Đĩ thúi & phần còn lại ở đời sau (kỳ 7)

Nguyễn Viện

(Vĩ thanh)

& PHẦN CÒN LẠI Ở ĐỜI SAU

Người ta tìm thấy thằng cu, cái hĩm trong rừng Mỹ Sơn vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19, khi chúng đã hóa đá sau hàng ngàn năm ngất xỉu từ một cú đâm thấu suốt vào nhau. Cuộc ngộ nạn tuyệt đối này thật ra đã có một lịch sử rất lâu hơn thế, và nó mang lại cho con người một niềm cảm hứng nghệ thuật và tôn giáo bất tận. Nhưng mặc kệ các loại nghệ thuật và tôn giáo, thằng cu – cái hĩm đã đi xuống âm phủ và ở đó chúng tìm thấy linh hồn của mình.


Các nhà phục chế của thực dân Pháp đã đến Mỹ Sơn và họ làm sống lại cái thể xác của thằng cu – cái hĩm. Nhưng các nghi thức thần thánh để con người vươn tới cực lạc và viên mãn đã vĩnh viễn không còn nữa. Sự giao hoan của con người trở thành hoài niệm và chìm đắm trong thời gian.

Tôi từ dưới đất chui ra và đi tìm một cái lỗ huyệt để chui vào. Ở Mỹ Sơn, những cái lỗ huyệt được kính trọng như những vật thể hiển linh. Nó cai quản mùa màng nhưng việc cúng tế trời đất lại được giao cho những thằng cu như tôi. Vì thế, những thằng cu lại trở thành quan trọng như những phúc lộc của thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở Mỹ Sơn, chúng tôi ăn ngủ, chăn nuôi súc vật, gieo trồng và thánh chiến. Chúng tôi luôn luôn thánh chiến. Chúng tôi gọi là thánh chiến mọi cuộc tranh dành và chiếm hữu. Đất đai và nô lệ. Tập thể và cá nhân. Kể cả với một cái hĩm hay thằng cu.

Thằng cu, bản chất là một cây gươm. Tôi được sinh ra từ một cái lỗ huyệt sau một buổi tế lễ của cha mẹ. Tuy nhiên, tôi luôn luôn là một đứa bé mồ côi. Và tôi hồi hướng đấng sinh thành bằng cách đi tìm cái lỗ huyệt của mình. Tri ân và phụng hiến. Cuộc thánh chiến của tôi vì thế cũng là một truy vấn về căn nguyên và cứu cánh tôi. Nhưng tại sao chúng tôi lại tàn lụi như những phế tích, khi chúng tôi luôn luôn thánh chiến? Đó là một câu hỏi không ngừng ám ảnh tôi.

Tôi xuống âm phủ.

Âm phủ giống như cái cối xay đá. Tất cả mọi linh hồn đều bị chà xát bởi một bóng tối. Tất cả mọi thiền định đều dối trá. Mọi minh triết đều lừa đảo. Khi linh hồn tan ra, chủ nghĩa duy mỹ tụng kinh gõ mõ. Tôi bước từng bước trong cái rãnh của cối xay đá, lập ngôn cho tôi.

Tôi nói “Đây là tôi”. Tức thì, những giọt máu văng tung tóe và lóng lánh âm vang “Đây là… Đây là…”. Những bóng ma xuất hiện và chúng đầy chật tôi. Âm phủ lúc ấy chỉ là những phóng ảnh của tôi. Bọn chúng không mang số tù và hỗn độn bốc mùi.

Âm phủ hay háng có khi là một, có khi là nhiều và tách bạch nhau.

Ở đây, các loại ngôn ngữ khác biệt trở nên phổ quát. Vì thế “Háng” sẽ được viết là “Hang” trên tấm bảng chỉ đường và có thể hiểu theo cả nghĩa tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nó mặc định nơi chốn và tình trạng. Trước hết, nó là một cái hang và hình thái của nó là treo, móc, bị treo, nhưng cũng là đi dong… đồng thời biểu hiện cách làm, cách treo, dốc, đường dốc, khái niệm, sửa lại cho vừa… Theo cách ấy, âm phủ là nơi con người bị treo trong hang/háng nhưng đối với tôi, háng hay hang đều biểu thị một âm tính mạnh mẽ.

Tôi phân vân không biết nên đi về háng của những Đồ Chiểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn, Nguyễn Huệ… hay háng của Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều, Thị Nở, Cúc Hoa…

Tôi nhắm mắt để chảy tự nhiên về nơi tôi sẽ phải tới.

Một cái hĩm non hỏi: “Anh có thấy đôi mắt em buồn không?”

Tôi bảo: “Buồn ngược với cái miệng rất tươi của em”.

Hĩm non giải thích: “Vì đôi mắt em nhìn mưa”.

Bất chợt tôi sến chảy nước nhìn thấy toàn bộ cái hĩm ấy là một cơn mưa. Cái cổ dài ba ngấn ngóng mưa. Tóc ướt mưa. Đôi môi ngậm mưa. Đôi tai mỏng nghe mưa. Cánh mũi phập phồng mưa.

Hĩm non nói tiếp: “Sâu thẳm”.

Tôi hơi bất ngờ. Đôi mắt em nhìn mưa sâu thẳm. Tôi điên cuồng nói: “Anh muốn mưa vào em”.

Hĩm non bảo: “Thì cứ mưa đi”.

Tôi ngày ngày xách dái chạy rông bị treo giữa cơn mưa. Và dầm mưa cho đến khi rơi xuống âm phủ.

Đó là một cái háng đang ầm ì rung động bởi rất nhiều linh hồn hoang dại. Tôi nhìn thấy đầu tiên là một đôi mắt sáng như mắt mèo, bởi vì hắn đang nhìn tôi như thể hỏi: “Mày từ đâu tới?” Đó là một thằng cu bạc phếch.

Tôi hỏi lại: “Xuống đây cũng buộc phải khai báo sao?”

Hắn rung hàm râu: “Đây là háng trình báo”.

Tôi nhủ thầm, đéo ở đâu thoát. Tuy nhiên, tôi trả lời: “Tôi từ một cái hĩm non”.

Thằng cu già tỏ ra thân thiện hơn: “Tốt. Rất tốt. Một vĩnh hằng đáng kính. Một bác kính yêu”.

Tôi hỏi hắn: “Còn ông?”

Cu già rung hàm râu như thể hắn chỉ là một hàm râu: “Tao từ một cái hĩm ngoại”.

“Tuyệt chứ?”

“Tao tôn thờ”.

Tôi nôn nóng muốn biết mình sẽ phải đến chỗ nào, hỏi: “Tôi sẽ phải đi đâu nữa?”

Hắn bảo: “Cứ ở đây chờ”.

Tôi hỏi: “Bao lâu?”

Cu già rung lắc hàm râu mạnh hơn, nói: “Không biết. Không ai biết”.

Tôi tiếp tục hỏi: “Tôi phải trình báo ai?”

Lão tỏ vẻ sợ hãi: “Không biết. Không ai biết”.

Tôi hỏi: “Ông gặp Diêm vương chưa?”

“Chưa. Tao không muốn gặp”.

Không biết tự bao giờ một bộ lông rất rậm đứng cạnh tôi, nói: “Mày muốn kết thúc sớm à? Đừng ngu. Hãy giữ cho mình niềm hy vọng”.

Tôi nhận ra đó là một cái hĩm ngoại bóng mượt vì được tôn thờ. Tôi nghĩ, còn hy vọng cái con mẹ gì ở thế giới này. Tôi làm quen với mụ: “Em đã ở đây bao lâu?”

Mụ nói: “Ở đây không có thời gian, mặc dù vẫn có sáng – tối”. Rồi mụ khuyên tôi: “Tốt nhất là tự tìm lấy một chỗ rồi treo lên”.

Tôi đi vòng quanh và nhận ra có nhiều khuôn mặt quen, nhưng không một ai tỏ ra vui mừng hay một thái độ nào đó cho sự gặp gỡ này, như thể một người lạ và việc có tôi hay không cũng không có gì khác.

Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng ca vọng cổ từ đâu đó vọng lại. Tôi đi về phía xa xăm. Tuy không có bảng địa chỉ, nhưng tôi vẫn nhận biết được đó là háng Nguyễn Đình Chiểu. Tôi bước vào, Nguyễn Đình Chiểu đang treo ở một cái hõm cao nhất, xung quanh là Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Bùi Kiệm… và cả những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Cao Văn Lầu đang đánh đàn nguyệt. Tôi biết Nguyễn Đình Chiểu đã bị mù từ khi còn trên dương thế, nhưng tôi biết là ông ta nhìn thấy tôi.

Tôi là kẻ vãng lai.

“Gặp đây đương lúc giữa đàng,

Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không.

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi…”

Tôi nhận biết Kiều Nguyệt Nga đang nói với mình. Tôi không ân oán gì với Nguyệt Nga hay Nguyễn Đình Chiểu. Tôi hỏi một nghĩa sĩ đang treo gần chỗ tôi đứng nhất: “Hình như có sự nhầm lẫn nào đó phải không?”

Ngài cu đen nói: “Cô ấy đang nói với ông đấy…”

Tôi không hiểu và không biết phải nói sao. Giữa lúc ấy, Nguyễn Đình Chiểu lên tiếng: “Tất cả bọn tui chào chú. Bọn tui bao giờ cũng tôn trọng nhân nghĩa, vì thế, Kiều Nguyệt Nga muốn giãi bày sự tri ân của một nhân vật tiểu thuyết với một nhà văn như chú”.

Chết mẹ tôi rồi, tôi muốn khóc thét, nhân quả nhãn tiền. Tôi nói: “Dạ, không dám. Thiệt tình không dám. Tôi chỉ là kẻ vãng lai”.

Lục Vân Tiên nhảy ngang vào nói theo kiểu giang hồ Nam bộ: “Nếu ông bạn vui lòng, hãy ở lại với chúng tôi”.

Không đặng. Không đặng. Tôi la lên. Tôi sẽ yêu Kiều Nguyệt Nga và làm mích lòng Lục Vân Tiên. Tôi phải bỏ chạy. Vĩnh viễn bỏ chạy khỏi các nhân vật kiều diễm.

Tôi nói với Lục Vân Tiên: “Đa tạ đại huynh, tôi không muốn bị treo giữa sự ngang trái”.

Lục Vân Tiên ôn tồn bảo: “Thế giới đã thay đổi. Chúng tôi tuy hoài cổ nhưng không câu nệ. Ông bạn không nghe dân gian truyền miệng Vân Tiên nấp dưới bụi môn, đợi khi trăng lặn rờ… lưng Nguyệt Nga sao? Khi trăng lặn, mọi điều đều có thể”.

Tôi cười, hỏi: “Thế còn cụ Đồ Chiểu?”

Lục Vân Tiên cũng cười: “Cụ đang viết một cuốn sách khác, Lục Vân Tiên dị bản để gần với nhân dân hơn”.

Ở đây, bao giờ trăng cũng lặn.

Tôi nhìn Kiều Nguyệt Nga diễm lệ đoan trang. Và tôi ở lại. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc rót cho tôi một ly rượu đế Gò Đen. Bình sinh tôi không biết uống rượu, nhưng tôi chết rồi, say cũng chẳng hề chi. Tôi cùng mọi người nâng ly uống cạn. Tôi lại nhìn Kiều Nguyệt Nga, chính xác là hĩm Kiều Nguyệt Nga. Trăng lặn. Hĩm Kiều Nguyệt Nga tiếp tục ca vọng cổ. Tôi bắt đầu một dị bản khác về các nhân vật của cụ Đồ Chiểu. Tôi đến gần Kiều Nguyệt Nga bằng cách treo mình bên cạnh nữ tỳ Kim Liên của nàng. Một mùi hương lạ phảng phất, tôi khao khát đón lấy, không phân biệt được là mùi của Kim Liên hay Nguyệt Nga. Đây là cách tôi có thể đi sâu vào bản thể của cái nõn nường muôn thuở.

Ngài cu đen đáng kính sử dụng song loan giữ nhịp cho Kiều Nguyệt Nga dường như cũng nghe được nhịp thở của tôi. Mỗi một tiếng “cốp” vang lên là một lần tôi đứt hơi. Tôi chợt nhận ra đây là một quần thể hợp nhất mà một người khác như tôi không nên bước vào, cho dù họ rất hiếu khách. Đó là những kẻ thánh chiến. Cuộc trường chinh của họ mang âm sắc rêu phong, nhưng lại quá quyết liệt. Làm sao tôi có thể buông thả mình mà không gây ngộ nhận và tử thương. Mùi của Kim Liên và Nguyệt Nga vẫn quyến rũ tôi. Văn dĩ tải đạo bóp cổ, bịt mũi tôi. Nguyễn Đình Chiểu giành lấy song loan và ông gõ nhịp nhân từ giải thoát tôi. Đạo lý đích thực không phải giáo điều. Tôi nhìn cái đẹp lung linh. Trăng lặn. Hĩm Kiều Nguyệt Nga đổ một cơn mưa ngọt ngào.

Tôi đã từng một lần vào sâu trong miệt vườn ở Cà Mau. Trong căn chòi của người đàn bà góa, tôi thấy một khạp rượu lớn. Những căn chòi khắp Nam bộ, rượu chảy lênh láng. Ngài cu đen nghĩa sĩ Cần Giuộc tiếp tục rót rượu cho tôi. Và tôi, kẻ vãng lai say rượu mượn lời ong bướm ca cải lương với hĩm Kim Liên và Nguyệt Nga về sự xa vắng của tinh trùng. Cho đến khi tất cả đều say, trạng thái treo trở nên lắc lẻo và cái khát vọng giao hợp hoàn toàn trở thành trống rỗng xuyên qua cái trống rỗng của Kim Liên và Nguyệt Nga. Tôi nói tôi đi chết đây.

“Hỡi các linh hồn,

Chúng ta muốn sung sướng, chúng ta phải chịu nhục. Nhưng chúng ta càng chịu nhục, bọn cường hào càng hung hãn ác độc, vì chúng quyết bắt ta làm nô lệ muôn kiếp.

Không! Chúng ta thà mất tất cả, chứ chúng ta không chịu mất dái, nhất định không để bọn chúng thiến chúng ta như những củ hành.

Hỡi các linh hồn,

Chúng ta phải giương súng lên.

Bất kỳ nam phụ lão ấu, không phân biệt đảng phái hay giai cấp, muốn sướng chúng ta phải chiến đấu. Ai có cu dùng cu, ai có hĩm dùng hĩm. Ai không thích dùng cu hay hĩm thì dùng miệng. Chúng ta nhất định phải sướng cho bằng được.

Giờ hành động đã đến. Tôi kêu gọi mọi linh hồn không treo mình nữa.

Âm phủ muôn năm…”

Tôi nghe ra giọng Chí Phèo. Quả thật bất ngờ, âm phủ đã làm hắn tỉnh rượu. Và hắn làm cách mạng. Chí Phèo đứng trên một bục cao được dựng lên bởi những cái bóng, hắn nói sùi bọt mép. Cho dù tôi chưa bao giờ ngưỡng mộ Chí Phèo hay Nam Cao, nhưng tôi tin rằng những người nổi tiếng luôn biết cách để nổi tiếng cho dù họ ở bất cứ đâu. Đám quần chúng các linh hồn man rợ hò reo theo hắn, âm phủ muôn năm, sung sướng muôn năm… Rồi họ xông vào các háng và đè nhau ra. Cách mạng tất có đổ máu và chửi rủa. Cách mạng tràn ngập tiếng rên. Cách mạng tất có bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Cách mạng không phải là hòa giải hay hòa hợp. Trên dưới đảo lộn. Giữa lúc Chí Phèo chưa biết làm gì khác ngoài việc khẳng định sự nằm trên của mình, thì Xuân Tóc Đỏ xuất hiện. Kẻ bao giờ cũng đến đúng lúc.

Hắn nói: “Vô sản âm phủ hãy đoàn kết lại, hãy giành lấy chính quyền”.

Chí Phèo trong lúc tự sướng cũng vẫn còn tỉnh táo nói: “Ai cho mày chõ mõm vào đây? Chính quyền tao đã cướp được rồi thì không nhường cho ai nữa”.

Xuân Tóc Đỏ đổi giọng: “Thưa đồng chí Chí Phèo kính mến, ý em chỉ là chúng ta phải đoàn kết để cùng chia chiến lợi phẩm”.

Chí Phèo cười nhạt: “Bà Phó Đoan của mày tao không giành. Toàn thể hĩm các loại thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiểu chửa?”

Xuân Tóc Đỏ cười cầu tài: “Vâng thưa đồng chí Chí Phèo kính yêu, em hiểu. Đồng chí phân phối vĩ đại. Em phục vụ đồng chí”.

Chí Phèo hỏi: “Mày muốn gì?”

Xuân Tóc Đỏ xum xoe: “Thưa đồng chí Chí Phèo kính mến, dạ xin đồng chí cho em một xuất Kiều Nguyệt Nga trang đài được không ạ?”

Chí Phèo lớn tiếng: “Làm cách mạng thì không được phong kiến. Mày cần học tập tấm gương Chí Phèo kính yêu là trung thành với lập trường giai cấp”.

Tôi bất giác nhìn lên đỉnh háng. Thị Nở và những cái hĩm thâm đen được gọi là vợ nhặt đang mấp máy gợi tình. Tất cả họ đều sẵn sàng chơi không sợ hết hơi.

Tôi nghe tiếng bà Phó Đoan nói nhỏ: “Đây không phải là chỗ của chúng ta. Ông Vũ Trọng Phụng đang chờ anh”.

Tôi theo bà Phó Đoan đến háng Vũ Trọng Phụng. Ông Phụng ho sù sụ. Ông chết trẻ nhưng nhìn hom hem như một cành khô bạc phếch trong sương muối. Tôi cúi đầu chào. Ông lắc cu bảo đừng trịnh trọng làm gì. Sự thể của tất cả chúng ta chỉ là cu và hĩm trong háng tăm tối.

“Cậu đừng chờ đợi. Văn chương không phải là cái để chờ đợi. Hoặc là cậu vứt nó đi, hay là cậu treo nó vào háng”.

Tôi nói: “Tôi để nó ở trần gian. Vấn đề tôi muốn hỏi ông là các linh hồn chờ đợi gì ở âm phủ?”

Vũ Trọng Phụng trầm ngâm: “Thật ra, tôi cũng không biết”.

Tôi lại hỏi: “Những người làm chính trị như ông Trần Thủ Độ có biết không?”

Vũ Trọng Phụng bảo: “Tôi không thấy Trần Thủ Độ ở đây”.

Tôi hỏi: “Có thể hiểu thế nào về cuộc cách mạng của Chí Phèo?”

“Làm gì có cuộc cách mạng nào. Đấy chỉ là huyễn tượng thôi. Cậu đừng tin những gì cậu nhìn thấy ở đây”.

“Kể cả đám đờn ca tài tử của Cao Văn Lầu?”

Vũ Trọng Phụng gật đầu: “Đấy là lý do tôi muốn gặp cậu”.

Tôi thầm hỏi, Vũ Trọng Phụng này là ai? Vũ Trọng Phụng nói: “Cậu cũng không cần quan tâm tôi là ai. Bản chất của chúng ta là trong suốt. Sự hình thành nên mỗi cá nhân là vay mượn. Có một sự bí ẩn ở đây là bỗng nhiên một ai đó biến mất một cách tuyệt đối, nghĩa là không còn gì kể cả trong ký ức của những người còn lại, nhưng nó không thường xuyên và tất yếu như cái chết ở dương gian”.

Tôi nói: “Phải chăng đó chính là điều chờ đợi?”

Vũ Trọng Phụng bảo: “Không. Đây là nơi tận cùng rồi, vì thế cảm thức chờ đợi không có”.

Tôi nói: “Chúng ta vẫn đang sống”.

Vũ Trọng Phụng bảo: “Chúng ta đang chết”.

Đồng chí Chí Phèo kính yêu đến. Ngài dõng dạc nói: “Nhân danh ước muốn của giai cấp vô sản, tao tuyên bố: Từ nay, tất cả các háng cá thể phải vào hợp tác xã. Để tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa tập thể, mọi cu và hĩm phải thuộc về sở hữu toàn dân. Ai thích cu dùng cu, ai thích hĩm dùng hĩm, ai vừa thích cu vừa thích hĩm thì cứ dùng cả hai. Cống hiến theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu. Không ai được quyền từ chối người khác. Vì từ chối người khác là ích kỷ tư hữu xấu xa, thiếu quyết tâm cách mạng, không có tình yêu thương đồng loại. Để quyết định này được thi hành triệt để, tất cả mọi hĩm và cu được đặt dưới sự lãnh đạo của tao và các đồng chí của tao”.

Cuộc cách mạng của Chí Phèo và đồng bọn làm rung chuyển âm phủ. Linh hồn nào chống đối hoặc có ý định chống đối đều bị khép tội phản động và bị Chí Phèo đích thân hãm hiếp. Chí Phèo nói với tôi: “Không có ngoại lệ cho các nhà văn. Cho dù ông có một kịch bản khác”.

Từ đó, các háng trong âm phủ được đổi tên theo nhóm: Đồng tính nam, đồng tính nữ, dị tính, lưỡng tính và chuyển giới. Muốn di chuyển từ háng này qua háng kia phải có giấy phép tạm vắng và tạm trú do Ban điều hành háng cấp. Âm phủ không chấp nhận bọn ngoài luồng, vô chính phủ. Nhưng nói cho công bằng, âm phủ cũng khá tiện nghi, phục vụ mọi lợi ích và nhu cầu. Tôi bị dồn vào háng dị tính theo một dòng chảy tự nhiên, nhưng để được hưởng thụ theo nhu cầu, tôi thường xuyên làm đơn xin tạm trú trong háng hĩm lưỡng tính. Thật ra tôi cũng không biết khi chứng kiến cảnh các hĩm làm việc với một thằng cu khác thì tôi có tởm không, nhưng tôi thích các hĩm vừa làm việc với nhau vừa làm việc với tôi. Đó là một cảnh tượng hài hòa, nếu chỉ có một thằng cu duy nhất là tôi. Nhưng cuộc cách mạng sở hữu toàn dân này không cho phép tôi độc quyền hưởng thụ theo kiểu phong kiến. Chia sẻ với người khác là một lý tưởng. Ở háng được gọi là B (bisexual), tôi hoàn toàn sung sướng với các hĩm song trùng nhị bội, nhưng sẵn sàng bỏ chạy khi những thằng cu tồng ngồng nham nhở khác đòi chung đụng. Tôi không thể nào làm quen được với tính tập thể của lý tưởng vô sản. Tôi luôn luôn cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi gặp lại cả Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên trong háng B. Cuộc cách mạng sở hữu toàn dân của Chí Phèo đã giải phóng Kim Liên khỏi thân phận nô tỳ và nâng nàng lên bình đẳng với Nguyệt Nga cũng như Lục Vân Tiên.

Tôi hỏi Lục Vân Tiên: “Ông chấp nhận sự lãnh đạo của Chí Phèo sao?”

Lục Vân Tiên cười buồn: “Ngày xưa tôi có thể đánh tan bọn giặc cướp Phong Lai dễ dàng, nhưng với bọn cặn bã Chí Phèo thì quân tử Tàu Lục Vân Tiên đành qui hàng cho lành”.

Và Lục Vân Tiên tiếp tục đờn ca tài tử vui thú điền viên với hai hĩm Kim Liên và Nguyệt Nga đề huề sinh thái. Vì là hợp tác xã, tôi cũng hương đồng cỏ nội với Nguyệt Nga và Kim Liên. Tôi rất thích cảnh Kim Liên và Nguyệt Nga phục vụ nhau. Từ tốn nhưng ngây ngất. Kim Liên và Nguyệt Nga cũng phục vụ tôi như tôi phục vụ họ. Tuy nhiên, tôi thường tránh mặt Lục Vân Tiên khi vui chơi với hai nàng bằng cách chúng tôi treo nhau theo chiều thẳng đứng.

Sự vô tận của thời gian phía trước và thời gian phía sau cho phép chúng tôi sống/chết không hối tiếc. Thỉnh thoảng Chí Phèo và đồng bọn lại ra một nghị quyết mới tùy theo những cảm xúc của chúng. Mỗi lần như thế, mỗi háng lại có một buổi học tập qui định mới theo kiểu thực hành tại chỗ. Chẳng có linh hồn nào không thông suốt. Nghị quyết mới nhất được ban hành sau khi Chí Phèo phát hiện ra lỗ tai là nơi có nhiều xúc cảm hơn bất kỳ chỗ nào trên mặt. Theo đó, từ nay qui định mọi giao tiếp giao tình chỉ được thực hiện thông qua lỗ tai. Qui định này được các linh hồn vốn là nhà thơ hưởng ứng nhiệt liệt. Họ sáng tác đủ kiểu đường mật để làm mẫu mã cho các loại giao hợp. Mỗi háng được tăng cường thêm 3 cái loa đặt ở bốn góc để tăng mật độ và cường độ cho sự thụ hưởng của lỗ tai. Các nhà thơ luôn tìm cách chiếm diễn đàn cứ như thể nếu không được tán tỉnh thì các nhà thơ sẽ ngáp. Nhưng cạnh tranh với các nhà thơ khốc liệt nhất lại là Chí Phèo. Đồng chí Chí Phèo kính yêu được dịp không chỉ chửi cả làng Vũ Đại mà chửi tuốt hết ba nghìn thế giới. Tôi vốn thích nói tục khi làm tình nhưng vẫn bị mất hứng vì nhịp độ chửi tục của Chí Phèo thường làm tôi lỡ nhịp ở những giây phút quyết định khi lên đỉnh cao. Vì thế tôi thường liếm tai Nguyệt Nga và thay cho những lời nói phấn khích hoặc đọc thơ là những hơi gió nhẹ nhàng tôi thổi vào tai Kim Liên.

Những buổi học tập thực hiện nghị quyết đôi khi rất vui, đặc biệt khi nhái giọng lãnh tụ Chí Phèo hoặc các nhà thơ để rót vào tai thính giả.

Những nghị quyết của tập đoàn Chí Phèo không phải lúc nào cũng vô lý và ngớ ngẩn như bọn xấu mồm nói. Một thành công bất ngờ của nghị quyết buộc mọi linh hồn phải thể hiện cảm xúc bằng lỗ tai đã nâng tầm nghệ thuật tuyên truyền lên một đỉnh cao mới. Mọi chống đối hoặc bất mãn bỗng biến mất. Một bầu khí thuần thành và lãng mạn lan tỏa khắp các háng. Mọi nỗi niềm được chia sẻ. Nhưng một hôm gặp Vũ Trọng Phụng trong háng bà Phó Đoan, tôi nghe ông nói: “Đừng tin bọn này, chúng nó ru ngủ các linh hồn đấy”.

Cuộc cách mạng của Chí Phèo không ngừng ở chỗ áp đặt ý muốn của mình lên người khác mà quan trọng nhất, hắn nhận ra tầm quan trọng của chính mình và muốn xiển dương điều ấy. Chí Phèo cho lập Ủy ban Tuyên truyền Giáo dục, gọi tắt là Ban Tuyên dục có nhiệm vụ thúc đẩy mọi linh hồn tôn thờ đức hạnh của hắn. Từ ấy, câu nói cửa miệng của tất cả thằng cu cái hĩm là “Nhờ ơn lãnh tụ Chí Phèo kính mến mà chúng tôi được thoải mái như hôm nay”.

Dưới Ban Tuyên dục có các tiểu ban hoạt động trong các háng bên cạnh các ban ngành đoàn thể khác. Các tiểu ban này kiểm soát tư tưởng văn hóa của mọi thằng cu cái hĩm.

Từ ấy, các nhà thơ thi nhau làm thơ ca tụng sự vĩ đại của Chí Phèo. Và Chí Phèo càng ngày càng cảm thấy mình vĩ đại thật. Tôi cũng nhận thấy Chí Phèo phát tướng ra. Từ một anh vô sản dưới đáy hom hem dơ bẩn, Chí Phèo bỗng phương phi nhân hậu như một ngài chí thánh. Hình ảnh của Chí Phèo được treo khắp nơi. Xúc phạm Chí Phèo là một trọng tội. Xả thân vì Chí Phèo hay gìn giữ ảnh tượng Chí Phèo đều là những hành động được tuyên dương.

Từ ấy, tôi không bao giờ được diễm phúc đến gần ngài. Ngài sợ các thế lực thù địch ám sát, mặc dù dưới âm phủ không ai chết thêm lần nữa.

Làm gì cho qua thời gian? Xưng tụng Chí Phèo là một niềm vui bất diệt. Xưng tụng lẫn nhau là một phẩm hạnh cao quí. Một cái đẹp tuyệt đối là mình vì mọi người, mọi người vì mình. Cu và hĩm luôn sẵn sàng. Các triết gia thất nghiệp vì tư tưởng đã kết thúc ở đây. Mọi sáng tạo hay suy tưởng không xuất phát từ lãnh tụ Chí Phèo anh minh đều nhảm nhí và đáng bị lên án. Bởi thế, văn nghệ sĩ các loại gặp nhau chỉ để nhậu. Để được kính trọng, họ tán dương lẫn nhau về khả năng phóng tinh hay độ ướt của hĩm.

Tôi tìm niềm vui của mình trong háng Kiều Nguyệt Nga diễm lệ và Kim Liên hoang dại. Những cuộc gặp gỡ với Nguyễn Đình Chiểu hay Vũ Trọng Phụng rất hãn hữu, vì tất cả chúng tôi đều không muốn bị phiền hà bởi Ban Tuyên dục.

Tôi không biết điều gì đã thúc đẩy tôi một hôm đi sâu vào bên trong, nơi tôi không nghe bất cứ ai nói về nó.

Tôi từng hỏi Vũ Trọng Phụng: “Ông đã bao giờ đi tới cuối háng chưa?”

Vũ Trọng Phụng nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy”.

Tôi lại hỏi: “Có thể có thiên đàng ở phía sau háng chăng?”

Vũ Trọng Phụng trả lời: “Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ về điều ấy”.

Rồi tôi nhớ lại khứa lão đầu tiên đã gặp khi tôi xuống âm phủ. Lão bảo cứ chờ đợi. Có nghĩa là sẽ còn chuyển hóa hay đến một nơi chốn khác. Nơi khiến cho người này khác người kia hoặc nơi ngụ cư của những linh hồn khác hay thế giới khác. Tôi hỏi Vũ Trọng Phụng có muốn đi với tôi không, ông ấy bảo không có nhu cầu đến một nơi khác, nhưng ông bảo tôi nên đi cùng Xuân Tóc Đỏ.

Xuân Tóc Đỏ vốn là người thông minh giỏi ứng biến và thích nghi được với mọi hoàn cảnh, đi với hắn, tôi yên tâm.

Càng vào sâu trong háng càng tối, nhưng chúng tôi cũng quen dần và có thể nhìn thấy mọi thứ không chỉ bằng mắt mà giống như huệ nhãn, chúng tôi nhìn thấu suốt qua thời gian. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy nhiều thể loại và sự chuyển hóa của sống/chết. Tuy nhiên, thế giới dường như bất động và mờ ảo. Tôi không biết đấy có phải là sự phai mờ dần hay không. Điều khủng khiếp nhất không phải là những cảnh nhục hình bởi quỷ dữ mà là sự tương thông giữa trong và ngoài tôi một cách đối nghịch. Nó làm cho sự cảm hoài của tôi trở nên không chịu nổi. Nó soi chiếu qua mọi không gian và thời gian, mọi thực tại. Tôi tự hỏi, phải chăng đây mới chính là địa ngục?

Tôi nhìn qua người đồng hành, một nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, dường như hắn cũng đang bị co kéo bởi các thực tại khác nhau.

Xuân Tóc Đỏ bảo: “Quay lại thôi”.

Tôi nhìn lại sau lưng, chỉ là sương khói mù mịt trên vực thẳm, hỏi: “Có cách để quay lại không?”

Hãy nhắm mắt lại. Hãy đóng lại mọi cánh cửa. Đó là cách để chúng mày quay về.

Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy Hồ Tôn Hiến đang gục xuống bên chén thuốc độc. Tôi muốn cứu ông ta. Nhưng tôi bỗng cảm thấy mình rơi xuống cùng với ông ta càng lúc càng nhanh. Tôi tự nhủ hãy nhắm mắt lại, hãy đóng mọi cánh cửa. Và tôi không thấy gì nữa.

Mở mắt ra, ngay khi chưa kịp nhìn ra chung quanh, tôi đã cảm thấy cái mùi quen thuộc của háng B. Kiều Nguyệt Nga đang sờ tai tôi, nàng trách móc: “Anh đã bỏ em”.

Tôi nói: “Không, anh không bỏ em hay bất cứ một cái hĩm nào. Anh chỉ muốn đi đến cùng đích”.

Kiều Nguyệt Nga bảo: “Không có cùng đích ở bất cứ đâu”.

Tôi không tranh luận về việc này bởi tôi biết rằng, tôi sẽ không dừng lại ở đây.

Vũ Trọng Phụng đến tìm tôi, ông nói: “Có thể tìm thấy thiên đàng ở một nơi nào đó”.

Tôi cũng tin như vậy và tôi nói: “Một lúc nào đó, tôi sẽ đi tiếp, nhưng Xuân Tóc Đỏ không phải là bạn đồng hành đáng tin cậy của tôi”.

Vũ Trọng Phụng bảo: “Bà Phó Đoan cũng là một người thích tìm kiếm. Cậu có thể đi với bà ấy”.

Có lẽ tôi sẽ mượn bà ấy.

N.V.

Comments are closed.