Sinh ra từ trứng (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Linh hồn ông họa sĩ

Giống như Vương Thúy Kiều, ngay khi còn trẻ dại, ông đã trao cả linh hồn và thể xác cho thằng bán tơ. Khi ông nhận ra mình bị lừa phỉnh thì mọi thứ đã trở nên muộn màng. Linh hồn và thể xác ông bị phân thân không sao hòa nhập được. Ngay cả đến sau khi chết, linh hồn ông cũng không tìm được xác mình trong đất. Và cái linh hồn bơ vơ không chỗ trú thân ấy đành quay về với các bức tranh mà ông đã vẽ lúc sinh thời. Có nhiều đêm, tôi nghe tiếng linh hồn than khóc. Tôi không dám chắc về bất cứ nỗi niềm nào của ông, nhưng tôi vẫn chờ mong một lúc nào đó, ông sẽ chia sẻ với tôi, không phải với tư cách là tác giả của những bức tranh mà chỉ như một người thưởng ngoạn nghệ thuật, bất chợt kỳ ngộ.

Để chờ đợi ông, tôi ít khi ra khỏi nhà. Trong căn phòng tầng áp mái, những bức tranh tôi đã gỡ hết khung và treo sát vào nhau cho đủ chỗ. Và như thế, căn phòng đã trở thành nơi trú ẩn cho những nhân vật lạc loài tôi sưu tập được. Và không còn cách nào khác, linh hồn của những người trong tranh cũng như linh hồn của các tác giả và linh hồn tôi buộc phải nằm chồng đè lên nhau. Và sự vô hình của các linh hồn không làm mất đi những giới hạn, vì thế chúng tôi rất bực bội về sự chật chội, ngột thở của căn phòng, đặc biệt là mùi của cái gọi là hệ thống tỏa ra.

Và để giết thời gian, tôi chẳng biết làm gì hơn là trò chuyện với linh hồn những nhân vật trong tranh. Họ không phàn nàn, nhưng cũng chẳng ai trong số họ hài lòng về cái thế giới họ có mặt. Đôi khi, sự hiện hữu của họ chỉ là nhầm lẫn, họ cả quyết với tôi như thế. Việc họ không mấy tin vào tác giả đã tạo ra họ làm tôi ngạc nhiên nhất. Họ không nói về tài năng, nhưng họ cần sự thành tín. Theo họ, chỉ có sự thành tín mới có thể tạo ra sự sống hay sinh mệnh họ. Tiếc thay, họ chán nản nói, toàn bọn ngụy tín. Bởi thế, với cuộc đời, họ bất toàn và xa lạ, hoặc giả hình với ngay cả chính họ. Và điều ấy dằn vặt họ.

Tôi luôn có cảm giác như vô định trong sự chờ đợi này, vì vậy, tôi không tránh khỏi rơi vào trạng thái trầm uất, và bước hụt vào không gian. Tôi như kẻ sống ở bên ngoài cuộc đời thật cũng như vọng tưởng, như những nhân vật trong tranh. Nghệ sĩ có thể làm gì? Tôi tự hỏi. Họ có quyền làm tất cả mọi việc trong tự do không? Tôi biết đó là một câu hỏi thừa. Trong hệ thống độc trị, con người chỉ có thể sống an toàn trong sự trung thành ngoan ngoãn với người dẫn dắt (lúc nào cũng vĩ đại). Tự do bị đồng nghĩa với phản loạn, phản động. Để tồn tại, nghệ sĩ tự biến mình thành một loại thái giám của các vua chúa đương thời.

Linh hồn ông họa sĩ, nỗi u hoài của kẻ không chốn nương thân, ông có thể nói gì về tự do?

Chuyện kể của cô gái

Thoạt đầu, tôi không hề biết ông là họa sĩ, dù tôi vẫn thấy ông có gì đó khác biệt với những khách hàng khác thường đến nhậu ở chỗ tôi làm việc. Hầu như dân nhậu nào cũng hay nói và nói to, đặc biệt là các ngài nghệ sĩ, nhưng ông lại thường im lặng, nếu có nói, ông cũng nói rất nhỏ. Ông thường đến với một người bạn, sau này tôi biết đấy là một nhà văn. Có lần ông nói với tôi, “Em có vẻ đẹp của một nhân vật hội họa”. Tôi không hiểu vẻ đẹp ấy như thế nào. Ông nhà văn hỏi tôi, em có thể làm người mẫu cho bạn tôi vẽ không? Tôi hỏi làm người mẫu có khó không? Ông nhà văn nói, chỉ cần biết khát khao và kiên nhẫn một chút thôi. Tôi nói, tôi phải đi làm, không có lúc nào rảnh. Thế rồi, việc ấy cũng qua đi. Một lần, tôi thấy ông rất buồn. Ông uống nhiều, tôi muốn ngăn cản ông nhưng không dám nói. Ông say gục xuống bàn. Tôi lấy khăn nóng lau mặt cho ông. Ông đứng dậy không nổi. Người bạn đề nghị cho ông được nghỉ lại trong quán. Ông chủ đồng ý. Đêm ấy tôi cũng ngủ lại quán để dọn dẹp và săn sóc cho ông.

Sáng hôm sau thức dậy, ông tỏ ra áy náy và xin lỗi tôi. Ông mời tôi ăn sáng. Ông nói cho ông ghé qua nhà để làm vệ sinh. Trong lúc chờ ông, tôi ngồi uống cà phê. Khi trở lại, tay ông cầm một gói quà. Ông nói gọn lỏn, “Tặng em”. Tôi hỏi, “Em có thể mở ra xem được không?” Ông bảo, “Mở đi”. Đó là một chiếc áo len màu rêu rất đẹp. Tôi cám ơn ông và hỏi, “Ông còn có ý định mời em làm người mẫu không?” Ý tôi là sẽ mặc chiếc áo len đó cho ông vẽ. Ông bảo “Thôi, việc này cũng hơi phức tạp”. Tôi không hỏi thêm.

Rất lâu sau, ông lại mang đến tặng tôi một cái đồng hồ. Mặc dù, ông vẫn đến uống bia mỗi ngày như không có chuyện gì xảy ra. Hóa ra, ông chưa quên tôi. Ông nói với tôi, khi nào rảnh thì cho ông biết. Quả thật, tôi không lúc nào rảnh. Tôi đành phải xin phép ông chủ cho tôi nghỉ một buổi sáng với lý do đưa mẹ  đi bệnh viện.

Sau khi ăn sáng, ông đề nghị tôi đến nhà ông, ông sẽ cho xem tranh ông vẽ. Tôi không nghi ngờ gì ông. Và tôi về nhà ông.

Đó chỉ là một căn phòng nhỏ, tầng áp mái. Tất cả những bức tranh trong nhà là hình tôi. Tôi không hiểu gì lắm, nhưng ngỡ ngàng và cảm động. Ông nói, “Anh quen sự có mặt của em. Về ở với anh nhé”. Tôi sung sướng gật đầu.

Đám cưới tôi chỉ là một bữa nhậu, sang hơn một chút so với ở quán tôi làm. Khoảng chục người bạn của anh tham dự. Tôi không mời ai ngoài ông chủ quán.

Tôi không đi làm nữa, mặc dù anh vẫn đi nhậu mỗi ngày.

Những lúc không có anh, tôi không biết làm gì ngoài việc ngắm nhìn những bức tranh. Những cô gái trong tranh xa lạ với tôi. Thế giới của tôi không phải là cái đẹp của sự mơ tưởng. Được gần nửa năm, tôi nói với người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ đang ngồi im lặng ở đâu kia của chiếc ghế gỗ trong công viên, “Có lẽ tôi phải đi. Tôi không muốn chờ đợi nữa”.

Tôi đi tìm những người đàn ông được sinh ra từ trứng.

Trong quán cà phê

Quả thật, cô có vẻ mặt rất hội họa và đầy trắc ẩn.

Cô nói: “Tôi muốn được sống hạnh phúc, chân thật. Nhưng ông ấy đã bắt tôi phải chờ đợi trong bất công”.

Tôi hiểu đó là một cách giết người. Tôi nghĩ, cần phải vất vào thùng rác mọi thứ trung thành ngu muội. Nhưng tôi nói với cô một cách dè dặt: “Không còn cách cứu vãn sao?”

Cô bảo: “Cách cứu vãn tốt nhất là tôi phải tự cứu bằng cách thoát khỏi người đàn ông đó”.

Tôi hỏi: “Cô sẽ không đi tìm người đàn ông khác chứ?”

Cô hỏi lại tôi: “Ông không nghĩ tôi có thể sống một mình được ư?”

Tôi nói: “Thật ra, sống một mình hay sống với ai đó có lẽ không quan trọng lắm. Vấn đề là người ta sống thế nào”.

Cô nói: “Có thể tôi chỉ là một giấc mơ của ai đó. Nhưng phần tôi, tôi sẽ không mơ mộng gì nữa”.

Tôi nói: “Tôi thích những giấc mơ”.

Cô hỏi: “Ông không hài lòng với cuộc sống của mình ư?”

Tôi cười: “Không phải là vấn đề hài lòng hay không hài lòng. Tôi thích những giấc mơ bởi vì nó làm cho tôi đa chiều hơn”.

Cô nói: “Dường như đấy lại là một giấc mơ khác?”

Tôi nói: “Không, nó là một giấc mơ trong những giấc mơ. Và tôi muốn giấc mơ thành sự thật, cho dù có phải thất vọng. Thí dụ, tôi mơ luôn có cô mỗi khi tôi nghĩ đến cô”.

Cô cười: “Ông chỉ đùa”.

Và tôi đùa: “Cô là một giấc mơ của tôi”.

Cô nói: “Tôi không tin ông. Nhưng cho tôi hỏi, ông có phải được sinh ra từ trứng không?”

Tôi nói: “Tôi cũng không biết nữa”.

Cô hỏi: “Tại sao lại không biết?”

Tôi cười: “Đơn giản vì tôi không thể biết, khi ấy tôi là một đứa bé chưa biết gì, cô biết thế mà”.

Cô cũng cười: “Ờ, nhỉ. Nhưng tôi có cảm giác ông được sinh ra từ trứng”.

Tôi nhìn cô, hỏi: “Điều gì làm cô có cảm giác đó?”

Cô nói: “Tôi cũng không biết. Tôi đang đi tìm”.

Tôi nói: “Nếu cô muốn tìm một người mơ mộng, thì đấy là tôi. Nhưng tôi đoan chắc rằng tôi không phải sinh ra từ trứng”.

Cô gái: “Một người đàn ông sinh ra từ trứng, tôi nghĩ sẽ khác. Tôi muốn có người đàn ông đó”.

Tôi nói: “Vậy thì cô phải viết một truyện cổ tích”.

Cô nói: “Tôi không biết viết văn”.

Tôi nói: “Không nhất thiết phải là viết văn. Một truyện cổ tích, cô hiểu không?”

Tôi không biết cô có hiểu không, nhưng đấy là cách duy nhất để người ta có thể tìm thấy điều kỳ diệu.

Giấc mơ Kiều

Cô nằm gối đầu lên mộ Đạm Tiên. Màu tóc đen của cô xõa ra lẫn trong cỏ. Chiếc áo dài đen chìm với đất. Khuôn mặt cùng với đôi tay mơ màng. Bên cạnh chiếc quạt hình lá trầu nằm tình cờ trong khoảng trống giữa đôi chân đang co lại và hai tay tạo nên mảng đối xứng với con ngựa của Từ Hải phía sau lưng cô. Con ngựa không người cưỡi đang phóng những chiếc vó của nó về phía trước. Từ Hải chết rồi. Cô nói, “Tôi cũng đi chết đây”. Và cô đã nằm xuống làm một nấm mộ sống bên cạnh Đạm Tiên, một cái chết khác.

Nhà sưu tập hỏi: “Ông bán tấm này bao nhiêu?”

Tôi hỏi lại: “Ông muốn mua nó vào thời điểm nào?”

Nhà sưu tập nói: “Ngay sau khi bức tranh hoàn tất”.

Tôi nói: “Tôi chỉ bán nó vào thời điểm năm mươi năm sau”.

Nhà sưu tập: “Ông cũng muốn là nhà  đầu tư nữa sao?”

Tôi nói: “Tại sao không? Tôi biết giá trị của nó”.

Nhà sưu tập: “Thôi được. Tóm lại là bao nhiêu?”

Tôi nói: “Một trăm ngàn đô”.

Nhà sưu tập cười: “Tôi trả trước năm ngàn đô. Chín mươi năm ngàn đô còn lại tôi sẽ trả sau năm mươi năm nữa. Được không?”

Tôi nói: “Được. Bây giờ ông đưa trước năm ngàn đô đặt cọc. Năm mươi năm nữa ông ghé lấy tranh”.

Nhà sưu tập: “Khổ quá. Tôi lại muốn được ngắm tranh mỗi ngày”.

Tôi nói: “Xin mời ông. Cửa nhà tôi lúc nào cũng mở”.

Thúy Kiều của tôi vẫn nằm chết ở căn phòng tầng áp mái. Thúy Kiều không bán mình nuôi tôi.

Cô gái và tôi

Cô gái nói: “Em thích làm chính trị”.

Tôi bảo: “Làm đi. Nhưng tại sao?”

Cô nói: “Em muốn thay đổi”.

Tôi bảo: “Tốt. Thay đổi em hay thay đổi chế độ?”

Cô nói: “Cả hai”.

Tôi nhìn cô hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn đùa hô khẩu hiệu: “OK. Làm chính trị, không làm tình”.

Không hài lòng về câu nói đùa của tôi, nhưng cô nói: “Làm chính trị và làm tình nhưng không làm đĩ”.

Tôi nói: “Nếu muốn làm chính trị ở đất nước này thì không nên dính vào hai việc, một là làm kinh tế, hai là làm tình. Làm kinh tế, sẽ bị bắt vì tội trốn thuế hay lũng đoạn thị trường, hoặc mua bán trái pháp luật. Làm tình, sẽ bị bắt vì tội vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng nếu làm đĩ lại có nhiều cơ hội thành công hơn”.

Cô cười: “Anh đểu. Nhưng đúng. Em sẽ không bao giờ làm đĩ theo bất cứ nghĩa nào. Em tin vào sự tốt đẹp của những thay đổi lịch sử. Em tin vào cái sức mạnh minh bạch của sự thật. Em tin vào khả năng thuyết phục của cái vương đạo chính trị và cái thiện tâm chính nghĩa. Đã đến lúc người ta phải làm chính trị trong ánh sáng”.

Tôi cũng cười: “Anh tin em cũng như anh tin sự đê tiện trong bóng tối sẽ xóa sổ em từ trứng nước. Chính trị là cái búa không phải bông hồng. Nếu em không dám giết người thì không làm chính trị được. Những điều tốt đẹp chỉ có thể xây dựng trên sự hủy diệt”.

Rồi tôi kể cho cô nghe câu chuyện tôi đã từng bị bắt. Câu hỏi đầu tiên của chấp pháp là  “Phương thức tập hợp lực lượng như thế nào?”. Làm chính trị cũng như nhà truyền giáo, cần có một đức tin. Nhưng làm chính trị cũng giống như người đi buôn, cần phải biết tính lời lỗ. Tương tự như vậy, tôi muốn hỏi cô gái, cô muốn làm Lê Văn Tám hay Lê Duẩn? Tất nhiên cô sẽ trả lời, “Lê Duẩn”. Vậy thì cô sẽ làm cách nào để tập hợp những Lê Văn Tám? Những Lê Văn Tám ấy ở đâu ra? Hay cô chỉ đấu tranh trên mạng internet như một diễn viên?

Cô nói với tôi: “Bây giờ là thời đại của các phần mềm và cơ chế mở”.

Những con nai khi được thả vào rừng, chắc hẳn chúng biết cách để đi đến chỗ cần đến.

Ngoài đường, một đoàn người lếch thếch bị gậy như những kẻ ăn mày khốn khổ, họ giương những biểu ngữ đòi trả lại đất đai, hoặc tố cáo đích danh những kẻ ăn cướp nhà cửa của họ trên chiếc áo thun trắng viết chữ bằng máu… Trong đám họ không thiếu những khuôn mặt vạm vỡ xưa kia đã từng chiến đấu trong lửa đạn hay nuôi giấu cán bộ trong hầm trú ẩn.

Những con nai đang chạy vào rừng. Cũng có thể chúng sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi sự truy đuổi của những kẻ săn thú.

Thiếu nữ trong vườn

Sau lưng họ là những bụi chuối. Tàu lá  xanh óng mượt làm cô đọng lại mọi cảm xúc. Một cô ngồi ngả đầu trên hai đầu gối, dáng hình quen thuộc và rất trìu mến. Một cô nghiêng vai vuốt ve mái tóc. Bên chân họ, một con mèo xoải chân nằm ngủ. Cuộc sống tưởng như sẽ thanh bình yên ả mãi mãi… Cây chuối sẽ trổ hoa và ra trái, con mèo sẽ thức dậy và nhảy nhót, những đứa trẻ sẽ xuất hiện nghịch đất cát và đá bóng.

Nhưng một ngày nọ, tai họa đã bất ngờ đổ xuống. Xe xúc, xe ủi xuất hiện cùng với lực lượng cưỡng chế và công an, dân phòng các loại võ trang tận răng hào hùng hung hãn xung phong giữa trận tiền nhân dân… Và nhân dân (bao gồm trẻ già lớn bé nam nữ như nhau) bị bứng ra khỏi gốc rễ, trở thành vô gia cư ngay trên mảnh đất của tổ tiên mình.

Rồi họ đi lang thang trên khắp các nẻo đường để tìm thần công lý. Nhưng thần công lý cũng đã bị bẻ cổ và vùi xác trong các thư viện.

Một số người may mắn thoát thân khỏi các trận càn hủy diệt nhân danh nền văn minh đô thị tìm được nơi trú tạm trong các nhà máy. Ở đó, các ông chủ vắt sữa họ liên tục 12 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhiều đứa bé của họ chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bị chính họ vùi lấp trong các bãi rác.

Nhưng cũng có một kịch bản khác. Không biết là tai họa hay đại phúc. Những người đàn ông lạ xuất hiện rồi từng cô gái trong bức tranh quê thanh bình đó bốc hơi… Họ lấy chồng xa, nhưng không buồn như vọng cổ khi con sáo sang sông hay bi kịch như nhạc sến lênh đênh mười hai bến nước. Họ lấy chồng ngoại như dân sành điệu xài hàng hiệu. Những mái lều tranh rách nát hoặc lợp tôn nóng như cái nồi hấp ở quê nhà biến thành nhà ngói, bê tông, máy lạnh…

Những cuộc đổi đời dứt bỏ quá khứ và truyền thống hàng ngàn năm. Cũng là những gam màu đỏ của cách mạng, toát ra hơi nóng của dập vùi và vùng vẫy và thoát xác.

Họ lang thang trên khắp mặt địa cầu tay cầm đèn đỏ truy tìm miếng ăn và không quan tâm đến việc họ có được sinh ra từ trứng hay không. Đôi khi họ cũng nghe thấy tiếng xe ủi, xe xúc gầm gừ phá nát ngôi nhà và mảnh vườn cũ, họ càng quyết tâm hơn để hy sinh vì chữ hiếu.

N.V.

Comments are closed.