Sóng gió Biển Đông – Trích tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

hoang minh tuongVăn Việt: Tiểu thuyết Sóng gió Biển Đông của nhà văn Hoàng Minh Tường viết về một làng chài truyền thống ven biển miền Trung, bao đời lấy Biển Đông là chốn mưu sinh của mình. Cuốn tiểu thuyết đã tái hiện hai trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm1988 của các chiến sỹ hải quân Việt Nam trước quân bành trướng phương Bắc. Có lẽ vì lý do này mà Cục Xuất bản Bộ TTTT, cho tới nay vẫn không cấp giấy phép xuất bản (do NXB Hội Nhà văn và Văn hoá Thông tin đề nghị). Văn Việt trích giới thiệu chương 17 với độc giả.

17

Võ Phẩm từ Hà Nội về, mang theo một tin hết sức giật gân khiến cả xã Hải Thủy nháo nhào: “Tàu BĐ-137 của thuyền trưởng Đỗ Trọng Đạo bị hải quân Trung Quốc bắt giam giữ đã hơn hai tháng nay. Bộ Ngoại giao ta đã có công hàm và đang thương thuyết để đưa tàu và thủy thủ đoàn trở về nước”.

Nhiều người cho rằng đó là tin vịt. Riêng ông Nhu thì khẳng định như đinh đóng cột:

– Nếu sai cứ bắc bếp lên lưng tôi mà đun. Bạn bè ông Phẩm ở Bộ Ngoại giao, Bộ Thủy sản, ở Văn phòng Chính phủ thiếu gì. Ông vụ trưởng vụ Nam Á Bộ Ngoại giao là con bà cô ông ấy. Người như Võ Phẩm thì có cái gì mà không biết.

Hai mươi hai gia đình có chồng con trên tàu BĐ-137 đã đồng loạt làm ma một lần, giờ lại như nhà có đám. Bà con xóm giềng, họ hàng thân thích kéo đến nườm nượp hỏi thăm, thông báo tin tức. Lão Đàm dựng hẳn một cái rạp nối từ mái ngói ra hết khoảng sân gạch, thuê bàn ghế, như tổ chức đám cưới. Lão gọi hai cô con dâu, con gái, con rể và các cháu chắt anh em đến cắt việc cho từng người: Vợ chồng Thủy ra gấp Hà Nội, đến hẳn Bộ Ngoại giao và Bộ Thủy sản hỏi tường tận về việc tàu BĐ-137 bị bắt giữ. Chị Đạo và Ngân thì lên huyện và tỉnh. Vợ chồng lão và con cháu lo việc tiếp khách tại nhà.

Rạp chưa dựng xong, đã có đoàn của Hợp tác xã nghề cá do chủ nhiệm Trương Văn Lưu và Tư Gia đến thăm. Từ ngày tái lập Hợp tác xã Hải Thủy, Lưu sáu ngón như cóc nhái bỗng lên làm người. Những ai thấy cảnh Lưu sáu ngón chiều chiều xách chiếc bị cói la cà khắp bến cá, thấy tàu cá nào cập bến là xấn đến, xin chủ tàu một vài con, hoặc chạy theo thợ khuân vác chuyển cá từ hầm tàu lên các xe tải, nhặt những con cá rơi vãi… thì bây giờ thảy đều thất kinh về sự lột xác của lão. Thay cho cái bị cói là một chiếc cặp da đen bóng có quai đeo vòng qua ngực. Chiếc áo sơ mi hoa văn nâu vàng kiểu như loại áo truyền thống các nguyên thủ quốc gia Malaixia, Indonexia mặc ngày đại lễ, bỏ ngoài chiếc quần âu đen rộng thùng thình và đã được cắt ngắn đi ba, bốn gấu. Tất nhiên, bao giờ lão cũng dận giày đen, loại giày mõm chẫu chuộc giả da của Trung Quốc. Điểm mới nhất của Lưu sáu ngón là chiếc điện thoại di động do Tư Gia mua tặng. Chẳng thấy tiếng chuông réo, chẳng ai gọi cho lão, vậy mà chốc chốc lão lại vén áo, mở chiếc bao da đen bên hông, lấy máy đưa lên tai và nói năng, quát tháo loạn xạ cứ y như lão đang nói chuyện với ai đó, ở đâu đó. Tò mò nhất là các bà, các chị ngày xưa từng ngủ với lão hoặc bị lão cưỡng dâm. Họ kháo nhau về lão, kéo nhau đi rình xem lão nói vào máy điện thoại di động những gì, cố nghe xem lão có nhắc đến tên mình, tên con mình không? Cái lão dở chứng ấy có thể làm tan cửa nát nhà nếu bây giờ lão nhận bừa thằng Tôm, cái Tép là con của lão.

 – Đợt này thì tôi phải nhường chức chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá lại cho anh Đạo cụ ạ – Lưu sáu ngón nói với lão Đàm một cách thực lòng – Mình già rồi. Tổ chức giao thì mình phải nhận chứ cái chức chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá phải giao cho người dọc ngang biển cả, coi Biển Đông tựa lòng bàn tay như anh Đạo mới xứng đáng. Nghe nói anh Đạo và hai mươi mốt thủy thủ tàu BĐ-137 sắp về, chúng tôi mừng quá. Quả là không hổ danh những kình ngư đất Hải Thủy, mặc cho Trung Quốc đe dọa vẫn ra biển Hoàng Sa của mình để đánh cá. Mà không chỉ đơn thuần là đánh cá đâu cụ ạ. Ra ngư trường Hoàng Sa là bảo vệ biển đảo của Tổ quốc…

 – Mới nghe ông Phẩm tung tin thế, chứ thực hư thế nào còn phải chờ đã– Lão Đàm nói– Bao giờ người của mình về tận nhà rồi tôi mới tin.

 – Tôi cũng nghĩ thế đấy cụ ạ – Tư Gia phụ họa – Cho nên tôi vẫn đề nghị với ông Lưu đây phải mời cụ vào ban cố vấn hợp tác xã như hôm đại hội xã viên đề xuất. Chúng tôi dự định mỗi đợt hạ thủy một con tàu sẽ mời cụ trong đoàn khảo sát đi thử chuyến biển đầu tiên để có tiếng nói cuối cùng trong việc nghiệm thu cũng như thanh lý hợp đồng.

 – Tôi đã bảo, việc ấy cứ để sau – Lưu sáu ngón xua tay – Cứ đợi vài hôm nữa, khi anh Đạo về chúng ta sẽ quyết định. Sớm nhất cũng phải một tháng nữa, công ty Hải Nam mới xuất xưởng đôi tàu đầu tiên… Nói xin lỗi cụ Đàm, tôi vẫn cứ tin rằng anh Đạo nhà ta sẽ trở về và đảm đương vai trò trọng đại của hợp tác xã nghề cá… Ông Võ Phẩm đã đưa tin là phải chính xác.

Quả nhiên, chỉ ba ngày sau có công văn từ tỉnh gửi về huyện và xã. Tin của Võ Phẩm quả là thứ thiệt. Nhờ sự can thiệp tích cực của Chính phủ, thủy thủ tàu BĐ-137 đã được Chính phủ Trung Quốc trả tự do và sẽ về tới sân bay Nội Bài vào hai giờ chiều ngày chủ nhật tới.

Đích thân Giám đốc Sở Thủy sản cùng với Phó Chủ tịch huyện Hải Phú đi hai xe con dẫn theo một xe Hải Âu 48 chỗ ngồi ra tận sân bay Nội Bài đón thủy thủ đoàn. Nhưng đau đớn thay, trong số 22 anh em rời bến cá Hải Thủy ra đi ngày ấy bây giờ chỉ có 19 người trở về. Thuyền trưởng Đỗ Trọng Đạo, máy trưởng Nguyễn Văn Trạch và tài công Lê Khả đã tử nạn trên biển.

Sau này, trong lịch sử nghề biển của xã Hải Thủy, cuộc hải hành của con tàu BĐ-137 sẽ được nhắc lại như một câu chuyện kỳ bí đầy chất phiêu lưu mạo hiểm có một không hai.

***

Các thủy thủ tàu BĐ-137 kể lại rằng, vào cái đêm định mệnh khi ba con tàu BĐ-204 của Năm Nho, BĐ-219 của Ngoạn đầu bò cùng tàu BĐ-137 của Đạo đang thả câu gần Rạn Cháy vùng quần đảo Trường Sa, thì tàu của Đạo đột nhiên chết máy. Máy trưởng Trạch và thuyền trưởng Đạo ra sức chữa trị, nhưng đến nửa đêm máy vẫn không nổ. Nhìn thấy dàn đèn của tàu Năm Nho đang tiến lại phía mình, Đạo quyết định gọi máy bộ đàm cho Năm Nho và lấy thuyền thúng bơi chèo tay qua tàu Năm Nho mượn dụng cụ đồng thời đón máy trưởng tàu BĐ-204 sang sửa giúp. Các thủy thủ can ngăn. Tài công Khả nhận đi thay. Nhưng Đạo một mực bảo hạ thúng xuống biển, bơi đi. Khi thuyền Đạo sắp đến tàu Năm Nho thì bất ngờ một cơn gió mạnh nổi lên, rồi trời biển đổi màu đen kịt. Hốt hoảng, Đạo kêu cứu và quay thúng trở lại tàu. Nhưng sóng gió biển gầm rú, chẳng ai nghe tiếng kêu và tín hiệu cấp cứu của Đạo. Anh cố sức chống đỡ với sóng gió trong đêm đen đặc, trong khi đó, hai mươi mốt thủy thủ tàu BĐ-137 cứ ngỡ Đạo đã qua tàu Năm Nho rồi.

Sáng ra, chỉ có một thuyền thúng của Đạo giữa biển cả mênh mông. Lúc này gió nồm nam đã lặn, gió đông thổi mạnh. Anh đoán chắc tàu của Năm Nho và Ngoạn đầu bò đã tiến về phía đảo Nam Yết, còn tàu của anh do bị chết máy, sẽ bị thả trôi theo dòng hải lưu về phía quần đảo Hoàng Sa. Với kinh nghiệm dày dạn của một người đi biển, Đạo biết, mình có thể phải lênh đênh giữa biển cả nhiều ngày, và anh cay đắng nhận ra trên thuyền thúng của anh, chẳng có một thứ gì, ngoài năm củ hành tây còn sót lại ở sàn thúng, một tấm nilông, một chai đựng rượu, hai thanh tre, một đoạn dây thép. Việc đầu tiên là Đạo phải tạo ra một cánh buồm. Với hai thanh tre và tấm nilông, sợi dây thép, Đạo đã tạo cho con thuyền thúng có thể trôi theo ý muốn và với vận tốc nhanh hơn. Nhìn thấy vệt máy bay trên trời, anh định hướng tây cho thúng bơi theo, may ra gặp tàu đến cứu. Ba ngày trôi qua. Đạo phải chia nhỏ những tép hành tây để ăn cầm hơi và chống cơn khát, nhưng rồi những tép hành tây cuối cùng cũng hết. Đói và khát vô cùng. Cổ Đạo tưởng khô cháy và đôi môi anh phồng rộp, da thịt cháy từng chòm. Đến ngày thứ tư thì Đạo phải đi tiểu vào chai rồi ngửa cổ uống từng giọt. Hơn ba mươi năm đi biển, lần đầu tiên Đạo thấy biển cả thật nghiệt ngã và khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả lần anh vượt biển bằng một chiếc can nhựa từ vùng đảo Nghĩa vào đất liền trong cơn siêu bão năm 1983. Lần ấy Đạo chỉ đơn độc với chiếc can nhựa giữa đại dương, nhưng anh biết chắc chặng đường mà anh cần phải vượt chỉ có hơn mười hải lý. Lần này thì vô vọng. Anh không biết mình đang ở đâu giữa Biển Đông, giữa Thái Bình Dương bao la này. Đạo nghĩ đến cái chết. Anh nghĩ thương bố mẹ, thương Thục và các con. Sẵn có giấy bút trong túi, anh viết một lá thư tuyệt mệnh bỏ vào chai gửi bố mẹ và Thục.

Đêm thứ tư, một cơn mưa ập đến, cơn khát tạm qua đi. Nhưng cơn đói vẫn dai dẳng. Rất may có một đám rác trôi gần thúng. Đạo quơ tay chộp được ba con cá bằng đầu ngón tay, đưa vào miệng nuốt chửng. Rồi Đạo chộp được một con rùa biển bằng nắp hộp bia. Con vật cứu sinh nhỏ quá chẳng thể xé thịt ăn nên anh dùng đoạn dây thép rạch cho chảy máu, hòa với nước mưa trong chai, uống cho lại sức.

Trời xui đất khiến thế nào, rạng sáng ngày thứ năm thì Đạo nhìn thấy con tàu BĐ-137 của anh. Thì ra do bị chết máy, con tàu của Đạo cũng bị dòng hải lưu đẩy về một hướng. Chưa bao giờ Đạo cảm thấy rõ rệt trên biển có những “dòng sông” mà người ta gọi là dòng hải lưu như bây giờ. Chúng chảy theo những hướng nhất định và cuốn theo bất cứ vật gì lạc vào dòng chảy của chúng. Hai mươi mốt anh em vừa khóc vừa kéo Đạo lên tàu cũng là lúc anh vì sung sướng quá hoặc vì kiệt sức quá, ngất đi.

Tàu BĐ-137 tiếp tục trôi tự do thêm hai ngày nữa. Mọi liên lạc với đất liền hầu như vô vọng. Sang ngày thứ bảy, khi sức khỏe Đạo đã gần bình phục, bằng linh cảm, Đạo nhận ra rằng tàu của anh đang trôi về hướng Hoàng Sa. Đã lâu, Đạo không cùng đội tàu Hải Thủy ra ngư trường Hoàng Sa, nhưng vùng biển Hoàng Sa không phải quá xa lạ đối với anh. Dẫu biết rằng từ năm 1974, quân Trung Quốc đã chiếm toàn bộ các đảo Phú Lâm, An Vĩnh, Linh Côn… nhưng nếu tàu anh dạt vào đảo Phú Lâm, chắc các đồng chí Trung Quốc sẽ không nỡ xua đuổi. Với quyết tâm sẽ đưa tàu về vùng biển Hoàng Sa, nếu tàu hoạt động bình thường, sẽ nhờ “bạn” sửa chữa giúp tàu, nạp nước ngọt và xăng nhớt, nếu tàu hoạt động bình thường, tàu BĐ–137 sẽ tranh thủ đánh vài mẻ lưới để gỡ tiền xăng nhớt, Đạo bắt tay cùng máy trưởng Trạch quyết sửa chữa tàu. Bằng sự nghiền ngẫm suốt năm ngày trời trên chiếc thuyền thúng chơi vơi giữa đại dương và tay nghề cơ khí đã giúp Đạo cùng Trạch lần tìm ra bệnh của cỗ máy. Giữa nửa đêm, động cơ của con tàu bỗng nổ vang. Cả thủy thủ đoàn 22 người cùng nhảy cẫng lên, ôm nhau hò hét. Sống rồi. Có ai đó còn giấu một chai rượu dưới hầm đá. Họ rót ra ca, bát, chuyền tay nhau uống đến giọt cuối cùng. Rượu lẫn cả nước mắt, nước dãi. Vậy mà ngon, bổ, và ngây ngất vô cùng.

Trong màn sương sớm, giăng mờ trên biển, qua ống nhòm, thuyền phó Lê Thành Tháp bỗng phát hiện ra một con tàu lạ đang đâm thằng về phía sau BĐ-137. Đạo nhận ra điều bất bình thường của con tàu lạ, liền ra lệnh bẻ lái gấp cho tàu quay mũi về bên phải và tăng tốc. Linh tính cho anh biết tàu anh đã lạc vào hải phận của bọn hải tặc. Quả nhiên một con tàu, kiểu tàu của hải quân tuần tiễu, không cờ hiệu, màu đen xỉn, trong chốc lát đã cập mạn tàu BĐ-137.

 – Cướp biển. Tất cả chuẩn bị chiến đấu!– Đạo hô lớn và ra hiệu cho Trạch quay hết tay lái, với mục đích dùng sức ly tâm của tàu để hất văng con tàu ma ra. Nhưng nhanh như cắt, hàng chục chiếc móc sắt ba cạnh đã tới tấp ném sang. Bọn cướp biển đeo khăn đen, bịt mặt, tay phăm phăm tiểu liên báng gập, nhảy sang tàu BĐ-137. Tiếng “tả, tả” và giọng nói của bọn cướp chứng tỏ chúng là người phương bắc. Thanh mã tấu trong tay Đạo huơ lên, một tên cướp biển né sang bên, nhưng không kịp, nó bị hất văng xuống biển. Tên cầm khẩu Pạchoọc nòng dài cổ lỗ vẩy liền ba phát, Đạo tránh được. Nhưng không kịp, liền sau đó một băng tiểu liên quạt ngang. Cả Đạo, Trạch và Khả đều trúng đạn đổ rạp, máu phụt lênh láng ra sàn tàu.

 – Giơ tay lên, không tất cả sẽ bị giết – Thằng cầm khẩu Pạchoọc nói tiếng Việt lơ lớ và lột chiếc mũ đen chụp đầu ra để lộ cái đầu trọc lốc, nhọn hoắt như quả dưa hấu, một bộ mặt gớm chiếc với con mắt chột, một vết sẹo chéo qua mặt xuống tới bộ râu quai nón rậm rì.

Bọn hải tặc trói 19 người còn lại thành một dây, lục soát khắp tàu, lấy đi tất cả thứ gì chúng có thể lấy được. Chúng hí hửng khi mở hầm đá phát hiện ra mấy tấn cá ngừ còn tươi rói. Thằng chột mắt ra lệnh cho cả bọn chuyển hết cá và lương thực sang tàu của chúng. Hai thẳng lễ mễ khiêng một con ngừ to nhất đặt trước mặt tên thủ lĩnh. Con mắt còn lại của thằng chột lóe sáng như cục than khi cầm tảng thịt cá ngừ đỏ tươi huơ lên. Cả bọn vừa cười hô hố vừa làm theo. Chúng vừa nhai nhồm nhoàm vừa tu rượu ừng ực.

Xong bữa tiệc đầy chất mọi rợ, thằng chột rút khẩu Pạchoọc cổ lỗ vẩy một phát vào đầu Khả khi anh bỗng rên khe khẽ, rồi ra lệnh cho lâu la chuồn khỏi tàu. Loáng cái, con tàu ma đã biến mất.

Gió tây bỗng nổi lên. Một cơn dông biển với gió cấp tám và xoáy giật khiến con tàu BĐ-137 đang trôi tự do bỗng bị bốc lên cao, xoay vòng tròn và suýt lật úp. Bằng tất cả sức lực còn lại, thuyền phó Lê Thành Tháp cố chống lại tình trạng bị lả đi và mê mệt, tự loay hoay cởi trói cho mình, rồi lần lượt cởi trói cho cả mười tám người còn lại.

 – Anh em, hãy nghị lực lên, nếu không chúng ta sẽ chết trên vùng biển này – Tháp cố gào to, át tiếng sóng – Bằng mọi giá phải đưa thi hài anh Đạo và Trạch, Khả về quê an táng, phải tự cứu lấy chúng ta.

Trong gió giật và sóng dữ, những ngư phủ vừa khóc vừa làm thủ tục khâm liệm thuyền trưởng Đỗ Trọng Đạo và hai người bạn xấu số. Họ lau rửa, thay quần áo, đặt từng người vào nilông, quấn chặt rồi khênh vào một góc hầm đá, đợi đưa về quê hương Hải Thủy.

Lại hai ngày ròng rã chữa cho máy nổ.

Anh nuôi kiến nghị:

 – Lương thực, thực phẩm trên tàu đã bị bọn cướp biển lấy hết. Phải tổ chức đánh cá thì mới có nguồn thực phẩm, đảm bảo có sức để tìm đường về quê.

Mẻ lưới câu đầu tiên, thả trúng một đàn cá ngừ. Hy vọng đã được nhen nhóm trở lại.

Trong ba ngày tiếp theo, hầm tàu đã đầy ắp cá ngừ. Những con cá ngừ xanh đen, bụng trắng bạc, đều tăm tắp nằm chen với ba xác ngư phủ.

Mê mải đánh cá, con tàu BĐ-137 đã dạt về phía quần đảo Hoàng Sa.

Thuyền phó Lê Thành Tháp, lúc này đã trở thành người chỉ huy cao nhất trên tàu, bỗng reo lên:

 – Hình như đảo Tri Tôn, anh em ơi! Mọi người nhìn theo tay Tháp chỉ và nhận ra một hòn đảo mờ mờ phía chân trời.

 – Không phải đảo Tri Tôn mà là đảo Hoàng Sa – một người đính chính.

 – Chúng ta sống rồi. Đảo Tri Tôn hay Hoàng Sa thì cũng là đảo của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ. Họ chiếm đảo của ta, lẽ nào lại không cứu giúp chúng ta. Dù sao giữa ta và Trung Quốc vẫn là tình đồng chí, anh em…

Và tất cả 19 người trên tàu bỗng nhảy cẫng lên, reo lên khi hai con tàu, cắm cờ năm sao của Trung Quốc xuất hiện.

 – Tàu BĐ-137, các người xâm phạm lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các người đã bị bắt.

Nghe tiếng loa và giọng Việt lơ lớ từ chiếc tàu Trung Quốc, ai cũng tưởng nghe lầm. Nhưng không. Chiếc tàu tuần tiễu Trung Quốc đã áp sát mạn tàu BĐ-137, ra lệnh cho mọi người lần lượt sang tàu của họ.

***

“Cha mẹ kính yêu.

Con là Đạo, đứa con bất hiếu của cha mẹ, đang viết những dòng chữ này trên một chiếc thuyền thúng, một mình lênh đênh giữa đại dương. Những dòng chữ này có thể không bao giờ đến tay cha mẹ, hoặc khi đến nơi thì con đã làm mồi cho cá biển rồi.

Con bất hiếu với cha mẹ, vì không được sống để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.

Không thể ngờ rằng, cha mẹ sinh con trên biển, hơn ba mươi năm con gắn bó với biển, yêu biển như chính cuộc đời mình, vậy mà bây giờ biển đang sắp chôn sống con. Hàng đàn cá biển đang bơi theo con. Chỉ cần chiếc thuyền thúng này lật, chúng sẽ xô tới, thi nhau rỉa rói con cho đến khúc xương cuối cùng. Chao ơi, cũng là sinh nghề, tử nghiệp. Biển nuôi dưỡng ta, nhưng lại nghiệt ngã, khủng khiếp còn hơn cả tử thần…”.

“Thục yêu quý của anh,

Đa, Định, Đào, Điển, các con yêu quý của bố!

Có thể chỉ nay mai, Đạo này sẽ chết giữa cái vùng biển mà gần ba mươi năm nay đã thuộc từng con nước, từng dòng xoáy, từng ngọn gió như thuộc lòng bàn tay mình…

Thục ơi, đến lúc này, anh mới ao ước được sống trên đất liền, sống bên em và các con biết chừng nào. Anh mới hiểu, chỉ có đất liền, chỉ có em và các con mới cho anh một niềm hạnh phúc, một giấc ngủ yên bình. Nhưng than ôi, ngày ấy đến thì râu đã dài, tóc đã bạc. Hoặc như hôm nay, anh và con thuyền thúng này sắp lật úp giữa biển khơi, sắp chui vào bụng cá mập. Cuộc đời ngư phủ khổ ải và mong manh hơn tất cả mọi cuộc đời. Ao ước của anh là xây lại nếp nhà cho em và các con, phụng dưỡng cha mẹ già và lấy lại phương thuốc thần dược “ngư mã hải tùng” cho dòng tộc họ Đỗ Trọng nhà ta, thế là không thực hiện được…

Thục em, hãy tìm cho các con một việc làm, một cách kiếm sống, dù khổ ải, ở trên đất liền. Đừng bao giờ để thằng Đa, thằng Định, Thằng Điển phải đi biển như cha và anh…”.

Hai lá thư của Đạo ướt nhòe nước mắt và nước biển, được đựng trong chai, đút nút chặt bằng nilông, là kỷ vật duy nhất được đưa về Hải Thủy cho vợ chồng lão Đàm và chị Thục. Thi hài của Đạo và Trạch, Khả, bị lính Trung Quốc phát hiện trong hầm đá, lập tức bị đem hỏa táng, đến tro xác của họ cũng ở lại nơi hải đảo Hoàng Sa…

Những dòng thư của con trai làm lão Đàm nằm bẹp một ngày, không thiết ăn uống gì.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.