Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 3)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

03 —

Câu Chuyện Nhỏ Của Tôi

Tôi bị bắt với một lý do rất… cười: tọa kháng tại nhà với biểu ngữ được phía cơ quan an ninh điều tra kết luận rằng mang nội dung xấu:”Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng.”

Mười sáu tháng sau ra tòa, tôi nhận bản án bốn năm tù giam, ba năm quản chế về cái gọi là tội “Tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mà không hề dính dáng đến việc “tọa kháng”, hành vi trực tiếp được nhà cầm quyền làm lý cớ bắt bỏ tù.

Hai chứng nhân “quan trọng” được đưa từ Thanh Hóa tới làm công cụ buộc tội bị cáo. Ông Nhiểm, ông Kính trông tội nghiệp với bộ mặt méo mó, khắc khổ ngồi lọt thỏm, bị bao vây giữa vô vàn mật vụ dưới hàng ghế dự khán, thay vì ở vị trí dành cho người chứng theo quy định một phiên tòa. Tôi đã nói những lời này trước tòa dành cho các ngư dân Thanh Hóa tôi đã gặp và giúp đỡ hồi cuối tháng hai năm 2008: “Nếu thời gian quay trở lại hoặc có cơ hội khác, tôi vẫn sẽ giúp đỡ họ — những ngư dân Thanh Hóa — dù tôi biết trước có thể những con người này sẽ quay lại kết tội tôi. Họ buộc phải làm thế. Và tôi sẵn sàng tha thứ cho họ.”.

Trong bài này, tôi không thuật lại chuyến đi Thanh Hóa cùng Ngô Quỳnh.() Tôi tin rằng, nếu ai còn là người Việt Nam thì không thể không đau xót trước việc đồng bào mình bị bắt giết ngay trên lãnh hải của Tổ Quốc mình, cũng như không thể phủ nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chỉ vì vạch trần và tố cáo một sự thật bị Đảng và Nhà Nước giấu nhẹm, chỉ vì đòi quyền lợi chính đáng cho những nạn nhân, ngư dân Thanh Hóa mà tôi và Ngô Quỳnh đã bị tước mất tự do — dù là một thứ tự do đang hấp hối.

Biệt giam

Những ngày đầu, tôi bị giam chung với các nữ tù hình sự. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, trở thành đủ loại tội phạm — và luôn tự hào phải rất bản lĩnh mới dám thách thức pháp luật — thì sự xuất hiện một cô gái nhỏ bé bị gán tội “chống Nhà Nước…” là điều ngoài tưởng tượng với họ. Từ ngạc nhiên, tò mò rồi thiện cảm, chúng tôi trở nên gần gũi với nhau. Được vài hôm, những ánh mắt thân thiện, cảm mến biến mất. Thay vào đó là thái độ dè dặt, lảng tránh pha chút sợ sệt. Chính sách cô lập bắt đầu có hiệu quả!

Sắp đến giờ cơm chiều. Tiếng ổ khóa vang lên chát chúa. Tiếp đó là giọng nói lạnh tanh của quản giáo: “Phạm Thanh Nghiên chuẩn bị nội vụ!”

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi, lo lắng, thương cảm, hoảng hốt: “Chết rồi, bị đi ép cung rồi”, “Chị ơi! Biệt giam rồi”, “Khổ thân, người bé như cái kẹo, chịu sao nổi, cháu ơi!” Mỗi người góp một tí, từ chai mắm, gói lạc, ít bột canh, cuộn băng vệ sinh… Tất cả được đùm vào một túi ni-lông, ấn vội vào tay tôi. Tôi không đủ thời giờ đùn đẩy. Nhận cũng tốt. Đây sẽ là vốn liếng giúp tôi “cầm cự”, đợi đến lúc nhận được tiếp tế từ gia đình. Tôi không sợ biệt giam, không sợ ép cung. Tôi sợ những ánh mắt thương cảm của họ. Những tình cảm rất con người mà vì một sức ép đáng sợ nào đó, họ buộc phải thủ tiêu.

Tôi bước ra cửa, không ngoái lại nhìn. Sau lưng, vài giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nhà tù vẫn còn chỗ cho tình thương yêu và lòng nhân ái.

Dẫn tôi đi là người cai tù tên Cường. Sau này tôi được nghe nhiều chuyện về ông ta, chủ yếu về thành tích làm giàu bất chính và đánh tù. Tôi cắp túi quần áo, chân đất đi trên các con hẻm nhếch nhác vì mưa phùn, qua những dãy nhà giam lạnh ngắt và xám xịt. Trong những bức tường lặng câm kia là vô vàn sự chờ đợi và tuyệt vọng. Chờ đợi được phán xử không theo cách của con người, rồi buộc phải hiến mình cho sự khổ ải và hao mòn trong các trại tù.

Khu giam giữ mới có khoảng sân khá rộng. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, Cường “bàn giao” tôi cho đồng nghiệp. Tôi đi theo Khánh, cảm giác như đang bị nuốt vào một đường hầm. Lần đầu tiên kể từ khi bị bắt, tôi mới thực sự thấy hết cái âm u của chốn ngục tù. Chỉ khi dừng lại theo lời nhắc của Khánh, tôi mới biết mình đang đứng trước một cánh cửa. Cửa mở, hai đồng tử của tôi giãn ra: Đây là nơi dành cho con người ư?

Cái gọi là buồng giam rộng chừng 6 mét vuông. Hai bệ xi-măng đối diện — chừa một lối đi hẹp ở giữa, tù quen gọi là “xa lộ” —  dùng làm chỗ nằm. Từ cửa đến chân bệ nằm còn khoảng trống nhỏ để đồ ăn. Buồng không có nhà vệ sinh, phải dùng bô. Chỗ để bô cách chỗ để đồ ăn chừng ba bước chân. Một trong hai bệ nằm có gắn cố định một cùm sắt, dùng để cùm chân tù bị kỷ luật hoặc tử tù chờ ngày ra pháp trường. Tôi vào sau Luyến vài ngày, đương nhiên phải nằm chung với cái cùm. Luyến thường mắng tôi vì thói quen luồn chân vào cái cùm. Bảo tôi không chịu kiêng, có ngày bị cùm thật cũng nên. Hàng ngày tôi đi bộ hàng chục lượt trên “xa lộ”, coi như tập thể dục. Từ đầu đến cuối xa lộ chỉ dăm bước chân, đi vài vòng phải nghỉ một lần để khỏi chóng mặt.

Mỗi ngày hai lần: sáng và chiều, cai tù mở cửa cho tù nhân ra ngoài làm vệ sinh cá nhân và lấy cơm. Mỗi lần chừng hai mươi đến ba mươi phút. Hầu như ngày nào tôi cũng phải đi cung nên mọi việc, từ giặt giũ, đổ bô, lấy cơm, rửa bát…, Luyến phải kiêm nhiệm hết. Có hôm, chưa làm vệ sinh xong, điều tra viên đã đứng đợi ngoài cửa. Chắc chỉ có tù nhân lương tâm như tôi mới phải trải qua tình trạng ngồi bệ xí trong sự chờ đợi và thúc giục của cả cai tù lẫn điều tra viên mà thôi. Suốt bốn tháng biệt giam, tôi phải đi cung hàng chục lần, chưa kể thời gian ở buồng chung hơn một năm.

Chuyện này xin được kể trong một dịp khác. 

Luyến có tật xấu, đi ngoài vô tội vạ, không theo giờ giấc. Nhiều hôm cứ đóng cửa buồng cô nàng mới đi, mỗi lần như thế lại chữa ngượng: “Em luyện mãi mà không được, cứ nhìn thấy công an là nó lại thụt vào. Hình như cứt sợ công an, chị ạ.”

Hai cái bô chứa đầy “sản phẩm” của Luyến. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Đã thế, cô nàng còn lên lớp tôi:

– Chị phải uống thật nhiều nước mới tốt cho sức khỏe, người đâu mà gầy đét, trông chán lắm.

Tôi đáp:

– Có hai cái ngai vàng, mày ngự cả hai, chị uống nhiều nước thì chứa vào đâu?

Cô nàng nhe hàm răng ám khói thuốc cười trừ. Nhìn Luyến, tôi thấm thía hai câu thơ — được cho là của ông Hồ: “Cửa tù khi mở không đau bụng, đau bụng thì không mở cửa tù.”

Cánh cửa sắt, may quá có sáu lỗ nhòm to bằng quả trứng chim cút, thứ duy nhất làm chúng tôi tạm quên mình đang ở trong một cái hộp. Hàng ngày được ra ngoài, tôi thường vãi cơm ra sân để dụ lũ chim sẻ đến. Qua sáu cái lỗ thông hơi quý giá đó, tôi và Luyến luân phiên nhau chiêm ngưỡng, ngắm nghía chúng. Luyến ước: “Giá biết bay như chúng, em sẽ bay về ôm hôn thằng Cu cho thật đã.” Rồi như tiếc rẻ “Nhưng làm con chim bay được thì lại không lắc, không phê được. Làm người như em, tuy tù tội nhưng được biết mùi đời. Sướng thân! Như chị thì thiệt, chả biết đếch gì. Chán chết!”.

Tôi không thích tranh cãi với Luyến những lúc như thế. Lũ chim vô tâm, chúng nhặt nhạnh những hạt cơm cuối cùng rồi bay đi, mặc kệ tôi ngẩn ngơ. Không có cách nào gọi chúng lại. Tôi tủi thân, đâm ra giận chúng, hôm sau không vãi cơm cho chúng nữa. Theo thói quen, lũ chim bay đến ngơ ngác, tìm kiếm rồi bỏ đi. Tôi buồn!

Từ đó không dám tự trừng phạt mình nữa.

Một lần đi cung

Một vật gì giống như con rắn nằm lù lù giữa sân. Vừa nhận ra thứ đó dành cho mình, một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Sau cái rùng mình, mặt tôi nóng ran, hai thái dương giật liên tục. Không thể để cơn phẫn nộ được dịp bung ra. Tôi sẽ luồn chân vào đó. Phải nếm trải hết mọi cay đắng của người tù. Tôi đứng im, ngoan ngoãn cho Khánh xiềng chân mình. Nét ái ngại lộ rõ trên gương mặt anh ta: “Chị Nghiên đi chậm thôi, sẽ đỡ đau.” Tôi hít một hơi thở sâu chờ Khánh mở cửa. Ánh mắt tôi đập vào ánh mắt người điều tra viên. Dù cố tỏ ra tự nhiên, tôi biết anh ta chứ không phải tôi đang bị chi phối bởi cái xiềng chân. Tôi không đi chậm như lời khuyên của Khánh. Bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh, tôi bước thật nhanh bất chấp hai vòng xích đập vào mắt cá chân đau điếng. Tôi không cho phép Dương có cơ hội thấy tôi trong bộ dạng chậm chạp và đáng thương. Chỉ thể hiện ở bước đi thôi chưa đủ, tôi bông phèng: 

– Này anh, giúp tôi một việc được không?

– Việc gì chị?

– Nhờ anh đăng ký với kỷ lục ghi-nét, công nhận tôi là người phụ nữ có cái lắc chân to độc nhất thế giới nhé?

Bị bất ngờ, anh ta im lặng. Sau một hồi, tính háo thắng trỗi dậy, anh ta trả đũa:

– Nếu bây giờ tôi bắc thang cho chị trèo tường về, chị có về không?

– Sao nghiệp vụ anh kém thế?

– Gì cơ?

– Tôi bảo nghiệp vụ anh kém vì anh đi điều tra tôi mà không hiểu gì về tôi. Này nhé, tôi vào đây một cách đường hoàng thì cũng đường hoàng rời khỏi đây. Không phải các anh tùy tiện bắt rồi thả vô tội vạ là được.

Có lẽ Dương thấy tiếc về câu hỏi vừa rồi.

Người trực trại — cai tù — và bọn điều tra viên đã chầu sẵn ở buồng hỏi cung. Chờ tôi ngồi xuống, viên trực trại rướn người qua mặt tôi, kéo thanh sắt vốn được bắt vít cố định nơi tay vịn, khóa lại. Động tác rất dứt khoát với vẻ mặt nghiêm trọng. Chắc đấy là thứ công cụ được phát minh để bảo vệ các nhân viên điều tra khi hỏi cung những tên tội phạm thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Thế ra, tôi được liệt vào loại “đặc biệt nguy hiểm” cơ đấy. Tôi quan sát việc liên quan đến mình như một kẻ thực sự bị thuần phục. Xong việc, viên trực trại lui về đứng phía sau tôi, chắc sẵn sàng tung đòn cứu đồng đội nếu đối tượng manh động.

Hai điều tra viên đặt hồ sơ lên bàn:

– Chúng ta bắt đầu làm việc!

Tôi lơ đễnh nhìn lên trần nhà.

– Chúng ta làm việc thôi chị Nghiên.

Tên Chiềm nhắc.

– Anh bảo gì cơ?

Vẻ ngoan ngoãn lúc đầu của tôi khiến họ không chuẩn bị tâm lý đối phó cho sự phản công.

– Chúng ta vào việc…

– Làm gì có chuyện ấy. Các anh nghĩ tôi sẽ làm việc với các anh trong tình trạng này sao?

– Đây là quy định của…

Không để anh ta nói hết câu, tôi ngắt lời:

– Là quy định của các anh thôi. Nguyên tắc của tôi là không làm việc với các anh trong tình trạng này.

Hai điều tra viên nhìn tôi chằm chằm. Tôi tiếp tục nhìn lên trần nhà, lưng dựa ra sau ghế, các ngón tay gõ gõ vào thanh sắt chắn ngang trước mặt, chân đung đưa khiến cái xiềng cọ xuống nền nhà phát ra thứ âm thanh khô khốc, nghe rờn rợn. Cuối cùng, một trong hai tên điều tra viên phải ra hiệu cho trực trại mở xiềng chân và thanh sắt chắn ngang ra. Tôi thôi nhìn lên trần nhà:

– Đây sẽ là lần đầu và cũng là lần cuối tôi cho phép các anh làm thế. Nếu việc này còn tái diễn thì các anh sẽ chỉ nhận được một thứ duy nhất từ tôi, đó là sự im lặng. Mong các anh nhớ cho.

Trở về buồng giam, tôi mệt mỏi nằm vật xuống.

Nhìn Luyến với đôi mắt đỏ hoe, tôi đâm cáu. Cô nàng mặc cho tôi mắng mỏ, cứ sấn vào xoa xoa bóp bóp chỗ đau cho tôi. Tôi hắt hủi cô nàng để khỏi phải thương hại mình.

Tôi nghĩ đến chú Nghĩa, đến Ngô Quỳnh và các anh em khác bị bắt cùng đợt với tôi.

Không biết họ bị đối xử ra sao?

Nhưng tôi tin, dù ở hoàn cảnh nào thì những anh em ấy sẽ không cáu gắt với bạn tù vô lối như tôi, mà luôn ngạo nghễ và nở nụ cười nhân ái vì nhà tù là sự lựa chọn “bất khả kháng”, là cánh cửa duy nhất để đến với tự do.

                                — Viết sau những ngày mới ra tù.

04 —

Đêm Đầu Tiên ở Buồng Biệt Giam

Không phải người tù nào cũng nếm trải mùi biệt giam trong căn buồng rộng chưa đầy sáu mét vuông với sáu lỗ nhòm to bằng quả trứng chim cút nhìn ra khoảng sân và bức tường trước mặt — thế giới của người tù.

Và cũng không phải mọi buồng biệt giam đều có khoảng sân để người tù có cơ hội giải phóng tầm mắt. Nhiều buồng biệt giam mà bên ngoài cánh cửa là một bức tường kín, chừa ra một lối đi hẹp tối tăm, ẩm mốc, hôi hám như một đường cống ngầm. Đấy là nơi ở đầu tiên của tôi trong những tháng bị biệt giam. Sau vài tuần, tôi được chuyển sang buồng có khoảng sân trước mặt. 

Sự trừng trị đối với người khát khao tự do đôi khi lại là một cơ hội để khám phá bản thân, không chỉ qua khả năng chịu đựng đói rét, bệnh tật mà là bản lĩnh đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần.

Biệt giam, thực sự là một môi trường tinh thần đủ mọi cung bậc của cùng cực tĩnh lặng, cùng cực xáo trộn dữ dội trong tâm trí mà chỉ có thể trải nghiệm giữa chốn ngục tù, nhất là mỗi khi đêm về.

Người tù có thể sẽ yếu đuối, nản lòng hoặc trở nên cứng cỏi, can đảm hơn khi chịu đựng đến cùng sự mênh mông vô tận trong khoảng không gian chật hẹp, u ám mang tên “buồng biệt giam.” Điều đó tùy thuộc thái độ tiếp nhận hoặc tư thế của mỗi người.

Khi đã không được quyền lựa chọn “nơi ở” cho mình trong nhà tù thì tốt nhất là chủ động làm “chủ sở hữu” bất cứ nơi nào ta bị quăng quật vào đó.

Bước vào buồng biệt giam (), tôi đã thấy Luyến. Nàng ta ngồi thù lù trên bệ xi măng. Đôi mắt sắc như dao trong ánh điện yếu ớt, thản nhiên và không mấy thiện chí nhìn tôi. Tôi nghĩ đến các từ nghe được lúc còn ở buồng chung, thấy một chút nghi ngờ về người bạn mới. Cô ta có thể là người được công an sắp xếp để “khai thác” tôi.

Một số danh từ như: “rích, ly, ma, chó, ăng-ten…” dùng gọi loại tù nhân nhận làm “tay trong” cho công an để đổi lấy những lợi ích cho bản thân. Phần thưởng cho mỗi lần “lập công” có thể trả bằng tiền, hiện vật, bằng những “đặc ân”, sự ưu tiên trong thời gian thụ án và nhất là rút ngắn năm tháng ở tù của rich. Tất nhiên, trước khi đi làm “nhiệm vụ”, rích cũng được công an hướng dẫn, “huấn luyện” về cách tiếp cận, khai thác, nhất là lấy được cảm tình và lòng tin của “đối phương.” Rích thường được điều tra viên và cai tù sắp xếp để gần gũi “con mồi.” Có nhiều khuôn mặt rích dễ nhận diện. Có nhiều rích ngụy trang khéo đến nỗi kẻ cận kề không phát hiện được.

Tôi biết dạng người này nhờ kinh nghiệm bốn năm tù, qua quan sát và qua chính vài người từng là rích thừa nhận. Vênh váo tự cho mình phá án giỏi nhất thế giới, nhưng công an cộng sản Việt Nam luôn phải áp dụng thủ đoạn dùng tù để khai thác tù. “Bị can” có thể không khai với công an điều tra, nhưng sẵn sàng kể lể, tâm sự đủ thứ với bạn tù mà mình tin cậy, từ các mánh khóe, quan hệ riêng tư, gia đình, xã hội, thói quen, sở thích và nhiều thứ liên quan hoặc không liên quan tới vụ án.

Bọn điều tra viên và bọn cai tù biến người tù thành kẻ thù của nhau, phải sống trong tình trạng nghi ngờ, cảnh giác, giám sát và căm ghét nhau trong cảnh tù đầy vốn đã vô cùng khốn khổ. Đấy là chưa kể đến mớm cung, ép cung, bức cung, tra tấn, dùng nhục hình, chạy án… suốt quá trình tố tụng và nhiều hình thức khác trong thời gian phải ở tù.

Không mấy bận tâm về sứ mệnh của người bạn mới, tôi bị thôi thúc bởi mục tiêu tự đặt cho mình: Phải chung sống hòa bình và thân thiện với cô ta. Tôi chủ động bắt chuyện, nhờ Luyến với tư cách người đến trước chỉ bảo để tôi quen dần với sinh hoạt mới. Lúc đầu cô nàng đáp lại không mấy nhiệt thành. Nhưng không chịu được không khí nặng nề của nhà tù, Luyến cũng phải chuyện trò với tôi. Bị chuyển đi bất ngờ, tôi bị cắt xuất cơm chiều. Luyến đưa cho tôi phong bánh lương khô. Tôi chỉ ăn hết một nửa, uống nước vào, cũng ngang dạ. Buổi tối, tôi loay hoay không biết đi vệ sinh ở đâu. Luyến chỉ cái bô để góc buồng, tôi đột nhiên rùng mình.

Chiếc hộp đựng tôi và Luyến, không có vô tuyến, quạt máy, đồng hồ treo tường, nhà vệ sinh như ở buồng chung, vì thế càng ảm đạm.

Buồn quá! Tôi nhẹ cất tiếng hát. Tôi cứ hát. Giọng hát ban đầu còn khẽ khàng, rụt rè rồi sau cứ lớn dần. Và hòa vào giọng hát của tôi, Luyến hay bất cứ ai dù mang sẵn một “âm mưu” với bạn tù thì vẫn cứ là một người tù mang trọn vẹn nỗi buồn thương, lo lắng, hoang mang vô tận. Cô nàng khen tôi hát hay. Được khích lệ, tôi hát to hơn. Chúng tôi cùng hát với nhau. Luyến hát dở nhưng cô ta tự nhiên hẳn, khác với thái độ dè dặt có phần khinh khỉnh lúc đầu.  Có tiếng người!

Chúng tôi ngừng hát, giỏng tai nghe.

– Mình có hàng xóm chị ơi! Luyến reo lên mừng rỡ.

– Hàng xóm nào?

Tôi ngạc nhiên hỏi.

– Bên cạnh có người, đàn ông hẳn hoi nhá. Em nghe rõ.

Gương mặt cô nàng rạng rỡ hẳn lên. Luyến dùng gót chân gõ mạnh vào bờ tường.

Bên kia, một tiếng gõ trả lời.

– Nhà bên này chào nhà bên đấy nhá!

Một giọng đàn ông vang vang. Tự nhiên tôi thấy ngượng. Thế mà mình hát say sưa như chỗ không người.

Bên kia lại tiếp tục còi () sang, bắt chuyện.

– Người ta đang hỏi tên chị kìa, trả lời đi!

Luyến giục.

– Thôi, chị ngại lắm.

Cô nàng khích lệ:

– Ngại gì, có nhìn thấy mặt nhau đâu mà ngại. Vào đây không có bạn, chỉ có chết vì buồn chán thôi, chị ạ

Tôi miễn cưỡng trả lời:

– Thôi, em cứ giới thiệu đại chị tên là Hoa. Chị bị bệnh về thanh quản, không nói to được.

Suốt thời gian biệt giam, mọi người đều gọi tôi là Hoa,còn Luyến sẽ dùng đại tên Liên — sau này là Còi — do tôi bịa ra tặng cô nàng để tiện xưng hô với hàng xóm. Từ hôm đó, Luyến kiêm luôn vị trí “chủ hộ”, chịu mọi trách nhiệm từ đối nội như lấy cơm, rửa bát, giặt đồ lúc tôi đi cung đến công tác đối ngoại giao lưu với nhà hàng xóm. Cô nàng có vẻ phấn chấn với vai trò chủ hộ lắm.

Theo yêu cầu của nhà hàng xóm, tôi tiếp tục hát. Tôi nghĩ đến mẹ. Chắc mẹ sẽ cảm nhận được lời tôi hát:

Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ.

Trong căn nhà nhỏ, mẹ cũng ngồi chờ.

Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu,

Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù.

Chờ đã bao năm…chờ đã bao năm

                                     …chờ đã bao năm

Tiếng sụt sịt của Luyến làm tôi ngừng hát.

Nhà hàng xóm khen tôi hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Chắc tại tôi hát bằng tâm trạng của mình, chạm được đến nỗi buồn của họ… Luyến lại làm người đại diện để cảm ơn. Thời gian đầu, tôi chưa quen với tiếng còi từ nhà hàng xóm nên Luyến làm chân phiên dịch. 

Hát mãi cũng chán. Hai chị em tôi mỗi đứa một bệ xi măng, nằm nghĩ miên man. Yên ắng quá! Tôi nghe rõ tiếng côn trùng và tiếng thằn lằn chắt lưỡi.

– Mười giờ rồi.

Luyến nói, giọng buồn tênh. Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao em biết?

– Em vừa nghe tiếng bọn chòi () đổi gác. Ở đây hai tiếng đổi gác một lần.

– À ra thế!

Tôi đáp lại, giọng cũng buồn tênh. Phần vì nhớ nhà, phần vì muỗi đốt nên nằm mãi không sao chợp mắt được.

Luyến cởi mở và gần gũi hơn, nhất là sau khi phát hiện ra buồng giam bên cạnh có người. Nghĩ miên man một lúc, tôi lại gợi chuyện. Trong câu chuyện giữa chúng tôi cũng có lúc yên ắng như chưa từng có tiếng người.

– Mười hai giờ rồi chị ạ.

Giọng Luyến thều thào vì mệt và buồn ngủ.

– Ừ, chị cũng vừa nghe thấy tiếng đổi gác.

Tôi nằm quay mặt vào trong, tránh ánh điện.

Bên cạnh, Luyến vừa đập muỗi, vừa càu nhàu.

Tôi lấy quần áo quấn vào chân và cánh tay cho khỏi muỗi đốt. Nhưng chỉ được một lúc là lại phải bỏ ra vì không chịu được nóng. Bỗng Luyến bật dậy, tóc tai rối bù đứng chống nạnh, chửi:

– Tiên sư mấy con đĩ muỗi này, có cho các bà ngủ không thì bảo. Bà mà báo công an, chúng mày chết cả lũ.

Vừa nói, Luyến vừa đập liên hồi vào không khí. Chẳng biết có trúng con muỗi nào không. Lúc này, tôi mới trông rõ mặt Luyến. Hai mí mắt cô nàng sưng húp, không nhìn thấy lòng mắt đâu, môi nổi cục lên như quả chuối mắn. Không nhịn được, tôi phá lên cười.

– Chị cười cái gì mà cười.Chị trông lại mặt chị xem.

Luyến đánh đố tôi. Tôi nhìn thấy mặt cô nàng chứ sao có thể tự nhìn thấy mặt mình. Tôi đưa tay lên mũi theo mô tả của Luyến. Bọn muỗi ác thật, chơi ngay chỗ sống mũi tôi. Mũi tôi vốn tẹt, nó đốt mấy phát vào đó, mặt tôi biến dạng là đúng rồi.

Hai chị em cười như mếu, động viên nhau ngủ tiếp.

Chả nhẽ bọn côn trùng đáng ghét ấy không thể chung sống hòa bình với lũ tù chúng tôi sao. Da thịt người tự do vừa sạch sẽ vừa thơm tho sao nó không đốt, lại cứ nhằm vào lũ tù khốn khổ, hôi hám chúng tôi. Trong bốn năm tù, nhất là thời kỳ biệt giam, tôi không nhớ mình đã giết bao nhiêu con muỗi. Mà có phải mình tôi giết nó đâu. Người tù nào chả sát sinh lũ muỗi. Thế mà lũ ấy vẫn không giảm sút về dân số, vẫn cứ nhắm đến người tù mà hút máu. Có người bị muỗi đốt, nhiễm bệnh sốt rét mà chết. Đêm biệt giam đầu tiên, rồi cũng qua.

Sáng hôm sau, tôi lại đi cung.

Trong thời gian ở Trần Phú, tôi chưa thấy người bạn tù nào đi cung nhiều như tôi, đến nỗi bọn cai tù còn ngạc nhiên. Luyến bảo “bọn điều tra viên một ngày không gặp chị, chắc nó ăn không ngon, ỉa không yên.” Luyến đấy, sự gì cô nàng cũng liên tưởng, xiên xẹo sang chuyện thiếu tế nhị kia. Cô nàng bảo, nói thế nó mới sướng cái miệng.

05 —

Người Bạn Buồng Biệt Giam

Lúc mới bị giam chung với Luyến trong buồng biệt giam, cô nàng nói dối tôi tên là Lý. Thực ra, việc cô nàng tên thật là gì với tôi không quan trọng. Tôi không ưa cái cách nàng ta che che đậy đậy phần ký tên mỗi lần ghi phiếu mua lưu ký (), nhất là khi đã quý mến và biết chăm sóc nhau như chị em.

Hôm ấy, trong khi nàng ta đang liệt kê những thứ cần mua vào tờ phiếu, tôi đang làm việc riêng. Nhưng Luyến bị bất ngờ khi tôi đứng bên cạnh, thản nhiên rút tờ phiếu từ tay nàng ta lên đọc. Luyến bối rối, ấp úng nói mấy câu gì tôi nghe không rõ.

Tôi chưa bao giờ tin những chuyện Luyến chia xẻ về bản thân, nhất là chuyện cô nàng có chồng cũ đang tị nạn ở nước ngoài vì dính đến chính trị.

Nhưng tôi không bao giờ tỏ thái độ không tin hoặc có ý bóc mẽ cô nàng.

Hôm ấy, ngoại lệ, tôi muốn cô nàng thôi trò diễn kịch với tôi. Chẳng có ngẫu nhiên nào về người tù hình sự được sắp xếp ở chung với một tù nhân lương tâm trong buồng biệt giam cả.

Buổi trưa hôm sau, Luyến bỏ bữa.

Cô nàng vẫn sắp cơm chu đáo, phần tôi đi cung về ăn. Tôi ăn một mình, nuốt không trôi. Cô nàng quay mặt vào tường, vờ ngủ. Lúc đi nằm, tôi thấy bức thư Luyến kẹp dưới gối. Thì ra thế! Đêm qua tôi tỉnh giấc, thấy cô nàng hý hoáy viết viết, vẽ vẽ. Hóa ra viết thư cho tôi.

Trong thư, Luyến xin lỗi đã giấu tôi, rồi bày tỏ tình cảm chị em mùi mẫn lắm. Tôi không bận tâm đến những gì Luyến “báo cáo” với công an về tôi. Những người làm việc chính nghĩa và đấu tranh công khai như tôi không có bí mật nào để người khác cần “khai thác” hay bẩm báo với tụi điều tra viên cả.

Tôi không giận, cũng không trách Luyến.

Dù làm gì, Luyến vẫn mang thân phận tù, giống như tôi. Người tù nào chả muốn được về nhà, muốn có tự do. Ở trong tù, người ta ít khi có nhu cầu phải thực hành đạo lý. Đôi khi, đạo lý hay sĩ diện không giá trị bằng một thùng mì tôm. Từ hôm ấy, tôi đặt tên thân mật cho Luyến là Còi, phần vì không quen gọi tên thật, phần vì Luyến béo gấp đôi tôi.

Đặt cái tên ngược với ngoại hình, thấy ngồ ngộ.

Thời gian tạm giam, tù không được dùng giấy, bút là những vật cấm và bị cai tù kiểm soát rất chặt chẽ.

“Bức thư” Luyến gửi tôi là tấm bìa được xé ra từ vỏ hộp bánh quy. Nhiều khi, không có nhu cầu ăn bánh cũng phải mua vài hộp để Luyến có giấy viết thư gửi nhà hàng xóm, hoặc chép bài hát. Bút được làm từ một cọng rễ, bẻ từ chiếc chổi thanh hao dùng cọ nhà vệ sinh và chỗ tắm giặt. Để cai tù không sinh nghi, Luyến giả vờ ngồi trên bệ xí, làm như đang đi vệ sinh rồi cầm theo chiếc chổi, lựa cọng to và cứng nhất để lấy. Lúc đó, tôi ngồi giặt, làm luôn nhiệm vụ cảnh giới.

Tôi hình dung cảnh Luyến bặm môi, ra sức ấn “chiếc bút tù” để những con chữ in rõ trên tấm bìa, mà thương. Cái cọng rễ thanh hao không chỉ là vật liệu chế tạo ra chiếc bút tù. Luyến dùng đoạn cọng rễ còn lại, khéo léo mài mài, giũa giũa để cho ra đời một chiếc kim móc. Nếu không đi tù, làm sao tôi có thể khám phá ra một vật rất tầm thường và ít ai chú ý trong đời sống hàng ngày như chiếc rễ thanh hao lại trở nên đáng quý và giá trị đối với người tù như thế. Chúng tôi quý cái bút và chiếc kim móc ấy như tài sản của mình, chỉ lo bị cai tù tịch thu. May quá, lần nào sục buồng (), hai vật cấm ấy cũng thoát nạn.

Để chống chọi với cái rét, chúng tôi mua nhiều chiếc khăn mặt rồi miệt mài ngồi tháo sợi. Dỡ xong, phải phân ra từng loại sợi mầu khác nhau cuộn thành từng cuộn riêng biệt. Luyến dùng chiếc kim móc tự tạo để đan khăn quàng cổ cho cả hai chị em lẫn mấy người hàng xóm từ những cuộn sợi khăn mặt ấy.

Không phải một lúc mà mua được ngần ấy cái khăn mặt đâu. Tôi và Luyến chia nhau ra mua làm nhiều đợt để cai tù khỏi bắt bẻ, sinh nghi. Có đợt mua phải khăn rởm, dỡ đến đâu đứt sợi đến đó, vừa mất tiền vừa phí công. Mỗi lần như thế, Luyến lại chửi. Nàng ta chửi từ thằng bán khăn, chửi đến đứa sản xuất. Tôi rát tai, bảo Luyến thôi vì ngoài tôi ra, chả có thằng bán khăn hay đứa sản xuất nào nghe cả. Luyến bảo: “Em chửi vọng. Thể nào cũng có đứa vấp ngón chân cái tóe máu cho coi.”

Hơn bốn tháng biệt giam, ngày nào tôi cũng bận bịu. Ban ngày bận đi cung, tối về dỡ sợi hoặc vẽ ra việc gì đó làm để giết thời gian. Tôi đã trải qua hai mùa đông rét mướt ở Trần Phú, một phần nhờ vào chiếc khăn tù Luyến đan tặng. Giờ tôi vẫn giữ gìn, nâng niu, và quý mến kỷ vật ấy.

Tôi ở buồng biệt giam hơn bốn tháng, rồi trở lại buồng chung. Các bạn tù buồng chung lo lắng khi biết tôi ở cùng với Luyến. Người ta kể nhiều về Luyến. Cô nàng là một con nghiện và đây là lần tù thứ ba của Luyến. Phần lớn thời gian ở Trần Phú, Luyến “đóng chốt” ở các buồng biệt giam để làm nhiệm vụ công an và cai tù sai bảo. Có chị còn tuyên bố sau này ra tù, sẽ tìm gặp Luyến để “đập cho một trận nên thân, đáng đời con “rích.”

Tôi không biết có ai bị tù oan vì Luyến không, nhưng nhìn sự khinh ghét bạn tù dành cho Luyến, tôi thấy buồn, thoáng chút thất vọng. Có thể Luyến ở cạnh tôi theo chỉ thị, để thực hiện nhiệm vụ nào đó từ thế lực bắt tôi giao phó. Nhưng tôi không nhận thấy điều bất lợi hay đe dọa nào khi ở chung với Luyến. Chúng tôi đã chia ngọt xẻ bùi và có nhiều kỷ niệm ấm áp với nhau trong thời gian biệt giam. Tôi thương Luyến và cảm nhận Luyến cũng thương mến tôi. Hôm tôi bị chuyển khỏi buồng biệt giam, cũng đột ngột như đã từng xuất hiện.

Đấy là một ngày giáp Tết, trời lạnh căm. Luyến không nói gì, lẳng lặng sắp đồ cho tôi. Cửa buồng giam đóng lại. Tiếng khóa khô khốc, lặng ngắt nhốt Luyến ở trong. Tôi cắp túi quần áo đi qua khoảng sân, đôi chân trần đứng co ro chờ cai tù mở cổng.

Lúc ấy, tôi nghe tiếng gót chân Luyến đập vào cánh cửa buồng giam. Ấy là tín hiệu Luyến gọi tôi. Anh Long nhà hàng xóm, bất chấp sự có mặt của cai tù, liều lĩnh cất lời chào tạm biệt:

– Hoa ơi, nhớ giữ sức khỏe, bảo trọng nhé!()

Tôi không cất nổi tiếng chào, chỉ mỉm cười đưa tay vẫy. Tôi biết, cả Luyến lẫn hai người hàng xóm đều đang ghé mắt dòm qua khe cửa chứng kiến cảnh tôi đi.

Không biết, rồi anh Long có bị cai tù trách phạt, hay mắng mỏ khi dám nói vọng ra chào tôi không?

Ở đây, người ta cấm tù khác buồng giao tiếp, nói chuyện với nhau. Những người bạn cùng khu biệt giam hồi ấy, những người tôi chưa một lần trông thấy mặt, giờ ra sao?

Không biết có ai phải lê bước chân ra pháp trường chịu chết?

Và Luyến, chả nhẽ cứ quanh quẩn với ma-túy, nhà tù và những việc làm ngay cả bạn tù cũng khinh ghét?

06 — 

Luân Ba Bánh

– Nguyễn Thị Luân, chuẩn bị nội vụ!

Mỗi lần cai tù xướng tên ai kèm thông báo “chuẩn bị nội vụ” thì ai nấy đều nghĩ ngay đến cụm từ “đi ép cung.” Thương bạn tù và thương thân, rồi lo sợ, hoang mang tự hỏi “bao giờ đến lượt mình” là tâm lý chung của người ở lại. Người đi, không tự tay sắp nổi bộ quần áo dù cố tỏ ra bình tĩnh. Nét lo sợ, căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt tái xanh tái xám. Thường chỉ các vụ trọng án, bị can mới bị chuyển đi nơi khác để “ép cung.” Lúc tôi chuyển xuống buồng biệt giam, mọi người cũng bảo tôi đi ép cung. Tôi nói tôi không bị áp dụng hình thức đó, nhưng không ai tin.

Mỗi người một tay giúp Luân chuẩn bị nội vụ. Tôi chạy vào nhà mét () khóc. Lần đầu tiên tôi khóc từ khi bị bắt. Những cuộc chia ly tù đầy như thế, thường không có ngày gặp lại. Ai cũng biết vậy, nhưng vẫn xót. Tôi xót Luân vì nó là đứa em tù của tôi.Luân nặng nhọc xách túi nội vụ bước đi, đôi chân run rẩy vì sợ, mắt đỏ hoe. Qua cánh cổng nhà tù này, Luân sẽ đến một nhà tù khác.

Lần nào nhớ lại hình ảnh cuối cùng của Luân, tôi cũng buồn thấu lòng. Luân mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Vợ chồng người bác ruột đón về nuôi. Luân bảo, hai bác thương Luân lắm, chỉ tội nghèo ăn bữa trước chạy bữa sau nên không thể cho Luân đi học. Luân mù chữ. Chữ duy nhất Luân biết viết là tên mình. Để ký các bản cung khi bị bắt. Cô gái quê mùa, hiền lành, chân thật và mù chữ ấy lớn lên trong nghèo khó. Rồi lấy chồng, sinh con.

Luân rất ngoan đạo. Tôi thực sự không biết người theo Công giáo có phẩm chất gì mới được gọi là ngoan đạo. Tối nào tôi cũng thấy Luân lầm rầm cầu nguyện. Thi thoảng khi không bị chú ý, Luân kín đáo làm dấu thánh trước bữa ăn. Luân nhường nhịn bạn tù. Không mấy khi nói dối. Tôi coi Luân là người ngoan đạo. Luân vào Trần Phú trước tôi độ hai năm. Tôi nhớ mang máng thế.

Bạn tù gọi Luân là Ba Bánh, ám chỉ việc vợ chồng Luân vận chuyển ba bánh Heroin. Ở buồng tạm giam, Luân thuộc diện “không gia đình.” Tức là từ khi bị bắt không một lần được người thân gửi quà. Luân sống nhờ bạn tù cưu mang. Người cho chai mắm, người cho miếng thịt. Từ cuộn băng vệ sinh, tấm áo, cái xô, cái chậu, bàn chải, kem đánh răng đến khăn mặt, ca nhựa, xà phòng giặt…, tất tần tật là bạn tù cho. Tôi từ buồng biệt giam trở về được ít hôm thì rủ Luân cùng ăn chung. Ở Trần Phú, việc giúp đỡ bạn tù của tôi không bị cấm đoán và kiểm soát quá khắt khe như khi lên Trại 5 – Thanh Hóa. Tuần nào chị gái và mẹ tôi cũng gửi quà tiếp tế. Mỗi tháng lại cho sáu trăm ngàn đồng nên việc tôi “cõng” theo Luân, và thi thoảng giúp đỡ các bạn tù khác cũng không làm tôi quá thiếu thốn. Ngoài buồng trưởng được chỉ định cai quản tù nhân khi cai tù vắng mặt, còn những người “trách nhiệm” khác. Trách nhiệm là người được đi lại tự do từ nhà ra sân mà không cần xin phép buồng trưởng. Trách nhiệm gồm những tù nhân làm các việc như chia nước, phơi quần áo, trông chạn, xe sân ()

Những chân làm trách nhiệm thường được ưu tiên cho tù nhân mà người nhà biết quan tâm đến “cô’, tức cai tù. Quan tâm, là quà cáp biếu xén. Không chỉ một lần mà thường xuyên. Nhờ những quan hệ này, nhiều thông tin liên quan đến án từ, gia đình, tình trạng người tù đều được cai tù làm trung gian cung cấp. Cai tù, cũng đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều phi vụ chạy án.

Luân được phân công xe sân, tức trong số người làm trách nhiệm, dù Luân là thành phần không gia đình. Bạn tù thương Luân vì “nó hiền lành và án nặng.” Cai tù cũng châm chước, để lấy tiếng nhân đạo. Vả lại, công việc xe sân không lấy gì làm sang lắm, tuy khỏi phải ngồi bó gối một chỗ như đa số tù nhân khác. Hơn nữa được tắm rửa hàng ngày với mức nước thoải mái hơn, thế là oách rồi. Mỗi tuần, cánh tù bình dân chúng tôi được tắm hai lần vào buổi sáng giữa và cuối tuần. Gội đầu được một lần. Người chia nước đứng trên nóc bể nước gọi tên bốn tù cùng một lượt. Để rồi chen chúc nhau trong buồng tắm rộng không nổi ba mét vuông. Nhà tắm được xây tường che kín để tránh bên ngoài nhìn vào khi cổng buồng giam mở. Nhưng không có nóc, không mái che. Chúng tôi tắm, nhìn lên trời, trời nhìn chúng tôi.

Mỗi đợt tắm không quá năm phút, gội đầu bẩy phút, giặt đồ thêm năm phút nữa. Người chia nước vừa canh bể nước — xem có kẻ nào múc trộm không —, vừa luôn miệng giục, mắt liên tục liếc đồng hồ. Tắm một xô, gội đầu một xô, giặt đồ cũng một xô sáu lít nước, không hơn. Vi phạm sẽ bị phạt. Phạt, là năm hoặc bẩy ngày liền không được đánh răng rửa mặt, không được rửa ráy, không được thay quần lót. Lại phải cọ nhà mét, rửa bát cho cả buồng. Mười tám tháng ở Trần Phú, tôi chưa bao giờ bị phạt. Vả lại, tôi đã chuẩn bị tinh thần để không chịu phạt, để chống lại nếu bị dính. Nhiều lúc nhớ lại vẫn rùng mình bởi cái phát minh quái gở, man rợ ấy của bọn cai tù. Bẩy ngày không được thay quần lót, không được đánh răng rửa mặt. Không có án phạt ấy, lũ tù chúng tôi đã nhếch nhác, bẩn thỉu và bị coi rẻ lắm rồi. Tôi không làm chân gì trong buồng giam. Như các tù nhân khác, tôi thèm tắm, thèm nước lắm, nhất là vào mùa hè.

Luân làm chân xe sân, tôi thơm lây. Thi thoảng Luân xấp ướt khăn mặt, quẳng vào cho tôi lau. Vì công việc lau dọn, Luân được đi lại tự do từ trong nhà ra ngoài sân. Và được rửa mặt bất cứ lúc nào muốn. Cái khăn Luân đưa cho tôi rửa mặt, cũng là khăn của Luân. Nên không thể bị cho là phạm lỗi. Tôi rửa xuất của Luân chứ. Nhìn những gương mặt nhờ nhờ, bê bết mồ hôi dầu của mấy chục bạn tù, tôi thấy mình còn chút may mắn.

Cánh sĩ quan được tắm hàng ngày vào các buổi chiều. Một tuần được ba lần gội đầu. Nước và thời gian cũng nhiều gấp đôi cánh tù bình dân. Sĩ quan, là những tù có tiền. Nói chính xác, đám này thuộc diện có gia đình ở ngoài khá giả, và quan tâm đến “cô.” Ngay chỗ họ nằm cũng do gia đình lo lót, mua cho. Thuở tôi bị giam ở Trần Phú (2008 – 2009) mỗi xuất nằm trên sàn trung tâm () giá từ hai đến ba triệu đồng. Sàn đối diện rẻ hơn một chút, dao động từ một đến ba triệu, tùy vị trí. Chỗ nào gần quạt treo tường sẽ đắt tiền hơn. Mỗi sàn có một quạt treo tường. Bây giờ, mọi thứ đắt đỏ, chắc chỗ trong tù cũng đã lên giá.

Buổi tối, Luân thường sang chiếu tôi học chữ. Tất nhiên phải xin phép và buồng trưởng đồng ý mới được sang. Tôi chọn những nét chữ đậm nhất, to nhất trong tờ báo Nhân Dân, hoặc báo Hải Phòng để dạy Luân ghép vần. Tôi là thầy dạy chữ đầu tiên của Luân. Thầy dạy bất đắc dĩ. Vì Luân ước mong đứa con trai lớn sáu tuổi đi học lớp một, sẽ về dạy chữ cho mẹ. Nhưng ước mơ không thành. Vợ chồng Luân bị bắt khi thằng bé mới lên bốn, chưa đến tuổi học vỡ lòng. Đứa con gái út lên hai.

Không phải Luân dốt nát hay tối dạ nhưng học không vào vì mỗi khi đánh vần, Luân lại hình dung đứa bé ở nhà đang ê a tập đọc. Rồi khóc. Nước mắt chứa chan. Tôi cũng rơm rớm theo. Có khi tôi cáu, mắng Luân là hèn yếu. Thì cứ mắng bạn tù cho sướng miệng. Để khỏi phải thấy mình cũng mềm yếu.

– Em học để làm gì,  hả chị? Biết có ngày về không mà học?

Luân hỏi, buốt lòng bạn tù.

– Học để sau này lên trại viết thư về cho con. Sống là phải hy vọng, em ạ. Người ta còn hy vọng là còn cơ hội.

Nói xong câu ấy, tôi thấy ghét bản thân. Một lời khuyên sáo rỗng, lý thuyết. Cái miệng tôi khi ấy, hình như cứ điêu điêu.

Chữ gì Luân cũng đánh vần được, trừ chữ “Nghiên”, là tên tôi. Dạy mãi không nhớ. Tôi hậm hực trong lòng. Lẽ ra, Luân phải thuộc chữ ấy hơn bất cứ chữ gì tôi từng dạy chứ. Vì tôi cưu mang nó, dạy chữ cho nó, nhất là yêu thương và bênh vực nó. Hiền khô như Luân, nếu không có tôi, chỉ tổ suốt ngày bị mấy đứa xấu tính bắt nạt. Tôi thấy mình có quyền đòi hỏi Luân phải nhớ tên mình, đánh vần được tên mình như một sự biết ơn. Tất nhiên đòi hỏi đó tôi giấu trong lòng, không nói ra. Ý nghĩ ấy, chẳng có gì cao thượng. Tự tôi biết thế.

Học được ít hôm, Luân chán. Cơ bản thì Luân cũng đã nhận được hết mặt chữ và biết đánh vần, tuy hơi chậm. Không sang chiếu tôi học bài, Luân nằm nhà, hát. Toàn hát những bài tù. Rồi lại khóc. Ban ngày vẫn cười cười nói nói. Nhưng tối đến, nét mặt lại rầu rĩ. Luân làm nhiều người nẫu ruột theo. Không ít người mắng chửi nó. Người ta không thích đèo bồng thêm mỗi buồn của Luân khi đã gánh quá nặng nỗi buồn lo của bản thân mình.

Vì như thế là quá sức với người tù.

Sáng hôm ấy, Luân được gọi đi cung. Dễ đến hơn nửa năm Luân mới lại có lần đi cung.

Lúc về, chị em tù xúm lại hỏi. Luân khoe:

– Thằng điều tra viên bảo vụ của em không quá nghiêm trọng. Em có con nhỏ, lại không biết chữ nên có hy vọng được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Luân kể lại những gì “thằng điều tra” hứa hẹn. Kể một cách hồn nhiên. Và đầy hy vọng.

– Thế em có đọc lại bản cung trước khi ký không?

Tôi hỏi. Không riêng với Luân, ai đi cung về tôi cũng hỏi câu ấy.

– Nó đưa em mấy tờ giấy trắng bảo em ký sẵn rồi về ghi bản cung sau chị ạ. Vì khi ấy muộn rồi, viết không kịp.

Tôi sững người.

– Thế thì ăn cứt rồi em ạ. Sao ngu thế, hả em?

Chị Lan, cô Châu, chị Hà, cái Chuột xúm vào mắng nhiếc Luân. Luân, lúc này mới nhận ra mình ngu hơn ngày thường. Từ hôm ấy, nó càng rầu rĩ. Bản án tử hình hoặc chung thân lởn vởn trong đầu nó. Luân ít nói hẳn. Nhiều lúc cười rất giòn, rồi chảy nước mắt được ngay.

Không riêng Luân, nhiều người đi cung cũng được điều tra viên đưa cho tờ giấy trắng, gạ ký. Chẳng mấy ai đủ gan từ chối. Phần vì sợ, phần vì nhẹ dạ. Ký khống, coi như đã giúp kẻ tống giam mình quyết định số phận và sinh mạng mình. Nhiều bản án tử hình được tuyên dễ dàng từ những bản ký khống mà ra. Thế mới biết, trên đời to nhất, ghê gớm nhất là công an. Chứ không phải ông Trời. Dứt khoát là thế. Ông Trời không đoạt mạng ai. Công an đoạt mạng người dễ như ngồi bàn nhậu.

Gần Tết! Kể cũng lạ. Dù đã bị nhuốm mầu tù tội nhưng không khí rạo rực của những ngày giáp Tết — dù yếu ớt — vẫn len lỏi, vẫn cố chen chân vào chốn ngục tù. Lũ chúng tôi bỗng thấy mình cần yêu quý bạn tù hơn, hoặc ít ra là bớt ghét. Trước mắt là thế, cho cái Tết được vui. Rồi ra Giêng, ngày thường lại ghét nhau cũng được.

Tết, người nhà sẽ gửi nhiều quà hơn. Bánh chưng, thịt, giò, trứng, thêm gói kẹo đãi nhau. Đời tù thế là xôm.

Luân, và những người không gia đình như Luân đã quen với việc không có người thăm nom. Nên không còn trông ngóng. Không có cơ hội ngóng quà cho mình thì ngóng giúp bạn tù. Tôi không nhớ túi quà của tôi có những thứ gì. Nhưng Luân thì nhớ lắm. Từ ngày ăn chung, tôi không phải sắp đồ ăn lần nào. Luân làm hết.

Sáng 29 Tết.

– Nguyễn Thị Luân nhận quà!

Chẳng ai tin vào tai mình. Cánh tù sững lại mất mấy giây, hết nhìn buồng trưởng, lại nhìn sang Luân. Buồng trưởng dường như cũng đang còn ngạc nhiên. Mặc dù tờ phiếu lưu ký ghi rõ tên Luân và chị ta vừa đọc nguyên văn cái tên viết trong đó.

Luân lóng ngóng bê chiếc chậu nhựa ra nhận quà. Quà của ông bố chồng gửi. Còn gửi kèm hai trăm ngàn đồng trong sổ lưu ký nữa. Luân lại khóc. Nó tủi thân, cảm động, và thương bố. Ông bố chồng, ngoài sáu mươi tuổi nuôi hai cháu nội cho vợ chồng Luân ở tù. Hôm nay từ Bắc Giang lặn lội hơn một trăm cấy số đi gửi quà cho con dâu, sau mấy chục tháng Luân bị bắt.

Túi quà đột ngột của bố chồng, làm Luân mất toi xuất bánh chưng Tết của trại. Theo quy định, mỗi tù nhân không gia đình được một chiếc bánh chưng ngày tết. Đấy là “chính sách nhân đạo của đảng và nhà nước.”

Cho đỡ tủi. Cai tù giải thích thế.

Một túi quà và hai trăm ngàn đồng bỗng chốc biến Luân thành kẻ có gia đình sau hàng chục tháng bị bỏ bê, quên lãng. Xuất bánh trại bị thu hồi.

Sau ngày Luân bị đi “ép cung”, chẳng ai biết tin gì về Luân. Thi thoảng, lũ tù chúng tôi vẫn nhắc. Và ái ngại cho Luân. Ra tù được hơn một tháng, tôi vô tình gặp lại chị bạn cùng buồng giam thuở ấy. Chị bảo, Luân bị tử hình rồi. Hồi năm 2011. Tôi chết điếng người.

– Mấy tháng sau khi bị chuyển trại, nó được đưa về buồng cũ. Ra tòa xong, nó sang chỗ chị ở buồng Q1. () Bị cùm suốt mấy tháng. Rồi lại chuyển đi. Bà Minh () nói cho bọn chị biết tin Luân bị bắn mấy ngày sau đó.

Tôi mấp máy môi, nói không thành tiếng:

– Sao tử hình được? Sao bảo chồng nó nhận hết tội rồi mà? Chồng nó chủ mưu, chứ Luân có biết gì đâu.

– Chả biết bọn điều tra viên hứa hẹn thế nào. Nó vẫn tiếp tục ký khống. Nghĩ rằng cứ làm theo bọn điều tra viên sẽ được về sớm nuôi con. Thằng chồng chịu án hai mươi năm. Đẩy án tử cho vợ.

– Chị ơi! Chị có chắc Luân bị tử hình rồi không?

Tôi hỏi lại, vì không muốn tin những gì vừa nghe.

– Chắc chắn đấy em ạ. Bà Minh kể mà. Bả còn mua hương hoa để bọn chị cúng cho Luân. Bả ác, nhưng thương cái Luân.

Ôi Luân, người tù ngây thơ, trong sáng nhất mà tôi từng gặp. Đứa em tù khốn khổ của tôi.

Ở xa, nhớ về phù hộ cho hai đứa con, em nhé.

P.T.N.

(Còn tiếp)

Comments are closed.