Chút kỷ niệm bé nhỏ về Xuân Quỳnh

Hà Nhật

Không nhớ rõ năm ấy là năm nào, chỉ nhớ lúc ấy trường tôi đã từ Cồn Chùa về Cộn. Bên kia cầu Phú Vinh là Hội Văn nghệ Quảng Bình. Lúc rảnh tôi hay sang đó chơi, tán gẫu với Xuân Hoàng, Trần Công Tấn…

Hôm đó, tại trụ sở Hội, tự nhiên có vị khách đặc biệt: nhà thơ Xuân Quỳnh. Anh Xuân Hoàng cho biết là Xuân Quỳnh được báo Văn nghệ giới thiệu vào Quảng Bình, muốn về Bảo Ninh để viết về miền biển, nhất là viết về anh hùng Nguyễn Thị Khíu.

Chuyện này tôi biết rồi.

Xuân Quỳnh đã từng cho tôi biết cô có người chị tên là Đông Mai, dạy Văn và cũng làm thơ.

Tôi bảo: Năm tôi học Đệ Nhị thì Đông Mai học Đệ Ngũ tại trường Trưng Vương. Nhớ có buổi tối, học sinh các trường trung học Hà Nội tập trung tại sân trường Trưng Vương để làm một cái lễ gì đó. Trong buổi lễ, một cô học sinh lên đứng trước mọi người, bẽn lẽn đọc một bài thơ. Tôi không nhớ bài thơ tên gì, chỉ nhớ mãi một câu cuối cùng:

Hoa dân chủ nở đôi bờ Bến Hải

Đến tận hôm nay tôi vẫn chưa hiểu “hoa dân chủ” ấy là hoa gì.

Sau khi vào Sài Gòn, tôi mấy lần có gặp và khá thân với Đông Mai, tôi vẫn chưa dám hỏi về thứ hoa ấy.

Trở lại chuyện ở Phú Vinh. Đại khái Xuân Quỳnh nói rằng cô ấy muốn tôi giới thiệu một nhà dân ở Bảo Ninh để hàng ngày cô ấy có thể đi thực tế và viết lách.

Tôi nói ngay:

– Xuân Quỳnh cứ về nhà tôi, ở với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng sẽ lo cơm nước cho. Cứ nộp tem gạo cho bà là được.

Lúc ấy nơi ở chính của tôi là Cộn, tôi không mấy khi về nhà.

Chính chuyến đi này đã đưa đến cho nhà thơ một kết quả mỹ mãn: tập thơ Gió Lào và cát trắng.

Chuyện vui trong chuyến đi này là chuyện này. Sáng ấy, tôi có nhiệm vụ phải dẫn nhà thơ “trung ương” đến trình báo với Uỷ ban xã Bảo Ninh. Trụ sở lúc ấy là bên một cồn cát thuộc thôn Sa Động.

Tôi nhớ rất rõ, lúc tôi cùng với nhà thơ “trung ương” bước vào thì các vị trong ủy ban đang ngồi trà lá, chuyện trò. Bỗng tất cả im lặng rồi đứng lên, ai bước về bàn nấy.

Tôi bèn cùng Xuân Quỳnh bước tới rồi tôi lên tiếng:

– Thưa các đồng chí, tôi xin giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh được báo Văn nghệ ở Hà Nội giới thiệu về xã ta. Xin các đồng chí hết lòng giúp đỡ.

Tôi nghe hình như có cùng lúc một tiếng thở phào!

Tháng 9 năm 1975, tôi ra Hà Nội để chuẩn bị vào Nam. Nhân một ngày nghỉ, tôi ghé chơi với Lưu Quang Vũ, lúc ấy đang ở với bà nội tại căn phòng ở ngôi nhà của Hội Nhà văn trên phố Chợ Hôm. Đây chính khoảng thời gian thử thách đầy căng thẳng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Ở Sài Gòn, tôi giảng cho học trò về bài thơ Biển của Xuân Quỳnh bằng cả cảm xúc của một người đọc lẫn tình cảm của một người bạn. Tôi cũng rất vui khi biết họ bây giờ đã là một đôi. Tôi chỉ phần nào ngạc nhiên, bây giờ không chỉ có nhà thơ trẻ Lưu Quang Vũ, mà có nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, mà vở kịch đinh lúc này có tên là Tôi và chúng ta

Thật bất ngờ, năm 1988, đang trên lớp, có người bạn bỗng báo tin: một tai nạn giao thông khủng khiếp.

Chao, cái dốc cầu Lai Vu! Trước đó không lâu, sau một đêm ngủ nhà Bùi Tươm ở thị xã Hải Dương, sáng đó, hai đứa đạp xe lên cầu Lai Vu rồi quay về, thả cho xe xuống dốc.

Ai ngờ cái dốc ấy nay là điểm ghi một tai hoạ. Trong đầu tôi bỗng hiện ra ngay cái dốc cầu điểm đen ấy, cái xe bốn bánh nhỏ nhoi định mệnh ấy, ba con người trên cái xe nhỏ nhoi ấy. Năm ấy Xuân Quỳnh vừa 44 tuổi!

Comments are closed.