Những đạo diễn điện ảnh Việt Nam chưa được ngậm cười nơi chín suối

(Tâm sự với một thí sinh thi trượt năng khiếu Điện ảnh)

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn

I. “BỘ PHIM LÀ MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG ÁNH SÁNG”

Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…

Nửa năm trước, thấy em mê điện ảnh, lân la hỏi han về những gì liên quan tới điện ảnh, tôi nói chơi: “Thế thì em thử thi vào Điện ảnh đi!” Không ngờ, điều đó thổi bùng lên trong em ngọn lửa khát vọng vốn âm ỉ bao lâu nay; em dẹp bỏ ước vọng tiếng Nhật, tiếng Hàn cùng hàng đống sách ngoại ngữ để tìm xem các phim kinh điển thế giới – trước hết là 100 tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại do chính những người đang làm việc tại Hollywood lựa chọn, rồi sau đó là các phim do tôi đề xuất cho em xem với tư cách là người tự phát hiện ra năng khiếu của mình trước khi đi tham dự năng khiếu của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội…

Dù tôi đã báo trước nhiều nỗi gian truân khốn khổ của người làm Điện ảnh, nhất là làm Điện ảnh ở nước ta, với trải nghiệm của riêng tôi và một số đồng nghiệp – những kẻ vẫn tự trào là “sinh ra nhầm địa lý” với nghề nghiệp này, dù đã báo trước là nền Điện ảnh nước nhà như ngôi đền hoang phế từng bị những người có trách nhiệm như Liên hiệp Điện ảnh phá nát, còn hiện giờ bị phim “mỳ ăn liền” và phim “móc túi khán giả” bằng mọi giá lấn át; song tất cả những điều đó lại tựa “lửa đổ thêm dầu” đối với em…

Nếu vậy thì sự thất bại vừa qua của em – nếu như muốn nói là “thất bại” – chẳng có chút nghĩa lý gì ư? Nghề nghiệp mà em mơ ước thực ra vẫn ở trong tầm tay em – trước hết là trong chính đáy sâu tâm hồn em đã bắt đầu nóng bỏng thứ ngôn ngữ của Nàng Tiên thứ Bảy. Đừng làm như một số bạn viết trên Phây đòi Ban Giám khảo phải công bố số điểm thi, thậm chí đòi phúc khảo… Tôi không trong Ban Giám khảo và cũng chẳng hề biết ai làm Giám khảo kỳ này, có thể đoan chắc với em rằng: các thầy Giám khảo cũng như tôi, hết sức trân trọng lòng đam mê Điện ảnh của các em song cũng rất công bằng, phải nói là rất sòng phẳng trước năng khiếu buổi đầu của các em. Và cuộc thi này cũng là một cuộc “thử thách” nho nhỏ nhưng khá quan trọng ở chỗ: xem cái khát vọng kia của em có phải là “lửa rơm” chốc lát hay là một cái gì thật sự âm ỉ, dữ dội, để có khả năng theo đuổi sự nghiệp gian nan suốt một đời…

Cái gian nan, thậm chí khốn khổ khốn nạn, cả những sự bất công tồi tệ trong ngành cùng bao nỗi cay đắng tôi phải chịu đựng, tôi sẽ tiếp tục kể cho em nghe – nếu em không bị lụi tắt ước vọng… Khi đó, nếu em vẫn không nhụt chí, tôi có thể vui mừng mà giang tay đón chào em như một đồng nghiệp tương lai! Còn bây giờ, xin chép tặng em mấy câu sau đây làm hành trang đầu đời – đầu nghề:

BỘ PHIM LÀ MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG ÁNH SÁNG (René Clair, đạo diễn điện ảnh Pháp).

TÔI LÀ MỘT NHÀ THƠ SỬ DỤNG MÁY QUAY NHƯ MỘT PHƯƠNG TIỆN ĐỂ ĐI ĐẾN NHỮNG ƯỚC MƠ (Jean Cocteau, đạo diễn điện ảnh Pháp).

II. THÂN PHẬN LONG ĐONG BI THẢM CỦA ĐẠO DIỄN HUY VÂN

Nhiều năm qua, tôi lặng lẽ tìm hiểu về cuộc đời của những nhà điện ảnh Việt Nam thế hệ đầu tiên, trong đó, bi thảm nhất có lẽ là đạo diễn Huy Vân. Tôi có ý định sẽ làm một phim chân dung về đạo diễn này, khi có điều kiện; nhưng vì nỗi thất vọng của em, hôm nay tôi xin kể sơ sơ mấy điều mà tôi biết – qua các thông tin của đạo diễn Tự Huy, nhà văn Đoàn Lê, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Tô Hoàng, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà báo Xuân Đài…

Ông Huy Vân vốn là một ngòi bút đã có tiếng tăm trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp. Ông là dịch giả tiếng Việt sớm nhất và đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô Viết N. Ostrovsky. Rồi ông trở thành một cộng sự đắc lực cho R. Karmen, tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam” trong suốt 7 tháng làm phim ở núi rừng Việt Bắc và trung du, Đồng bằng Bắc bộ với 40.000 mét phim đã được quay. R. Karmen rất thích nghe Huy Vân kể chuyện, bởi ông kể thực hay về đất nước mình, dân tộc mình với bao nhiêu truyền thuyết, phong tục, tập quán. Và ông còn biết nhiều câu tục ngữ Nga… Ông là một người mà R. Karmen liên tục nhắc đến trong hai cuốn hồi ký “Ánh sáng trong rừng thẳm” và “Việt Nam chiến đấu”, giữa họ có sự đồng cảm đến nỗi Karmen phải thốt lên: “Vắng anh ấy một ngày là tôi cảm thấy buồn”.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của nữ nghệ sỹ Tuệ Minh là với đạo diễn điện ảnh Huy Vân. Sau 1954, khi nước ta chuẩn bị bắt tay làm phim truyện điện ảnh, bà Tuệ Minh theo học lớp diễn viên, còn ông Huy Vân theo học lớp đạo diễn do các giảng viên Liên Xô hướng dẫn. Tốt nghiệp khóa học, ông Huy Vân tự viết kịch bản, thực hiện một bộ phim truyện nhựa hơn 100 phút: “Một ngày đầu thu”, kể về lớp thanh niên Việt Nam theo cách mạng và bước vào kháng chiến. Diễn viên Tuệ Minh đóng vai chính trong phim này. Một số đạo diễn, như Nông Ích Đạt khen Huy Vân rất nhiều, khen nhất là Huy Vân rất chịu khó tìm tòi trong công tác đạo diễn và rất yêu nghề. Đạo diễn Huy Thành minh họa lòng yêu nghề đó: Huy Vân là đạo diễn, vợ đóng vai chính đến cận cảnh vợ với bạn diễn nam là người tình của nhau trong phim, ôm nhau thắm thiết, Huy Vân hét rất lớn: ôm chặt vào…

Nhưng “Một ngày đẩu thu” vừa được khen trên báo chí, bỗng có lệnh “cấm chiếu”, nghe đâu là “Ăn phải “bả” diễn biến hòa bình của bọn xét lại Liên Xô”! Cho tới hôm nay, không một văn bản, không một lời lẽ nào giải thích cụ thể. Có điều, kể từ ngày ấy bộ phim “Một ngày đầu” chưa bao giờ được ra rạp chiếu lại để gỡ tiếng oan. Ngay bản gốc Négatif phim “Một ngày đầu thu” cũng đã bị hủy hoại bởi ẩm mốc trong kho tư liệu phim. Còn “vụ án” về đạo diễn Huy Vân và cái chết đầy bi thảm của ông, cho đến tận hôm nay cũng không một cơ quan công quyền nào làm sáng tỏ đúng, sai.

Huy Vân đi tù không án gần sáu năm, có lẽ bởi ông đã đôi lần gặp gỡ trao đổi chính kiến với những người có tên trong “sổ đen có vấn đề” trước Nghị quyết 9 và hiện tình đất nước. Hồi học Nghị quyết, thấy cấp trên nói cho bảo lưu ý kiến, nên ông phát biểu thẳng thừng: Nghị quyết Trung ương Đại hội 3 đã ghi rõ: xây dựng miền Bắc vững mạnh, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, Nghị quyết 3 chưa ráo mực thì Nghị quyết 9 đã chống lại! Ông ngây thơ không biết là những lần ông gặp gỡ các bạn cùng quan điểm như Hoàng Minh Chính, Lưu Động, Trần Đĩnh, v.v. ở công viên Thống Nhất đều bị công an theo dõi… Rồi ông bị tống vào Hỏa Lò, sau đó cũng như các bạn “xét lại”, ông bị đày đi các trại trên núi rừng Việt Bắc.

Huy Vân được ra tù, về Ninh Bình làm ở một hợp tác xã gì đó, ít lâu sau thì về Hà Nội với vợ con. Nhưng ông bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đêm đêm ra ngủ ở vườn hoa Hàng Đậu, nhớ con thì tìm đến nhà nhìn qua khe cửa, ngắm con ngủ một lúc thì bỏ đi… Đạo diễn Tự Huy có lần trong cuộc rượu kể tôi nghe chuyện Huy Vân ăn cắp xe đạp, cố tình cho người mất xe bắt tại trận để được đưa ra tòa, có dịp kêu oan cho bà con thiên hạ biết về việc mình bị đi tù không án là trái pháp luật, để được đưa công khai ra xử toàn thể anh em dính vào vụ án xét lại.

Huy Vân về Hà Nội không ở một chỗ nào nhất định, nay ngủ nhà này mai ngủ nhà khác, gần chục nhà của bạn bè ở suốt từ Bạch Mai cho đến Bưởi, còn tiện đâu ăn đấy, lúc nhà bạn lúc cơm đầu ghế, có khi ngủ ngoài ga Hàng Cỏ hoặc ghế đá vườn hoa… Khi cán bộ chấp pháp hỏi lệnh tha tù, ông nói như khóc: Bắt tôi không có lệnh, thả khỏi tù thì có lệnh tạm tha nhưng lệnh này khi nhập hộ khẩu ở Ninh Bình, công an giữ lại làm hồ sơ…

Rồi ông phiêu bạt vào Sài Gòn tìm việc làm. Có bạn thân gợi ý ông thử đến Xưởng phim TP. Hồ Chí Minh xin làm đạo diễn, hợp đồng từng phim một, hoặc viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu, nơi nhà văn nhà biên kịch Vũ Thư Hiên cũng rời biên chế Hãng phim truyện Việt Nam vào viết kịch bản cho họ. Sau đó ít lâu có tin Huy Vân đã cùng một người con gái lên Sơn La, định vượt biên sang Trung Quốc và bị bắn chết… Mới đây, theo nhà văn Thái Kế Toại, ông Huy Vân dịch "Thép đã tôi thế đấy" một mình chứ không dịch cùng ai như một số người đã kể; ông từng làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Liên Xô vào năm 1955, 56 gì đó. Rồi ông bị bắt ở Quảng Ninh. Lần sau bị bắt ở Hà Nội giam ở Sơn La, chết trong tù vì bị lao năm 1982. Nhà văn Thái Kế Toại đã làm thủ tục giúp gia đình bốc mộ ông năm 1989…

III. CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN CỦA ĐẠO DIỄN NGUYỄN ĐỖ NGỌC

Cái chết đau đớn giữa thời bình của người đạo diễn điện ảnh này đã được nhà biên kịch Đoàn Tuấn bạn tôi miêu tả là: “mang tinh thần võ sĩ đạo” (có lẽ phải thế mới được duyệt in), trong một bài viết chí tình chí nghĩa của anh, và cũng là duy nhất của giới báo chí chính thống lẫn ngoài luồng viết về ông: “Nguyễn Đỗ Ngọc: Người nghệ sĩ mang tinh thần võ sĩ đạo” (https://cand.com.vn/Nhan-vat/Nguyen-Do-Ngoc-Nguoi-nghe-si-mang-tinh-than-vo-si-dao-i587893/).

Khi tôi mới về Hãng phim nhận việc, dáng vẻ phong thái của ông đã chinh phục tôi: vóc người tầm thước, đôi mắt mơ màng có chút riễu cợt sau cặp kính trắng, mái tóc bồng bềnh đầy chất lãng tử cùng chòm râu như nhân vật hoàng thân Mưskin trong tiểu thuyết “Thằng ngốc” của ông già Đốt người Nga (Dostoievsky)…

Chàng trai Hà Nội Nguyễn Đỗ Ngọc, anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tìm đến nghệ thuật thứ bảy, rồi chàng cựu chiến binh ấy được gửi sang Bungari học nghề đạo diễn điện ảnh. Khi tôi bắt đầu hành nghề trên cương vị phó đạo diễn vào cuối những năm 80, ông đã nổi danh là đạo diễn sung sức với các bộ phim do ông đạo diễn và viết kịch bản: Một chiến công (1968); Dòng sông âm vang (1974); Cách sống của tôi (1978); Đường suối cạn (1984); Vụ án viên đạn lạc (1987)… Ông còn là tác giả một số tác phẩm văn xuôi gây tiếng vang, đặc biệt truyện ngắn “Tứ tử trình làng”, là dịch giả cuốn tiểu thuyết trinh thám Bungari: “Chỉ chết khi không còn sống”.

Viết và làm phim đối với Nguyễn Đỗ Ngọc đã là cách duy nhất, tốt nhất để ông và gia đình nhỏ của ông vượt qua những đoạn trường khổ ải của cả đất nước một thời ngăn sông cấm chợ, Giá – Lương – Tiền chao đảo, khi mà dường như có rất ít cách để mưu sinh… Nhưng với người nghệ sỹ nhiều trăn trở như Nguyễn Đỗ Ngọc, lý tưởng và khát vọng tinh thần bị sứt mẻ, đổ vỡ trước hiện thực đã khiến ông nhiều khi phải cảm thấy bất lực, tuyệt vọng đến ê chề…

Ông tỏ ra đặc biệt quý tôi – thằng em “lính mới tò te” vào nghề đạo diễn còn nặng đuôi văn chương, ham tìm học hỏi các đàn anh trong nghề… Ông đã mời tôi về nhà ông, căn nhà đối diện vườn hoa Hàng Đậu, được trò chuyện với người vợ tần tảo của ông – một nghệ sĩ chơi Flut, và cô con gái nhỏ yêu văn của ông. Có thể thấy rõ, ông là một người sống chết vì nghệ thuật điện ảnh, lúc nào cũng bứt rứt, khát vọng làm được những bộ phim đúng theo ý mình; đi đâu, gặp ai, ông cũng đều say sưa kể về những ý tưởng các bộ phim mình sẽ làm… Có lần, tôi đã “chịu trận” ngồi nghe ông xi-nê mồm phim về Thánh Thơ Cao Bá Quát từ chập tối tới khuya, để cùng ông thấm thía cay đắng rằng: ý tưởng này cùng nhiều ý tưởng nào khác có liên quan tới sự “thao thức”, “quẫy đạp”, “phá vỡ”, “tìm tòi” đều là sự “cấm kỵ” tuyệt đối trong lòng nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa! Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông…

Sống trong Xưởng phim như một kẻ cô đơn, và hình như cũng có tên trong sổ đen nhóm “xét lại chống Đảng” từ nhiều năm trước, nên khi lãnh đạo Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội gợi ý ông sang trường thì ông rất phấn khởi, vì ông sẽ thực hiện được ý định mang những kiến thức và kinh nghiệm làm phim truyền lại cho các thế hệ sinh viên… Nhưng ông đã mang cái án “nguy hiểm với chế độ” chuyển từ Xưởng phim sang Trường; lại vốn là con người khí khái, trung thực, yêu lẽ phải, dị ứng với tất cả những gì khuất tất không lương thiện, nên đã vô tình bị rơi vào một “cái bẫy” đối với một tâm hồn chính trực như ông! Kết cục, giữa thời cả nước đói, túi ông thì rỗng, ông đã bị trường cắt lương, chỉ được hưởng “trợ cấp xã hội” như một kẻ ăn mày mà với một người có lòng tự trọng cao mang bao khát vọng sáng tạo sôi sục như ông, khác gì một đòn giáng chí tử! Mấy năm sau gặp lại chị Thắng vợ ông ở Sài Gòn, chị kể trong nước mắt: “Anh ấy tập tễnh (sau lần bị tai nạn ô tô gẫy chân) bước về nhà, ôm mặt khóc nức và kêu lên với con gái: “Chúng nó cắt nốt cái dạ dày của bố rồi!”…

“Một đêm mùa hè năm 1989, ông đã quyết định từ giã cuộc đời theo đúng phong cách của những võ sỹ đạo”. Bạn tôi đã thận trọng và kìm nén đau xót viết như thế; và tôi có lẽ cũng sẽ viết như vậy, trong những ngày ấy, và cho báo chí, để đỡ “chướng tai gai mắt” đối với lãnh đạo văn nghệ, và cũng để làm giảm bớt nỗi bi thương trong cái chết của ông, giảm đi nỗi đau lòng của người thân ông trước một sự kiện khủng khiếp:

Trong gian bếp lạnh ngắt, ông đã dùng con dao trầu cau rạch bụng, tự kéo ruột mình ra và cắt chúng thành mấy đoạn để khỏi bị cứu sống… Cái chết tiêu cực này, để lại sự bàng hoàng xót thương nhiều năm trong lòng đồng nghiệp, dù sao cũng là một sự phản kháng có ý nghĩa đối với sự đểu cáng, sự “tử tế” giả vờ, thói đạo đức giả che đậy lòng tham lam ích kỷ giờ đây đã bắt đầu tràn ngập, thống trị xã hội…

ĐD Huy VânĐạo diễn Huy Vân và đạo diễn Roman Karmen

d37fef2a-5467-45a9-af12-fdbb0730fdfd

Chân dung đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc năm 1988)

Comments are closed.