biển lặng. Nước mặn đang thở ư? Hay màn mưa kia đang thở? Mưa dìm những cánh hải âu mệt mỏi, ủ rũ.

Tiếng rít của một con mèo hoang kéo tuột Ngọc Cầm trở về cạnh chiếc ao nhỏ. Đêm đã khuya tự khi nào, trên người nàng phủ một tấm áo bào đậm mùi mằn mặn. Những chiếc tranh nhoè đã được cất đi lúc nào chẳng biết… Trong tay Ngọc Cầm là một nhành đào hoa nở rộ vẫn khoe hồng dưới ánh trăng phủ lớp mưa mù…

Ngọc Cầm bâng khuâng. Trăng rơi theo mưa xuống tấm áo bào bằng vải thô đã cũ, nhuốm bụi đường và sương gió giang hồ. Con mèo hoang vẫn tru tréo gọi bạn tình trên mái tam quan… Tiếng chuông chùa chẳng cứu được màn đêm cứ tan dần… tan dần… theo sương.

Gót sen nhẹ bước bỏ lại ao súng tím chìm trong đêm xuân. Trong từng bước đi, nàng còn đem theo cả cơ man nào là cánh hoa rơi chốn Thiền môn về tới Cầm Thư quán.

XV

Ngọc Cầm trở về thư quán mà lòng vẫn còn ngơ ngẩn. Nét vẽ mờ ảo, huyền diệu của cái kẻ chưa biết mặt ấy cứ ám ảnh nàng trên đường về… Lúc nó xuất hiện như một ảo ảnh dưới ánh trăng! Lúc nó thành một con bướm ma lượn lờ trước mắt nàng.

Ngọc Thư vẫn ngồi dưới ánh đèn đợi nàng. Ngọc Cầm đẩy cửa bước vào.

– Tại sao chị không đi tìm em?

Ngọc Thư đặt cuốn sách xuống:

– Việc em về muộn và việc chị không tìm em thì có khác gì nhau đâu… Nguyên cớ của chị khó giải thích thì chị cũng không bắt em giải thích nguyên cớ của em…

Ngọc Cầm vuốt tấm áo bào thô cho phẳng phiu cất vào dưới gối.

– Phật dạy rằng mọi sự bắt đầu hay kết thúc đều do duyên nợ, phải không chị?

Ngọc Thư bật cười, có chút gì đó thê lương trong chuỗi âm thanh trong trẻo đó:

– Nhưng duyên thì ít mà nợ thì nhiều… Cái duyên kỳ ngộ sẽ mang theo nó cái nợ ba sinh… Đừng lấy thế làm vui mà cũng đừng lấy làm điều băn khoăn lo lắng.

Ảo ảnh của những bức tranh nhoè mực lại hiện về giữa khói nhang trên bàn thờ. Ngọc Cầm lắc đầu. Nàng xé vạt lụa bị nhuốm mực đen. Trong mùi mực có một vị mằn mặn khó diễn tả.

– Thánh thượng tới tìm em đấy!

Câu nói lôi nàng ra khỏi sự ám ảnh của những bức tranh thuỷ mặc. Nàng vén bức rèm. Con thuyền quen thuộc vẫn lững lờ giữa màn mưa giăng giăng ánh trăng.

Ngọc Cầm đột ngột rùng mình nghĩ tới cái cảm giác rờn rợn dưới lưng khi nằm trên nền gỗ.

– Theo chị thì thánh thượng có biết vẽ tranh không?

– Thánh thượng chỉ nên làm thánh thượng thì hơn…

Ngọc Cầm treo cây tì bà lên tường. Nàng ngả lưng xuống giường.

– Những bài thơ của thánh thượng liệu có là sáo rỗng… Khúc “Hải du” của em liệu có vô nghĩa?

Ngọc Thư gấp cuốn sách lại. Nàng thổi tắt ba ngọn đèn thắp trong phòng.

– Còn chị đang nghĩ về một sự vô nghĩa khác…

Một con mèo hoang nào đó lại chạy ngang qua căn nhà nhỏ của hai chị em. Nó gào một hơi dài gọi xuân. Chẳng biết trong đêm tối nó có nhìn thấy trước mắt là mặt hồ rộng mênh mông không còn một nóc nhà nào khác.

– Nếu chị từ bỏ Cầm Thư quán, em từ bỏ khúc “Hải du”, sống làm vợ của một vị triều thần, thậm chí làm quí phi của thánh thượng, sẽ ra sao nhỉ?

– Hoặc thà rằng thành một kỹ nữ chốn lầu xanh chắc cũng đỡ mệt mỏi…

Ngọc Thư bật cười. Một con mèo hoang khác hình như cũng ghé qua nóc nhà. Nó rên lên mấy tiếng thê thiết. Hai con mèo thi nhau kêu gào trong màn mưa. Chẳng biết chúng có nhận ra rằng trăng đêm nay tuy không sáng nhưng đẹp tới mơ hồ hay không nữa!

XVI

Ngọc Thư thức dậy bởi một mùi khét khét bay từ ngoài vườn vào. Nàng khẽ nhíu mày mở toang cửa sổ ngó ra vườn.

Dưới khóm tre, Ngọc Cầm đang đốt một đống lửa lớn, khói lẫn tro nghi ngút. Ngọc Thư bật dậy, chạy vội ra ngoài. Lửa đang huỷ hoại dần xiêm y của những thiếu nữ trong bức tranh hàng ngày nàng treo trên tường nhà.

– Em đang làm gì thế?- Ngọc Thư sẵng giọng.

Ngọc Cầm vẫn lẳng lặng, mắt nàng không rời ngọn lửa. Màu đen của tro lan nhanh trên nền giấy trắng.

– Hôm qua em đã nói với chị về sự vô nghĩa…

– Chị không biết ngày hôm qua em đã gặp việc gì, nhưng những bức tranh kia…

Ngọc Cầm nhếch mép:

– Chúng vốn dĩ đã chết từ lâu rồi…

Ngọc Thư nhìn lên trời, trời u ám lạ! Mưa chấm những chấm lạnh lên da mặt nàng.

– Em quá tàn nhẫn… Ngọc Cầm… Huỷ hoại một bức tranh có khác gì huỷ hoại một sinh linh!

– Tội lỗi với em cũng là một sự vô nghĩa! Chị là người đề cao Thiền tông mà sao không thể đối cảnh vô tâm được?

Ngọc Thư giận dỗi bỏ vào phòng. Nàng thẫn thờ nhìn khắp căn phòng. Nào là sách… nào là sách… và khoảng trống thiếu vắng những bức tranh. Nếu một ngày mai lửa tấn công vào những kệ sách thì nàng sẽ ra sao? Tứ Thư Ngũ Kinh, Bách gia chư tử hay Thiền Uyển tập anh rồi thì cũng sẽ vô nghĩa trước lửa. Nàng giật mình! Cũng may Ngọc Cầm chưa mang mấy kệ sách của nàng hoả thiêu!

Chẳng nói chẳng rằng, Ngọc Cầm lại rời nhà. Ngọc Thư chỉ biết nhìn theo dáng em mờ dần sau cơn mưa mù.

Nàng bước ra vườn. Đống tro tàn ẩm ướt như đất vì mưa xuân. Nàng khẽ đặt tay xuống đống tro xám. Vẫn âm ấm hơi lửa. Ngọc Thư bới đất. Đám cỏ xanh non bị đốt héo bật tung lên. Đất xuân mềm và ướt, chắc nịch và dịu dàng như một cô thôn nữ.

– Xin hỏi tiểu thư đây có phải là Cầm Thư quán không ạ?

Một giọng nói lạ bất ngờ từ đâu tới. Ngọc Thư ngẩng đầu nhìn về phía cửa. Đó là một nhà sư đã gần ba chục, từng nét mặt như được hoạ bằng thứ mực Tàu đẹp nhất dưới ngòi bút của một hoạ sĩ tài hoa. Ngọc Thư mất hồn hồi lâu.

– Dạ thưa vâng, mời thầy vào thư quán…

Nàng đứng dậy bối rối mở cửa, trên tay vẫn còn lấm lem đất.

– Tiểu thư đang bận gì vậy, tôi có thể giúp…

Ngọc Thư ngượng nghịu nhìn đống tro tàn lẫn với đất ẩm chẳng biết giải thích ra sao cho phải lẽ. Nàng càng thấy khó xử hơn khi nhà sư cứ nhìn vào đôi tay trắng muốt đang nhem nhuốc của mình. Hai má nàng đỏ bừng.

– Chỉ là một đồ vật trong nhà bén lửa cháy, tôi muốn táng cho nó thôi…

Nhà sư mỉm cười từ tốn như đức Phật thấy chúng sinh hành đạo, xắn tay áo ngồi bệt xuống đất, cùng đắp mộ cho đống tro tàn.

– Phiền thày quá…

– Không có gì, hoá sinh là việc nên làm…

Ngọc Thư càng bội phần khó xử. Nàng chỉ dám nhìn xuống mặt đất, nơi bàn tay thô ráp của nhà sư vẫn vốc từng nắm đen chồng lên nhau. Một tay nhà sư vẫn lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm kinh Kim Cương tụng dẫn hồn về cõi Niết Bàn. Càng lúc, tiếng tụng kinh càng khiến Ngọc Thư loạn trí. Nàng thấy xung quanh nhà sư có hào quang ngũ sắc, chẳng lẽ lại là Phật thật. Điều ấy không đáng tin!

– Thày đợi tôi vào nhà lấy nước rửa tay…

Nhà sư không trả lời. Ngọc Thư bước nhanh vào nhà. Nàng vẫn còn cảm giác tấm áo cà sa của nhà sư chạy theo nàng tới tận thuỷ đình. Bóng mưa lất phất ngoài mặt hồ ảm đạm. Những ngón tay dài, gày guộc thọc sâu xuống đất và lần tràng hạt, bám chặt lấy đôi mắt trong vắt như trân châu của nàng. Ngọc Thư dựa vào thành bàn, bàn rung nhẹ, những cánh hoa rơi như mưa xuống đất…

Nàng múc một chậu nước bưng ra vườn. Lạ thay! Nhà sư đã chẳng còn ở đó. Ngọc Thư chỉ còn thấy trên nấm mộ là một cuộn giấy chắc của nhà sư để lại.

Nàng mở cuộn giấy ra xem! Một bức tranh!

Một thiếu nữ bước đi dưới ánh trăng. Tấm lưng nàng thon nhỏ trong tà áo trắng. Chiếc thắt lưng hồng đong đưa, gợi tình… Tà váy buông lơ đãng tựa bị gió thiêng đưa về miền cực lạc. Dưới gót hài trắng của nàng vương những cánh hoa đào hồng phớt buồn man mác!

Có tiếng mõ cầu hồn vang lên trong tim Ngọc Thư… Bức tranh ấy dành tặng Ngọc Cầm.

XVII

Ngọc Cầm uể oải bước vào nhà. Mưa vương đầy trên tóc và trên áo nàng. Theo từng gót hài của nàng là những cánh hoa đào rải đầy mặt đất.

– Chị đã chôn những bức tranh ấy rồi…

Ngọc Cầm vẫn có vẻ không để ý. Nàng bấm những dây đàn rất mạnh. Đôi vai nàng run lên.

Ngọc Thư bước lại thật nhanh, nàng giữ chặt cây đàn.

– Chuyện gì đã xảy ra với em thế?

Ngọc Cầm bật cười một tràng dài:

– Chị thì làm sao mà hiểu được… Hãy mặc em và chăm lo cho thư quán của chị thì hơn!

Cây đàn rơi xuống đất! Một sợi cước đứt tung.

– Những bức tranh không có tội… Em sẽ bị chúng quả báo đấy…

Ngọc Cầm nhắm mắt. Nàng lặng lẽ nhặt cây đàn, ôm vào lòng.

– Em xin chị… Hôm nay em đã đợi, đợi mãi mà chẳng thấy những bức tranh ấy đâu nữa… Anh ta đã đi đâu? Trời đất vô cùng mà sao lại khó kiếm được tri âm tri kỉ tới vậy… Thánh thượng ư? Những đêm hoan lạc trong thuỷ đình ư? Có nghĩa gì đâu trước một bức tranh chưa khô mực? Em không còn thấy nữa rồi chị ạ… Anh ta biết em hằng ngày vẫn chờ, vẫn đợi nên đã lạnh nhạt bỏ đi!

Ngọc Thư ôm em gái vào trong lòng:

– Tạo hoá trêu ngươi! Tại sao lại sinh ra số mệnh của chị em ta như vậy? Chúng ta không thuộc về nơi này ư? Vốn dĩ chúng ta là những kẻ cô đơn…

– Đôi khi em ước mình là một kẻ tầm thường, chỉ biết quay tơ dệt lụa, trong đầu thông thuộc tam tòng, tứ đức thì chắc em sẽ chẳng bao giờ biết đến nỗi cô đơn…

– Phải, giá mà chúng ta ngu xuẩn, giá mà chúng ta chịu giống như biết bao kẻ khác… giá mà…

– Chị đừng nói nữa!

Ngọc Cầm đột ngột lớn tiếng.

– Chị hãy để em yên tĩnh được không!

Ngọc Thư mím môi. Nàng đứng dậy ngồi xuống trường kỷ. Cạnh đó có một cái rương nhỏ. Ngọc Thư đặt tay lên khoá rương, nhưng rồi nàng dừng lại. Bóng Ngọc Cầm đổ trên mặt tường sự khắc khoải, sầu thương.

Tiếng đàn lại vút lên hỗn loạn. Ngọc Thư vẫn mân mê ổ khoá. Điều gì sẽ xảy ra khi Ngọc Cầm thấy vật trong rương? Điều gì sẽ xảy ra nếu người đào đất chôn tranh hôm nay là Ngọc Cầm chứ không phải là nàng?

Ngọc Thư thổi tắt từng ngọn nến. Trời đêm nay chỉ có một vầng trăng. Vắng sao trăng có cô đơn không? Ừ thì trăng đẹp! Nhưng đêm nay trăng chỉ có một mình. Những vì sao đã đi đâu hết rồi? Phải chăng vì chúng hiểu một điều rằng có ở lại, nỗi cô đơn của trăng cũng nào có giảm? Xin trăng hãy tắt để lòng người khỏi nghĩ tới nỗi cô đơn!

Ngọn nến cuối cùng vụt tắt. Ngọc Thư gác tay lên trán nằm nghe tiếng những con mèo gọi đêm. Nàng có thể nghe thấy tiếng của những con mèo, nhưng những con mèo liệu có nghe thấy tiếng mưa đang mơn man trên bộ lông êm mượt của chúng? Xa xa tiếng rẽ nước của một thuyền câu càng lúc càng gần. Ngọc Cầm có còn nghe thấy, còn để ý tới có một con thuyền vẫn đợi nàng giữa mặt hồ gờn gợn.

Một tiếng chuông chùa vẳng từ chùa Đông Long như khối nặng đè lên ngực Ngọc Thư. Bóng trăng đổ một vệt lên tấm yếm đỏ thắm của nàng. Nàng bị choáng ngợp bởi sự xô bồ, hỗn loạn, lẫn lộn của bóng tối và ánh sáng, của đen và trắng, của xấu và tốt, của sự sống và cái chết… Nếu có một điều ước, chỉ ước sao có thể nhắm mắt mà không nhìn thấy điều gì!

XVIII

“Sắc phong Ngọc Cầm làm Huyền Phi…”

Ngọc Cầm choáng váng tới nỗi quên thi lễ tạ ơn.

– Mời Huyền Phi chuẩn bị tiến cung…

– Không!- Ngọc Cầm lạnh lùng đứng dậy mặc chiếu sắc phong nằm hờ hững trên đôi bàn tay nhẵn nhụi của vị thái giám.

Nàng cất bước, chẳng nói chẳng rằng lui vào sau tấm bình phong.

– Đó là ân sủng của Thánh thượng dành cho nàng, không phải người con gái nào cũng có được đâu!

Tiếng nhạc ngựa phi nước đại ngoài sa trường! Cây đàn tì bà vang lên khúc “Hải du” nổi bão.

Ngọc Thư lúc này mới lựa lời:

– Xin công công bớt giận, chị em chúng tôi quen sống cảnh thanh nhàn, sợ chốn xa hoa… Mong công công thưa lại với Thánh thượng như vậy!

Cơn bão tố trong khúc “Hải du” dường như dịu lại và tan biến…

XIX

Chiếc thuyền đêm nay vẫn đi về phía chiếc đèn lồng viết câu thơ “Quen dạ thề sương nhũ tuyết đầu”. Vẫn mưa, vẫn trăng, vẫn tiếng mèo đùa nhau sột soạt trên mái nhà.

“Dao vàng bỏ đẫy kim nhung

Biết người quân tử có dùng ta chăng

Đèn tà thấp thoáng bóng trăng

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này…”

Tiếng hát trong vắt và ma quái phất phơ khói hương của một thảo am nằm trên núi cao chon von thưa vắng người qua lại. Thánh thượng chợt rùng mình. Ngài bước ra phía trước mui thuyền.

Một cô gái tựa cột, quay lưng về phía hồ nước tựa hồ như nàng không quan tâm tới trăng, không quan tâm tới mưa, không quan tâm tới sương và cũng chẳng quan tâm tới ngài. Gió không thổi bay được sự đoan trang trong tà áo của nàng.

– Thiếp biết thánh thượng đêm nay sẽ lại tới…

– Nàng không có được sự thần tiên thoát tục của Ngọc Cầm, còn Ngọc Cầm không có được sự cao sang, quý phái của nàng.

Ngọc Thư không giấu nổi được nụ cười đầy chế giễu:

– Thánh thượng si mê Ngọc Cầm hoá ra cũng không bỏ quên tiện thiếp!

Thánh thượng cũng bật cười:

– Nàng biết không! Vẻ đẹp của nàng không thích hợp với một nơi sương khói mờ mịt thế này. Ta tưởng nàng là một nàng công chúa đài các ngồi thêu hồ điệp trong vườn thượng uyển…

Ngọc Thư nhìn về phía đèn lồng đỏ:

– Vậy chẳng hoá ra người xứng đáng làm Huyền Phi phải là Ngọc Thư chứ không phải Ngọc Cầm!

Thánh thượng bước lên những bậc thang gỗ. Ngài tới gần Ngọc Thư. Hương thơm của hoa lan từ đâu phả vào hơi thở của ngài. Bất chợt bâng khuâng.

Không ai mách bảo, ngài khẽ chạm tay lên mái tóc buông xoã của Ngọc Thư. Mát như được chạm vào một tấm lụa tơ tằm. Ngọc Thư đưa tay vuốt nhẹ mái tóc. Đôi mắt nàng xoáy sâu vào đôi mắt đang mê đắm của thánh thượng.

– Ngài thử nói xem, thiếp và Ngọc Cầm ai đẹp hơn…

Thánh thượng đột ngột ôm chặt vòng thắt lưng của Ngọc Thư, đôi mắt vẫn bị nàng hút mất hồn:

– Nhìn thấy Ngọc Cầm, hai kẻ không quen biết, không thù, không oán sẽ lao vào đánh nhau… Còn nàng, đôi mắt của nàng, sự quý phái của nàng, hương thơm của nàng có thể khiến một tên mọt sách quý sách hơn tính mạng vứt tất cả đống thư tịch ấy vào lửa.

Ngọc Thư đưa ngón trỏ chạy dài trên sống mũi của thánh thượng:

– Vậy còn ngài… ngài thích là một kẻ võ biền hay một thư sinh?

Thánh thượng vùi nụ hôn của mình trong mái tóc nàng.

– Nàng cũng biết rồi đấy, ta vừa là chiến tướng đánh một trận dẹp được Chiêm Thành, vừa là thống soái của hàng ngàn sĩ tử…

Ngọc Thư đẩy thánh thượng tỏ vẻ giận dỗi:

– Chẳng lẽ với thiếp, ngài cũng phải lo che trước chắn sau hay sao…

Thánh thượng cười lớn:

– Không phải! Ta không nói nửa lời dối trá… Ánh mắt của nàng khiến ta muốn nói dối cũng không được!

Ngài càng trói Ngọc Thư chặt hơn bằng cánh tay rắn chắc của mình. Ngọc Thư chỉ cười khúc khích mà vẫn chẳng nói gì hơn nữa. Thánh thượng lần này lại bị mê mẩn vì nụ cười khuyến rũ của nàng.

– Thánh thượng có còn muốn biết tại sao thiếp lại không nhận địa vị Huyền Phi của ngài chăng?

Thánh thượng giật mình buông Ngọc Thư ra. Ngọc Cầm xuất hiện từ bao giờ. Tiếng cười của Ngọc Thư chuyển sang chế giễu.

Hai nàng bước vào trong nhà một cách lãnh đạm khiến thánh thượng bối rối. Ngài nhìn lên chiếc đèn đung đưa trong gió. Hai ngưòi con gái ấy sẽ chẳng bao giờ thuộc về ai.

XX

Khúc “Hải du” hôm nay được tấu lên nhẹ thênh thênh như những cụm mây trôi thẫn thờ trên biển. Chiếc đàn tì bà lại đột ngột đứt dây. Sợi cước sắc vạch một vệt đỏ trên đầu ngón tay của Ngọc Cầm.

– Chị nói thử xem tại sao em không thể nào hoàn thiện được khúc “Hải du” của cha?

Ngọc Thư vẫn không rời mắt khỏi ổ khoá của rương. Câu hỏi của Ngọc Cầm khiến nàng nắm chặt chiếc khăn tay. Nàng rút từ túi gấm ra một chìa nhỏ. Cũng chẳng nói một lời, nàng mở khoá.

– Chị đã định không đưa vật này cho em…

Ngọc Thư đặt một cuộn giấy dài lên bàn Ngọc Cầm. Ngọc Cầm nhíu mày không hiểu. Nàng mở từ từ ra xem.

Nàng nhận ra nét vẽ thu hết hồn vía của vạn vật! Nàng đây ư? Nàng đã mang theo cả những cánh đào rụng về một chốn hư vô ư? Chốn hư vô không có mùa xuân, vậy thì những cánh đào còn bám theo gót hài của nàng để làm gì!

Bất chợt, một giọt trong vắt rơi xuống bức tranh.

– Chị ơi, em muốn ra biển!

XXI

– Khanh hãy nói thử xem, ta có phải là vị hoàng đế vĩ đại nhất ở Đại Việt không?

Thánh thượng đập mạnh ấn ngọc xuống bản tấu rồi từ từ nhấc lên để lại một hình triện đỏ như son. Viên sử quan khẽ giật mình rồi bình tĩnh thu người, chắp tay:

– Tông miếu họ Lê nhờ có thánh thượng mà được vững bền…

– Ta so với Đức Nhân Tông của dòng họ Đông A thì thế nào?

– Nếu thánh thượng có thể dứt áo bỏ triều đình để lên núi tu Phật thì há lẽ lại thua Nhân Tông họ Trần!

Thánh thượng trợn mắt nhìn viên sử quan rồi ngửa mặt cười lớn:

– Phải phải… Ta thua ông ta sự cao khiết đó! Tiếc rằng ta không tin vào Phật. Thích Ca chắc hẳn ngày xưa cũng biết là vốn dĩ chẳng có cõi Niết Bàn nào cả, ông ta chỉ vẽ ra một cõi Niết Bàn để người ta tin theo. Cũng như vậy, Khổng Trọng Ni tưởng tượng tới một thời Nghiêu-Thuấn nào đó… Làm gì có! Nực cười cho kẻ nào chạy theo!

– Dạ, muôn tâu thánh thượng…

Viên sử quan lúng túng chẳng biết xử trí ra sao. Tiếng cười của thánh thượng đáng sợ quá!

– Ta có cả thiên hạ trong tay, thế mà ta vẫn không có được thứ ta muốn… Khanh là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, thử lý giải xem!

Sử quan hắng giọng, ông chắp tay thưa:

– Muôn tâu… Năm nay dân ta được mùa, sĩ tử đua tài khắp chốn… nhưng ai dám chắc trong lòng họ đạt như sở nguyện. Vốn dĩ trong đời người có được cái này lại ham muốn thứ khác!

Thánh thượng gõ những ngón tay lên mặt bàn

– Ta nghe nói khanh đang có ý định viết một bộ sử vượt qua cả bộ “Đại Việt Sử ký” của triều Trần! Khanh sẽ viết gì về ta?… Mà thôi! Làm vua là việc của ta còn chép sử là việc của các khanh!

Viên sử quan im lặng. Ông lặng lẽ nhìn thánh thượng đang chìm vào một cơn mê đắm nào đó xa xôi…

Đã lâu lắm rồi thánh thượng không còn nghe thấy tiếng tỳ bà. Nếu có thoảng hoặc chỉ như một chiếc lá khẽ rụng xuống cuối vườn thượng uyển mà chẳng biết từ phương hướng nào…

Tiếng tỳ bà của cung nhân ngày nào lại nhịp nhịp đâu đây! Lần này tiếng đàn đã tròn trịa, đầy đặn hơn. Thánh thượng phất áo đứng dậy, tay áo lướt qua nghiên mực thấm những vết mực đen lốm đốm.

Quan tâm làm gì những trang sử, quan tâm gì tới những thủ đoạn! Thời Nghiêu Thuấn ư? Một tiếng đàn cõi thần tiên ư? Vô nghĩa và vô ích! Đêm thâm cung lạnh tựa mồ hoang!

“Côn Sơn hữu tuyền, kì thanh linh linh nhiên, ngô dữ vi cầm huyền

Côn Sơn hữu thạch, vũ tẩy đài phô bích, ngô dữ vi đạm tịch…”

(Côn Sơn có suối, tiếng nghe kỳ lạ, ta lấy làm đàn

Côn Sơn có đá, mưa làm lộ màu xanh, ta lấy làm chỗ nghỉ ngơi)

Hai câu trong khúc “Côn Sơn ca” của quan Nhập nội hành khiển Lê Trãi xưa kia khiến thánh thượng giật mình. Người cung nữ ít học trong thâm cung làm sao có thể hát được khúc ca ấy? Không phải! Quyết không phải của một cung nhân… Tiếng hát của Ngọc Cầm…

Thánh thượng chạy dọc hành lang phảng phất sương khói. Ngài chạy xuống xuyên qua những lùm cây và hốc đá trong vườn thượng uyển. Chẳng thấy Ngọc Cầm đâu! Chỉ có những khoảng đen tối sẫm.

– Thánh thượng…

Một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên từ phía sau! Thánh thượng quay lưng lại. Người cung nữ cổ cao hai ngấn! Đêm nay xiêm y nàng mang màu trắng trinh nguyên…

– Là nàng ư?

– Thiếp biết thánh thượng đang tìm thiếp…

Thánh thượng mỉm cười, không đáp. Người cung nữ lại cất tiếng hát:

“Lâm trung hữu trúc, thiên mẫu ấn hàn lục, ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc…”

(Trong rừng có trúc, bao la xanh mát, ta ngâm thơ nhàn)

Thánh thượng chợt đưa tay đặt lên trước môi của nàng. Tiếng hát ngừng đưa… Một hơi lạnh thấm qua đầu ngón tay thánh thượng.

– Ta hiểu rồi… Sao nàng lại hát khúc “Côn Sơn ca”? Nàng mỉm cười huyền bí, nụ cười của nàng lẫn vào gió thổi tung mái tóc dài đen mượt:

– Rồi một ngày kia người chủ của giang sơn gấm vóc này sẽ cảm thấy tù túng và nô lệ… Kìa… áo của ngài bị thấm mực rồi!

Hai ngón tay của nàng miết trên long bào. Vết mực biến mất!

Thánh thượng bị hút vào đôi mắt nàng… Ngài run rẩy vì một cái hố sâu vô hình đang bồng bềnh trong đôi mắt ấy. Hơi lạnh áp sát ngài… Cái hơi lạnh quen thuộc của Ngọc Cầm trong những đêm ở Cầm Thư quán. Ngài nghe thấy cái sờn sợn, tê tê của mười đầu móng tay di nhẹ trên sống lưng ngài.

Ngài nhìn sang hai bên, mái tóc nàng đã che mất sưong. Nhìn thẳng lên, khuôn mặt nàng vượt cao hơn cả vầng trăng. Hơi thở nàng lạnh cái lạnh của khí trời ngay sau cơn bão lớn.

Mưa chấm một giọt lên bụng thánh thượng. Ngài bừng tỉnh dậy!

Trống canh tư! Một cái giếng cổ xơ xác dương xỉ và rêu phong. Ánh trăng rọi vào một căn phòng dột nát, bụi bặm, mạng nhện chăng đầy. Thánh thượng bước vào căn phòng. Qua cách bài trí, ngài biết rằng đó là căn phòng của một cung nữ. Trăng luồn qua cửa sổ vào tới tận gầm bàn. Ngài cúi người nhặt một tấm vải trắng nhuốm bẩn. Những đường thêu còn dở dang hình đôi uyên ương. Một sợi chỉ đỏ vẫn lủng lẳng cây kim hoen gỉ buông thõng giữa đêm trường…

XXII

– Đêm qua em lại mơ chị ạ…

Ngọc Thư ngừng tụng kinh.

– Lại là những con sóng ngoài khơi… Lại là những cánh chim…

– Không!

Ngọc Cầm búng dây đàn rơi một giọt thanh nhẹ.

– Vẫn là những con sóng… trời trong veo… và những cánh hoa đào phủ đầy mặt biển… Hoa đào rụng ở đâu ra mà nhiều tới vậy?

Nàng đưa mắt nhìn theo gót hài vương hoa đào trong bức tranh. Ngọc Thư xiết chặt chuỗi tràng hạt gỗ trong tay. Nàng lại tiếp tục nện chiếc dùi nhỏ xuống mõ.

– Chị hãy thôi đọc kinh được không! Thích Ca Mâu Ni dù có pháp lực cao cường thì cũng không thể khiến hoa đào rụng được…

Ngọc Thư dừng tiếng mõ. Nàng buông một hơi dài:

– Cha đã truyền cho em khúc “Hải du”… Phật của em nằm ngay trong khúc “Hải du” ấy… Còn chị… Phật vẫn chỉ nằm trong kinh Phật thôi!

Ngọc Cầm lặng người lúc lâu… Mắt nàng vẫn không rời những cánh hoa:

– Tại sao chị không đi lấy chồng… Chẳng lẽ văn nhân tài tử không ai xứng đáng với chị sao?

– Đừng hỏi chị điều tầm thường như thế… Chị chưa bao giờ hỏi em tại sao em lại không chịu nhập cung…

Ngọc Cầm đứng dậy, nàng mở toang cánh cửa sổ. Trời về chiều hoàng hôn rung nhàn nhạt những làn mây… Ba dải lụa màu lam, màu hồng, màu vàng cứ chồng lên nhau căng kín cả bầu trời…

– Những kẻ như em luôn là người đốt những bức tranh… còn chị lại luôn chôn những bức tranh…

Ngọc Thư chợt cười khúc khích:

– Chị cứ tưởng em đã lớn… Em chưa lớn đâu! Người lớn chẳng bao giờ suy nghĩ phức tạp mọi chuyện như em…

Lần này tới Ngọc Cầm cũng cười:

– Ừ thì em vẫn muốn là một cô bé gái chưa lớn mà… Nếu có điều gì khiến em mong muốn mình phải lớn thì có lẽ là khúc “Hải du”… Mãi mãi là một đứa bé thì sẽ chẳng bao giờ em tấu được khúc nhạc này…

Không gian chìm trong tịch mịch sau những tràng cười. Qua khung cửa sổ, Ngọc Cầm phát hiện ra một bông sen vừa nhú nụ.

– Đến mùa sen rồi…

Ngọc Thư không đáp. Nàng bước tới gần Ngọc Cầm. Nàng cũng đã nhìn thấy búp sen.

– Thực ra… Ngọc Cầm, điều gì là quan trọng với em? Khúc “Hải du” hay cuộc sống vô tư, hồn nhiên…

– Hồn nhiên như cây cỏ ư?- Ngọc Cầm ngửa mặt cười lớn như một nhà Nho bất đắc chí- Hồn nhiên… hồn nhiên… vô tư lự… Khó gì đâu! Nhưng em sẽ mãi mãi chỉ là cây cỏ!

Ngọc Thư vuốt nhẹ tấm áo nâu sồng:

– Nhiều khi chị tự hỏi chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ là những người con gái bình thường. Cần gì mang trong mình một bồ kinh sử, cần gì tới ngón đàn đắm đuối lòng người, và càng chẳng cần tới nhan sắc diễm tuyệt này… Họ hay chúng ta rồi cuối cùng cũng sẽ chết!

– Chị khiến em thấy sợ… Em vẫn luôn nằm mơ thấy biển… Phải chăng đó là nơi nghỉ chân của em? Hồi bé em sững người trước cảnh đại ngàn thế mà tại sao em lại luôn mơ thấy biển cả mênh mông?

Ngọc Thư quay nhanh người. Nàng không muốn nhìn thấy búp sen trơ trọi giữa chiều tàn:

– Chúng ta sẽ ra biển… Biết đâu khi em nhìn thấy những con sóng của biển em lại mơ về một đại ngàn hoang vu và dữ dội…

– Và cả tiếng nhạc ngựa văng vẳng trên đường xa! Ước gì là một khách chinh phu…

XXIII

Đêm trăng vằng vặc sáng màu vàng bóng mặt nước. Chiếc thuyền nan bì bõm khua nước. Một búp sen he hé nở vươn cao thành một bóng đen giữa màn trăng.

– Dừng thuyền…

– Thưa thánh thượng… Phải đi qua đám sen này mới tới Cầm Thư quán…

– Trẫm đã bảo dừng thuyền kia mà!

Người chèo thuyền không dám cãi vội cắm sào. Thánh thượng cởi phăng áo bào. Khí trời vẫn còn lành lạnh âm ẩm dư âm của những cơn mưa bụi.

– Muôn tâu…

– Ta muốn hái búp sen kia!

– Xin thánh thượng đừng để tổn hại tới ngọc thể. Cứ để thần…

Không lời đáp. Thánh thượng nhảy ùm xuống mặt nước. Ngài khua tay gạt những đám lá xanh tròn, len lỏi tới chỗ búp sen hồng. Bẻ gốc sen. Trăng óng lên sợi tơ mỏng hơn tơ nhện. Nước sóng sánh đập vào ngực thánh thượng.

Chiếc thuyền nan lại tiếp tục rẽ đám lá đi về phía thuỷ đình. Đêm nay không có tiếng huyền vọng gần vọng xa…

– Ngọc Cầm…

Thánh thượng khẽ gõ vào tấm cửa gỗ đã cũ. Trong nhà không có tiếng thưa và cũng không có ánh sáng.

– Ngọc Thư…

Vẫn im vắng như tờ… Thánh thượng bất giác thở dài:

– Những chuyện thế này sẽ chẳng bao giờ có trong sử xanh… Nàng nói thử xem, ngàn đời sau họ có còn muốn biết về một bông sen ta hái giữa Dâm Đàm trong đêm trăng thanh vắng…

Thánh thượng gục đầu bên cột đình. Ngài mơ thấy tiếng nhạc vũ huyên náo… mơ thấy nàng Dương Qúi Phi đang múa khúc Nghê Thường… mơ thấy một đình Mã Ngôi đầy yêu khí… Có lẽ nào Ngọc Cầm lại giận ngài vì một Đường Minh Hoàng ở phương Bắc xa xôi…

Thánh thượng đặt búp sen lên chỗ Ngọc Cầm vẫn thường ngồi gẩy đàn. Một cánh hoa mỏng mảnh lìa cuống rời ra…

Chiếc thuyền nan lững thững ra về. Chỉ còn trăng, còn gió, còn một bông hoa nằm đợi chết trên sàn gỗ nhuốm hơi đêm.

H.T.N.

Comments are closed.