Phố vẫn gió (kỳ 3)

Lê Minh Hà

Bao nhiêu đất trống trồng toàn chuối trong khu là nơi chúng tôi chui ra chui vào trốn tìm, đào dế, chôn giun, gây chiến với bọn trẻ con trong mấy khu tập thể lân cận lần hồi người ta chiếm hết lúc nào không biết. Nhưng khu vực đầu tiên bị khai phá lại là hầm trú ẩn công cộng thù lù một dãy ở sân sau. Đôi ba ông bà khôn ngoan chiếm ngay cái cửa hầm, đánh lấn sang hai bên, biến thành kho thành bếp cho gia đình. Khỏi nói tuyệt thế nào nếu được chui vào một cái bếp như thế của nhà đứa bạn. Mái hầm cong cong đổ bê tông chặn mọi tiếng động ở trên nóc. Sàn hầm quét sạch bong, tỏa mùi đất âm âm lành lạnh, và bóng tối phủ lên tất cả sự bí hiểm không hề đáng sợ như khi phải chui vào đó lúc còi báo động hú. Tôi đã trải cảnh đó khi thành phố ban lệnh triệt để sơ tán, ngày một ngày hai bạn bè vãn cả, chị tôi cũng phải theo cơ quan của mẹ đi, mỗi tôi mẹ giữ lại để theo nốt quá trình trị liệu. Một cái cửa hầm thênh thang không có ai chui cùng vào thời điểm trước khi Khâm Thiên bị B52 rải thảm là nơi tôi mười tuổi lần đầu tiên biết tới „Chiến tranh và hòa bình“ và lần đầu tiên biết mình sẽ yêu một người đàn ông như thế nào: Andrei Bonconski, với tất cả những dằn vặt nội tâm cao cả mà dĩ nhiên lúc đó tôi chưa hiểu nổi. Nhưng khi tôi biết chàng, những cái hầm công cộng đang đóng đúng vai trò lịch sử của nó, thông thoáng, gió tha hồ thốc từ đầu này tới đầu kia, khi bom oanh tạc ở Vĩnh Tuy thì gió mạnh đến nỗi hất tôi ngã ngửa cùng cả đống sách bi đông nước bát xôi mẹ mua cho ở bà hàng bám cửa chợ Đức Viên. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn bị cái cảm giác khi một mình ngồi đọc sách nhờ ánh sáng từ cửa hầm làm cho ngơ ngẩn. Đấy là nỗi hoang mang giữa một thành phố không có bóng trẻ con của một đứa trẻ sống trong chiến tranh mà không hiểu gì về bi kịch chiến tranh cũng như hòa bình, lơ mơ nghĩ tới tình yêu mà không hiểu những hệ lụy đau đớn của nó.

Nhưng tôi hiểu bằng tất cả bản năng của một đứa trẻ cuộc sống nhọc nhằn của hầu hết các gia đình trong khu tập thể với tôi. Sát nhà tôi là nhà bác Phong Thư. Hai bác nói tiếng Nghệ An nhưng không có vẻ gì nhà quê chân lấm tay bùn. Bà mẹ già sống cùng con trai dáng cao gầy, có cái vẻ gì đó khá giống với bà Thái Hằng toát ra từ lời ăn tiếng nói tới dáng đi dáng đứng. Bà không làm việc nhà bao giờ, chỉ nói thôi mà mấy thằng cháu trai đầu mấu nghe răm rắp cũng xách nước lau nhà xếp gạch cửa hàng gạo cửa hàng rau mậu dịch y hệt chúng tôi. Hàng xóm xì xào rằng nhà bác Phong là địa chủ, bác Phong làm công tác ở xã suýt bị bắt đấu tố và chính bà cụ là người chỉ đạo con dâu thu vén con cái chạy ra Hà Nội. Chắc bà cụ cũng nhặt nhạnh được ít vàng mang theo nên hồi đầu khi phần lớn các nhà đến bữa còn vác cặp lồng với bát đũa ra nhà ăn tập thể, nhìn vào cái rổ rau rá gạo con cá miếng thịt nhà bác rửa ở máy nước công cộng thấy tươm tất lắm. Trừ chỗ ăn ở thì nhà bác cũng giống nhiều nhà. Năm con một gái bốn trai cộng với một bà mẹ già dồn vào trong một căn phòng bé. Nhà bác đi tiên phong đục tường làm gác xép. Đầu tiên định để làm chỗ kín đáo riêng cho con gái và bà mẹ già. Nhưng bà cụ già yếu, để leo cầu thang nhỡ bà ngã thì oan gia. Một mình chị Thúy một gác xép chỉ ngồi mà lê chứ không đứng được dù khom lưng thì quá rộng. Kết quả là bốn ông con trai lộc ngộc được đẩy lên đó ngủ. Bà nội và cháu gái nằm chung cái giường mét tư duy nhất của nhà. Vợ chồng bác Phong nằm đất. Khi tôi vào học cùng với Béo ở cấp hai thì bà cụ bắt đầu lẫn lộn. Mẹ chị Thúy suốt ngày mặt mũi càu cạu và mỗi lần nghe trẻ con trong tầng mách chuyện mẹ chồng mua bánh giò ăn vụng là y như nhà bác ầm ĩ. Các nhà khác cũng ầm ĩ vì bà cụ cứ nửa đêm là dậy đi đái. Chẳng biết lẫn lộn thế nào, nhà vệ sinh cụ không vào mà cứ cửa từng nhà cụ lần lượt vạch quần tồ cho một bãi khai mù. Cho đến cái ngày cụ không tè mà ị giữa hành lang rồi ngã uỵch tại chỗ thì mọi sự kết thúc vì sau đó cụ nằm liệt. Thời gian bà cụ ốm thì mẹ tôi dường như vẫn khoẻ. Đánh đùng một cái mẹ mất, ngay năm đầu tiên sau 1975 trước cả bà cụ già nhà hàng xóm liệt giường liệt chiếu. Đêm mùa hè mất điện sau ngày đưa tang mẹ tôi nằm nhìn sao hứng gió thổi từ bên đê nghe tiếng bà cụ kêu rất to, giọng Nghệ tràn đầy nội lực „giời ơi sao tôi khổ thế này ông ơi ông sao ông để tôi khổ sở bao nhiêu năm thế này ông ơi ông ơi“, từng lúc một giọng Nghệ khác rền rĩ „giời ơi“. Đấy là giọng bác Thư con dâu bà cụ mẹ chị Thúy. Bác Phong thỉnh thoảng lại an ủi mẹ già. Qua khung cửa sổ mở rộng của hai nhà nghe rõ bác hứa khi nào tìm được mộ cha thì cải mộ mẹ sẽ đưa mẹ về quê. Sau nỗi ngạc nhiên vì hóa ra người già khụ cũng có chồng và tại sao bà đang lẫn mà kêu y như người tỉnh thì tôi sợ. Nỗi sợ tấy dần như một khối u từ ngày mẹ mất. Có phải cuối đời con người ai cũng sẽ khốn khổ thế này không? Mẹ sống trong một căn phòng tập thể mơ về một ngôi nhà không bao giờ trở lại được. Bà cụ hàng xóm nhớ một khoảnh ruộng đã chôn chồng. Bà mất sau mẹ tôi có mười một hôm, vào đúng 19.5 năm 1976, khi Hà Nội hồ hởi phấn khởi kỉ niệm một năm tiến vào Sài Gòn. Khi con cháu vừa gào lên hờ „bà ơi bà ơi“ thì có tin về là chị Thúy vừa sinh con trai ở nhà hộ sinh A trên phố Ngô Quyền và thằng bé được đặt tên là Nguyễn Tất Thành. Còn nhớ cả tầng xôn xao mừng rỡ ngay trong đám tang bà cụ. Vì chị Thúy đẹp nõn ngoan nõn lấy chồng nhà tử tế mà mãi mới có con. Vì chuyện tử nối sinh ngay trong một nhà tưởng chỉ nghe nói hóa ra là thật. Và nhiều nhất vì thằng bé mang tên Tất Thành. Không hiểu sao vợ chồng chị làm được khai sinh cho thằng bé. Tôi đồ rằng ông bà cán bộ phường nào kí cái giấy đó không kịp nhớ ra cái tên này lúc đó phải coi là tên húy trên phạm vi toàn quốc. Khi đó tôi còn chưa biết đấy vẫn chưa phải là những ngày nhọc nhằn buồn khổ nhất của thời sau chiến.

Bà cụ mất, tự dưng ông con là bác Phong hung hăng hẳn. Bác chẳng nói chẳng rằng xin về một đống phế liệu từ gỗ tạp tới sắt vụn chất ở góc sân chung sau dãy nhà của tôi. Rồi bác huy động bốn thằng con giai đang tuổi lớn ra chặt chuối, san đất, dựng một cái lều lớn và dùng sắt phế liệu quây thêm một khoảnh đất rộng rào dậu kín mít. Cho đến giờ tôi vẫn hình dung rõ cái hàng rào đó, làm từ những tấm sắt dát mỏng đã đột dập thành ngòi bút. Nhà bác cố thủ đằng sau hàng nghìn hàng vạn những hình ngòi bút rỗng chĩa lên trời. Gà nhà ai tăng gia mà vô phúc vướng vào cái hàng rào đó thì chỉ còn cách gỡ ra mà cho tắm nước sôi. Nhưng không ai dám động vào gia đình vốn có những ngày sống vô cùng kín đáo này. Đám cán bộ phòng hành chính lượn vè vè dưới sân ngày bác Phong khởi công xây lều cũng không dám. Bốn thằng con giai nhà bác có cái vẻ gì đó không hề hung hãn nhưng làm ai cũng ngài ngại. Ngại nhất là nhà bác Phong thỉnh thoảng có khách đi Lada trắng, có cả Vonga đen bóng, xe dừng là lái xe xuống trước chứ không phải thờ ơ ngồi sau vô lăng chờ khách trả tiền rồi tự nhòm trước nhòm sau mở cửa thò chân xuống như tài xế taxi bây giờ.

Từ sau hàng rào nhà bác Phong, những cây chuối mới trồng nhô lên, lá non cuốn rồi mở, xanh nhạt rồi chuyển màu sẫm, rồi trổ buồng. Đến cái lúc buồng chuối nghiêng làm cái hàng rào sắt vụn lệch đi thì nhiều gia đình đã học và làm theo bác Phong, kịp chiếm giữ những góc những xó khuất nẻo khác trong khu tập thể, dựng lều làm bếp, quây chuồng nuôi lợn nuôi gà. Mà hình như dân mấy khu tập thể kề bên cũng có phong trào này nên lang thang ra những xó xỉnh đó chẳng còn gì thú vị. Mùi đất nhão vì nước đọng, mùi phân gà phân lợn tanh lòm, thối inh. Cái mùi này ở thành phố rất khác ở nhà quê, nó chẳng gợi cái gì cả ngoài nỗi khó chịu, khó chịu vì đời sống chẳng ra quê chẳng ra tỉnh, chẳng ra kiểu gì, tóm lại. Rồi tất cả sẽ quen thôi, cũng như quen với sự gà lợn không ở chuồng thấp mà tót lên các tầng cao sống chung với người vào mấy năm sau đó. Thật còn cực hơn bà con dân tộc thưa người miền tây bắc ở nhà sàn hơn trâu bò gà lợn một tầm cao bằng cái thân cây gỗ đẽo vát dựng ngược. Sau này theo nhau đi lên đó ngủ nhà sàn uống nước khoáng ăn cơm lam, đã có lần tôi nghĩ tới sự có tiền mua hẳn một cầu thang nhà lắp ghép năm tầng, kê vào các phòng đồ gỗ thời bao cấp, kiếm cái thùng phi cũ đựng nước và trong toilett mỗi căn hộ thả con lợn choai hay đặt cái chuồng gà nhép, kết hợp với dăm ba quán ăn bán toàn món nhà nghèo mua bằng tem phiếu sẽ đặt in để biến thành một chuỗi nhà nghỉ. Đặt cho nó cái tên „Trở lại với thời gian“ hay „Thương thế ngày xưa“ cũng được đấy nhỉ? Cứ nghĩ mà xem, người ta xếp hàng rồng rắn đi xem triển lãm thời bao cấp, phập phồng cảm động khi xem lại một đoạn phim có cái tàu điện người đeo bám ngoài cửa từng chùm như dâu da xoan chạy lạch xạch trên nền nhạc bài gì đó có câu „Hà Nội ơi một trái tim hồng“, triển lãm hội họa xếp đặt với đủ kiểu đồ sắt đồ gỗ của cái thời đó thì ý tưởng kinh doanh của tôi không dở. Chỉ còn đang chưa có tiền.

Bảo sao tôi không thể không thích cái phong vị ở nhà Béo hay nhà Thái Hằng, không thử tính toán hộ bà vụ trưởng hàng xóm nhà Béo xem nên sử dụng cái diện tích bà trấn được ở hành lang chung với nhà nó như thế nào. Vào tay cư dân khu tập thể của tôi, chỗ đó kê chạn tốt. Bên chạn sẽ là cái thùng đựng bếp dầu. Bên bếp dầu là… Cho tới sát cửa ra vào nhà Béo. Không khốn khổ vì chật chội không thể hiểu chỉ thêm một không gian bằng gang tay đủ để xếp dép xếp guốc cũng hay ho như thế nào.
Nhà Thái Hằng không đến nỗi chật chội như ở khu tập thể của tôi. Dù gì thì cả đại gia đình còn một cái sân sau, một gian bếp mấy nhà họ hàng ruột thịt tha hồ quay mông vào nhau mà múa đũa ngay cả khi nấu ăn cùng một lúc, một nhà tắm và một nhà vệ sinh sạch sẽ không cần phải ý tứ ve vẩy mấy mẩu báo loanh quanh gần cửa chờ tới lượt mình như ở bất kì số nhà nào trên phố cổ hay khu tập thể đời đầu nào ở Hà Nội.
Thật sự thì cái bếp chung ở nhà Thái Hằng chẳng mấy khi đông người. Nhà nó và nhà thằng Bảo hình như nhòm nhau mà tính việc. Rất ít khi hai nhà nấu ăn chung cùng lúc. Ngày trước, lúc nhà nó mới có vẻn vẹn một phòng nấu xong hai chị em Thái Hằng bê lên gác, đặt mâm thẳng lên sàn bên cạnh cái giường nhét đủ thứ tam toạng dưới gầm. Ai đi vào hai căn phòng của nhà thằng Bảo cũng phải rê chân đi ngang mâm cơm nhà nó. Sau, bố nó xin phép bà nó gọi thợ đục tường làm một cái gác lửng. Tiện hơn gác xép mà các gia đình trong khu tập thể của tôi làm theo gương tiên phong của nhà bác Phong Thư. Vì đàn bà con gái đứng được, kê được cái giường lùn, cái tủ cái giá sách nhỡ. Có cái gác, nhà Thái Hằng ăn cơm trên giường, kéo hờ cái ri do vải phin hoa quê mùa nhưng khi đó không hề rẻ tiền, ai đi ngang coi như không thấy. Mẹ thằng Bảo cứ hay có kiểu nhìn bêu riếu mâm cơm nhà nó chứ tình thực sang gấp mấy lần mâm cơm của phần lớn các gia đình công nhân trong khu tôi. Dù gì bố mẹ nó cũng giáo viên cấp hai, chị nó sinh viên có học bổng ít nhất cũng được nửa miệng ăn theo thời giá. Sinh viên nhà làm nông thì ngần ấy đã là nhiều. Ăn cơm nguội với Thái Hằng xong rồi leo lên gác lửng đọc „Mười ngày“ của Bocaccio in roneo giáo trình Đại học Sư phạm của chị Thái Hoàn, nghe tiếng động phía cửa nhà Bảo thì ghé mắt nhòm một cái chuẩn bị cho tim đập mạnh nếu thấy nó, mà chưa hiểu nên không thèm tự thẹn vì những „Chim họa mi“ của cái ông người Ý sống từ thời tám hoánh nào, chuyện này xảy ra hồi tôi mười sáu và đến giờ hơn ba mươi năm qua rồi còn thỉnh thoảng thấy nóng mặt. Công nhận ngày đó bọn tôi ngây ngô thật, chả được như ranh con bây giờ. Không biết nếu ngày đó không có chuyện người ta rình bắt những cặp gái trai ngồi một chỗ mà chân tay xê dịch vặt và các phòng nạo phá thai biển quảng cáo giăng san sát làm thành hẳn phố mới như bây giờ thì bọn tôi có cam lòng ngoan thế không. Tuy nhiên, dù sao thì bọn tôi ngây thơ không đúng tuổi nhưng ngoan thật.

Nên rung rinh trước Bảo mà tôi giấu kĩ đến nỗi nếu không ngồi kể ra thế này Thái Hằng không thể biết. Mà nếu nó không đọc tôi thì nó cũng vẫn không thể biết. Dù sao thì chúng tôi cũng đã già rồi và Bảo cũng mất lâu rồi. Thằng Bảo chết có quyền biết điều thằng Bảo sống không biết là tôi mê nó. Nếu những cảm xúc được tính là tình yêu đầu đời phải trong văn vắt thế thì tôi đã yêu cùng một lúc hai người: Bảo và bác Khánh. Chỉ đơn giản là thấy tất cả những gì bao quanh họ đều nhóng nhánh. Bảo thư sinh da trắng, Bảo nếp môi nhạy cảm như chỉ một giọng nói khác đi cũng làm nó tổn thương, mái tóc con trai tuổi đang lớn đen dày, vết lông tơ xanh mờ sẽ thành một vệt ria về sau nhìn hơi đểu đểu bảo vệ cho đôi môi quá chừng nhạy cảm. Bác Khánh là một đối lập trọn vẹn với nó: Ở bác toát lên môt vẻ lịch lãm đặc biệt mà sau này đi nhiều tôi mới biết là chỉ những trí thức tây học quen toi toi moi moi mới có. Bờm tóc trắng, nét môi thẳng băng lạnh lẽo đến mức hơi nghiệt ngã, đôi mắt ngược lại lúc nào cũng như đang sắp cười, ấm áp không ngờ. Và tiếng violon chấp chới tới tận đầu phố bao nhiêu chiều mùa hạ của Bảo, và tiếng kèn u uất của bác Khánh những ngày gió trở phố im lìm trong sắc trời xám sáng mênh mang… Tôi có thể lặng lẽ náu mình trong đó, không bị lôi giật ra chịu áp đảo vì những gì như vẻ đàn ông trẻ trung của chú Khôi và âm nhạc của chú.

Thế mà người đàn ông đó để ý đến tôi. Từ bao giờ tôi không biết. Nhưng chắc chắn không phải là ngay khi tôi đến nhà Thái Hằng lần đầu.

Hồi đó tôi 14 tuổi. Béo vào một trường cấp 3 khác. Nhưng chúng tôi vẫn thân nhau, đến tận giờ, dù điều ấy ít xảy ra ở cái tuổi ương ương dở dở dễ nhớ dễ quên và dù theo thời gian những khác biệt giữa chúng tôi càng chất chồng. Trong mắt Béo tôi luôn là một đứa hơi rồ rồ còn trong mắt tôi Béo hôm nay không béo nữa, ngấp nghé chức thứ trưởng mấy lần, quan tâm tới các vấn đề tâm linh trong khi hàng ngày bàn toàn các chuyện liên quan tới duy vật cùng những ông quan ngồi cao vòi vọi đi đâu cũng có cần vụ cận vệ.

Thái Hằng khác hẳn Béo. Bây giờ nó sống ở một nơi tôi khó có cơ gặp lại nhưng nghe ông chú nó kể thì nó vẫn thế. Vẫn sống hết mình trong cái vẻ gần như là chán đời, yêu, bập vào sống chung rồi bỏ rồi cứ thế. Và vẫn đẹp, một vẻ đẹp mà chia tách từng phần thì phần nào cũng xấu. Gò má cao, môi dày, cười chỉ nửa miệng kiểu người hết sức, mắt nhìn ơ hờ, tóc quăn như chả bao giờ nó sờ đến lược nhưng bây giờ đi đâu tôi cũng mất khối tiền để ra cái kiểu tóc rối thôi bay đấy, dáng chưa khi nào thanh mảnh, tí tuổi đã có cái vẻ mỡ màng đàn bà mới kì. Nếu biết tôi mê thằng anh họ của nó chắc nó buồn cười lắm, không phải vì nhà nó với nhà Bảo có mâu thuẫn quyền lợi thường trực mà vì nó chưa bao giờ khoái kiểu con giai xinh xinh ngoan ngoan. Kiểu ông chú nó thì nó thích, nhưng không dính vào bất kể ông bạn nào của chú, vì nó bảo trí thức quá, tao không thích học, nói gì với nhau khi ngồi riêng chỗ vắng với nhau. Làm như nó theo ai đến chỗ vắng chỉ để nói. Trong đám bạn chỉ biết học có phần ngây ngô của Thái Hằng có khi tôi là đứa duy nhất biết nó còn thú văng tục. Từ đôi môi cười ½ đầy quyến rũ của Thái Hằng, những từ đéo lắt tuôn ra hết sức dịu dàng. Nó bảo thi thoảng nói thế cho đỡ nhạt miệng. Ở nhà, với bà với bố mẹ họ hàng lúc nào nó cũng như trang giấy 5 hào 8 chờ thước kẻ đặt lên áp vào vạch cho vạch nào chịu thế, lại còn phải chú ý sao cho mẹ Bảo không được phép có niềm vui thấy bà em dâu chồng là mẹ nó buồn vì con gái lớn lên đâm mất nết. Tuy nhiên tôi biết không hẳn vậy. Lần cùng nó ngồi nghe nhạc dưới phòng ông chú, tôi thấy nó hút thuốc văng tục rất tự dưng và ông chú trẻ không hề nhăn mặt, không mắng, lại còn nhìn cô cháu đầy vẻ thú vị. Có vẻ chú cháu nó ở cùng một chiến tuyến chống lại sức nặng gia giáo mà trong nhà không biết. Hoặc có biết cũng lờ đi.

Tôi lờ sự Thái Hằng thể hiện bản thân vì quen rồi, nhưng trước hết vì chính căn phòng của chú Khôi. Lần đầu tiên tôi biết nơi ở đích thực của một người đàn ông độc thân phải như thế nào. Nó không có cái ngăn nắp sạch sẽ đơn điệu như chỗ ở của mấy chú độc thân cùng khu tập thể mà tôi biết rõ, ví dụ như nhà chú Điền – người hàng xóm không ai biết tại sao lại nhào qua khung cửa sổ tầng cao rơi uỵch xuống sân mà không chết. Phòng chú Khôi rộng ít cũng phải gấp đôi các căn phòng trong khu tập thể của tôi, bừa kinh khủng. Quần áo vắt ngang vắt dọc. Cửa tủ mở không đóng. Độc thân mà trong phòng lại kê cái giường đôi. Sách vở vứt lung tung. Trên tường treo ảnh mấy ca sĩ tây chú mê, đàn ông đàn bà toàn mặc quần áo theo kiểu không biết sắp cởi nốt ra hay sắp cài nốt khuy. Hai khung cửa sổ mở ra phố vẫn không xua hết mùi quần áo bạ đậu vứt đó không giặt ngay và mùi thuốc lá, mùi rượu cặn. Mùi thuốc lá ẩm ẩm hôi rình cho thấy chú Khôi chiều khách vì chú không hút. Còn mùi áo quần chứng tỏ chú lắm đồ không phải là bộ nghiêm bộ nghỉ thay ra phải giặt ngay. Bà Thái Hằng công nhận tính hay, rất nghiệt rất nghiêm mà không ghê gớm, con cái ở riêng thế nào kệ, không như mấy bà già nhà quê ra thăm con cứ vừa tay năm tay mười dọn dẹp vừa mang chuyện ra máy nước công cộng làm con dâu phát rồ kiểu mẹ chồng mấy cô hàng xóm nhà tôi. Lần đầu tiên vào phòng chú Khôi ngồi dựa tường nghe nhạc, cổ chân ngọ nguậy theo nhịp và mắt thu toàn những điều vớ vẩn thế, tôi đầu óc vô tư tâm niệm chú nó cũng gần như là chú mình.

Nhưng ông chú thì sau đó không cư xử với tôi như trước. Trước, chú Khôi nói chuyện với tôi bình thường lúc thấy tôi với Thái Hằng loay hoay ngoài sân hay trong bếp, không ít lần lại còn tóm tôi bỏ rọ „chúng mày“ với „chú“. Sau buổi chiều ấy, ông chú Thái Hằng không vô tư nữa, cứ thoáng thấy tôi lạch cạch dắt xe vào sân nhà cô cháu, chú Khôi đang cởi trần mặc quần đùi đi vội vào phòng đóng bộ đàng hoàng rồi ra dựng xe giúp tôi. Tôi mười sáu tuổi ngơ ngẩn cho tới chiều bất ngờ gặp anh của một đứa bạn khác từ phòng chú Khôi bước ra, nhìn chú dựng xe cho tôi, anh nó cười cười „chào em“ rồi nháy mắt với ông bạn, né mình nhường đường. Cúi mặt lên cầu thang nhà Thái Hằng, bất chợt tôi rùng mình biết không thể theo nó xuống phòng ông chú nó nghe nhạc nữa.
Chú Khôi đi làm. Phiên dịch ở ban đối ngoại một bộ. Hay vắng nhà. Không như phần lớn đàn ông khu tập thể của tôi ngày nào cũng thấy mặt ở chỗ máy nước. Mỗi lần ông chú đi về là Thái Hằng thông tin đầy đủ. „Ông Khôi nhà tao đi có một tháng mà một xe máy. Ông Khôi nhà tao chuyến vừa rồi mang bốn xe đạp. Chú Khôi tao vừa về cho tao với chị Thái Hoàn chục mét vải. Bố tao với bố thằng Bảo mỗi cụ Khốt được ông em cho một cái áo lông…“
Lần cuối, Thái Hằng kể: „chú Khôi tao sang Pháp gặp được bác Trâm tao“.

Đấy là người nhiều năm vẫn gửi viện trợ cho bà nó và cả nhà. Tôi chỉ biết là họ hàng. Không hề biết người con cả trong gia đình là bác chứ không phải bố thằng Bảo. Người đã đi Nam cùng cậu em áp út. Người bao ngày đất nước chia đôi ngóng về miền Bắc, một mình nuôi em ăn học, chờ ngày đưa em về lại với gia đình, biết bố mẹ cũng từng ngày gan ruột bời bời khắc khoải. Khi biết về bà bác này của Thái Hằng, tôi bắt đầu nhìn bà nó bằng một con mắt khác. Tôi thấy qua bà Thái Hằng cụ Phán tôi. Chính trong những ngày lo dắt díu cả đại gia đình qua cuộc cải tạo công thương nghiệp sau hòa bình lập lại, cụ gọi con dâu cả lại, bảo mang đứa cháu đích tôn của cụ ngược vào Nam. Bà con dâu cả theo mẹ chồng gồng gánh tản cư thời kháng chiến, vừa về lại Thủ đô được ít ngày lại bấm bụng để ba người con gái cho cụ tôi nuôi, xốc theo thằng con trai duy nhất xuống tàu di cư đi tìm người chồng bộ đội Nam tiến. Không biết cụ tôi có mảy may nào tiên cảm được rằng hai năm hiệp thương kết thúc chỉ là để bắt đầu một cuộc chiến tranh, một cuộc chia lìa chính thức, không phải chỉ trong đôi ba gia đình như nhà tôi. Mẹ kể cụ hay thở dài, bảo chia lìa mãi thế người thân rồi cũng khó sống cùng nhau, cũng thành ra người lạ. Những năm tám mươi, gặp ông Chính anh trai bà ngoại trước khi hai ông bà đi Mỹ, tôi đã nghe bà Chính con dâu cả cụ Phán tôi nghẹn ngào kể những ngày Sài Gòn hướng ra Hà Nội đang bị Mỹ đe dọa đưa về lại thời đồ đá bằng bom. Bà Chính không kể, nhưng cái này thì cả nhà biết, rằng ngày thống nhất gặp lại ba người con gái khá là thành đạt đường chồng, chia của nả cho con xong, xin cả họ xây mộ lại cho cụ Phán xong là ông bà quyết định ra đi, lần này vĩnh viễn. Bà Thái Hằng may mắn hơn ông nó, hơn cụ nội tôi, đã gặp lại được cả hai đứa con xa và người một nhà cảm thông được với nhau.

Với anh chị em nhà Thái Hằng, anh em ruột thịt của bố mẹ ở xa mà gần lại là nhờ đồ viện trợ. Một cái xe máy chuyển tới tay bà nó, bán đi chia ra là từng gia đình nhỏ lên đời. Bố mẹ Thái Hằng chỉ quanh quẩn ở một trường phổ thông nhưng nhờ ông bác ở xa ông chú ở gần hai chị em nó chẳng bao giờ phải để tâm tới cái phiếu vải nhân dân bốn mét và có đủ những thứ lẩm cẩm đầy quyến rũ y như Béo có mẹ đi nước ngoài như đi chợ có khi còn nhiều hơn chú Khôi nhà Thái Hằng. Đôi găng tay hở ngón. Đôi tất giấy. Vô số khăn quàng cổ cái dài dài cái vuông vuông cái dày dày xù xù cái mỏng tang sặc sỡ. Chiếc gương bỏ túi in chìm hình con gà trống Gaulois. Những chiếc khăn mùi xoa đẹp đến nỗi nếu đem xỉ mũi thì thực không còn ra người tinh tế. Thái Hằng khoe tôi rồi chìa ra một túi nhỏ: „chú Khôi tao bảo gửi cho cái đứa đeo kính hay đến chơi với cháu ấy“, rồi cười. Nhìn đáng ngại y như cái cười của anh đứa bạn tôi chơi với chú Khôi. Dĩ nhiên là tôi không nhận, nên cũng lờ toẹt đoạn phải gặp ông chú cảm ơn như lẽ ra. Không thấy cảm động mà lại sờ sợ mới dớ dẩn. Còn tức tối một chút: làm sao mà món quà đầu tiên có ý nghĩa một người khác giới dành cho tôi (trừ hoa sinh nhật, khung ảnh và dăm ba thứ lỉnh kỉnh như hoa hồng thạch cao hay cây dừa trĩu quả làm từ phim ảnh cũ của đám con trai trong lớp) lại không phải do người tôi mê tặng. Khi bực dọc thế, tôi nghĩ tới thằng Bảo chứ tuyệt nhiên không nghĩ tới bác Khánh – người mà tôi cũng mê. Tôi sẽ còn tức tối mà ngoài mặt vẫn ngoan nõn mỗi dịp Thái Hằng đi qua nhà tôi cùng chú Khôi. Cáu thế nào được khi chú cháu nhà nó lúc nào cũng làm như tiện dịp, vô tình. Lúc „chú Khôi dạy tao đi xe máy“ lúc „chú Khôi đến nhà ai gần gần đây thế là tao nhảy lên xe chú đi nhờ“… Còn chú Khôi tỉnh queo đóng vai ông chú. Mấy năm trời như thế cho tới ngày tôi mười chín tuổi, đại học năm thứ hai còn Thái Hằng suýt nữa thì lấy chồng vì như nó nói „yêu chán bỏ mẹ“.

Tôi đã yêu đâu mà chán. Nhưng tôi biết tuyệt nhiên tôi không định lấy chồng. Tôi nghĩ tới mẹ tôi mười chín tuổi lập gia đình và ba mươi bảy tuổi thì mất. Mười tám năm giữa khoảng thời gian ấy là hai đứa con, hai cuộc chiến tranh đánh phá ở miền Bắc, một âm thầm đau khổ vì bố tôi ngoại tình. Mà khổ hơn nữa là dù thế mẹ tôi vẫn phải gắng gỏi giữ mặt cho chồng. Mẹ cô độc với nỗi đau khổ của mình vì chị em tôi quá nhỏ, mẹ của mẹ thì mất từ lúc mẹ còn tuổi bé, cụ Phán khuất rồi. Bố tôi không bị chuyển công tác, không mất đảng. Thế là nhiều lắm với một đời người khi đó. Mẹ tôi làm thế là vì con, vì sự an toàn của gia đình, hay vì yêu? Mẹ mất sớm và tôi không bao giờ biết, nhưng biết mình thôi không được phép làm trẻ con nữa. Chị em tôi chòng chành đi qua tuổi con gái mù mờ những mất còn, yêu ghét, không bao giờ có thể hỏi mẹ những vì sao làm gì như thế nào. Càng không thể hỏi bố mình lúc đó đã tục huyền. Cũng không thể nào nói với nhau nỗi đau đớn phải gánh chịu vì những xì xào to nhỏ của người lớn trẻ con xung quanh. Chỉ mãi sau này, bây giờ đây, đã đi qua ngưỡng tuổi dám nhìn thẳng vào lòng mình, cũng không còn sợ người và đời sống nữa, tôi mới hiểu ra mẹ đã khổ như thế nào, người đàn bà tình địch của mẹ đã khổ như thế nào, và người đã cưới người đàn bà bố tôi theo đuổi, người đàn bà có một thời chị em tôi căm thù, người đàn ông ấy đàn ông như thế nào, giữa cái thời buổi đơn giản và kì quặc ấy.

Khi đó tôi mười chín tuổi, mê người nhưng hình như chưa biết yêu. Nếu không tính tới tình yêu chàng công tước có cô vợ môi trên hơi hếch xinh xắn và nhạt nhẽo của „Chiến tranh và hòa bình“. Nếu cụ công tước ấy giản đơn hơn, có thể tôi đã định hướng đời mình kiểu khác. Tôi mê Bảo và bác Khánh vì họ có vẻ ngoài không giản đơn, ít nhất là không dễ gần dễ hiểu với một đứa con gái đơn độc thiếu hấp dẫn như tôi.
Bảo xê dịch được trong nỗi mê muội của tôi là vì tiếng violon và những lời tán thán từ đám con gái trường nó. Với lại nhờ ông bác ở xa ông chú ở gần viện trợ, nó có dáng hào hoa đúng kiểu dân nghệ thuật trình diễn. Còn bác Khánh, tôi bị hút tới gần là vì những chuyện tình không thể kiểm chứng được của bác.

Anh Phan là kết quả của một chuyện tình giữa bác với người phụ nữ thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy trên ti vi. Người vô tình để chúng tôi biết chuyện là mẹ Béo. Chương trình thời sự chiếu cảnh một phái đoàn ngoại giao ta được đón tiếp ở tây. Từ trên máy bay bước xuống ngay sau ông trưởng đoàn là một phụ nữ mặt vuông mắt buồn dáng đẹp uyển chuyển trong cái áo dài màu sẫm mà phần lớn đàn bà con gái thời bao cấp ở Hà Nội không có. Lấy quái đâu ra áo dài mà mặc, đến lúc có mà mặc thì tay chân ngường ngượng cảm giác như tay chân đười ươi. Người đàn bà có cái tư thái thật là sang. Chắc đàn bà con gái nhà khá ngày xưa cũng giông giống thế này đây. Mẹ Béo đang ngồi tụng tiếng của Karl Mark bất chợt ngẩng đầu giơ tay chỉ thẳng màn hình: kìa kìa mẹ anh Phan.

Lúc đó anh Phan đã đi Nga về sống cùng bác Khánh ở tầng dưới nhà Béo. Nếu đúng người đàn bà quyền quý là mẹ anh thì công nhận bố mẹ anh đẹp đôi thật. Nhưng bố anh giờ chỉ là một ông giáo sư bác sĩ sản khoa, hàng đầu thì hàng đầu, cũng không thể oách bằng mẹ anh đứng hàng thứ hai trên cái cầu thang máy bay kia được.

Thế mà đúng họ đã là một cặp và tình yêu giữa họ dài hơn cả cuộc kháng chiến trường kì. Có hoa sấu hoa phượng hoa lộc vừng hoa sữa và đủ thứ hoa thời các cô hàng hoa đi vào tiểu thuyết. Nhưng mẹ anh Phan không phải là một cô hàng hoa mà là con một ông bác sĩ một bà dược sĩ học từ bên Pháp về, có cái nhà kiêm cửa hàng thuốc to vật ở đầu một phố lớn sát Bờ Hồ, biết chơi đàn piano, nói tiếng Pháp giọng đầm. Là Béo nghe và kể lại thế. Cô gái con nhà giàu thông minh và không kiêu kì không để ý tới ai ngoài anh bác sĩ người xứ Thanh mà ông bố hay tấm ta tấm tắc tài cao tuổi trẻ. Nếu Hà Nội vẫn cứ là một Hà Nội như trong sách thì họ có lấy nhau không giời biết. Nhưng Hà Nội kháng chiến. Ông bà bác sĩ cùng cả gia đình được đón đi tản cư. Bố anh Phan cũng đi, tự đi. Chẳng hiểu ông đốc trẻ đi kháng chiến vì kháng chiến hay vì kháng chiến mang người yêu đi mất. Người yêu không tìm thấy, mẹ anh Phan và gia đình lên Việt Bắc, bác Khánh dinh tê một năm trước khi giải phóng Thủ đô. Số phận đã sắp đặt cho từng người những ngả rẽ kì cục thế. Nếu mà bác Khánh tùng rinh rinh về Hà Nội xong rồi lại di cư tiếp vào Nam ngay năm 54 thì đời đã chẳng có anh Phan. Và tôi đã chẳng phải rụt rè run run trước bác trong tuổi con gái.

Nhưng mà hai ông bà già đẹp đôi ấy gặp nhau ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô. Tiết trời Hà Nội hôm ấy thế nào thì cũng cứ là ngày đẹp giời, vì sau đó anh Phan ra đời. Trong chính ngôi nhà cụ tôi bị trưng thu. Đấy là nhà ông bố dượng anh, cán bộ Cách mạng hoạt động ở Hà Nội từ thời tiền khởi nghĩa. Tuy nhiên tôi thích tưởng tượng rằng bác Khánh gặp người yêu cũ ở ngôi nhà xưa của gia đình phía Bờ Hồ. Tưởng tượng thế thôi, chứ tôi biết ngôi nhà đó bằng cách nào đó cũng lại vào tay nhà nước và được chia nhỏ, chia từ nhà chính đến dãy nhà dành cho người ăn người ở rồi được các chủ nhân mới chia tiếp, chia đến cả từng khúc hành lang, gầm cầu thang và mảnh sân sau. Thầy giáo chủ nhiệm tôi năm cuối cấp ba sống cùng bà mẹ già, vợ, cô con gái học giỏi quá phát rồ và thằng con út cùng khóa với tôi trong một căn phòng ở tầng hai ngôi nhà đó. Khi chúng tôi tới thăm thầy ngày 20.11 ở căn phòng ngột ngạt sách vở, bếp dầu, độc một bóng đèn đỏ quạch lõng thõng từ trần xuống, tôi không tài nào chắp nối được những hình dung đẹp đẽ về mối tình của bố mẹ anh Phan với cái nơi tối tăm nhem nhuốc này.

Lại phải cố mà bắt đầu óc làm việc. Tôi tung hoành trong trí, dọn sạch quang cái sân sau của ngôi nhà, bẩy hết những bức tường tạm bợ cơi nới, xô đổ những tấm gỗ dán che chắn cắt khúc hành lang nhìn ra phố, mở lại cửa chính tầng dưới, trục xuất gia đình ông thầy và tất cả các nhà hàng xóm, lột cái trần bằng cót ép dưới cầu thang, đuổi phăng cặp vợ chồng trẻ đang trú ngụ ở đó, đặt vào căn phòng rộng nhất sáng nhất cái piano. Thế là bác Khánh và mẹ anh Phan đã có thể gặp lại nhau. Ở đó. Từ cửa sổ hành lang đúng chỗ căn phòng của nhà thầy giáo tôi có thể nhìn ra hồ Gươm, có thể hít căng ngực làn gió từ phía ấy lồng lộng thổi mỗi buổi sáng ngày chớm hạ. Đôi tình nhân cũng có thể nghiêng người đón mùi hương sữa mặc định là đặc sản mùa thu Hà Nội từ phía hồ Thiền Quang thổi tới, lắng nghe những phấp phỏng trong lòng mình khi nhìn hoàng hôn đỏ ối đổ dọc phố. Gió dồn bóng tối vào trong vòm cây lá đang thì thào ngang khung cửa. Họ sẽ nói với nhau, nhiều từ tiếng Pháp nhưng tôi dịch tuốt ra tiếng Việt, sẽ ôm nhau, sẽ… Một khung cảnh như thế mới xứng đáng là nơi cho tình yêu bắt đầu. Công nhận yêu làm người ta bao dung thật. Thật sự là tôi sung sướng khi tưởng tượng toàn những điều tuyệt diệu thế cho bác Khánh và bà quan chức bộ Ngoại giao mẹ anh Phan. Không một mảy may lăn tăn bực dọc. Chỉ có một chút xíu tị hiềm. Tôi biết không bao giờ tôi được sống trong không gian ấy. Hà Nội đã biến đổi rất nhiều so với thời cụ tôi làm ăn rồi phất lên nhà nhà cửa cửa trước ngày toàn quốc kháng chiến.

Chín năm đồi, không phải chín năm rừng. Mẹ tôi theo cha lên Việt Bắc rồi sang Trung Quốc học, đại gia đình bên ngoại cụ Phán đưa đi kháng chiến xoay xoả trụ lại làm ăn ở Phú Thọ. Hai ông cậu của mẹ gặp con gái bạn hàng cũ của cụ ở lại làm rể luôn đất này và thế là nhà tôi có vô số cậu dì gái trai em họ nói toàn những bủ với bá. Ông cậu út của mẹ theo cụ về Hà Nội, chứng kiến cảnh nhà cửa bị trưng thu, theo lệnh cụ Phán cưới vợ rồi cùng vợ ra sống liều ở rệ đê làng Kim Liên cuối Khâm Thiên nơi ngày xưa ả đào cô đầu cũng không lai vãng. Rồi người ở những đâu đâu tụ về, mấy cơ quan cũng xin đất xây nhà tập thể trong đó, thành ngõ có tên đàng hoàng đúng mốt thời đại – Chiến Thắng. Ngõ hẹp tí, nhưng đi vào thì ngoác ra, thành xóm lớn. Một kiểu làng xóm của Hà Nội một thời, không có ai làm ruộng, không có rạ rơm, cư dân là công nhân viên chức lẹt đẹt dĩ nhiên nghèo với người buôn thúng bán mẹt đầu chợ cuối chợ. Cụ tôi sẽ chết ở nơi đó, trong căn phòng nhỏ lợp giấy dầu tường xây gạch xỉ, không hi vọng gì có lại dù chỉ một ngôi nhà. Cụ có mong các con mình biết yên thân đừng cựa quậy mà sống cuộc đời mới không, tôi không biết. Mẹ kể cụ cho gọi tuốt tuột con cháu rải dọc đường kháng chiến về, mẹ tôi cháu ngoại duy nhất cụ vẫy tới đứng bên giường. Cụ có cái uy thế nào đó mà ngay cả lúc đã nằm liệt cũng không con cháu nào dám hỏi vốn liếng hay sờ tới đồ đoàn của cụ. Tôi ngờ cái uy đó bắt đầu từ những năm tháng một mình cụ Phán chèo chống nuôi con, buôn nhỏ rồi buôn to, lo toan chỉ bảo cả đại gia đình đi qua bao nhiêu là tai ương. Hoàn toàn tỉnh táo nhưng hơi thở đã mỏng lắm rồi, cụ tôi nằm chia gia tài. Hàng con kiến giả nhất phận giàu nghèo gì ai cũng bốn cây vàng. Cả vợ chồng ông Chính con cả mắc lại trong Nam cũng có phần đúng thế. Hàng cháu nội ngoại lớn bé gì cụ cho đều một chỉ. Một chỉ vàng cụ cho làm vốn mẹ nổi hứng mua một lúc mười một mảnh sa tanh may mười một cái quần chia cho mấy cô bạn thân. Mấy ông cậu của mẹ giai Hà Nội lấy vợ miền đồi, chả ai biết làm ăn, đúng hơn là thời ấy không ai dám làm ăn, để đường cho con cái còn học. Mấy cây vàng đẽo ăn dần mấy năm sau không còn dấu tích. Vậy là xong một cơ ngơi. Khi đó, ba tuổi, bằng tuổi mẹ ngày bà ngoại còn chưa mất, anh Phan đang bò toài ở một trong những ngôi nhà xưa của cụ Phán tôi. Mẹ anh thật đúng số sướng, thời nào cũng không đắm chìm trong khó nghèo, thời nào cũng được sống trong những ngôi nhà ra nhà. Lúc bấy giờ, tôi có vẻ khôn hơn nhiều đứa bạn vì mẹ mất, nhưng khờ hơn nhiều đứa vì chưa yêu. Tôi không thể hình dung người ta sướng đấy mà khổ đấy, nhưng bi kịch của họ có vẻ như văn chương hơn rất nhiều bi kịch ăn bi kịch nằm đang diễn ra từng ngày trong nhà tôi, trong mọi gia đình ở khu tập thể.

Trước hết là bi kịch ăn.
Ngay cổng khu tập thể của tôi có một ngôi nhà lớn, cửa sổ nhiều và rộng, cầu thang lộ thiên. Cư dân cả khu gọi là hội trường, nhưng thực chỉ có tầng hai được dùng làm câu lạc bộ. Tầng dưới là nhà ăn tập thể. Chiến tranh đánh phá lần thứ nhất chấm dứt, chúng tôi về lại Thủ đô. Ngày ra đi bé bằng cái mắt muỗi, quên tiệt nhau. Về, cả lũ bắt đầu làm quen lại. Có bao nhiêu cơ hội. Chơi trốn tìm trong hầm trú ẩn công cộng. Bọn con trai đi dính ve. Con gái chơi ù, nhảy dây, rồng rắn ra phố ăn ốc mút, lạc luộc và đủ thứ chẳng bổ béo nhưng ngon giá chỉ năm xu một hào, vừa túi. Lớn chút nữa thì đi rình đàn ông đàn bà trốn tìm trong các hầm công cộng ngoài phố. Đủ trò. Người lớn cũng chơi. Cuối tuần nào cũng thi đấu bóng chuyền giao hữu. Phong trào do công đoàn cơ quan phát động và đài thọ, bóng lưới, bia bọt bánh trái bún phở bồi dưỡng vận động viên bỏ việc đi thi đấu cũng tiền công đoàn cấp. Sân khu tập thể chiều chiều vang tiếng nói cười và tiếng đập bóng. Thành phố lúc đó thưa người không dồn đống đầy ứ ự như giờ, mọi âm thanh vang vọng rất xa, đầy sức sống. Mượn được một quả bóng chuyền xịt hơi của người lớn là sự kiện có khả năng thống nhất tất cả các phe nhóm trẻ con trong khu. Nhưng chơi gì thì chơi, đến giờ cơm trưa cơm chiều là tất cả chạy về nhà lấy cặp lồng ra xếp hàng. Ăn cơm chiều xong, người lớn trẻ con lên ngồi trên thành cầu thang dẫn lên hội trường xây to như mặt ghế đá thành từng bậc. Ngồi đó ngó xuống í ới với người qua lại và hóng gió chiều mùa hè là một trong những vui thú bậc nhất của tôi ngày nhà tôi còn mẹ. Và nói chung, những ngày tháng tập thể hóa đó với tôi là những ngày đẹp nhất trong tuổi thơ sẽ bị nghiến đứt sau khi mẹ ra đi.

Những bữa ăn tập thể cứ đạm bạc dần đi và các nhà bắt đầu tự lo cơm nước. Đôi ba gia đình lương bổng khá hơn thì thuê tổ phục vụ nấu nướng. Còn trung thành với nhà ăn tập thể chỉ có mấy ông độc thân và duy nhất một người đàn bà. Bác Liễu, người Huế, nhưng không hẳn là dân tập kết.

Lương bác cùng bậc với mẹ tôi, cũng chả nhiều nhặn gì, nhưng một mình thì thừa thãi và bác Liễu cùng đám độc thân ngày hai bữa ở đó cho tới tận lúc cơ quan giải tán nhà ăn tập thể, cả cái tầng một to đùng gồm bao nhiêu phòng đám cán bộ hành chính sự nghiệp chia nhau.

Ngày nhà tôi còn bê cặp lồng xuống nhà ăn tập thể, bác Liễu hay ăn cùng giờ bàn bên cạnh. Chồng bác làm ở đâu không biết nhưng không ở trong khu, dáng lịch lãm, có phần lãnh đạm, thi thoảng cũng ra ăn cùng vợ. Những lúc đó bác không nói chuyện với mẹ tôi trong bữa ăn. Hai vợ chồng ăn chậm rãi, nói nhẹ nhàng, nói chung là lặng lẽ. Thế mà người đàn bà bình thường hình như bị chồng rẫy trong mắt tất cả mọi người ấy chỉ cần một buổi chiều là nổi tiếng khắp trong khu. Bây giờ đây, khi nhớ về cái nơi tôi đã ở hết tuổi thiếu niên và tuổi con gái cho tới lúc hứng khởi đột xuất đi lấy chồng tôi vẫn nhớ người đàn bà ấy và bao giờ cũng thế, lại có cảm giác ở thời buổi ấy quá nhiều sự bị đặt nhầm chỗ. Hôm nay, Hà Nội thay đổi như lột da xẻ thịt, đi xa dăm ba năm trở về không ai không ngỡ ngàng. Nhưng mà sự đổi thay này hẳn bắt đầu từ những động cựa thuở đó, thuở người Hà Nội ra đi và được thay máu bằng một lớp người khác, người kháng chiến, người chiến thắng. Chỉ có điều hình như từ sau khi cụ tôi mất lần nào được thay máu Hà Nội cũng xấu dần đi. Chẳng thấy ai từng biết Hà Nội ngày xưa từng mê Hà Nội qua tiểu thuyết ngợi ca Hà Nội tuổi tôi. Đến cả giọng Hà Nội tuổi tôi cũng bị chê là nhanh quá đanh quá mới tức. Nhưng đúng là thế thật, nếu nghe lớp người như bà Thái Hằng nói chuyện với nhau.

Mấy bà già thích tụ phết. Không bà nào ăn trầu, để răng trắng. Cụ búi tóc lộn như bà Thái Hằng, cụ vấn khăn nhung. Các cụ ông còn trang trọng hơn. Ở cái thời buổi gần như toàn dân mới chuyển từ dép lốp cao su sang dép nhựa tái chế, sang ra mới có được đôi dép Tiền Phong màu trong và nhựa mềm mà tôi chưa từng thấy cụ ông nào không đi giày ở nhà Thái Hằng. Lại còn măng tô, lại còn khăn phu la, sờn sờn rồi nhưng vẫn đủ sức làm cho người mặc có một dáng dấp, không biết phải nói thế nào, nhưng làm cho người ta phải se giọng cho nhỏ lại, phải bước chậm lại. Mùa đông các cụ ông ngồi ở bộ tràng kỉ chạm trổ, Thái Hằng bảo bán thì đắt lắm nhưng tôi nhìn thì nghĩ lắm bụi và làm đau hết cả lưng đủ da thiếu thịt. Bà Thái Hằng và các cụ bà thường ngồi co chân trên sập, áo bông gấm, khăn nhung the đen hay khăn len màu tối, nhưng Thái Hằng bảo cụ nào cũng trang điểm cả đấy làm tôi mắt tròn mắt dẹt. Các cụ ngồi uống nước chè mạn, rón đôi ba hạt mứt sen vốn chỉ có vào ngày tết ở phần lớn các nhà, và nói với nhau bằng một giọng cực kì nhỏ nhẹ. Dắt cái xe đạp đi ngang phòng để vào nhà Thái Hằng, tôi phát ngượng vì tiếng xích xe lạch xạch cắt ngang những câu thưa gửi các ông bà già đang trao quanh. Thưa chị… Vâng ạ… Dạ thưa ông ông nhà tôi… Các cháu nhà em… Nước phở dân Hà Nội gọi là nước dùng đã thấy kì kì, đến ăn cơm mà mấy ông bà già cũng mời nhau dùng thêm lưng bát, như thể sự đó nó nằm ngoài bản thân mình, có không đều thế cả, nghe cũng mệt. Đến bố Bảo với bố Thái Hằng già đầu rồi và tính tình chẳng cởi mở gì mà đi ngang chỗ các cụ chuyện trò với nhau cũng phải dừng chào rất lễ độ. Thái Hằng bảo ông già tao động cái hầm hầm mặt mũi với vợ con nhưng bị ông bà nào túm lại hỏi đôi câu thì cứ gọi là nem nép dạ thưa mày ạ. Rồi cười. Bố nó mà còn hãi thì đừng đùa.

Vậy mà sẽ có một ngày cứ đến nhà Thái Hằng là tôi bị bà nó giữ lại. Bảo một lần ra phố đi ngang chào bà và khách của bà gặp tôi ngồi e lệ trên cái sập của bà nó đã… Thật là khó mô tả vẻ mặt của Bảo khi nó thấy cái mặt tôi đờ đẫn giữa những khuôn mặt khả kính của các ông bà già. Tôi trở thành đối tượng để chị em Thái Hằng chế nhạo ở trên gác, nhưng thực sự lên chân trong mắt đại gia đình nó. Chú Khôi không biết điều đó vì chú đi rồi. Chẳng lẽ cái Thái Hằng đã để lộ ra điều chỉ nên có nó, tôi và ông chú nó biết. Sau này lãng đãng nhớ câu được câu mất trong những cuộc chuyện trò của bà Thái Hằng với khách mà tôi phải có mặt, tôi hay nhớ bác Liễu, dù người đàn bà Huế lặng lẽ đó không khi nào có cơ quen với mấy bà già nói giọng Hà Nội không phải của thế hệ tôi. Là giọng của những người Hà Nội trong tiểu thuyết mà mấy anh học trò tỉnh xa càng xa càng bị ấn tượng.
Tôi nói giọng Hà Nội thời tôi, cứng hơn, nhanh nhảu hơn giọng của các cụ và không bị giọng Huế mạch nha của bác Liễu chinh phục. Tôi không quên được bác vì một chuyện khác, không liên quan tới tôi và bất kì ai trong khu tập thể của tôi.

Mùa đông, buổi trưa ấm lên một chút. Người lớn vội vàng tới nhà ăn tập thể cho xong bữa để còn tranh thủ chợp mắt trước lúc vào giờ làm chiều. Trẻ con nhốn nháo tranh bàn. Đột nhiên tất cả lặng phắc. Từ ngoài cửa, bộ sậu ban giám đốc nhà máy đi cùng với mấy ông bà chắc thuộc bộ sậu cao hơn, và trời ạ, cả tây. Bà trưởng phòng hành chính thiên hạ đồn lên được chức trưởng nhờ trường túc loe xoe nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh lịch sự, vì đây là khách quốc tế tới thăm. Chẳng biết quốc tế Xã hội chủ nghĩa anh em hay quốc tế đế quốc thù địch, Liên Xô hay Thụy Điển, là cái nước tư bản đang viện trợ cật lực cho Việt Nam mà cơ quan này cũng có suất ăn theo. Ai nấy răm rắp nghe lời bà trưởng phòng, mỗi bác Liễu ngẩng lên rồi lại thản nhiên ngồi nhâm nhi món cơm bí ử với mấy miếng thịt nửa rang nửa kho lõng bõng nước. Vẻ lãnh đạm của bác thu hút ngay lập tức mấy ông bà tây to đùng. Cả nhà ăn đồng loạt quay đầu nhìn theo bước chân đám ta theo tây tiến tới bàn bác Liễu. Nhà tôi ngồi ngay bên bàn bác cũng há miệng quên nhai. Một ông tây nói gì với chú phiên dịch và bác Liễu trả lời. Bằng tiếng mẹ tôi thì thào „tiếng Pháp trời ạ“. Người đàn bà vẫn ngày ngày ngồi bên cạnh ăn đúng thứ thức ăn như nhà tôi để tái sản xuất sức lao động mà kiểm tra ngòi bút nhà máy sản xuất bằng cách viết hàng dãy số tám mực đỏ hoa mắt nói tiếng Pháp. Như thật. Người phiên dịch đứng bần thần. Bộ sậu quan chức của nhà máy và chắc là của cơ quan bộ xớ rớ đó mặt ngây cán tàn không hiểu mấy ông bà tây và bác Liễu xì xồ với nhau cái gì. Trưởng phòng trường túc nhìn mặt cấp trên tối sầm sầm, kéo kéo thúc thúc chú phiên dịch „anh dịch xem bà ấy nói cái gì với người ta đi chứ khéo mà chệch đường lối“ và chú phiên dịch quặc lại „… đang nói về cách nấu bí đỏ của ta đấy về nghề của chị ấy đấy về âm nhạc đấy… à bây giờ là về mùi cơm không thơm…“ Đến đoạn không thơm này là chết rồi. Ông có vẻ to nhất mà mọi người đang xì xào là người của bộ lạnh lẽo nói với ông giám đốc nhà máy „nào giờ ta mời khách đi tiếp đâu chứ nhỉ“. Một cơn bão thổi qua cơ quan và khu tập thể suốt cả tuần sau đó dấy lên từ cái bàn ăn bác Liễu đang ngồi. Nhưng chính bác thì chẳng lộ vẻ gì khác, vẫn vui vẻ một cách hơi lạnh lùng. Mãi sau này, sau 1975, lúc mẹ tôi bị phát hiện bệnh trọng nhưng vẫn đi làm, bác Liễu qua thăm mẹ thì tôi mới hiểu vì sao bác giỏi thế, vì sao bác không về Nam sau thống nhất đất nước như nhà thằng Xuân…

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.