“Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 137)

Tương Lai

Trong cơn lốc của những sự biến và hội họp biểu quyết liên miên với những lời hùng biện đao to búa lớn, rồi thề thốt mùi mẫn, rồi tràng giang đại hải của những ngợi ca, bốc thơm bình luận của những “cây cao bóng cả”, rồi những “lũ ngẩn ngơ” “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa, Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” bỗng nhớ đến câu thơ của “thiên tài kỳ nữ” Hồ Xuân Hương “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông…[1] nhằm nhẹ nhàng mượn hình tượng thơ để chuyển tải đôi điều suy ngẫm. Thế thôi.

clip_image002Đứng xem chuông thì có gì phải nói? Tịnh không có gì phải bàn bạc, xem xét chỉnh sửa quan điểm lập trường, hoặc soi xem liệu trong đó có cài cắm ý tưởng chống đối hay xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách gì không, hoặc có luận điệu phản động nào trong đó không. Câu tiếp theo là câu tường thuật nôm na, hiền hoà pha chút tinh quái của nụ cười nghịch ngợm của bà chị xoa đầu lũ trẻ ranh: “Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông[2], không có chút gì nguy hiểm cho chế độ cả.

Ấy thế mà, đọc mấy cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học trình làng từ cuối những năm 1982 cho đến 2002 (đấy là tạm dẫn trong 20 năm) trong các bài thơ của Hồ Xuân Hương được dẫn ra đều không có câu thơ trên. Thậm chí, trong “Tác phẩm và Dư luận” kể cả những “dư luận” được dẫn ra từ những bài viết của những cây bút có uy tín, có trách nhiệm và phóng khoáng trong tư duy nghệ thuật cũng không có câu thơ nói trên.

Câu thơ mà theo thiển ý của người viết, từ ý tứ đến ngôn từ và cách diễn đạt, đều thấm đẫm tính sắc sảo và độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm” – theo cách nói của Xuân Diệu – không lẫn vào đâu được. Còn theo Nguyễn Đức Bính thì “chuỗi cười của Hồ Xuân Hương đã xuyên qua cả thế kỷ XIX và đến thế kỷ XX của chúng ta như một mũi gươm[3] (và rất cập nhật với hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI này, nên cũng là lý do để bài viết này lấy tựa đề trên – TL). Liệu có phải đó là nguyên nhân để NXB lẩn tránh câu thơ này của Hồ Xuân Hương chứ không phải và không chỉ là tránh đụng chạm tới khuyết tật bẩm sinh của người nói ngọng. Nếu hiểu như vậy thì chưa hiểu được “mũi gươm” của “thiên tài kỳ nữ Xuân Hương” – theo cách nói của Xuân Diệu – đang chĩa vào ai, càng chưa hiểu được điều mà Nguyễn Đức Bính viết: “nữ sĩ đã vạch rõ cái chân tướng của cả những “hiền nhân quân tử”, những “trượng phu anh hùngvà đã thẳng thắn đặt họ lại những chỗ ngồi mà họ xứng đáng, giữa lúc cả bọn đương múa may quay cuồng, tâng bốc bợ đỡ nhaucái bi kịch của của Hồ Xuân Hương là đã dám làm một người thông minh và sử dụng cái thông minh trong một thời đại mà ngu ngốc là kiểu mẫu làm người phổ biến”. Ông còn viết: “Với Hồ Xuân Hương có cây bút như chiếc đũa của bà tiên, những vật tầm thường hèn mọn nhất đều như có một hồn gắn bó với hồn người; và cuộc sống hàng ngày biểu hiện trong những màu sắc, thanh âm rực rỡ[4] và sống động. Có hiểu như thế thì mới hiểu được ẩn ý sâu xa, thâm thuý của ngôn từ và hình tượng thơ của “ấy ái uông” trong câu thơ vừa tai quái vừa đùa cợt và hết sức độc đáo của “bà chúa thơ nôm”! Tôi không có điều kiện đọc được những bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng nước ngoài để biết dịch giả xử lý thế nào ba từ “ấy ái uông” mà hàm lượng ý tứ gửi vào trong đó là khó mà đo đếm! Phải chăng cần nhìn ra cái chiều sâu và chiều rộng của ngôn từ, của hình tượng thơ trong cảm xúc thẩm mỹ của “thiên tài kỳ nữ” có một không hai trong thơ ca làm bằng chữ Nôm của ta. Trong Tác phẩm và Dư luận của NXB Văn học tuy các ngòi bút có tên tuổi cũng đã đề cập đến phần nào, nhưng chưa đủ.

Lật tìm những cuốn sách có trên giá sách đều không có hai câu thơ từng hằn sâu trong ký ức, để thật an tâm, lục lọi mãi hồ sơ nghiên cứu lưu trong máy tính thì tìm ra bài “Ấy ái uông” của Lý Sinh Sự đăng trên báo “Lao động online” ngày 8.12.2011 và “Giai thoại về Hồ Xuân Hương”, trên “Tạp chí Quê hương Online” ngày 18.6. 2015 trong đó có nói khá tỉ mỉ về hai câu thơ trên. Nên nhớ rằng tạp chí này là của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài clip_image004chắc không tuỳ tiện, ngẫu hứng dẫn ra hai câu thơ của Hồ Xuân Hương mà NXB Văn học né tránh. Vậy thì tại sao họ phải né tránh?

Liệu có phải vì cái tật nói ngọng mà in ra cho học trò đọc thì dễ chạm nọc một ‘ngài’ Bộ trưởng đương nhiệm, rồi sau khi miễn nhiệm Bộ trưởng lại là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nắm quyền phán bảo thì chi bằng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, đừng dại chạm nọc một lũ nào đó thuộc kẻ có quyền, cứ chúng bảo thế nào thì bào hao làm vậy, cứ việc “ấy ái uông” mà nhắc lại rập khuôn, đừng sinh sự mà sự sinh, hãy cứ né đi là hơn. Chả thế mà hăng hái hơn, kịp thời hơn đã có tiếng nói chính thức bênh vực cho người có quyền cao chức trọng kia theo kiểu “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”. BBC Tiếng Việt ngày 01/3/2018 đưa tin “Để bác bỏ cáo buộc "tự đạo văn" và "thiếu trình độ" đối với Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam ông Phùng Xuân Nhạ, trong cuộc trao đổi với BBC, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm về ‘tự đạo văn’ và một tranh luận có liên quan, ông nói: "Trong tiếng Việt, ‘đạo’ là một từ có gốc Hán, thì có nghĩa là ‘ăn cắp’, ‘ăn trộm’ của người khác. "Ở đây, tôi nghĩ không có khái niệm tự đạo văn của mình rồi chỉnh sửa, rồi nâng cấp, đăng ở một tạp chí khác, đấy vẫn là văn của người ta." Thế thì chữ ‘đạo’ ở đây dùng không thỏa đáng và tôi nghĩ chữ đó hơi có tính là ‘xúc phạm cá nhân”… Thế nhưng hình như ngài giáo sư quên mất chữ Self-Plagiarism, mà nếu tra trên Google sẽ tòi ra một giải thích: “Việc sử dụng lại các phần quan trọng, giống hệt hoặc gần giống nhau trong tác phẩm của chính mình mà không thừa nhận rằng mình đang làm như vậy hoặc trích dẫn tác phẩm gốc đôi khi được mô tả là “tự đạo văn” […] Tự đạo văn được coi là một vấn đề đạo đức nghiêm trọng khi ai đó khẳng định rằng ấn phẩm của họ bao gồm tài liệu mới […][5]. Và: “Đạo văn là ăn cắp: Ăn cắp ý tưởng làm việc, lập luận phê bình và cấu trúc câu của người khác. Về mặt đạo đức, đó là một hành động tương tự như ăn cắp xe hơi hay bất cứ thứ gì khác. Cũng cùng một khái niệm thôi. Là sinh viên, nếu ai đó ăn cắp ý tưởng của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? […] Đạo văn thể hiện sự mù thông tin: Nếu bạn đạo văn tác phẩm của người khác, bạn đang ngụ ý rằng bạn không có khả năng diễn đạt suy nghĩ và ý tưởng của mình một cách đủ hùng hồn để được xếp loại cao. Về bản chất, việc bị bắt gặp đạo văn là thừa nhận bạn không có tí khả năng nào trong việc xử lý thông tin […]”.[6] Vậy là có lẽ NXB nói trên né tránh hơi tràn lan thành ra vô lối. Nói ngọng thuộc loại khuyết tật bẩm sinh, không nên đưa ra chế clip_image006riễu vì như thế là bất cận nhân tình. Nhưng thâm ý của “thiên tài kỳ nữ” Hồ Xuân Hương là đánh thẳng vào cái ngọng tư duy của cả đàn, cả lũ kia, một ngón đòn có hiệu ứng phê phán xã hội rất cao, thì NXB phải hiểu cho ra, để nâng tầm sức nặng biểu cảm của câu thơ Hồ Xuân Hương.

Đấy là chưa nói đến sức nặng của một hình tượng nghệ thuật sẽ mở rộng sức cảm, sức nghĩ trong tâm hồn và chiều sâu năng lực và trình độ thẩm mỹ của người đọc bất chấp thời gian. Tính cập nhật của hình tượng thẩm mỹ và ngôn từ, mà như lời của nhà văn Pháp Jean Ristat, người dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp để xuất bản tại Paris: “Hồ Xuân Hương là người cùng thời với chúng ta. Bà hết sức hiện đại và trong cuộc đấu tranh của chúng ta, chúng ta cảm thấy bà càng gần chúng ta hơn nữa vì trong những bài thơ của bà, bà đã sống hết mình, hoàn toàn chân thực và giản dị[7]. Và cũng thật tiếc là hình như, những bức vẽ minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của danh hoạ Bùi Xuân Phái mà tôi đã được xem sau này, cũng thiếu đi nét vẽ tài hoa của ông nhằm minh hoạ thêm cho hình ảnh hiển hiện thật sinh động trong hai câu thơ độc đáo có một không hai của “bà chúa thơ Nôm” hay chính danh hoạ cho rằng bản thân ngôn từ và hình ảnh của hai câu thơ vốn đã sống động như một bức tranh, nên không cần vẽ thêm?

Và đúng là, tính cập nhật của hai câu thơ “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông” thật sống động với muôn hình muôn vẻ của của đời sống xã hội hôm nay, càng rõ hơn trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX bước sang gần ba thế kỷ đầu thế kỷ XXI. Không biết các nhà “văn bản học” có liệt kê được những phát biểu được đài Phát thanh và Truyền hình và Báo chí chính thống từng được đăng tải đã hầu như sao y nguyên bản khiến cho không ít người nghe phải buông tờ báo, tắt màn hình với câu “biết rồi , khổ lắm, nói mãi”.

Vậy là ở đây không dừng lại ở khuyết tật bẩm sinh không nên đưa ra chế riễu, là luận bàn về “vùng xám đạo đức” mà ở đây là vấn đề của khuyết tật tư duy, là ngọng về não trạng của người chỉ biết ăn theo nói leo lời ở trên đã phán bảo, đã rao giảng, bất kể đúng sai, phản khoa học, ngược đạo lý. Mà sự ngọng về não trạng, cái khuyết tật về tư duy của không ít người không còn là khuyết tật mang tính cá nhân mà là một nỗi đau xã hội khởi nguồn từ một nguyên nhân sâu xa và trầm trọng hơn nhiều

Điều cực kỳ nguy hiểm là cái khuyết tật ấy sẽ làm thui chột rồi mất đi tính năng động xã hội, mất đi khả năng phát triển sức mạnh nội sinh của một dân tộc. Mà khi đã mất đi sức mạnh nội sinh thì làm sao dân tộc có thể tồn tại độc lập, tự do phát triển, rồi tất yếu sẽ bị lệ thuộc bởi sự chi phối của nước ngoài về chính trị, kinh tế và tất cả mọi mặt. Cái bóng của thế lực bành trướng đang phủ đen trên đời sống vật chất và tinh thần của đất nước. Nói cho văn vẻ thế thôi chứ thật ra không còn là cái bóng mà là bàn tay ghê tởm của chủ nghĩa bành trướng ngàn đời với thế lực bá quyền hiện đại đã thò rất sâu vào mọi ngõ ngách. Chuyện này không mới, chỉ cần bấm Google là có ngay phát biểu của ông tướng an ninh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khóa XII (2016-2021): “… Không loại trừ việc họ tìm cách làm suy yếu nước ta từ bên trong, cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo các thành phần cơ hội chính trị. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm đã chết rồi, bây giờ con số đã hàng trăm mà không dừng lại, trăm này cộng với trăm kia… Trung Quốc xấu vậy, chứ xấu nữa chúng ta cũng phải tìm cách chung sống, chỉ cố gắng làm sao để họ đừng xấu hơn… Bất hạnh dân tộc Việt Nam nằm bên cạnh ông anh lòng tốt thấp… Trung Quốc đang khống chế chúng ta rất kinh khủng, họ vào sâu, rất sâu.

Thế rồi, cùng với những diễn biến phức tạp của thời cuộc, những tác động có tính đột phá của tình hình khu vực và thế giới, gần đây đã có những nhúc nhích trong thái độ ứng xử với “ông anh lòng tốt thấp” ấy. Báo chí Nhà nước trong nhiều năm tránh sử dụng từ “Trung Quốc” trong các bài viết về sự kiện giờ đây đã sử dụng chữ này một cách thoải mái hơn.

clip_image008VietnamNet trong một bài xã luận hôm 12/3 đã viết: “Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa”. Trong cùng ngày, một lễ tưởng niệm lớn đã được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, một trong những cảng biển quan trọng của Việt Nam. Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng dành trang chính để viết về lễ tưởng niệm… Những nhúc nhích ấy không biết kéo dài bao lâu trước sức ép của Bắc Kinh cũng như những thoả thuận ngầm của ai đó trong “thâm cung bí sử” vì những lý do vẫn đang phủ kín bởi một lớp sương mù dày đặc của những toan tính, những đụng độ phức tạp mà những tia sáng yếu ớt chưa đủ để chọc thủng màn sương u ám khi vẫn có sự đồng điệu, đồng chí của một thể chế độc tài và bành trướng của Tập Cận Bình đang là chỗ dựa của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”. Chính sự đồng điệu, cho dù “đồng sàng dị mộng” giữa kẻ đi xâm lược và nước bị xâm lược. Mặc dầu vậy với cái vỏ bọc lừa mị “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” của một vài chóp bu đang bám vào để duy trì cái thể chế hiện hành nhằm mong tìm hậu thuẫn cho cái ghế quyền lực đang lung lay, thì với người có lòng yêu nước có hiểu biết thì đều thấy rõ được sự lừa mị để duy trì cái thể chế đang là mảnh đất cho sự gieo trồng giống cây độc có rễ chùm, rễ gộc bám dày và chui sâu vào lòng đất của một đất nước có bề dày văn hiến, làm mọt ruỗng truyền thống dân tộc, trước hết xói mòn bản sắc văn hoá của dân tộc.

Đó là cái thể chế mà sinh thời nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong Đi tìm cái tôi đã mất: “Mọi cái khác với chính thống đều bị lên án, mọi cái giống nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất khó tạo ra sự nhất trí, còn những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo, làm theo mọi mệnh lệnh… Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?”.

Ngẫm sâu vào điều đó, vào “những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo, làm theo mọi mệnh lệnh” mới thấy sự thâm thuý và rất độc đáo của câu thơ “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông” và hiểu ra chiều sâu biểu tượng “Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông” trong ngôn từ, hình ảnh câu thơ của “Bà chúa thơ Nôm”. Hồ Xuân Hương đã “đứng cao hơn hiện tượng mình miêu tả; và với một tâm hồn nghệ sĩ thực sự, nhà thơ bao giờ cũng phát hiện được những khía cạnh thẩm mỹ trong đối tượng miêu tả của mình”.[8]

Tính cập nhật của mấy từ “ấy ái uông” thật khó mà nói hết tính chiến đấu của nó khiến nhiều kẻ phải giật mình về sự “chống đối, xé phá một cách tinh vi đến mức kỳ lạ… nó gắn liền với thời đại và có một sức vươn thời gian rất mạnh rất lâu. Bởi nó khái quát hoá rất cao mà Xuân Diệu nhận xét[9] và “của người đàn bà độc đáo, nhà thơ vô song hiện thực trữ tình6 như Nguyễn Tuân viết. Và đó chính là lý do tôi chọn cho bài tản văn chính luận này với đề từ “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông” để mong sao những “ấy ái uông” trong cuộc đời chỉnh sửa cái ngọng về tư duy, cái não trạng lệ thuộc không dám nghĩ bằng cái đầu của mình.

Phải chăng đó chính là sức vươn thời gian rất mạnh rất lâu của sự chống đối, xé phá một cách tinh vi đến mức kỳ lạ của nhà thơ vô song hiện thực trữ tình mà tôi ngẫu hứng chọn để trình bày những đòi hỏi nóng bỏng của thời cuộc đang cần được những “ấy ái uông” đang cần nghe một tiếng chuông tỉnh thức không chỉ cho riêng mình.

Ngày 14.3.2023

Ngày tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma

______________

Chú thích tranh minh hoạ: Trừ bức tranh trên cùng nhặt trên mạng, các tranh khác trong bài đều của danh hoạ Bùi Xuân Phái.


[1] Thơ Hồ Xuân Hương.

[2] Thơ Hồ Xuân Hương.

[3] Tác phẩm và Dư luận. NXB Văn học 2002, trang 407.

[4] Tác phẩm và Dư luận. NXB Văn học 2002, trang 407.

[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Plagiarism#Self-plagiarism

[6] https://www.scanmyessay.com/plagiarism/what-is-plagiarism.php

[7] Tác phẩm và Dư luận. NXB Văn học 2002, trang 461.

[8] Tác phẩm và Dư luận. NXB Văn học 2002, trang 238.

[9] Tác phẩm và Dư luận. NXB Văn học 2002, trang 229.

Comments are closed.