TRÍNH TÃ không chỉ là CHÍNH TẢ

Lê Học Lãnh Vân

Báo mạng Sputnik, ngày 20/4/2022, đăng tin: Để phục vụ cho Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam, sáng 20/4, một chiếc cổng chào mới được dựng lên tại phố sách Hà Nội (phố 19/12, quận Hoàn Kiếm) với nội dung: “LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG CHÀO…”. Sở Văn hoá Thể thao đã chữa cái lỗi chính tả chình ình giữa phố Hà Nội và giữa những ngày Văn hoá.

Không ít những cười cợt, chê bai hàng chữ viết trên cổng chào đó. Các thông điệp chê bai đa số nhấn mạnh lỗi chính tả, cho nên có người phản biện rằng lỗi chính tả bây giờ đầy đường, đầy mặt báo, có gì phải dậy sóng mạng tới thế! Lại có người phản biện rằng lỗi đó do phát âm, người Miền Bắc phát âm gần giống nhau các phụ âm Tr và Ch, từ đó cho thấy viết Phong Chào thay cho Phong Trào nên được thông cảm!

Bài viết này tôn trọng phát âm vùng miền. Thí dụ, thời nay, sự phát âm các phụ âm L và N thay nhau vẫn được thông hiểu ở một số vùng. Tuy nhiên chính tả thì phải đúng. Hơn nữa, quốc gia có sự chuẩn hoá của nó, ở vị trí tầm quốc gia, lại lãnh đạo các bộ liên quan tới giáo dục, văn hoá, người ta không thể viết sai chuẩn được. Làm điều đó cho thấy sự lười nhác trong tu tập bản thân, sự coi thường quốc gia, dân chúng và cho thấy một tầm nhìn, tư cách thấp. Kẻ ở vị trí đó mà làm như thế là không xứng đáng!

Thực sự thì viết Phong Chào thay cho Phong Trào có phải chỉ đơn thuần là lỗi chính tả?

Đứa nhỏ lớp một, lớp hai viết sai chính tả có bị ai chê trách không? Thầy cô giáo thì bị, nhất là thầy cô giáo dạy văn, dạy các môn liên quan tới văn, tới ngôn ngữ học lại càng bị chê tợn.

Thầy cô giáo dạy văn hay ngôn ngữ học có sai lỗi chính tả không? Có! Không ai nhớ được hết chính tả của từng từ, từng chữ. Người bạn tôi, một giáo sư ngôn ngữ học bậc đại học có tiếng, cho biết khi viết ông luôn có vài quyển từ điển trước mặt để tra cứu khi có thắc mắc về chính tả. Ông không thuộc lòng hết chính tả nhưng ông biết cách làm việc.

Hơn thế nữa, ông có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm. Ông nói, ở vị trí của mình, mình không thể sai các lỗi ngớ ngẩn. Việc ấy có hại cho xã hội!

y là mới nói tới các lỗi hỏi ngã. Thí dụ NGẢ ba đường hay NGÃ ba đường. Khi làm việc nhiều, tuổi trọng, người ta có thể quên các dấu hỏi ngã và cần từ điển, nếu có từ điển chính tả càng tốt. Lỗi chính tả ở đây chỉ cho thấy sự quên.

Tuy nhiên lỗi chính tả giữa các từ Phong Trào và Phong Chào cho thấy lỗ hổng kiến thức ở mức độ sâu sắc hơn, mức độ kiến thức nền. Nếu tầm nguyên ta sẽ thấy Trào khác hẳn với Chào từ gốc từ. Chữ Chào dùng lầm cho chữ Đón còn dễ hiểu hơn là dùng lầm cho chữ Trào! Việc này không cần tới chuyên viên ngôn ngữ học, một thành viên làm việc trong hệ thống hành chánh công liên quan tới Văn hoá, tới Sách… phải biết! Chắc chắn rất nhiều người không tưởng tượng được một lỗi như thế có thể xảy ra ngay trên trán của khuôn mặt văn hoá thủ đô giữa những ngày lễ Văn hoá là Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam!

Vậy thì, khi Phong Chào dùng thay cho Phong Trào, đó không chỉ là lỗi chính tả. Đó là lỗi về năng lực, về lòng tự trọng, về cả tinh thần trách nhiệm. Theo cách nói đương thời, đây là vấn đề bất xứng, nghĩa là không xứng đáng, về tài và đức!

Khi người ta cố biện bạch rằng đây là lỗi của đơn vị thi công, sự bất xứng về tư cách càng hiện rõ hơn!

Nếu chịu khó đọc Phây, báo mạng, cả báo chính thống, người ta thấy sự bất xứng ở các vị trí sao mà nhiều quá. Chuyện Lò và Củi, cho dù nhiều người nghĩ rằng số củi cho vào lò còn ít so với thực tế, vẫn phản ánh sự bất xứng tới kinh ngạc! Đó là sự bất xứng ở mức độ hình sự, còn sự bất xứng ở mức độ hành chánh như chuyện PHÁT ĐỘNG PHONG CHÀO này thì nhiều vô kể! Những sự việc này góp phần xấu vào sự phát triển dân trí, vào sự bất tín nhiệm của người dân với các thành viên bộ máy công, do đó góp phần xấu vào sự phát triển quốc gia nói chung

Sau khi tin và ảnh về sự việc được lan truyền trên mạng, nhiều tờ báo đã gỡ tin! Anh chị vào các trang như trang của phapluatmedia là rõ. Thực đáng thất vọng! Nếu có cách xử trí khác, hệ thống công có thể nương vào sự phê phán của xã hội để tự cải tiến, loại bỏ bớt những thanh viên bất xứng, làm đẹp hơn hình ảnh mình và thu hút sự ủng hộ, góp sức góp lòng của người dân… Giải pháp gỡ bài chỉ khiến người dân cảm nhận sự càng xa cách của hệ thống quản lý báo chí, xa cách với dân chúng, xa cách với cải tiến, thậm chí xa cách với điều đúng! Có sự cảm nhận nào về một vị trí đứng ngoài và đứng trên thay vì đứng trong lòng dân không?

Bài viết muốn đặt câu hỏi thực lòng của một công dân: Hệ thống chính trị có trách nhiệm gì trong việc PHÁT ĐỘNG PHONG CHÀO này không? Không phải nói về trách nhiệm viết đúng chính tả, đó là trách nhiệm của chuyên viên. Câu hỏi này muốn đề cập tới trách nhiệm để bộ máy hành chánh công có nhiều thành viên bất xứng. Trách nhiệm để những việc không thể xảy ra ở tầm vóc của sự kiện lớn và trang trọng lại trở thành việc xảy ra ở không ít nơi, không ít lúc. Trách nhiệm để người dân quen dần với những sự việc không thể chấp nhận được, và họ chỉ chép miệng, ối dào việc ấy khắp nơi, ai mà xử lý, có gì lạ, ghế thì vẫn ngồi thôi…

Có phải đó là trách nhiệm với dân trí và dân khí không?

Ngày 22 tháng 04 ngày 2022

(Tên bài được đặt trước khi đọc bài Trính Tã của nhà văn Phạm Thị Hoài)

image

Ảnh trên trang https://phapluatmedia.vn/, đã bị gỡ.

Comments are closed.