Quả báo

Truyện ngắn của Phạm Lưu Vũ

Ông Hai Nhột hưu, bắt đầu sống đời sống của một con chuột. Mặc dù ẩn mình trong những căn biệt thự xa hoa, di chuyển trong những chiếc xe hơi đắt tiền, trước nhà vẫn có bốt gác, xung quanh vẫn có lâu la… nhưng vẫn là chui nhủi kiếp sống của một con chuột. So với trước kia, ông là con bò rống giữa hội nghị, là con rắn phì khói trước con mồi, là ông trời con trong một vùng lãnh thổ, là gã nai giả vờ ngơ ngác… thì bây giờ, dấu vết của một thời quyền lực và vơ vét đã khiến ông trở thành con chuột, còn không bằng con chuột, bởi con chuột vẫn có quyền yên ổn ở trong hang của nó. Nhưng tài sản khổng lồ đã biến thành những ngôi mả chướng, chôn sống ông từng ngày, từng giờ… Oán hờn chồng chất đã biến khí trời thành độc dược, biến ánh sáng thành kim châm, biến bóng đêm thành hầm lửa… Người người nguyền rủa, đời đời nguyền rủa. Nó kết tinh thành gió chướng, thành siêu côn trùng, thành ám khí, nhỏ hơn hạt bụi, nhẹ tựa hư không. Nó luồn qua hàng rào, chui qua tường vách, xuyên qua cửa kính dày… Nó bám riết lấy ông, ngày cũng như đêm, lúc ăn cũng như lúc ngủ… Không gì cản nổi nó, trốn trời có thể khỏi nắng nhưng không thể trốn khỏi lời nguyền. Nó khiến ông khốn khổ, tâm thần lúc nào cũng hoảng hốt như sắp có đại tang, mình mẩy suốt ngày ngứa mà không biết gãi chỗ nào, rát mà không biết rát từ đâu, toàn thân hầm hập như phải bỏng mà sờ vào lạnh ngắt như chạm phải tử thi. Sắc diện ông còn quái lạ hơn nữa, ngày mấy lần thay đổi, một bước đi là một bước chuyển màu. Ra ánh sáng thì xanh lét như tượng đồng, vào chỗ tối thì trắng bệch như ma trơi… kinh không thể tả.

Bác sĩ tốt nhất nhì thành phố được triệu đến, cát sê bằng cả một gia tài được đưa ra, với những thiết bị xét nghiệm tối tân, có thể nom rõ vũ điệu của bầy vi rút gây chứng hắt hơi, hay phát hiện mùi hôi của loài tiểu trùng gây bệnh thổ tả… thì cũng chịu, không lần nổi dấu vết của loài tinh linh sinh ra từ nguyền rủa, nhỏ hơn hạt bụi, nhẹ tựa hư không kia. Mọi chỉ số sinh lý vẫn bình thường, tóm lại là y học hiện đại phải bó tay, nghĩa là không bệnh tật gì. Các thái tử, thái tôn, công tằng, tôn nữ… họ hàng nhà Hai Nhột cuống cuồng nghĩ tới tiên sinh Quách Tử bên Chợ Lớn. Phải cầu đến ông thầy này thôi.

Quách Tử gốc ba Tàu, huyết thống ba Tàu, vốn là lão nhân gia chiếu vận trong gia đình Hai Nhột. Nhân duyên mèo mả gà đồng kết giao từ hồi xem tướng cho ông Hai, bấy giờ mới là một thằng thợ tiện. Quách Tử bảo toàn quý tướng hà, nhất điểu nhãn, nhì thổ nhĩ, tam ngưu tị, tứ thiệt lang. Tướng này phú quý không để đâu cho hết. Vốn từng có người nhận xét tướng mình tiểu nhân đểu giả, cho nên gã thợ tiện tưởng lão thầy tướng nói đểu mình. Ai dè cơ trời xoay chuyển, váng sữa đổi màu, Hai Nhột cứ theo nước mà trôi, theo thuyền mà nổi, ngoài thì uốn lượn như con công, trong thì rình mò như con cú. Thế rồi hoạn lộ hanh thông, phú quý nối đuôi nhau, tuần tự mà đến. Đường ăn thì từ chỗ đáng mười chỉ ăn có một mà vẫn còn phải lo, đến chỗ đáng mười mà ăn cả trăm, cả ngàn vẫn chả phải sợ thằng nào. Đường nói thì từ chỗ biết mười chỉ nói có một cũng chưa chắc có ai thèm nghe, đến chỗ biết mười mà nói đến trăm vạn cũng chẳng ai dám cãi… Lão ba Tàu họ Quách quả nhiên xem tướng như thần, từ khi Hai Nhột bắt đầu chui vào hàng quan tước, thì họ Quách đã trở thành lão nhân gia bọc mệnh cho gia tộc nhà Hai Nhột.

Quách Chợ Lớn được thỉnh đến, chứng kiến nỗi hoảng hốt và diện mạo quái dị của Hai Nhột thì cũng hết sức kinh ngạc, biết việc này tất không phải do bệnh tật hay khí huyết… gây ra, bèn vận công phu để truy tìm thủ phạm. Nguyên lúc này, Quách lão nhân gia đã luyện thành thục bốn món công phu, y chỉ trên bốn địa nghiệp căn bản của lão. Món thứ nhất gọi là “địa mục”, mắt có thể nhìn thấy ma quỷ, bất cứ hạng nào… món thứ hai gọi là “đế thính”, tai có thể nghe được ý nghĩ, từ người, súc sinh, ngạ quỷ cho đến địa ngục… món thứ ba gọi là “cẩu tị”, mũi có thể ngửi mùi bổng lộc, phân biệt tuổi vàng, thau… món thứ tư gọi là “thiệt xà”, lưỡi có thể phóng ra, nếm vị thức ăn trên bàn tiệc ở cách xa trăm dặm… Với bốn món công phu ấy thì không loài yêu tinh, quỷ quái nào có thể che giấu được lai lịch. Nhưng lần này thì họ Quách bất lực, vận hết công phu, ngửi đủ mười phương, nếm từ xa tới gần… vẫn tuyệt không thấy bóng dáng hay mùi vị… của loài ma quỷ nào đang quấy phá Hai Nhột. Bất lực nhưng không bó tay, bởi họ Quách biết rằng nếu không phải do ma quỷ, gọi là chúng dị phần, là những oan gia trái chủ đã mạng chung gây ra, thì chắc chắn phải do oán khí của những người còn đang sống, gọi là chúng đồng phận kết thành. Chuyện này tất phải dùng đến món bảo bối gọi là “thi khí” của nhà họ Quách truyền lại. Quách lão nhân gia nghĩ vậy rồi bảo Hai Nhột cùng đám con cháu, lâu la hãy chờ, y tất sẽ có cách chữa trị.

Nguyên tổ của Quách Tử ngày trước là người không cha không mẹ nên vào làm con nuôi nhà họ Quách. Bấy giờ vào thời Xuân Thu, tổ họ Quách là Quách Yển nổi tiếng giỏi về thuật bói toán, có hai quyển sách quý, một quyển là “thiên hoãn thư”, dạy phép thỉnh tiên về để đàm đạo, một quyển là “địa khấu thư”, dạy phép gọi quỷ tới để chỉ đường. Quách Yển cất trong một chiếc hòm kín, cẩn thận để quyển thiên hoãn xuống dưới, quyển địa khấu đè lên trên. Tổ của Quách Tử rình biết vị trí của chiếc hòm, bèn lấy trộm quyển ở trên, tức là quyển địa khấu rồi trốn khỏi nhà họ Quách. Sách địa khấu được truyền ra bên ngoài, từ đó người Tàu mới học được từ cách gọi ma, vấn quỷ… cho đến cướp ruộng, cướp đất, cướp lãnh thổ… Truyền đến Quách Tử là đời thứ 99. Quách Tử cũng từng đem thuật cướp đất trong sách này ra dạy cho Hai Nhột. Món bảo bối “thi khí” cũng chép trong sách ấy. Quách Tử trở về nhà bắt tay vào chế bảo bối để Hai Nhột mỏi mòn trông đợi, suốt ngày giam mình trong bốn bức tường, không dám thò mặt ra ngoài vì sợ thiên hạ nom thấy cái tướng ma tươi quỷ sống của mình.

Mấy tháng sau mới luyện xong “thi khí”. Quách tiên sinh gọi một đệ tử ở tên là Tạ Di Hầu, sai mang đến dinh Hai Nhột. Nói “dinh” là chỉ chỗ ở, còn “phủ” là chỉ chỗ ngồi, bây giờ chỗ đó đã có người khác ngồi, thực ra hai chữ này dùng đảo lộn nhau, thế nào cũng được. Hai Nhột mở hộp đựng “bảo bối” ra, chỉ thấy bên trong một bộ đồ vàng xỉn, nom vừa xấu xí vừa tởm không thể tả. Nhưng “bảo bối” của lão nhân gia thì không thể xem thường, bèn mặc thử xem sao. Món “thi khí” quả nhiên kì diệu, chỉ một lát sau, thần sắc Hai Nhột trở lại hồng hào, bao nhiêu nỗi ngứa ngáy, hoảng hốt, bứt rứt… tiêu tan bằng hết, Hai Nhột mừng lắm, thưởng ngay cho Tạ Di Hầu một món lớn, dặn chuyển lời về tạ ơn họ Quách. Di Hầu mừng rỡ, trở về đem kết quả báo cáo với sư phụ. Quách tiên sinh lẳng lặng không nói gì.

Hai Nhột lại bắt đầu xuất hiện, dự các buổi tiệc tùng, nhận huy chương…

Ngờ đâu bảo bối chế bằng “thi khí” của Quách tiên sinh chỉ là vật dùng có thời hạn. Được khoảng ba tháng thì bắt đầu mủn ra, rơi rụng lả tả, chứng cũ lại tái phát, hở chỗ nào mụn đỏ mọc chỗ đấy, ngứa ngáy không chịu nổi, da dẻ lại đổi màu, gãi thì nước vàng chảy ra, tanh hôi không thể tả. Mấy công tử nhà Hai Nhột tức tốc sai người tìm đến Quách tiên sinh. Họ Quách chừng như cũng đoán trước việc ấy, bèn lấy ngay cái hộp đựng bộ “thi khí” khác đã chuẩn bị sẵn, lần này thì đích thân họ Quách mang đi, dắt theo Tạ Di Hầu.

Thầy trò đến trước dinh Hai Nhột, nhìn lên mà rợn người. Tòa dinh cơ mới hôm nào bề thế, mà nay lá úa, hoa tàn, tường vách tróc lở, cánh cổng rỉ sét như đã bỏ hoang hàng trăm năm. Lúc nào cũng có hàng chục người thợ làm quần quật, sơn sửa lại từ đầu này đến đầu kia, sơn đến chỗ cuối thì chỗ chỗ đầu lại lở… cứ thế mà không hiểu tại sao. Riêng Quách tiên sinh có lẽ biết việc này, bèn vận “địa mục” lên nom kĩ, bỗng rùng mình thấy đám một côn trùng nhỏ hơn hạt bụi, rộng bằng manh chiếu lúc cuộn lại, lúc mở ra… Mắt thường nhìn như hư không, nhưng địa mục thì nhìn thấy rõ, như một làn khói xanh, uốn lượn dưới ánh sáng mặt trời, múa những điệu múa kinh hồn rồi bay vụt vào bên trong dinh, xuyên qua tường đặc, qua cả thép dày cứ như không khí. Quách tiên sinh biết đây là do những oán khí kết thành khói xanh, những nguyền rủa cuốn thành điệu múa, những căm hờn biến thành cơn lốc… đẩy nó đi, tìm đến đúng cái nơi cần phải báo. Đó là thân xác và hồn vía của Hai Nhột.

Hai Nhột vồ lấy bảo bối từ tay Quách tiên sinh, vội vã mặc ngay vào. Chờ cho nó phát huy tác dụng, người ngợm yên ổn rồi mới hớn hở tạ ơn mà hỏi:

“Tiên sinh, bảo bối gì mà nó… chóng hư thế?”

Quách tiên sinh không có ý trả lời, đang mải đảo mắt nhìn quanh căn phòng khách. Vẻ lộng lẫy trước kia thì vẫn thế, nhưng nét bóng lộn, sang trọng thì không thấy đâu nữa. Sàn nhà đổi một màu xám xịt, bàn ghế mốc meo, vẫn còn những dấu vết lau không xuể. Đôi mắt Quách tiên sinh dừng lại ở lọ hoa, những bông hoa nom nhợt nhạt, đồng loạt gục hết cả xuống. Hai Nhột cất tiếng hỏi tiếp:

“Lạ lắm tiên sinh ạ. Từ hôm đó đến nay, nhà này hoa vừa cắm đã héo, bàn ghế vừa lau đã mốc, trần nhà vừa sơn xong đã lở… là cớ làm sao?”

Quách Tử ngửa mặt nhìn lên trần nhà loang lổ. Bỗng rùng mình một cái nữa. Trên đó có bóng một con quỷ đang múa may, uốn lượn, y hệt vũ điệu của đám côn trùng ban nãy ở ngoài cổng. Cái bóng phình ra, thu lại, lúc to, lúc nhỏ, điệu nhảy khi hoãn, khi cấp… khiến Quách Tử chịu không rõ đó là loại quỷ gì. Quách Tử lại phải vận món “cẩu tị” của mình lên, ngửi thấy mùi hăng như cứt gà, lại phóng “thiệt xà” ra nếm thử, thấy vị cay như đít cà cuống, đích thị là loài quỷ Dạ Xoa, do những oan gia trái chủ đã mạng chung, vốn vất vưởng mờ mịt ở ngoài biển Đông, nay tìm về để báo oán. Hai Nhột tuy chưa cảm thấy gì, song tâm thần đã bắt đầu hoảng hốt. Biết trước câu hỏi của Hai Nhột còn chưa kịp thốt ra, Quách tiên sinh đã đánh trống lảng mà bảo một câu lửng lơ hơi có chỗ khó hiểu:

“Của bền tại người, người lành tại phước… Ngài hãy tích cực đi lễ chùa để cầu thêm phước báo. Từ nay nếu ngài ăn chay được thì tốt, nhưng hãy tránh những vị cay…”

Hai Nhột tất nhiên nghe lời rồi hậu tạ cho thầy trò Quách Tử. Về đến nhà rồi, đồ đệ Tạ Di Hầu mới rụt rè thắc mắc:

“Thưa sư phụ, tại sao dinh ông Hai lại tàn tạ nhanh thế? Mới có mấy tháng trời?”

Quách Tử ghé vào tai Di Hầu nói nhỏ:

“Tại cái món “thi khí” ấy đấy”.

Di Hầu trợn mắt kinh ngạc. Chưa kịp hỏi tiếp thì sư phụ lại bảo:

“Ta cũng không giấu mãi nhà ngươi, bởi sắp có việc phải giao cho ngươi đây. Cái gọi là “bảo bối” ấy chẳng qua là những quần áo, vải vóc liệm cho tử thi, đến khi bốc mả, người ta quăng ở ngoài nghĩa địa, ta bí mật nhặt về, giặt giũ rồi chọn những tấm còn lành lặn, may thành quần áo cho Hai Nhột, gọi là “thi khí”…”

Di Hầu lè lưỡi kinh tởm. Lại nhanh nhảu hỏi tiếp:

“Thế tại sao nó ngăn được chứng bệnh ngứa ngáy, đổi màu da của ông ta?”

Quách Tử giảng giải:

“Bí mật ấy có chép trong sách “địa khấu” do Tổ của ta truyền lại. Nguyên chứng bệnh ấy là những oán khí, nguyền rủa… của người đang sống, gọi là “chúng đồng phận” kết thành. Nó nhỏ hơn hạt bụi, nhẹ tựa hư không, uốn lượn như đám côn trùng, nó xuyên qua tường vách, chui vào da thịt… không gì ngăn nổi. Nhưng nó rất kị những thứ liệm cho người chết, chôn ở dưới đất ba năm trở lên…”

Tạ Di Hầu nghe ra, xem chừng đã hiểu. Quách Tử bảo tiếp:

“Ở trong này thường chôn người chết một lần, gọi là hung táng nên không có tục bốc mả. Cho nên người phải ra ngoài Bắc, chờ đến mùa bốc mả, tìm đến các nghĩa địa để thu nhặt “thi khí” về đây. Thứ ấy sẽ còn phải dùng đến rất nhiều.”

Di Hầu vâng lời sư phụ, từ đó cứ đến cuối năm lại nhảy tàu ra Bắc, ngược xuôi như con thoi, “thi khí” đem về chất đống trong kho. Hai Nhột dùng hỏng bộ này, lại có ngay bộ khác thay thế, thầy trò Quách Tử được dịp tha hồ móc vào cái túi không bao giờ cạn của gia tộc nhà Hai Nhột.

Mọi chuyện trôi đi, có chuyện nổi lên, có việc chìm xuồng… Hai Nhột bên trong bọc “thi khí”, bên ngoài khoác comple, mặt mày tươi tỉnh, da dẻ hồng hào đi chùa lễ Phật cầu gia tăng thêm phước, dự hội nghị truyền thống nọ kia… đến nỗi quên béng lời dặn của Quách Tử. Một hôm trong bữa tiệc sơn hào hải vị, có món đỉa biển nom rất hấp dẫn, Hai Nhột vừa gắp đưa lên miệng, thì nó đã chui tọt xuống dạ dày, chỉ kịp cảm thấy có vị hơi cay cay, mới giật mình nhớ lại lời dặn của Quách Tử thì không kịp nữa rồi.

Ở cách xa trăm dặm, Quách Tử vẫn để ý chuyện tiệc tùng của Hai Nhột, bèn vận “thiệt xà”, phóng lưỡi nếm suốt bàn tiệc, phát hiện có món đỉa cay ấy, chưa kịp cảnh báo thì Hai Nhột đã nuốt gọn rồi. Âu cũng là cái “số” nó thế. Quách Tử lập tức gọi Tạ Di Hầu đến, ra lệnh gói ghém tiền bạc, tư trang… để hai thầy trò bỏ trốn ngay tức khắc. Di Hầu hết sức kinh sợ bèn hỏi lại, Quách Tử bảo:

“Tại người không biết đó thôi. Món “thi khí” của ta chỉ ngăn được “chúng đồng phận”, tức là món nợ của những người đang sống. Còn những oan gia trái chủ, tức là món nợ của những kẻ đã chết, gọi là “chúng dị phần” đã kết thành quỷ Dạ Xoa, lúc nào cũng bám theo ngài, nay nó đã chui vào trong bụng ngài, biến thành khối u thì ta không chữa nổi đâu. Bấy giờ thế nào ngài cũng tìm đến đây thì ta biết ăn nói như thế nào?”

Di Hầu nghe ra nhưng vẫn còn thắc mắc:

“Thế sao bọn Dạ Xoa không đột nhập vào người ngài như bọn “chúng đồng phận” kia?”

Quách Tử bảo:

“Bọn “chúng đồng phận” tuy lúc nào cũng xâm nhập được, song nó chỉ gây ra tai vạ ở ngoài da. Còn bọn quỷ Dạ Xoa thì chúng phải chui vào tận ruột gan phèo phổi… mà đòi mạng từ trong ra. Ta đã biết mùi của chúng hăng như cứt gà, vị của chúng cay như đít cà cuống, lại biết chúng phải có đủ “duyên” thì mới đột nhập được, nên đã dặn ngài phải tránh món cay. Ai dè hôm nay ngài nuốt phải món ấy, nó đã nhân đó mà nương theo để chui vào trong bụng rồi…”

Thầy trò Quách Tử trốn biệt. Quả nhiên mấy hôm sau, trong bụng Hai Nhột nổi lên một cục u. Người nhà Hai Nhột tức tốc tìm đến Chợ Lớn thì chỉ còn bóng chim tăm cá. Mấy tháng sau từ bệnh viện phát đi cáo phó: “Mặc dù được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, tuy tuổi chưa cao bằng ai đó mới chết, song bệnh quá hiểm nghèo…” nên ngài đã ra đi…

Đợi tang lễ xong xuôi mấy tháng, thầy trò Quách Tử mới dám mò về. Người nhà Hai Nhột nghe tin mừng rỡ, lập tức sai người đến mời. Thấy Quách Tử nhận lời sửa soạn đi, Tạ Di Hầu can:

“Sư phụ há không sợ nhà ấy giận mình, vì vụ bỏ trốn vừa rồi hay sao?”

Quách tiên sinh ung dung trả lời:

“Ta chỉ sợ căn bệnh không thể chữa được, cho nên mới phải bỏ trốn. Chứ căn bệnh đã có “bảo bối”, người ta tất sẽ cầu đến mình, thì ta đâu phải sợ làm gì.”

Quả nhiên người nhà Hai Nhột không hề đả động gì đến chuyện mất tích của thầy trò Quách Tử, mà lại đem một việc nghiêm trọng khác ra cầu cứu. Ấy là suốt mấy tháng nay, ngày nào gia đình cũng làm một mâm cơm cúng thịnh soạn, sơn hào hải vị mùi thơm ngào ngạt dâng lên bàn thờ, vậy mà đêm nào Hai Nhột cũng hiện về báo mộng, không vào anh trưởng thì anh thứ, cứ một mực kêu la, đói khát không thể chịu nổi. Không hiểu nguyên cớ ra sao và bây giờ phải làm thế nào?

Quách Tử nghe kể xong, ra vẻ người đã biết từ trước, thong thả phán ngay:

“Cụ nhà bị đói khát là phải thôi. Người sống ăn bằng cách cắn xé, nhai, nuốt… gọi là “đoạn thực”, người chết ăn bằng cách ngửi hương, gọi là “hương thực”. Nghiệp nhẹ ngửi được hương thơm, nghiệp nặng chỉ ngửi được mùi thối. Chuyện đã như vậy, thì tức là nghiệp của ông cụ nhà ta nặng lắm, không hưởng được mùi thức ăn còn nóng sốt đâu. Nên để thiu rồi hãy cúng thì cụ nhà ta mới hưởng được”.

Người nhà Hai Nhột nghe lời, nhất nhất làm theo, cứ để thức ăn thiu hẳn rồi mới đem cúng. Quả nhiên từ đó hết chuyện báo mộng. Lại đem một mâm vàng ra tạ Quách Tử, mời làm thầy bọc mệnh cho gia tộc của mình. Quách Tử nhận lời đem vàng về nhà, chia phần cho Di Hầu. Thầy trò bàn nhau tìm cách mở một xưởng lớn, chế ra thật nhiều “thi khí”, phòng khi có người phải dùng đến, tha hồ thu lợi.

Cũng chả cần phải đợi lâu. Câu chuyện về “thi khí” chữa căn bệnh chảy nước vàng, đổi màu da… của Hai Nhột chẳng hiểu sao đã loang ra khắp nước. Từ đó có khối người tìm đến đặt hàng, xưởng “thi khí” của thầy trò Quách Tử phát đạt lên trông thấy.

Comments are closed.