Sinh ra từ trứng (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Ngày này tháng nọ

Đôi khi, tôi vẫn nhìn trộm vú cô ấy, nhất là những khi cô không mặc áo lót. Khi chúng tôi tranh luận với nhau về phân cảnh người con bú vú mẹ già trong kịch bản, cô ấy bảo hơi cường điệu.

Tôi nói, “Không chỉ là một biểu tượng hay ẩn dụ, bất cứ người đàn ông nào cũng tìm thấy nơi bộ phận sinh dục của phụ nữ một nỗi nhớ nguồn cội sinh thành ra mình. Vì thế, nó hoàn toàn tự nhiên. Em không thấy bản năng làm mẹ của mình trong hành động của người con trai đó sao?”

Cô nói “Không”, một cách bất thường. Và thế là, tôi không tránh được sự sàm sỡ nhìn vào ngực cô. Có thể cô có một liên tưởng nào đó không thể nói ra.

Tôi nói: “Dù sao cảnh đó cũng ăn tiền”.

Cô bảo: “Không rẻ tiền đấy chứ?”

Tôi nói: “Rẻ tiền hay không do thằng đạo diễn”.

Cô cảm thán: “Một thực tại mang tính bản thể?!”

Tôi cười: “Đại loại vậy”.

Giữa chúng tôi hầu như không có những tranh cãi gay gắt, cô thường chiều ý tôi vì cô chấp nhận tôi có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc sống, mặc dù cô biết điều ấy không phải bao giờ cũng đúng.

Chị tôi

Nếu như trước đây chị tôi vẫn quan hệ với những phụ nữ khác một cách lén lút, thì giờ đây, chị tôi đã công khai sống với một bà cùng đứa con riêng của bà ấy. Đứa con ấy không bao giờ có cha, vì mẹ của nó phủ nhận tất cả mọi đàn ông trên cõi đời này. Bà ấy tự cho mình là cái xương sườn của chị tôi, vì thế họ sống với nhau như một cặp vợ chồng. Đứa nhỏ thay vì có một ông bố, nó có hai bà mẹ và gọi chị tôi là Má Hai. Đây là một bí mật quốc gia khác, nếu chị tôi không nói thì chính tôi cũng không tin.

Vào đúng ngày hòa bình, 30 tháng 4 năm 1975, chị tôi chịu một cơn đau quặn đẻ trong cái tử cung trống rỗng, chị nói, giống như có kẻ lột da mình. Và trong lúc hoảng loạn kinh khiếp ấy, quả trứng mà chị vẫn mang theo, do một cô bạn từ thời Thanh Niên Xung Phong trao lại, đột ngột vỡ tung. Một đứa bé trai ra đời với hình dạng ngôi sao. Chị giải thích, cái đầu nó nhọn hoắt như hình tam giác, hai tay giang ra, chân dạng háng, thành hình một ngôi sao năm cánh lộng lẫy như một anh hùng. Theo mô tả của chị, quả thật không phải tranh cãi về tính hư thực của nó. Chị không thể nuôi đứa bé. Vì thế chị mang trả về cho cô bạn. Nhìn thấy đứa bé, cô bạn biết ngay là con mình. Cô nhận nuôi và đó cũng là lý do sau này họ đã sống chính thức với nhau.

Kịch bản

NỘI – TRÊN GIƯỜNG – ĐÊM

Bóng tối che mờ dáng người con trai đang nằm ngủ.

Anh ta xoay người.

Có tiếng động lịch kịch ở phía trong.

Tiếng nói của người mẹ và ông bố vọng vào tai người con.

MẸ

Đừng…

Đau…

Ối, đau quá…

BỐ

Sao mày chịu được những thằng khác?

MẸ

Tôi xin ông.

BỐ

Chiều tao một tí không được à?

MẸ

Nó khô. Đau lắm.

BỐ

Khô hay ướt thì cũng do mày thôi chứ.

MẸ

Nhưng tôi già rồi.

BỐ

Mả bố mày… con đĩ.

Tiếng giằng co rồi tiếng hì hục hòa nhịp với âm thanh tiếng rên của người mẹ như tiếng lụa xé.

Người con trai lồm cồm bò dậy, cố gắng không gây ra tiếng động và bước ra ngoài.

Bố tôi

Xa cha mẹ từ khi còn trứng nước, hơn nữa, người mà tôi gọi bằng bố vốn không sinh không dưỡng tôi ngày nào, nên việc tôi không biết gì về ông cũng là đương nhiên. Nhưng sẽ không công bằng nếu tôi chẳng kể gì về ông bố đó.

Lần đầu về Bắc tìm gia đình sau ngày đất nước thống nhất, cũng là lần đầu tôi biết mặt cha mẹ và chị em mình. Tôi rất đau buồn khi biết mình có một gia đình khác gia đình ông chú. Không bao giờ tôi nguôi trông ngóng có ngày được gặp mặt những người thân yêu. Và tôi càng đau buồn hơn khi cả gần một năm sau hai miền thông thương mà không một ai trong gia đình đi tìm tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi nguôi mong chờ ngày đoàn tụ. Tôi đã xin được giấy giới thiệu đi đường của hãng phim để ra Bắc. Dù thế nào, tôi cũng muốn gặp họ ít nhất một lần. Và tôi lên đường.

Ông bố, không tỏ ra úy kỵ gì tôi, chỉ có vẻ đãi bôi. Ít nhất ông cũng hồ hởi phấn khởi với đôi giày tôi lột từ chân ra biếu ông. Ông nói: “Chúng tôi vẫn có ý chờ anh ra. Chúng tôi thật sự không biết anh ở đâu để tìm. Mong anh hiểu cho, không phải chúng tôi tệ bạc với anh. Cứ hỏi mẹ anh xem, bà ấy đứt ruột vì anh đấy”.

Trong bữa ăn, ông rót rượu cho tôi. Ông nói: “Trong ấy, chắc các anh chỉ uống rượu Tây thôi nhỉ”.

Tôi cười: “Thật ra, rượu nào cũng uống. Riêng thịt cầy thì cũng uống rượu đế thôi”.

Ông nói nhỏ: “Mẹ nó, cứ thịt cầy rượu đế với nhau thì chiến tranh làm gì cho phí xương máu nhỉ”.

Tôi nhìn ông: “Nói thế, bố không sợ à?”

Ông bố cười: “Sợ chứ. Nhưng tôi tin anh. Người miền Nam thì không sợ”.

Ái chà. Tôi thấy ông bố này được. Tôi cầm ly rượu lên bảo: “Cốc này con mời bố. Bố thật xứng đáng là bố con”.

Ông quay sang mẹ tôi: “Bà nghe con bà nói chưa? Nó khen bố xứng đáng như thể nó là ông nội bố vậy”.

Mẹ tôi đỡ lời: “Ấy là nó thành thật mới nói thế. Ông bắt bẻ nó làm gì”.

Ông nâng ly bảo: “Tôi cũng mong anh coi tôi là bố”.

Tôi nói: “Cám ơn bố. Con lúc nào cũng coi bố là bố của con”.

Kiếm cơm

Kịch bản hoàn tất sau ba tháng lao động miệt mài, tôi giao cho gã đạo diễn đã đặt hàng tôi.

“Hy vọng ông sẽ chào hàng được”, tôi nói.

“Tôi cũng mong vậy”. Hắn nói. “Về số tiền nhuận bút còn lại, ông ráng chờ khi tôi bán được kịch bản cho nhà sản xuất”.

Tôi nhảy nhổm: “Làm sao tôi sống?”

Gã đạo diễn bình thản bảo: ”Đấy là việc của ông. Không lẽ ông viết gì tôi cũng phải trả tiền ông sao? Ứng trước cho ông như thế là tôi đã tử tế quá rồi”.

Gã nói cũng có lý. Tôi chưa phải là tác giả đáng tin cậy.

Quả đúng như gã nói, không một hãng phim nào trong nước chịu mua kịch bản của tôi. Nhưng gã không chịu thất bại, vì tiếc số tiền đã bỏ ra. Gã giới thiệu dự án làm phim cho các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm văn hóa nước ngoài để xin tài trợ.

Cuối cùng một tổ chức chuyên giới thiệu các tác giả mới của Pháp đồng ý tài trợ. Việc ấy kéo dài gần ba năm. Phải mất hai năm nữa, tác phẩm điện ảnh mới ra đời. Tuy nhiên, nó cũng không được phép công chiếu ở trong nước cho đến khi đã tạo được ít tiếng vang ở nước ngoài.

Trong suốt thời gian ấy, tôi và cô vừa viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập vừa mua bán hầm bà lằng mọi thứ trên mạng để kiếm cơm. Ơn trời, chúng tôi vẫn chưa chết đói.

Chị tôi

Không biết bằng cách nào chị tôi đã trở thành một đại gia. Tất nhiên, tôi không tin một cán bộ quản lý thị trường dù tham nhũng cướp bóc đến đâu có thể trở thành đại gia được. Có thể chị đã gặp may. Miếng đất được nhà nước cấp của chị đột nhiên có giá, nhưng đấy cũng chưa phải là cách chị ăn may, nhưng nó đã có giá trị như một cơn thức tỉnh.

Người miền Bắc tràn vào miền Nam ngày càng đông, và họ dễ dàng tìm kiếm cho mình những khu đất đắc địa. Cũng như họ, chị nhìn ra ngay những vùng đất tiềm năng. Có hai khu vực mà quĩ đất có thể nói là mênh mông mà giá cả thì rẻ mạt. Một là quĩ đất nông nghiệp, hai là quĩ đất quốc phòng. Công nghiệp hóa hoặc thành thị hóa đất nông nghiệp là tiếng gọi của thời đại. Các căn cứ quân sự trong nội thành cần được giải tỏa để kiến tạo một bộ mặt hòa bình đáp ứng cho sự phát triển. Chưa bao giờ cái từ “dự án” lại trở nên đẹp đẽ thơm tho đến thế trong thời kỳ lịch sử được gọi là “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, nó là chìa khóa vạn năng mở ra những điều kỳ diệu, biến tấc đất thành tấc vàng, thay ngôi đổi chủ, kẻ khóc người cười. Dự án nào cũng hoành tráng và góp phần phát triển đất nước. Chị tôi lúc nào cũng có công với cách mạng.

Như mọi đại gia khác, chị tôi cũng có một chút ngông cuồng rất thời thượng. Một ít, chị làm cái quĩ từ thiện để tích đức. Nhiều hơn, chị phóng tay tài trợ cho thú vui của muôn nhà, xây dựng nền bóng đá xã hội chủ nghĩa. Mỗi năm gần trăm tỉ. Đẹp lòng Đảng, hợp lòng dân.

Tôi nói với chị: “Chỉ cần chị giao em 1% cái thú vui của chị, em sẽ làm cho chị sáng danh đến muôn đời sau”.

Chị cười: “Cậu muốn làm gì?”

Tôi nói nghiêm túc: “Một giải văn học nghệ thuật mang tên chị. Cả Đông Nam Á sẽ phải ngước nhìn”.

Chị cười lớn: “Cậu tấu hài được đấy”.

Hồi đó

Là tất cả những thăng trầm trong một khoảng thời gian rất ngắn, chưa tới một thế kỷ, những biến chuyển thời cuộc và cuộc sống xã hội điên đảo đến từng thân phận người dân. Những biến chuyển ấy dường như có một gia tốc từ những năm đầu thế kỷ 20 vắt qua thế kỷ 21, càng lúc càng dồn dập. Lẫn lộn bạn – thù. Giai đoạn lịch sử đặc biệt sinh ra những con người đặc biệt, hoặc ngược lại. Bạn có thể bị dốc ngược hay dựng đứng. Dù trong tư thế nào, thực phẩm bạn ăn vào hay được tháo đáy vẫn luôn luôn được định vị theo đúng qui luật của nó. Trọng lực của cuộc sống hay ý nghĩa sinh tồn. Và bạn sẽ không ngừng truy vấn về tự do cũng như tính đạo đức của con người. Thật ra điều ấy cũng chẳng để làm gì ngoài việc bạn muốn được quyết định tự dốc ngược hay dựng đứng. Tuy nhiên, có một ý lực bên ngoài bạn, sẵn sàng treo bạn lên. Bạn có thể gọi đó là thánh giá hay cái xích đu. Lúc nào bạn cũng là người thua cuộc. Vì thế, bạn tha hồ ca cẩm hay chửi thề. Đó là khe hở của sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ dân tộc này có một niềm vui lớn vì tất cả sinh lực và sinh mệnh của các bạn chỉ dành để đấu đá nhau.

Kịch bản

NỘI – TRÊN GIƯỜNG – NGÀY

Người mẹ nằm trên giường bệnh.

Bà có những biểu hiện của một người đau bụng đẻ, tuy rằng bụng bà không lớn và đã ngoài 50 tuổi.

Người con trai ngồi bên mép giường.

MẸ

Cho mẹ cầm tay con.

Người con đặt tay mình lên tay mẹ.

CON

Mẹ đau lắm à?

MẸ

Ừ, như xé ruột.

CON

Hay mẹ đau ruột thừa?

MẸ

Không, mẹ đau đẻ.

CON

(Cười) Bởi phép Chúa Thánh Thần à?

MẸ

Không được xúc phạm tới Chúa.

CON

Chứ làm sao mẹ đẻ được khi mẹ không có bầu?

MẸ

Bởi một huyền thoại mà con đã biết.

CON

Mẹ lẩn thẩn rồi, huyền thoại chỉ  để nghe chơi thôi.

MẸ

Đây không phải lần đầu, mẹ đã đẻ như thế này nhiều lần rồi.

CON

Thế con mẹ đâu cả?

MẸ

Mẹ chôn trong vườn sau nhà.

CON

Chúng chết hết à?

MẸ

Không, chúng không chết.

CON

(Kinh hãi) Mẹ chôn sống chúng?

MẸ

CON

Sao mẹ làm thế?

MẸ

Còn cách nào khác hơn với những quả trứng?

Những quả trứng của mẹ tôi

Vườn sau nhà mẹ tôi có một chuồng gà. Có ít nhất năm con gà mái và một con trống. Không phải lúc nào trứng cũng được bán. Từ hôm tôi được nghe mẹ kể về những quả trứng được chôn trong vườn, tôi không dám ăn trứng nữa. Và tôi cũng thử tìm xem có thực những quả trứng của mẹ tôi được chôn sau bụi chuối không.

Qua dấu hiệu đất được vùi lấp, tôi đào bới ở ngay chỗ đó và tìm được những vỏ trứng đã vỡ, bên cạnh những quả trứng gà là những vỏ trứng to hơn như trứng ngỗng. Nhưng bố mẹ tôi không nuôi ngỗng, cũng không nuôi vịt.

Tôi muốn tin mẹ tôi biết bao.

Tôi tự hỏi, trứng do rồng tiên sinh ra, ai ấp ủ chúng? Chúng được phơi nắng hay chôn xuống đất? Những quả trứng vô tội vạ như quả trứng được sinh ra bởi mẹ tôi có giống trứng của rồng tiên không và có sự di truyền không? Sinh mệnh của chúng ta liệu có khác đi khi được sinh ra không bởi sự cao quí và huyền hoặc của nòi giống tiên rồng?

Mặc dù tôi không cảm thấy có một kỳ vọng nào về sự khác thường khi chúng ta lại được sinh ra từ trứng, tôi vừa khát khao muốn nhìn thấy những quả trứng của mẹ tôi nở ra vừa chán ốm những anh em đồng bào của mình.

Tôi lúc nào cũng là kẻ ngoại lai.

Từ trứng sinh ra

Con đường ngắn và nhỏ, la liệt bàn ghế và người. Dù uống gì thì cũng gọi là đi cà phê. Cà phê là tồn tại hay tồn tại là cà phê. Hơn cả tồn tại là một cách sống. Chúng nó muốn thể hiện. Chúng ta cần hiện thể. Sắc màu cuộc sống dường như là tự do và giống tự do vì thế được gọi là tự do. Ngoặt vào phía bên trái của con đường là một con hẻm, cũng ngắn và cụt, có một quán cà phê khác trên tầng hai của một nhà hàng chuyên về rượu chát. Winnie. Tên nước ngoài cũng là một cách thể hiện. Chúng nó tự do. Winnie giống như một quán bar hơn là một quán cà phê, nhưng tất nhiên nó không từ chối ai muốn gọi bia hay rượu. Có một bục thấp làm sân khấu. Cô đưa tôi tới một bàn phía trong cùng. Toàn người trẻ, tôi là người già hiếm hoi của một thế giới âm thầm nổi loạn trong khuôn khổ được phép, nghĩa là làm gì cũng được ngoài làm chính trị hay cổ động cho chính trị. Cô giới thiệu với tôi, cô chủ quán, một nhà thơ trẻ. Đến lượt cô chủ quán giới thiệu những người cộng sự, cũng là những nghệ sĩ. Cứ như thể sắp có một điều gì đó bùng nổ. Tôi có cảm giác ai trong quán này cũng đeo bom cảm tử. Thật thú vị nếu có một cuộc tự sát tập thể, tôi sẵn sàng là nạn nhân không khiếu nại. Nhưng sự hùng hổ chỉ là bia và những khuôn mặt phấn khích. Tôi thích những người trẻ vì họ luôn tỏ ra như sắp làm điều gì vĩ đại. Không phải thơ được trình diễn mà những thi sĩ trình bày chính họ. Tôi nghĩ đấy là tính đương đại. Và họ bước lên sân khấu, hầm hố nhưng thơ thì uốn lượn. Vì thế, thơ trượt đi không dấu vết và thi sĩ vẫn là dấu tích hầm hố. Tôi hỏi cô, “Em thích chứ?” Cô nói, “Vui”. Khán giả vẫn đeo bom cảm tử nhưng không kích nổ. Cô hỏi tôi, “Anh thấy thế nào?” Tôi đáp một cách thành thật, “Phải chi có đập phá”. Cô nói, “Anh không thấy họ đập phá sao?” Tôi nói như có lỗi, “Anh không thấy có gì bể, vỡ, sứt mẻ hay điều gì tương tự…” Cô cười, “Anh đúng là một ông lão. Họ đã vứt bỏ những người như anh vào bảo tàng. Họ có cách nhìn khác về cuộc đời”. Tôi hỏi, “Đấy là cái gì?” Cô bảo, “Họ đếch cần người khác, nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến cuộc đời. Họ tương tác với những ham muốn của chính họ. Và họ không biểu thị một thái độ chính trị nào như anh mong đợi”.

Ở xứ sở của rồng

Không chịu nổi những âm thanh phì phò và đau đớn của ông bố cưỡng hiếp bà mẹ trong đêm, tôi lặng lẽ bước ra ngoài với côn trùng réo gọi. Tiếng côn trùng muôn loại mới khẩn thiết làm sao, tôi muốn mở bung hết quần áo để làm một thứ côn trùng khác trong đêm huy hoàng của những ánh sao và gào lên như thể trút toàn bộ cái ẩm ương tôi vào hoang dã. Nhưng tôi bó tay ôm lấy mình và co ro trong gió. Bất chợt tôi thấy những con rồng bay vút qua như đường đi của gió. Tôi định thần và nghĩ, đây không phải là “Lĩnh Nam chích Quái” hay “Việt Điện U Linh”, nhưng lòng tôi vẫn tràn ngập cảm thức của kẻ lạc vào xứ sở của rồng. Có thể tôi đang mơ trong giấc mơ chăng? Dù gì đi nữa, tôi cũng muốn nhìn thấy rồng hoặc tiên. Khi tôi nghe có tiếng ho phía sau lưng, cũng là lúc tôi phát hiện ra đường đi của gió chỉ là dấu vết của những con dơi bay.

Từ sinh ra trứng

Cũng ở quán cà phê giống như bar ấy, tôi được xem một cuộc trình diễn khác giống như ngoài lề. Một chàng trai trẻ, tôi căn cứ trên giọng nói và dáng vẻ mà nói thế, vì chàng đã chụp lên đầu một chiếc túi đen che kín khuôn mặt. Có thể vì chàng không muốn ai nhận dạng, cũng có thể đó là một ẩn dụ. Chàng độc diễn một màn “Rap” chính hiệu. Hoàn toàn ngẫu hứng. Và nó cho người ta thấy một nhận thức khác của lớp trẻ, đầy tính phê phán. Một thái độ chính trị dũng cảm, không hận thù hay mặc cảm và nhất là không bị ám ảnh bởi sự thắng thua trong cuộc chiến tranh 1954-1975. Tôi vẫn gọi họ là thế hệ tự thức. Họ có cách của họ để tự thể hiện. Họ nói về cái họ thấy, sự thật của cuộc sống, hôm nay.

Một điều gì đấy đang nung nấu trong mạch ngầm.

Còn đây là bài Rap của cô ấy:

“Nếu mày biết tao là dao thì đừng đụng đến tao. Vì là dao, tao sẽ đâm theo lao vào bất kể thằng nào. Nếu mày cũng biết đau thì đừng láo. Khi chúng mày thấy lao đao thì hãy nhớ đến dao. Đấy là công lý của bọn tao.

Không phải là tao ác, mà chúng mày không đáng sống. Vì sự sống, chúng mày phải chết. Ai bảo mày cản đường tao. Ai bảo mày cướp của tao, tự do và quyền làm người. Ai bảo mày đười ươi. Ai bảo mày trêu ngươi.

Không phải tao là một. Tao là hai, là ba, là bốn, là năm… là mười, là mười hai… Hãy nhớ lấy điều này, nhân dân là tao. Nếu cuộc đời này có phân hai, ông chủ và nô lệ, thì cũng đừng quên tao là ai.

Tao là ai? Sự đời vốn mỉa mai. Hôm nay tao nô lệ, ngày mai tao làm chủ. Khi tao đứng lên, không cần chúng mày phải quì, mà hãy nhớ ngày hôm nay. Đời có vay có trả. Có nhân quả luân hồi…

Tao ở trong vòng xoay, nên dù có loay hoay… Đến một ngày, tao biết thoát thai thành ngày mai. Đấy là tương lai, chuyện hồi sau sẽ rõ…

Bạn ơi, con người sinh ra đều bình đẳng trước mọi cơ hội. Tranh đấu không phải là tội. Im lặng mới là tồi. Hãy bước ra ánh sáng, hiểm nguy sẽ ít hơn trong bóng tối. Hãy tự mở lối làm người tự do… Đừng so đo. Không ai sống thay mình, cũng không ai chết thay mình. Đừng có lo, hãy sống như người tự do…”

Vì bài Rap này, Công an phường mời cô ấy lên làm việc. Họ bảo: “Cô không biết tự giáo dục bản thân để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Cô đừng quên thời gian bị quản chế của cô vẫn còn hiệu lực. Tại sao cô cứ ngoan cố tiếp tục chống phá chính quyền?” Cô nói: “Các anh hiểu sai tôi rồi. Tôi không chống phá chính quyền. Tôi chỉ đang cố gắng làm cho xã hội tốt hơn, để con người có tự do hơn”. Họ bảo: “Cô chứng nào tật nấy. Không cải tạo giáo dục được”. Cô nói: “Tôi không cần ai giáo dục”.

Về đến nhà, cô ấy hỏi tôi: “Năm nay, mẹ anh bao nhiêu tuổi nhỉ?”

Tôi đáp: “Đúng 85″.

2015

(*) Một số hình ảnh trong truyện này được mô tả theo tranh Nguyễn Sáng.

Comments are closed.