Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn: Trọn đời mang theo ‘quê hương thu nhỏ’

Kalynh Ngô

 

Nửa đêm về sáng Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một, tin nhắn từ chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, cho hay: “Ông đã đi rất thanh thản.”

Vậy là, sau 87 năm “bước lạc sa xuống trần,” “người tình không chân dung” (theo cách gọi của cố thi sĩ Du Tử Lê) của hàng triệu thính giả miền Nam Việt Nam trước 1975 đã trở về với “Quê Hương Thu Nhỏ” của ông.

“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau…”

Lời giới thiệu trên rất quen thuộc với những ai đã lớn lên ở Sài Gòn, sống và thở với khói lửa chiến tranh, tâm hồn được sưởi ấm bằng nền văn học nghệ thuật miền Nam. Tiếng nói trầm ấm ấy là của nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu của ông sau này. Lời giới thiệu của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề luôn cuốn hút thính giả, truyền tải đến người nghe bằng những ngôn từ trau chuốt, êm như thơ, như nhạc. Đó là vì ông vốn là một nhà thơ, nhà văn.

Giới yêu thơ của những năm 1960 say mê nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong bài thơ “Khúc ca Phạm Thái,” một bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật Đắng” mà sau này, vì một lý do riêng, ông đã đốt hết.

Ngày gặp lại ông ở Little Saigon, trong căn nhà nhỏ chứa đầy sách vở, ông kể lại, năm vừa ngoài 20 tuổi, ông bị lao phổi nặng. Khi ấy, ông và người vợ tào khang, “Tú Xương” Nguyễn Thị Thu Hồng vừa có người con đầu lòng. Ông bị ho ra máu, sức khoẻ suy yếu và thường bị ám ảnh bởi cái chết.

“Lúc đó, tôi sợ lắm rồi, tôi thật sự không muốn theo công việc (viết) ấy nữa. Tôi đốt hết những gì tôi viết. Cuối cùng có một người bạn mang đi được đoạn cuối cùng của vở kịch. Phạm Thái và Trương Quỳnh Như là mối tình không thành. Họ yêu nhau nhưng không lấy nhau.”

Thời ấy, giới yêu văn học miền Nam biết đến ông với tác phẩm nổi tiếng “Áo Mơ Phai” đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, còn gọi là giải thưởng Tổng Thống Thiệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn di cư vào Nam năm 1954. Hơn 300 trang của “Áo Mơ Phai” là dự cảm của một người yêu Hà Nội nồng nàn về một thành phố sắp không còn nữa.

Chính tác giả đã nói về tác phẩm của mình trên một Tạp Chí Văn Học năm 1974: “Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Sau năm 1975, ông bị bắt và “tù cải tạo” 10 năm mới được thả. Năm 1998, ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Hơn 30 năm sau khi Áo Mơ Phai ra đời, tại Đài Á Châu Tự Do (RFA) ở Washington DC, nhà văn Nguyễn Đình Toàn chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết.”

Chính ông cũng không ngờ, khoảng 30 năm sau, Áo Mơ Phai lại mang đến cho ông “giải thưởng thứ hai” trên quê hương thứ hai. Có lẽ giải thưởng này, ý nghĩa hơn rất nhiều với ông, người đã chịu 10 năm “tù cải tạo,” nhiều lần “bước chân xuống thuyền bỏ lại quê hương,” theo lời ông nói.

Một buổi sáng Tháng Tư của năm 2019, ngay tại Little Saigon, nơi ông định cư từ năm 1988 theo diện đoàn tụ gia đình, người nghệ sĩ kể lại.

“Năm 1975 vào, họ bắt hết những nhà văn, tịch thu hết sách vở. Tôi cũng bị như thế. Huy chương này, khi họ làm biên bản thì họ mang theo. Tôi nghĩ là họ sẽ cất làm tài liệu về hoàn cảnh đất nước lúc đó. Tôi không ngờ sau đó, hơn 10 năm sau, có một người, không biết ở đâu, chỉ biết là ở Mỹ, gọi điện thoại cho tôi, nói là ‘cháu có mua được một huy chương từ một chỗ bán đồng nát. Cháu thấy tên của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà nên cầm lên xem, khi lật ra mặt sau thì thấy tên của bác.’ Anh ấy xin tôi địa chỉ và đến vào đúng ngày lễ của Cha (Father’s Day). Anh ấy đến tận đây, đưa tôi cái này và nói ‘coi như cháu trao giải này lần thứ hai cho bác’.”

image

Huy chương Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận được cho tác phẩm “Áo Mơ Phai.” (Hình: Kalynh Ngô)

Những lần mà người nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn phải đau đớn tìm cách bước chân xuống tàu, tách lìa ra khỏi quê hương mình, ông thú nhận mình đã mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm. Ông sợ cái chết và sợ cả phải dứt bỏ cái gì rất thiêng liêng.

“Khi sống với cảm giác ấy, tôi có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, tức là mình chênh vênh trên một cái gì đó. Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, mà quả thật là như vậy,” ông nói.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Như cái cây mà bị bứng ra khỏi đất của nó đó, thì mang sang trồng sang chỗ nào khác thì nó cũng có thể sống được, nhưng hoa trái của nó sẽ không còn mang cái vị của nó nữa. Thành ra, khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.”

Và từ đó, ông không viết văn nữa. Không viết nữa vì: “Tôi gọi là đất đã chua cành đã chết rồi, không có cây nào mọc được nữa rồi. chỉ có một giống nào đó cấy với nhau thì nó mới mọc được.”

“Nó giống như người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.”

Trong nhạc phẩm, và cả thơ ca của nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn, ông chưa bao giờ tách lìa tình yêu trai gái ra khỏi tình đất nước. Hai lần, ở hai thời điểm, hai địa điểm khác nhau, ông đều nói: “Tình yêu quê hương và tình yêu trai gái gần như là một. Khi thu nhỏ lại thì là tình của hai người, nhưng cũng cái tình ấy khi phóng lớn lên thì nó là tình hoài hương.”

“Quê Hương Thu Nhỏ là ca khúc ông viết sau năm 1975. Lúc đó, “không còn cách nào khác,” theo cách diễn đạt của ông về Sài Gòn không còn nữa. Ông muốn tìm một hình ảnh nào đó mà có thể trọn vẹn ôm gọn ý nghĩa một “quê hương thu nhỏ.”

“Tôi nhớ hình ảnh một người phụ nữ, kiếm sống bằng cách hằng đêm, bà thắp đèn hột vịt, bày ra chiếc bàn nhỏ, bán thuốc lá. Cho dù lúc đó tiền ăn không có, ai hút thuốc lá làm gì,” ông kể.

“Hình ảnh đó tôi cho là quê hương thu nhỏ của mình, để người viễn xứ mang cho vừa đó mà.”

Không cần lớn lao, không cần vĩ đại. Tình yêu quê hương của người nghệ sĩ chỉ cần là một ánh đèn dầu heo hắt bên xa lộ, với cuộc sống mưu sinh cơ hàn trên chính mảnh đất quê hương, nay đã không còn.

Người nghệ sĩ hơn 80 tuổi, mắt ông đã nhoà hơn xưa rất nhiều, tay đã run, nhưng những gì thuộc về quê hương của ông thì bất tử trong tâm trí.

Ông nói: “Người nghệ sĩ là cuống rốn của quê hương. Nếu tách lìa nhau thì người nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ nữa.”

35 năm trước, ông đã đi để giữ quê hương trong sâu thẳm một góc cuộc đời mình. Ông đi để nhớ mãi những đêm hè, quán nhạc. Ông đi để còn có thể gọi tên “người tình” của mình, “người tình” mà ông gọi là Sài Gòn.

35 năm sau, ngày 28 Tháng Mười Một, ông lại ra đi một lần nữa.

Chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, người kịp từ nước Úc bay về bên cạnh ông những ngày cuối cùng, nói rằng: “Ông đã chiến đấu cho cuộc đời mình. Ông rất dũng cảm. Đã ba, bốn lần thập tử nhất sinh, nhưng ông đều vượt qua. Hôm nay, ông đã nhẹ nhàng, thanh thản đi gặp mẹ của tôi.”

Hành trang của ông lần này, chắc chắn ông vẫn mang theo “Quê Hương Thu Nhỏ” của mình.

image

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn và tác giả bài viết

Comments are closed.