Ở một chỗ cuối đời

Truyện Hoàng Nga

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Nguyễn Du

Cái làng nhỏ. Lúc tôi đến đang độ cuối thu. Trời dường như luôn luôn xám tối trên những hàng cây khuynh diệp bạc màu. Khi hắn chở tôi từ phi trường về, những vệt nắng đỏ cam nằm ngang chân trời nhìn thấy được từ phía xa xa dưới thung lũng, không đủ tạo thành một bình minh tươi tắn như một dấu hiệu báo trước ngày của tôi sẽ không vui.

Nhưng tôi tin sao được mình sẽ phải chịu đựng sự ảm đạm ở chốn có mặt hắn.

Cách đó mấy hôm hắn hỏi tôi có thể chấp nhận được cái cô quạnh của đất trời ở một nơi hẻo lánh, xa phố thị hay không. Tôi nói để xem sao. Tôi không muốn nói, hắn đâu biết đã có những tháng ngày rất dài, tôi nằm trong một xó rừng heo hút, quạnh quẽ đếm thời gian trôi qua trong nỗi cùng khủng, bàng hoàng. Lúc ấy tôi vừa giã từ tuổi mười tám. Lúc gia đình tôi, cũng như rất nhiều gia đình miền nam khác, vừa giã từ đời sống nhàn nhã, thảnh thơi. Chúng tôi đã phải vào rừng, cho hợp thời, hợp cảnh. Hắn không biết, tôi đã vào ra giữa những vạt bắp, vạt cà, gặm nhấm nỗi đắng cay bị hất ra khỏi trường học, bị hất vào trong xó tối của cuộc đời ở vào cái độ tuổi tràn đầy sức sống, tràn đầy ước mơ, và hoài bão.

Tôi không kể, vì tôi nghĩ hắn không thể tưởng tượng được những bóng đêm của đời sống thuở ấy kinh hoàng đến độ nào. Hắn có nói một lần qua điện thoại, rằng gia đình và những người em gái của hắn cũng phải trải qua những buồn thảm tương tự như vậy. Tôi không muốn hắn nghĩ tôi thê lương hóa cuộc đời. Đoạn trường ấy, hắn chưa từng qua.

Tôi trả lời với hắn tôi sẽ xem sao, bởi tôi không đoán được nơi hắn ở cô quạnh đến mức độ nào. Và tôi cũng không đoán ra được hắn sẽ cư xử với tôi ra sao. Thật lòng, tôi đâu biết gì nhiều về hắn. Bạn tôi hỏi tôi có muốn quen với hắn hai, ba năm về trước, giữa lúc tôi đang phân vân chưa biết có nên vất bỏ một mối tình hay không. Vì vậy tôi đã trả lời cũng cách ỡm ờ, để xem sao. Bạn tôi thuyết phục, không “gì”, có thêm bạn cũng vui vậy. Thấy bạn tôi có lý, tôi trao đổi thư từ với hắn. Gọi điện thoại. Nhưng thật lòng mà nói, ngay từ hôm đó tôi đã suýt phát rồ vì cái giọng điệu của hắn qua điện thoại. Tôi nghĩ chắc đến chết tôi cũng sẽ không bao giờ quên kiểu cách hỏi chuyện như công an hỏi cung ấy. Tôi đã bàng hoàng đến mức độ sau khi chấm dứt cuộc điện đàm, tôi phải gọi ngay cho bạn, bảo hình như xa nhà lâu, con người ta hết nói chuyện hay ho với nhau được! Bạn tôi cười.

Quen hắn vậy. Rồi thôi. Trao đổi thêm vài ba cái thư. Vài tháng sau thì phải, tôi nghe hắn nói sắp lấy vợ. Lúc ấy tôi vẫn chưa chia tay được với mối tình của mình, chỉ vì đơn giản ở xa, có hay không có một người cũng chẳng hề hấn, ảnh hưởng gì mấy đến cuộc sống riêng tư của tôi. Hằng ngày muốn hay không, có một người gọi là người yêu nhưng không gần trong gang tấc, tôi vẫn phải hai buổi đi về giữa thời tiết trái khuấy, con người trái khuấy, ngôn ngữ trái khuấy. Tôi vẫn phải bôn ba chống đỡ với buồn vui chung quanh. Và vẫn tự do được làm bất cứ chuyện gì mà không bị hạch hỏi, hay thắc mắc…

Quen, không “gì”, mà cũng chẳng bạn, nhưng sau đó tôi và hắn không hiểu sao thỉnh thoảng vẫn viết cho nhau vài ba chữ. Thăm hỏi. Lúc hắn sắp cưới vợ, giọng thư hắn có vẻ vui vẻ, hân hoan gấp nhiều lần hơn. Tôi nói với bạn, tôi mừng cho hắn. Và hơi ngạc nhiên tự hỏi, ở độ tuổi hắn, không biết hắn lấy đâu ra năng lực để yêu đương đã đành, mà còn định đi thêm một bước ràng buộc. Hắn khoe với tôi, không chừng anh sẽ nuôi con mọn. Tôi và bạn tôi cười với nhau, ba đứa con vẫn còn rất thơ, chưa đủ để hắn sợ thì hắn đáng được gắn huân chương anh hùng.

Tưởng như vậy, tôi với hắn sẽ không bao giờ có dịp gặp nhau, dẫu tôi vẫn nghĩ tôi sẽ trở về nơi này, phần đất phía nam cực. Tôi vốn vừa sợ cái trò quen nhau qua vi thư, điện thoại, và gặp nhau để vỡ mộng, vừa thấy cũng chẳng có lý do gì để tôi và hắn gặp nhau. Tôi nhớ hình như tôi có kể cho hắn nghe, tôi từng yêu một người chưa hề gặp, từng hớn hở xách valise vượt mười ngàn cây số để sau đó không chỉ vỡ mộng mà còn muốn vỡ cả mặt vì tức giận. Tôi đã ốm một trận liệt giường sau khi tôi gặp người ấy – cái con người làm cho tôi những bài thơ, những đoản văn thật nồng nàn. Tôi cũng làm thơ, nhưng tôi cay đắng, “Tôi nằm với vạn lời thề… Chết, tôi một cõi, không về cõi ai.

Ba mươi mấy tuổi, tôi u mê. Và vì tôi yêu thật, nên tôi bươn bả đi tìm nguồn hạnh phúc. Không có, tôi đớn đau. Nhiều năm sau vẫn đớn đau, nhưng những lúc nghĩ lại, tôi vui hơn buồn vì biết có những đoạn đời tôi từng dám sống cho chính mình.

Tôi không nghĩ năm mươi tuổi, không yêu, không mơ và không chờ đợi, tôi vẫn u mê. Vẫn chưa nhận ra rằng chẳng có có dại nào giống cái dại nào. Và chẳng có bài học đời nào không được trả bằng nước mắt và đớn đau.

Tôi khăn gói đi thăm hắn theo lời hắn mời. Trong hai ba cái vi thư, hắn nói hắn sắp đi xa, chỉ có khoảng thời gian ngắn để gặp tôi. Tôi hẹn lại sang cuối đông. Hắn bảo tùy tôi, nhưng sau nhiều đêm nói chuyện đằm thắm, tôi bỗng quên mất cái cách “hỏi cung” của hắn mấy năm trước. Tôi vui vẻ nhận vé máy bay hắn mua cho tôi và rời thành phố vào một buổi sớm tinh mơ. Tôi nói đùa với người bạn tôi đang ở trọ, cũng có khi tôi ở lại luôn không về. Bạn tôi cười, bảo đúng, vì cảnh phố xá thị thành đâu có hợp với con người của chị.

Cảnh phố xá thị thành, chen chúc quán hàng, người và xe như cá hộp tôi bỏ lại sau lưng sau mười mấy năm bắt buộc phải sống để nuôi con, tôi đang chờ đợi ngày hưu trí ở một tiểu bang rất nhỏ miền trung Hoa Kỳ. Tôi vừa ở đó ba tháng. Vui với rừng núi bạt ngàn và đồi dốc thênh thang. Vui với cả cái vắng vẻ u tịch không tiếng người, không tiếng còi xe nơi ấy.

Nên vì vậy, cái làng nhỏ hắn sống, mang máng giống như những ngôi làng Âu châu tôi từng qua, không đủ quạnh hiu để làm tôi sợ. Cảnh chiều chiều ngồi ngắm đàn chim bay về núi, nghe tiếng quạ kêu trong sương mù, hay những đêm một mình với lào xào gió rít, tôi đã từng trải qua nhiều năm. Có người đã hỏi tôi tại sao tôi khộng tự tử vào những thời điểm ấy.

Cái làng nhỏ buồn, buồn đến cách mấy đi chăng nữa, hẳn cũng không thể nào giết nổi được tôi. Cả thời gian nhàm chán cũng không làm tôi khổ sở. Tôi kể cho hắn nghe tôi đã đi ra đi vào, đi tới đi lui không làm gì trong nhiều tháng liền. Hắn không biết ngày xưa tôi gần như bị nhốt trong một căn nhà ven chân núi, ngày ngày không hề nghe một tiếng chân người, tiếng động cơ xe. Cái ngày, tôi còn không biết nói cái thứ tiếng thiên hạ đang sử dụng chung quanh mình. Ngày tôi còn không có được vài xu lẻ để gửi một cái thư về cố quốc.

Vậy đó mà tôi vẫn sống. Vẫn còn làm thơ được. Vẫn còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay. Nên huống gì ở đây, tôi đi bộ một mạch từ nhà ra đến trung tâm làng không hề lạc. Tôi còn bán mua. Uống cà phê. dạo cảnh. Còn biết cả những tên đường hắn không để ý dẫu ở đây đã nhiều năm.

Hôm tôi mới đến, hắn nói với tôi, nhà thờ của em đây, khi chỉ cho tôi thấy ngôi nhà thờ Presbytrian cổ, nằm ngay ngả tư. Hắn chắc không nghĩ ra ngày hôm sau tôi đã ra đến đấy, định rẽ vào xem lễ một mình nhưng giờ thờ phượng đã chấm dứt. Lần nữa, tôi không muốn nói với hắn, tôi có thể chịu đựng bất cứ nỗi buồn bã, vàng vọt nào có thể xảy ra trong đời sống mình.

Tôi chỉ chịu không nổi hắn.

Tôi lặn lội đi thăm hắn. Với tất cả những tình cảm nồng nàn nhất có thể dành cho một con người. Hắn gụi gần. Thân thiết. Và dễ yêu qua cách giới thiệu con cái mình với tôi. Qua những bộc bạch, những thố lộ chân tình. Cái biên giới giữa hắn và tôi chừng như không còn khi hắn kể và nói cho tôi nghe về những ray rứt lẫn xót xa trong cuộc đời của hắn.

Tôi cứ nghĩ đó là sự đồng cảm. Tôi những tưởng, là tương ứng. Khi hắn nói với tôi, hắn cần thư giãn, là lúc hắn đang chúi mũi đọc một bài báo nhức đầu. Hắn đã đưa cho tôi xem một bài báo chính trị. Chính trị của cái xứ mà dễ chừng đến năm, mười năm nữa tôi mới có thể tới để định cư. Tôi đọc xong, trả lại cho hắn. Thấy như mình vừa nuốt xong bát cơm có thóc. Tôi nói thật tôi không hiểu nhiều về tình hình chính trị nước ấy. Hắn có vẻ bực vì vừa làm theo lời yêu cầu của tôi, giới thiệu cho tôi những gì hắn đang đọc, nhưng tôi chẳng cảm nhận ra điều gì cả.

Mà điều tôi không cảm nhận được, là do trời sinh tôi ra để làm văn chương chứ không làm báo như hắn, chứ có phải lỗi tại tôi đâu! Hắn bực, tôi càng bực hơn. Tôi lườm hắn từ phía sau lưng, hỏi hắn đã mời tôi lên đây để làm gì. Hắn nói vacation. Tôi đáp tôi đang thất nghiệp, ở dưới kia cũng coi như tôi đang vacation. Hắn nói hắn nghĩ khung cảnh nơi đây làm tôi viết lách dễ hơn nên hắn mời tôi đi.

Đã đành tôi yêu văn chương, tôi nợ nần văn chương, nhưng tôi cũng từng viết trong những khung cảnh ồn ào, bát nháo và hỗn loạn chung quanh. Tôi có thể viết trên toa xe lửa, lúc ngồi chờ máy bay, chờ khách đến hàng ăn. Và thậm chí viết cả trong toilet nếu cần phải ghi ra một ý tưởng nào đó thoáng hiện trong đầu. Tôi viết văn tiếng Việt, không hề nhận đồng nhuận bút nào. Tôi tưởng hắn biết cuộc đời đâu có dành cho văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại những căn phòng, những bàn viết, những cảnh trí và thù lao tối thiểu khả dĩ có thể ngồi không để làm chuyện văn chương.

Tôi nói đi thăm hắn vì thấy hắn ấm áp. Hắn nói hắn vẫn như thế này từ xưa. Hắn nói thêm, anh đã bảo em nên đem theo sách vở, tài liệu viết lách và gì gì đó cần thiết để làm việc của mình. Tôi nghĩ, giá mà tôi đủ can đảm thêm một chút nữa, chắc tôi đã giết hắn rồi. Hằng ngày hắn đi làm, tôi đã tự biết cách để làm thì giờ không rỗng, bởi tôi đâu phải là kẻ chỉ ngồi chờ người khác đem niềm vui đến cho mình. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ của đất trời, tôi đâu cần hắn phải dành cho tôi một nửa, hay thậm chí một phần tư, một phần tám. Tôi chỉ cần năm, mười phút của một hắn như tôi đã từng nhìn thấy.

Tôi giận hắn tràn hông. Tôi muốn gào lên với hắn, rằng trước khi tôi có mặt ở nhà hắn, hắn chỉ nói với tôi, “Ban ngày anh đi làm…”. Ban ngày hắn đi làm, tôi vui vẻ đi tới đi lui, đi qua đi về. Hắn giao nhà hắn cho tôi cách tin tưởng. Tôi muốn làm gì trong cái chốn trú ẩn của hắn cũng được. Miễn đồ đạc nào lấy ra, phải để đúng lại vị trí cũ để hắn khỏi mất công đi tìm sau này. Có vài trục trặc nhỏ, nhưng tôi chỉnh đốn được ngay.

Cái hằng ngày, ban ngày, tôi phải thề là tôi không hề có điều gì để than vãn. Nhưng trời đất ạ, qua cái ban ngày ấy, khi ló mặt về đến nhà, tôi là khách, mà hắn cũng coi như không hề có mặt tôi trên cõi đời này. Sau câu hỏi, em ngày này thế nào, là hắn bắt đầu như quên mất tôi. Hắn tới lui làm việc. Ăn uống. Rồi ngồi vào bàn viết. Bỏ mặc tôi chầu rìa phía sau lưng. Thật lòng không ai có thể tưởng tượng nổi tôi có mặt ở nhà hắn chỉ để… coi ti vi. Chỗ tôi ở, ti vi còn to lớn và nhiều đài gấp mấy lần so với nhà hắn. Còn có cả karaoke nếu như tôi muốn cái trò vớ vẩn ấy.

Hắn điên. Tôi phone về cho bạn tôi, nói vậy. Bạn tôi bảo hắn nhiều việc quá. Hắn ôm đồm hằng trăm thứ việc. Công việc ở sở trong tư cách tổng giám đốc chưa đủ làm hắn xanh mặt, một nách ba con, mỗi tuần hắn tha về nhà chăm sóc. Từ đứa lớn đến đứa bé, từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Nhắc đứa này học bài, đứa kia đọc sách, đứa nọ tắm rửa. Hắn còn nấu nướng mỗi tuần. Mỗi ngày. Tôi thật sự chóng mặt khi thấy hắn đi qua đi về giữa những bận bịu. Và càng chóng mặt nhức đầu hơn khi tôi đòi phụ hắn rửa cái bát, thái miếng rau thì hắn lại không cho.

Trong đời tôi, tôi từng gặp nhiều người đàn ông quái đản, nhưng chắc có lẽ hắn là người quái đản hơn hết thì phải. Bạn tôi bảo đừng cau có với anh ấy. Tôi la làng tôi có muốn làm vợ hiền hay người yêu bé bỏng của hắn gì cho cam. Cũng không muốn chứng tỏ tôi đảm đang phụ nữ. Và cũng chẳng yêu cần hắn làm điều gì đặc biệt cho mình.

Tôi chỉ muốn hắn lột bỏ bộ mặt trơ trơ như nước đá một cách cố ý ấy xuống. Tôi nói với bạn, giá mà tôi dám đánh nhau với hắn, tôi sẽ làm ngay. Bạn tôi bật cười.

Hắn, cái người đàn ông mà tôi định bụng trước ngày giã từ, tôi sẽ quát lên rằng tôi thù ghét cái thái độ, căm giận cái hành vi cư xử của hắn như chưa bao giờ thù ghét ai đến độ ấy. Một buổi chiều – sau một đêm bỏ tôi đi biền biệt không hề nói mình sẽ ở lại văn phòng làm tôi sốt vó không cách gì chợp mắt – hắn lóc nhóc dẫn con cái về nhà. Mặt hắn rỡ ràng hẳn lên trong tiếng lao xao chộn rộn của bầy con nít. Hắn cười với tôi, khỏe không em. Tôi đáp khỏe. Tôi không muốn đưa bộ mặt thảm sầu của mình ra trước đám nhóc, nên tôi theo hắn lên nhà. Bắt chuyện với con hắn. Và xem con hắn chơi game.

Tôi nghĩ bụng nếu như tôi không tìm thấy chút… tình người ở những khuôn mặt rất ngây thơ và dễ thương này, chắc có lẽ về đến nhà, tôi sẽ vào nhà thương điên ngay. Tôi ngồi im thu chân lên ghế, nghe con hắn chuyện trò đối đáp với nhau. Những câu chuyện ngây ngô, những cãi cọ hết sức trẻ con nhưng làm tôi vui. Tôi chăm chú quan sát từng đứa. Thử đoán tính tình, sở thích của từng đứa. Lòng tôi nhẹ nhàng hẳn ra.

Tôi đã ngồi im, lắng nghe. Và vui theo đám nhóc. Nhưng một lát, chạnh lòng, tôi bỗng sực nhớ đến thời kỳ chồng tôi mới vừa bỏ nhà, lủi thủi chỉ hai mẹ con với nhau. Tim tôi nhói lên xót xa. Nghĩ ngồi lâu chắc tôi ứa nước mắt ra mất nên tôi đứng dậy. Lúc ra đến phòng ăn, thấy hắn, tôi chớp mắt quay đi.

Ngày hôm sau tôi lại bình tĩnh xuống làng. Mua sắm. Chợ búa. Khi ra về, tôi không chọn con đường nhiều cây sồi và phong lá đỏ mà tôi rất thích nữa, nhưng ngang qua đường dẫn về trường học. Từ đó. Lên nhà hắn, dốc cao.

Tôi tản bộ dưới những hàng cây vàng võ lá. Nghĩ đời con người ở độ tuổi của mình chừng cũng sắp sửa võ vàng. Tôi đã xong những bổn phận với con cái mình. Đã không còn những chiều, những đêm thấp thỏm đợi con về. Không còn những lắng lo kinh hãi khi con đang đứng trước tuổi thành niên đầy dẫy cám dỗ. Không còn phải phập phồng sợ hãi đường đi chông gai con khờ dại không thể chống chỏi đến cùng. Cũng không còn cả nỗi sợ bất ngờ mình ngã bịnh hay qua đời giữa lúc con chưa đủ kinh nghiệm để tự nuôi lấy bản thân.

Dốc cao, tôi nghĩ đến con đường đời cao chất ngất mỗi con người phải dấn bước. Bất chợt tôi nghĩ đến hắn. Nghĩ đến những tháng năm trước mặt còn dài thênh thang của hắn, và nghĩ đến cái hạnh phúc của chính mình đã được cùng đi với con qua các nẻo khốn khó nhất của con.

Khe khẽ trong tôi nỗi lao chao hiện ra. Đoạn trường ai có qua cầu… Tôi bùi ngùi bước. Không để ý trước mặt tôi có đứa bé đứng chờ. Vẫy tay. Đến khi nghe tiếng gọi tên mình, nhìn thấy cái bóng dáng bé bỏng, mái tóc vờn bay trong gió chiều dưới hàng cây, tôi cảm động. Nước mắt tôi chảy ra. Ngày rời Âu châu, tôi từng cám ơn những đứa bé tôi chăm sóc trong nhà thờ đã cho tôi cái cảm giác được làm mẹ lần nữa khi con tôi không còn ở cạnh mình.

Tôi hớn hở vẫy tay lại và chạy lên con dốc. Dốc cao. Lá đổ. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Tôi nhớ đến câu thơ. Nhớ mái tóc lấm chấm những sợi bạc của hắn. Rồi tôi nhớ đến giọng cười ngọt ngào của hắn lúc hắn chơi đùa với con. Nhớ tới ước mơ một thời của mình về một mái ấm, nhớ hắn từng buồn bã hỏi không hiểu sao hắn không thể được hưởng những thứ hạnh phúc bình thường như vậy.

Và tôi cũng nhớ hắn từng cười với mình bằng một giọng cười rất dễ thương như thế trong điện thoại…

Gió se lạnh trên bàn tay tôi khi tôi cầm tay con hắn. Lòng bàn tay con bé ấm như có sưởi. Tôi lặng người tự hỏi, không biết khi hắn đưa tôi ra phi trường, tôi có dám nói là tôi ghét hắn, hay sẽ bảo thỉnh thoảng nhớ liên lạc với mình.

Comments are closed.