Một góc nguồn cơn

Dạ Ngân

Thời chiến, cùng lứa với tôi ở miền Bắc vẫn cứ đọc và đọc. Giấy kém, vẫn cứ chuyền tay nhau miên man đọc, ấy là chưa kể những người như Bảo Ninh còn được ông cha mình “đọc” cho nghe bằng cách kể sách, kể câu chuyện và cái hay của loại sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Anh. Nay, có người khái quát một cách khinh mạn “Đói rã họng, không ăn sách thì ăn gì!”.

Chúng tôi tham chiến ở miền Tây Nam bộ, bom rơi và đạn nổ, nguồn sách vào U Minh bằng xương máu, tôi là một trong những con mọt của đống sách thơm tho với mọi ý nghĩa của từ ấy. “Thư viện” trong rừng tràm, sách đựng trong những chiếc thùng gò bằng tôn (của dân Cà Mau chở cá bán cho nhà vựa), những chiếc thùng sẵn sàng nếu giặc mở càn, sẽ cho sách xuống xuồng đưa sâu vào lõi rừng. Hoa cả mắt, những AQ chính truyện, Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt, Bông hồng vàng, Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ, Âm thanh và cuồng nộ, Ông già và biển cả, Của chuột và người… Năm 1973, ở quê nhà Vĩnh Viễn, lần đầu tôi thấy tờ Văn Nghệ do cánh bộ đội miền Bắc mang vào. Cho hay ngay lúc đói kém và khốc liệt nhất, sách báo văn chương hoặc những buổi đọc truyện trên radio khiến người ta no, người ta mạnh, tràn đầy năng lượng.

Suốt thập niên 70s và 80s, nếu nói theo giọng điệu của những người phán xét lấy được, thì “Gạo mốc thịt ôi, không ăn sách thì ăn gì!”. Thiếu điện thiếu dầu thiếu nến, sự đọc có vẻ không vì vậy mà đình trệ, cũng chỉ vì sách là thuốc, đọc là hành vi càng nghịch cảnh càng không lấy thế làm điều. Tôi dừng viết, dành hẳn hai năm 1982 & 1983 để đi thư viện đọc gần như hết những tác gia của các nền văn học lớn, đọc chăm chỉ như đang đi học vậy.

Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ IV, tháng 10/1989, đại hội toàn thể 396 hội viên, 10 ngày “rung chuyển thể giới” (nhận xét của ngài Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi đó). Hầu hết nhà văn Bắc Trung Nam đang vui nhau ở chỗ đọc nhiều, tìm đọc mọi nguồn (từ các bạn mới người của Việt Nam Cộng hòa, tôi có Vĩnh biệt tình em (Bác sĩ Zhivago), có Một thời để yêu một thời để chết (Nxb An Tiêm 1972), nhà văn hăm hở, hào hứng, bộc lộ, hình thành nhóm phát ngôn và bù khú.

Đại hội V năm 1995, cũng toàn thể nhưng Nguyên Ngọc không thèm dự nữa, bắt đầu có nhóm bị cho là quá khích và không it người khôn ngoan cười cười im lặng. Nhà nước không giấu bàn tay chỉ đạo khắp chỗ, này nhé, ai chi tiền kẻ đó mới có quyền! Một số nhà văn vẫn hào hứng vào các trường đại học (được mời) để đọc thơ. Được đọc thơ trước sinh viên thì như là ca sĩ nhạc sĩ trên sân khấu, họ sống bằng fans, cũng là sự cộng sinh cá và nước, đơn giản vậy thôi. Nhưng khi Đai hội V ấy chưa tan thì việc trình diễn thơ trước sinh viên đã tan, barie kín đáo bằng hội trường vắng lặng, vài thầy cô xuất hiện xin lỗi và xin lỗi. Riêng một trường to, GS Nguyễn Đăng Mạnh còn thực quyền, sinh viên đông kín hội trường nhưng… nhưng mất âm thanh! Nhóm chúng tôi có cả Dư Thị Hoàn nổi như cồn, chất vấn riêng gì thì Chủ nhiệm khoa Ngữ văn vẫn ngồi im im ngắc ngứ. Loa được bật nhưng rè “không chữa được”. Dư Thị Hoàn và đôi Nguyễn Quang Thân – Dạ Ngân được MC trẻ mời lên. Câu hỏi dành cho chúng tôi “Hành trình anh chị yêu nhau như thế, có thể chia sẻ bí quyết cho các bạn trẻ ở đây được không?”. Nguyễn Quang Thân nổi khùng với câu hỏi sến, với không khí loa rè khả nghi, liền đứng bật dậy xin lỗi không trả lời rồi kéo tôi bước xuống, Dư Thị Hoàn cũng xuống nốt. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh không thể nói gì, rất lâu sau đó mới nói riêng: “Làm sách giáo khoa, chúng tôi bị Trung ương gọi lên duyệt từng tên tác giả, duyệt từng tác phẩm đưa vào, loa rè là chuyện nhỏ. Hãy hình dung Nguyễn Duy, Thu Bồn, Trần Mạnh Hảo đọc thơ trước mấy trăm hoặc hàng ngàn sinh viên thì sẽ rùng rùng điều gì?”.

Từ đó, chúng tôi biết, không nên quan tâm tới các đại hội nhà văn nữa. Cũng như biết rằng, vì sao sách giáo khoa môn Văn môn Sử ngày càng ra như thế. Và, và, điều này mới tổn hại: họ làm cho giáo viên và cả thầy cô đại học không có hứng khởi, không có thời gian và không thấy cần thiết để đọc sách. Đọc gì trong một biển sách chỉ có vài ba cái tên hot và cứ thế trong mấy thập niên? Đọc gì những tác giả sốc, để rồi không dám đề cập trong chuyện trò với sinh viên hay học sinh, nói chi trích giảng? Đọc gì trong một biển sách thơ được in ra từng năm dồn ứ trong khi nhà thơ bằng xương bằng thịt thì biến đâu hết, như tất cả họ đều bí ẩn đến mức đang chết hay đã chết?

Trong những cuộc tiếp xúc với các học viên trên đại học, họ bảo có nghe loáng thoáng Bảo Ninh, hôm nay gặp Dạ Ngân nên vội chạy tìm Người yêu dấu để xin chữ ký nên chưa kịp đọc! Vậy đó. Hàng triệu thầy cô và sinh viên không đọc, hàng triệu học sinh phổ thông “không phải đọc sách gì ngoài sách giáo khoa”, thử hỏi, thị trường bạt ngàn sách ở Việt Nam tồn tại kiểu gì? Thơ in để đem cho, văn xuôi in vài ngàn bản/đầu sách, rõ ràng việc đọc ở xứ ta thật ê chề, ê chề không chỉ cho văn giới, chắc chắn như vậy.

clip_image001[6]

Hai chúng tôi ở Đại hội Nhà văn toàn thể tháng 10/1989.

clip_image001[4]

Ở Đại hội V, cũng toàn thể năm 1995, khi này Vui là chính, nói chung là nhạt phèo, một số nhà văn bỏ về.

clip_image001

Mùa hè 1996, chúng tôi vui chơi hẳn với những người hợp cạ, trong đó luôn có Dương Thu Hương và Lê Đạt.

Comments are closed.