Đồng hồ báo thức

Tùy bút Nguyễn Đức Tùng

Tiếng động vang lên inh ỏi khi bạn ngủ say. Khi bạn nằm ngửa trên mặt nước, bềnh bồng trôi, nó bắt bạn dừng lại, quay tít như gặp vũng nước xoáy. Khi bạn chạy trên cánh đồng, vui sướng như đứa trẻ, nó làm bạn vấp té. Bạn nhìn xuống, một cái hang dế. Chân bạn đau nhức, không nặng lắm, bạn đi cà nhắc một lúc, với tay lên đầu giường tắt cái đồng hồ, để chế độ snooze, rồi ngủ tiếp. Cái ngủ vớt đấy bao giờ cũng ngon, vừa mới bắt đầu, cái báo thức không quên bạn. Trong khi bạn quên thì nó nhớ, trong khi bạn hoang đàng thì nó kỷ luật, trong khi bạn tức giận thì nó điềm đạm.

Ô kìa, cuộc đời vẫn phẳng lặng. Buổi sáng đi làm sớm, thức dậy lúc sáu giờ tắm rửa ăn uống, làm đủ trò, bảy giờ ra khỏi nhà. Năm giờ bạn về nhà, đi ngủ lúc mười giờ nếu bạn là người kỷ luật, đi ngủ lúc hai giờ sáng nếu bạn chơi game hoặc lên facebook. Cái đồng hồ báo thức nhắc bạn về thời gian đã đành, nó còn nhắc rằng một điều gì đó rất sai đang diễn ra. Không một người nào vui vẻ khi nghe tiếng báo thức, bạn không thích nó, bạn chấp nhận nó. Bạn cần nó như một người làm việc cần một kẻ cộng sự, kẻ cộng sự ấy hoàn toàn khác tính khác nết với bạn, hắn ta không phải là bạn bè, bạn chưa bao giờ mời về nhà, nhưng hắn cần thiết cho công việc. Cũng vậy, những quan hệ rắc rối của người ở chung, bạn học, mẹ chồng và cô dâu, bà nội vợ và chàng rể, chính quyền và dân chúng, chung cư, người thuê nhà và chủ nhà. Khi nghe tiếng đồng hồ báo thức, bạn ngạc nhiên: thì ra cuộc đời vẫn cần đến bạn, nó nhắc nhở, nó kêu gọi, nó ra lệnh. Bạn phải tới nơi đúng giờ vì một người khác đang chờ bạn. Vào lúc bảy giờ sáng khi bạn lái xe đến chỗ làm thì cũng có một người khác, đàn ông hay phụ nữ, đứng chờ lên xe buýt, tới cái nơi mà chính bạn sẽ chờ. Giữa đường xe buýt hỏng máy, trật khỏi đường ray, người ấy nhìn đồng hồ sợ hãi, lo lắng. Không biết rằng bạn cũng lo lắng như vậy trên đường lái xe, kẹt cứng giữa giao thông ở ngã tư ngã bảy. Trong thành phố này, có hai nạn nhân sắp chờ nhau ở một nơi mà họ chưa tới, cả hai đang đau khổ ở một ngã đường nào đó, họ không bao giờ nói với nhau về điều đó. Họ thầm trách mắng nhau. Nhưng khi gặp mặt thì: ông bà có khỏe không? Tôi khỏe lắm, còn bác? Xã hội cần những đồng hồ báo thức, các bộ máy cần vận hành đúng lúc. Chuyến xe lửa phải rời ga đúng giờ, các máy bay phải hạ cánh đúng sân bay, những con ngựa già phải băng qua thành phố, lửa phải đỏ vào buổi tối. Con người ngày càng khít khao, những kế hoạch ngày càng chi tiết thì đồng hồ báo thức ngày càng trở nên cần thiết.

Ngày trước ở thôn quê, thời tôi còn bé, hầu hết học sinh đi học không có đồng hồ, nhưng vẫn đến trường đúng giờ: chúng chỉ việc đến sớm. Nghe tiếng gà gáy, nhìn mặt trời lên. Mãi cho đến năm tôi mười hai tuổi, ba tôi mới mua cái đồng hồ treo tường có con lắc sáng lóa, con gà bằng đồng buông những điệu nhạc thánh thót mỗi giờ một lần, nhưng trước đó nhiều ngày tôi đi học mà không biết giờ đồng hồ. Ba tôi, người duy nhất trong nhà có đồng hồ, một cái Molière đeo tay, đã dậy trước dắt cây bút Parker vào ngực và ra khỏi nhà từ sớm. Thôn quê có một nhịp điệu riêng, người nông dân có thời khắc của họ, âm lịch quan trọng hơn dương lịch, trăng chiếu vằng vặc các bầu trời. Thời ấy đã qua, đang qua, con người ngày một ràng buộc vào nhau như bạn ràng buộc vào cái đồng hồ. Tôi có một người bạn phải làm việc ca đêm, khi về nhà đã năm giờ sáng, giấc ngủ ban ngày không bù lại được, bị mất ngủ triền miên, khi về hưu vẫn giữ thói quen ấy, để đồng hồ thức dậy lúc mười giờ đêm là giờ làm việc và để đồng hồ đi ngủ vào lúc tám giờ sáng. Con người sống với thời gian gắn bó hơn bao giờ hết, chịu đựng nó, ôm lấy nó, than khóc với nó. Thời gian không biết đến điều ấy, nó thong thả gõ từng nhịp, nó càng gõ bạn càng hối hả. Những người về hưu thì ngược lại, nhất là những người không có kế hoạch gì cho tuổi già, từ khi bạn tháo bỏ cái đồng hồ báo thức ra khỏi cuộc đời, không cần đến nó, cuộc đời cũng không cần đến bạn nữa. Một ngày hè khi về quê, tôi thử vất cái đồng hồ đi, tắt hết điện thoại và các dụng cụ điện tử, suốt ngày nằm trên võng, đọc những cuốn sách cũ, nghe mùi hoa thiên lý man mác ngoài sân như ngày xưa mẹ tôi còn sống. Khi rời làng cũ, xách va ly ra phi trường, tôi mang lại cái đồng hồ, có dụng cụ báo thức, tôi nhìn nó như nhìn một người bạn, gặp mỗi ngày nhưng không thân thiết lắm. Thế mà một lần trong giờ khai giảng khóa thần kinh học, giáo sư Elman bảo cả lớp úp mặt cái đồng hồ đeo tay xuống, vẽ lên tờ giấy trắng hình dạng cái đồng hồ của mình. Không đứa nào vẽ đúng cả, vì không ai nhớ nó rõ ràng, dù nhìn nó mỗi ngày, như gặp người thân. Bạn nên tập nhìn nó, ghi nhớ lại, vì đó là khuôn mặt của thời gian, lời cam kết của bạn từ hồi còn trẻ, như một cuộc hôn nhân, và bạn nắm chặt nó trong tay. Chỉ khi nào bạn nghe tiếng đồng hồ báo thức mà không hốt hoảng ngồi bật dậy, tôi biết có người còn chửi thề trong bụng, khi nào bạn nghe tiếng reo của nó mà mỉm cười mở mắt, nghĩ tới cuộc hẹn, bất kỳ cuộc hẹn nào, lúc ấy thời gian là của bạn.

N.Đ.T.

Comments are closed.