Người làm vườn (2)

Nguyễn Đức Tùng

6.

Kỷ niệm nào anh chị nhớ nhất trong đời?

Trong lớp học tiếng Anh của trại tị nạn, thầy giáo ra câu hỏi, mọi người đưa tay lên, anh Kmah người Êđê kể rằng ngày vui nhất của anh là khi vợ anh một mình đi vào thành phố, ở đó chị nhìn thấy một người đàn bà rất đẹp đi xiếc trên dây, cô ta không mặc quần áo gì cả, hoàn toàn không mảnh vải, chị cam đoan như thế, mọi thứ phơi ra dưới ánh mặt trời ban trưa, và điều đó làm chị sung sướng đến ngất, và chị kể lại cho anh nghe hôm sau khi chị về tới nhà, chị vừa kể vừa cười, và đó là ngày vui nhất của anh, tức là cái ngày hôm sau ấy, chứ không phải ngày ấy.

7.

Mặt cát phẳng, thủy triều lên xa, ngày có bão sóng réo ầm ầm, khi biển lặng nước xanh lơ thấy cả đàn cá lội, những hòn sỏi xô đi xô lại trong nước nhiều mà lớn nhỏ đủ cỡ, bờ đá nơi nhám sắc bước rất đau, nơi trơn láng như mài nhẵn, nhưng rác nhiều quá, các loại rong biển mọc những miền khác trôi dạt về, vỏ sò, vỏ hến, vỏ nghêu đủ loại đen, xám, sáng, lóng lánh, những bộ xương hải cẩu, hồng hạc, xương cá ngừ đại dương, những loài chim, những thứ ấy trộn lẫn với nhau dạt nơi này qua nơi khác, từ ngọn sóng này qua ngọn sóng khác, chìm xuống rồi trồi lên như những cuộc đời lưu dân, trên bãi cát trắng mịn vững chắc, không có người tắm, tôi đi tìm những vỏ sò nhiều màu, hình dạng của chúng thật khác, buổi chiều những loài hải điểu bay về từng đàn kêu vang, chúng bổ nhào xuống nước săn mồi, ngày cuối trước khi rời trại tị nạn, trong khi đi một mình qua đám rong biển xanh tôi chợt nhìn thấy một vật lạ, tôi cúi xuống, một con búp bê, một con búp bê chỉ lớn hơn bàn tay, tôi quỳ xuống, cầm lên, nó bám đầy rêu, tôi cầm thật lâu trong tay, rửa sạch bằng nước biển, con búp bê màu hồng, xám đen lại vì bám nhiều dầu mỡ chạy tàu, tôi ném nó ra xa, rồi đổi ý chạy tới gần mép nước nhặt lại, tôi dùng cát kỳ cọ lần nữa, rửa sạch vết dầu mỡ, tôi ném con búp bê lên thật cao lên trời rồi đưa tay bắt lấy, tưởng tượng nghe được tiếng của một đứa bé gái năm hay bảy tuổi, khi thì tiếng cười nắc nẻ khi thì tiếng khóc của nó trên một chiếc thuyền, gió thổi qua sàn thuyền rào rạt, gió thổi trống rỗng cả một mùa hè nắng như xé, trắng mù hoang dại.

8.

Tôi được một người bạn mời đến dự tiệc trong khách sạn sang trọng, bạn tôi là người thành công nhưng đối với bạn cũ rất tử tế, tôi đi muộn, ngơ ngác không tìm thấy anh đâu, chẳng quen biết ai, nên khi được người hầu bàn chỉ cho ghế trống, liền ngồi vào ngay, các bàn tiệc lúc ấy chật cứng người, trên sân khấu ca hát ồn ào, đây là một khu vườn rộng, đèn chiếu lấp loáng trong cây, tôi lắng nghe mọi người trong bàn trò chuyện, nói rất lớn để át đi tiếng ồn, tôi nghe thấy họ trò chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ rất lạ, tôi chưa nghe bao giờ, tuy vui đùa mà vẫn thô lỗ, dạy đời, tự mãn, khinh người, khi nghe họ nói thì bạn biết họ là ai, té ra đây là một bữa tiệc của tòa tổng lãnh sự Mỹ, nhân một dịp gì đó, và ngồi quanh tôi toàn người thế cả, họ bận chào hỏi ôm cố bá vai nên chưa nhận ra tôi là người lạ, các món ăn đã dọn, tôi đã chén nhiều món, phần vì đói bụng phần vì không biết làm gì khác, bia rót đầy ly bọt tràn ra ngoài đã uống, rượu mạnh đã cạn khi tôi nhận ra tôi không được mời tới đây, tôi biết tôi thuộc về một thế giới khác và họ một thế giới khác, đang lưỡng tự thì thằng bạn đi ngang qua, liền kéo tôi đi, nó bảo mày ngồi lầm chỗ rồi, đây là tiệc của tòa lãnh sự Mỹ, toàn cán bộ lớn, bàn của tụi tao bên kia, tôi quay lại đưa mắt nhìn người bên phải, gần tôi hơn cả, một người coi bộ tử tế nhất trong bọn, ra dấu xin lỗi rồi bỏ đi, vui mừng thoát khỏi những người thuộc một nhân loại khác, hai thế giới không thể gần nhau.

9.

Từ khi có cái ghế con người không ngồi trên mặt đất nữa, người ta ngồi trên chiếu ở châu Á, ngồi trên thảm ở Trung Đông, tức là ngồi xếp bằng, từ khi có ghế, người ta ngồi cao, đặt hai chân xuống đất, trong tư thế thẳng góc, những ghế khác nhau tùy theo mục đích, một cái ghế gỗ thẳng đứng để ngồi đọc sách, một cái ghế bành bằng da có tay vịn để yên tĩnh nghỉ ngơi, một cái ghế sang trọng có tựa đầu, đôi khi sơn son thếp vàng dành cho quan chức, nhìn cái ghế, bạn biết chủ nhân, biết tính chất buổi gặp mặt, cái ghế thay đổi theo thời gian, ngày càng trở nên dễ chịu, có ghế hai người gọi là ghế tình nhân và sofa dùng cho nhiều người, những ghế ở công viên mỗi người ngồi một đầu, những người xa lạ, hay hai tình nhân giận nhau, cái ghế có thể thu gọn, tiện nghi, đôi khi gập lại, có thể rộng rãi, cao lớn, choán hết nửa căn phòng, tôi rất ít khi ngồi trong những cái ghế nệm da có tay vịn, do thói quen làm việc, tôi thường ngồi ở những cái ghế gỗ, đơn giản, thẳng đứng, không có nệm, chắc chắn và gọn nhẹ, có thể xê dịch, ngày trước, khi ba tôi rủ cả nhà đi hiệu ăn, ông gọi là đi kéo ghế, tôi yêu cái ghế nhỏ, stool, không có cái dựa lưng của người chơi dương cầm, tôi ngắm nó sau khi bản nhạc đã được chơi xong và danh cầm thủ đứng lên, cúi rạp người, cái ghế lúc ấy thật khiêm tốn, nhỏ bé, vững chãi, không ai chú ý, như một người mẹ tần tảo lo cho con từ bé đến lớn, đẩy nó lên khán đài danh vọng, cái ghế không đi một mình, thường thì có ít nhất hai cái, bên bàn nhỏ, trong quán cà phê, ở góc vườn, hoặc bốn hay sáu quanh bàn dài, có những ghế cao ngất ngưởng trước quầy rượu, trong bếp của tôi ngày trước có hai ghế cao như vậy, đối diện chúng là màn ảnh ti vi rộng, sau này các cậu con trai phá dữ quá, chúng nhảy trên mặt ghế, và tất nhiên một đứa phải té xuống, và tôi phải thức dậy lúc bốn giờ sáng để chở đi bệnh viện khâu nhiều mũi, từ đó dẹp luôn, ghế là biểu hiện của sự thân mật, của tình bạn, của sự nghiêm khắc hay dễ dãi của người chủ, sự cởi mở hay dè dặt của người khách, ghế là tượng trưng cho một cuộc tranh luận, gay gắt nhưng có hồi kết, dịu giọng nhưng không ai chịu nhường ai, những cuộc tranh luận kéo dài một ngày, có khi một đời, ghế là quyền lực, trong tiếng Việt người ta gọi là cố giữ ghế, tức là cố bám lấy quyền lực, của một cá nhân và một tập hợp, trong tiếng Anh người ta cũng dùng chữ chair để chỉ một vị trí quyền lực, chairman là giám đốc, sau này khi có phụ nữ tham gia, còn được gọi là chairperson, người Trung Hoa ít ngồi ghế, họ thích ngồi trên chiếu, người ngồi trên chiếu ở vị trí đầu, thủ lãnh đại ca, được gọi là chủ tịch, tức là người đầu chiếu, tịch là chiếu, tiếng Anh đôi khi được dịch là the master of the mat, thay vì dịch là the president, đứng lên khỏi ghế tức là bạn từ chối cuộc gặp mặt, ra khỏi một khế ước, tỏ một thái độ phản đối, khước từ một ân huệ, thứ thời nay không mấy ai làm được, nhất là bọn trí thức và nhà văn, sau tất cả những thứ ấy, ghế là nơi bạn sẽ trở lại, trong căn nhà cũ của tôi ở Toronto có một khoảnh vườn nhỏ, cuối vườn có một cây sồi cao lớn, một lần một người đàn ông khoảng tám mươi tuổi đến gõ cửa nhà xin phép được ra sau vườn để thăm lại vườn cũ, ông kể rằng bảy mươi năm trước, khi còn bé, ông ở nhà này, cha mẹ ông là người xây nên ngôi nhà mà tôi đang ở, ông xin phép một khoảng thời gian im lặng, tôi dẫn ông ra vườn sau, có nhiều hoa cúc, cỏ dại, liên kiều, vì dạo ấy không ai coi sóc, tôi mang cho ông một cái ghế và một cốc nước, tôi ngẫu nhiên lấy một cái ghế có lưng dựa, nhỏ và chắc lôi ở tầng hầm, tôi đứng trong cửa sổ nhìn người đàn ông cuối vườn, thấy ông ngồi ở đó lương dựa hẳn vào thành ghế, ngước mắt nhìn lên cây sồi cao lớn phủ bóng mát, chiếc ghế gỗ nhỏ bé bên dưới người đàn ông tỏ ra vững chắc, khiêm cung, đáng tin cậy, hiểu biết, nó và người đàn ông kia lắng nghe cây sồi mà cha mẹ ông đã trồng bảy mươi năm trước, trước khi hai người chia tay, giờ đây cây sồi ấy đang kể lại cho người chủ nhỏ về những tháng năm xa khuất.

10.

Những bà mẹ chồng ở đâu cũng có, bạn không thể tránh được họ, miễn là chúng ta biết cách đối phó, đó là những người đàn bà nhỏ nhắn, từ quê lên, tay xách nách mang, đó là những người đàn bà không biết dùng điện thoại nhưng nếu được chỉ dẫn, họ sẽ ôm cái điện thoại suốt ngày, đó là những người khiêm tốn nhưng không thơ ngây, dại dột nhưng thông minh, khi gặp người lạ có thể hoàn toàn im lặng, nhưng khi đã quen có thể làm chủ cuộc chuyện trò với những chủ đề làm bạn ngạc nhiên, những bà mẹ chồng có thể hoàn toàn không có khái niệm gì về chúng ta, nhưng dành suốt ba ngày điều tra về chúng ta ở những người hàng xóm, và đó là những người có thể có những tài sản địa ốc khổng lồ ở Paris nhưng không bao giờ nhắc tới, quê quán của những bà mẹ chồng bao giờ cũng ở nơi xa tít, sau các rặng núi mịt mờ, mặc dù không hẳn là khỉ ho cò gáy nhưng rõ ràng bạn chưa bao giờ tới đó, và bạn sẽ không bao giờ có ý định tới đó, những bà mẹ chồng yêu mến con trai họ hơn rất nhiều lần một khi chúng lập gia đình, ngay cả với những đứa ngỗ nghịch nhất, thời bé, bà mẹ suýt đem chúng bán đi, hay vừa bán vừa cho, thì khi bọn con trai ấy lấy vợ, lập tức tình mẫu tử trở lại không có gì ngăn được, một người đàn ông đứng tuổi hay một chàng trai mới lớn, bề ngoài đều tỏ ra xa cách, hoàn toàn lạnh lùng khi nhắc đến mẹ mình, thậm chí chưa bao giờ cho bạn xem một bức ảnh của bà ta: và đó là một hiểu lầm tai hại, về phía bạn, những người đàn ông ấy sẵn sàng nhân dịp đi công tác đâu đó, gọi về nhà bảo bạn là bận ở lại họp hành, và lái xe về thăm mẹ một cách gần như phạm pháp, và lẳng lặng ăn với bà một bữa tối, những người đàn ông sẵn sàng đứng về phía mẹ mình, ngay cả khi bà ta có lỗi với bạn, nhưng những người đàn bà như thế sẽ không bao giờ có lỗi, trong những buổi họp mặt gia đình, những người mẹ chồng thời nay không có vai trò gì, họ ăn uống ngập ngừng, chỉ chơi đùa với cháu, nếu họ có cháu, không ai nhắc đến họ vì những ngăn cách về văn hóa và ngôn ngữ, những người phụ nữ thời nay không cần phải sợ hãi những bà mẹ chồng, vì họ độc lập, sống riêng với chồng con, không mấy khi phải nhờ vả về tiền bạc, và vì những bà mẹ chồng ngày càng nghèo đi, không ai để dành được tiền bạc trong một thời kỳ nhiễu nhương.

Trong một tương lai không xa, những bà mẹ chồng sẽ biến mất.

NĐT

Comments are closed.