Khi bạn có rất nhiều quyền…

Tạ Duy Anh

 

Không gian mạng xã hội cho mỗi chúng ta những cơ hội về thông tin to lớn, để hiểu thế giới và quan trọng nhất, ý thức về quyền của mình.

Nhưng mọi thứ đều có giới hạn.

thế, để không vượt rào lấn sang quyền của người khác, tốt nhất là mọi phát biểu, mọi nhận định, nên chỉ giới hạn trên tư cách cá nhân.

Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đưa ra quyết định phản văn hóa một cách không thể biện hộ, về triển lãm tranh gò đồng chân dung của thi sĩ, nghệ nhân Phạm Xuân Trường, hóa ra lại cho cộng đồng cơ hội vàng, để thấy phần tư cách nhem nhuốc của cái gọi là “giới trí thức”. Từ một việc đáng lên án vì nó phạm tới quyền hợp pháp của tất cả mọi người, cần một tiếng nói phản đối mạnh mẽ và nhất quán, nó bị lái sang chuyện thị phi cá nhân, nhuốm màu đố kị, ghen ghét, hạ nhục người khác, làm tổn thương không chỉ tác giả Phạm Xuân Trường.

Bạn có quyền im lặng trước sai trái, bởi bạn có lý do của riêng bạn không dễ chia sẻ.

Bạn có quyền chê bôi người khác, thích hay không thích thứ gì đó là quyền bất khả xâm phạm của bạn và phải được tôn trọng.

Bạn có quyền lôi kéo mọi người ủng hộ quan điểm của mình, nếu bạn có khả năng và điều đó không gây tổn hại đến cá nhân hoặc nhóm người nào đó.

Bạn có rất nhiều quyền.

Nhưng quyền ngăn cản người khác khi họ thực hiện quyền hợp pháp và chính đáng của họ, thì bạn không có.

Đầu tiên tôi thấy buồn, sau đó buồn cười và cuối cùng thương hại ý kiến đòi CẤM tác giả Phạm Xuân Trường triển lãm tranh gò đồng, vì theo họ, nó quá xấu!

Chưa kể chuyện xấu, đẹp vốn khó phán xét, kể cả khi bạn tự thấy mình rất tài giỏi trong thẩm định, thì mong bạn nhớ: cũng rất nhiều người giỏi ngang bạn, thậm chí hơn bạn, không thấy nó xấu như bạn thấy.

Nhưng, và đây là vấn đề lớn về nguyên tắc pháp quyền: bạn lấy tư cách gì để CẤM người khác?

Xin kể lại chuyện này. Lần đó một nhà thơ già lò dò đến cảm ơn tôi, chủ yếu để ông khoe cuốn sách của ông do tôi biên tập được cái ban bệ gì đó trao giải thưởng.

Với tôi cái giải thưởng đó không hơn gì một thứ rác rưởi. Nhưng tôi đủ tỉnh táo để hiểu rằng nó chỉ là rác rưởi với tôi, còn với ông nhà thơ kia rất có thể nó hơn cả vàng. Vì nhờ nó, hồ sơ xin giải thưởng lớn của ông sẽ đẹp hơn, nặng cân hơn.

Vì ý thức rõ ràng như vậy, rằng mình không có quyền đưa ra định giá, mình có thể sai, cực đoan, thậm chí đố kị, nên tôi vẫn thành thật chúc mừng ông.

“Văn chương, nghệ thuật để ta thưởng thức, chứ không phải để chê mắng”.

Ý kiến trên là của Lê Quý Đôn và phải khi trưởng thành, tôi cũng mới nhận ra nó đáng để mình ghi nhớ.

Không thích, không có nghĩa là nó không hay, không được, không đáng tồn tại!

image

Chú thích ảnh: Chân dung nhà thơ Walt Whitman, bên cạnh là chân dung tôi, đều gò đồng. Bên dưới là chân dung sơn dầu nhân vật quyền lực nhất nhà tôi.

Comments are closed.