Một vài hồi ức về thầy Lê Đình Kỵ

Lại Nguyên Ân

Bọn tôi vào học ngành Ngữ văn, khoa Khoa học xã hội Đại học Tổng hợp Hà Nội từ tháng 9/1964. Năm thứ nhất, chúng tôi lưu trú và lên lớp học tại ký túc xá Láng, sau đó chuyển đến ký túc xá Mễ Trì. Từ năm thứ hai bọn tôi bắt đầu đi sơ tán ở vùng bên kia chân núi Tam Đảo, là xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lúc đó trường tách riêng khoa cũ thành hai khoa: khoa Ngữ văn và khoa Lịch sử.

Còn nhớ, thời gian học năm thứ nhất, chúng tôi hầu như chưa được học với các thầy mà thời đó và sau này sẽ là những tên tuổi nổi bật của phê bình nghiên cứu văn học trong nước. Là vì hầu hết các môn học của năm thứ nhất là những môn như chính trị, sử đảng, thì khoa bố trí giảng viên chính trị của trường giảng chung tại hội trường lớn cho sinh viên tất cả các lớp Văn và lớp Sử, năm thứ nhất và năm thứ hai.

Khi học ở lớp riêng, năm thứ nhất, bọn tôi nghe các bài giảng sử học của thầy Phan Huy Lê, cô Phạm Thị Tâm, nghe các bài giảng về ngữ học đại cương của cô Nona Stankevic, các bài giảng về ngữ âm học của thầy Đoàn Thiện Thuật. Các môn ngoại ngữ thì tất nhiên học theo các nhóm riêng.

Chỉ đến năm học thứ hai, khi đã sơ tán lên Vạn Thọ, bọn tôi mới dần dần được biết những giảng viên đang là những tên tuổi đã xuất hiện trên báo Văn nghệ hoặc tạp chí Nghiên cứu văn học như Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ.

Thầy Lê Đình Kỵ dạy môn lý luận văn học, nhưng là phần thứ hai; phần nhập môn do thầy khác; thế nên hồi bọn tôi học năm thứ hai thầy cũng chưa lên giảng ở lớp chúng tôi.

Nhưng tôi có dịp gặp thầy ngay hồi mới lên sơ tán. Không nhớ anh lớp trưởng có một công việc gì đó, đã giao cho tôi đi tìm gặp thầy Kỵ. Khoa bố trí thầy ở nhờ một nhà dân tương đối gần chỗ lớp tôi. Tôi tìm nhà thầy vào một buổi chiều, và rất bất ngờ khi thấy trước mặt mình là một người đàn ông hơi gầy, mặc may ô quần đùi, đang ngồi gọt một củ su hào! Hóa ra lên sơ tán, thầy không ăn bếp tập thể của khoa mà tự nấu lấy, có lẽ vì còn có một cậu con trai đang cùng ở với thầy.

Những năm ấy, qua mấy tờ báo, tạp chí chuyên ngành, chúng tôi biết, thầy Kỵ đang gặp chút căng thẳng về học thuật, khi cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” (Nxb. Giáo dục, 1962), do thầy biên soạn, là tập 4 trong bộ “Những nguyên lý về lý luận văn học”, thuộc “Tủ sách Đại học Tổng hợp”, bị một số ý kiến phê phán.

Thời kỳ ấy đang là lúc triển khai nghị quyết “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”; trong các sáng tác và lý luận phê bình văn nghệ ở miền Bắc, một số tên tác phẩm tác giả được chỉ ra là có những biểu hiện gần với thứ “chủ nghĩa” kia, đáng bị phê phán.

Cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” là đề tài thảo luận từ cuối 1962 và trong suốt năm 1963 của tập san Nghiên cứu văn học (sau đó đổi thành Tạp chí Văn học) với những ý kiến của Nguyễn Xuân Nam (th. 11/1962), Đỗ Huy, Vũ Ý Nhi [Vũ Đức Phúc] (th. 4/1963), Lê Bá Hán, Hà Minh Đức, Thành Duy (th. 5/1963), Duy Lập (th. 8/1963), Hoàng Xuân Nhị (th. 10/1963), Nam Mộc (th. 11/1963). Thầy Kỵ chỉ trả lời văn tắt bằng bài “Mấy đính chính cần thiết” (Nghiên cứu Văn học, s. 2/1963).

Thầy vốn xuất hiện khá sớm trên báo chí văn nghệ bằng các bài phê bình văn học. Thử dò lại, tôi thấy, năm 1959 thầy đã có bài trên Tạp chí Văn nghệ (s. 26, th. 7/1959) về truyện ngắn “Con cá song” của Bùi Đức Ái (giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ 1958). Từ 1960, tên tuổi nhà phê bình Lê Đình Kỵ xuất hiện thường xuyên trên báo chí văn nghệ, với những bài phê bình thơ Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Trinh Đường, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Nông Quốc Chấn, Cẩm Lai, Xuân Quỳnh, v.v., những bài phê bình các tập truyện ngắn, truyện vừa của Phan Tứ, Nam Cao, những tập phê bình tiểu luận của Xuân Diệu, Chế Lan Viên.

Thầy Kỵ còn tham gia thảo luận về “Cái sân gạch” (tiểu thuyết, Đào Vũ), thảo luận về quan hệ giữa thơ “Từ ấy” của Tố Hữu và phong trào thơ mới, dịch văn Ilya Ehrenburg, Lev Tolstoi, dịch lý luận văn học từ nguồn sách báo Liên Xô, và nhiều đề tài khác nữa.

Thầy Lê Đình Kỵ là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ 1963. Hoạt động phê bình nghiên cứu trong những năm 1960s của thầy Kỵ khá nổi bật. Không ngẫu nhiên tuần báo Văn học (s. 277, ngày 30.11.1963) có phóng sự “Gặp nhà phê bình trẻ tuổi Lê Đình Kỵ” tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (26.11.1963).

Tập tiểu luận-phê bình “Đường vào thơ” (Nxb. Văn học, 1969) là biểu hiện tập trung những đặc sắc của ngòi bút phê bình Lê Đình Kỵ, ngay thời kỳ mới xuất hiện. Nhà phê bình Lê Đình Kỵ tự chứng tỏ ưa thích phê bình thơ hơn so với văn xuôi.

Công trình mà thầy Kỵ ấp ủ trong nhiều thời gian hơn cả, có lẽ là “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du”. Tôi nhớ, ngay từ 1963 đã thấy trên báo chí một vài bài viết của thầy trên đề tài này. Thời gian chúng tôi học năm thứ tư, khoa đã bố trí chuyên đề này của thầy Kỵ là một trong những chuyên đề dạy cho khóa chúng tôi, bên cạnh các chuyên đề của các thầy Hoàng Xuân Nhị, Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, v.v.

Việc nhà nghiên cứu nỗ lực gắn tác phẩm xuất sắc nhất trong di sản văn chương Việt Nam với phạm trù chủ nghĩa hiện thực, vào những năm 1960-70, cho thấy tính thời sự học thuật đặc thù.

Ta nhớ rằng, thời kỳ 1945-1990, thế giới chia tách làm hai phe, không chỉ về chính trị, quân sự, kinh tế, mà còn cả về tư tưởng, văn hóa. Văn hóa nghệ thuật, tri thức học thuật ở miền Bắc nước ta, thời gian ấy hướng về các chuẩn mực chuẩn tắc của Liên Xô, Đông Âu. Triển khai ý tưởng chính trị đối lập “phe xã hội chủ nghĩa” với “phe tư bản” vào văn nghệ ở thời đại ấy, người ta đối lập “nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa” với “nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại”. Di sản văn nghệ quá khứ cũng thường được tôn vinh khi gắn với truyền thống “hiện thực” cổ điển!

Những năm 1950-1960, giới hàn lâm Xô-viết đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực. Người ta cũng đã có những giới thuyết về “phương pháp” trong nghệ thuật, không đồng nhất nó với phương pháp tư tưởng lô-gich. Tuy vậy, việc dồn hầu hết các giá trị nghệ thuật trong các thao tác sáng tạo vào phương thức miêu tả “giống như thực”, nhấn mạnh sáng tạo “điển hình” trong xây dựng tính cách, hoàn cảnh, không khỏi tạo nên một tâm trạng lý thuyết, đem quy những kiệt tác quá khứ vào chủ nghĩa hiện thực, xem đó như thành tựu vượt bậc của tiến bộ nghệ thuật!

Trong công trình “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du”, nhà nghiên cứu đã dày công để có những trang phân tích tinh tế về khắc họa nhân vật, về diễn giải câu chuyện.

Tuy nhiên, loại hình ngôn ngữ ước lệ tượng trưng, sự xa cách cái nhìn miêu tả lịch sử-cụ thể thường ngày, đã gây khó cho nỗ lực đặt thiên truyện bằng thơ “Đoạn trường tân thanh” vào quỹ đạo của chủ nghĩa hiện thực, mặc dù tác giả chuyên luận này không hẳn đã là người duy nhất muốn thấy tác phẩm này hiện diện trong phạm vi nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. (Trong thời gian kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, một nhà chính trị có quan tâm đến văn nghệ là ông Trường Chinh, cũng đã đề nghị các nhà khoa học xem xét Truyện Kiều dưới góc độ chủ nghĩa hiện thực phê phán!). (1)

Khoảng 15 năm sau thời điểm xuất bản công trình của Lê Đình Kỵ, một công trình khác, viết về Truyện Kiều cũng đã hướng tới việc xem tác phẩm này như thành quả của chủ nghĩa hiện thực, — cuốn “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Phan Ngọc.

Song, như Gs. Trần Đình Hượu đã nhận xét, “Lê Đình Kỵ và Phan Ngọc dùng hai phương pháp khác nhau phát hiện rất thấu đáo nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều và cả hai đều thấy không phải dễ dàng coi Nguyễn Du là nhà văn hiện thực chủ nghĩa, nếu như không hiểu chủ nghĩa hiện thực một cách linh hoạt”. (2)

Lưu ý quan niệm của Viện sĩ N. I. Konrad (1891-1970) về sự phát triển riêng biệt của văn học phương Đông so với văn học phương Tây thời trung cận đại, và về “chủ nghĩa hiện thực” như một trào lưu của văn học Pháp và văn học phương Tây nói chung ở giữa thế kỷ XIX, Gs. Trần Đình Hượu đã giải tỏa tham vọng của giới nghiên cứu ở nước ta nhằm chứng minh có sự hiện diện chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác văn học trung cận đại Việt Nam.

Tất nhiên, quá trình thử “đo lường” tác phẩm văn chương kiểu Á Đông trung đại theo những khuôn thước Âu Tây, dù không thành công, cũng không phải không có ích.

Mỗi khi nhớ lại những buổi dự giảng chuyên đề của thầy Kỵ, tôi không khỏi tự mỉm cười vụt nhớ bộ điệu của giảng viên.

Phải nói là thầy Kỵ khi viết thì có câu văn tinh tế duyên dáng, nhưng thầy không có ưu thế khi nói trước đám đông, thầy rất ít khi cao giọng diễn thuyết.

Vả lại, hồi thầy giảng chuyên đề này, khi đó mỗi sinh viên lớp tôi đều đã có đề tài luận án, nên cũng không nhiều người thật chăm chú nghe giảng chuyên đề, thậm chí có người tỏ ra khá thờ ơ.

Nhưng giảng viên hầu như không lấy đó làm điều. Thầy nói, rồi có lúc lật các trang viết tay, đọc một đoạn phân tích trong chuyên đề, hoặc đọc các câu thơ trong Truyện Kiều.

Một lần, thầy đọc câu tả Hồ Tôn Hiến sau bữa tiệc mừng triệt phá được đạo quân Từ Hải, bắt Thúy Kiều hầu rượu, gảy đàn, rồi “hạ công chén đã quá say”, sáng ra mới tỉnh lại…

“Nghĩ mình phương diện quốc gia

Quan trên trông xuống người ta trông vào

Phải tuồng trăng gió hay sao ?”

Thầy ngừng lại, điểm vào một câu, như nói vào thinh không, như không nói với ai cả:

— Trăng gió quá đi rồi còn gì?!

Cả lớp, hoặc những người đang chăm chú nghe, bỗng ồ lên cười ròn rã!

Thầy hơi mỉm cười, rồi lại vừa nhìn vào trang sách vừa nói tiếp, như tiếp tục dòng độc thoại.

***

Luận văn tốt nghiệp của tôi do thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn. Đề tài những cơ sở lý luận của sự hình thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam, trên thực tế là khảo sát các ý kiến, quan niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện và được thảo luận, biện giải ra sao trong đời sống văn học những năm từ 1935 đến 1965.

Mãi đến rất gần ngày bảo vệ luận văn, tôi mới được biết thầy Lê Đình Kỵ là người phản biện luận văn của mình. Tôi đến thầy, xin nhận xét. Thầy nói vắn tắt là nội dung luận án tốt, rồi ghi cho tôi câu hỏi phản biện để về chuẩn bị.

Thời sơ tán ấy, lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp rất giản dị, gần giống như các buổi thi trả lời miệng cuối học kỳ, chỉ khác là có mặt thêm một vài giám thị, bên cạnh các giảng viên.

Mấy ngày sau đó, lớp trưởng lên văn phòng khoa lấy kết quả, tôi mới biết, luận văn của tôi được hai thầy, hướng dẫn và phản biện, thống nhất cho điểm 5/5.

Từ sau khi ra trường, tôi hầu như không có dịp gặp lại thầy Kỵ, chỉ đôi lúc qua sách báo biết được ít nhiều thông tin về hoạt động nghiên cứu giảng dạy của thầy.

Do tôi nghiên cứu sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi (1887-1959), một học giả cùng quê Quảng Nam với thầy, tôi được biết, họ tên thầy Lê Đình Kỵ cùng với hai người trong dòng họ Lê ở Điện Quang, huyện Điện Bàn là Lê Đình Dương (1893-1919), Lê Đình Thám (1897-1969) đều đã được đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng.

Nhớ lại vẻ giản dị đến không thể giản dị hơn trong phong cách sống của thầy, lại càng khâm phục thầy nhiều hơn.

Chú thích

(1) P.V.: Đồng chí Trường Chinh nói chuyện về Nguyễn Du và tác phẩm thơ ca của Nguyễn Du,Tạp chí Văn học, Hà Nội, s. 11 (71)/1965.

(2) Trần Đình Hượu: “Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại”, trong sách: Trần Đình Hượu, Tuyển tập, T.2, H., Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 329.

—————–

image

Hình ảnh hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Kỵ, do bạn Phạm Thành Hưng gửi cho. Xin cảm ơn anh Hưng!

Comments are closed.