Những khoảng tối có ma (kỳ 4)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Sau này, tôi biết tất cả mọi chi phí vui chơi của hắn đều do người khác thanh toán. Hắn chỉ việc báo miệng, không cần chứng từ, hóa đơn.

Hắn vung vít mọi chuyện, dường như không phải bận tâm điều gì, nhưng tôi vẫn nhận thấy cái vòng kim cô trên đầu hắn, đấy không hẳn là của ông chủ chi tiền cho hắn, mà sâu thẳm hơn, căn tính nô lệ của hắn trong sự bộc lộ quan điểm một cách chính thống, giáo điều. Anh có thể làm tất cả mọi điều, ngoại trừ những gì trái ngược với sự trung thành. Đấy là nguyên tắc của sự tồn tại mà anh phải chấp nhận, nếu anh muốn có đặc quyền, đặc lợi, dẫu vong thân hay phi nhân tính, hoặc điều gì đó tệ hơn.

Tôi cũng nghĩ về tôi. Tôi có thật sự tự do không? Chắc chắn không. Trong cơ chế của một đất nước có nền “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, con người bị khống chế kép bởi hai vòng kim cô.

Một, kinh tế thị trường: Chúng ta sẽ không bao giờ thoát được sự bủa vây của các nhà sản xuất. Họ săn đuổi chúng ta mọi lúc mọi nơi bằng mọi phương tiện. Thậm chí họ còn có khả năng điều chỉnh thị hiếu của chúng ta, thậm chí cách sống của chúng ta. Sự săn đuổi này không có hồi kết khi chúng ta còn nhu cầu về hàng tiêu dùng.

Hai, định hướng xã hội chủ nghĩa: Mọi cá thể đều bị úp sọt. Bạn từ chối chui vào sọt? Không một ai tự do cả khi bạn tưởng mình chỉ làm theo ý mình, kể cả bạn đang là người phản biện xã hội hay một nhà tranh đấu cho dân chủ. Bạn không phải một công dân với tất cả quyền hạn của một con người, mà bạn là một đối tượng, thuộc về một nhóm đối tượng nào đó được phân chia. Tất nhiên cũng có một ít cá nhân được “chiếu cố” một cách đặc biệt, nhưng dù thế, họ vẫn được xếp vào một nhóm đối tượng. Nhà nước có đối sách với từng nhóm trong phạm vi của một cái sọt, có những giới hạn nhất định, những cấm kỵ nhất định. Vượt qua những giới hạn ấy, bạn sẽ bị loại trừ.

Cô nói với tôi, “Em mới bị công an mời làm việc”.

Tôi hỏi, “Vụ gì?”

Cô bảo, “Về không gian nghệ thuật của bọn em”.

Tôi nói, “Chắc là họ không muốn cho bọn em hoạt động nữa thôi”.

“Dạ, bọn em không xin phép. Và sẽ không bao giờ xin phép. Đấy là một nguyên tắc mang tính nghệ thuật”.

Tôi lại nghĩ về cái sọt. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi điều thông qua những khoảng trống của cái sọt, như qua song sắt nhà tù, nhưng chúng ta không thể bước ra khỏi nó. Nhiều người an ủi, dẫu sao chúng ta cũng đã bước qua giai đoạn của bức tường sắt, mù lòa.

Trong một lần nhậu, Mr. Thời Vụ khoe với tôi, hắn vừa cho đăng một bài viết mới trên báo của hắn và hỏi tôi đọc chưa? Tôi nói chưa.

Hắn nói, “Đấy là một sáng kiến vô tiền khoáng hậu để phát triển đất nước”.

Tôi bảo chúc mừng ông, cho qua chuyện. Tôi không quan tâm đến những phát kiến hay kiến nghị xây dựng này nọ, bởi vì tôi thấy mọi thứ nhảm nhí, ảo tưởng. Nhưng hắn nói tiếp, “Cách nhanh nhất, đơn giản và hiệu quả nhất để đưa đất nước tiến lên ngang bằng thế giới, theo tôi, là nên tìm kiếm hài cốt các vua Hùng và qui tập về một nơi có thế đất khác, vượng khí hơn. Đó cũng là cách giải bùa yểm của người Tàu với nước ta”.

Tôi cười khoái chá. Tưởng chỉ là chuyện phiếm trên báo câu độc giả, nhưng chỉ một tuần sau, Mr. Thời Vụ đã hí hửng khoe tiếp, hắn được cấp trên lệnh cho lập dự án. Tôi cũng chả có cách nào hơn, lại phải chúc mừng.

Hắn bảo, “Dự án này xong, ông muốn đi Thái Lan hay Mã Lai gì đó, tôi mời. Gái bên đó có nhiều chiêu lạ”.

Một hội đồng khoa học được thành lập, qui tụ các nhà sử học, khảo cổ và hai nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Bích Tiên, Trần Nhân Tiên… để tìm kiếm các di chỉ về thời Hùng Vương do đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa làm chủ nhiệm dự án. Mr. Thời Vụ làm phó chủ nhiệm kiêm thủ quỹ.

Trong ngày ra mắt hội đồng tại Hà Nội, ngài Bộ trưởng phát biểu, “Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, có tính cách đi trước đón đầu, không những có giá trị lịch sử mà còn nhằm đưa đất nước bước sang một thời kỳ mới, mang tính đột phá. Chúng ta sẽ chứng minh với thế giới bốn ngàn năm lịch sử của Việt Nam không phải là huyền thoại. Một lịch sử độc nhất vô nhị của nhân loại với các vị vua sống hàng thế kỷ. Việc tìm kiếm hài cốt và cải táng này, chúng ta sẽ mang lại một hùng khí mới cho dân tộc, nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đồng thời, đưa đất nước tiến lên theo chiều thẳng đứng, thịnh vượng và tự cường thông qua những khả năng tâm linh chỉ có thể tìm thấy ở người Việt”.

Quả thật, hồng phúc.

Tôi hỏi Thời Vụ, “Ông nghĩ là có thể tìm thấy hài cốt các vua Hùng thật à?”

Hắn cười lớn, “Vấn đề không phải là có thể tìm thấy hài cốt các vua Hùng hay không. Mặt khác, ông cũng cần biết là tôi đâu có ngu để tin rằng có thể tìm thấy hài cốt mấy ông vua ảo ấy”.

Tôi gật đầu, hỏi “Vậy thực chất vấn đề là gì, ngoài chuyện giải ngân?”

Hắn nghiêm túc, “Chúng tôi chuẩn bị cơ sở cho một lý thuyết mới về vấn đề chủng tộc, đồng thời tạo một cảm hứng mới cho sự tăng tốc phát triển bằng sự kết nối giữa anh linh dân tộc với con người hiện đại thông qua một giải pháp chính trị tâm linh gọi là tiềm năng của vô thức. Rồi đây, ông sẽ thấy bộ máy tuyên truyền của chúng ta triển khai nó như thế nào”.

Tôi trố mắt nhìn hắn. Mr. Thời Vụ hùng hồn tiếp, “Đó là kỷ nguyên của 5.0. Hay nói khác đi, kỷ nguyên của tâm linh”.

Trên báo chí, những câu chuyện về đi tìm hài cốt liệt sĩ của hai nhà ngoại cảm Phan Bích Tiên và Trần Nhân Tiên được kể lại, sống động và thần kỳ. Họ có khả năng hướng dẫn từ xa qua điện thoại di động cho thân nhân các liệt sĩ đã bị chôn vùi đâu đó trong chiến tranh, trên tất cả mọi địa hình, sông, núi và rừng rậm, một cách chi tiết. Đi về phía trước, lùi về phía sau, rẽ trái hoặc phải mấy mét, thấy cái cây hay cái gò gì đó hay không. Hoặc hãy đốt một cây nhang, nhìn khói bay hướng nào… Họ định vị một cách xác quyết như thể họ đã chứng kiến từng trường hợp. Cho dù người ta có tìm thấy xương cốt hoặc một vật gì đó hay không, tất cả vẫn được xác nhận đó là nơi mà thân nhân họ đã nằm xuống.

Những nhà ngoại cảm tuyên bố, họ có khả năng kết nối với cõi âm và điều khiển được các hồn ma phục vụ cho công việc của họ.

Một chiến dịch rộng lớn được triển khai, không nhằm xóa bỏ chủ nghĩa duy vật, nhưng đã được những người chủ trương đưa lên tầm quốc sách, cổ vũ cho sự mê tín thông qua các lễ hội dân gian và những tín phiếu của lòng tin từ các đình chùa. Cùng lúc, họ đạt được hai mục đích: duy trì sự mê muội, an dân trong tâm thế định mệnh và bảo vệ vững chắc sự lãnh đạo lươn lẹo của họ.

Ở gallery của Lý Hoàng Hoa, tôi gặp Thời Vụ trong tư cách của người cắt băng khai mạc cuộc triển lãm đồ họa tranh cổ động thời kỳ trước 1954.

Tôi nói với Thời Vụ, không giấu sự thán phục sự quỉ quái của hắn và đồng bọn, “Mấy ông giỏi”. Hắn chỉ cười khà khà.

Tôi nghĩ đến tính nhân dân, tính đảng và tính tôi trong một câu chuyện khác.

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi

Bờm cười.

TÔI LÀ BỜM, CON CỦA NHÂN DÂN.

Bố tôi là bố của những cu tí, cu tèo… Mẹ tôi là mẹ đĩ của con cò, con vạc… Không một người Kinh nào lại không biết tôi, nhưng tôi tin rằng tất cả những gì người ta đã biết về tôi chỉ toàn thêu dệt, kể cả chuyện Phú ông và cái quạt mo.

Người ta bảo “nhân dân” là thằng đểu cáng. Tôi không chắc mình có đểu cáng di căn như bố mẹ tôi không, vì thật ra người bố đích thật của tôi chính là Phú ông kia. Điều bí mật này của đời tôi chỉ có chị Dậu biết, mà chị Dậu vì đi theo cách mạng vô sản nên đã giấu kín lý lịch bất minh của mình. Chị Dậu bị Phú ông hiếp ngay sau lần đầu tiên chị cho Phú ông uống sữa từ bầu vú cho thuê của mình. Và tôi đã là đứa con hoang của địa chủ và nô lệ. Khi đến lượt tôi hiếp chị Dậu trong đêm đi xem văn công diễn ở sân đình, mừng ngày cách mạng thành công, tôi mới biết tôi cũng là kẻ bất minh. Tôi không bao giờ quên tiếng nói thì thào tuyệt vọng của chị Dậu, “Con hiếp mẹ rồi”.

Trước khi biết bố Phú ông, tôi vẫn được coi là con của bố “nhân dân”. Di sản bố nhân dân để lại cho tôi chỉ có một cái quạt mo cau. Nhờ ăn ở có đức, khi đến tuổi phải mặc quần, tôi đã may mắn tìm được cái quần rách của Chử Đồng Tử giấu dưới chân bệ tượng vua Hùng và tôi đã mặc nó cho đến lúc chết. Xét cho cùng, tôi vẫn là thằng vô sản. Cái quạt mo của tôi, cho đến tận giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao Phú ông lại thích nó đến thế. Hắn là một thằng cha keo bẩn, khốn nạn muốn đùa rỡn sự nghèo khó của tôi, hoặc hắn muốn dùng cái quạt mo của tôi để chứng minh phẩm chất giai cấp cách mạng, hay đơn giản hắn chỉ là nhà sưu tập đồ cổ, biết giá trị truyền thống của cái quạt? Dù thế nào, tôi vẫn quí cái quạt mo như một phần thân thể, hay cuộc đời tôi và không bao giờ đánh đổi nó với bất cứ cái gì.

Tôi nhớ có lần, một gã ất ơ nào đó bảo cái quạt mo của mày chính là vật tổ linh thiêng của đám cùng đinh trên xứ này.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, tôi vẫn chỉ là một giai thoại, trôi nổi trong cuộc đời như một câu chuyện tiếu lâm. Nhưng kỳ lạ thay, ngay sau khi ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi bỗng nhiên trở thành một đứa bé làm giao liên cho chị Dậu. Gan dạ và láu cá. Nếu người ta coi ông Ngô Tất Tố như bố chị Dậu, thì ông cũng không liên can đến việc này. Vì thế, khi bọn Tây thực dân tái chiếm thủ đô Hà Nội, ông Ngô Tất Tố đã không bị Phòng Nhì Pháp truy cứu tội danh bôi nhọ công cuộc khai hóa của mẫu quốc.

Hôm ấy, ông Trần Dần cho biết “mưa sa trên màu cờ đỏ”. Tôi không quan tâm đến chuyện mưa nắng, nhưng tôi nhìn thấy chị Dậu rạng rỡ niềm tin tất thắng giữa một đám đông hoang mang hai bên hè phố. Phần tôi, tôi hoan hỉ với cái quạt mo phe phẩy dưới chân sân khấu, như tên tiểu đồng trong đám múa lân. Đứng nhìn mọi người, tôi không còn phân biệt được giữa tôi và đám đông, cái nào là thực, cái nào là ảo. Tôi chính là cuộc đời đang diễn ra kia. Hôm nay và mãi mãi.

Tôi được sinh ra theo cách của đám đông. Mê tín và tăm tối. Tôi không như một câu chuyện triết học hay một ví dụ cho giai cấp vô sản. Nhưng dù thế nào, giờ đây tôi đã là Thằng Bờm Đỏ.

Trong vườn cau. Chị Dậu đang vén váy đái vào cái lu sành đặt dưới gốc cây. Không nhìn chị Dậu, tôi hỏi trống không “Tối nay, ngoài đình có gì không?”

“Có. Sẽ có cán bộ về nói chuyện đấy”. Chị Dậu bảo.

“Vậy thôi. Em ở nhà”. Tôi nói.

Vẫn còn dạng háng trên cái miệng lu, chị Dậu ngạc nhiên “Ấy, sao lại ở nhà? Đi mà học tập với người ta chứ”.

Tôi cần gì học. Cán bộ nói những chuyện chẳng liên quan đến tôi. Tôi là Thằng Bờm, ba bò chín trâu, tôi còn chẳng màng, cách mạng cũng chỉ hứa hẹn, hơn gì Phú ông.

Tuy nhiên, tôi đã là Thằng Bờm Đỏ, “Chị có đi không?”

“Đi chứ”. Chị Dậu đáp.

Tôi không muốn xa rời chị, nên nói “Em sẽ đi với chị”.

Đình. Thổ thần là một thằng ăn cắp. Rêu phong và sự cổ kính của nó là một khuôn mẫu. Trong đình cũng là một lũ ăn cắp. Chúng được phong tước và thờ kính. Từ ngày cách mạng nổi lên, thổ thần phải đi trốn. Bọn tiên chỉ cũng lấm lét và khúm núm hèn hạ khi thấy thằng mõ làng, cán bộ thông tin cơ đấy.

Đêm nay chị Dậu rất oai. Chị đeo một khẩu súng lục bên hông. Bọn đàn ông nhìn chị tuy sợ nhưng vẫn thủ dâm trong háng.

Người cán bộ đứng giữa sân đình nói với đám đông háo hức chung quanh:

“Nào, chúng ta bắt đầu. Tôi hát rồi các đồng chí hát theo. Ai không hát là phản động:

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.

Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. “L’In – ter – na – ti – o – na – le sẽ là xã hội tương lai.

Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. L’In – ter – na – ti – on – le sẽ là xã hội tương lai”.

Mọi người cùng hát. Tiếng hát không mang con người đến những giấc mơ, nhưng tiếng hát làm con người phấn khích hành động.

Tôi cũng sợ bị coi là phản động nên hát rất to.

Chị Dậu đứng sau lưng đồng chí văn công, chị vừa hát vừa nhìn chăm chăm đồng chí ấy, tay chị thỉnh thoảng đặt lên báng súng. Tôi không biết chị nghĩ gì, nhưng tôi cảm thấy khó chịu. Tôi vừa hát vừa nhìn theo chị Dậu, tôi không biết mình có phản động không khi mong ước có ngày được ôm chị.

Đêm. Chị Dậu chạy trốn khỏi nhà Quan cụ. Trời tối mù, chị chạy như nhắm mắt. Chị chạy cho tới lúc vấp chân vào Thằng Bờm.

Thằng Bờm không phải một kẻ lạ. Nhưng Thằng Bờm cũng không phải người quen của chị, cho dù chị vẫn ru con bằng bài ca dao Thằng Bờm. Bất chợt, chị Dậu ngã lên người nó, giữa đường. Trên người Thằng Bờm chỉ có một cái quần đùi lỏng lẻo, sờn bạc của Chử Đồng Tử để lại trần gian.

Hình ảnh Quan cụ lên cơn cuồng dâm hiếp chị còn cay trong mắt. Chị định quay đi chạy tiếp, nhưng Thằng Bờm đã đứng dậy cùng với con cu đâm thẳng trong quần, lồ lộ.

Tôi tò mò nhìn người phụ nữ quần áo tơi tả, rồi chợt nhận ra “Chị Dậu!?”

Chị vẫn chưa hoàn hồn, hỏi “Thằng Bờm phải không?”

“Em đây. Chị đi đâu sớm vậy?”

“… À…”

Quả thực, chị Dậu cũng không biết mình đi đâu.

Chị nói, “Chị muốn đi trốn. Hãy giúp chị”.

Ngạc nhiên, tôi hỏi “Sao lại đi trốn? Trốn ai?”

Chị không giải thích, chỉ lầm bầm “Bọn khốn nạn…”

Tôi thầm đoán, “bọn khốn nạn” chỉ có thể là Phú ông, Quan cụ.

Tôi nói, “Chị theo em”.

Dẫn chị xuống bờ sông, ở đó đang neo đậu một ghe chài, tôi đích thân chèo ghe đưa chị qua bên kia sông.

Cuộc đời cách mạng của chị bắt đầu ngay sau đêm bỏ chạy khỏi nhà Quan cụ.

Tôi chưa bao giờ hỏi chị điều gì đã xảy ra đêm ấy. Chỉ mãi đến sau này, khi đi học và đọc tóm tắt truyện “Tắt đèn” của ông Ngô Tất Tố, tôi mới biết chị cho thuê vú ở nhà Quan cụ. Tôi không chắc chị có từng bị Quan cụ hiếp không, nhưng sự có mặt của tôi trên đời, chỉ có thể là đứa con hoang của họ.

Chị Dậu được bố trí công tác sau khi “tổ chức” đã cho sưu tra lý lịch kỹ lưỡng. Ban ngày, chị nấu cơm quét dọn trụ sở cơ quan. Nhờ biết đọc biết viết, buổi tối chị tham gia phong trào xóa mù chữ, cũng ngay tại cơ quan.

Chị dạy theo cách cho học viên nhận mặt chữ và đánh vần các khẩu hiệu trên các bích chương tuyên truyền.

N.V.

Comments are closed.