Chuyện đời tôi (kỳ 10)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Cảnh nhà tôi

Sau khi đồn Mũi Tàu rút chạy, ấp chiến lược bị rã, ba má dời nhà về nền cũ, tuy nhà không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng tạm ổn. Thỉnh thoảng tôi có về thăm. Cơ quan tôi ăn Tết 1965 Ất Tỵ, khá đầy đủ, một phần nhờ ba má tôi tiếp tế cho vịt, gà. Song, trong tôi vẫn nằng nặng nỗi buồn lo cho cha mẹ, vì còn giặc thì còn lo, nhất là cho người già và trẻ nhỏ.

Tôi còn lưu giữ bài thơ “Tết nhà tôi” tả cảnh nhà: Đã trót 5 năm Tết quê nhà/ Đầu xuân nghe chó sủa xa xa/ Đường quê cỏ mọc, sông buồn chảy/ Dưới rặng tre quen có ngôi nhà/ Leo lắt đèn chong, mỏng làn hương/ Thầm nghe lời khấn của mẹ hiền/ Ba đang nghĩ ngợi thời dĩ vãng/ Không đong hết được nỗi lo buồn/ Chỉ có thế thôi, chỉ mấy người/ Ông bà, hai cháu, một em thôi/ Mà trót năm năm trong khói lửa/ Cô quạnh nhà tôi vắng tiếng cười/…”. Tết 1965, nhà chỉ có ba má, em Định và hai cháu Bân, Khoe. Chị Ba và cháu Lệ công tác ở Quân  trang tỉnh. Anh Tư Be, chú Mười Thượt là lãnh đạo hậu cần tỉnh, chú Năm Nhương là lãnh đạo trực tiếp Công binh xưởng (Công trường – bí số 159), anh Tám Bỉnh, Năm Huỳnh, Năm Đình… Quân y tỉnh (157) và Hồng Dân, Tư Lang… Quân trang (158) đều là người được ba má tôi rất tin tưởng và các anh cũng rất trân trọng ba má và gia đình tôi. Những năm nhà tôi ở đây gần như là tiền trạm của ba đơn vị này, và như chỗ bà con ruột thịt với các anh ấy.

Cảnh nhà tôi đông khách ở dài ngày, ngắn hạn như hồi kháng chiến chống Pháp. Tình người đồng chí hướng trong kháng chiến là vậy đó. Một lần, tôi về nhà thăm, gặp gia đình bác Năm Thoi từ Nhơn Hưng được Huyện ủy Tịnh Biên gởi tá túc nhà mình, tôi thật cảm thông và rất trân trọng tấm lòng vì nước và tài võ nghệ cao cường của bác. Số là, sau Tết Ất Tỵ (1965), Chi bộ và Đội du kích Nhơn Hưng khoảng năm, sáu người, có chị Út Nhân (Bí thư) và đồng chí Hòa (Xã đội trưởng) đang bí mật họp ở nhà bác, bị mật báo, thình lình một trung đội dân vệ do tên Mận và tên Thông chỉ huy, bao vây và tiến hành lục soát. Trong tình hình đó, bác Năm nói như ra lịnh: “Tụi bây theo lịnh tao, khi nào tao biểu bắn hãy bắn!”. Bọn lính tràn vào, bác ngăn lại đôi co kéo dài thời gian để tính kế. Khi tên lính khoát tấm màng che cửa buồng, bác vừa đá tên lính ngã sấp, giựt khẩu Carbine của hắn vừa la: “Bắn…!”. Rồi bác đeo khẩu Carbine, vừa cấp nách Kỳ Nam, đứa cháu ngoại trai nhỏ nhất, vừa chạy vừa đá ngã gục mấy tên nữa. Các anh em du kích nổ súng, bung ra, vợ chồng chị Ba và chị Hai cõng hai cháu gái nhỏ thoát khỏi vòng vây lửa của địch một cách an toàn. Chỉ có đồng chí Hòa bị thương nhẹ ở chân, ta diệt được mấy tên và lấy được mấy súng, có khẩu Carbine chiến lợi phẩm đầu tiên của bác Năm. Cả nhà, một già, ba trẻ, ba đứa con nít và nửa tiểu đội du kích thoát khỏi lưới lửa của cả trung đội hỏa lực, đả thương mấy tên lính, tước lấy được một súng, không ai thương tích gì, cũng là hy hữu. Nghe bác kể như xem phim. Tôi lặng thinh há miệng và nhìn bác, hình như ông nghĩ là tôi không tin, rồi ông nói: “Mầy có tin tao cú cái mặt ghế đẩu này lủng không”? Tôi chưa kịp trả lời, ông nắm cánh tay tôi, tôi có cảm tưởng như xương tôi nát ra, đau điếng. Thật tình một cú ra đòn không cân xứng với tấm thân gầy còm, hom hem của ông không quá bốn mươi ký! Tôi tin ông võ nghệ cao cường thật, và ba tôi cũng xác nhận như vậy. Sau khi gia đình bác chạy khỏi địa bàn, chúng đem xe đến khánh tận nhà cửa, tài sản. Một gia đình nông dân bậc trung đang sung túc, có ăn có để, chốc lát tay trắng! Ba má tôi đùm bọc gia đình bác Năm một thời gian. Xứ tôi người lâm cảnh ấy nhiều lắm, không ai kể công. Vậy mà sau Giải phóng, huyện đề nghị tuyên dương bác Năm là Anh hùng lực lượng võ trang thì được ở ngoải (Trung ương) trả lời là: Không ở biên chế đơn vị nào nên không được! Và mấy năm sau, ông qua đời tại quê nhà, trong cảnh không nhà. Chán thật!

Đầu tháng 6.1965, anh Sáu Bê chuyển công tác. Việc cân nhắc giữa tôi và anh Chín Lĩnh, ai sẽ thay anh Sáu là rất khó khăn. Anh Hồ Hoàng Lĩnh sinh năm Quý Mùi, lớn hơn tôi gần 3 tuổi, học phổ thông đến Tú tài I, vào Đảng trước tôi mấy năm và từng là Đảng viên dự bị nhưng lại là Bí thư xã Vĩnh Trường trước khi học nghề Vô tuyến điện. Đặc biệt, anh học Morse ở R trước khi tôi học tại chức ở tỉnh, cả năm. Theo đề cử của anh Sáu Bê mà tôi biết, chỉ có hai lý do: Vì tôi thu, phát tín hiệu tốt và lãnh đạo cơ quan được anh em chịu hơn. Tôi rất thông cảm cho anh Chín và áy náy cho việc tôi được đề cử. Ông  Ba Tín (Sáu Kiến) Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban, ông Tám Hoa, Phó Ban trực mời về Ô Tà Sóc phổ biến: Tôi làm Bí thư chi bộ, Trưởng Đài Minh Ngữ. Quyết định này như là một ngoại lệ, vì nhìn vào danh sách trích ngang, không ai mà không chọn anh Chín. Đài lúc này còn lại chỉ có bốn người, hai báo vụ và hai bảo vệ. Chi bộ còn ba người: tôi, anh Chín Lĩnh và anh Tư Xê (bảo vệ).

Sau khi anh Sáu Bê về quân khu, ngày 8.6.1965, tôi tranh thủ về thăm ba má. Chị Tư Đào về nhà sanh đứa con trai đầu lòng, hôm ấy là ngày ăn đầy tháng cho cháu được ông nội đặt tên Minh Tân; tối trở lại cơ quan, tôi ngủ không yên, như có cái gì lo lắng trong lòng. Vì có hiện tượng lạ là ở đồng tràm từ hồi nào chưa có nghe chim cú kêu. Vậy mà khuya ấy, con chim cú đậu rất gần đầu mùng tôi kêu mấy tiếng trong đêm, nghe rợn người. Hồi ở nhà, nghe má tôi nói: “Cú kêu mặc cú, xôi thịt quỷ thần ăn”, nghĩa là cú hay báo “điềm xui” để người ta sợ mà cúng quảy. Sáng ra, mới mờ trời, Tư Thạnh lội nước lõm bõm, ghé ngang báo tin: “Cháu mầy chết rồi, hồi tối”. Tôi choáng váng! Tội nghiệp, anh chị mất đứa con đầu lòng. Thương ba má ngoài lục tuần mà chưa có cháu nội, mới có mụn cháu nội trai thì đã sút nôi! Mấy hôm sau, tôi lại tranh thủ về thăm để an ủi ba má và chị. Linh cảm một cái gì bất an với gia đình, nên tôi đề nghị anh Tư Xê cùng đi, nán lại một ngày, phụ với tôi đào cho ba má một cái hầm tránh bom chữ “L”. Rồi tình hình có biến động, giặc có âm mưu đánh phá vùng Giải phóng. Hôm đi công tác, từ Văn phòng Ban ở Ô Tà Sóc về mới tới Bến Cây Dầu khoảng tám, chín giờ sáng, ngày 9.7.1965, thấy một chiếc L-19 chỉ điểm, ba chiếc máy bay khu trục Skyraider oanh tạc hướng nhà mình, lòng tôi quặn thắt. Về cơ quan, chưa kịp biết tin, chiều lại, cũng một L-19, ba Skyraider tiếp tục oanh tạc như buổi sáng. Anh em Công trường tỉnh thông tin cho hay: Nhà mình bị ném bom! Nhà cửa tan nát hết. Ba má và tất cả đều bình yên và đã chạy ra Lò Gạch – Lương An Trà. May mà có cái công sự mình đào, đợt ném bom đầu tiên, ba má xuống ẩn tránh, bị chúng phóng bốn trái rốc-kết cách bốn vách hầm không xa mà ba má vẫn bình yên. Các chị Ba, Tư, Năm, Sáu và các cháu… một số phải lặn dưới kinh. Lúc này, bác Năm Thoi và chị Hai và thằng con trai ở đâu không nhớ; tại nhà tôi, nghe nói còn vợ chồng chị Ba Trang và cháu Điểm, con chị Ba Trang. Mấy ngày sau, chúng lại ném bom một lần nữa, như vậy, nhưng mọi người di tản ra xa hết rồi.

Tôi buồn và giận ghi lại mấy lời “hơi có vần” gọi là thơ để nhớ. Đó là ngày 09 tháng 7 năm 1965. Mảnh đất và ngôi nhà này chỉ còn trong ký ức.

clip_image002

Nhà bị bom cháy sạch mọi thứ, kể cả quần áo, mùng mền. Một cuộc đánh đổi mà bên nào cũng lỗ đậm. Tốn kém của ba đợt máy bay 9 lượt chiếc với bom, đạn… So với cơ nghiệp gia đình tôi ra tro, nhưng được cái lời nhất là ba má tôi và cả chục sinh mạng con người trong gia đình tôi và gia đình bác Năm, cùng bà con chòm xóm được toàn vẹn thân thể. Đó là cái lời rất lớn, còn địch chắc lỗ vốn rất đậm, tính bằng đô-la. Ba má gom góp số gà vịt, trừ mấy con bị thương, chết rất tội nghiệp, cả nhà lên ghe chạy ra Lò Gạch, che chòi – đậu ghe dưới bến nhà anh Hai Nghề, tín đồ Ông Đạo  Sáu. Từ sau 1945, ba lúc nào cũng thủ sẵn xuồng hoặc ghe để phòng khi có tản cư, đã thành kinh nghiệm. Sau trận bom, chị Tư về cơ quan.

Nghe ba kể lại, tôi mới hiểu thêm lý do vì sao nhà tôi bị nó đánh đậm như vậy. Số là hồi địch chuẩn bị đóng đồn, lập ấp chiến lược, ba biết không còn cách nào khác nên đã chủ động cho bà con trong xóm đốn tre nhà mình, trước khi chúng ra tay đốn tre làm rào, làm chông quanh ấp chiến lược như thường thấy ở một số nơi. Ba là người có tuổi trong vùng, nói năng trôi chảy. Tên Thiếu úy Vân – Trưởng đồn, lân la “dân vận”, ba cũng tỏ ra nhiệt tình “quân dân”. Một hôm, y ta mời ba nhậu. Vào tiệc, y nói vui: “Ông già Sáu gan thật, dám vạch c. cho máy bay xem!”. Ba tôi xác nhận đúng, vì hôm về chăm sóc rẫy trồng ở đất nhà cũ, ba đang đứng “tè”… thì chiếc L-19 chết tiệt quần đảo, ngó nghiêng xem động tịnh, bảo vệ bọn đồn trú. Chắc là nó thấy… Rồi tên đồn trưởng bất ngờ tuôn ra: “Ông Sáu ơi! Tôi biết ông rồi! Con ông theo Việt Cộng hết và làm lớn lắm!”. Ba tôi không chối, nhưng cũng nói cho qua: “Ở đây lâu mà không vậy, làm sao ở được”? Từ “vậy” mà ba tôi nói như nhiều người thường khi dùng, nhưng cái hay là như không phủ định mà cũng không xác định, song tên Thiếu úy vẫn hiểu “đúng vậy” mà không tăng tính đối đầu. Cũng có thể từ thông tin ấy mà sau này, khi rã ấp chiến lược, gia đình tôi về nền cũ dựng nhà chòi lủ khủ như “ấp chiến lược” thu nhỏ để đủ chỗ ở cho người trong nhà và cả những bà con tản cư như gia đình bác Năm Thoi, nhưng nhiều nhất vẫn là những trại để nông cụ, phân bón, mắm muối… Và tên Đồn trưởng biết “Các con ông già Sáu là cộm cán của VC”, v.v. nên chúng cho rằng ném bom như vậy là “chính xác” và cũng có cái lý của nó, nhất là những đợt sau “biết đâu lúc đó các con Ông về thăm…”, như kế “Hồi mã thương” truyện Tàu (?).

Việc anh Sáu Bê về khu, hình như Ban chưa yên tâm Đài Minh Ngữ hoàn thành nhiệm vụ, nên có đề nghị Ban Tuyên huấn Khu 8 chi viện thêm báo vụ mà tôi không hay. Ngày 11.12.1965, Tuấn, Báo vụ Đài Minh Ngữ Khu 8 (GFM) đến, vài ngày sau rồi phát biểu, tôi mới vỡ lẽ: “Đài mạnh như vầy mà nói làm không nổi, kêu tôi về chi viện!”. Tuấn còn trẻ, chưa vợ, đẹp trai, gan dạ, siêng năng, thẳng tính. Tôi như thêm sức mạnh. Lúc này, ngoài việc liên lạc trực tiếp thường xuyên với đài Khu 8, một ngày hai phiên, phiên chung cả mạng và phiên liên lạc riêng, chúng tôi còn mở phiên liên lạc trực tiếp với LPA – Giải Phóng Xã của Trung ương Cục Miền Nam, mỗi ngày một phiên và nhận “tin xanh” của các hãng thông tấn thế giới qua chuyển ngữ và phát lại của Thông tấn xã Việt Nam (DKP) từ Hà Nội. Hàng ngày hoặc cách một ngày, giao liên mang trực tiếp về Văn phòng Ban ở Ô Tà Sóc. Tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ là vì danh dự và cũng vì nghĩa cử của anh Sáu Bê. Càng về sau, hiểu ra, tôi càng biết ơn anh! Có lẽ, tôi làm Trưởng đài Minh Ngữ khá đặc biệt, có thâm niên hơn mười năm (1965-1976). Trong thời gian đó, có nhiều khi vừa làm hiệu thính viên, vừa làm phóng viên và biên tập viên rồi kiêm luôn Trưởng Tiểu ban Thông tấn – Báo chí và Thường trực Đảng ủy Ban Tuyên huấn.

Có Tuấn đảm đang công tác chuyên môn rất tốt, tôi rảnh rang nên thường hay tháp tùng với anh Út Thành và em Tiến (con cậu Hai Quới ở xóm Bún) đội bảo vệ của Công trường đi săn rắn hổ mang. Tháng 11, ở đây nước dâng cao, gần như “đỉnh”, sau “đỉnh lũ” ở Châu Đốc hơn một tháng, rắn các loại không chỗ bám. Khi gió bấc về, tất cả các loại rắn ăn mồi có máu nóng đều lên cây cuộn mình trong những lùm dây bòng bong rậm rạp, nhất là vào buổi sáng có gió bấc non se lạnh; chúng thường nằm phơi trên đọt tràm để tắm nắng sớm, nên rất dễ phát hiện. Nếu thấy động, chúng tụt xuống nước mất tăm. Người có kinh nghiệm cho hay: Nó xuống nước nằm tại chỗ, không đi đâu. Sau đó, tôi thử dùng chĩa xom chỗ nghi nó “chém vè” và bắt được mấy con. Nhờ quen nên dạn dĩ hơn, ngày nào đi săn về cũng có, ăn hoài cũng ngán. Chúng tôi không có thuốc phòng chi cả, nhưng vì ham quá nên bất chấp hiểm nguy. Nghe người ta nói, sợ nhất là rắn hổ con chừng bằng ngón tay ngón chân, vì nhỏ khó thấy nên ta dễ bị cắn và vì nó nhỏ khó kiếm mồi vừa miệng nên ít ăn, nọc độc vô biên, ai bị cắn khó thoát chết. Mỗi khi gặp rắn, tay tôi cầm chĩa mà run không kềm được nên thường đâm không trúng, con rắn theo cây chĩa mà tuôn thẳng xuống người mình. Mấy lần bị như vậy, tôi hốt hoảng nhảy ùm xuống nước. Một hôm tôi đâm được một con rắn hổ mang chúa mà dân đi săn thường gọi là hổ mây, vì màu da mới lột của nó vàng óng như trái mây núi, loại dây rừng dùng thắt gióng gánh thường thấy thời đó trở về trước. Loại này hung dữ và cực độc. Tôi và Tư Xê căng con rắn từ đầu đến lái chiếc xuồng lườn mà tôi đang đi, dài đâu hơn bốn mét, nặng đâu gần chục ký. Tôi nhớ anh Hai Cừu và anh em Nhà in Cờ Hồng đang ở Ô Tà Sóc cực ăn, mà chuyện này hơi cá nhân, không dám phân công ai, một mình tôi mang con rắn đã làm rồi, chống xuồng về núi, và vì đi tắt nên bị lạc đường, hơn 21 giờ mới đến. May là không vướng bom râu của Mỹ hay chông, lôi của ta gài. Lại “đi tắt đón đầu”, bài học này xem ra khó học mà học được cũng khó hành đối với người có tánh hay nôn nóng như tôi. Đêm ấy, chúng tôi gồm anh em Văn phòng Ban và Nhà in có hơn mười người, vui quá là vui. Thời chiến mà, biết sống chết khi nào, có dịp vui, anh em không còn chừa gì cho ngày mai hết!

Nghe anh em Công trường Tỉnh giăng lưới bắt trăn bán có tiền tự túc, tôi theo học hỏi và xin ý kiến được Ban đồng ý. Nơi giăng lưới thường là ở đầu (doi) của hai đám  rừng tràm lớn, cổ thụ, gần giao nhau. Rừng già, ít bị người phá nên trăn, rắn lớn, chim thú hay ở và di chuyển qua lại. Hai doi tràm cách nhau chừng năm bảy chục mét, càng gần càng tốt, vì chúng thường đi (bò) theo cặp bìa rừng (không thấy dấu đi giửa rừng) và nhắm doi tràm gần nhất để tiếp cận. Trước khi dọn luồn, đích thân tôi  đi chọn, thấy dấu nó bò lướt cỏ hay rong rêu trên mặt nước mới dọn luồng và chỉ rủ anh Tư Xê cùng đi làm, vì anh siêng năng và chịu cực được như tôi. Luồng lưới phải rộng 3 mét, khi dính trăn sẽ không quấn được cỏ để làm tăng “công năng” vặn mình, rách lưới thoát ra. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên dọn luồng dài suốt chiều ngang voi tràm, có khi 5, 6 chục hoặc 100 mét nhưng khi dính trăn thì cũng chỉ dính hai đầu lưới, tương ứng với hai mép bìa rừng là đường nó đi, nên sau đó tôi bỏ đoạn giữa mà chỉ giăng hai bên bìa rừng, mỗi tấm lưới chỉ cần dài 15 hoặc 20 mét. Mấy tuần đầu không dính, rất buồn. Chừng có mưa dầm ban đêm là có dính. Lần đầu tôi đi thăm, thấy con trăn dính lưới, khoanh tròn, ngóng đầu nổi trên mặt nước, mừng và sợ run tay chân hết. Qua hỏi học nên biết cách, tôi lột cái khăn đang vấn trên đầu thảy cho nó táp dính răng vào khăn, từ đó phăng dần đến đầu, nhanh tay tóm ngang cổ nó rồi mới từ từ gỡ lưới  ra. Trong lúc vật bắt, phải cho nó quấn vào chân mình, chỉ một chân thôi, để nó giảm “công năng”, dịu dần rồi mới dễ bắt. Trăn dính lưới thường là trăn nhứt, dài trên 2 mét, có giá cao nhất. Tiền bán Trăn dùng làm quỹ cho Ban. Những đêm trăng rằm lúc nước giựt, nghe nói “mùa Trăn hội” (động đực) có mưa dầm, nó di chuyển nhiều và dính nhiều rất ham.

Nước rút, Ba ra xóm Đạo Lương An Trà che chòi ở làm rẫy. Tình hình chiến trường càng lúc căng thẳng. Cháu Sơn do bị sốt rét kéo dài về dưỡng bịnh ở với Ba, ngày 26.12.1965, tôi mượn tiền cơ quan cho cháu hai mươi đồng uống thuốc, nhưng cả tuần lễ không cắt được cữ, nên trong chuyến công tác ngày 5.1.1966 về ngang nhà, tôi quyết đưa cháu vào Quân y Tịnh Biên đang ở đồng tràm phía sau Giồng Cát gần đó để nhờ điều trị. Nước đã giựt, nhưng còn lỡ bộ lỡ xuồng, nên tôi phải dìu cháu lội nước rất vất vả, mà cháu thì đang cơn sốt. Đường đi bùn lầy, nửa nước nửa khô; hướng trên núi, máy bay oanh tạc; trên đầu, máy bay đang thả truyền đơn trắng trời, kêu gọi chiêu hồi. Truyền đơn được phun ra từ sau đuôi máy bay như phun khói đặc có lọn; tôi lại nhớ hồi chín năm chống Pháp, lúc nhà tôi đang ở Đường Củi Giữa, chiến tranh sắp kết thúc, máy bay Dakota cũng thả truyền đơn trắng trên cánh đồng vừa mới cháy còn đầy tro bụi, mình dốt chữ, đi nhặt về nộp cho người lớn, chớ không biết nó nói cái gì. Một cảm giác bất hạnh do chiến tranh trùm lên hai cậu cháu tôi lúc này. Tôi rất biết ơn cô Hai Bé, vì biết rõ nguyên tắc nên tôi nhờ cô viết giấy giới thiệu mới được lãnh đạo Quân y tiếp nhận, mặc dù ông Chín Trung thủ trưởng Quân y là anh vợ cậu Út tôi. Hồi ấy, không có đơn vị gốc giới thiệu, không đi đâu, ở đâu mà ai tin cả. Cô Hai tuy là Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, không thủ trưởng cháu Sơn, nhưng là người uy tín, trong tỉnh ai biết cô đều rất nể trọng. Ba má và cậu Út tôi (Chín Kiên) đều rất quen và xem cô như người thân. Cháu Sơn, sau khi hết bịnh ra viện, trở về đơn vị cũ.

Sau Tết, 1966, ba trồng dưa hấu vạch rạ ở ngoài Lò Gạch. Đất phèn, thiếu phân bón khử phèn, thiếu nước tưới… vì không tiền, không có phương tiện, chỉ có lòng quyết tâm, nên không kết quả gì cả.

Không hiểu sao, đang yên ổn, không có tin địch động quân, mà ngày 17 và 18.2.1966, lần đầu tiên máy bay B-52 ném bom liên tiếp xuống Vồ Đá Bia – Núi Dài – Lương Phi. Từ trại tôi ở Nê Thum, lúc này mới 5 giờ sáng mà đã nhìn rõ hình thù ba chiếc “sừng trâu”, thấy nó đang ở hướng núi Cô Tô mà bom đã nổ ở Núi Dài. Ghê thật! Nhưng sau đó, được biết, cả hai ngày ném bom không có ai sao cả, chỉ có chú Ba Vũ (Dương Thừa Vũ) té gãy xương tay, chú Hai Thanh Niên u trán vì tới miệng hang mà không vào được do hơi bom nhồi liên tục, không giữ được thăng bằng. Tôi mở Đài Sài Gòn, nghe nói: “Phản lực cơ khổng lồ B-52 oanh tạc căn cứ VC, cách Châu Đốc 40 cây số về phía Tây Nam…”, “Oanh tạc đường tiếp liệu và kho quân nhu VC miền Tây tỉnh Châu Đốc…”. Trật lất, tại Vồ Đá Bia không có ai ở hết, vì nó là vồ, giáp đường ô tô thời ấy bỏ hoang, nên bọn do thám mặt đất đoán mò “đường tiếp tế” vậy thôi!

Đồng Tháp Mười

Ngày 7.5.1966, về Văn phòng Ban, được thư triệu tập của anh Tư Đen – Trưởng tiểu ban Vô tuyến điện Tỉnh ủy, cử đi học lớp cơ công ở Khu 8 với anh Năm Điền, tôi rất mừng vì được biết thêm để tự sửa chữa máy móc khi cần. Lúc này Đài ở ổn định bên cạnh đội bảo vệ của Công trường tỉnh tại Nê Thum; về chuyên môn, có đồng chí Tuấn mới tăng cường; còn ba vẫn bám được ở Lò Gạch – Lương An Trà nên cũng tạm yên tâm. Tôi lật đật quay về ngay trong đêm để thu xếp việc cơ quan cho kịp lên đường.

Sau khi làm xong bước chuẩn bị, phân công giao việc của Đài cho anh em ở lại, ngày 12.5.1966, tôi về Văn phòng Ban ở Ô Tà Sóc làm thủ tục và liên hoan chia tay với bạn bè ở đấy, nhất là anh em Nhà in. Thật là có phần ăn, hôm ấy nhà in gài bẫy dính con chồn, nên buổi nhậu chia tay thật là rôm rả. Anh Hai Cừu, Hai Ngoan, Bình… và anh em Văn phòng, mỗi người một ít, cũng có đến trên 300 đồng để tôi làm “lộ phí”, không nhận không được vì tình cảm, vả lại, không nhận thì không có gì để tiêu vặt, nhất là hút thuốc! Chúng tôi xuất phát từ Trạm Giao bưu tỉnh tại Ô Sình chiều 13.5, đoàn khách đông đến hàng chục người. Rời chân núi Lê Trì đoạn gần (chùa) Wat-lân, trời nhá nhem tối. Tự nhiên tôi nhớ, cũng đoạn này, cách đây 5 năm, đội du kích xã Nhơn Hưng đưa đoàn dân công tải hóa chất cho Công binh xưởng tỉnh về ngang cánh đồng này, lúc 14 giờ, trong cơn mưa, không ngờ mưa tạnh sớm “bày lưng”, bọn Khơ-me khăn trắng (Samsary) phối hợp lính đồn Phô-Thi (Ba Xoài) rượt chúng tôi chạy về núi Phú Cường. Tôi chạy hụt hơi, tụt sau đội hình có nửa cây số, suýt bỏ mạng vì bị một viên đạn của chúng bắn trổ qua tấm ny-lon màu xanh tôi đang che mưa như mục tiêu di động mà tôi có nhắc ở trên. Đang miên man nghĩ ngợi chuyện cũ, cả đoàn mấy chục người suýt lọt vào bẫy lựu đạn gài của du kích Lê Trì, rồi bất ngờ phía trước mấy trăm mét, không hiểu cớ gì mà bộ binh địch nổ súng rộ lên, rồi cối, rồi pháo và pháo sáng… từ căn cứ Vĩnh Trung bắn qua. Cả đoàn đành quay về trạm xuất phát.

Chiều hôm sau lại lên đường. Lần này cũng như hôm qua, tự nhiên tôi nghi sẽ gặp cái gì đó khi đi theo đường cũ, nhất là mới có thông tin từ anh em Giao bưu: Trực thăng có cách đánh đường dây ban đêm rất mới như dân đi soi ếch, tức chúng cho trực thăng đứng một chỗ trên cao vừa tầm mắt rồi dùng đèn pha soi tìm dấu vết. Kinh nghiệm qua nhiều lần đụng độ địch hoặc gặp rắc rối, tôi tin mình có “giác quan dự cảm” hay “giác quan thứ sáu” gì đó. Quả nhiên, đến đoạn ngang đồn Phô Thi như năm năm trước, có tiếng trực thăng từ hướng Vĩnh Trung, Giao bưu ra lịnh tản thưa ra, đề phòng bị “soi”. Nhìn bốn bề toàn lúa mùa mới lên chừng nửa đầu gối, không có gì ngụy trang, tôi bối rối. Và chúng soi thật, soi đoạn giữa chỗ chúng tôi và đồn Phô Thi.  Chúng tôi tranh thủ chạy nhanh vào núi Phú Cường mới yên tâm, rồi qua các xã Thới Sơn, Nhơn Hưng, vượt kinh Vĩnh Tế trong đêm, lên đất Campuchia, ven theo biên giới đến B2 mới tạm nghỉ mấy ngày ở chỗ Thị ủy Châu Đốc; lúc này, chú Năm Bình (Trần Văn Võ) làm Bí thư. Chúng tôi lại theo Giao bưu lần lượt qua sông Hậu – B3, đến B1 và ra chợ Vĩnh Xương, mất non một tuần lễ.

Trên đường từ sông Quạ Kêu đến B1 – Vĩnh Xương, chúng tôi đi trên đất Campuchia, ven theo biên giới. Thấy nhiều tốp dân công Việt kiều đều là thanh niên trẻ trung, đẹp đẽ… đi tải đạn, tải thương phục vụ bộ đội Khu và Tỉnh. Đêm 19.5.1966, ta đánh đồn Ngã Ba Đình xã Khánh An – huyện An Phú, “lập công mừng thọ Bác”, nhằm mở vùng Giải phóng xuống nội địa. Ngồi nói chuyện với các anh từ mặt trận về, có anh chắc là cán bộ từ đại đội trở lên, có súng ngắn K-54, ngồi nói chuyện chiến đấu mấy ngày qua rất hấp dẫn. Tình cờ, mình phát hiện cánh tay trái của anh máu thấm qua áo. Hỏi ra, anh mới vạch cho xem vết thương phần mềm trên khuỷu tay. Nghe nói, đây là bộ đội chủ lực Khu 8 – Tiểu đoàn Gi-Rông. Nhưng những ngày còn lưu lại Vĩnh Xương, trận đánh kết thúc, mà ta không đạt yêu cầu. Lúc này mới biết là không phải Gi-Rông mà là Tiểu đoàn 267 của Khu 8 mới thành lập.

Chợ Vĩnh Xương nằm sát ranh biên giới, đồn lính Hoàng gia Campuchia cũng sát chợ nên lính Sài Gòn không từng đến. Có lẽ, chánh quyền hai bên thỏa thuận ngầm để cho yên ổn, kiếm tiền sướng hơn. Cho đến trước ngày thống nhất đất nước, nghe người ta nói là ở Miền Nam Việt Nam, chỉ có chức Quận trưởng Tân Châu tỉnh An Giang và Quận trưởng Quận 5 Sài Gòn là có giá mua cao nhất. Trung tá Quận trưởng Hà Hữu Duyên “tuyên bố” với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Tổ Đình là y đã mua “15 triệu đồng” khi mới nhậm chức để gom tiền “tài nguyên” – quân dịch, ai đóng trực tiếp cho y 60.000đ thì khỏi đi. Nói thế để thấy nơi đây tuy là chợ đường biên, nhà cửa cũng như ở nông thôn, nhưng hai bên qua lại mua bán, là đầu mối buôn lậu giữa Nam Vang – Sài Gòn nên rất sung túc vì vừa có “hòa bình” và cũng vừa có “phức tạp”. Ở đây, có mặt đủ các thành phần: Chánh quyền và quân đội Hoàng gia, cán bộ chiến sĩ Giải phóng là khách qua trạm hoặc của huyện Tân Châu tới lui, kể cả số bỏ ngũ, bỏ chiến trường và nhất định là không thiếu tình báo của Mỹ – Sài Gòn. Lần đầu ra chợ, sau chỉ mới năm năm sống miệt mài với núi rừng, đồng bái, tuy là chợ nông thôn biên giới, nhưng tôi bỡ ngỡ nhìn người ta ăn mặc, sinh hoạt là lạ và cảm thấy mình quê quê như mười năm sau đó tôi về lại phố phường xứ tôi. Trạm Giao bưu ở Tân Châu (B.1) là của tỉnh nhưng mới giao về cho Khu 8, đổi bí số M 25 gồm hai bộ phận: Bộ phận du kích ở trong Căn cứ, bộ phận công khai ở ngay chợ, do anh Tám Minh phụ trách tổ chức đưa đón khách qua lại sông Tiền ban đêm, khá an toàn. Tại đây, chúng tôi dừng chân ba bốn ngày, trạm gởi chúng tôi ăn ở nhà bà con Việt kiều. Anh Năm Điền tổ chức móc vợ lên thăm không được, thấy anh buồn buồn, tôi cũng không biết chuyện gì, mãi nhiều chục năm sau anh mới kể hết nội tâm, nội tình anh lúc ấy. Còn về trạm “công khai” ở Vĩnh Xương, khi tôi và anh Năm Điền về còn được anh Tám Minh đón; sau này, nghe nói: Khi ta giúp Pôn-pốt giải phóng một vùng rộng lớn, năm 1971, chúng bí mật thủ tiêu anh; vậy mà Trung ương vẫn bảo ta kêu nó là “bạn”, nhưng mà “bạn xấu!”. Thật không hiểu nổi!

Qua sông Tiền, qua sông Sở Thượng, đến trạm nằm gần bờ sông (trên đất miền Nam Việt Nam). Hôm sau đi tiếp đến sông Sở Hạ (sông Trăn), con sông tách ra từ sông Sở Thượng chạy cặp theo biên giới, chúng tôi vào đất Việt Nam đoạn Sâm Sai. Con sông cạn, nước đục ngầu, mùa này đỉa nhiều, cá ít. Đứng trên bờ cách mé nước chừng một mét, khoảng mươi phút có hơi người là đỉa bắt đầu quơ vòi lên khỏi mép nước tìm mồi có mùi máu, ai trông thấy cũng lạnh tay, lạnh chân. Câu “đỉa lội như bánh canh” là đây! Bờ phía Campuchia đồng khô trống trải, nhà dân xa xa chen trong rặng cây xanh của phum sóc, ban ngày họ chăn thả trâu bò xuống tận bờ Bắc kinh Sở Hạ. Bờ bên phía Việt Nam cũng khô khốc, cằn cỗi, xa xa mới có chòm me nước (me keo), tre hoặc chuối và nhà dân lưa thưa. Hai anh em tôi được Giao bưu đưa đến “nhà khách”, là một cái trại lá trống hoác  bốn bề. Có lẽ, là trạm dừng chân tạm nên không nghe gọi bí số của trạm. Họ phổ biến: “Ở đây, tự lo cơm. Lấy cỏ khô đốt nấu rồi cắt cỏ tươi trả lại cho khách đến sau. Chiều mai cơm xong lên đường”. Nói xong họ quày quả đi và không quên quăng lại cho cây lưỡi hái cùn chấu để cắt cỏ. Lúc này đâu khoảng 15 giờ, vừa qua một cơn mưa rào, đất ngấm nắng bốc nhiệt lên theo hơi ẩm mưa vừa rưới qua làm không khí ngàn ngạt, oi oi khó chịu. Bên cạnh trại là nhà của một chị chừng trên 30 tuổi, trông có vẻ lam lũ, cằn cỗi với hai đứa con chừng năm, bảy tuổi. Chị đang giã gạo. Chúng tôi lân la hỏi tình hình vùng này, địch ta và tình trạng cái “nhà khách” này của giao bưu? Chúng tôi tắm xong và chuẩn bị nấu cơm bằng những cái nồi sứt quai méo miệng, còn cỏ khô như trạm “lý thuyết” nhưng đâu chẳng thấy, chúng tôi lại thấy mấy tấm lá vách dừng lẻ loi phất phơ, mấy miếng vạt tre làm giường ngủ cây mất cây chừa…, xứng đáng làm mồi lửa cho hả giận mấy tay này “gạt” chúng tôi. Và tôi đã hiểu lý do cái trại này bốn bề trống không, là vì sao. Thời kháng chiến, trên các cung đường giao liên, khách và trạm có cái gọi là “mâu thuẫn” dần lân không dứt: Khách thì tứ phương, đi đường đã mệt nên hay đòi hỏi, thường là xin củi, nước mắm, thức ăn…, không được thì hay rủa sả chuyền lao thành câu: “Trên Trời, dưới Trạm”. Anh em Giao bưu, nghề họ tuy là đi đưa đón khách, nhưng cũng là con người, cũng chịu cực và chết chóc như khách, thậm chí hơn nữa, vì họ đi tới đi lui năm này qua năm khác thành qui luật, “hôi đường” dễ bị lộ, dễ bị đánh phá, lơ mơ là chết và chết cũng nhiều; còn khách, hết đoàn này đến đoàn khác, phía trước họ còn có cơ quan đơn vị để đến, để nghỉ ngơi. Có người cho rằng, trạm ở “bí mật” với khách là không tốt và đôi khi có người có thái độ hoặc hành động quá trớn với anh em trạm, nên họ nói khách là “Ông Trời” như bây giờ ta gọi khách hàng là “Thượng đế”. Trên có “Trời”, dưới có “Trạm”. Vậy là huề! Ai cũng cực khổ như nhau, nhưng ai cũng nghĩ mình là “cực nhất”, nên mới có cái gọi là “mâu thuẫn” và “công thần”. Chị hàng xóm thấy chúng tôi, có tình cảm thế nào, mà đem qua cho một chén mắm sống làm bằng các loại cá tạp. Thật cảm động! Nhìn cảnh nhà và hai con của chị, chúng cách nhau chừng vài tuổi, nhếch nhác, tôi rất ái ngại. Tôi chiết ra năm đồng gọi là cho các cháu và tặng chị chai dầu Nhị Thiên Đường phòng khi gió máy cho các cháu, như tỏ lòng biết ơn một người nghèo tốt bụng.

Anh Năm Điền từng sống vùng này hồi kháng chiến chống Pháp, nghe anh hay kể lúc ở Sa Rài đi học với thầy giáo Thi, cũng trên cánh đồng này và mối tình đầu của anh với chị Ch. nảy nở như hoa đồng nội đầu mùa, nghe cũng thú vị lắm. Có lẽ, hồi đó tuy là vùng kháng chiến nhưng không bị địch càn quét, đạn bom ác liệt như hồi ấy tôi ở Kinh Tám Ngàn. Còn nay, do địch đánh phá quá ác liệt nên cái khổ của tự nhiên, tức cái “bất lợi thế so sánh” của vùng đầy khắc nghiệt này tăng lên cấp số nhân. Đang lóng nhóng chờ Giao bưu, hai anh em tôi nhìn xuống trung tâm Đồng Tháp Mười yên lặng trong ánh hoàng hôn rồi bảo nhau: “Đây là Đồng Tháp Mười rồi!”

Trời sụp tối, đúng hẹn Giao bưu đến dẫn chúng tôi đi. Họ phổ biến trước: “Chúng ta đi qua địa hình đồng trống, như ban ngày các anh thấy. Nhưng lúc này địch tăng cường đánh đường dây ta vào ban đêm bằng trực thăng soi đèn. Do đó đi phải kỹ và khi có trực thăng phải bình tĩnh tản ra, ngụy trang cho khéo. Nếu nó đổ quân, tìm chỗ “chém vè”. Cách chém vè là nằm sấp, trườn ngược hai chân ra phía trước, hai tay chỏi mình theo hai chân, cách đoạn thì dùng tay khỏa cỏ lấp dấu, để địch có đứng gần khó phát hiện. Quen ở rừng tràm và hang động ở núi mà nghe phổ biến như vậy thật tình chúng tôi cũng rất hoang mang. Nhưng ai sao mình vậy!

Đến kinh Hòa Bình, thấy nhà dân khá nhiều, vó càng giăng giăng theo kinh nên cũng yên lòng. Dân sống được, ta sống được. Ở đây, mùa này, muỗi đỉa nhiều mà cá cũng nhiều. Nghe nói trạm này ký hiệu M 55, đóng ở xã Vĩnh Châu này mà không biết ở đâu, họ đưa chúng tôi vào nhà khách, bốn bề là nước, rồi đi mất. May sao gặp anh Tám Bĩnh đi học bác sĩ trên R về, đến trước chúng tôi, đang chờ về tỉnh. Mừng lắm! Gặp anh, tôi nhớ lần gặp trước ở quân y B2, cách đây đã năm năm, anh cũng trên đường đi học quân y sĩ ở R về ngang, góp ý cho anh Lưu Nghĩa chỉ huy tôi điều trị rất có kết quả ca nhiễm trùng hoại tử của cậu Út Đực và chú Sáu Thâu bị đạn xuyên phổi. Sau khi hỏi thăm sơ qua tình hình tỉnh nhà, anh phổ biến ngay cho hai anh em tôi kinh nghiệm đối phó với trực thăng mà anh kẹt ở đây mấy chuyến rồi, nên rất rành. Anh nói: “Tối ngủ đừng bận quần mà chỉ vận khăn thôi. Khi nó đến thì mình tháo khăn ra, khi nó bắn thì mình lặn xuống nước, nó đi thì lên vận khăn lại. Một đêm có khi nó bắn ba, bốn trận, quần đâu mà thay”. Anh ra bộ làm tôi hết lo sợ mà phát cười. Anh diễn đạt: “Nó bắn đại liên cực nhanh, nghe tè… tè… tè… như “trâu đái”, rồi phóng rốc-kết cũng nối đuôi nhau nghe tòn… ton… tòn ton… tòn ton… Có khi nó còn thả lính xuống xác nhận coi có ai chết không, hoặc ban ngày thì móc cánh én nhà dân rồi kêu trình giấy căn cước, v.v.”. Và đêm đó, nó làm thật như anh nói, nhưng cách chúng tôi khá xa. Sáng hôm sau, anh đi rồi, giao liên chống xuồng đến đưa hai anh em tôi đến gởi nhà vợ chồng chú Ba bên bờ kinh Hòa Bình. Nhà chú Ba hình như là cơ sở đầu mối của trường như nhà tôi ở Tám Ngàn là đầu mối của các cơ quan hậu cần tỉnh An Giang như đã nói đoạn trước, chú chừng bốn năm chục tuổi. Nhà chỉ có chú thím và đứa con gái tên Út chừng hơn mười tuổi. Chú có chiếc vó cất (vó càng), kéo được cá rất nhiều, mà toàn là cá ngon và rất to như cá trê vàng, cá lóc, cá sặc bổi… Chú cho ăn cơm không tính tiền, bù lại hai đứa tôi phải ngồi sòng tu-lơ-khơ với hai ông bà, còn Út thì được phân công nấu cơm, ăn xong tiếp tục “chiến đấu” không nghỉ trưa. Chúng tôi đánh, tất nhiên là “có nghề” hơn, nhưng vì “dân vận”, mà còn vì “cơm – cá vận” nên hễ thắng một thì chúng tôi thua hai, canh làm sao đến khi nghỉ để ăn cơm mà còn thua một hoặc hai bàn thì ăn mới ngon miệng. Tâm lý cờ bạc ai cũng muốn ăn, cán bộ có ông cao cấp còn có biểu hiện cay cú vì thua mà. Vui lắm! Vui đến quên cái “món trực thăng”. Được chú thím bồi dưỡng cho mấy ngày, trường cho người đến rước. Trường tọa lạc, hình như, ở xã Tân Công Sính, thì phải. Tân Công Sính là tên anh du kích hy sinh, tên gốc của vùng này là Gáo Đôi. Có lẽ, giữa đồng có hai cây gáo vàng to sừng sững giữa trời nên gọi vậy chăng?

Chúng tôi không hình dung ra, trường là một cái nhà lá có vách kín đáo, chừng 40 m2 và mấy cái trại nhỏ hơn xung quanh. Tất cả đều phơi giữa trời như các xóm nhà dân rải rác trong vùng. Cả thầy và trò chừng hai mươi người, có vài học viên của tỉnh Kiến Phong quen với anh Năm Điền hồi chín năm kháng chiến, nên cũng an ủi. Chúng tôi đến, mới hay trường khai giảng đúng một tháng rồi (1.5), ngày 6.6.1966, anh em tôi mới nhập vào lớp, học nối theo. Phần đầu là đại cương, đã qua, chúng tôi nối vào phần hai, học về nguyên lý vận hành của đèn điện tử 3A4, 3Q4… và mới nhất là về transitor rồi đến phần sơ đồ máy và lắp ráp máy thu phát sóng Vô tuyến điện. Chỉ có một thầy giáo duy nhất, anh Út Nghiễn. Thời gian chỉ còn một tháng, nhưng có đến gần ba mươi ngày trực thăng quấy rầy không yên; bởi đúng vào thời điểm địch mở chiến dịch đánh theo hành lang biên giới và Đồng Tháp Mười, khu vực căn cứ Khu ủy Khu 8. Ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ học sáng là vừa học vừa để một tai nghe ngóng tiếng trực thăng từ hướng thị xã Mộc Hóa bay lên. Khi chúng bay về hướng biên giới rồi hoặc bắn phá xa xa thì cứ học, có lần vào khoảng 3 giờ chiều ngày 16.6, tôi đang sốt rét rất nặng. Anh Năm Điền bảo tôi chui xuống công sự nước ngập ngang ngực, đang đắp mền mà còn run, xuống nước run muốn sập hầm, hai hàm răng cắn chặt mà vẫn khua nghe lập cập; tôi mặc kệ, trèo lên miệng công sự… và chuyển qua sốt, mê man. Chúng đang quần đảo khu vực trường, bắn đại liên rồi bất ngờ đổ quân cách chúng tôi “chém vè” chừng 500 mét. Nghe súng bộ binh nổ như bắp rang, các anh ra lịnh di chuyển về Bắc Đông, chúng tôi đâu biết hướng nào mà đi, tôi cố bò sau anh Năm Điền. Thấy mất tôi, một mặt năn nỉ anh em chờ, một mặt anh bò trở lại tìm tôi. Anh kêu nho nhỏ: “Nhị ơi!… Nhị ơi!..”,  làm sao tôi nghe được, và khi anh gặp thì thấy tôi nằm phơi ngửa giữa trời, không một cọng cỏ che thân, mê man, nói lảm nhảm. Khi tôi tỉnh, anh kể lại. Có lẽ nhờ Trời Phật, Tổ tiên che chở nên trực thăng bay sát đọt cỏ mà không thấy, trong khi đó đồng chí Phó ban An ninh tỉnh Kiến Tường cách chỗ chúng tôi vài trăm mét, chém vè rất kỹ mà bị bộ binh chúng phát hiện bắn chết.

Ở đây, học viên chia tổ nấu ăn, ngoài giờ học, chúng tôi đi dậm cù chuột, không có chuột thì ăn tương xào dầu là thường xuyên. Chiều, cỡ 17 giờ, muỗi bắt đầu dậy ổ, chỉ có nước vô mùng. Đầu hôm là cao điểm muỗi hoạt động, chúng bay loạn xạ nhưng tập trung có quầng, xung quanh chỗ có hơi người, cũng như đỉa tìm hơi máu, cánh muỗi bay phát ra tiếng “o… o…”, rất rõ. Đúng là “muỗi kêu như sáo” là đây! Tôi từng sống “Rừng U Minh có tiếng muỗi nhiều”, nhiều đến mức mà ông nhạc sĩ nào đó đưa vào mở đầu của bài hát hồi chống Pháp và tôi còn thuộc, nhưng thua xa ở đây, mới kinh chớ! Tôi và anh Năm giăng hai mùng kề nhau, đốt đèn trong mùng để học thêm, học bù cho ban ngày bị trực thăng chi phối. Muỗi tập trung giữa hai vách mùng, vì có nhiều ánh sáng và nhiều hơi người nhất, nên dày đặc là muỗi, cánh chúng gần như chạm vào nhau đến mức bay rất chật chội. Tôi dùng miệng hà hơi qua vách mùng, dụ nó bu lại đen như ổ ong ruồi nho nhỏ và rồi kêu anh Năm đưa bàn tay lên phối hợp, vỗ vào bàn tay tôi bên này, làm chúng chết dính xác đen trên vách mùng. Thật gớm! Đã chui vào mùng rồi thì không dám chui ra, cho dù đi tiểu. Để khắc phục, chúng tôi phải lấy ca ăn cơm làm phương tiện “vận chuyển” nước tiểu của mình rồi cẩn thận vén mùng hất mạnh ra ngoài. Của mình mình chịu, cũng không sợ bằng sợ muỗi vào mùng thì vô phương đuổi ra. Tình cảnh vậy mà chúng tôi học đạt kết quả bất ngờ, tự vẽ thuộc lòng sơ đồ máy và lắp ráp máy thu phát, đạt yêu cầu. Lần đầu tiên học về transistor rất hấp dẫn, tiếc là vì còn mới quá, nên có khi chúng tôi hỏi thầy cũng “bí” và nói kiểu hơi mạng lịnh, dễ mích lòng: “Các đồng chí đừng đi sâu vật lý”. Anh Năm Điền ra ngoài cằn nhằn: “Đi sâu… cũng biết con khỉ gì mà nói!”. Tài liệu học, tôi còn giữ, cho đến bây giờ.    

Địch đánh phá liên tục, giằng dai cả tháng, đến mức anh Năm Cang, Trưởng xưởng Vô tuyến điện, ở nơi khác, nhưng là hiệu trưởng trường, từ khai giảng đến bế giảng không đến trường được. Có lúc thấy tình hình căng thẳng quá, anh Năm bàn với tôi bỏ học quay về. Tôi cũng rất sợ địa hình trống trải, không quen như anh, nhưng thấy anh em người ta ai cũng rất tự nhiên nên tôi can anh là không nên, vì không chỉ là danh dự cá nhân mà còn là uy tín của tỉnh. Người ta sống được, mình sống được. Anh em trong lớp học có lẽ phát hiện anh Năm “không ưa” cái loại trực thăng này nên đặt cho anh tên “Ông Năm bành bạch”. Tuy họ kêu không chánh danh, chánh diện, nhưng tôi cũng “nhột” vì mình cũng nhát như anh thôi. Trực thăng đánh ngày, đánh đêm chưa đã, thì… đúng 23 giờ ngày 29.6, chúng dùng máy bay B-57 ném bom Trạm xá xã Vĩnh Châu vào lúc nửa đêm, chỗ trường tôi nghe rất rõ, rất lớn, đến mức hơi nó giựt mà mình cảm nhận được. Đó là “bom trộm” – bom tọa độ. Ba người dân, trong đó có một nữ y tá tử thương. Ban đêm, dân tản cư ra đồng túm tụm nhau ngủ trên ghe, trên xuồng, thật nheo nhóc. Cũng ngày 29.6, lần đầu tiên máy bay Mỹ ném bom Thủ đô Hà Nội. Tình hình càng lúc càng khó khăn ác liệt, cho nên ngày 8-7, khi vừa học xong, chúng tôi không chờ được hiệu trưởng để nhận bằng chứng nhận tốt nghiệp. Anh Năm Điền còn nói: “Bằng vàng tao cũng không chờ nói gì đến Bằng chứng nhận”! Hai anh em tôi nhận lại hồ sơ cá nhân, giấy giới thiệu và lật đật ra trạm M 55, theo Giao bưu trở lại nhà chú, thím Ba. Mới cách nhau một tháng mà nước đã nổi mênh mông, tình hình xấu hơn, địch đánh phá kiểu mới ác liệt hơn, ban đêm dân tản ra đồng trống để ngủ. Đêm ấy, chú thím và cô Út đi rồi, còn hai anh em tôi cũng lạnh lưng, nhưng rồi một lúc sau nghe tiếng xuồng khua. Tôi hỏi: “Ai?” và nhìn ra thấy chú và em Út, mỗi người bơi một chiếc xuồng. Tôi hiểu ý mà không cầm lòng được, phải khẽ thốt lên: “Trời ơi!”. Chú lên tiếng: “Lúc đi quên chừa lại cho anh em mầy chiếc xuồng, rủi có gì, làm sao? Đừng tiếc gì của cải, cứ bảo đảm tánh mạng các cháu là chú mừng rồi!”. Nói rồi, chú cột để lại cho chúng tôi một chiếc xuồng, còn cô Út sang xuồng chú trở ra đồng. Chúng tôi cảm động nhìn nhau, anh Năm Điền nói: “Dân tốt với mình quá, biết khi nào mình có dịp trả ơn này?!”. Từ nhà chú Ba và Trạm M 55, chiều 9.7, hai anh em tôi lên đường, đến 23 giờ mới đến Trạm M44 ở sông Sở Hạ (Sông Trăng). Tình hình động, chiều 10.7, lại đi tiếp mười bốn tiếng đồng hồ mới đến trạm nghỉ. Trên đường giáp mặt với Tiểu đoàn 267 rút từ An Giang về Khu. Hôm mình đi học ngang B3, gặp họ đến mở chiến dịch Khánh An – An Phú. Họ chiến đấu giằng dai cho đến nay mới trở về Khu. Chiến dịch Khánh An, mở cửa vào địa bàn An Phú không thành, nhưng được rút lui xem ra rất hăng hái. Còn mình được về quê mà đi như thất trận – lê lết. Tệ thật! Đến trạm, chân mình sưng vù lên, đi vo gạo cách 100 mét mà nghỉ chân đến bốn bận. Tại đây, giao liên cho ngủ nhà một người vừa chết vì bệnh lao, cách mới ba ngày. Ghê thật, nhưng biết tìm chỗ nào? Đây là vùng giữa hai sông Sở Hạ và Sở Thượng, giáp biên giới Campuchia. Ngày 11.7, lại đi tiếp, không được nghỉ, đi qua bưng rạch lạnh cóng, đỉa đeo nhơn nhớt, kinh hoàng, nhưng không thể la làng như mấy em được. Đến M100, gần bờ sông Sở Thượng, có mòi đỡ khổ hơn. Gặp một nông dân đi đổ trúm, cho hai con lươn bằng ngón tay cái kho với nước mắm lên mùi “xỉn” của Trạm, vậy mà ngon vô kể. Chiều 12.7, tôi lại lên đường, đến Trạm Giao bưu đặt ở xã Thường Phước, gặp anh Tám Bỉnh và anh Hùng bảo vệ Tỉnh ủy cùng về tỉnh. Đúng là có duyên với anh Tám Bỉnh trong chuyến đi học này, cả hai bận đi về đều gặp nhau. Nghỉ một đêm ở đây, chiều 13.7, theo giao liên ra bờ sông Tiền, cũng ở đoạn mà tôi sang sông bận đi. Tại đây, được tin một đại đội tân binh số 52 ở quân trường Chi Lăng khởi nghĩa về với Cách mạng, tôi rất vui. Sau khi sang sông, anh Năm Điền tách ra ghé chợ Trời (Vĩnh Xương), ở lại “móc” vợ. Đến trạm M-25 (căn cứ B1) khoảng 12 giờ đêm, anh Tám Bỉnh cũng tách ra, ở lại Mương Vú chờ “móc” vợ và sẽ về sau bằng xuồng. Còn tôi, ở lại trạm một chuyến để dưỡng sức, chuẩn bị lội nước qua những cánh đồng phía trước. Chiều 17.7, từ M-25 theo giao liên về trạm T-203. Tại đây, được tin chú Hai Thợ bị B-52 hy sinh ở Bụng Ông Địa – Ma Thiên Lãnh – Ô Tà Sóc, tôi  xúc động làm thơ thương tiếc chú, người Đảng viên Cộng sản năm 1930 mà lần đầu mình gặp tại Giồng Cát – Cây Gòn hồi Tết Nhâm Dần, 1962, khi về Văn phòng Tỉnh ủy học Vô tuyến điện mà có cảm tình ngay vì phong cách dân chủ và giản dị của chú. Có lẽ, do học vấn ít mà chú không được cất nhắc lên cao, nhưng Tỉnh ủy lại rất tin tưởng. Ngày 19.7, đang ngồi viết nhật ký, làm thơ nhớ chú Hai Thợ, giao liên về. Trong số khách có anh Hai Lưu Nghĩa và bạn cũ cùng quê là Bình đi học quân y sĩ mới về. Có lẽ, hai người cùng học chung nên cùng về. Anh Hai Nghĩa nhiệt tình, kêu tôi về chỗ anh; nhân kẹt chuyến giao liên, tôi và Bình đến cơ quan anh (Quân y B2) ở chơi đến bốn ngày mới đi qua Giồng Tà Muôn để về Bảy Núi.

Giồng Tà Muôn là một giồng đất cao không ngập nước, cách biên giới bốn đến năm cây số, nối liền với các núi phía Campuchia, nhiều đoàn của ta qua lại hay ghé nghỉ tạm qua ngày hoặc qua đêm mà thôi. Mưa dầm và muỗi như ong, không có chỗ mắc võng hoặc giăng mùng, vậy mà các anh em mình ngủ ngon lành, còn tôi thức đi lòng vòng và đập muỗi. Lần đầu mới được gặp anh Hai Nam, Bí thư Huyện ủy Hà Tiên, trẻ nhất tỉnh, chưa có vợ. Anh có vóc dáng liền lạc, đẹp trai, vui tính và đôn hậu. Anh là ngôi sao của tỉnh đang lên, nên chỉ nghe tiếng lành. Mới rờ trời, gặp lính Hoàng gia Campuchia đi tuần biên giới. Họ nói chuyện cũng tử tế, không cho bộ đội đi ban ngày. Vậy là tôi cùng anh Thiết giao bưu, tách ra đi trước về trạm. Nghỉ một đêm, chiều ngày 27.7.1966, tôi lại lên đường đến bờ kinh VĩnhTế. Chuyến này lại nhận dìu một ông bộ đội không biết bơi, với súng đạn, ba lô lỉnh kỉnh nên rất mệt. Thường ít ai dám dìu người không biết bơi, họ sợ mà bấu vào mình… nếu có bề gì thì thường là chết cả hai. Đến Ô Cạn, cảnh vật đổi thay do mới bị bom pháo làm ngã cây cản đường, bịt lối. Sáng 28.7, về đến Văn phòng Ban Giao bưu ở chỗ cũ như hồi mới đi. Về đến Văn phòng Ban Tuyên Huấn, gặp chú Tám Hoa, mới hay, cách đây hai ngày, Tâm về rước Nghĩa, cơ công của Tiểu ban Vô tuyến điện Tỉnh ủy xuống đơn vị ở đồng tràm Nê Thum sửa máy, trên đường trở lại Ô Tà Sóc, thay vì đi đường Bến Cây Dầu, nhưng Nghĩa có đặt dân đan một chiếc đệm ngủ nên phải đi ngang lò gạch – Lương An Trà, không ngờ lọt vào ổ phục kích của thám báo, bị bắt không kịp trở tay. Chú Tám bảo tôi tranh thủ về thu xếp đối phó, đề phòng anh em chịu không nổi tra tấn, sẽ khai báo. Trong khi chờ anh em ở Đài về Ban giao tin tức để tháp tùng về theo, tôi qua gặp anh Tư Đen báo cáo chuyến đi và tranh thủ đến nhà in thăm anh em. Đúng là một lần đi học làm thợ Vô tuyến điện mà học được thêm về lòng yêu nước, sự gan dạ anh hùng, sức chịu đựng gian khổ chết chóc của nông dân và anh em cán bộ mình; học kinh nghiệm nghe và đối phó với trực thăng, và nhất là “tốt nghiệp” được kỹ thuật “chém vè” dưới cỏ như Thổ Hành Tôn “độn thổ” trong truyện Phong Thần. Sau này, xem phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn tài ba Hồng Sến quay đúng cảnh cánh đồng Kiến Tường – Mộc Hóa và cảnh trực thăng hoạt động đúng như cảnh tôi vừa kể, nhưng có khác là giữa đồng nước, không “độn thổ” được thì anh giao liên Ba Đô cho con anh “độn thủy” để tránh đạn trực thăng.

Ngày 1.8.1966, tôi và anh Tư Xê lội nước về đến đơn vị, quá nửa đêm. Anh em đã bỏ điểm đi đâu hết, chỉ còn con mèo nghe tiếng chủ nó chạy lại mừng quấn quít, kêu meo meo thật buồn. Tôi vào bếp, đưa tay chuồi vào tro thấy nóng và khều tro thấy còn vài tàn lửa. Tôi nhận định: Anh em vì cảnh giác di dời tạm gần đây thôi. Hai đứa tôi ngủ tại trại mà cũng phải thao thức đề phòng, nên gần như không ngủ. Sáng ra, anh em quay về, mới biết là đã dời tạm qua xưởng Quân trang của Tỉnh đội gần đó. Mãi sau này mới biết: Tâm giữ khí tiết đến cùng, bị tra tấn chết đi sống lại mà không khai báo; còn Nghĩa chỉ giữ được lúc đầu, nhưng sau đó, chúng tách riêng hai người; rồi làm thế nào mà Nghĩa chẳng những khai báo hết mà còn phản bội lại bạn tù. Tôi về Ban báo cáo tình hình và được lịnh dời Đài về Ô Tà Sóc. Anh em ai cũng mừng!

Đài Minh Ngữ về Ô Tà Sóc là bất đắc dĩ. Chúng tôi phải dời tới, dời lui hai ba lần, do bị “ta phát hiện ta” la quá trời, sợ ở gần “lây” bom pháo cho họ. Cuối cùng Đài Minh Ngữ phải dời lên ở phía trên lưng chừng sườn núi giáp với Đỉnh Ô Vàng – Cai Tổng Đồng, phía dưới gần nhất là Nhà in Cờ Hồng, qua một đoạn đường đất đi xuống Văn phòng Ban và tới điện Trời Gầm – Lò Ảng sâu và rộng nhất, nơi Tỉnh ủy và các ngành đã ở từ mùa khô năm 1963 đến nay. Ngày 1.1.1967, mở thêm Đài thu nhận tài liệu từ Hà Nội (NBC).

Khi học xong chưa có thời giờ thực tập, nay được ổn định, tôi và anh Năm Điền đến chỗ Năm Ròm gần Văn phòng Tỉnh ủy, thực hành lắp ráp được bộ máy thu phát tín hiệu loại xì-nen để báo cáo. Chiếc máy mới ráp như máy của chúng tôi đang sử dụng, tuy đơn giản đến mức không còn đơn giản hơn, nhưng lần này có cái mới là chúng tôi được học và ráp máy thu xài transitor thay cho bóng điện tử nên rất nhẹ pin, nhẹ mang vác, còn máy phát vẫn xài đèn điện tử với nguồn điện 180 volt. Được thủ trưởng Tư Đen “nghiệm thu” đánh giá đạt yêu cầu, nên cũng rất phấn khởi.

Vừa ổn định sinh hoạt vài tháng, Tuấn được lịnh Khu gọi về. Tuy chung sống không đầy năm mà tình cảm Tuấn với chúng tôi thật chan hòa và trong sự bịn rịn với Tuấn, không chỉ của Đài mà cả Văn phòng Ban, nhất là anh em Nhà in từng gắn bó với anh em ở Đài. Thật lòng mà nói, Tuấn là một cán bộ tôi chưa thấy có khuyết điểm trong thời gian chung sống và công tác, nếu chỉ nói riêng tính chân thành và tinh thần xung phong làm việc khó thì chúng tôi ít ai bì.

Tuấn đi rồi, chiều mùng 8.4.1967, tôi cùng anh em ở Nhà in và Văn phòng Ban kết hợp với bên Văn phòng Tỉnh ủy đi tát đìa, bán cá kiếm tiền gây quỹ, làm khô mắm tự túc cho cơ quan. Tôi đi, còn Chín Lĩnh một mình, phải nhờ anh Tư Đen cho anh Năm Điền qua tiếp. Chúng tôi vào “rừng cấm” Đồng Cơ – Rọc Xây – Hà Tiên là “ổ cá”, mà hồi mùa nước, cách đây mấy tháng, chúng tôi cũng từng đến đây giăng lưới trăn, lưới cá… “Rừng cấm” là rừng tràm già, cổ thụ trên đồng đất nê địa, ít người lui tới là do ta cấm dân vào ra tự do. Những cái đìa do dân đào có rất nhiều cá, nhưng do cấm, ai bắt, trừ có ta nên cá càng dồn về nhiều hơn. Mỗi cái đìa có hình dạng ngang chừng bốn đến năm mét, dài khoảng mười đến mười lăm mét, sâu chừng một mét rưỡi đến hai mét, vừa đủ sức người tát cạn nước bằng gàu dai, bắt hết cá và gánh về nhà trong ngày để cá không chết. Những cái đìa nước ngọt và sâu toàn cá lóc trên nửa kí-lô-gam/con, một cái đìa có thể được năm đến mười gánh, mỗi gánh trên bốn mươi ký. Họ bắt toàn cá lóc dài từ hơn 30 phân trở lên, số dưới cỡ đó và các loại khác còn lại bỏ hết, nếu nước mội mà không có phèn, chúng tiếp tục sống đến năm sau.

Năm ấy, đìa trúng mùa, chúng tôi đào hầm rọng lại, chờ tát thêm đìa bắt thêm nhiều cá cho vừa một chuyến buôn của lái ở Rọc Xây vào cân. Rồi một buổi chiều mưa bất ngờ, nước ngập hết chỗ ngủ, chỗ nấu cơm; chúng tôi túm tụm nhau che ny-lon, nghĩ rằng mưa đầu mùa sẽ qua nhanh, để ba lô, ruột tượng gạo, súng lên đầu gối… chờ! Mưa vừa tạnh, tôi và các anh lật đật đi ra thăm cái hầm làm “kho tạm” chứa cá. Trên đường, thấy nước ngập lấp xấp đường đi, với kinh nghiệm đã qua, tôi biết cá đi hết rồi! Dù dự đoán không sai, nhưng trước mắt hiện ra vẫn làm tôi bị sốc và kêu lên: “Trời ơi!”.  Một đàn cá lóc mỗi con trên dưới một ký, sắp hàng chạy ngược nước theo đường mòn từ hầm chứa cá lên tìm đường xuống lung đìa theo quán tính. Tôi hô lên: “Đập chết làm khô!”. Anh em, mỗi người, kẻ đòn gánh, người khúc củi, đập nghe lốp… bốp… Và cá lật ngửa trắng bụng dài theo đường; chúng tôi gom về cả gánh. Số trong hầm còn lại không còn bao nhiêu. Thất vọng! Chúng tôi xẻ cá làm khô, ngày sau, ngày sau nữa, trời vẫn mưa, cá bị dòi đục, đành bỏ hết. Chỉ có số được muối mắm đã làm trước thì còn mang về cơ quan được một ít; còn cá khô hư hết, công toi. Cá lóc có đặc điểm là cá lớn, mỗi con từ nửa ký trở lên, ở đìa lớn, sâu và nước ngọt, gần như không lộn cá nhỏ hơn. Các nhà văn, nhà làm phim vì muốn ca ngợi cái ưu đãi của thiên nhiên nên nói “lật gốc tràm lên là bắt cá lóc ký”, đó là nói cho vui, vậy thôi!

Qua mười lăm ngày cực khổ, ngày 22.4, chúng tôi buồn thiu quảy gánh đi về! Và cũng sáng ấy, máy bay B-52 lại dội bom Núi Dài và Núi Tô (lần thứ ba ở An Giang), nhưng vì nóng lòng lo cho cơ quan, anh em tôi đi đại về trong đêm. Trên đường đi, pháo địch bắn như bắp rang để yểm trợ cho bọn đóng trên các cao điểm núi Dài mà chúng tôi không biết, cứ vẹt cây do bom pháo làm đổ la liệt cản đường mà đi, may là không ai bị sao cả. Gần sáng, chúng tôi về đến cơ quan, ôm súng cùng anh em ra phòng thủ. Địch lúc này ở trên các cao điểm: Cai Tổng Đồng – Vồ Cờ, Vồ Cỏ Sả… Chúng tôi gồm tự vệ cơ quan: Nhà In, Đài Minh Ngữ, Văn phòng Ban và Văn phòng Mặt trận tỉnh (Xạ – bạn tôi)… chỉ có năm sáu cây súng trường “Ấp Bắc” của Liên Xô mà chịu cả một cánh phía trên Nhà In, là cạnh sườn của Tỉnh ủy. Có hôm, được đội Địa bàn (Đội Bảo vệ Tỉnh ủy) tăng cường một tổ ba người, có súng Garand, Carbine thấy cũng ấm lưng. Vậy mà khi địch mò xuống cách tôi chừng hai mươi mét, nhìn qua kẽ lá, thấy người và nghe cả hơi thở hổn hển của nó. Nếu bắn là có thể diệt địch, nhưng lộ điểm thì khó an toàn, nên phương châm mà cũng là lịnh trên: “Nó không thấy mình thì không bắn, để cho êm”. Sau này, nghe có người nói: “Mỹ không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”, tôi bật nhớ chuyện chúng tôi chống càn và xem ra “Nhà Cách mạng số một thế giới” ấy cũng chỉ núp lùm kiếm ăn mà thôi!

Được Tiểu đoàn 512 về chi viện, chúng tôi mừng quá. Khi Năm Hồng Hưng, Chánh trị viên Tiểu đoàn dẫn một bộ phận lên thay chúng tôi, kiểm tra thấy “lực lượng và hỏa lực” của chúng tôi anh ta lắc đầu le lưỡi. Hồng Hưng ở nhà tên Thành, là con thứ 5 của cậu Tư Bĩnh ở Xóm Mới gần nhà tôi, hình như có bà con xa và tôi là vai anh. Gặp lực lượng mạnh và có súng bén, chúng tôi rất yên tâm.

Ngày 28.4.1967, trong khi địch vẫn còn trên các cao điểm, Tỉnh ủy nhận định, địch sẽ càn quét lâu nên chủ trương tách mỗi cơ quan một bộ phận đi trước xây dựng căn cứ mới ở núi Cô Tô. Ban kêu tôi một mình mang máy làm việc cùng Thường trực Ban và một bộ phận Văn phòng đi tiền trạm qua núi Cô Tô làm việc. Khi ra giữa đồng Lương Phi giáp với Xóm Đạo Sáu (Lò Gạch), đoàn dừng chân nghỉ để ăn cơm. Tôi mang máy móc, gần 200 cục pin đèn loại I, đồ dùng cá nhân… nghĩa là đầy một cái bòng bột. Sau khi ăn xong, cột miệng bao lại rồi, chuẩn bị đi, tôi lấy tay rờ tìm chung quanh chỗ tôi ngồi lần cuối xem có để quên gì không. Chưa yên tâm, tôi nằm xuống và lăn mình như con trăn ấp trứng chữa cháy cứu ổ trứng mà tôi thấy, để xem có cán lên vật gì không. Cách này không thể sót được. Bỗng, tôi lăn lên một vật nghe cộm dưới lưng. Thì là cái ống tai nghe. Trời đất! Mồ hôi tôi vã ra. Nếu không làm vậy, khi đến nơi lấy gì để nghe mà liên lạc? Đi như đi chơi vậy thôi. Trách nhiệm là lớn, còn kỷ luật tất nhiên là nặng rồi, nhưng tôi không sợ vì kỷ luật là hậu quả của thiếu trách nhiệm mà thôi. Bọn tôi thường có câu: “Ù tai – chai đít, công ít – tội nhiều”. Hễ có sự cố như máy hư, mất liên lạc bất thường hay đàm thoại bằng “cốt” mật hoặc tiếng lóng chữ rõ mà có sơ suất thì dễ bị nghi ngờ lắm, dễ bị đem lý lịch ra “soi” lắm! Kể lại dài dòng với ý tôi muốn nói rằng: Trách nhiệm sinh ra ý thức và ý thức là chủ đạo của hành động thành công hay thất bại. Sơ sót nhỏ thường gây thất bại lớn là vậy, tôi tự tin mình không phạm lỗi này. Từ hiện tượng ý thức cụ thể như vậy, khi tiếp nhận “Tư tưởng là thống soái” của ông Mao tôi nhập tâm rất nhanh và cũng rất có lợi cho tôi trong hoàn cảnh cụ thể.

N.M.N.

Comments are closed.