Soi vùng ký ức (kỳ 2)

Truyện Ngô Nguyên Dũng

Chúng tôi giận nhau bao lâu (đúng hơn, chỉ có mình tôi giận Lisa), bây giờ tôi không còn nhớ, chỉ hay cuối mùa thu, hôm sinh nhật tôi, từ trường trở về tôi thấy một gói quà Lisa tặng tôi để trước cửa phòng. Lòng tôi hân hoan và cảm động cùng lúc. Mở ra, thấy một con bọ cạp có lẽ bằng đồng, màu vàng hực được dùng để móc vào dây chuyền đeo cổ và một tờ giấy màu lam với hàng chữ “Con vật này có thể chích chết người nhưng các nhà sinh vật học đều đồng ý với nhau rằng nó không có giận dai như vậy đâu! Chúc anh một sinh nhật vui”. Tôi bật cười. Thâm tâm tôi có còn dấu vết giận hờn nào nữa đâu. Không phải thời gian đã làm lành vết thương, tôi chỉ muốn nhân tiện tìm cách định rõ vị trí mình để… đối phó với Lisa. Tôi có cảm tưởng tình cảm mình chưa phân minh, đầy mâu thuẫn, có Lisa bên cạnh càng vui, không có cũng chẳng sao. Dù gì đi nữa, tôi cũng định mời nàng đi ăn tối với tôi một bận. Ngồi trong phòng rình mò nghe tiếng chân người ngoài hành lang, lúc Lisa trở về trời đã sẫm tối. Tôi bấm chuông nhà nàng, bỗng thấy yêu quá đỗi tấm bảng tên màu xanh trên nền hồng sen, chữ L và chữ S uốn éo hoa lá cành.

– Ha-lô, Du đó hả, sao mạnh khoẻ chứ?

Tôi lách vào cánh cửa mở hé:

– Cám ơn Lisa, tôi vẫn bình thưòng vậy thôi, còn cô?

Nàng õng ẹo bước vào phòng khách, áo choàng trong nhà bằng lụa nâu óng ánh, in những cánh cúc vàng vỏ chanh, tóc vén cao kẹp lại sau gáy, chân trần màu trắng hồng của đào non. Lisa chỉ chiếc ghế cho tôi ngồi, tôi không giấu được nụ cười cầu tài:

– Tôi rất cảm động vì ít nhất cũng có một người nhớ tới ngày sinh nhật tôi. Con bọ cạp bằng đồng xinh xắn quá!

Lisa hét lên:

– Ai nói với anh đồ vậy ấy bằng đồng? Anh là sinh viên hoá học sắp ra trường mà vẫn không phân biệt được đồng với vàng sao?

Tôi giật thót mình. Lisa tiếp tục phun lửa:

– Thượng đế ơi, con bọ cạp ấy bằng vàng, bằng vàng… anh nghe rõ chưa?

Tôi ngượng chín người, mặt đỏ như trái cà tô mách Hoà lan, cố chống chế:

– Ừ, mà là vàng pha đồng.

– Lẽ dĩ nhiên, anh bạn ạ. Bằng vàng ròng thì nó đã mềm ẻo như phó mát bỏ lò. Mà vàng pha đồng khác với đồng chứ? Tôi đã mua nó với giá hơn một trăm Đức mã đấy. Mắc có lẽ không phải vì chất liệu mà vì vật ấy được làm bằng tay.

Lisa xoè bàn tay năm ngón, móng sơn hồng tái ngắt, quơ qua quơ lại trước mặt tôi, nhắc lại lần nữa:

– Bằng tay đó Du ơi!

Tôi xìu như quả bóng xì hơi:

– Ừ, biết rồi, làm bằng tay nên mắc!

Chừng như tội nghiệp, Lisa dịu giọng:

– Tôi muốn làm lành với anh lâu rồi, nhưng không biết làm cách nào mới nhân ngày sinh nhật tôi tặng anh một món quà nhỏ, làm kỷ niệm luôn thể. Du hiểu chứ? Giữa tôi và Andt không còn gì nữa. Hết thật rồi. Das Ende. Finito. The end. Fin. Lần gặp nó ngoài phố, tôi tưởng sẽ nối lại được những đổ vỡ, nhưng cá tính chúng tôi khác biệt nhau quá. Xa nhau là giải pháp tốt đẹp nhất. Tôi có một quyển sổ nhỏ màu cẩm thạch…

Lisa chợt nhìn thẳng vào mắt tôi đằm thắm, đờ đẫn lộ vẻ van nài. Một gã ăn mày đang xin bà con cô bác rủ lòng thương bố thí cho… nói đôi lời.

– … Mà hình như anh muốn nói chuyện gì?

Tôi lắp bắp:

– Tôi muốn biết, Lisa ăn cơm tối chưa? Nếu chưa… tôi mời đi ăn tiệm.

Lisa gật đầu đồng ý, dễ dàng đến độ tôi phải nghi ngờ nàng có ẩn ý gì. Nàng bảo, tôi cho nàng mười lăm phút để thay quần áo. Từ cánh cửa phòng ngủ mở hé, Lisa vừa thay đồ vừa nói vọng ra:

– Ở đây có quán cơm Ý ngon nhất tỉnh. Tên bồi bàn lại xinh trai. Phòng ăn trang trí theo lối rustikal rất ấm cúng. Có hơn hai mươi kiểu Pizza, khoảng mười lăm món Lasagne, còn thức ăn nguội thì chao ơi, mướp trộn với cà tô mách, xà lách, ngâm với nước sốt sữa chua thì tuyệt vời Du ơi… mà ăn nó tôi lại sợ mập. (Tôi bật cười, nghĩ tới thân hình như que tăm của Lisa). Đàn bà không sợ gì bằng sợ phát phì. Không, họ cũng sợ bị ung thư ngực nữa, bị thẻo mất một bên thì tiêu tùng thú tắm biển mùa hè… (Ha ha ha… thì thẻo luôn bên kia rồi tha hồ mặc monokini, tôi nghĩ thầm rồi há miệng cười lớn…). Du cười cái gì đó? Nghĩ bậy rồi phải không? Đàn ông các anh là nguyên một lò heo nái (Sauerei). Arndt cũng vậy. Anh cũng không khá gì hơn. Chỉ có Christian là ngây thơ trong trắng thôi. Ừ, tôi phải kể cho anh nghe chuyện Christian mới được… cả chuyện quyển sổ nhỏ màu cẩm thạch nữa.

Và Lisa mở cửa bước ra, thơm lừng. Nàng kín đáo ngoan ngoãn trong chếc áo sơ-mi lụa màu thiên thanh cổ bẻ, lóng lánh những chùm hoa màu cam, nhìn tựa như bông trang miền quê ngoại, quần nỉ xanh đậm, thắt lưng đen nhỏ, giày cao gót màu xám. Tôi ra vẻ điệu nghệ, giúp Lisa mặc áo choàng vải màu khói nhang lót nỉ ca-rô xanh nước biển. Lisa chợt nhận thấy, vì đôi giày đế cao cả tấc nên nàng vượt hẳn tôi gần nửa cái đầu, nên vội vàng tụt giày ra chọn đôi gót thấp. Tôi nhìn nàng thầm cám ơn. Đi ra đường, cặp kè với một người đàn bà cao hơn mình, mất hết nam nhi chí.

Tiệm ăn gần nhà nên chúng tôi đi bộ. Lisa lúc nào cũng tự nhiên, cặp tay tôi tỉnh bơ, đôi khi nàng nổi hứng ôm eo ếch, quàng vai tôi mạnh bạo, coi tôi như một người bạn… cùng phái. Trong hai đứa, nàng là người nói nhiều. Tôi chịu nghe, lại nghe rất kiên nhẫn nên Lisa hứng chí, chuyện riêng tư mang ra thố lộ sạch bách.

– Tôi ghét nhất cái món cá mặn của tụi Ý. Nó nhỏ lắm, nhưng mặn chát như cục muối. Mỗi lần gọi món Pizza thập cẩm là tôi bảo bồi tuyệt đối không bỏ dăm con cá mặn lên trên. Tôi sợ cá, sợ ăn đồ biển. Trời hỡi, mấy con tép biển lột vỏ giống y hệt con nhộng, vậy mà có kẻ ăn được, còn kêu ngon, nói là Delikatesse. Hồi nhỏ, thứ sáu nào tôi cũng bị ăn cá hoặc trứng, ngoan đạo mà. Thế nhưng tôi vẫn không cảm thấy món cá sống ngâm giấm rồi rưới sốt sữa tươi, bỏ thêm hành tây xắt khoanh, ăn với khai tây luộc, là món khoái khẩu… Tôi chỉ mê thức ăn ngoại quốc: cơm Ý, cơm Đại Hàn, cơm Thổ Nhĩ Kỳ, cơm Nam Tư, cơm Ả Rập (Lisa nhìn tôi, nháy mắt) và đặc biệt là com Tàu. Mà thức ăn xứ anh có giống Tàu không?

Đẩy cửa bước vào quán, vẫn một mình Lisa liến thoắng. Ngồi xuống bàn gỗ nâu đóng theo kiểu nhà quê Âu châu, cũng chỉ mình Lisa độc thoại. Người bồi mặc sơ-mi, áo khỉ, quần đen mang ra hai tấm thực đơn bọc bìa màu vàng cognac. Lisa vừa chọn món ăn vừa tiếp tục màn độc diễn:

– Hôm nào tụi mình bày trò nấu ăn món Việt Nam. Anh nấu, tôi phụ bếp.

Tôi cười nhẹ, nhớ lại vết thương chưa lành:

– Ừ, cứ bày trò đi, như thứ bảy dạo nào cũng chính cô đề nghị đi phố rồi không dưng bỏ tôi một mình đế sánh vai Arndt đi thẳng.

Lisa cười lớn, vài người khách quay nhìn chúng tôi, ánh mắt soi mói:

– A, Du chưa quên chuyện cũ, vậy mà cứ nói quanh co. Đừng có ghen, anh bạn của tôi ơi. Người ta chỉ ghen khi yêu nhau…

Nàng bộc lộ thẳng thừng khiến tôi bối rối, choáng váng bất ngờ. Người võ sĩ bị đấm một cú ngay tim, lảo đảo trên võ đài giữa đám khán giả trố mắt nhìn trâng tráo. Cũng may vừa lúc người bồi trở lại, quyển sổ ghi món gọi cầm trên tay. “Xin vui lòng”. Lisa gọi món cố hữu, “Pizza thập cẩm không có cá mặn”. Tôi kêu “Pizza bốn mùa”, chỉ toàn bột nướng và rau trái. Tôi cũng muốn ăn kiêng cho tâm hồn nhẹ bớt dục vọng. Từ lúc quen mấy người bạn văn, nghe họ nói về triết lý Phật giáo, tôi cũng muốn tập tành tìm hiểu. Thỉnh thoảng ớn mùi thịt cá, tôi nấu xúp rau, ăn xà lách với dưa leo, cà tô mách cho qua bữa. Tôi cũng muốn đọc kinh Phật, nhưng chỉ cốt ý tìm ngôn ngữ mới đưa vào thơ chứ không phải để tĩnh tâm. Nhưng tôi sợ mang tội với Phật Trời  nên còn chần chờ, chưa thực hiện.

Người bồi hỏi thức uống. Tôi gọi một bia lớn. Lisa uống rượu vang Mosel trắng. Gã bồi bàn quả thật xinh trai. Đàn ông Ý có những nét rất quyến rũ. Tóc đen cắt ngắn phía trước, đường “bát” hai bên tai cạo xéo theo mốt mới, phía sau tóc phủ ót từng lớp bồng bềnh cắt thật khéo. Hắn mặc sơ-mi cô-tông dài tay sọc xám trắng, eo rộng, cổ để hở bày những sợi lông ngực ngắn và sát làn da nâu rám nắng, cổ đeo sợi dây chuyền vàng nhỏ. Hắn còn xức nước hoa thơm lừng, tôi ngồi bên này bàn vẫn còn bắt được mùi hương ấy. Lisa đợi hắn đi khuất mới thầm thì:

– Tôi ghét đàn ông xức dầu thơm hay dùng thuốc xịt nách. Họ chỉ nên thoa aftershave sau khi cạo râu, tắm với xà-bông thiệt thơm, nên xúc miệng bằng Odol để bớt mùi thuốc lá, rượu mạnh hay hành tỏi. Thượng đế ơi, tôi thích ăn tỏi mà ngửi mùi tỏi từ miệng người khác là tôi bắt lợm giọng, muốn ói.

Và Lisa mở bóp đầm, lôi ra quyển sổ màu cẩm thạch lật lật rồi dí vào mặt tôi. Tôi chỉ kịp hỏi:

– Gì đó?

Thì Lisa đã xổ một tràng, y hệt cuộn băng ghi âm chỉ cần bỏ vào máy và bấm nút:

– Suỵt, tôi chỉ kể mình anh nghe thôi đó. Trong cuốn sổ nhỏ này tôi ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của những người đàn ông có liên quan ít nhiều tới đời sống và “công việc” của tôi. Mất nó, tôi giống như kẻ dành dụm lâu ngày mua được căn nhà bỗng một hôm cháy rụi, tay trắng. C’est fini. It’s the end of the world. Das Ende des Lebens, anh hiểu không? (Tôi bắt đầu yêu lối nói chuyện của Lisa, dụng ngữ của nàng là ngôn ngữ quốc tế, là món cơm Dương Châu có lạp xưởng Trung Hoa, thịt dăm bông Pháp, gạo Nàng Hương Việt Nam…). Mà Du biết tại sao tôi phải giữ kỹ và kín tông tích quý vị đàn ông này không? (Tôi lắc đầu, Lisa nhếch môi cười rất ngạo mạn). Du ơi, họ đa số là những người có tên tuổi, danh giá, địa vị trong xã hội. Cả một lũ trí thức không dứt bỏ được những dục vọng tầm thường. Có cả một vài người lãnh đạo tôn giáo nữa. Trời ơi, tình dục lúc nào cũng gắn liền với tiền bạc, giả dối. Tất cả đều bạc bẽo, cá mè một lứa như nhau. Tụi nó cởi quần áo ra, trông giống nhau y hệt. Bộ ngực lông lá, bụng phệ phởn phơ, bộ phận sinh dục nhễu nhão, cặp chân ốm tong teo thiếu cân đối với thân thể vì ít hoạt động. Nhưng khả năng tình dục lại mạnh mẽ, tham lam như loài chó biển. Đôi khi còn bày đặt kiểu cọ: sấp, ngửa, ngồi, đứng, chổng mông và ghê tởm nhất là chứng bạo dâm hay loạn dâm mà tôi biết có vài người mắc phải.

Tôi buồn nôn, không cảm thấy đói bụng nữa. Nhưng Lisa ác quá, một tay nàng giữ chặt tay tôi trên bàn, hai mắt nàng nhìn thẳng vào mắt tôi như đang ngồi trong phòng xưng tội. Cặp mắt ấy chơi vơi quá. Ánh đèn cầy mà gã bồi bàn thắp lên khi nãy, soi long lanh hai mắt nàng hình như đã mọng nước. Lệ sắp ứa ra trào khỏi mi mà Lisa vẫn nói, thỉnh thoảng cười mỉm, chua chát và khinh đời làm sao, như đang bỡn cợt hay thách đố đời sống mà đối với nàng, chỉ toàn là những trò vui vật chất.

Lisa rút mảnh khăn giấy lau lệ ứa, nụ cười nàng chợt héo hắt:

– Mà suy nghĩ lại, cũng có vài đứa tử tế. Như Sergio gốc Sizilien. Jean dân Parisien chính cống hay Antonio người Hy Lạp. Họ không chỉ là khách làng chơi mà còn là bạn. Họ gởi quà chúc mừng sinh nhật tôi. Giáng sinh gởi thiệp và một tấm ngân phiếu thơm phưng phức. À, tôi quên nhắc tới Arndt… Mà thôi, nên xoá tên nó trong sổ định mệnh cho rồi.

Lisa mơn trớn mu bàn tay tôi, giọng trơn ướt đĩ thoả:

– Hình như tôi yêu nó thật tình Du ơi, còn nó thì hôm nay nói vầy, mai nói khác, õng a õng ẹo như gái còn trinh. Mấy lần đầu tôi còn lấy tiền nó, sau cho chơi gratis, vậy mà cuối cùng Arndt vẫn đành đoạn bỏ tôi. Chán! Phật giáo của mấy xứ Á châu đôi khi có lý hết sức khi cho  rằng đời là bể khổ.

Tôi nói thêm:

– Không hẳn như như vậy, đời đâu chỉ toàn những điều đau khổ. Tôi nghĩ, đó chỉ là cách nói chung chung của dức Phật để răn đe chúng sinh.

Rồi tôi giải thích cho Lisa hiểu những niềm vui giản dị của đời sống. Ngày nắng rực rỡ đầu tiên sau những tháng mùa đông u ám. Sợi nắng len qua khung cửa một sáng chủ nhật dậy sau giấc ngủ đầy. Nắng ứ tràn ký ức, soi sáng vũng tối thăm thẳm. Hay Lisa có bàng hoàng ngơ ngẩn khi bắt gặp những nhánh “Đừng Quên Tôi” nhỏ li ti màu xanh tím nhú lên từ đất mùa xuân? Hãy quên đi những ngày mưa ủ rũ. Đừng khép kín nụ cười khi niềm vui mở cửa. Lisa hãy yêu đời sống. Yêu một cánh cúc dại trắng nõn. Yêu một tiếng chim gọi hoàng hôn. Yêu cả tiếng sáo í o của người mua sắt cũ mỗi sáng. Và yêu cả dáng đi vội vã của ông phát thư tránh tiếng sủa của con chó dữ.

Có lẽ Lisa hiểu thấu những điều tôi nói. Nàng hân hoan cất tiếng với giọng cười trong suốt:

– Ồ, Du nói đúng quá. Tôi không bao giờ quên César, con chó nhỏ của tôi và Christian. Buổi sáng nào không để ý là nó rượt người đưa thư chạy tới ngã tư mới thôi.. ha.. ha.. ha…!

Lisa bật cười ha hả. Người bồi đã mang hai ly rượu tới. Tôi và Lisa cụng ly. Một giọt rượu vang ướt ngập ngừng cửa môi Lisa tô son màu hồng cánh sen. Nàng liếm môi cười, khiến tôi… ôi nhớ quá một đêm mưa Sài Gòn mà tâm trí gửi về một quán rượu nào ở Paris. Phòng anh đôi gót nhỏ thầm thì. ([1])

Tôi uống một ngụm bia Dortmunder Pils, một trong vài loại bia ngon nhất nước Đức, và cảm nhận được những bọt bia vỡ quanh mép. Tôi xoay vòng miếng giấy bìa làm rế lót ly bia vàng óng, hỏi:

– Còn Christian của Lisa ra sao? Kể cho tôi nghe về Christian đi!

Chỉ nghe bấy nhiêu thôi, hai mắt Lisa chợt long lên, không hiểu vì ngạc nhiên hay giận dữ. Nhưng tôi có cảm tưởng, con nhím đang chĩa bộ lông tua tủa nhọn hoắc, sẵn sàng buông tên. Hay như một đường chớp loé sáng trên nền trời vần vũ mây đen.

– Thôi đi! Tối nay đâu phải lúc để nhắc tới Christian…

Tôi hỏi gặng:

– Tại sao?

– Tôi muốn thưởng thức món Pizza trọn vẹn, muốn có một tối vui với Du. Kể chuyện Christian cho Du nghe, rủi tôi… khóc thì mất thú. Dịp khác đi! Cũng giống như Du vậy, hứa kể chuyện những thảm cảnh của dân tộc anh khi vượt biển tìm tự do cho tôi nghe mà chờ hoài, có nghe gì đâu!

Ừ, tôi có hứa điều ấy với Lisa. Mà bảo “hứa” cũng không đúng lắm. Tôi chỉ muốn, có dịp nào sẽ trải tâm tình mình ra cho người bản xứ thấy, viết một vài dòng cho họ đọc để thấu hiểu hoàn cảnh khốn khổ của dân tị nạn. Tôi mang “món nợ” ấy từ khi nào cũng không biết nữa, chỉ hay, thình thoảng chúng lại sưng tấy lên như vết thương chưa chữa dứt nọc, gặp mùa lại nhức nhối. Tôi có những vết thương. Tâm hồn Lisa có những vết cứa đớn đau. Làm sao vết thương này bó vết đau kia để sống hồn nhiên, hạnh phúc? Em nói cho tôi nghe đi! Giải thích tại sao đất nước tôi đã thanh bình thống nhất mà vẫn còn có kẻ chạy trốn quê hương. Xứ sở em đã trải qua thế chiến thứ nhất, từng là đạo diễn tuồng thế chiến thứ hai và đã giết bao triệu người Do Thái, chắc chắn biết rõ hơn tôi cái tham vọng điên cuồng của chủ nghĩa khi muốn giành một vùng đất về tay mình. Giảng nghĩa cho tôi rõ, tại sao nước tôi vẫn còn xua tuổi trẻ qua Cam-bốt gieo binh lửa. Tại sao họ hô hào tự do khi hàng trăm ngàn người vẫn còn bị tù đày tra tấn, tinh thần bị hành hạ ê chề trong các trại giam đeo mặt nạ cải tạo. Ôi, tôi quặn người tê tái khi nghĩ tới những nữ tội nhân. Mang giùm tôi bóng mát, tàn trứng cá trong sân. Bên rào giam nữ tội, em nhìn tôi bao lần ([2]). Và những đứa trẻ sinh ra trong ngục thất. Nói cho tôi nghe đi, Lisa! Thân xác em đã từng trải qua bao cảnh cuồng dâm, chỉ còn thiếu cảnh bị thay phiên hãm hiếp trên đại dương mênh mông. Bao nhiêu gã đàn ông dúi vào tay em tờ giấy trăm thơm phức chỉ để động cỡn với em một lần. Còn những người con gái xứ tôi trên đường vượt biển đã phải van xin, lạy lục như tế sao, cầu khẩn chúng nhủ lòng thương, nếu không tha thì sau khi hành xác hãy trả về lại thuyền với chồng con, cha mẹ, anh em, đừng xô xuống biển.

Tự nhiên Lisa động tới vết thương tâm hồn tôi, khiến tôi ăn món Pizza bốn mùa hết ngon. Tôi nhìn những sợi ớt tây đỏ sỗ sàng, dăm khoanh mướp xanh rụt rè, vài nhánh ạc-ti-sô như những cánh hồng đại đoá nhiễm phóng xạ đổi màu tái nhợt… mà bụng dạ ớn nhợn. Tôi cắt vài mảnh bột nướng giòn tan nơi rìa bánh, nhấm nháp như chuột. Xăm một khoanh mướp bỏ vô miệng. Thẻo một góc bánh có nhiều phó mát nướng, dùng nĩa găm những sợi phó mát nhễu lòng thòng, tôi phải quay tròn quấn chúng chung quanh mẩu bánh. Tôi chợt tiêu tan dục vọng. Hết đói. Rạo rực lắng xuống. Rỗng tuếch như hộp diêm trống.

Lisa vẫn ăn ngon lành. Nàng đang dâm thực. Có bánh trong miệng nhóp nhép nên Lisa không còn nói bá xàm nữa. Tôi nhìn nàng ăn uống và ao ước kiếp sao thành đàn bà sẽ đi làm đĩ, sẽ chửi đàn ông không còn manh giáp, nhưng sau đó lại hân hoan ấp một thân thể lông lá lên bụng với ý nghĩ, không những được tiền mà còn được sướng.

Buổi tối đó, sau màn cơm rượu no say, Lisa khoác tay tôi đi dạo. Nơi này là miền ngoại ô, có nhiều đồng cỏ, ruộng lúa mì, ruộng trồng Raps để làm dầu mỗi mùa hè trổ bông vàng choé. Khung cảnh thanh tịnh với dốc đồi thoai thoải, một khu rừng thông tơi tả có lẽ vì môi sinh ô nhiễm. Lisa có vẻ thấm rượu nên ít nói hẳn đi. Nàng chỉ cho tôi thấy vầng trăng trong veo nhưng hơi méo, treo lơ lửng trên nền trời đen dát kim cuơng là những vì sao chớp tắt.

Khi về nhà, tôi ngỏ ý muốn ngủ với nàng đêm nay. Lisa bẹo má tôi cười:

– Du ơi, nếu mến tôi thì đừng yêu thân xác tôi. Tôi chỉ là một thứ đĩ rạc, một món đồ chơi chỉ có giá trị bằng vài trăm bạc, chỉ đẹp đẽ qua đêm rồi bị vất bỏ như đồ vật phế thải. Tôi không bao giờ ngủ với người tôi yêu mến. Vả lại Du đâu có tên trong quyển sổ màu xanh cẩm thạch của tôi. Lúc nào tôi cũng biết có Du quanh quẩn bên tôi, đâu cần phải ghi tên tuổi, địa chỉ ra nữa… Chúc bạn ngủ ngon. Gute Nacht. Bonne nuit my love.

Nàng hôn lên má tôi rồi lướt vào phòng đóng cửa lại, bỏ tôi ngần ngơ ngoài hành lang. Đêm nay cũng giống như những đêm trước, tôi không biết giấu những ray rứt bốc lửa nơi đâu, nằm quấn người trong chăn, đè nén phần thân thể nổi loạn, thiếp vào giấc ngủ với những cơn mộng à la Charles Bukowski.

***

Vậy mà tôi ấm ức mất mấy ngày. Cũng may, tôi biết tìm lạc thú trong những việc làm khác. Tôi chăm học hơn, mặc dù đôi khi ngán ngẩm nhìn những phương trình hoá học bày trước mắt. Chất rắn, chất lỏng và chất hơi. Vũ trụ mênh mông này chỉ cấu tại từ ba trạng thái căn bản đó. Nhưng hình như còn trạng thái thứ tư. Phần tâm linh của con người. Hay dùng văn chương làm dáng gọi nó là “tâm tình” của nhân loại.

Có lẽ vì vướng nợ “tâm tình” nên sau những giờ học ở nhà, phần nghe giảng và thực tập ở trường, tôi phó mặc tâm hồn mình trôi theo ngọn bút. Viết là đam mê lớn. Viết để tháo gỡ những ẩn ức trong lòng. Viết còn là cách tâm sự với những người không quen biết, bắc một nhịp cầu giao cảm giữa tôi với người lạ.

Tôi thả nổi theo dòng sông ký ức. Chưa già mà sao tôi hay nhớ về dĩ vãng, yêu tuổi thơ tôi một cách bệnh hoạn. Nhớ như thể tương tư và chợt hay tôi đã đánh mất một quãng đời: tuổi trẻ. Vừa lớn lên tôi đã xa nhà, bềnh bồng nơi xứ lạ. Tôi bị đời sống quay như chiếc bông vụ, nhưng ngoài mặt vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh phơi phới. Để có đủ tiền ăn học, trong khi dân bản xứ phởn phơ đi nghỉ hè, tôi nhân dịp đó đi làm kiếm tiền sống cho mùa đông sắp tới. Tôi là thợ hãng bia, hãng cơ khí, hãng giấy, đi quét lá công viên, vận động trường, đi phát giấy quảng cáo, là người chăm sóc chuột, bọ, thỏ, chó trong hầm nuôi súc vật thí nghiệm của một xưởng chế thuốc tây… Tôi cứ ngỡ, sẽ chai đá, tê cứng, mặt dầy mày dạn vì bị đời sống đá nghiêng ngửa, nhưng không, tôi vẫn còn cảm động muốn rớt nước mắt khi mỗi sáng vào thăm chuồng chó, con chó nhỏ lông màu cà-phê sữa cứ ve vẩy đuôi chào đón, ăng ắc tiếng gọi mừng nơi cổ họng trong khi mấy con khác sủa vang rân hăm doạ. Tôi và người thợ cả thương con chó quá, nói với nhau rằng: “Tụi mình cho nó chết sau cùng vậy”. Riêng tôi hiểu rõ tâm trạng mình, rất thương chó. Lúc còn ở quê nhà, trong gia đình tôi lúc nào cũng có ba bốn chú cẩu quanh quẩn. Má tôi lại hay làm phước, thấy chó nhà ai nuôi nấng luộm thuộm, cù bơ cù bấc, bà xin về nuôi. Thỉnh thoảng dân số chó nhà tôi tăng cao, phải cho người khác, vậy mà tôi cứ rầu rĩ mãi. Có một lần, giữa khuya nghe tiếng cào cửa rối rít, thức dậy mới hay con Mực tìm về nhà. Cả nhà thấy thương quá, nuôi luôn con Mực từ đó. Tôi lây má tình thương chó, lây ba sở thích ưa cây kiểng, mến thú vật và nhất là hay viết lách.

Bên này, người cầm bút rất được mến trọng, thành thử khi Lisa biết được sở thích viết truyện, làm thơ của tôi, nàng tròn mắt lên, hấp tấp nói:

– Du phải kể cho tôi nghe những truyện ngắn Du viết mới được.

Mặc dù sinh sống nơi đây từ nhiều năm qua, nhưng vốn liếng ngôn ngữ xứ người vẫn chưa đủ tinh tế để tôi gói ghém gọn ghẽ tâm tình mình. Tôi hứa hẹn lần lữa với nàng. Nhưng mục nấu ăn Việt Nam thì không thể trễ hẹn được. Một hôm Lisa phán rằng:

– Thứ bảy tuần này tôi cố ý không hẹn hò với ai cả, tôi dành trọn ngày để tụi mình nấu ăn kiểu Việt Nam. Anh nấu, tôi phụ.

Lisa muốn là trời muốn, thành thử trong tuần tôi cặm cụi tới tiệm bán thực phẩm Á đông mua sắm. Tôi nấu hai món căn bản dành cho người ngoại quốc chưa từng thưởng thức món ăn Việt Nam: miến gà và chả giò.

Thứ bảy đó Lisa hớn hở xem tôi bày cách nấu. Trước khi ra tay, nàng bắt tôi đeo cái tạp-dề cho giống đầu bếp thứ thiệt. Tôi kêu nàng ngâm kim châm, nấm mèo, bún tàu. Tôi bắt nàng ngắt đầu cứng kim châm rồi cột thành cái gút để lúc nấu không bị nát. Một phần nấm mèo tôi sai nàng cắt nhỏ vừa phải và bún tàu phân đoạn ngắn. Sau khi trộn thịt heo bằm với cua hộp, hành tây xắt nhuyễn, cà-rốt thái chỉ rồi nêm gia vị và bỏ vào đó vài quả trứng cùng nấm mèo, bún tàu, chúng tôi bắt đầu cuốn. Ngó mười ngón tay Lisa luống cuống, vụng về quấn mảnh bánh tráng nhúng nước ướt mèm, tôi phải bật cười. Rồi từ từ nàng cũng cuốn được, mặc dù đôi lúc vì nghe lời tôi nói, phải quấn chặt lúc chiên mới đẹp, Lisa làm rách bánh. Nàng cầm cuốn chả giò lòi ruột dí vào mặt tôi:

– Hư rồi, tại Du kêu quấn chặt đó!

– Ồ, dễ quá mà. Lisa lấy miếng bánh khác vá lại.

– Vá lại?

Lisa nhìn tôi chưng hửng, cứ làm như vá bánh xe đạp hay mạng chỗ áo rách không bằng. Và tôi chỉ nàng cách… vá bánh.

Hôm đó mệt nhưng vui. Tôi nhìn Lisa ăn uống ngon lành, không câu nệ, không khách sáo mà cảm động. Tôi dạy nàng cách ăn chả giò bằng tay, quấn chung với xà-lách, rau sống rồi chấm nước mắm chua ngọt có bỏ đồ chua làm bằng cà-rốt và củ cải trắng thái chỉ. Lisa khen rối rít, gọi tôi là “xếp đầu bếp” và quyết định bữa nào sẽ tự tay làm lấy một mình, coi có giống cách tôi làm không.

Ăn chung với Lisa mà không uống rượu là chuyện khó xảy ra. Chúng tôi uống vang trắng. Cụng qua cụng lại một hồi, chai rượu trống trơn. Hơi rượu làm khuôn mặt không trang điểm của Lisa ánh màu hồng phấn. Đôi mắt nàng ướt rượt, riềm mi cong tự nhiên chớp e ấp. Dưới mắt tôi, Lisa có nhiều nét giống một nữ sinh viên từ làng mạc xa xôi lên tỉnh trọ học chứ không phải là một thứ điếm de luxe, đi khách bằng cách hẹn hò qua điện thoại. Những cử chỉ sành sõi, dạn dày sương gió của Lisa có nhiều nét rất tuồng, như thể gượng ép. Người đào hát dở tệ, đêm đêm tô son trét phấn ca Nam Ai, líu lo Lý Con Sáo, run giọng xuống sáu câu vọng cổ mà không thể hoà mình vào thế giới của tuồng tích và mũ mão, xiêm y. Giọng hát đó như từng hạt ngọc trai nằm trong bàn tay rồi từ từ nhả ra thành chuỗi ký ức xa mù… mờ ảo nhưng hào quang lấp lánh.

– Du ơi, nghe tôi nói đây. Chắc chẳng bao giờ tôi quên được Christian, cái tên mà tôi vẫn thường xuyên nhắc tới. Cậu ta là em ruột tôi đó, cũng là mối tình lớn đầu tiên của đời tôi. Không phải thứ tình yêu trai gái đâu, mà là tình cảm ruột thịt gắn bó. Gia đình tôi thuở ấy nghèo xơ xác, ở miệt ngoài quận lỵ Hemer, cách đây khoảng ba mươi cây số. Cha tôi là tài xế xe hàng, vắng nhà luôn, mắc tật nghiện rượu. Mỗi lần về nhà là ông say sưa mềm nhũn, hành hạ và làm tình với mẹ tôi đã đời, ông quay sang mắng mỏ tôi và Chritian. Năm đó tôi mười hai tuổi, Christian mới lên chín. Lần nào thấy ông về, hai đứa vội vã chạy sang nhà hàng xóm trốn, chỉ mò về vào những bữa ăn, khi tới giờ đi ngủ. Một đêm, có lẽ vì say quá độ, ông xô vào phòng ngủ chúng tôi tính giở trò loạn luân, bị Christian chộp đánh, la hét kêu cứu. Nhờ vậy mà mẹ tôi nghe được, xông vào giải thoát. Từ đó tôi ghê tởm bộ mặt cha, tìm cách xa lánh ông như sợ dây phải bệnh hủi. Tình cảm tôi mất điểm tựa ở người cha, tôi dồn hết tình thương cho Christian. Mà cậu nhỏ yếu đuồi quá. Con tinh trùng nghiện rượu của cha tôi hợp với noãn sào bệnh hoạn của mẹ tôi làm sao tạo thành một mẫu người khoẻ mạnh hoàn hảo được. Sau một cơn đau dai dẳng, kết quả của sự thiếu dinh dưỡng, những thăng trầm tâm lý, Christian bỏ tôi ra đi lúc mười hai tuổi. Một năm sau, mười sáu tuổi, tôi trốn nhà đi hoang. Hành trang của tôi là đôi mắt bi ve trong suốt của Christian, mái tóc râu bắp vàng hoe mềm mại, khuôn mặt xương xương và màu da tái ngoét. Thượng đế ơi!… Buổi sáng đó tôi rời ngôi nhà tôi đã lớn lên, lúc đêm còn đặc quánh. Tháng mười hai Du ạ, trước Giáng sinh một tuần hay mười ngày gì đó. Trong khi mọi người đều nôn nao chờ đón ngày vui nhất trong năm, thì khung cảnh gia đình tôi tiêu điều như một nấm mộ hoang. Trước đó vài ngày, mẹ tôi đã lôi từ nhà hầm ra cây Giáng sinh giả dùng cả chục năm nay rồi, để giũ bụi, lau chùi lại những trái cầu thuỷ tinh màu mè lóng lánh. Tôi chợt nghe từ đâu đó tiếng gọi nào tha thiết vang lên, mời tôi nhập cuộc vui, rủ tôi trốn khỏi nơi này để biến thành một con người khác. Cô bé lọ lem tới giờ đi dự dạ hội rồi đó. Và tôi quyết định với đôi mắt ráo hoảnh. Đi. Phải đi. Càng xa càng tốt. Lúc lên ngồi trên xe buýt, chen chúc với bọn học trò đến trường mỗi sáng, tôi chợt ngó thấy khuôn mặt Christian trở về sau khung kính mù sương. Hai vòm mắt bi ve hân hoan nhìn tôi. Cặp môi mỏng đỏ hồng nhoẻn cuời lí lắc như muốn góp thêm nghị lực tinh thần tôi. Khuôn mặt tôi đẫm lệ lúc nào không hay. Tôi khóc tự nhiên, mặc những tia nhìn tò mò của đám khách…

Hai cánh mũi Lisa phập phồng, đỏ ửng rồi không dằn đưọc nữa, nàng bật khóc tỉ tê. Tôi đưa cho nàng mảnh khăn giấy. Lisa hỉ mũi rột rột, chùi hai mắt hoen đỏ.

– Đó, tôi kể cho Du nghe câu chuyện của Christian rồi đó. Bao giờ Du thuật lại cảnh trạng vượt biên của người Việt Nam tìm tự do cho tôi nghe đây?

Đêm hôm đó, hai đứa nằm bên nhau, sau khi thoả mãn những đòi hỏi của thịt da tội nghiệp, tôi rầm rì vào tai Lisa những gì tôi đã đọc, hay nghe kể lại từ những chứng nhân đã gặp phải trên đường tìm tự do gian nan. Tôi không bị ám ảnh bởi hai con mắt bi ve, nhưng những bàn tay khô đét chới với trên đại dương bám lấy tôi mãi, như một hạt trong sợi chuỗi ký ức.

***

Mùa đông năm ấy, Lisa đi trốn lạnh với Antonio ở Hy Lạp. Nàng có gởi thiệp chúc tôi siêng năng học hành, viết từ Kreta. Trường nghỉ học từ Giáng sinh qua Tết dương lịch, tôi như con chim nhiệt đới bị bắt về nuôi nơi xứ lạnh, ủ rũ không chịu hót. Tôi nhớ Lisa, cả giọng nói và ngôn ngữ quốc tế của nàng. Nghĩ lại, ba lần tâm sự cùng tôi, đủ ba lần Lisa khóc. Một người như nàng, mười sáu tuổi dám bỏ nhà đi hoang, lại dồi dào tình cảm thế ư? Tôi, một nhân dáng không có gì thu hút, ỉu ỉu ương ương, một tên sinh viên ngoại quốc nghèo kiết, có tra khảo lòi xương cũng không tìm ra vài ba ngàn bạc. Tôi, vừa lầm lì ít nói lại vừa cộc lốc ngôn từ. Tôi chỉ là kẻ biết nghe chuyện, nghe dai và thích nghe. Thêm một điểm nữa, tôi biết giới hạn mối liên hệ giữa tôi và Lisa, không dự vào đời sống riêng tư của nàng. Mặc dù trước đó, khi tình cảm tôi đã vang thành tiếng, mỗi lần bên này tôi nghe tiếng khoá cửa lách cách ở phòng bên kia, rồi sau đó len qua khung cửa sở mở hé, nghe tiếng Lisa động tình vật vã, tôi bứt rứt khổ sở. Như người điên loạn bị tròng vào chiếc áo với hai ống tay dài quá khổ, bó chặt sau lưng, tôi ngồi co rút trong góc phòng, một mình trong vùng tối mênh mông. Và tôi sập mạnh cánh cửa lại, tấm kiếng có lẽ cũng bực tức như tôi, nứt một đường cong.

Rồi thời gian theo mùa trôi qua. Tôi dõi mắt nhìn ngày tháng bằng gốc táo xanh trong khu vườn nhà ai trên đường tới trạm xe lửa mỗi sáng. Cũng chẳng có gì lạ. Khi tiết xuân ấm áp trở về, cây nhú lá non mơn mởn. Lúc hạ toả nắng gắt, lá đổi sang lục sẫm để giữa hè trổ bông trắng li ti, hấp dẫn lũ ong bướm chập chờn. Vừa lúc trái xanh treo lấp ló trong đám lá rậm rạp thì nhiệt độ thường nhật từ từ hạ xuống. Một chiều nào, bỗng gió giao mùa quằn quại thổi, những trái táo vàng lườm mà người chủ nhà không buồn hái, rơi đầy bãi cỏ xanh. Những nhánh lá bất chợt, một lúc nào không ai để ý, ngả vàng rồi đậm hơn, sậm lại, cuối cùng ẻo lả bay xuống. Thu tới với đàn chim từ nơi đâu, đi về đâu không rõ, nhưng chiều chớm lạnh lại chờn vờn bay kín khung trời, đậu từng chấm mực tàu trên cành táo trơ xương, đầy nghẹt trên ngọn phong trụi lá ven đường và khi nhận thấy tĩnh mịch quá, chúng đồng loạt vỗ cánh bay hốt hoảng, choét kêu inh ỏi. Ngày ngắn lại. Ánh sáng chỉ còn thoi thóp. Tháng mười hai, thời tiết nhả rơi từng cụm tuyết đầu mùa. Tôi có cảm tưởng gốc táo trần truồng kia hẳn lạnh lắm, ban đêm lúc mọi người đã ngủ kỹ, những cánh tay khẳng khiu mới vươn vai cử động, ôm lấy thân khô cằn thành một trụ cây độc nhất.

Rồi con đường học vấn của tôi từ từ thu ngắn lại. Hết một lần thi, bắt đầu một thử thách mới. Kết thúc một lần thi nữa, tôi phủi tay giũ sạch món nợ học đường, hoàn thành nhiệm vụ ba má đã giao phó khi cho sang đây.

Trong khoảng thời gian ấy, mặc dù chỉ cách nhau bằng hai khung cửa hẹp, tôi và Lisa ít gặp nhau hơn trước. Chúng tôi như hai chuyến xe lửa song song chạy về một hướng. Lisa vắng nhà luôn, có lần đôi ba tuần, đôi khi vài tháng. Khi thì nàng sang Paris thăm Jean. Lúc thì xuống Palermo theo lời mời của Sergio. Nhưng mùa hè nào nàng cũng qua Nhã Điển sống với Antonio trọn những tháng nắng. Lisa dường như yêu đời hơn trước. Tình cảm hụt hẫng với Arndt bây giờ được Lisa dành hết cho Antonio. Còn tôi đóng vai trò nào trong vở Trà Hoa Nữ này?

Mà sao tôi cứ đắn đo suy nghĩ về chuyện đó. Lisa đã hơn một lần khẳng định với tôi rằng, Du là người bạn tôi dành thật nhiều cảm mến. Đơn giản vậy thôi. Và tôi đã giận dữ hỏi, vậy sao đêm đó cô mời mọc thân xác hiến dâng tôi? Cô thương hại tôi ư? Rồi bởi tự ái bị tổn thương nặng, tôi quát lên, sao cô không nói thẳng để tôi móc tiền trả trước khi nhập tình? Thứ như cô, nhiều tiền cách mấy tôi cũng trả được, mà trả… góp! Và tôi bưng khuôn mặt lửa nóng bừng bừng, quày quả trở về phòng mình. Trước khi sập cánh cửa lại cái rầm, tôi còn oán hận ngoái nhìn Lisa, hai mắt nàng trợn trừng ngó tôi chưng hửng. Từ đó, giữa chúng tôi là dấu phẩy hờ hững nối hai câu chuyện tâm tình.

Tôi rơi vào trạng thái mênh mông, rớt hoài huỷ mà không chạm đáy. Tôi có quá nhiều vấn đề để suy nghĩ và lựa chọn. Đời sống và công việc. Đời sống và văn chương. Nhưng tôi hồ nghi, tất cả đều phù phiếm như nhau. Cả đời sống cá nhân tôi, vừa đi trọn con đường học vấn, tôi phân vân đứng trước nhiều ngã rẽ. Hoặc tiếp tục đeo đuổi nghề nghiệp này chỉ để phục vụ riêng tôi. Hoặc vất hết công trình khoa bảng vào sọt rác để lao vào thế giới văn chương, cố gắng hoàn tất lý tưởng mà tôi còn mang canh cánh bên lòng. Hay dung hoà cả hai?

Dù sao tôi vẫn viết đơn xin việc. Rất hời hợt. Vô cùng chểnh mảng.

Lisa vẫn vắng nhà luôn. Nàng hoá thành chim trời bay bốn phương lúc nào tôi không hay. Nhiều khi nàng chỉ tạt ngang lấy một vài món cần thiết rồi lại chắp cánh bay. Nhằm bữa tôi vắng nhà, nàng nhét dưới cửa phòng tôi mảnh giấy nhỏ viết nguệch ngoạc: “Hallo Du! Mạnh khoẻ không? Sẽ gặp lại sau. Thân ái. L.S.”. Hôm nào tình cờ có tôi ở nhà, Lisa bấm chuông chào hỏi. Có lẽ nhận thấy bộ dạng tôi hốc hác, nàng lộ vẻ thương hại, rủ tôi sang phòng nàng ngắm nàng lục lọi đồ đạc và kể vài ba câu chuyện: “Trời ơi, tôi yêu cái nắng Hy Lạp rồi Du ơi. Cả bãi cát trắng và biển xanh rì. Đời sống nơi đó đối với tôi là những ngày hội lớn. Olé, I love fiesta… Olé…“. Tôi đứng dựa tường, khoanh tay nhìn Lisa như con thoi liến thoắng chạy tới chạy lui nhặt nhạnh quần áo xếp vào va-li, miệng tíu tít kể chuyện. Tôi gượng làm mặt vui, mỉm cười nhìn một con điếm hạng sang đang mù loà say mê một gã Hy Lạp. Nàng đâu biết, những niềm vui hồn nhiên đó cơ hồ lưỡi lam sắc lẽm cứa lên trái tim tôi. Căn phòng của Lisa trống dần dần. Mùi hương thân quen rồi cũng nhạt phai theo thời gian.

Tôi như cậu bé lạc loài mồ côi, ôm con gấu nhồi bông mà tôi đã ném lon thắng được trong đêm chợ Giáng sinh năm nào, nằm co quắp trong cân phòng ốm. Tôi nâng niu con thú, vuốt ve từng kỷ niệm xa mù. Tôi hết còn dang chân, thẳng tay nằm ngủ ở tư thế thoải mái. Tôi ôm dĩ vãng một khối tròn vo. Những nhớ nhung chưa mờ xâu xé không thôi. Cả những bận tâm về tương lai, về những suy tư phải-làm-một-cái-gì-đó mà tôi giữ mãi trong bàn tay nắm chặt.

“Người lạ thấy gã đàn ông kia cứ nói bá xàm bá láp với bàn tay nắm chặt mới hỏi, anh giữ gì trong tay đó? Gã đàn ông đáp bằng cặp mắt lờ đờ hoen đỏ, một tay tôi nhốt gió để trời đừng nổi bão, còn tay kia tôi tìm cách bóp nghẽn ngọn đèn ký ức vẫn chưa thôi sáng.”

(1987)


[1] Mùa thu Paris, nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng.

[2] Thơ Bắc Phong.

Comments are closed.