Sinh mệnh (kỳ 7)

Tiểu thuyết Bách Mỵ

 

Một tượng Phật không đầu vừa hiện hình ngay giữa sân chùa. Không ít nhà sư trẻ và Phật tử đã kinh hãi vì sự xuất hiện không nguyên vẹn và bí ẩn này. Vị trụ trì đã tổ chức một tuần lễ trì kinh sám nguyện cho tất cả tăng ni và chúng sanh. Trong buổi lễ trì tụng cuối cùng, trụ trì đã hỏi tất cả mọi người về suy nghĩ và ý niệm của họ về việc thực hành lễ trong suốt tuần qua. Tất thảy họ đều có chung một câu trả lời rằng: Ngày đầu tiên là ngày họ gửi đi những năng lượng đón chào sự hiện hữu của Ngài. Họ đã hiểu mọi sự xuất hiện của Ngài đều bắt đầu bằng một lý do thiện lành (dù rằng không nguyên vẹn). Ngày thứ hai, họ nhận biết được tất cả các lỗi lầm, tội trạng của mình đã gieo trong suốt quá trình của đời sống. Ba ngày tiếp theo, họ cầu nguyện hồi hướng cho tất cả được cùng nhau tới bờ giác. Ngày thứ sáu, họ soi rọi lại tâm mình và phát nguyện. Ngày thứ bảy, tất cả họ cùng nhau gửi lời phát nguyện này vào tàng thư của vũ trụ: Adidaphat! Adidaphat! Adidaphat!

Ngay khi lời của tất cả chúng sanh được gửi đi, tượng Phật không đầu liền tự xếp mình vào một vị trí của chánh điện. Trong không khí đó, vị trụ trì bắt đầu cất lời: Nhân loại sẽ được cứu rỗi bởi sự giác ngộ. Các con tự mỗi người đã nhìn nhận ra chân ái. Năng lượng của giác ngộ là năng lượng vô biên. Nhưng để thay đổi đại cuộc này cần sự tỉnh giác của tất thảy muôn loài. Tu tâm, dưỡng tánh là con đường duy nhất dẫn đến sự an lạc. Hoà thượng đặt vào tay mỗi người một nắm hạt giống, và mỗi Phật tử tự tay mình đánh lên một tiếng chuông trước khi rời khỏi cổ tự.

Chuông chùa vừa điểm canh năm. Biên trở về khi mặt đất còn phủ một lớp sương bụi mờ mịt. Trăng soi lợt lạt trên những triền đồi im vắng. Lệnh phong tỏa tiếp theo đã được ban bố vào tối hôm trước. Lòng người đã rệu rã hơn bất cứ thời đại nào mà Biên đã từng kinh nghiệm. Sự kéo dài của ôn dịch tỉ lệ thuận với thời gian loài người hành hạ thiên nhiên, báng bổ thánh thần. Người người đang thực sự im lặng trong đau đớn; tất thảy đang trong giai đoạn thải những độc tố văn hoá độc hại đã ngấm vào tâm thức họ.

Những chuyến rau củ quả từ những ngọn đồi của làng Hữu Xạ tuần tự được phát đến từng nhà. Thời gian giãn cách đã làm cho những chiếc lồng, cũi mục rớt ra. Từng chú chim nhỏ rũ bụi bay lên trong nắng. Những bầy thú rừng hất đổ những cái máng đựng thức ăn thiêu thừa tanh hôi và tháo chạy. Thế giới tự nhiên đang thực hiện một cuộc đảo ngược ngoạn mục. Người đưa đôi mắt thẫn thờ của mình nhìn qua song cửa sắt. Những bức tường kín ngạt xi măng và giọng nói của chính họ. Trăng đã dừng lại trên những ngọn cây xanh mùa hè, đang tắm mình dưới dòng nước yên ả thuở nào vừa trở lại. Đêm đã trở lại với tiếng gió tự do, với ánh sáng của thiên hà nguyên thuỷ. Đêm đang trở lại với những con thuyền trôi trên sông, với những con đường đất đang mùa ngơi nghỉ. Những tiếng kêu thăm dò yếu ớt rồi hân hoan của côn trùng bao đời bị lấp vùi bởi bê tông, nhựa tráng. Đêm thơm trên từng cành lá, bóng cây. Bản nhạc êm dịu nhất của vũ trụ đang được hoà tấu trở lại.

Con người đã thiêu rụi, đổ mực vào âm thanh trắng của tự nhiên rồi hằng đêm lại mở phát những bản thu nhân tạo để tìm kiếm một giấc ngủ bình an khó nhọc. Biên nhớ đến lời dạy của sư phụ rằng: Ở loài người, bệnh sẽ đến từ việc tắt nghẽn của khẩu và khứu với tâm của họ. Khi kiểm soát được cái miệng, đồng thời điều phối được hơi thở của mình, họ sẽ kiểm soát được bệnh tật. Và chỉ có cái tâm thiện lành của mỗi người mới có thể kiểm soát được cái miệng và điều phối được hơi thở của họ.

Tình thương xuất phát từ sự thấu cảm. Khi tất cả đều có khả năng thấu cảm với nỗi đau khổ của nhau thì việc chung tay bắc một nhịp cầu vượt qua những chướng ngại là điều hết sức dễ dàng. Khi con người còn ngồi cân nhắc về tình yêu thương đồng loại với nhau thì ngày bình yên sẽ còn xa vời vợi. Đến khi nào mọi thứ được trở về như chúng đã từng là:

Nước được chảy xuôi

Mưa trời ướt đất

Nắng làm khô thóc

Gió thổi tan mây

Cây xanh trái ngọt

Già được phụng dưỡng

Trẻ được đến trường

Học lẽ yêu thương

Kính trọng, khiêm nhường

Nói lời chân thực

Mùa xuân bánh mứt

Mùa hạ trà sen

Thu đến sách đèn

Đông về giữ ấm

Thân tâm tịnh ngẫm

Đời sống là cây

Rễ là mây bay

Dưới trời mặt đất

Người người thành thật

Đôi mắt kệ kinh

Giọng nói thâm tình

Ai ai cũng mẹ

Thì lúc đó, nhân loại sẽ có đời sống an lạc. Thế giới sẽ là một thế giới đại đồng.

***

Một ngày ở linh giới bằng trăm năm ở trái đất. Trong một khoảnh khắc quay lưng với thánh thần, con người đã chịu nỗi thống khổ kéo dài tính bằng thế kỷ. Sự chay tịnh đôi khi không đem lại trí huệ, từ bi cho con người, nhưng muốn có được sự từ bi, trí huệ con người bắt buộc phải chay tịnh. Đến khi nào con người thực sự nhận thức đúng đắn được vai trò của thực vật đối với đời sống của họ thì lúc đó sự cân bằng được tái thiết lập. Tại sao việc trồng và chăm sóc một cái cây lại ngày càng trở nên khó khăn hơn là đi giết một con vật? Tại sao việc ăn uống để bảo vệ sức khoẻ chính mình lại là một bài học đi sau tất thảy những bài học khác của sự trưởng thành?

Đã đến lúc con người nên học cho đi những bài học yêu thương bằng kỷ luật. Tất cả mọi thứ đều không thể tuỳ tiện mà thành tốt đẹp. Thực vật sẽ luôn đủ nếu con người ý thức được sự cần thiết của nó. Con người có bao giờ than vãn về việc thiếu động vật để giết mổ đâu? Họ nghĩ ra trăm phương nghìn kế để nuôi, vỗ béo và nhân chủng nó lên để cung cấp cho nhu cầu của nhân loại. Nhưng đến những ngày đại dịch xảy ra, phong toả khắp nơi, họ không thể nào ăn thịt động vật mãi mà duy trì sức khoẻ của mình được. Họ nháo nhào tìm rau. Họ chỉ cần rau củ quả là có thể no khoẻ và bình an rồi.

***

Như một giấc mộng, nỗi đau của nhân loại sẽ thuyên giảm khi họ thức tỉnh. Một khoảng sân chứa một bầy trẻ con đang chơi trò ném Còn, đá bóng. Cũng chính mảnh sân ấy sẽ là nơi phơi hạt, nói chuyện phiếm. Và cũng có thể, một ngày nào đó nó thành võ đài, trường bắn. Điều đó tuỳ thuộc vào cách trưng dụng của con người. Con người đã trưng dụng tự nhiên theo cách họ muốn. Chúng ta cần thoát ra khỏi đám đông ấy và nhìn lại những hình tượng tốt đẹp, phù hợp mình từng có. Chúng ta luôn cần những cuộc quay về nhìn lại để kiến thiết đường đi tới. Vì nếu cứ cắm đầu mà chạy thì sau mỗi bước chân mọi thứ đã bị xoá lấp, đến cuối cùng ta cũng chỉ một mình, không lối quay lại. Sự cô đơn, đau khổ hầu hết đã ở đầu con đường. Ở những bước chân đầu tiên của sự sống, có những người bằng cách thức đi tới họ giải phóng nó. Nếu không làm được việc đó bạn sẽ mang vác và nhân bản chúng lên.

Những buổi nói chuyện của Tịnh và Biên với những người hái lá, củ quả, chăm cây trong rừng thường gọn trong mười mấy phút đầu giờ gặp nhau phân công công việc. Và sau đó, họ cắm cúi những suy nghĩ, nghiền ngẫm của mình vào với đất đai. Họ bắt đầu có những mối liên hệ và những phát hiện triết lý từ đời sống của cỏ cây với con người và vạn vật. Mỗi ngày như thế, những bước chân của họ bỗng dưng có thêm nhạc tính. Khắp nơi trên thân thể họ đều có tiếng nói nhất quán. Năng lượng sinh ra từ ý nghĩ và được biến tấu cung ứng hữu hiệu trong mọi sinh hoạt đời sống. Việc nâng cao năng suất không còn nằm ở sự chỉ đạo bên ngoài nữa. Mọi điều tốt đẹp cứ thuận theo tự nhiên mà đến. Thực phẩm họ làm ra đích thị là dược phẩm chữa lành. Tất cả những người sử dụng thực phẩm đều nhận được niềm hạnh phúc lớn lao. Liều thuốc cho trái tim là bắt đầu một ngày đi trên con đường có nhiều tiếng cười bình yên, biết ơn và nhẫn nại.

Trong thời gian phong toả, chính quyền của những ngôi làng đã đồng ý với yêu cầu phát định kỳ về lịch sử của trái đất trên những khung giờ nhất định. Mọi người đều ở trong nhà và đều phải xem, mà bài kiểm tra thu hoạch sẽ tự mỗi người nhìn nhận, đánh giá và suy ngẫm. Thật không ngờ khi phần lớn trẻ em, học sinh, sinh viên đều thật sự hào hứng và xúc động khi xem lại diễn trình này. Sự phản ánh đúng và chân thật của những thước phim đã biến thời gian ở nhà thành một khoá tu mùa hè đặc biệt. Một tự nhiên an hoà, tươi đẹp, thuần khiết trải nhiều thế kỷ gồng mình chống chọi với con người đã biến dạng, gầy guộc, cô đơn. Những con người từ thuở như thần tiên thân thiện, đầy tình yêu thương bỗng chốc bị lòng tham cuồng sai khiến. Sự tra tấn và giết chóc man rợ đã mang lại những chiến tích và bình yên tạm bợ. Máu người đã chảy thành sông biển, đã ngấm vào đất, vào cỏ cây và động vật. Máu đã hoá thành mây, những vầng mây quẩn quanh khắp thiên hà để viết diễn văn tội trạng… Việc che giấu, nói sai sự thật hoặc chỉ nói một nửa sự thật sẽ không đưa con người biết ít hoặc biết một nửa mà sẽ là hiểu sai một trời một vực với điều ta cần biết. Điều đó sẽ dẫn đến những việc làm ngày càng sai lầm trong hạnh phúc (vì họ luôn nghĩ họ đúng). Đến một ngày nào đó tất nhiên việc gì đến đều phải đến. Hậu quả là một cách nói để kết thúc một vấn đề.

Một buổi sáng, trong khi mọi người đang cùng nhau thu hoạch củ quả để gửi đến những vùng phong toả còn lại, một người trong số họ đã thích thú đi theo tiếng hót và ngắm nhìn bộ lông của con chim Thiên Đường. Đi mãi, đi mãi người lạc vào một vách núi sâu. Suối nơi đây chảy thành sợi ánh sáng và có âm thanh trong như tiếng đàn tranh. Những giọt sương màu ánh sáng đậu trên lá thành những cánh bướm lấp lánh. Ở đây, người nghe âm thanh của linh giới, âm thanh mà mỗi đêm người thường nghe thấy khi đã chìm vào giấc ngủ. Khi con chim Thiên Đường vừa đậu xuống một hòn đá nổi trên dòng suối, bỗng nhiên một vùng ánh sáng màu tím xanh phát ra. Con chim Thiên Đường biến mất và một cái đầu Phật mở mắt hiện ra trên mặt đá.

Buổi lễ gắn chiếc đầu lên bức tượng Phật không đầu ở chùa Bến Giác diễn ra liền sau đó. Khi vừa thỉnh về tới cổng chùa, chư tăng đạo hữu cúi đầu trì niệm. Chiếc đầu tự khắc nhập liền lên thân tượng và Phật liền khép mắt, nở một nụ cười lành ái. Vị hoà thượng cúi tạ mười phương rồi cất lời: Phật trong mỗi người đã được trở lại. Sự từ bi đã lay động thêm những từ bi. Nhân loại có thể vượt qua kiếp nạn này. Và ta cũng chỉ nói là có thể thôi. Vì có sự trở về ắt hẳn cũng sẽ có sự ra đi trở lại. Con đường của sự sống là con đường trần ai, nhưng đường đến với sự giải thoát mọi trầm luân buộc chúng ta phải kinh qua sự hiểu biết về địa ngục. Địa ngục của mỗi người là nơi giam hãm người đó. Nhưng địa ngục thực chất là khi ta chỉ nhìn thấy sự mắc lại, tăm tối của những người khác trong khi ta nghĩ là ta đang ở thiên đường. Việc tu tập của mỗi người không hẳn phải theo một tôn giáo nào cả. Bản chất thực sự của tôn giáo chính là thiện lương. Và khi chúng ta đã có sự thiện lương và hành trì sự thiện lương ấy thì mỗi chúng ta là một thiên sứ. Nơi chúng ta ở sẽ là thiên đường.

Sẽ không có sự vội vã nào dẫn đến hạnh phúc, sẽ không có con đường tắt nào dẫn đến an lạc. Những con đường ta gọi là đường tắt đều không đưa đến đích cuối cùng, nó là một phần của con đường dài. Cái đích nằm ở con đường dài. Đích là nơi ta ngộ ra được chân lý sáng ngời.

***

Người thương mến! Tôi có một niềm tự hào đã tan vào cây cỏ; một nỗi buồn đầy như mặt nước mùa thu đã hoá mây ngàn; nỗi cô đơn từng như một mái tóc chỉ biết dài ra và rơi rụng. Nhưng niềm hạnh phúc và an lạc đã đến khi mưa bắt đầu rơi trong tâm thức. Những cơn mưa tìm tôi trong tấm áo choàng ni lông cũ kĩ; mưa giục đôi chân tôi chạy để vượt qua một cơn bão lớn thời thơ dại. Mưa đã cổ vũ đôi chân tôi bước gần lại với những nỗi buồn nhân thế. Rồi từ đó, mưa cắp tôi đi giăng mắc nhớ khắp thiên hà. Tôi đã có mẹ trong những cơn mưa cuộc đời. Ngày ấy, mẹ tôi ướt và tôi ráo hoảnh. Ngày đó, mẹ tôi lặng lẽ và tôi cười giòn. Mẹ bấm những ngón chân mình dưới mưa còn tôi đã tự do để ngã trượt. Ngày tôi chỉ biết mưa chỉ là mưa, có biết đâu rằng, mưa lại là một cơn nắng cháy khác khi tôi đã bước những bước đi xa làng, xa mẹ.

Người thương! Chúng ta có chung niềm vui dưới những cơn mưa khi chúng ta ngồi ở phía khác của nỗi buồn. Chúng ta để những cơn mưa trưa ngụ quá lâu làm mình bở nát. Rồi chỗ ngồi cũng mất khi chúng ta chưa xác định chỗ ngồi thực chất cũng là nước. Mọi thứ đã trôi, và ai đã thấy được mình vẫn ngồi trên đó? Ai đã bị sự hiểu biết về sự tồn tại giới hạn đã nhấn chìm và chết đuối ngoài khơi? Tôi đã thấy mẹ ngồi trên sóng cả, thấy ánh sáng nổi lên trên những dòng chảy xiết xa bờ. Tôi thấy mình ngồi trên một bãi gió chiều hôm, mưa đã lướt qua để lại một nụ cười tóc trắng. Tôi thấy mình ngồi trên yên ngựa, bùn dưới chân bỗng cứng đặc gió đời.

Ai đã gọi tên tôi là mưa khi tôi đã thành bão tố, gọi tôi là mây khi tôi đã làm gió đẩy, gọi là hoa khi tôi đã là đất ải, gọi một tên người khi tôi đã là nước trôi xuôi! Chúng ta đã từng đứng nép vào nhau để tách mình ra, từng cá biệt để trở thành đại chúng, và từ đại chúng đó, mỗi cá thể sẽ là một cá nhân đặc biệt. Chúng ta mang cả thiên thu để đi tìm một thiên thu, mang một hơi thở nhẹ nhưng luôn muốn biến hơi thở ấy thành hơi thở dài. Chúng ta đang ở trên mặt đất và tôi thấy rằng chúng ta đang ở trong lửa, đang ngập chìm trong nước mặn, đang bị cuốn phăng bởi cuồng phong, bão tố.

Người thương mến! Khi người vẫn khăng khăng rằng người đang đứng vững bình yên trên mặt đất thì bốn phía người là một vòng vây. Một cách đơn giản để người biết sự tồn tại của mình là người phải thấy sự tồn tại đồng thời của tất cả. Mọi cá thể chỉ có một khả năng duy nhất là khả năng tự qua mặt chính mình mà thôi. Và sự thật luôn nằm trong tâm của người. Tôi đã từng đối đãi với người như người với người, đến khi tôi nhận ra chúng ta nên đối đãi với nhau như một bà mẹ. Chúng ta đã và sẽ kinh qua những kiếp sống của mình như một cơn mưa. Những cơn mưa lắng xuống để rồi sống lại nhiều cơn mưa khác. Và chúng ta luôn có sự chọn lựa để gieo mình, rồi sẽ trở lại vào mùa xuân, mùa thu… hay sẽ giao mùa trong trời đất.

Ai hay điều gì đã làm nên những cơn mưa? Người đừng thắc mắc câu hỏi ấy khi ngày còn đang nắng. Khi ở dưới những cơn mưa chúng ta sẽ tường tận chúng, và chúng ta cũng sẽ tường tận chính mình. Câu trả lời luôn sẵn có trong mỗi câu hỏi, chỉ là câu hỏi ấy phải được chính chúng ta đặt ra. Người sẽ bớt khổ khi người biết đến tội lỗi; và sẽ không còn thấy thống khổ khi tường tận nỗi đau. Hãy luôn bình tâm suy nghĩ, quán chiếu và sửa đổi. Với mỗi chặng như vậy, nỗi buồn đau sẽ luôn biến thành phước báu, mỗi sân si sẽ chuyển hoá sang hoà ái nhẹ nhàng. Hãy luôn nở một nụ cười thông tuệ, bởi yêu thương sẽ luôn mang lại nụ cười. Còn nước mắt là còn khổ đau, còn day dứt khổ ải.

Chúng ta đã khóc khi bắt đầu một đời sống, vậy hãy nên mỉm cười khi kết thúc đời sống đó.

***

Ai mua dao, rựa chịu của lò rèn Lâm Yên không?

Bán dao, bán rựa không lấy tiền liền. Bán dao, bán rựa đời này, đời sau mới lấy tiền đây! Ai mua dao mua rựa không?

Người đàn ông tầm thước tóc búi tó, mặc một bộ đồ dài màu nâu, vai gánh đôi bầu đựng dao làm bếp và rựa đủ kích cỡ, đang bước từng bước chắc nịch trên đường làng. Tiếng rao ấm trầm vang vọng đầy thu hút khiến già trẻ trong làng đều tò mò thò người ra khỏi cửa. Một người già trong làng trịnh trọng ra mời người bán dao rựa dạo vào nhà để tiến hành một cuộc thương lượng mua bán kỳ lạ thứ hai trong cuộc đời của mình.

Cách đây bảy mươi năm, khi ông còn là một cậu bé mục đồng, buổi chiều cho trâu vào chuồng, ông đã thấy trong nhà mình có một người vai mang gùi đựng dao đang tạm biệt cha mình. Cha ông đã mua nợ người bán dao ấy một con dao phát cán dài. Người bán dao hẹn: nếu hai năm sau nghề nuôi tằm dệt lụa của làng mất đi, và đến thời điểm ngôi làng xuất hiện một ngôi chùa lớn, thì ông sẽ đến lấy tiền nợ.

Năm ấy, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đang thịnh vượng, đôi bờ sông phù sa bồi đắp dâu xanh ngút ngắt. Thương lái ngược dòng Lâm Giao đem nhu yếu phẩm đổi lấy tơ lụa ngày càng đông. Tơ lụa Lâm Giao là một sản vật tiêu biểu cho sự phồn thịnh của ngôi làng. Không lý gì mà người ta có thể tin vào lời tiên đoán của người bán dao dạo lạ lẫm này được. Người cha của cậu bé mục đồng lúc đó đã đùng đùng nổi giận và hứa rằng, nếu hai năm nữa làng nghề tơ lụa của chúng tôi không còn, tôi sẽ trả ông số tiền gấp mười lần giá trị của con dao này.

Người đàn ông cười buồn và nói: Nhưng tôi sẽ chỉ quay lại khi nơi đây xuất hiện một ngôi chùa lớn. Lúc đó tôi sẽ nhận tiền nợ của mình.

Hai năm sau đó quả thật đất trời biến đổi. Con thuồng luồng đã nuốt trọn đôi bờ dâu xanh trù phú. Hạn hán sau đó đã vét cạn nước dòng sông Lâm Giao. Lòng người bất an, loạn lạc.

Thấm thoắt bảy mươi năm với bao biến thiên của người và cảnh vật. Lần này gặp lại, người bán dao vẫn không có gì thay đổi. Thời gian dường như đã bỏ quên ông. Ông vẫn bước những bước chân chắc nịch, thoăn thoắt, cặp mắt vẫn tinh tường dưới đôi hàng lông mày rậm, hàm răng vẫn sáng bóng và giọng nói ấm trầm, thấu thị.

– Xin tiên sinh hãy cho biết thời điểm nào người sẽ quay lại lấy tiền nợ chiếc rựa này?

– Một năm sau đúng vào ngày này, một ngôi trường mới sẽ được xây dựng trên khuôn viên rộng của một ngọn đồi với lòng biết ơn sâu sắc của tất cả dân làng, lúc đó ông hãy thả con rùa mà nhà ông đang nuôi ra sông. Đó coi như là món tiền trả nợ cho tôi.

***

Biên đưa tay đẩy tấm rèm cửa sổ ra và một cơn mưa dài nhẫn nại đang đợi sẵn. Cơn mưa như xác pháo đang đổ dài theo chiều gió nhẹ, màu hồng phớt lên những đám lá xanh và đậu lại thành những chùm hoa nhỏ. Những cánh hồng tiếp đất thành những chiếc nấm; xác hồng đáp mặt nước và từ đó lênh đênh những cánh buồm. Cơn gió đang gia cố lại chỗ ngồi của Biên bằng cách hất phủ tấm rèm buông hờ phất phới. Mưa luôn biểu thị sự chào đón của mình bằng một giai điệu nhẹ nhàng quyến dụ. Mưa mô phỏng những bước chân mềm, những bước chân đi ra từ sự bật dậy của tâm thức. Dưới cơn mưa, những căn nhà cũ xưa đang cháy. Sự cháy luôn để lại một tàn tro dở dang và ướt thẫm. Người chống gậy đi qua khổ ải của đời mình, rồi cây gậy ấy thành củi mục. Người chống gậy đi đến cuối cùng của đời sống để gặp mình, cây gậy ấy sẽ thành phương trượng. Trong rừng, người đang đi qua họ đều chống gậy. Và Biên đã nhìn ra củi đã bị đốt cháy ngoài trí nhớ lâu rồi.

Biên nhìn ra khoảng trống xa xăm và nhớ rằng phía đó từng có một hàng cây, những con ếch đang nấp dưới đám bèo cạnh bờ ao gần đó. Mùa hè, tre gọi trăng lên bằng tiếng vặn mình kẽo kẹt. Giữa cánh đồng là một cái giếng nhỏ đã nuôi sống cả làng. Rồi từ nguyên liệu ánh sáng của sao trời mọc lên, mọc lên những con đường trí nhớ, những mái nhà hơi thở… Có những cảm giác đã chợt đến, rằng, mình là con Cúi Núi bị mất hang và đã nhủi vào ánh trăng mà trốn người săn bắt. Biên thấy mình co ro trong cỏ, nhiều bước chân qua đã giẫm lại tiếng cười quên; thấy mình là cá mắc trên cây nhiều năm đợi mùa hóa kiếp… Tất cả đang trôi như một thước phim, đang mọc lên và nổi dậy trong êm đềm im lặng. Biên không chọn cách để bước ra ngoài tấm rèm lặng gió mà tự nhiên đang chờ đón cô bởi những hiểu biết vô thường.

Những xác người đã và đang chìm xuống dưới dòng hơi lạnh. Những đôi mắt nhìn đang nổi lên buồn bã, đờ đẫn và cô độc. Biên thấy từng ngôi nhà như những xác tàu vô chủ, lạnh lùng, lềnh bềnh, trôi xoáy vào vô định.

Ở cuối con đường, một người tầm thước đang đứng chặn dòng người nhỏ bé đang trôi dạt. Ông cởi tấm áo choàng của mình ra và tuần tự vớt những sinh linh không có đủ lực khí để trở về đất mẹ một cách bình yên. Tấm áo của ông cứ phồng ra cho đến khi sự yếu đuối, hoảng loạn đã gặp nhau đầy ắp. Tấm áo thành một tấm lưới quét khổng lồ ông khoác lên vai, nhẹ như thân phù du, và rồi ông cũng chìm xuống.

(Còn tiếp)

Comments are closed.