Đôi mắt của một trắc thủ (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 146)

Tương Lai

clip_image002Đó là đôi mắt tinh tường, nhận thật rõ mục tiêu, chọn thời điểm để quyết định hành động. Hành động của một bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm với một sức mạnh bên trong thật sung mãn. Sức mạnh của một người lính và là một trí thức dấn thân mà tôi có dịp kết bạn rồi gắn bó với nhau như anh em. Đó là tiến sĩ Minh Đường. Anh kém tôi 8 tuổi, thường xuyên nói với nhau qua điện thoại, qua email và đôi khi cũng tranh luận nảy lửa dễ đã mười mấy năm kể từ ngày anh gửi cho tôi một cuốn sách in đẹp có tên là Việt Nam nhất định phát triển do Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành năm 2002.

Năm năm sau anh lại gửi cho tôi cuốn sách in còn đẹp hơn, gồm hai tập bìa cứng in màu, cho vào trong một hộp các tông dày với tên sách lộng lẫy trên gáy hộp: Học thuyết Hồ Chí Minh – Hành trang để định vị và đi tới tương lai do Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2007. Với cuốn sách đầu, tôi chỉ đủ thời gian đọc qua. Nhưng đến lần thứ hai nhận được sách thì cái tên sách làm tôi chú ý: lần đầu tiên một tác phẩm in công khai bởi một nhà xuất bản chính thống có uy tín, lại ra mắt cuốn sách nghiên cứu về “Học thuyết Hồ Chí Minh” và nói rõ đây là “Hành trang để định vị và đi tới tương lai” mà chẳng đả động gì tới cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin thì to chuyện rồi đây. Thế là phải thu xếp thời gian để đọc kỹ, cho dù mắt tôi lúc này đang “có vấn đề”, chữ trong hai tập sách lại không phóng ra được như trên màn hình máy tính.

Phải đọc kỹ vì đây là lần đầu tiên trong một cuốn sách như vậy lại được lưu hành rộng rãi trong nhiều đối tượng bạn đọc, kể cả từ Hội đồng Lý luận Trung ương cho đến cấp cao hơn nữa mà tác giả đã hào phóng gửi tặng. Vả chăng, cũng đề tài này, trong một hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương bàn về “Phương pháp luận nghiên cứu chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh” tổ chức tại Sài Gòn do Tô Huy Rứa chủ trì, tôi nhận được lời mời tham dự và đã gửi tham luận đến Ban Tổ chức. Nhưng rồi trước ngày khai mạc Hội thảo thì nhận được điện thoại khuyên là tôi đừng đến vì tham luận sẽ không thể trình bày. Đơn giản vì trong đó tôi chỉ nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh theo nội dung đích thực của nó và không có cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Trong tham luận này tôi viết rõ: “Từ lâu, những người cộng sản có sự hiểu biết sâu sắc về lý luận trong một số Đảng Cộng sản đã từ bỏ khái niệm và cụm từ “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Có Đảng Cộng sản đã chính thức từ bỏ khái niệm và cụm từ đó từ khoảng năm chục năm nay. Họ chỉ thừa nhận rằng có học thuyết của C. Mác và rồi sau đó có sự đóng góp của V. I. Lênin và của một số nhà lý luận cộng sản khác vào học thuyết ấy, chứ không hề có cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”, một sản phẩm xuyên tạc, cả cố ý và vô tình của J. Stalin”…. “Dựng lên một “chủ nghĩa”, gán cho cho nó cái tên là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” theo ý đồ của J. Stalin, bao hàm trong đó sự xuyên tạc những tư tưởng đúng đắn của C. Mác để phục vụ cho những toan tính của J. Stalin và của một số người khác, xác định đó là “nền tảng tư tưởng”, là “kim chỉ nam”, để rồi buộc phải “trung thành” với nó là một bi kịch. Tệ hại hơn, ai có ý định đặt lại vấn đề đó thì bị xem như là phản bội, là “chống Đảng”. Đó chính là một ngộ nhận lịch sử hết sức lớn mà hệ luỵ của nó thì không sao lường hết được”. Chuyện này thì tôi đã đưa lên Mênh mông thế sự đã khá lâu, không nhắc lại nữa.

clip_image004Hãy nói đến cuốn sách của Minh Đường, cuốn Việt Nam trên đường phát triển mà Minh Đường đã cử Phó Viện trưởng trân trọng đem đến tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng khen nội dung cuốn sách Việt Nam nhất định phát triển này và chụp ảnh với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển – Think Tank SENA để động viên những hoạt động có ý nghĩa của các nhà khoa học, các cán bộ, nhân viên của một viện Khoa học tư nhân với tư cách một Think Tank, do tiến sĩ Minh Đường, người lính năm nao của ông làm Viện trưởng. Nhà lãnh đạo quân sự tài ba đó, như lời suy tôn của các tướng lĩnh ta “tư lệnh của các tư lệnh, chính uỷ của các chính uỷ” là người biết dành cái tâm của mình cho những ai dám dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Chính cái tâm giàu tính nhân văn ấy đã khiến ông có đôi mắt xanh dành cho họ, trong đó có người lính vừa trút bỏ bộ quân phục để dấn thân vào cuộc chiến mới trên trận địa khoa học cũng đầy dẫy chông gai và cạm bẫy đòi hỏi bản lĩnh của một chiến sĩ trắc thủ số 1 Đại đội Radar 45 Anh hùng, đơn vị lập công ở chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972, có đôi mắt tinh tường và một bản lĩnh dấn thân.

Sau trận đánh đêm 20 rạng sáng 21-12-1972, đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22-12, tiểu đoàn 77 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tại trận địa. Đại tướng mời kíp chiến đấu đứng hàng đầu, nói: “Các đồng chí đánh rất giỏi. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này”. Rồi năm 1997, nhân kỷ niệm 25 chiến thắng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhớ đến kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 năm xưa và yêu cầu được gặp lại họ. Quân chủng Phòng không – Không quân liên lạc với từng người, mời họ trở lại trận địa Chèm năm xưa để Đại tướng gặp. Câu nói của đại tướng hôm ấy, theo tôi cần khắc ghi vào lịch sử: “Hôm nay tôi đến đây không phải với cương vị đại tướng, mà là một nhân chứng lịch sử gặp những nhân chứng lịch sử”. (Dẫn theo báo Tiền Phong ngày 1. 1. 2013)

clip_image006Trắc thủ dũng cảm và tài ba Nguyễn Minh Đường cũng đang là một nhân chứng lịch sử – người vừa bị toà án Hà Nội xử năm năm tù: một án ba năm tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam; một án hai năm tù theo cáo cuộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại khoản 1 Điều 356, Bộ Luật Hình sự. VNExpress cho biết “Tại phiên toà, ông Lộ thừa nhận hành vi như cáo buộc nhưng không cho đó là vi phạm pháp luật.” Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn nhận định của Hội đồng Xét xử rằng các hành vi của ông Nguyễn Sơn Lộ (tức Minh Đường) đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Anh là nhân chứng lịch sử cho cái gì, đó là lý do để có bài viết này mà những dòng vừa mở đầu đã đặt ra.

Nhìn chiếc còng số 8 trên cổ tay anh, nước mắt tôi cứ trào ra, nhưng ngược lên nhìn ánh mắt trầm ngâm và đôi môi bình thản của anh tôi tưởng như nó đang giấu kín câu thơ của người mà anh hết lòng yêu thương và là chủ đề xuyên suốt tất cả các cuốn sách của anh đã in rất đẹp và gửi đến những người có trách nhiệm trong suốt 20 năm qua:

Phạm tội gì đây ta thử hỏi

Tội trung với nước với dân à![1]

Ai, ai phải trả lời cho câu hỏi này đây? Thật ra thì nỗi oan khuất này không chỉ một Minh Đường gánh chịu, và cũng không chỉ có bây giờ. Tôi bỗng nghĩ đến bài Thu nhật ngẫu thành của Nguyễn Tử Thành thuở xưa, trong đó có câu

Năm tháng lừng lững trôi đi, không giữ được

Trước sai, nay đúng, chỉ lòng mình biết.[2]

Thế nhưng, chẳng phải là người ta đã dõng dạc tuyên bố rằng nước ta chưa bao giờ đuợc như thế này đó sao? Thế này là thế nào đây? Thế này là “thế này” ư!

Trở lại câu chuyện đang dang dở, công trình tâm huyết của tôi gửi đi cho một số người có trách nhiệm thì chỉ hai người đọc và có hồi âm. Ông Võ Văn Kiệt dành một buổi để góp ý và khuyên chỉnh sửa đôi chút rồi đưa đi in, tôi thưa: “Đến bài anh viết lên khung rồi mà cậu Hồng Vinh theo lệnh ai đó còn đến bóc xuống thì sức mấy mà sách của tôi người ta không vụt vào sọt rác”. Chính vì thế mà tôi rất cảm động nhận được hồi âm của người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chữ ký rất đẹp và lời động viên: “Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng. 27/9/2006.”

Anh Nguyễn Khải xem và nói đùa với tôi: “Trong thời buổi đá nát vàng phai này thì ông nên đóng khung lồng kính và trang trọng treo lên giữa nhà vì nó đẹp như một bức tranh thuỷ mặc”. Đấy chính là lý do tôi rất trân trọng đưa hình Đại tướng chụp với Phó Viện trưởng Viện SENA và rồi đành thời gian đọc kỹ những lời tâm huyết và những luận thuyết được trình bày nghiêm túc trong cuốn sách Minh Đường và các cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA. Tôi nghĩ rằng đây là một “Think Tank” có những đóng góp nghiêm túc về mặt Lý luận và Khoa học cho sự nghiệp xây dựng một Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mạnh mẽ hơn theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đoạn lịch sử mới với những biến động đầy bất ngờ, gửi tặng.

Cũng không thể không nói thêm rằng, trong cuốn sách này Minh Đường có dẫn ra một câu tôi viết trong bài “Hiện tượng Obama”: “Chuẩn mực chính là sự thay đổi”. Anh cho rằng đó là một câu anh thật tâm đắc nên lấy đó làm ý tưởng cơ bản dẫn dắt những ý tưởng anh sẽ triển khai. Và rồi anh đã làm như thế thật, trong suốt những công trình nghiên cứu về lý luận nặng về lý thuyết, hay là những công trình nghiên cứu về thực tiễn mà cuốn Thực tiễn Thanh Văn & Tầm nhìn Đoàn kết là một ví dụ khá tiêu biểu.

clip_image008

Các ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, GS Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, GS Đào Xuân Sâm, Ts Thang Văn Phúc, Viện trưởng VIDS, Nguyễn Mạnh Can và nhiều người khác đang được ông Quang Văn Thỉnh, bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn (người đi đầu bên phải) mời đi thăm bà con Thanh Văn.

Người ta đang chờ từ thực tiễn Thanh Văn mà đúc kết để đưa ra những mệnh đề mang tầm lý luận. Nhưng là một lý luận mới vượt khỏi cái “nền cũ, lâu đài bóng tịch dương” (thơ Bà huyện Thanh Quan) vốn đã quá rệu rã rêu phong nhưng vẫn cứ lay lắt phủ cái bóng ảm đạm ẩm mốc lên cuộc sống đang cần bươn chải bằng những bước chân hối hả cho kịp nhịp sống thời đại. Những tưởng rằng, rồi đây từ một đốm lửa nhỏ có thể bừng cháy một cảnh sắc mới tươi sáng cho nông thôn Việt Nam.

clip_image010

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong Diễn đàn Lý luận Phát triển do Viện Các vấn đề Phát triển VIDS tổ chức tại 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Tham dự có GS.TS Đặng Hữu; GS.TS Chu Hảo; Thiếu tướng GS.TS Lê Văn Cương; GS. TS. Thang Văn Phúc; TS. Nguyễn Vi Khải; TS. Vũ Duy Phú; GS Phạm Khiêm Ích, TS. Trần Minh Tiến; Luật sư Lê Đức Tiết; các ông Hà Tuấn Trung; Hồng Cơ; Vũ Quốc Tuấn; Quang Văn Thỉnh; Nguyễn Công Bình; Huỳnh Kim Báu, Nguyễn Văn Tiêu, Thiếu tướng Lê Mã Lương, TS. Minh Đường, … Ảnh: Viện SENA.

Muốn có khởi nghiệp về kinh tế mà không dám thay đổi về cách nghĩ, cách làm với một sức tin mới bởi những người dám nghĩ dám làm, mà tôi tạm gọi là bộ phận tinh hoa mới nảy sinh từ thực tiễn, biểu hiện sống động sự khởi sắc của một diện mạo văn hóa mới, thì rất khó để có được thành tựu bền vững của phát triển kinh tế. Phải chăng đó là cội nguồn thành công của Thanh Văn? Thật thú vị là cũng đã có nhiều vị khách quý chú ý tìm hiểu, cất công về thăm bà con xã Thanh Văn và dành thời gian trao đổi, thảo luận về hiện tượng mới mẻ này, nhằm đưa ra những gợi ý nghiên cứu từ sự phát hiện có tính đột phá của Nguyễn Mạnh Can và Minh Đường cùng nhiều nhà khoa học cộng tác viên của SENA mà bức hình ở trên đã giới thiệu.

Nghĩ kỹ thì độ chín của thực tiễn Thanh Văn xem ra đã có thể thu hoạch và chưng cất trong hoạt động lý luận đích thực. Nhưng rồi giới lý luận chính thống của nước nhà chỉ mới đưa quả ngọt Thanh Văn lên mũi ngửi qua rồi ái ngại vội vã bước sang ngôi vườn quen thuộc với “Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối, Hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng; Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng, Len dưới nách những mô gò thấp kém; Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm; Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu (Thế Lữ, Nhớ rừng). Có thể thực tiễn Thanh Văn chưa hội đủ những nhân tố để vẫy gọi những đầu óc lý luận dám rũ bỏ những trang sách giáo điều, phá bỏ những bức tường đang giam cầm họ nhưng cũng do chính họ dựng lên nhằm tìm tòi những nhân tố mới.

Song theo tôi, chủ yếu là sức trĩu nặng của tập quán tư duy hướng thượng, hệ lụy đáng sợ của cái mô hình giáo điều bảo thủ đang kìm hãm sự phát triển của đất nước hơn bốn thập kỷ qua và nay tuy đã mốc meo ruỗng nát vẫn chưa chịu tự cáo chung đang cầm tù họ.

Khi dám đưa thực tiễn Thanh Văn làm một đối tượng nghiên cứu và dám in thành sách để quảng bá rộng rãi, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Can và Viện trưởng Minh Đường cũng các nhà khoa học và cộng tác viên của Think Tank SENA đã thực hiện được một đột phá trong nghiên cứu lý luận gắn làm một với những nhân tố mới của thực tiễn nảy sinh từ quần chúng nhân dân.

Rồi cái giá họ sẽ phải trả sẽ không dễ chịu đâu, cũng tựa như Quang Văn Thỉnh, người đứng mũi chịu sào của cái mô hình mới mà họ phát hiện và cổ vũ ấy từng phải gánh chịu sức ép nặng nề ra sao. Thì chẳng phải “cấp trên” đã nhiều lần yêu cầu phải thay người khác làm bí thư Đảng ủy nhưng đảng viên Thanh Văn vẫn kiên quyết bầu lại người mà họ tin rằng, với bản lĩnh ấy mới chống chọi lại được sức ép ghê gớm của tư tưởng và thế lực trì trệ bảo thủ đó sao? Mà đảng viên dám làm vậy vì họ có được sự hậu thuẫn can đảm và trung thực của người nông dân Thanh Văn, những người từng tuyên bố thật rành rẽ rằng rồi sau này họ sẽ bầu ông Thỉnh làm thành hoàng làng khi ông trăm tuổi!

Anh Quang Văn Thỉnh – bí thư Đảng uỷ của xã Thanh Văn thân thiết ôm chặt tôi sau nhiều năm gặp lại, đã nhắc đến chuyện trong một bài viết của tôi trên cuốn sách của SENA trong loạt ấn phẩm dành riêng cho chủ đề Thanh Văn, mà ông Nguyễn Mạnh Can với sự trải nghiệm của một Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian về xã này tìm hiểu để đưa ra những kiến nghị mạnh mẽ. Trong cuốn sách đó tôi đã dẫn ra một câu rất ngắn về “bí quyết thành công” của xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai Hà Nội do anh Thỉnh làm bí thư đảng ủy trong suốt 24 năm mà tôi nghĩ không phải nhắc lại nữa! Tôi nói thêm với anh rằng, sở dĩ tôi nhận lời viết một bài dài về Thanh Văn để đưa vào trong sách của Viện SENA buổi ấy vì tôi nghĩ đấy là một cách nhìn đúng, nói chính xác là một phát hiện về một mô hình kiến tạo và phát triển trong bối cảnh mới mà những nhà khoa học và các cộng tác viên ưu tú của họ đã dám mạnh dạn đặt ra.

Điều không thể không nói thêm về phong cách hành động của người lính của “Đại đội anh hùng” binh chủng đánh trận Điện Biên Phủ trên không, khi tôi thì tâm đắc với mệnh đề Obama “Chuẩn mực chính là sự thay đổi”, còn Minh Đường thì không chịu chỉ chịu dừng tại đó, mà phải “thực mục sở thị”. Anh đã dẫn đầu một đoàn các nhà khoa học dông thẳng sang Mỹ theo gợi ý và giúp đỡ của một giáo sư Mỹ, thời gian đó đang cùng làm việc với Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA trong các dự án phát triển cho Việt Nam. Ông Giáo sư Mỹ này nói rằng, như thông lệ các Tổng thống Mỹ khi nhậm chức sẽ đi thăm một số nước có quan hệ thân cận với Mỹ, và Tổng thống Obama sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 sẽ rất vui lòng chưa về Mỹ để ghé thăm Việt Nam ngay sau khi kết thúc chuyến thăm các nước đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, nếu phía Việt Nam có lời mời.

Tiếc “hùi hụi” vì người ta đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng cho đất nước, Minh Đường cho biết cơ hội lớn ấy đã được ông giáo sư Mỹ và mình trình bày trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được ông Thủ tướng khích lệ, hứa sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị. Nhưng chắc ý định đó bị bác bỏ nên cũng chẳng có hồi âm nào. Tôi chọc quê bạn tôi là “ngây thơ” vì dù có chuyện đó, khi chưa thỉnh thị “Thiên triều” thì người ta chả dám làm liều như gã điếc không sợ súng, bạn quý mến của tôi kia! Tuy nhiên, với chút trải nghiệm, tôi hiểu điều đó.

clip_image012

Murray Hiebert và Tương Lai

Chả là dạo ấy, quãng những năm 2020, lâu rồi tôi không nhớ rõ, ông Murray Hiebert, Cố vấn cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC có đến thăm tôi. Trong câu chuyện tôi ngạc nhiên về câu hỏi của ông nên không biểu tỏ sự hưởng ứng. Thế rồi quãng hơn một tuần lễ sau, ông nhắn tin cho tôi biết rằng câu chuyện ông nói đã thu xếp xong và chắc rồi báo chí sẽ đưa tin. Chuyện ngày tôi đã đưa lên Mênh mông Thế sự dưới cái tiêu đề Những tấm lòng bè bạn.

Vốn tự tin vào ý định tốt đẹp với luận cứ vững chắc từng được trình bày trong cuốn sách Việt Nam Thay đổi và Hạnh phúc in vào tháng 12.2009 đã gửi đến Hội đồng Lý luận Trung ương và các cấp cao hơn nữa của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (kèm theo một đĩa mềm), bằng bản lĩnh của một nhà khoa học từng cầm súng chiến đấu trong binh chủng Phòng không Không quân, và đã có cống hiến xuất sắc trong một đại đội được nhận Danh hiệu Anh hùng với trận “Điện Biên phủ trên không”, Minh Đường dẫn đầu một số nhà khoa học sang Mỹ theo sự thu xếp của giáo sư Mỹ nói trên để tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một người trong bọn họ, do thông thạo tiếng Anh (mà Minh Đường thì chỉ quen tiếng Đức) được trao trách nhiệm trực tiếp gặp Tổng thống Obama. Họ mạnh dạn thực hiện ý định của mình vì theo họ: Lịch sử đã sang trang; Thời đại Hội nhập đang giục giã, Diện mạo thế giới đang thay đổi mạnh mẽ tương thích với bước tiến như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu của công nghệ thông tin ứng dụng vào thực tiễn như Minh Đường hào hứng kể lại với tôi.

Trong bối cảnh mới đó, Việt Nam phải xác lập được quan hệ chiến lược với Mỹ, và bằng điều đó thì quan hệ với Trung Quốc mới lành mạnh và bền vững được, trên cơ sở đó mà thúc đẩy các mối quan hệ đa phương ngày càng phát triển có thực chất và tạo ra những tương tác với mối quan hệ Việt-Mỹ-Trung, trong đó Việt Nam có một vị thế rất tế nhị, nhạy cảm và trực tiếp. Tất cả những ý tưởng lớn này đã trình bày rõ trong Việt Nam Thay đổi và Hạnh phúc vừa nói.

Nhưng trước khi đi sâu vào công trình nghiên cứu thực tiễn này thì hãy kể về một đòn choáng váng liệu có làm cho anh tỉnh ra phần nào không đây. Một lần nữa sự “ngây thơ” của ông bạn quý của tôi lại bộc lộ ra khi hăm hở tin một cách thành thật vào những lời vàng ngọc có tính chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đặt ra với Hội đồng Lý luận Trung ương mà trong cuốn sách Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới in giấy couche bóng rất đẹp của Viện SENA gửi đến Hội đồng nói trên và cấp cao hơn nữa, anh đã trân trọng trích dẫn lời của ông Nguyễn Đức Bình, xem như một điểm tựa “quá vững chắc” cho các tìm tòi nghiên cứu khoa học trung thực và mạnh dạn của mình: “Sự thiếu nhất trí trong Đảng ta hiện nay chủ yếu là trên mặt nhận thức. Là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn trước hết là: Sau thảm họa sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu, chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? …Bản chất Đảng có gì thay đổi?… Có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Đảng hay không?”. Đòn choáng váng mà anh nhận được là cuốn sách đó bị phê phán nặng nề, bị thu hồi, kể cả đĩa mềm kèm theo cũng bị huỷ!

Không biết Minh Đường hiểu ra có muộn quá không, chứ bây giờ thì chắc rằng anh đã thấm thía cái gọi là “vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn là như thế nào rồi. Những tìm tòi nghiên cứu khoa học với thừa tâm huyết, giàu trí tuệ cho dù thiếu tiền phải bán cả xe, giật gấu vá vai để duy trì hoạt động của một viện nghiên cứu khoa học đang bước sang một trang mới, đã bị một đòn chí mạng như thế nào rồi. Cái còng số 8 trên cổ tay anh liệu có là một vật chứng lịch sử không?

Nếu trước đây anh và đồng đội phơi mình dưới bom B52 và đạn vãi ra như trấu từ các máy bay cường kích tấn công Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không giữa bầu trời Hà Nội, thì hôm nay đây Minh Đường lại cùng đồng đội và những trí thức mới chiến đấu cho sự tồn tại và phát triển của một cơ quan khoa học có trụ sở đặt tại số nhà 35 đường Điện Biên Phủ trên mặt đất ngay dưới Cột cờ Hà Nội, địa danh lịch sử thiêng liêng! Ngôi nhà đặt trụ sở cho viện nghiên cứu khoa học là niềm mơ ước không chỉ của một tiến sĩ vật lý được đào tạo ở Đức như anh, mà cũng là sự mong mỏi của nhiều nhà khoa học muốn cống hiến trí tuệ và tài năng của mình cho đất nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ mà Minh Đường luôn dành cho họ sự ưu ái, cởi mở và trân trọng.

Ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ này, trụ sở của một cơ quan khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam do tiến sĩ Minh Đường và nhiều bạn chiến đấu cùng đơn vị với một số nhà khoa học tâm huyết góp sức, góp vốn để tự xây lên với sự hỗ trợ cách đây 20 năm của Bộ Công An và UBND Thành phố Hà Nội. Sau khi được phép phá dỡ hoàn toàn nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng và có giấy phép xây nhà mới, họ đã tự dốc sức người sức của hết sức hạn hẹp của mình để mong xây nên một trụ sở hoạt động của một Viện Nghiên cứu Khoa học mới có đủ điều kiện làm việc cho các nhà khoa học trong nước có mối liên kết với các tổ chức và nhà khoa học nước ngoài, đặt nền tảng vững chắc cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng phải mở rộng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đứng ngoài nhìn ngắm, bước vào bên trong ngôi nhà lộng lẫy, tôi bỗng có cảm giác bất an sao ấy. Trong đầu bỗng nhớ đến Nam Cao, tác giả của truyện Chí Phèo, thì đây có vẻ là đất “quần ngư tranh thựcvì nó ngon ăn quá, khiến khối kẻ dòm ngó mà chảy nước dãi như lũ Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo thời hiện đại… cứ muốn kiếm kế, lập mưu mà vồ. Lại nữa, cái thế nhà thì hung quá, bên trái là Đồn Công An, bên phải và đằng sau là Đại sứ quán Tàu, toàn là đằng đằng sát khí, chỉ mới thầm nghĩ cũng đã phát khiếp, ngẫm sâu càng hãi!

Ấy thế nhưng đây lại là điểm tụ hội lý tưởng của khách thập phương thích cùng nhau gặp gỡ để tìm hiểu, trao đổi những đề tài khoa học, công nghệ một cách cởi mở và thông thoáng nhờ Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA hoạt động dưới dạng một Think Tank.

Mà nếu hiểu một cách đầy đủ thì Think Tank là một tổ chức nghiên cứu độc lập về kiến tạo chủ trương, chính sách, với các chuyên gia có khả năng nghiên cứu; có cảm hứng lý luận và kinh nghiệm thực tế. SENA được xây dựng và hoạt động theo hướng một think tank vào loại sớm nhất nếu chưa muốn nói có thể là đầu tiên ở Việt Nam chăng. Vì vậy cũng dễ hiểu là nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các nhà khoa học Pháp muốn có mối liên hệ hợp tác với Viện SENA. Một trong những ví dụ tiêu biểu là SENA, một đơn vị khoa học của Việt Nam đã được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định là cơ quan đầu mối với các Viện Nghiên cứu của Pháp vốn tập hợp trong “Ngôi nhà khoa học Pháp” tại Hà Nội.

clip_image014Tôi nhớ đến bữa cơm Minh Đường tự chế biến rất ngon mời tôi trên tầng cao nhất của toà nhà anh đang ở với một ban công trồng hoa nhìn thẳng ra Cột Cờ và góc đường Hoàng Diệu Điện Biên Phủ. Thú vị hơn nữa là mấy con chim bồ câu làm bạn với anh cứ tha thẩn bên bồn hoa nhặt thức ăn của người yêu chúng hàng ngày rải ra. Với bàn tay tháo vát của người lính, lại đang sống độc thân, Minh Đường nấu cơm và làm thức ăn rất ngon. Anh nói, ngay khi về thăm mẹ ở phố Hàng Chuối, anh cũng vào bếp làm cơm. Niềm vui lớn của anh là được ngồi nói chuyện hoặc vừa đẩy xe lăn đưa mẹ đi dạo vừa nói chuyện với bà. Mẹ anh là một cán bộ phụ nữ lão thành, có mặt cùng chị Lê Thi (Duơng Thị Thoa) trong lễ treo cờ đỏ sao vàng trước nhà Hát Lớn Hà Nội tại cuộc mít tinh giành chính quyền năm 1945. Cụ thân sinh của Minh Đường là một cán bộ ngoại giao lão thành, từng là Đại biện Lâm thời của Việt Nam tại Maxcơva, tiếp đó là Đại sứ Nguyễn Lương Bằng. Minh Đường đã được mẹ cho phép dùng cuốn sổ đỏ ngôi nhà bà đang ở để thế chấp vay Ngân hàng nhằm trang trải chi phí cho trụ sở của Viện SENA với ngần ấy cán bộ, nhân viên mà người Viện trưởng phải lo toan. Thường là chỉ trong bữa cơm giữa hai chúng tôi trên căn phòng riêng ở tầng trên cùng của toà nhà Minh Đường mới cởi lòng chuyện gia đình với tôi. Vậy mà cũng chỉ một lần tôi được anh cho bước vào gian thờ Phật được thiết lập thật trang nhã và thiêng liêng ở nơi cao nhất của toà nhà 35 Điện Biên Phủ. Hôm ấy cụ Can cũng được mời. Đây là chốn tâm linh, nơi Minh Đường đêm đêm ngồi tĩnh lặng trong thanh khiết hương hoa toả ngát, anh tâm sự với tôi.

Bản thân tôi cũng may mắn có nhiều lần đến hầu chuyện các bậc thức giả, các cán bộ lão thành, các trí thức nhân sĩ giàu tâm huyết với đất nước tại ngôi nhà nghĩa tình này. Chỉ xin gợi lại một kỷ niệm ấm áp mà Viện SENA để lại sâu đậm trong tôi. Trước Tết Mậu Tuất nhân ra Hà Nội thăm mộ mẹ, tôi được Chủ tịch Think Tank SENA Nguyễn Mạnh Can và Viện trưởng Minh Đường mời dự bữa cơm thân mật với những người bạn thân thiết, càng thấy cái mái nhà SENA ở 35 Điện Biên Phủ thật là nơi gặp gỡ lý tưởng và thân tình giữa những người làm nghiên cứu khoa học giàu tâm huyết, những cán bộ lão thành từng trải qua gần hai phần ba thế kỷ cách mạng và kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước chống thù trong câu kết với giặc ngoài.

clip_image016

Cuộc gặp mặt thân mật với Tương Lai từ Sài Gòn ra vào dịp Tết Mậu Tuất 2018 ở Viện Nghiên cứu –Think Tank SENA. Hàng ngồi: Tương Lai (giữa); Chủ tịch Think Tank SENA Nguyễn Mạnh Can (phải), ông Hà Tuấn Trung, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình (ngồi ngoài cùng phía trái); Hàng đứng: TS. Minh Đường (phải), X, ông Quang Văn Thỉnh, Y, ông Hồng Cơ, ông Lê Xu, ông Phạm Xuân Đại. Ảnh: Viện SENA

Tôi chỉ gợi ra đây một ví dụ mà tôi được là người trong cuộc. Đó là một buổi trao đổi xoay quanh chủ đề về những thành tựu của công nghệ thông tin với internet nối mạng toàn cầu và quản lý xã hội do Viện VIDS tổ chức.

VIDS là một Viện nghiên cứu do tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Viện trưởng, ông Nguyễn Vi Khải, nguyên là Viện trưởng một viện thuộc Viện Mác-Lênin trước đây, làm Phó Viện trưởng. Diễn đàn khoa học của Viện VIDS được định kỳ tổ chức dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Trong nhiều lần sinh hoạt đôi lúc có sự tham gia của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, người thủ trưởng thân tình mà tôi rất quý mến và nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, ông Đặng Hữu, nguyên Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ và nhiều người khác… Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi đều cố gắng thu xếp thời gian đến Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA để được tham dự, nhằm lắng nghe nhiều điều bổ ích từ các diễn giả, những nhà khoa học có uy tín, những cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm. Những diễn giả được mời trình bày là những người tôi từng quen biết như Nguyễn Trung, Lê Đăng Doanh, những người từng gặp như tướng Lê Mã Lương, hay có người tuổi cao sức yếu nhưng tuần nào cũng gọi điện từ Hà Nội nói chuyện dài với tôi để hỏi thăm tin tức vì mắt của ông không còn đọc được sách báo nữa như giáo sư Đào Xuân Sâm, nguyên Tổ phó Tổ Tư vấn thời Võ Văn Kiệt. Tuy thế ông vẫn cố gắng nhờ người đưa đến để trình bày những vấn đề tâm huyết mà ông từng ấp ủ và đang nung nấu muốn nói ra với nỗi niềm sâu kín “e rồi chết không nhắm được mắt” vì thực trạng đất nước.

Dẫn ra ví dụ trên nhằm nói lên rằng, Diễn đàn VIDS tổ chức tại Viện SENA là một hoạt động khoa học trung thực, bổ ích, ngày càng thu hút được đông đảo những nhà khoa học tâm huyết, những bậc lão thành giàu lòng yêu nước yêu dân, gây dựng được một môi trường sinh hoạt học thuật theo đúng tinh thần từng được nêu lên từ Hội đồng Lý luận Trung ương đã dẫn ra ở trên: “là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn”. Chính cái đó đã xua bớt đi sự ngột ngạt, bất an dồn nén trong bầu không khí xã hội do áp lực nặng nề của thể chế toàn trị phản dân chủ ngày càng phơi bày tính bạo lực của sự tha hóa quyền lực đang ngự trị trong đời sống tinh thần của xã hội. Đáng tiếc thay, một bộ phận cầm quyền sợ cái ghế quyền lực đã rệu rã đang bị lung lay thêm do sức lan tỏa của tính trung thực dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật đã không muốn thực hiện quan điểm đúng đắn từng được đưa ra.

Họ cần dập tắt ngọn lửa đang được nhen nhóm để duy trì quyền lực của họ. Phải chăng tại nơi này, người ta ta đang nhìn ra những điều mà họ đang e sợ. Ở đây đang bộc lộ trung thực và thẳng thắn, mạnh dạn và công khai những tấm lòng yêu nước yêu dân, minh bạch trình bày những vấn đề quốc kế dân sinh, những suy thoái văn hóa, giáo dục, lên án những băng hoại về đạo lý, tình người mà người ta muốn quanh co che đậy, và rồi ai đó động lòng, đã hạ lệnh ngăn chặn! Sẵn quyền trong tay, bất chấp pháp luật, kỷ cương và đạo lý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lúc ấy đã ký Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ thẳng thừng bác bỏ kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong Thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 12.7.2017 về việc “Thu hồi quyết định số 1977/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2013 về việc thu hồi nhà đất tại số 35 Điện Biên Phủ” vì cho rằng kết luận nói trên “không có cơ sở”.

Sẽ là vô duyên nếu kẻ không am tường luật pháp như tôi lại xông vào bàn luận. Hơn nữa lại là loại “luật pháp” được vận dụng vào trường hợp ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ vốn đã kéo dài hàng chục năm những tưởng đã kết thúc với kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 12.7.017 lại bị ông Chủ tịch UBND Hà Nội, cấp dưới trực tiếp của Chính phủ ở ngay Thủ đô bác bỏ. Hơn nữa một khi ông Chủ tịch Ủy ban này dám ra đòn với “cấp trên” chứ không chỉ “lật kèo” với cấp dưới như đảng ủy và dân Đồng Tâm dạo nào, thì chắc ông ta đã có bửu bối cỡ “miễn kim bài” hay “kim bài miễn tử” gì gì đó được viết tay chứ chẳng chơi. Rồi thì, cùng với con đường “chính ngạch”, các hoạt động “tiểu ngạch” được nhanh chóng thực thi rất chi là năng động và chuyên nghiệp như cắt điện ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ, ngăn cản những người tham dự với mọi hình thức, tế nhị có, thô bạo có…

clip_image018Ông Nguyễn Mạnh Can đặc biệt nhấn mạnh những ý đã tô đậm trong cuốn sách gửi kèm theo bức thư nói trên: “…Việt Nam vẫn trì trệ và lạc hậu không do nguyên nhân bên ngoài, không do yếu kém về kinh tế, không do thiếu sức mạnh quân sự, càng không do thiếu công cụ bảo vệ thể chế, mà chủ yếu do chính thể cầm quyền gắn với mô hình mệnh lệnh không thu hút và không phát triển được tầng lớp tinh hoa mới ở ngay trong hệ thống cầm quyền và trong xã hội từ cơ sở đến trung ương, cũng như không mang đến đức tin mới cho dân tộc”. Vì thế, nhà cách mạng lão thành, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Think Tank SENA có trụ sở tại 35 Điện Biên Phủ khẳng định: “Việt Nam chỉ có thể phát triển, sự nghiệp đổi mới chỉ có thể thành công khi hội đủ Mô hình Phát triển mới, Tầng lớp tinh hoa mới và Đức tin mới”. Đó là ý tưởng nổi bật, xuyên suốt toàn bộ cuốn sách mới nhất với nhan đề Để Việt Nam Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn, Mạnh mẽ hơn của Viện Nghiên cứu Think Tank SENA vừa ấn hành và gửi tặng các Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên Ban Chấp hànhTrung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ cùng đông đảo trí thức, doanh nhân và bạn đọc trên cả nước.

Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Mạnh Can nhiều lần nói với tôi: “Không hiểu cậu Minh Đường lấy sức đâu mà có thể vừa quản lý một Viện Nghiên cứu vừa viết một cách liên tục như vậy. Tôi rất lo cho sức khoẻ của cậu ấy. Tôi biết có thời kỳ, nó phải thức trắng nhiều đêm để viết, để trình bày và sửa bản in cho kịp ấn hành”. Tôi cũng cùng một mối lo với ông bạn vong niên mà tôi rất mực kính trọng cho dù đôi khi cũng tranh cãi với ông, phần lớn là qua Minh Đường nói lại, vì tôi không muốn phiền ông qua điện thoại. Nhiều lần đã rất khuya, Minh Đường vẫn gọi cho tôi: “Em phải làm phiền anh, nhưng biết rằng anh vẫn còn thức, em muốn trao đổi thêm với anh về cái “vết nhọ” mà anh gay gắt phản đối em và cả bác Can…”. Là người cầm bút đã nửa thế kỷ, tôi khá hiểu về cái nghiệp viết lách, nhưng thú thật rằng tôi phải ngả mũ bái phục sức viết của Minh Đường. Chỉ cần một trao đổi, một vài nhận xét mà anh chấp nhận, Minh Đường sẵn sàng xoá bản vừa viết, thậm chí vừa đưa in để viết lại, trình bày lại. Trong bạn bè của tôi, có lẽ anh là người lập kỷ lục viết, trình bày, xoá bản thảo viết lại, trình bày lại cho đúng hơn, đẹp hơn. Thế nhưng chính Minh Đường lại tự nhận mình chỉ là người “bưng bê”, “hầu hạ” để làm sao cho những cuộc sinh hoạt khoa học tại Viện SENA được chu đáo, vui vẻ.

Tôi chỉ lẩy ra một ví dụ: Hôm ba chúng tôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu và tôi từ Sài Gòn ra để nhập vào đoàn đưa kiến nghị “Sửa đổi Hiến pháp” đến Văn phòng Quốc hội do anh Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu, Minh Đường đã đến Nhà Khách 35 Hùng Vương gặp, và hỏi xem chúng tôi có cần gì để anh ấy phục vụ, và liệu có thể sau khi đưa Kiến nghị thì có ghé qua 35 Điện Biên Phủ để cùng ăn cơm với bác Nguyễn Mạnh Can và vài anh em để nói chuyện không, để anh ấy chuẩn bị.

clip_image020Minh Đường là như thế.

Phải chăng vì thế mà anh bị bỏ tù? Năm nay anh 79, nếu theo âm lịch thì anh tròn 80, vượt tuổi xưa nay hiếm một thập kỷ. Toà án Hà nội tuyên án tiến sĩ Minh Đường 5 năm tù, nếu không có phiên toà phúc thẩm thì 5 năm nữa ông tiến sĩ Minh Đường đúng 85, một lão tiến sĩ từng là một trắc thủ của một Đại đội anh hùng thuộc binh chủng Phòng không Không quân mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng tuyên dương “Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này” rồi làm xong nghĩa vụ cao cả đánh giặc cứu nước, vừa buông súng đã cầm bút dấn thân vào trận địa khoa học với nghị lực và bản lĩnh của một chiến sĩ trên trận địa mới với một tâm hồn trong sáng và trung thực với sứ mệnh mới của dân tộc, trung thực với chính mình, một trí thức dũng cảm dám đương đầu với mọi chông gai, mọi cản lực để đi tới và để hôm nay bị… tù! Tôi muốn nói với Minh Đường, người bạn thân thiết, người em yêu thương hãy tiếp tục dũng cảm sống. Tôi ước ao Minh Đường sẽ dũng cảm trong tinh thần lạc quan để như tác giả của Ngục trung nhật ký, người mà Minh Đường hết lòng yêu thương và dành toàn bộ những trang viết trân trọng của mình cho chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của mình, nằm trong ngục vẫn cảm được

Hương hoa bay thấu vào trong ngục,

Kể với tù nhân nỗi bất bình[3]

Ngày 19.7.2023


[1] Hồ Chí Minh, Thí vấn dư sở phạm hà tội?/Tội tại vị dân tộc tận trung! (Ngục trung nhật ký, Nam Trân dịch).

[2] 歲月堂堂留不得, 昨非今是只心知 Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc,/Tạc phi kim thị chỉ tâm tri. (Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học Xã hội, 1978).

[3] Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù. Bài “Cảnh chiều hôm” (Vãn cảnh)

Comments are closed.