Ngôi nhà vàng trên đồi cát vắng

Truyện Nguyễn Thanh Văn

Những dãy phố quanh năm lơ thơ khách, đồng loạt treo bảng “Hết phòng”, “Không nhận thêm khách” trong mùa du lịch. Còn số khách sạn nhiều sao ở trung tâm thành phố thì giá cả đã vượt túi tiển đám họa sĩ tài tử không bán được tranh như tôi từ lâu rồi, chưa nói ở riết khách sạn chẳng vẽ được cái gì ra hồn…

Tôi nhìn theo hướng tay của một cụ già người địa phương.

-Ở cuối bãi còn một số biệt thự có người ở, cũng có cái bỏ hoang. Cố mà gặp chủ nhân… Có khi họ cho ông ở không đó!

Nhìn lối đi về phía biển xanh có vài bụi liễu làm mốc cứ ngỡ chỉ hơn cây số, ai dè đi hồi lâu vẫn chưa tới bãi. Biển và bầu trời mênh mang làm mọi vật trở nên nhỏ bé. Qua khỏi đồi cát lớn nhất, trên một nhóm đồi thấp hơn và lấp ló đằng sau những bóng dừa và lệ liễu là vài ngôi biệt thự xinh xắn đủ màu. Tôi nhắm đại ngôi biệt thự màu vàng trông ít xuống cấp nhất.

Mười phút sau, tôi đã ngồi thở dốc trong căn phòng nửa như phòng gác dan, nửa như phòng khách ngay sát cổng. Những chậu hoa được bày lác đác dọc sân trước, phần lớn chỉ còn cỏ úa và những cành khẳng khiu. Có thể nhận ra người khách thường xuyên và hiếu động nhất ở đây là gió biển. Gió lùa qua những khung cửa sổ mất kiếng, lục lọi qua loa rồi ùa lại ra cửa, leo tót lên cao, ôm những cành lệ liễu gầy gò, những thân liễu già đầy vết thương lở lói mà rền rĩ, khóc than.

Rồi tất cả bất chợt lặng đi, nhỏ bé trước sự hiện diện trọn vẹn quyến rũ và vĩ đại nhất: Biển. Lạy Chúa, đây mới chính là thứ mà con có lòng mong đợi. Để có được thứ quà tặng này, con tình nguyện gặm bánh mì và nước tương năm tuần liền!

Tôi gối đầu lên ba lô chờ chủ nhân rồi ngủ thiếp đi. Tiếng ai gọi giọng lơ lớ hơi khó nghe, đánh thức tôi giữa một cơn mơ lung linh nắng đủ sắc màu và mùi cá tanh đến phát sợ. Một người đàn bà nhà quê mông, vú, mặt tròn và lớn hơn bình thường đang chống nạnh đứng trước mặt tôi.

-Ông nhắn giúp có người ở dưới gửi cá tươi cho cậu mợ Hai, hớ!

Tôi chưa tỉnh ngủ hẳn thì đã thấy cái dáng tất tả của bà ta tụt xuống, nhỏ xíu dưới chân cồn cát, tay cố dằn cái nón lá đang chực bay lên.

Lần này thì chắc đúng chủ nhân rồi. Tiếng chân nặng, chậm ở sau lưng tôi từ phía nhà chính bước ra. Tôi vẫn nhìn chằm chằm vào xô cá. Hai cặp cá chép bự, vảy hồng, mép vàng, thân láng nước đủ chứng tỏ mức sống khá giả của chủ nhân. Nhưng vì sao ngôi biệt thự một thời phải lộng lẫy, sang cả lại đìu hiu thế này.

-Ủa, bác là ai? Chồng bà Sâm bán cá phải hôn…

Tôi lồm cồm đứng dậy chào hắn, người đàn ông cao phải gần thước tám, vai đầy và giọng nói dịu dàng dễ nghe. Mắt anh ta hấp háy nhìn bộ giá vẽ, mấy hộp sơn dầu để bừa ở góc sân, chăm chú tới độ không trả lời tôi.

-Có người ở dưới gửi cá… Xin lỗi cho tôi nói thật, bà con dưới phố giới thiệu vào thử xin anh chị còn phòng trống cho tôi ở vẽ một thời gian.

Tôi nói thêm vì thấy anh ta vẫn yên lặng, loay hoay đọc mấy từ nước ngoài trên vỏ hộp sơn.

-Chắc anh là chủ nhà… Ăn uống anh cho tôi tự túc cũng được, kể cũng phiền anh chị…

Một tiếng cười gằn và câu nói không ăn nhập gì với câu hỏi của tôi:

-Bây giờ họa sĩ các anh có đủ sơn, panh-xô, mọi phương tiện… Sướng thật! Nhưng vẽ thì chưa đẹp!

Một nét gì không vui thoảng qua khuôn mặt râu ria lởm chởm của chủ nhân và lúc tôi đoán chừng sắp bị từ chối tới nơi thì anh ta chợt nói:

-Sao lại tự túc! Tôi có thể nấu điểm tâm cho ông. Ở nhà này tôi là đầu – bếp. Hôm nào ông vẽ ở nhà- tôi có phòng riêng, khóa riêng cho ông- tôi sẽ nấu hai bữa chính cho ông luôn thể. Ăn kiểu Tây, kiểu Thái tôi còn phục vụ được nữa là…

Lối nói chuyện như đang tiếp thị của người đàn ông làm tôi vui vui, bớt ngại vẻ quá buồn tẻ chung quanh.

-Mà đúng giờ đúng giấc lịch sự đàng hoàng nghe. Hai mươi năm rồi- nói thật với ông- vợ tôi chưa hề phàn nàn tôi một lời.

Tôi ấp úng nói mấy lời về khoản tạm ứng cho năm tuần lễ ở lại và cảm ơn vì đã làm phiền phức cho gia đình. Anh ta thản nhiên gật đầu bằng lòng.

-Coi như ông cho tiền hút thuốc lá thì tôi nhận. Chứ nói thật tiền trọ chi. Căn phòng này nhỏ, thiếu tiện nghi. Toa- lét thì còn dùng được. Về tiền ăn thì đến ngày ông đi sẽ tính!

Trong căn phòng nhỏ có một cửa sổ hướng về biển đúng là không có gì như anh ta nói, nhưng lại có đúng một thứ họa sĩ cần: không gian. Nó lại tách ra khỏi khu nhà chính bằng một cái sân nho nhỏ. Bụi hoa giấy màu gạch gần như đè hẳn lên một cánh cửa lớn chứng tỏ từ lâu rồi chắc không có ai ở. Chủ nhân loay hoay đẩy một cái tủ gỗ cao, trống hoác qua một bên và mở chốt cửa lớn đằng sau tủ. Bên ngoài là một ban công nhỏ đầy lá khô sột soạt theo gió ùa vào phòng.

-Tuyệt! Cảm ơn ông. Xin ông một cái bàn và vài cái ghế nhỏ là xong!

-Thôi, ông nghỉ một chút đi- Anh ta tần ngần đứng ở bậc cửa- Tôi sẽ cho nệm, ghế qua ngay. À, ông phụ khiêng bàn với tôi một tay!

Khi chúng tôi rảo qua cái sân nhỏ, anh ta chỉ tay xuống đồi, nói:

-Trước kia có hẳn một con đường dành cho xe hơi đi từ phố vào cổng… lấp… bị cát lấp rồi- Anh ta huơ tay làm dấu- Ông có tin trước đây có một đảo nhỏ, một xóm đánh cá, phía này, kìa… rồi cũng bị lấp, biển vùi sạch qua đêm!

Khi tôi bắt tay cảm ơn lần nữa, anh ta bỗng thở dài rùn vai:

-Tôi đã từng là một họa sĩ nổi tiếng. Tùng Quang chính là tôi. Ở Sài Gòn còn ai nhắc tôi không, trong giới họa sĩ đó mà ! Nếu không có duyên hội họa với nhau, tôi đã không để ông vào nhà…

Anh ta quay lưng, chậm rãi đi về nhà. Tôi nhìn theo, đầu căng lên. Tùng Quang, Tùng Quang… Thật đáng tiếc, đúng là chưa hề có ai nhắc cái tên này với tôi !

***

Ngay tuần đầu tôi đã hoàn thành Biển I và Biển II. Trăng giữa mùa tạo ra những đêm trắng. Có lúc trời lặng gió, tôi bê cả giá vẽ ra ban công làm việc thâu đêm như một thằng khùng. Biển và cát trắng rười rượi dưới ánh trăng khuya hình như thêm ánh sáng cho những bức tranh thường u uẩn và đầy bóng tối của tôi.

Đang còn ở một trạng thái mệt mỏi, nhưng khá dễ chịu, tôi quyết ở lì trong phòng ít hôm vẽ tiếp bức thứ ba. Người duy nhất tôi thấy mặt và hầu như không nói chuyện gì với nhau là Tùng Quang, tên ông chủ tự giới thiệu, ngày ba bận tự bưng khay thức ăn đến phòng, rồi trở lại lặng lẽ dọn dẹp.

Anh ta hóa ra là một người khá tinh tế, không ham chuyện tếu táo như lần đầu. Những lúc thấy tôi bận vẽ, anh ta lùi lại ngay, tránh cả lời mời cơm như thường lệ. Những thức ăn ở biển qua tài nấu nướng tuyệt vời của chủ nhân đã có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của tôi. Có những món uống còn ngoài kỳ vọng của tôi: trà ướp sen, cà phê Buôn Mê Thuột hay ly chè đậu ván sóng sánh vàng, nhất là khi chúng được đựng trong những chiếc ly, tách kiểu dáng rất đẹp, thường có ở tủ buýp- phê con nhà giàu.

-Cuối kỳ nghỉ, anh cho tôi được gặp cảm ơn bà chị một lần. Tôi nói lúc Tùng Quang đang bày những thức ăn lên bàn- Ở đây tôi thấy còn dễ chịu hơn cả ở khách sạn. Anh chị đối với tôi quá tử tế!

Anh ta tự kéo ghế và im lặng nhận điếu thuốc tôi mời. Một thoáng gì không vui hiện trên khuôn mặt :

-Được… Chẳng có gì trở ngại. Thật ra vợ tôi có biết anh đến. Bà có lệnh cho tôi mời anh hôm nào ăn bữa cơm với gia đình- Anh ta cố nói tếu nhưng càng nói càng lộ vẻ mất tự nhiên- Tôi đang đợi hai cha con bác Hải về quê lên là thực hiện ngay. Vắng họ, có thêm người trong nhà càng hay, anh áy náy làm chi!

Tùng Quang đứng dậy,lò dò đến bên bức tranh đang vẽ lỡ dở của tôi, chăm chú một lát.

-Ông có một thói quen đặt sẵn tên tranh trước à… Ngày xưa đôi khi vẽ xong tôi còn không rõ phải đặt tên tranh là gì. Biển III… Ông phải gọi là Biển đêm mới đúng!

Tôi giải thích với con người tỏ ra không xa lạ lắm với hội họa này:

-Anh rất tinh. Tôi thường dùng màu sẫm và nhận dạng sự vật qua độ đậm nhạt. Tôi quen hình dung thế giới như là một khối màu sẫm, có di động, có biến đổi, dĩ nhiên…

Tôi nói thêm, có lẽ với chính mình :

-Biển có khi là bộ mặt của thế giới này… xao xuyến, luôn xao xuyến… nhưng sẫm, xanh sẫm…

Có tiếng cười và anh ta cắt ngang lời tôi :

-Không, biển màu trắng. Ít ra là những đêm giữa mùa trăng. Tôi đã ở đây hơn hai mươi năm và ngắm nó ít ra hàng ngàn lần.

Không muốn phản đối Tùng Quang, tôi chống chế chiếu lệ :

-Đồng ý… Biển trắng! Ý tôi chỉ nói về cách biểu đạt trong nghệ thuật…

Chúng tôi chợt yên lặng, hơi lúng túng với nhau. Tôi định nói với anh ta chuyện khuya hôm qua tỉnh giấc lúc điện đang bị cúp, tôi nghe rất rõ tiếng sóng ầm ĩ dưới kia và trong căn phòng rung lên vì gió, tôi có cảm giác đang bay trong một phi thuyền ngang qua một hành tinh lạ- đẹp nhưng không có bóng dáng con người.

***

Tôi cố mở chốt cửa thật nhẹ nhưng đúng vào phút giây này, lúc gió và sóng bỗng lặng đi một cách bí ẩn, chỉ tiếng một bước chân cũng làm thành một tiếng động xao xác cả một lúc. Bên ngoài không khí dễ chịu hơn hẳn và tôi- đã tỉnh táo hơn- đoán rằng tiếng thét mà tôi nghe nhiều lần chỉ là trong giấc mơ, những giấc mơ thường luẩn quẩn trong tranh của tôi và đem lại ít nhiều dị nghị của giới phê bình.

Tôi đi về phía cổng, lần xuống từng bậc cấp. Tôi bước trong tư thế đường hoàng nhất- ưỡn ngực, ngẩng cao mặt- mong được nhanh chóng tan biến vào cái khối đen dịu dàng được gọi là vũ trụ này như chính tôi cũng chỉ là một vệt sơn trên bức tranh không chiều kích. Và đúng lúc đó, cái phút lâng lâng mơ màng nhất, tôi giật nẩy mình vì một tiếng thét lớn, lớn hơn cả những tiếng thét tôi từng đã nghe trong giấc mơ. Tôi vụt quay đầu lại và kịp nhìn cảnh kỳ dị đó.

Từ trên lan can sân thượng một bóng phụ nữ đang bay, tất cả áo váy trắng tinh tốc cả lên, lộ cả đồ lót đen. Mái tóc dài rũ rượi che cả mặt. Và bất ngờ những tràng cười lạnh lẽo, khô khốc nối nhau, rồi một vài âm thanh gì không rõ, ngọng nghịu như tiếng trẻ con. Cuối cùng chính tiếng thét mà tôi đã nghe trong mơ, có điều man dại gấp nhiều lần.

Ngay lập tức, một rồi hai bóng đen xuất hiện sau lưng bóng người điên và một cuộc xô đẩy thô bạo xảy ra giữa tiếng sóng biển thấp giọng rì rầm, như cố ý bàng quan. Tôi vội vã tháo lui, chốt cửa phòng thật chặt để lại bên ngoài cả biển đêm lẫn những tiếng cười bỗng rộ hẳn lên, vỡ tan thành những mảnh thủy tinh sắc nhọn, lấp loáng bóng trăng.

***

Tôi giả vờ chăm chú nhìn tranh khi nghe tiếng chân quen thuộc của Tùng Quang. Anh ta đã đặt khay xuống bàn và loay hoay bày thức ăn như thường lệ.

-Bác Hải đã lên lại, ngày mai chú Bồng gác dan cũng về làm việc lại. Có thêm hai người đàn ông, ông đỡ sợ nghe- Anh ta lúng túng sửa lại- … đỡ buồn đó mà!

Tôi liên tưởng tới hai bóng người giằng co với bà chủ nhà- tôi đoán ra vậy- trên sân thượng đêm qua.

-Ủa, nhà mình có cả gác dan nữa à!

-Bác Hải là quản gia, người quen của ông già vợ tôi ngày xưa. Chính bác là nhân chứng chuyện ông già di chúc dành toàn bộ gia tài cho tôi sau khi vợ tôi mất… Còn chú Bồng mới làm việc được mấy năm nay thôi. Vào ban đêm, chú ngủ ở phòng trước cổng…

Lần đầu tiên tôi nhìn thẳng mặt người nói chuyện và để ý vẻ mỏi mệt, già cỗi bất ngờ so với hôm gặp lần đầu. Anh ta nhún vai như có quyết định gì đó.

-Dạo đó tôi mê vẽ lắm. Tôi bắt đầu vẽ khi còn ở trường làng. Bạ gì vẽ nấy: người, thú, cỏ cây và có gì vẽ nấy: bút chì, bút mực, than, bút màu. Tôi suýt bị đuổi học vì suốt kỳ nghỉ hè không chịu ôn thi, lại còn vẽ bậy lên bốn bức tường lớp nhất. Cũng may thầy hiệu trưởng mới cho tôi là người có năng khiếu nên tha tội cho, lại còn chu cấp thêm cho tôi về tỉnh học tiếp. Tôi thi rớt đíp- lôm nhưng giật giải đầu cuộc thi vẽ của học trò toàn tỉnh. Người ta cho tôi một xuất du ngoạn ở Cấp, Vũng Tàu bây giờ đó. Nhờ tiếng vẽ đẹp mà tôi được đỡ đầu vào trường mỹ thuật, học nghề cả thầy ta lẫn thầy tây. Tôi cũng mê vẽ biển như ông, tôi đi Cấp nhiều lần và gặp vợ tôi. Ngay dạo đó cô ta đã có dấu hiệu lẩn thẩn rồi…

Tôi ầm ừ mấy tiếng, vừa hơi tò mò vừa ngờ ngợ có cái gì chung quanh đây, ngay trong ngôi nhà và giữa những thành viên gia đình này mà tôi không rõ và không thể kiểm chứng được.

-Tôi trở thành rể của một ông chủ vựa cá kiêm cho vay nợ giàu nhất nhì ở Cấp ngày trước khi hiểu tai họa đang sắp ập lên đầu mình… Ừ, có lẽ cũng một đêm y hệt đêm hôm qua- Tùng Quang quay mặt hướng về phía tôi dò hỏ- Chắc ông đã hiểu phần nào câu chuyện…. Cũng vào đúng một đêm trăng… tôi vẫn nhớ như in cái váy trắng cô ta mặc vào ngày lễ cưới và những vũng máu, tôi mở mắt vì những tiếng thét man dại trên sân thượng. Tôi chỉ kịp chụp được chân vợ tôi- dạo đó cô ta có bầu mới ba thán- lúc cô đã đứng hẳn trên lan can định phóng xuống bãi đá. Kết quả là vợ tôi sẩy thai- chúng tôi không bao giờ có con được nữa và tôi hiểu mình đã cưới nhầm một con khùng… Hơn nữa một người điên đâu từ hồi còn ở nội trú trong trường ma xơ. Người ta đồng lõa với nhau, ông ta đã mua chuộc hết để lừa gạt tôi!

Hai tay ôm đầu, Tùng Quang gằn giọng, vẻ hơi kịch:

-Chao ơi… Tại sao tôi lại không nhận ra những đốm ma trơi không bình thường trong mắt nó. Cái cổ trắng hếu và thứ tiếng Việt của trẻ con pha tiếng Pháp ríu ra ríu rít chết tiệt đó… Bọn họa sĩ chúng ta, ông thấy đó, chết vì cảnh biển cả bí ẩn đểu giả này cả thôi!

Anh ta lại gục đầu, úp mặt vào góc bàn một lúc. Có tiếng gì như tiếng nấc hay tiếng chân bàn xê dịch, tôi không rõ.

-Tôi bỏ về Sài Gòn, bắt đầu vẽ lại. Tôi quyết định bỏ tất cả, cả triển vọng làm ông chủ triệu phú trẻ trong tầm tay rồi. Ông thấy đó, vợ tôi chỉ là một con tâm thần. Hồi nó còn nhỏ, ban đêm người ta thả rong cho nó tắm truồng ngoài bãi biển. Vâng, cả lần đầu tiên tôi tình cờ gặp. Ông già vợ tôi quyết định tôi sẽ là người quản mọi đầu mối làm ăn, hàng chục lô nhà, đất… Tôi được danh họa Tùng Minh nhận làm đệ tử. Trên bảng quảng cáo xưởng họa thầy cho phép để Tùng Minh- Tùng Quang cạnh nhau. Chính thầy tôi chỉ cho tôi lối vẽ chân dung, còn tôi tự mày mò kiếm tiền thêm bằng cách thêm mi cong, môi hồng, cốt sao vừa lòng các cô Ly-xê và đám vợ sĩ quan- giọng Tùng Quang đã bớt nặng nề, có vẻ đắc ý là khác- Chinh phục đám này không khó. Nói thật tôi đã ngủ với hàng chục phu nhân và là người tình nghệ sĩ của nửa tá em Ly-xê. Toàn thứ con nhà tỉnh táo đàng hoàng, đâu có thứ lên giường ngủ còn cười hăng hắc, rồi rú lên như con khùng nhà tôi…

-Rồi tại sao anh lại trở lại với chị?- Tôi nhỏ nhẹ hỏi.

Tùng Quang trầm giọng, đầu cúi thấp hẳn:

-Đó là một câu chuyện dài… Nếu tôi không về lại Cấp, có lẽ gia sản bên nhà vợ sẽ mất sạch, vợ tôi không còn sống đến bây giờ. Chính bác Hải lên tận xưởng vẽ năn nỉ tôi về. Ông già vợ tôi bị một mối làm ăn đối địch thuê người đâm suýt chết. Có người bảo chính đám chài bị ông cho vay nặng lãi muốn khử ông để chạy nợ, tôi không rõ. Nhà nước ngày đó điều tra nửa chừng rồi cũng cho qua…

-Chắc đúng dịp này mà ông cụ ủy thác cho anh việc quản lý tài sản, mối làm ăn?

Tùng Quang gật đầu rồi lại lắc đầu ngay:

-Không… Tên tuổi do vợ tôi đứng. Nó là con một của ổng mà. Theo di chúc thì tôi được thừa hưởng toàn bộ gia tài sau khi vợ tôi qua đời.

Anh ta lạnh lùng nói tiếp, y như lỡ lời :

-Ông biết đó, tôi đã đợi gần hai chục năm nay… Bỏ vẽ, bỏ rong chơi, bỏ bè bạn để làm một thằng mọi chờ đổi vai triệu phú. Thế rồi sau bảy lăm, tài sản mười chỉ còn một hai. Số tiền gửi nhà băng mất sạch. Cũng may,nhờ chính sách mới, có mấy căn nhà được nhà nước trả lại. Nhưng đối với tôi cũng khá muộn rồi…

Tùng Quang ngưng lại- có lẽ vì có tiếng chân người- rồi đứng choàng dậy. Một ông già vóc dáng khỏe khoắn, mặt đỏ bừng, búi tóc, bước vào với khay thức ăn.

-Đây là bác Hải mới ở quê lên. Từ nay thỉnh thoảng bác giúp tôi đưa cơm cho ông.

Ông già thản nhiên bày đồ ăn, hình như không màng tới sự có mặt của tôi.

-Mời cậu!

Tôi giật mình vì giọng nói lớn, sang sảng thường thấy ở con nhà võ và các cụ có thâm niên tập dưỡng sinh.

***

Khi tôi bước vào mọi người đã có mặt, kể cả chú gác dan có bộ mặt lơ láo, hơi đần mà tôi gặp mấy lần ở cổng. Phòng ăn- thật ra cũng là phòng khách lớn- trang trí lịch sự ngoài sức tưởng tượng. So với vẻ xuống cấp bên ngoài, có cảm tưởng đây là sào huyệt của Alibaba đã ngụy trang để đánh lừa mọi sự dòm ngó.

Khi rời mắt khỏi lố tranh treo đầy tường- những bức tranh chắp nhặt mà nhìn lâu cứ thấy chướng mắt- tôi hơi giật mình thoáng thấy ở bên kia bàn, dưới ánh đèn cầy- không rõ sao chủ nhân dùng toàn đèn cầy thay đèn điện- một bộ mặt dị dạng, cháy sạm chằng chịt vết sẹo. Bộ váy trắng tinh, đúng là một người đàn bà rồi. Mọi người ngồi vào bàn và tôi bắt đầu lí nhí mấy lời cảm ơn.

Bên kia bàn, ngay lập tức cũng có tiếng ríu rít qua lại giữa bà chủ và bác Hải rồi Tùng Quang. Tôi nhận ra họ đang nói chêm cả tiếng Pháp và giọng phát âm rất tây của người đàn bà. Vốn tiếng Pháp lõm bõm tôi chỉ nghe được loáng thoáng « Pardonez – moi! » và « C’est jolie ! » gì gì đó, rồi bà ta bỗng che miệng cười.

Đó là một bữa tiệc thực sự « à la mode francaise » với beefsteak, salad, đủ loại soup và cả bánh flan nhưng tôi thấy dè chừng với không khí im lặng gần như tuyệt đối chung quanh. Một lần bà chủ bỗng đút luôn cả bàn tay vào tô xúp khuấy tung đồ ăn ra ngoài. Hai vợ chồng í a, í ới gì đó và cô vợ ngoan ngoãn rút tay ra, nhoẻn miệng cười khi nghe tiếng bác Hải:

-Ngoan nào, Petite! Không được nói nặng với em! Nào!

Tiếng cười khỏe, ồm ồm và bộ mặt hiền hậu, tỉnh bơ giữa không khí khó hiểu, bất trắc chung quanh của ông già gãy một ấn tượng đặc biệt đối với tôi. Và tôi gần như không ăn uống gì được, thỉnh thoảng có cảm giác đang dự vào một bàn tiệc của những hình nhân bằng sáp ở một nhà bảo tàng nào đó. Chú gác dan lơ láo, bà chủ ngồi nghịch nĩa muỗng, chỉ có Tùng Quang là ăn uống với vẻ say sưa trên mức bình thường. Cái đĩa trước mặt anh ta chất một đống xương lớn, đầu như vẹo một bên khi cố nhấm nháp những vụn thịt còn dính trên cái cánh vịt, mắt nửa hé nửa mở như cánh nhạc công thổi kèn acmonica. Giữa lúc tôi quay lại cố ý chằm chằm nhìn bộ mặt Quan Công của người quản gia già- ông ta ăn uống chậm rãi với nụ cười tủm tỉm như đang điều khiển một canh bạc bí mật- bỗng nữ chủ nhân quay lại, vùng vằng tựa vào vai ông già, mắt díu lại.

Tôi suýt kêu lên khi thình lình nhận ra một bộ mặt mới, có lẽ của một thiên thần. Làn da phía mặt bên này của bà chủ trắng, mịn màng, chiếc mũi cao, xinh xắn và thật kỳ lạ hình như tháng năm và bệnh tật ác nghiệt không ngăn được nét thơ ngây, thanh thoát một thời.

-Em buồn ngủ rồi! Nào, nào… chuẩn bị cho em lên lầu. Petite, bác lau mặt nè!

Ông già cúi xuống hôn phớt lên mặt người điên- rõ ràng phía mặt biến dạng mà tôi thấy lúc nãy- và ngay lập tức trên má ông có cái gì đang di động : có lẽ một giọt nước mắt!

Gió biển thổi tắt bớt đèn cầy. Chỉ còn một cặp đèn lớn cao trên bàn thờ Chúa hắt ánh sáng lay lắt lên cảnh Tùng Quang đang dìu vợ lên lầu. Chiếc váy trắng sang trọng, thang lầu lấp lánh- chắc được mạ vàng- và những cử chỉ ga-lăng đầy điệu nghệ của Tùng Quang trong hệt như một cảnh phim Hô-i-út vẫn làm thổn thức các nữ khán giả Việt Nam tân thời.

***

Buổi chiều có nhiều đợt gió mạnh. Ở thị xã người ta nói gió báo bão. Tôi đành bỏ về dù kiếm được một góc phố tuyệt đẹp, định sẽ ngồi nhấm nháp cà phê đến khuya. Lúc về liêu xiêu qua bãi gió lộng,lành lạnh. Cũng may gió làm lộ dần con đường mà Tùng Quang có nhắc trước đây nên tôi không bị lạc đường. Tôi bước lên bậc cấp giữa tiếng dừa lào xào, vật vã và tiếng liễu hò ran trên đỉnh đồi. Trăng bị mây che, làm toàn bộ khu biệt thự tối sầm lại. Biển động, sóng gào và bất giác tôi cũng dang rộng tay, trao mình cho gió,lật đật gào theo. Tôi nghe rõ cả tiếng khởi động máy và ngọn đồi như một chiếc phi thuyền cứ thế vút lên. Tất cả biến mất, nhà cửa, cây cỏ, con người và cả biển yêu quý của tôi!

Tôi chuẩn bị đặt chân lên bậc thang cuối đúng lúc trời vụt sáng lên. Trăng giãi ánh sáng lên đồi, biển và soi lồ lộ bóng một người đàn bà đứng im bên lan can sân thượng. Cũng vị trí cũ, cũng áo xống tốc lên giữa gió,lộ cả đồ lót. Tay bà ta chợt vung lên như sắp bay, đầu nghẹo một bên. Và giữa lúc tôi ngờ ngợ bà ta đã nhận ra tôi thì một chuỗi cười the thé nổi lên khô khốc, rờn rợn. Cái bóng nhỏ, tóc tai rũ rượi, áo xống bay phần phật trên đầu làm tôi dạt vào phòng gác dan trống hoác không người. Như có gì hứng thú, bà ta chuyển qua giọng cưới hí hí rất khó nghe. Có tiếng loảng xoảng và trên mặt sân bỗng rải rác những mảnh ly bể. Một cái ly lớn rơi ngay trước mặt tôi, tôi rướn mắt ước chừng khoảng cách từ chỗ đứng tới cửa phòng.

Có một bàn tay nắm ngay cùi chỏ tôi giật ngược lại. Tôi lùi dần, lùi sâu vào căn phòng sẫm tối và giật mình nghe giọng nói thì thào sau lưng:

-Khoan… Ông họa sĩ! Xin ông khoan bước ra, con Kiều Phương đang lên cơn!

Chúng tôi ngồi bệt xuống thềm, tôi lần tới sát tường tìm một điểm tựa. Một tiếng thở dài buông sâu trong bóng tối.

-Không bao lâu nữa đâu… ở đây sẽ là một bãi cỏ hoang, không còn ai nữa, tất cả sắp chết, sẽ chết… Chôn cất nó xong, thằng Tùng Quang cũng bỏ đi thôi!

-Bác vừa nói gì? Chôn cất ai?- Tôi run giọng hỏi.

-Con Kiều Phương, nó sắp chết tới nơi rồi… Nhưng tôi nói với ông điều này để làm gì! Ông chỉ là một khách trọ qua đêm. Còn tôi, tôi đã ở trên đồi này tròn hai mươi năm từ ngày đặt chân về đây với thằng Khái, cha con Maria Kiều Phương, con đỡ đầu của tôi.

Tôi nín lặng vì giọng nói đều đều chỏi lại với tiếng sóng, tiếng gào của đất trời và con người man dại bên ngoài. Và trong bóng tối lờ mờ, tiếng thì thào của người quản gia già y như một sinh vật đã mệt mỏi chuyện trần gian đang nói lời cuối cùng với thế giới.

-Sau cơn đói Ất Dậu, cả nhà thằng Khái và nhà tôi chết sạch, tôi theo hắn lưu lạc vào miền Nam kiếm miếng ăn. Ăn xin, ăn trộm, làm thuê rồi đánh thuê, đủ cả, miễn sao sống sót. Rồi hắn chuyển sang buôn chuyến, buôn lậu. Hắn giàu sụ lên sau khi lấy lòng được quan ta và quan tây, thanh toán trọn ổ bọn chủ vựa giành mối. Vàng chôn ở dưới hàng chục biệt thự không đếm xuể. Vàng dính máu… Ông biết đó, chừng đó vàng làm sao không dính máu. Nhưng, Chúa biết hết, thằng con trai đầu, Chúa ơi, thằng Robe Lục cũng con đỡ đầu của tôi, nó đẹp như hoàng tử, bị chọi dá chết tại chỗ. Mẹ đẻ ra con Kiều Phương trốn theo một thằng bỏ mối cá. Hắn giam con gái ở trường ma-xơ, hễ đón về nhà chỉ cho phép chơi trong khuôn viên nhà. Con bé xa mẹ từ sớm, đâm lẩn thẩn. Sau khi trường ma-xơ trả nó về, thằng Khái giữ riết con vì sợ bị trả thù. Mà kẻ thù của hắn phải chở bằng xe bằng tàu. Hắn không thèm nghe tôi can gián, nhưng hắn cũng chỉ tin một mình tôi. Có quá nhiều tội ác, ở ngay đây thôi, trên ngọn đồi này, chính con Kiều Phương, Chúa ơi, nó vốn là một con bé thông minh, đáng thương biết mấy, chính nó cũng đã chứng kiến… Nó hóa rồ hẳn… Nó sợ thằng Khái như sợ cọp và xem tôi như cha đẻ. Ông họa sĩ, đây không phải là đất lành… Tôi thường nghe giọng người mà tôi từng gặp rồi không còn gặp nữa, ông hiểu rồi đó, tôi nghe cả tiếng họ gào, chửi, kể lể, nguyền rủa. Thằng Khái cho đủ thứ tôi cần, nhưng tôi đã đuổi mẹ con chúng nó về quê, may ra kiếp sau còn được làm người. Còn một đứa con gái út theo tôi, nhưng tôi vừa đưa nó về quê ở luôn. Nó bắt đầu sợ thằng Tùng Quang. Ở trên đồi này, quỷ đi rồi quỷ lại về…

-Thế tại sao bác lại ở đây?- Tôi không kịp bụm miệng mình- Bác chờ được chia già tài chăng?

-Tôi già rồi- Ông già trả lời ngay, giọng buồn nhưng không phật lòng- Ngày xưa thì có nhưng từ lâu đã muộn rồi. Tôi đã chứng khiến… có lẽ đã đồng lõa nhiều thứ! Tôi đã từng thấy một ngọn đồi hoang vu chỉ có gió và cát, và Chúa sẽ còn cho tôi thấy lại nó, có gì đâu hở ông họa sĩ, thế giới này chỉ toàn gió và cát… Tôi không còn cần gì nữa, tôi ở lại để chờ chôn cất con Kiều Phương, con gái tôi.

Có tiếng gì như tiếng cười, rồi có tiếng sụt sịt. Không, ông già đang khóc, tôi thầm nghĩ. Và trong bóng tối tôi lần tìm bàn tay ông.

-Bác không tin anh Tùng Quang?

Lại một tiếng thở dài thườn thượt và tiếng ho khẽ.

-Nó bịa chuyện gì với ông. Hội họa? Nghệ thuật? Nó đã dụ con bé vẽ tranh khỏa thân, rồi khi biết rõ gia thế, nó tìm cách kiếm chác chút gia sản. Chính nó làm bệnh tình con bé nặng lên không cơ cứu chữa. Nó và thằng Khái đều thuộc dòng quỷ dữ, một đứa giết vợ, một đứa giết con!

Tự ông dịu giọng lại dù đang đề cập những chuyện làm người nghe phải sởn tóc gáy.

-Nó đã định xô con Kiều Phương xuống bãi đá nhiều bận. Chính nó giả vụ hỏa hoạn làm con bé cháy mặt, suýt chết. Lộ chuyện, nó trốn về Sài Gòn vẽ tranh rẻ tiền cho bọn me tây và bọn nhà thổ một thời gian.

-Nhưng tại sao bác lại gọi anh ta về?

-Nó kể cho ông à! Đúng! Tôi đã tình cờ gặp hắn đang đói ăn vì không ai đặt tranh nữa. Sài Gòn đã có họa sĩ giỏi hơn… Vả lại, con Kiều Phương còn thương chồng. Nó nhớ… Nó là đứa giàu tình cảm mà!

Tôi mạnh dạn nói bừa, vừa dò ý ông:

-Anh Tùng Quang cũng không phải là hạng người bỏ đi đâu!

Phải mất mấy phút tôi mới nghe tiếng trả lời :

-Nó có tu tỉnh hơn thật… Nó chuyển sang phương sách chờ thời, nó tin chắc con bé sẽ chết trước nó. Nghỉ lâu, tay không vẽ được nữa! Mà người ta đâu chỉ vẽ bằng tay không, phải không ông họa sĩ? Đầu óc, tim nó thui chột cả rồi… Vả lại, nó sẽ còn đi đâu, về đâu nữa, nó mỏi mệt thật rồi. Ở đây có tất cả, giưởng êm, thuốc hút, đồ ăn thức uống thả cửa. Nó ưa ăn ngon và chịu nấu nướng!

Lần đầu tiên tôi nghe ông già chuyển qua giọng mỉa mai :

-Mà khác với ông và tôi, nó còn một giấc mơ… Giấc mơ có một người chết, bàn tay mở… hờ với chùm chìa khóa!- Ông già bỗng cười khúc khắc- Con bé điên nhà này cũng lém lỉnh lắm. Cả khi ngủ với thằng Tùng Quang, nó cũng giữ chặt bộ chìa khóa.

Tôi buột miệng hỏi rồi kịp dừng lại :

-Ngủ!

-Ừ !thì ngủ. Trong điều khoản di chúc, thằng Khái- Ông già lại gục gặc đầu, khúc khắc cười- có điều khoản buộc con rể phải ngủ với vợ! Có điều không có điều khoản cấm ngủ với người khác, nên nó ngủ lang từ gái dưới đồi đến mấy mụ bán cá, cả đứa ở trong nhà.

Đêm đã khuya, cả hai chúng tôi im lặng nằm bệt xuống chiếc chiếu của chú gác dan, người được giao kèm sát mỗi lần bà chủ lên cơn. Không hiểu sao cả ông già và tôi đều cố ý tránh nhắc nhau về phòng riêng. Tiếng ngáy của ông già nhanh chóng vang bên tai tôi, hòa với tiếng sóng rì rầm dưới chân đồi, trong khi hai mắt tôi vẫn mở trừng trừng trong bóng tối.

***

Tôi gỡ hai bức tranh mà theo thói quen tôi đã đặt tên sẵn- Định mệnh I và Định mệnh II- còn trên giá vẽ xuống, cuộn lại một cách cẩu thả rồi nhét đại một bên ba lô. Tôi không biết sẽ giữ chúng lại hay không nữa! Đến lượt giá vẽ cũng được buộc lại dựa vào góc phòng, sẵn sàng cho chuyến đi ngày mai.

Chỗ mảnh sân nhỏ giữa khu nhà chính và phòng tôi đã để sẵn hai bàn ăn cho « tiệc chia tay »- như Tùng Quang nói với tôi. Anh ta có vẻ quyến luyến lúc tôi báo sẽ rời Cấp và đề nghị tính tiền ăn mấy tuần. Anh ta khoát tay ra hiệu cho tôi để mặc bác Hải và chú gác dan ngủ say sưa trên hai chiếc ghế bố trên thềm nhà.

-Giữa màu trăng, vợ tôi hay trở cơn, họ phải ngủ ngày để tối còn thức.

Chỉ có ông chủ và tôi « dự tiệc », tôi không dám nói đến bà chủ.

-Món đậu Hà Lan và toàn bộ lê-ghim này phải đặt ở Đà Lạt. Rời Cấp ông phải nhớ tới mấy món ăn tôi nấu.

-Anh nói đúng- tôi gật gù nhiệt tình- Nếu ở Sài Gòn, anh có thể đứng ra mở một tiệm ăn cho du khách nước ngoài được đấy!

Đang gặm một miếng phao câu vịt ngậy mỡ, Tùng Quang lật đật bỏ chén, chồm qua bàn nháy mắt với tôi :

-Sẽ có ngày đó… Có thể không xa lắm, cảm ơn cặp mắt tinh đời của ông.

Anh ta lại cầm miếng phao câu lên, lần này bằng tay, và vừa gỡ vừa nhai vừa chép miệng nhặng lên.

Có tiếng kéo ghế thật nhẹ, tôi ngẩng đầu lên và nhận ra bà chủ. Hai bàn tay đeo găng tận khuỷu tay, phần mặt mịn, đẹp hướng về phía tôi.

Tôi chỉ thốt được mấy tiếng và gần như nỉn thở :

-Chào chị !

Một giọng nói ấm, nhỏ đáp lại lời tôi :

-Tôi đã nghe nói ông sắp về lại Sài Gòn!

Bà ta đặt chùm chìa khóa lên mặt bàn, chống chiếc cằm nhỏ nhắn vào lòng bàn tay, rồi bất ngờ là một cái liếc mắt linh hoạt về phía tôi. Một phụ nữ đẹp, tôi thấy nhoi nhói ở ngực. Bên kia bàn, Tùng Quang- có lẽ chưa nhận ra sự có mặt của vợ- đang chun mồm, chun mũi dồn hết sinh lực vào việc hút ống tủy heo. Một khuôn mặt đàn ông không đẹp không xấu, hơi bủng beo và miệng mũi nhồm nhoàm mỡ. Anh ta nhắm cả mắt khi cố hút ống xương, và có lẽ đấy là cảnh làm bà vợ thích ý. Người đàn bà bỗng đứng choàng dậy.

-Tôi lên lầu đây. Ông đi mạnh giỏi!

Khuôn mặt bà ta quay thẳng về phía tôi. Một bên mặt nám và rúm ró lộ ra, nhưng ánh mắt của bà làm tôi bối rối hẳn- một ánh mắt phụ nữ bình thường, hiền từ và buồn rười rượi.

Tôi ngồi như bị cấm khẩu một lúc. Chắc đã vừa bụng, chủ nhân- người một thời là họa sĩ đồng nghiệp với tôi- đang nâng ly rượu chát nhấm nháp, vừa hừ hừ gì qua đường mũi với vẻ đặc biệt hài lòng. Tôi nhìn qua vai anh ta, chỗ mép đồi có hàng liễu rũ, đồi cát trải dài và lơ thơ một vài cánh buổm bé tí giữa màu biển chiều xám xịt. Tất cả cái vẻ hiu hắt này và có lẽ cả hình ảnh người đàn ông vừa bình thường vừa quá lạ lẫm này hiện ra lần cuối trong đáy mắt của người đàn bà điên- tỉnh táo mà đầy tuyệt vọng!

-Ông sẽ trở lại chứ !

-Tất nhiên !

Anh ta lại nhắc :

-Trở lại chứ! Đừng quên ngọn đồi có biệt thự màu vàng này- Anh ta lại chồm qua bàn- Sẽ có một ngày tôi sẽ vẽ trở lại, ngày đó sắp tới rồi!

Tôi thấy lành lạnh sau gáy khi anh ta vừa nói vừa nheo nheo mắt y như tìm sự đồng lõa của tôi.

-Ông nên tránh mùa du lịch, thành phố sẽ bớt ồn…

-Vâng- tôi trả lời và đầu óc lang thang, không còn chú ý tới người trước mặt nữa.

Có lẽ đủ rồi. Đủ cho những cuộc trăn trở, tìm tòi. Cái xấu đã mọc rễ, sinh sôi đầy mặt đất, không cần đến sự phụ họa của nghệ thuật làm chi nữa. Từ cái thứ nghệ thuật cung đình hớn hở quanh năm đến cái màu sẫm ảm đạm vốn thân thiết với tôi biết đâu chỉ là sự lãnh đạm đồng lõa, và những thở than thân phận có khi chỉ để làm sang cho sự bất lực của con người. Có thể tôi sẽ thay đổi một cái gì đấy. Cũng có thể tôi sẽ không thay đổi gì được nữa! Nhưng một nền nghệ thuật có đủ sinh lực để tự thay đổi nhất định phải tới. Một thứ nghệ thuật không phải chối từ miêu tả cái phần thịt da cháy sém, rúm ró của bộ mặt người, nhưng trước hết phải nhằm bảo vệ cho bộ mặt người mãi mãi được nguyên vẹn đẹp đẽ như vốn được cha mẹ, thiên nhiên sinh ra.

-Tình yêu hội họa của tôi không hề suy suyển, anh bạn đồng nghiệp à! Rồi đây, gần đây thôi, người ta sẽ nhớ đến Tùng Quang này trên cả hai mặt kinh doanh lẫn hội họa! Ông hiểu chứ! Tôi sắp có tiền, rất nhiều tiền. Con họa mi sẽ cất tiếng hót trở lại.

-Vâng !- Tôi nói như một cái máy, cố quay qua một bên, tránh bộ mặt đầy hưng phấn của Tùng Quang.

-Ông sẽ trở lại tìm tôi! Sang năm nha, tôi đợi- Anh ta lại hào hứng hẳn lên- Ông là một người có thực tài, chúng ta sẽ hợp tác làm cái gì đó cho hội họa nước nhà!

-Có lẽ!

Tôi trả lời hững hờ, buồn rầu biết rằng sẽ không, không bao giờ nữa. Tất cả muộn lắm rồi. Tất cả hóa ra đều có thể mất: danh dự, cuộc sống, tình yêu… Ngay đến những khắc khoải thường trực, chân chính để vượt qua bao phù hoa, cạm bẫy, những mong cứu vãn bản thân trong nghệ thuật cũng còn có lúc bất khả; nói chi đến thứ nghệ thuật mọn hèn, chỉ quanh quẩn chờ nhặt nhạnh miếng ăn thừa từ bàn ăn của cả người tỉnh lẫn kẻ điên khùng kia chứ!

Comments are closed.