Sinh mệnh (kỳ 4)

Tiểu thuyết Bách Mỵ

  

Với nhận thức của con người vật chất thì những gì nhìn thấy, những gì đã xảy ra mới là chân lý. Thực ra, chân lý còn bao hàm những điều không nhìn thấy và những điều chưa đến. Ở những duy độ khác nhau, chúng ta sẽ có những vai trò khác nhau trong diễn trình chung này. Nền văn minh vật chất ở trái đất đã đạt đến thời kỳ hoàng kim của nhân loại nhưng nền văn minh tâm hồn dường như bị lãng quên. Mọi thứ thuộc về đời sống luôn cần sự cân bằng. Và cán cân của sự sống ấy đang bị lệch nặng về vật chất. Vị trưởng lão đưa tay đẩy một áng mây trắng ra và một màn hình mây rộng lớn đang cận cảnh rác thải nhựa, lưới quét, xác máy bay, san hô và những loài thủy sinh hấp hối. Những loài tảo biển không ngừng nở hoa xanh, đỏ, không màu… bắt đầu theo từng đợt thủy triều nhoài lên mặt cát.

– Nếu được chọn một bộ phận đầu tiên cho lần tái sinh này các con sẽ chọn bộ phận nào?

Vị trưởng lão như cũng đang hỏi chính mình.

– Con sẽ không chọn một đôi mắt cho ánh nhìn đầu tiên về thế giới hằng mơ ước bằng cách này. Con không dám nhận lại một đôi mắt sáng.

– Con không biết mình sẽ xoay xở thế nào nếu người ban lại một trái tim thanh khiết nữa. Lồng ngực con sẽ vỡ, sẽ thét lên từng cơn thống khổ. Con không thể nào đứng lại và nhận rằng mình là người có một trái tim.

– Con chắc hẳn nơi đây không còn tồn tại khái niệm thở nữa. Ở đây nếu người sống lại sẽ tiến hoá, thích nghi hai lá phổi thành hai quả đạn. Bất cứ khi nào họ muốn có một hơi thở bình thường họ phải thực hiện một cuộc công phá lồng ngực. Và một hơi thở dài sẽ khiến họ nổ tung và biến mất.

– Con sẽ không nhận lại tay chân và xác thịt. Con không dám một lần nữa nhúng mình vào nước dữ. Con không muốn bàn tay muôn kiếp lại nhúng chàm.

– Con không nhận lại giọng nói, ngôn ngữ của loài người hoạt thâm nữa. Con muốn chọn lặng im, hiện thực hoá những thiện lành. Con muốn làm một cánh chim bay, một cái cây trong cánh rừng xa thẳm…

Một cái phẩy tay khác của vị trưởng lão, những cánh rừng lở lói hiện ra. Những tiếng kêu rên kèm theo khói và mùi khét cháy của cánh rừng tự thiêu khiến tất thảy những sinh linh đang có mặt ở đây đều co cụm, đổ gục.

– Các con trở lại đây không phải để hốt hoảng, né tránh những điều chính các con đã tạo ra. Sự thật vẫn luôn ở đó và phụ thuộc vào cách nhìn của các con ở tầng thức nào thôi. Khi các con đã nhìn ra được tội lỗi, đã giác ngộ và sám hối thì thế giới đã được cứu rỗi một nửa rồi. Phần còn lại sẽ là một hành trình tiếp theo này. Sứ mệnh lần này của các con là sứ mệnh yêu thương. Mỗi các con hãy gửi đến ta một ý niệm về tự nhiên. Từ đó, các con sẽ có đủ tâm lực để khắc phục những điều các con nhận ra là đã sai lầm trong quá khứ.

***

Một chiếc bình gốm làm từ đất sét làng Hữu Xạ là tất cả những gì gia đình chuẩn bị để chào đón một sinh linh mới. Chín tháng mang thai, người mẹ luôn giữ tâm thanh tịnh, không giận hờn và muộn phiền dù chỉ là với một cơn gió Nam nóng bỏng thịt da. Chín tháng nằm trong “tổ ấm” là giai đoạn thiền đầu tiên để chuẩn bị một hành trình mới của thai nhi. Chiếc bình gốm rỗng tượng trưng cho vũ trụ, bao hàm tất thảy đất, nước, lửa, không khí và âm thanh. Thông qua giao tiếp cảm nhận, chiếc bình sẽ hình thành cân bằng một môi sinh tâm hồn đến khi sinh nở. Người mẹ thì thầm những lời cám ơn với hạt cơm lúa mới mà mình được ăn vào trong chiếc bình; cám ơn những giọt nước uống và tắm gội từ suối khe và những cơn mưa; cám ơn những thanh âm ru lòng người dịu lại của cỏ cây, đất trời; cám ơn những lay động, bão giông khiến cho con người thấy mình được bình yên, hiện hữu…

Làng mạc mờ dần trong mưa sương. Mỗi linh thể đều đã chọn được cho mình một tổ ấm. Thực ra, chúng ta đã luôn được tự quyết định cho mình nơi sinh ra từ kiếp trước; đã được chọn cho mình những người đồng hành, dẫn lối vào những mai sau thông qua từng kiếp sống. Biên đã quay về nằm lại căn buồng của mẹ. Căn buồng phên tre mùi cứt trâu khô dìu dịu. Những đêm trăng mùa hè, mẹ chống tấm liếp cửa sổ bằng tre lên. Trăng từ những ngọn đồi chảy tràn loang loáng đám lá sắn, tràn xuống mái tóc mẹ xoã bềnh trên gối. Biên bắt đầu theo mẹ vào những câu vọng cổ dài. Giấc mơ Biên men theo đường tơ rung câu hát chạy trên ngọn đồi, vin bóng tre đổ mềm như một cơn gió chạm vào vầng trăng dịu mát; giấc thơm như một chiếc lá trôi êm đềm trên sông im vắng.

Nắng nóng

Lũ dê ở cao nguyên Changtang cũng ngừng mọc len

Người cởi chiếc áo của mình dư giả

Mặc vào cho những cái cây

Nắng cháy

Những hồ muối mặn đắng, phương Bắc

Những khuôn mặt đắp bã trà bơ và cây Anda

Đang ửng vàng như trái mơ chín dưới chợ phương Nam.

Ladakh, Kashmir, Changtang

Dòng Sutlej vận mùi mơ chín

Vận dòng người cài hoa chen đá

Vận tiếng cười nông trang

Đoàn người đi như một dấu chấm than

Và gia súc là linh hồn du mục

Con đã sống một kiếp nào, lưng ngựa

Thồ mây bay qua đồng cỏ xanh rờn.

Con đã sống một kiếp nào, muối tảng

Chiếc sừng dê bao thế kỷ, xá lợi còn

Một bài hát vang lên trong tàng thức

Muối và mơ, lúa mạch rộ trên đồi

Tiếng chân ngựa nghe ra thành trâu Yak

Tiếng người im như máu mặn đập tim mình.

Con đã sống những kiếp nào gió cắt

Mưa đông thành khuôn mặt cha ông

Trăng vẫn đấy, nhưng mặt trời đã khác

Cháy vòng quanh trái đất, tử, sinh

Con đã sống những kiếp người vô thực

Bỗng thèm nghe tiếng mẹ gọi con về

Tiếng con dạ và đôi chân khẩn khoản

Quỳ dưới cây, nắng dung tội đầu trần.

Ngay sau khi xung động ý nghĩ này của Biên được truyền đi, vị trưởng lão khép mắt lại. Những linh thể bắt đầu mờ dần, mờ dần trên bảng mây xanh. Từng dòng ghi nhớ sứ mệnh và nhiệm vụ xuyên suốt được gửi đi trên khắp thiên hà. Dưới những mái nhà bình yên của các ngôi làng Hữu Xạ, tiếng trẻ con khóc chào đời trong tiếng mưa êm đềm và cầu vồng nối đất trời rực rỡ, hân hoan.

***

Trong hành trình dài ở những cánh rừng sâu của mình, Biên cố gắng tìm một vết tích của loài vượn người đã rụng đuôi tiến hoá. Để khả dĩ thấy được sự thay đổi trong nhận thức của con người, bằng cách đánh động lòng trắc ẩn về nguồn cội, có thể lấy hình ảnh núi rừng, biển cả thuở ban sơ để phục hồi bản chất thuần hậu của họ. Nhưng Biên đã không thấy được một ký ức vượn người nào trong những lần hồi quy cả. Điều Biên thấy được là, vượn người thực ra chỉ là một hình thái tồn tại khác của linh thể. Họ được sinh ra bởi sức hấp dẫn của âm thanh sinh trưởng của cây cối, bóng mát, ánh sáng, sự thuần khiết của đất, nước và môi sinh. Họ chỉ tồn tại ở nơi họ có sự tương thích. Họ không xâm lấn và không huỷ diệt môi sinh. Cuộc sống của họ là đời sống tự nhiên không tích trữ, không gian lận, không mánh khoé, không đổ thừa. Đó là một cuộc sống thuận tự nhiên khoa học nhất. Con người là một hình thái tồn tại độc lập khác, không liên quan gì đến vượn người hay nằm trong chuỗi tiến hoá nào. Con người là một sinh thể được tạo ra để cầm tù những linh hồn không còn phù hợp trong diễn trình tiến hoá. Sự mất đi ký ức, sự trói buộc trong những cái hữu hạn gọi là ngũ quan này cộng với hiệu ứng tà lượng của đám đông, con người sẽ cùng nhau trong một hành trình của sự tự hủy diệt. Con người chỉ tôn sùng những thứ phát ra được cái mà họ gọi là tiếng nói, ngôn ngữ chủng loài mình. Họ coi tiếng nói của tự nhiên là điều mơ mộng, sự nổi giận của thiên nhiên cũng là điều mơ mộng nốt. Họ phấn khích và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về những phản ứng của tự nhiên. Họ kỳ vọng những đứa con chịu bạo lực, ghẻ lạnh, bất công,… sẽ thành người dịu dàng, quân tử, bao dung và đầy yêu thương. Họ kỳ vọng những đứa con mà họ làm cho khuyết tật từ nhỏ lớn lên sẽ thành người tự tin, hoàn hảo và hạnh phúc. Họ bỏ qua những cảm xúc, những hành vi tồi tệ của mình đã gieo để mong nhảy cóc đến một tương lai huy hoàng, yên ấm. Đó là lý do tất cả đang rời bỏ con người, là lý do để con người mãi loay hoay tìm nguồn gốc của mình mà chưa tìm thấy được. Trong một tổng thể vật chất luôn cần sự đứng yên trong nhiều chuyển động, luôn cần một nhân tố xác định đứng yên trong sự hỗn độn. Con người đang sống như những tàn lửa trong gió – vừa bay, vừa sáng, vừa cháy – và luôn thấy mình đẹp rực rỡ.

Chín tháng mười ngày là một khoảng thời gian đồng thời cũng là một dung lượng hoàn hảo để một sinh mệnh tồn tại ở thế giới này. Khi mang thai, người mẹ cần có một khoảng thời gian đủ nhiều trong ngày để hướng dẫn thai nhi kết nối với thế giới bên ngoài, cần có sự tĩnh lặng cần thiết để thai nhi cảm thụ và định hướng người mà nó sẽ trở thành. Tất cả năng lượng tự nhiên đều có sự điều hướng từ người mẹ và mức độ khai mở của linh thể mới. Cỏ cây cũng là con; nước, ánh sáng, đất, gió, lửa,… tất cả đều ở trong con; và con cũng là tất cả. Chúng ta không mưu cầu thay đổi con người; chúng ta chỉ có một mong ước, một nguyện cầu rằng con người sẽ trở lại là con người nhân ái và thôi hết những vô minh.

Việc đầu tiên, cha sẽ nói cho các con biết về sự hình thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ có trước hay hành động có trước? Khi các con được sinh ra, các con chỉ có một biểu thị khóc. Khóc rõ ràng là một phản ứng có cảm xúc chứ không phải là một điều tự nhiên của mọi đứa trẻ mới được sinh ra; khóc vì chúng con có xúc giác, có cảm xúc. Khóc vì một tác động vật lý là bị kéo rớt, bị cắt dây cuống rốn, bị móc miếng. Nụ cười sẽ đến sau; đến từ lúc các con được ủ ấm, được bú no, được mở mắt và nhìn thấy ánh sáng, màu sắc; đến từ lúc nhìn thấy mẹ cha, được nghe thấy tiếng hát ru, tiếng cười nói thân thuộc xung quanh mình. Ngôn ngữ kế tiếp sẽ đến; ngôn ngữ là thứ hoàn hảo nhất của quá trình lớn lên này. Ngôn ngữ là những gì mà tất cả các giác quan thôi thúc con hình thành; ngôn ngữ là sự tích lũy, chắt lọc tinh tuý nhất từ mỗi cá thể. Khi con nói, tiếng nói của con sẽ đại diện cho con, mọi sự chỉnh sửa chỉ có giá trị tiếp nhận khi con thực sự nhận biết được những gì mình đã nói. Vì thế đối với con người, từ “Mẹ” luôn được thốt ra đầu tiên trong quá trình học nói. Mẹ là một từ đầy đủ, ý nghĩa nhất, một từ tinh tuý và có âm thanh rung cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Từ Mẹ bao hàm sự gần gũi nhất, trọn vẹn nhất. Các con hãy liên tưởng về mọi thứ xung quanh một chút nhé: Cây cối, không khí, nước, đất… những gì luôn nhẫn nại bên ta dù ta có như thế nào đi chăng nữa, thì đó được gọi là Mẹ của ta: Mẹ Thiên Nhiên! Và ngôn ngữ của các con là phương tiện để biểu hiện con, để phản ánh hành động của người khác. Các con hãy sử dụng ngôn ngữ luôn được logic với hành động. Mọi sự tuỳ tiện, bâng quơ cũng đều được coi là xả rác bừa bãi. Rác ngôn ngữ là một dạng rác mà độ ô nhiễm, lây lan của nó khó nhìn thấy, càng dọn sẽ càng lây lan. Nói cách khác, đó là một loại ô nhiễm không có hướng giải quyết triệt để.

Về đôi nhắt nhìn: Các con đã đi qua nhiều kiếp luân hồi vội vã và nghĩ rằng con người chỉ nhìn thấy nhau bằng đôi mắt mở. Đúng vậy, con người chỉ nhìn thấy thế giới trong tầm nhìn hữu hạn của một đôi mắt mở. Nhưng các con có biết không, mỗi tế bào cấu tạo nên chúng ta đều là một con mắt tinh anh nếu ta cảm nhận được sự tồn tại của nó. Việc nhìn thấy ở đây, trong đời sống thực sự của các con sau này, là sự thấu hiểu thế giới, việc nhìn thấy của tất cả các giác quan tĩnh lặng. Cái nhìn thấy không phải là một vật chất hữu hình nào nữa mà có thể là những rung động, những cảm giác, những điều gì đó chưa xảy ra hoặc chưa hình thành. Có vẻ khó hiểu, ý cha muốn nói: thực ra mọi thứ đã, đang và chưa xảy ra ở thế giới này đều có những dấu tích, chuyển biến, báo động ở đấng mà ta gọi là Mẹ Thiên Nhiên.

Khi mở mắt để có ý nhìn, con sẽ có thể nhìn thấy những điều con thích thấy. Nhưng nếu nhắm mắt lại để nhìn, con sẽ thấy được điều thế giới muốn con nhận ra. Nào! Các con hãy khép mắt lại và nói cho cha nghe các con thấy được điều gì?

– Thưa cha, con nhìn thấy những tổ chim nhỏ lấp trong tán lá trên những cành cây lớn trong khu rừng. Bây giờ đang là buổi sáng, mặt trời lấp lánh xuyên qua kẽ lá, những đường sáng mịn màng tiếp trên đám lá mục. Có vài con ếch nhỏ vừa nhảy trên xác cây khô. Con thấy một bông hoa vừa đội rớt giọt sương đêm nở bung thơm lừng. Tiếng chim hoà với tiếng suối chảy và ánh sáng rộn ràng. Con thấy những đôi chân trần của người già đang bước đi trên cỏ. Con thấy con đang nằm dưới cỏ, bàn chân người già thật ấm, thật êm; mỗi bước đi, người để lại một lời yêu thương và cám ơn. Cỏ cây cứ vươn dài, tươi xanh, toả mát.

– Con thấy mình đang nằm trên một tảng đá lớn dựng đứng. Trái tim như một cực của nam châm đang dính tấm lưng con vào đá mềm. Hơi mát bốn mùa từ tảng đá đang thẩm thấu vào người con. Mùi thời gian bay ra từ cái miệng khép hờ, bay ra đôi lỗ tai, bay ra từ những chân tóc đang phất phới. Con thấy mẹ đang nằm bên, xóm giềng họ hàng đang nằm bên, con đi qua và viếng thăm hết mọi cảm xúc của họ. Họ cũng như con, như không khí đang toả ra khắp trời, hân hoan, hạnh phúc.

– Con nhìn thấy những con cá heo đang búng mình lên không trung. Dải nước văng ra từ thân nó có màu hổ phách, từ những chiếc đuôi cong tạo ra một vùng xoáy ánh sáng thẫm, sự khuếch đại tăng dần tạo thành một đường hầm ánh sáng đặc. Từng cơn gió mạnh đẩy khối ánh sáng liên tục chuyển màu ấy về phía khu rừng. Đại dương như một tấm kính phản quang hắt một tia lửa mồi tím ngắt. Khu rừng bốc cháy dữ dội. Con nghe thấy tiếng kêu đớn đau của những con chim chưa nở; con nghe thấy tiếng gầm rú của những con thú chưa trưởng thành, tiếng nổ của những tảng đá lớn, và sự quặn thắt của con suối, con sông vừa thức dậy.

– Thưa cha, có phải mọi thứ đang tồn tại xung quanh con người đều biểu thị con người không, cha? Trong những cơn hoảng loạn đó, con không thấy bóng dáng con người nào cả. Con chỉ thấy khuôn mặt của ánh sáng, của lửa, của nước, của lặng im…bị bao trùm bởi một sự giận dữ khủng khiếp, một sự rũ bỏ lạnh lùng ghê rợn nhất. Có phải chúng ta cũng là nước, lửa, không khí hay mọi vật chất khác mà chúng ta tác động không? Và cơ thể con người có phải cũng chỉ là một phương tiện để ta biểu thị nguồn gốc năng lượng của mình không? Có phải chính cơ thể vật lý của chúng ta mới là bậc thấp nhất của dạng tồn tại năng lượng của vũ trụ?

Vị trưởng lão nở nụ cười hiền:

– Vậy là, với một bài thiền nhỏ này, các con đã thấu suốt chính mình. Khi ta biết cách sử dụng một giác quan như ý nó tồn tại thì những giác quan khác sẽ theo tuần tự ấy mà vận hành. Sự sáng tạo hợp lý, tốt đẹp sẽ sinh ra từ sự thấu cảm của vạn vật.

***

Những đứa trẻ trong làng thường đứng nói chuyện với nhau dưới những hàng cây xanh, dưới những buồng chuối đủng đỉnh sau hè, dưới gốc cây chòi mòi thõng từng chùm quả xanh non. Người cha luôn bước ra sau cùng khi bọn trẻ đã cùng nhau hái quả và hát hò. Sau mỗi buổi nói chuyện, dáng đi của người cha bớt chậm chạp lại một chút. Dường như những điều cần truyền lại, nỗi nhớ về tiền kiếp của ông đã đầy và nặng như những chum nước mưa trên sân tháng mười.

– Cha ơi, có phải thức ăn đã làm cho người lớn có những bước đi nặng nề? Có phải thức ăn đã làm con người chậm lại? Chúng con ở đây đều có những đôi chân thoăn thoắt, có đôi mắt nhìn nhanh như tia chớp. Chúng con có giọng nói trong trẻo và cao vút, còn người lớn, người già họ lại chậm dần và luôn thở dài?

– Tất cả những gì hình thành nên sự sống đều là một món quà. Thức ăn là một món quà. Không khí, lửa, nước, ánh sáng… là một món quà. Khi chúng ta bắt đầu biết cách cho và nhận là lúc chúng ta biết cúi xuống, thấy mình bé nhỏ và hàm ơn. Nhưng sự chậm chạp phần lớn đến từ nỗi nhớ và trách nhiệm với tháng năm.

Thức ăn nuôi sống cơ thể vật chất của chúng ta, nuôi dưỡng linh tâm của chúng ta và thức ăn cũng giết chết chúng ta. Thức ăn mang đến hạnh phúc và cũng mang lại tội lỗi. Sẽ luôn có những quy tắc của vũ trụ về thức ăn, về cuộc sống mà mỗi người đều có khả năng nhận biết. Nhưng sự nhận biết ấy luôn đến trễ hơn so với thời gian của một đời người. Và có những người qua nhiều kiếp vẫn không đến được với nhận thức đó.

Quy luật thứ nhất: “Mùa nào thức ấy”. Cây trái, củ quả, hoa lá… luôn theo sự vận hành chung của đất trời mà đơm hoa kết trái theo đúng mùa nhất định. Quy luật này có thể gọi là quy luật âm dương. Mọi thứ sẽ tốt nhất khi ở trạng thái cân bằng. Sự hài hoà chỉ mang tính tự nhiên, không có yếu tố thích nghi hay đột biến. Các con hãy nhớ rằng, tất cả mọi sự tồn tại trên đời đều có nguyên nhân và quá trình của nó. Và sự mất đi hay diệt vong cũng không ngoại lệ. Các con đang ở làng Hữu Xạ lúc này bởi vì các con đã có ước hẹn ở tiền kiếp.

Quy luật thứ hai: “Vừa là phải, quá thì quắt”. Thế giới này là một thể thống nhất, và con người hay sinh vật khác đều là một mắc xích có vai trò nhất định trong chuỗi tiến hoá này. Con người luôn nghĩ có thể điều khiển, thay đổi được mọi thứ nhưng con người đã ảo tưởng, đã lầm lạc. Chúng ta khiến đời sống của các sinh vật khác trở nên chóng vánh; rút ngắn tuổi thọ, vòng đời của các sinh vật khác bằng lòng tham của mình với cái tên mỹ miều: “Nhân Tạo”. Những cái cây nhỏ mang trên mình đầy trái nặng như kiểu bắt ép một đứa trẻ tuổi vị thành niên mang thai. Những con vật không có đời sống tự do của nó nữa. Những con gà, heo, bò… đứng một chỗ chỉ để ăn, đẻ trứng, bị lấy sữa và lấy thịt. Trong bộ gen ghi nhớ của chúng không có hình ảnh của tự nhiên. Sản phẩm của chúng là sự lai tạo, ép buộc và bóc lột. Con người cắt đứt sứ mệnh của những loài sinh vật khác và không rõ sứ mệnh của mình đến với hành tinh này là gì! Năng lượng thức ăn đến từ những sinh vật nô lệ, chịu nhiều áp bức, bất công… như vậy sẽ đi vào mỗi chúng ta và cả những thế hệ mai sau. Cơ thể con người sẽ đi đến tiến trình tự thích nghi như sẽ sinh ra những u nhọt (ung thư), những phản ứng béo phì, sưng tấy, đau đớn (gout). Nỗi muộn phiền, thống khổ sẽ ngự trị trong thân xác tội lỗi, nặng nề. Quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ hạ đến mức thấp nhất để thích nghi với việc ăn quá nhiều mà chưa kịp chuyển hoá.

Các con đang ăn những chùm dủ dẻ và nhìn bầy chim vui vẻ cúi nhặt những hạt lúa sót lại trên đồng. Đừng để nhiều năm nữa, đồi gò này, cánh đồng này sẽ thành những bệnh viện quá tải đêm ngày hay nơi chong đèn cho gia súc, gia cầm than khóc!

(Còn tiếp)

Comments are closed.