Tản mạn văn chương (1)

Ghi chép của Trần Huy Quang

Tôi nín thở chờ đợi nhưng cũng không hình dung được là chờ đợi cái gì.

Truyện viết đã mấy tháng nhưng ngại chép lại, nhân Trần Quốc Thực bán cho cái máy chữ Olympia liền lấy các cái đang viết tay ra tập gõ. Đánh đi đánh lại cuối cùng cũng được một bản không phải xóa chữ nào. Bằng ngần ấy thôi, nhỏ bé, súc tích, ít chữ, không gây sự chú ý cho ai. Định thêm hài một tí nhưng lại không hài được. Mà bi cũng không được. Kệ, nghĩ tiếp. Tạm đưa cho Vũ Đình Minh một bản, thử xem sao, truyện này tao viết theo kiểu hài hước, là truyện vui, mày đọc được thì đọc, nghe qua loa, đừng suy diễn gì nhá. Vũ Đình Minh phụ trách ban Văn nghệ của Đài phát thanh Hà Nội đã từng cho đọc Vua Lốp để dân Hà Nội nghe sau bản tin Phiếu thực phẩm tháng này ô N bán đậu phụ thay cho nước mắm, ô M bán cá đồng tiền thay thịt, qua cái loa hữu tuyến mắc vào từng gia đình, trước khi báo Văn nghệ in gần một năm.

Trong một ngày mưa lất phất, phố phường Hà Nội tông màu sẫm, Vũ Đình Minh vội đến trả lại bản thảo không đọc trên Đài Hà Nội và cười. Vũ Đình Minh vốn thân tình với bạn bè và hiền lành. Tao thì tao tha cho mày nhưng mày sẽ bị marqué, Hữu Thỉnh sẽ không còn tin mày và cấp trên cũng sẽ bớt tin Hữu Thỉnh.
Có lẽ Vũ Đình Minh nói đúng.

Báo ra thứ năm, hình như thứ bảy, chủ nhật gì đó, không để ý lắm, Hòa Vang nói, đã có mấy ông bên Thanh niên xì xào, mình bảo Hòa Vang kệ đi. Sáng đi làm vừa đến ngã tư Bà Triệu – Trần Quốc Toản gặp Đăng Bảy, Đăng Bảy nhìn với ánh mắt tinh quái, như thăm dò như lạ lẫm, xuống xe hai đứa đi bộ vào đến cổng tòa soạn, hắn ta nói vẻ thậm thụt, bảo truyện ngắn của anh bị xì xào ghê quá, nhiều ý kiến nghe khiếp đảm lắm, có người đe viết thư lên Bộ Công an đề nghị bắt. Ai vậy? Hỏi mà không giấu nổi sự lo lắng chợt đến. Đăng Bảy có vợ làm bên Nhà xuất bản Thanh niên, có lẽ không bịa. Lê Cận, Đắc Trung, Đức Chính, Cao Tiến Lê đều quen không thân nhưng không đến nỗi chơi đểu nhau.

Lê Cận cũng là người thân với nhà văn Nguyên Ngọc, năm 1987 Lê Cận đưa Nguyên Ngọc và mình đến ông Núi Điên phố Hàng Gai để viết bài Nói chuyện với nhà tư sản cũ. Các biên tập viên Thanh niên cũng thường hay sang báo Văn nghệ, chuyện trò thân tình. Mình đi làm thường hay đi qua cổng 64 Bà Triệu, không gặp ông này cũng chạm mặt ông khác. Tháng trước Đắc Trung vừa đưa bản thảo truyện ngắn dặn gắng đọc cho mình, lâu mình chưa được in truyện trên báo Văn nghệ. Cao Tiến Lê là bậc đàn anh, biết nhau từ hồi anh ấy còn làm báo Quân khu 4. Năm 1980 mình đưa bản thảo tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc cho Nhà Thanh niên, Cao Tiến Lê đọc. Đến ba bốn tháng sau Cao Tiến Lê mới gọi lại bảo, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh mới thành lập, họ rất cần bản thảo, tau gửi bản thảo của mày vào cho họ, họ cần là in ngay. Mình bảo nhưng em muốn in ở nhà Thanh niên cơ. Cao Tiến Lê bảo, tau đọc rồi, giám định rồi nhưng phải chờ cho đến bao giờ. Những cây đa cây đề còn phải lùi kế hoạch xuất bản năm này qua năm khác. Không biết Cao Tiến Lê sợ mình tự ái hay sao, mấy tuần sau thấy nhà thơ Cảnh Nguyên đến tìm. Tui là Cảnh Nguyên, biên tập viên Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, nghe nói anh có tiểu thuyết viết về Ngã ba Đồng Lộc đến xin anh gửi cho bọn tui. Tự nhiên mình thấy vui, đang cạy cục xin được xuất bản trong thời buổi giấy không có, cuốn sách nào in ra cũng loại giấy đen sì, chữ thì rút xuống co 10, co 11 mà mình thì người ta đến xin, tuyệt quá còn gì. Gọn lại là toàn những người mà mình yêu quí…
Hóa ra mình không biết gì mà thiên hạ bao giờ cũng khao khát sự lạ, rất háo hức với sự rủi ro hoặc tai nạn của đồng loại. Hữu Nhuận nói, bên Viện Sử Phan Đại Doãn kêu là truyện khó hiểu, có phải nói về sự ảo tưởng đường lối không? Hồng Phi không thấy nói gì. Nguyễn Quang Thân đến báo chỉ tay dọa, tôi bảo truyện ấy viết về tôn giáo nói chung. Nguyễn Quang Thân nói, thế thì được. Tôi tin vào lòng lành của Nguyễn Quang Thân vì anh cũng từng bị tai nạn văn chương. Hôm đầu tuần họp ở Nhà xuất bản Quân đội, khi đã có những xì xào về Linh nghiệm, Đại tá Đinh Xuân Dũng gặp cười, ‘linh nghiệm’ đấy. Cũng rất khó hiểu, nhưng anh không ngoảnh mặt. Xuân Thiều nói, giọng văn chưa thống nhất, mày ạ, chuyển thành hài hước thì hay hơn, như Nexin nhưng hôm nào sẽ nói chuyện với cậu. Hữu Mai nghiêm trang hơn, viết vừa vừa thôi, thực vào chứ hiện sinh và hư vô như thế khó in, sinh chuyện đấy… Tôi giật mình với ý của anh Hữu Mai và quý trọng nhận xét của anh. Sau này ngẫm, tôi mới thấy những lời nhận xét chân thật của các nhà văn bậc thầy của tôi như Hữu Mai, Xuân Thiều là những ân huệ. Báo Văn nghệ số hai tám đã ra, mình vẫn trực biên tập truyện, kí.

Trong tòa soạn, những ngày sau đó, mọi người vẫn bình thường hay tỏ ra bình thường, tuy có lặng lẽ hơn, hay trước mắt tôi họ đang ém cái gì đó, không biết chừng. Chốn này như hang hùm, toàn những đại danh đủ tài đủ ngón nghệ, đủ đức để đóng trọn vai nào ra vai ấy trong vở diễn. Dù gì tôi vẫn nhận ra, rõ ràng có chút không bình thường, có chút trầm hơn, lạnh hơn. Nhà văn Thiếu Mai hay chị chị em em, nay gặp ngó lơ. Chị quê Xô viết Nghệ An, cùng quê nhà thơ Hoàng Minh Châu, cái gốc gác nói lên nhiều điều. Phấp phỏng. Thấp thỏm. Sẽ có một sự gì đó sắp xảy ra. Mọi hôm có cái gì đó vừa in, Phạm Tiến Duật gặp đã nói: “Thằng này nó viết được đấy nhỉ”. Giọng rất kẻ cả nhưng mình vẫn chấp nhận vì Phạm Tiến Duật là Phạm Tiến Duật, người mà nếu không vì cái Vòng trắng thì có thể thay Tố Hữu hét ra lửa. Không biết Duật có đọc không nhưng rất nhanh nhảu, kiểu Phạm Tiến Duật “Viết ác đấy nhỉ”. Mấy năm trước, Duật lao vào viết chống tiêu cực và có lúc bàn nhau lập “Câu lạc bộ các nhà báo chống tiêu cực”. Duật hăng say viết đề án, chương trình, tổ chức rồi bàn việc xin phép, nói chung hết sức “hoành tráng”. Rồi hình như do trên hay do không mấy ai hưởng ứng hoặc không vì cái gì cả, những ý tưởng vĩ đại của Duật cũng thành đuôi chuột. Sau đấy Duật lại đề xuất Tòa soạn lập “Trung tâm bồi dưỡng người viết báo”, bao gồm mở lớp hướng dẫn cụ thể cho những người đăng kí học hoặc đã có bài vở gửi đến tòa soạn, sinh hoạt như câu lạc bộ và miễn phí. Trong đầu nhà thơ lớn này bao giờ cũng ngổn ngang những dự án văn học vừa to vừa nhỏ, phong phú và náo động, nghĩ nếu thực hiện cho hết có khi phải vài chục năm.

Tôi với Phạm Tiến Duật cũng có một duyên nợ. Có lẽ vì thế mà Duật viết trên báo Tiền phong* (số 225 )

Trường hợp “Vua Lốp”

Lần ấy tôi trúng cử vào Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam sau một vụ việc chống tiêu cực (người ta quen nói thế) cùng các nhà báo đồng nghiệp Trương Vĩnh Tuấn và Đào Quang Thép với một đối tượng quá lớn và quá khó. Ai nhớ lại vụ việc Giấy Bãi Bằng hồi đầu những năm 90 thì rõ. Nhưng tôi biết có người bạn dồn phiếu cho tôi nên tôi mới trúng cử. Đó là nhà văn nhà báo Trần Huy Quang. Cả hai chúng tôi đều làm ở báo Văn nghệ và đều được đề cử. Làm phóng sự báo chí thì làm sao tôi so đươc với Trần Huy Quang. “Chuyện kể về ông vua Lốp” của anh đã từng nhận được Giải thưởng của tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam. Và cùng một sự việc, bút kí “Lời khai của bị can” đã nhận được Giải thưởng Hội Nhà báo Việt Nam. Cái ông mà người ta gọi là “vua Lốp” ấy là ông Nguyễn Văn Chẩn làm giàu từ nghề làm lốp ô tô. Từ một người lao động chân tay vất vả nhưng bằng cái đầu của một ông chủ doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Văn Chẩn trở thành tỉ phú và ông từng bị hành hạ, chỉ vì cái cơ chế quan liêu bao cấp. Cùng với bút kí “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc và các bút kí phóng sự khác, các bút kí phóng sự của Trần Huy Quang được ghi dấu như những thành tựu ban đầu của văn học thời kì Đổi mới.

Tiếp bước các cây bút phóng sự bậc thầy thuở trước như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng suốt chặng đường hơn nửa thế kỉ qua, ở mọi chặng đường, đội ngũ các nhà văn Việt Nam, đều có các cây bút “dấn thân” vào phóng sự, bút kí. Trần Đăng trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành trong kháng chiến chống Mĩ. Đến chặng đường Đổi mới lại xuất hiện hàng loạt cây bút sắc sảo, trong đó đi đầu có Trần Huy Quang.

Tuy nhiên, không phải đến chặng đường Đổi mới, Trần Huy Quang mới nổi tiếng. Tập truyện ngắn “Chiếc áo màu lửa” của anh in chung, được xuất bản năm 1970 khi Trần Huy Quang đang phục vụ trong binh chủng Pháo binh. Tập truyện ngắn “Sự trắc trở đã qua” (1984) và tiểu thuyết “Ngày mai” (1985) đã đưa anh vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp sau đó là hàng loạt tác phẩm có tiếng vang: “Nước mắt đỏ”(1986), “Mối tình hoang dã” (1990), “Chị dâu” (1994), “Khúc hoàn lương” (1995), Phóng sự chọn lọc (1995)… Nhưng quả thực, văn in sách của Trần Huy Quang không nổi tiếng bằng văn in báo của anh. Hay là bởi cái chặng đường “thị trường” người ta bận rộn không có thì giờ để trầm ngâm với sách in chỉ đến với các trang báo? Hình như không phải. Có lẽ vấn đề chính ở điểm này: Những câu hỏi cấp thiết của người dân (hay của bạn đọc) dễ tìm thấy ngay trên mặt báo, mà lạ thay, lại ít trên trang sách.

Đấy là điểm mạnh nhất của văn phóng sự.

Nhưng lao vào phóng sự, nhất là phóng sự điều tra thì khốn khổ lắm. Nhà văn, ngoài nghiệp vụ văn chương, còn phải có phẩm chất của một nhà điều tra với đầy đủ nghiệp vụ tinh xảo của một cảnh sát điều tra và bản lĩnh của một ông Bao Công nào đó. Chẳng thế mà báo Văn nghệ, tờ báo thuần văn chương một dạo phải thuê cả luật sư để được giúp đỡ. Nhà văn phải đọc các bộ Luật. Chỉ hơi non một tí là gãy tay.

Tôi nhớ “vụ vua Lốp” Trần Huy Quang theo đuổi đến mấy năm trời. Câu ngạn ngôn của các bạn người Nga thật hay, “Tờ giấy khi cuộn lại có thể đập chết một con ruồi nhưng khi xòe ra có thể đập chết nhiều người”. Tục ngữ ta nói hay chẳng kém, “Lời nói đọi máu”. Việc đúng việc sai đưa lên mặt báo là chuyện trang nghiêm đến như thế nào. Nói sai hẳn là khôg được mà nói đúng cũng phải chịu bao nhiêu áp lực dễ làm người viết nản lòng.

Chả biết văn chương trác việt để đời như thế nào, nhưng viết được cái gì có ích ngay lập tức cho bạn đọc như các bút kí phóng sự thời kì Đổi mới, như Trần Huy Quang, cũng thật là đáng quý.

Phạm Tiến Duật”

Có thể nói là bình thường, có chút nồng ấm cái quan hệ giữa anh Duật và tôi nhưng mấy tháng sau, anh là người có ý kiến phê phán quyết liệt truyện Linh nghiệm mà nhiều người nói không phải vì tôi.

Chuân bị số báo kỉ niệm 35 ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam ý Hữu Thỉnh là muốn xuất hiện những tên tuổi lớn, tôi đã phải tìm đọc Ma Văn Kháng, Xuân Cang, Văn Chinh, Đỗ Bảo Châu, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Xuân Thiều, đọc lại vài truyện ngắn mà nhà văn Học Phi gửi gần đây. Tìm xem có bản thảo của Nguyễn Quang Lập, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Trần Thùy Mai, Trần Đức Tiến, Thanh Quế, Nguyễn Quang Sáng, Hiền Phương, Mỹ Nữ, Nguyễn Lập Em… không. Không dùng những truyện vô thưởng vô phạt, đèm đẹp, ngòn ngọt như kiểu hỏi thăm nhau. Những bản thảo mới gửi hay gửi cách đó nửa năm để dành, chưa dùng, lục tung đọc lại hết. Không khi thời đó còn thoáng, dư âm của những bút kí, phóng sự nóng bỏng thế sự của những năm Tổng biên tập Nguyên Ngọc còn mạnh. Hơn nữa, sau khi nhà văn Nguyên Ngọc không còn làm Tổng biên tập và thời tiết xã hội, thời tiết văn chương không còn cho phép tờ báo giữ được sắc thái thẳng thắn, biết nói thật, khí chất ấy mất đi làm cho phần bút kí phóng sự, lí luận phê bình nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, có khi còn nhằm đả kích cá nhân. Còn phần truyện vẫn giữ dư vị những năm 1988, 1989. Ví như cuộc thi truyện ngắn của báo năm 1990 chấp nhận được nhiều giọng điệu diễn ngôn, có thực có hư, đã có những tìm tòi, cựa quậy về tự sự hoặc cấu trúc như Nguyễn Quang Thân với Vũ điệu cái bô, Phạm Hải Anh với Thợ may, Hận hoa, Triệu Huấn với Yêu pháp, Hòa Vang với Ngày đẹp trời, Nhân sứ, Trần Khắc với Thạch đại nhân. Nhân vật trung tâm của truyện ngắn được chuyển sang tầng lớp thấp cổ bé họng, con mắt các nhà văn viết truyện ngắn được phép soi chiếu vào thân phận kiếp người dưới đáy xã hội một cách sắc sảo hơn và đầy trách nhiệm công dân hơn. Cuộc thi vẫn đưa những truyện ngắn gai góc chiếm giải nhất. Suy đi tính lại tôi chọn ba truyện.

1. Người bào chế thuốc giảm đau của nhà văn lão thành miền Nam Trang Thế Hy.

2. Gã con trời của nhà văn Triệu Huấn, miền Bắc, một truyện ngắn hay một cách gai góc và

3. Truyện ngắn của cây bút nữ trẻ Phạm Sông Hồng.

Như vậy về phần văn xuôi, số báo kỉ niệm ngày thành lập Hội Nhà văn có đủ các tầng lớp nhà văn nước Việt, có Bắc có Nam, có già có trẻ, có nam có nữ, và từ khá trở lên.

Thời ấy ban Văn của báo có ba người, nhà văn Ngô Ngọc Bội, trưởng ban, nhà văn Hoàng Minh Tường và Trần Huy Quang, là quân của anh Ngô Ngọc Bội. Sự sắp xếp này có từ thời Nnhà văn Nguyên Ngọc còn làm Tổng biên tập. Khi nhà văn Nguyên Ngọc, sau một cuộc họp nghẹt thở ở tòa soan bị Ban Chấp hành điều về Hội, lãnh đạo báo không có Tổng biên tập mà có hẳn một Hội đồng biên tập do Ban Chấp hành cử ra gồm các nhà văn Phạm Hổ, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Hoàng Minh Châu, Võ Văn Trực, hình như có cả Nguyễn Khải, làm báo cho đến khi nhà thơ Hữu Thỉnh được bổ nhiệm chính thức vào tháng 1 năm 1990. Nhưng các “ông Hội đồng” trong cái Hội đồng ấy cũng không có hoạt động gì và cũng không có ảnh hưởng gì, các ban Văn, Thơ vẫn làm việc như cũ, công việc ai nấy làm, biên độ chọn vẫn thế, chưa nghe ai nói phải co thụt lại. Chỉ có ban Phê bình là khác giọng và rất tầm thường. Báo có xáo động nhưng là xáo động bên trên.

Lúc đầu ban Văn chia ra hai kíp trực đọc bài, biên tập. Một kíp Hoàng Minh Tường và kíp Trần Huy Quang, cộng thêm trưởng ban Ngô Ngọc Bội đọc sau cùng. Sau thấy tất cả đều bận, khi Hoàng Minh Tường cần đi đâu thì lại đề nghị Trần Huy Quang làm thay cho vài số hoặc ngược lại. Họp ban bàn lại, Tổng biên tập đồng ý chia ba, mỗi người trực bốn tháng, chịu khó bám bàn bốn tháng, sau đó thay, anh Ngô Ngọc Bội cũng vậy.

Việc này sau Linh nghiệm bị phê phán và qui kết chính trị nhưng thời gian đó thấy rất hay. Ba biên tập viên có ba gu khác nhau, tạo nên sắc thái truyện ngắn trên báo đa giọng điệu, đa đề tài, phong phú hơn nhiều. Có những truyện ngắn anh Ngô Ngọc Bội không dùng nhưng Hoàng Minh Tường lại thấy hay. Người thích gay gắt, kịch tính cao, người thích nhẹ nhàng, sâu lắng, người thích văn chương khẩu ngữ bốp chát, người thích ảo diệu. Như vậy những truyện ngắn là lạ, mung lung của những cây bút táo bạo không bị bỏ sót. Dĩ nhiên là có những bản thảo phải bàn bạc và cũng dĩ nhiên là cả ba đều có một điểm chung muốn tìm những giọng điệu mớí, tác giả mới của truyện ngắn. Điểm chung là hi vọng, đoạn đầu chưa được thì hi vọng đoạn giữa, giữa chưa được hi vọng đoạn kết, cứ thế chán nản rồi hi vọng kéo dài dài…

Hoàng Minh Tường bảo, cứ như những thằng đi đào vàng, Ngô Ngọc Bội lại bảo ta như phu đào vàng. Khi nào cũng đọc với tâm thái tìm kiếm, hi vọng và hi vọng từng dòng trên bản thảo.

Kíp trực biên tập một người ở báo Văn nghệ không có gì đặc biệt, cũng không ngoại lệ. Ban Văn học nước ngoài, ban Thơ làm chung, còn ban Lí Luận Phê Bình chỉ một mình nhà văn Thiếu Mai, ban Nghệ thuật, anh Hồng Phi và anh Triều Dương nhưng cũng chia đôi, người làm biên tập sáu tháng, người khác đi viết. Nhà thơ Bế Kiến Quốc trước ở ban Văn sau chuyển lên ban Thư kí, gồm có Phó tổng biên tập Hữu Nhuận, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Phạm Minh Hải và Bế Kiến Quốc. Ban Thơ còn lại Trần Ninh Hồ và Võ Thanh An, hai nhà thơ cũng làm. Nhà thơ Phạm Tiến Duật không làm ban Thơ nữa sang phụ trách Phụ san báo Văn nghệ (ra từ tháng 6 năm 1990), in hàng tuần tám trang kẹp vào trong tờ báo chính. Cũng từ năm 1990 tòa soạn báo Văn nghệ làm phụ trương Top ten, chọn 10 truyện hay trong năm in thành mười sáu trang báo riêng rồi kẹp vào số Tết âm lịch, chính Top ten này tạo hấp dẫn cho tờ báo tết, có năm in đến 10 vạn tờ. Còn tờ chính giống như tết, làm sao cho rực rỡ, toàn rực rỡ ca, thành tựu ca, độ dăm trang đầu cúng cụ, còn thì phải đủ mặt anh tài cụ kị… Phụ bản gọi là Top ten của báo Văn nghệ, thực ra có từ tháng 2 năm 1987, chọn in lại những truyện hay trong năm kèm theo lời bình nhưng không thường xuyên.

Khi truyện Linh nghiệm in ra người ta phê phán kíp trực văn xuôi chỉ một người dễ để lọt những truyện như Linh nghiệm ra đời. Thực ra khi bản thảo của một số báo nộp lên, sau khi được đánh máy (ngày ấy bản thảo viết tay hoặc đánh máy kiểu cũ thường tòa soạn phải đánh máy lại) biên tập viên phải đọc lại lần nữa, đính kèm bản nhận xét, kí rồi nộp lên cho Thư kí tòa soạn. Trước khi Tổng biên tập đọc duyệt cuối cùng thì đã qua Thư kí tòa soạn, Phó tổng biên tập, họa sĩ đọc minh họa, qua tầng tầng lớp lớp đọc nữa chứ không phải biên tập viên đưa lên là xong. Chưa kể có những truyện ngắn viết về góc khuất lịch sử hoặc bút kí hơi sâu về chuyên môn báo phải thuê chuyên gia đọc thẩm thêm. Kể cả nhờ luật sư trợ giúp về mặt pháp lí khi tòa soạn bị kiện cáo về một bài kí nào đó, như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết.

Nộp bản thảo phần văn xuôi lên cho ban Thư kí xong, tôi cùng với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi trại sáng tác của hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương do nhà văn Đặng Văn Sinh mời xuống đọc bản thảo cho trại viên. Tôi đang ở trại thì Hữu Nhuận gọi bảo là truyện ngắn của Phạm Sông Hồng bị Tổng biên tập loại. Vì sao anh? Chưa hay lắm, vả lại đây là số báo kỉ niệm ngày thành lập Hội mà Phạm Sông Hồng chưa hội viên. Nên đưa truyện khác của một hội viên. Tôi nói tôi đang đi Hải Dương mai kia mới về được, hay là anh tìm trong cặp ba dây tôi để trên bàn, đó là những truyện tôi đã chọn, anh lấy truyện của các bà như Nguyễn Lập Em, Bích Ngân, Mỹ Nữ, Hiền Phương thay vào hộ…

Đến chiều Hữu Nhuận lại gọi bảo, không có truyện nào vừa ngàn rưởi chữ để lấp vào truyện của Phạm Sông Hồng, toàn truyện ba bốn ngàn chữ cả thôi ông ơi. Mỹ Nữ, Lập Em cũng chưa là hội viên. Tôi thấy cái truyện Linh nghiệm của ông, vừa số chữ, đưa in không? Tôi chưa muốn in nhưng sợ không in được đâu. Hữu Nhuận bảo, in được, tôi vừa đọc xong đây, đang ngồi ở bàn ông đọc tìm đây. Thôi được rồi, tôi bảo, không tìm được truyện thay thế thì lấy cái ấy của tôi nhưng ông đọc kĩ đi, tôi viết trộn lẫn kim cổ, vừa thật vừa huyền, cho nó lạ tí.

Đáng lí ra, sau sự việc ầm ỹ, tôi có thể chối phắt là tôi không chịu trách nhiệm gì về việc đưa in, bản thảo cũng không có chữ kí của tôi nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi đã không làm vậy.

Vì chuyện này mà Hữu Nhuận kết nạp đảng chính thức phải kéo dài thêm một năm, cũng là nhẹ so với sự việc…

Tôi nghĩ chỉ thương cho Hữu Nhuận. Quả thật, khi đổ bài mà tìm bài gấp gáp thay thế đọc quáng quàng cho xong chứ người như Hữu Nhuận cả đời làm báo, so đo tính toán xem xét từng cái tít, biết không khí thời tiết thế sự mà đưa bài nào lên trang một, bài nào nên ẩn bên trong, cân nhắc từng cái minh họa và anh cũng là nhà nghiên cứu và phê bình văn học thừa biết bóc tách từng lớp nghĩa của một tác phẩm văn học chứ không phải như người đọc văn thưởng thức cốt truyện. Dù sao Hữu Nhuận lấy in thì đưa lên nhưng chắc không in được. Tôi về sẽ tìm một truyện của một cây bút nữ nào đó lấp vào. Định là vậy nhưng rồi cuộc gặp gỡ ở trại viết khi chuyện thơ phú văn chương và bia rượu đạt đến độ say thì mọi sự quên hết.

Hôm sau tôi ở Hải Dương về, đi làm vừa dắt xe đạp vào sân đã thấy cái bóng lo xo gầy nhom của Trần Quốc Thực đang làm thường trực, hỏi có thư từ gì không? Trần Quốc Thực hỏi, có điếu thuốc nào không, rồi chỉ một tập bản thảo xếp sẵn bên cạnh. Tôi bảo, còn mấy điếu More rồi ôm một ôm bài vở lên phòng đọc. Mỗi tuần bản thảo lai cảo gửi đến báo khoảng trên dưới 30 cái, hai phần ba là truyện, còn là kí. Có thời gian kí rất nhiều, chiếm một nửa. Bản thảo thường đánh máy chữ qua giấy than nhiều bản nhòe rất khó đọc. Viết tay rất nhiều, bản thảo các cô gái chữ đẹp nắn nót còn dễ đọc. Khổ nhất là những bản thảo viết tay mà chữ còn nhỏ tí.

Ngày ấy tòa soạn báo Văn nghệ còn ở cái biệt thự hai tầng đẹp, sàn gỗ, cầu thang gỗ. Tầng hai có hai phòng liền nhau được ngăn bằng bức tường có cửa sổ lớn, phòng ngoài có cửa sổ lớn mở ra phố Trần Quốc Toản, đây là phòng thư kí, làm mise báo. Các họa sĩ, thư kí tòa soạn đếm chữ, làm maket cùng Tổng biên tập làm việc ở đây. Có cái tủ kính hình bình hành cổ rất đẹp, họa sĩ Thành Chương có bộ salon đẹp nhà chật để nhờ trong phòng đó. Phòng bên trong kê bộ salon cổ chạm trổ cầu kì cực quí, nghe nói là đồ trong cung đình, sau này bán cho Bảo tàng Hội Nhà văn. Cạnh phòng này có cái phòng nhỏ phía trong, chiều rộng chỉ hai mét, là phòng các đời Tổng biên tập làm việc, nay Tổng biên tập Hữu Thỉnh vẫn làm việc ở đó. Họp tòa soạn hay tiếp khách đều ở phòng này. Trước tầng hai có hai cái cửa sổ mở sang số nhà 15, sau nhà này mở Cung đình quán, xây nhà cao tầng, bịt luôn hai cửa sổ. Phía trước hai phòng này là hành lang gỗ, bên trái hành lang này có hai phòng nhỏ, mỗi phòng độ mươi mét vuông, phòng trông ra phố cho ban Văn học nước ngoài, nhà văn dịch giả Ngô Vĩnh Viễn, người dịch Chuông nguyện hồn ai làm việc. Phòng bên trong rộng hơn tí, lúc đầu là thư viện của báo. Sách các tác giả tặng báo không có chỗ để, hỏng nát, thất lạc hết, báo lưu cũng khônng còn. Sau đưa thư viện xuống nhà phía sau, còn phòng này dành cho Phó tổng biên tập Võ Văn Trực. Báo Văn nghệ còn hai Phó tổng biên tập nữa là nhà thơ Hoàng Minh Châu và nhà lí luận phê bình văn học Ngọc Trai, phụ trách trị sự. Phía sau có cái sân và dãy nhà cấp bốn có mấy phòng. Một phòng thư viện, một phòng trị sự, một phòng nữa dành cho nhà thơ Bế Kiến Quốc khi đưa vợ từ Hải Phòng lên và xin vào làm việc tại báo Văn nghệ ở và làm việc. Giữa là cái sân nhỏ, liên hoan cuối năm thường tổ chức ở cái sân này. Bên trên phòng Bế Kiến Quốc không hiểu sao lại có một cái gác xép, vừa đủ cho anh Tầng, người dân tộc Tày làm bảo vệ ở.

Phía trước biệt thự còn một cái sân nhỏ, rợp bóng hoa giấy, cho khách để xe đạp, cách với vỉa hè phố Trần Quốc Toản cái hàng rào sắt làm từ khi chủ cũ xây nhà.

Nói thêm về ngôi biệt thự này. Hai ngôi biệt thự số 17 và số 19 phố Trần Quốc Toản kiến trúc giống nhau, vốn là nhà của một chủ thầu khoán, năm 1954 chủ thầu vô Sài Gòn giao hai căn biệt thự cho người bà con là dịch giả Cao Nhị trông nom, quản lí. Rồi đến khi ngôi nhà thuộc diện sở hữu nhà nước thì dịch giả, nhà báo Cao Nhị được cho lựa chọn “thích lấy phòng nào thì lấy”, nhà báo Cao Nhị chọn ở bên 19 Trần Quốc Toản, còn biệt thự 17 Trần Quốc Toản nhà nước giao cho Báo Văn nghệ. Năm 1990 báo Văn nghệ mới làm thêm cái nhà ba tầng phía sau, thay cho mấy gian nhà cấp bốn. Được năm phòng mỗi tầng, mỗi phòng chưa được chục mét vuông. Ban Văn một phòng ở tầng ba.

Nơi làm việc như vậy nên tôi đến tòa soạn không phải gặp Hữu Nhuận ngay, dù tôi đang mong xem Hữu Nhuận nói gì về bài vở không nhưng mãi không thấy Hữu Nhuận nói gì. Thực tình, làm báo hàng tuần đưa in những truyện gai góc đến mấy thì đắn đo là chuyện trước đó, khi sản phẩm đã đưa lên bày bán cái nào cũng như cái nào, người biên tập cũng cảm thấy bình thường, không như tác giả thấp thỏm xem tác phẩm của mình lên mặt báo nó ra sao và hóng thiên hạ khen chê ra sao. Công việc ấy hàng ngày, hàng tuần, hàng năm người làm báo không còn có cái cảm hứng của người viết nữa. Lo số này xong là lo số tới, có ngày kỉ niệm gì, ngày sinh ngày mất của các ông lớn nào, lỡ quên đưa lên là đổ bài.

Hữu Thỉnh vốn tính hay chiều chuộng cộng tác viên còn thêm mối lo nữa là vừa săn đón, đặt bài in truyện nhà văn già, lâu không viết, tìm cách để họ có mặt trên mặt báo, vừa lo xử lí truyện của những nhà văn hổ báo tên tuổi ngút trời đang làm ở các ban bệ trung ương, các nhà xuất bản. Những nhà văn hổ báo này, về chất lượng, truyện của họ thuộc diện in cũng được mà không in cũng không tiếc, gọn gàng, chỉn chu, lớp lang, bình bình, quen quen, chỉ có cái thiếu là không nói được điều gì cả. Ngô Ngọc Bội hay phàn nàn với tôi là không dùng những truyện như vậy thì họ bảo mình không biết đọc. Kinh, nhưng tôi bảo, thằng viết nào không coi tác phẩm của mình hay nhất thế giới thì hoặc là hâm hoặc là vĩ đại. Ngô Ngọc Bội cười hì hì rồi nói rất nghiêm túc, Viêt Nam ta, mày nhớ tao nói, chỉ có hai nhà văn viết được ra nông thôn Việt Nam, một là Ngô Ngọc Bội và người thứ hai là… chưa xuất hiện. Cụ Tố sao anh, tôi hỏi. Không, tao tính từ sau cách mạng, cả thời văn học đổi mới. Anh nói rất “chua”, tôi bảo. Mày chọc đểu nhưng nhớ được chuyện tình “chua” của tao cũng là tốt. Đàn ông đứa nào chả bị như thế. Chẳng ai như anh, bản lĩnh đàn ông kém, không nhận. Đừng động vào bản lĩnh của tao nhá, không có tao thì Tướng về hưu của cậu Thiệp nằm trong tủ, trong đống bản thảo chuẩn bị ra đồng nát. Tớ in Tướng về hưu như cắm một cái mốc giữa biển để thiên hạ biết độ sâu đến như vậy, độ độc ác đến như vậy, dồn nén đến như vậy, nhịp điệu nhanh đến như vậy, sâu sắc thâm thúy đến như vậy và tuyệt hay như vậy. Từ đây không viết được như vậy đọc mọi thứ thấy nhạt hoét, người ta vất. Công Nguyễn Huy Thiệp lớn lắm, cả Phạm Thị Hoài. Tao còn bảo Phạm Hoài Nam lấy bút danh Phạm Thị Hoài khi nó đưa truyện Hành trình những con số là truyện đầu tiên đưa đến báo. Chuyện không biết thực hư ra sao nhưng chính anh nói thế.

Nhà văn Ngô Ngọc Bội thẳng thắn, tốt bụng, chuyện hay chuyện dở anh không giấu tôi. Ông là người hoạt động xã hội sớm, vào đảng cũng sớm, năm 1958 ông đã có truyện Bộ quần áo mới giải nhất báo Văn học, sau đó là truyện ngắn Chị Cả Phây làm nên tên tuổi ông trên văn đàn. Tôi thường được ông kể nội dung các cuốn tiểu thuyết mà ông định viết, từ Lá non, Ác mộng, Gió đưa cành trúc, Mênh mang cổng trời… Tiểu thuyết của ông dày đặc, phong phú, thấm đẫm những chi tiết đời sống thôn dã, những phận người những mảnh đời lam lũ cấy cày trong một xã hội đầy biến đổi khắc nghiệt. Nhìn vào hàng ngàn trang viết của ông mới thấy ông bảo ông là số một viết về nông dân là có lí. Có ai đeo đuổi thủy chung một đề tài thôn dã đến hết đời như ông? Thế mà chẳng bao giờ nghe ông phàn nàn đáng lí tớ phải Tổng biên tập hay ít ra cũng phải Phó tổng biên tập hoặc giải thưởng gì đó. Cho đến khi ông về Cẩm Khê với bà vợ dân quê, với cái sân gạch và hai cây hồng xiêm vẫn vui vẻ, cười khà khà. Một lần tôi với Hoàng Minh Tường lên thăm ông, nhìn vào bàn viết của ông ở quê thấy có tập giấy và cây bút trên bàn, Nhìn vào tập giấy có mấy chữ Ác mộng, tập 2, Chương 1. Tập giấy đã phủ bụi, chắc để ở bàn đã lâu, như đang viết, đang nghĩ… Tôi chợt ngẩn người thương ông. Tiểu thuyết Ác mộng là nỗi đau của ông.

Gần trưa, tôi nghĩ cũng phải gặp Hữu Nhuận xem sao. Hỏi ổn không thì Hữu Nhuận bảo vừa khít. Chao ơi, đúng là anh làm Thư kí tòa soạn báo, lo trang báo đẹp, không phải chạy tìm biên tập viên cắt bớt cho 300 chữ, hay 200 chữ. Quả là khi Hữu Nhuận bảo tôi cắt của ai đó 300 chữ là cũng khổ lắm, bảo gọi cho tác giả, thì “Thôi thôi ông làm ơn cắt ngay đi cho tôi nhờ, đi nhà in muộn mất rồi”. Mà gặp tác giả cắt bài cũng không dễ dàng gì. Để cắt năm trăm chữ của cụ Nguyễn Tuân, Phạm Tiến Duật phải lôi cả họa sĩ Phạm Minh Hải đi cùng kèm theo chai Lúa mới. Chuyện trò vui vẻ chủ khách đã hai tiếng mà Phạm Tiến Duật vẫn chưa dám động đến việc cắt bài, mà báo thì đang làm mise dở, Phạm Minh Hải biết vì sao mà Duật phải lôi Hải đi, liền nói: “Cháu xin nhờ cụ một việc, việc này anh Duật sợ không dám nói”. “Việc gì?”, cụ Tuân hỏi. “Dạ, cụ cắt đi cho cháu năm trăm chữ trong bài in số này”. Cụ Tuân ngớ ra vài giây rồi cười: “Không việc gì, làm báo phải cắt bài là bình thường”. Lúc ấy Phạm Tiến Duật mới đưa đẩy thêm vài câu rồi lôi bải đánh máy ra cho cụ…

Còn bình thường thì Thư kí tòa soạn hoặc biên tập viên phải cắt. Gặp một đoạn không quan trọng cắt béng cái xong là may, có những truyện đọc đi đọc lại cắt chỗ nào cũng tiếc, cũng mất chi tiết bắc cầu, đành phải cắt nhiều chỗ, nhiều câu rồi tính lại xem đủ 300 chưa. Không đủ lại đọc lần nữa, cắt thêm chỗ dăm chữ. Vừa lòng Thư kí tòa soạn để không phải tiếp thì mình vã mồ hôi, đọc gần như sắp thuộc cái truyện của ông nọ bà kia. Nên nhớ là ngày ấy sau mỗi cái truyện đánh máy xong, đọc lại tinh tươm để dưa lên Tổng biên tập duyệt, ngoài chữ kí của biên tập viên và Thư kí tòa soạn còn ghi số chữ của bài đó, để bộ phận thư kí làm maket trình bày.

Tôi lôi Hữu Nhuận ra hành lang hỏi ông không sửa chữa gì à. Không, Hữu Nhuận lắc dầu. Nhưng tôi muốn thay bằng truyện của một nhà văn nữ. Thôi, báo phải ra sớm trước ngày kỉ niệm. May có cái truyện của ông. Hữu Thỉnh có nói gì không? Không biết, lão đi họp rồi. Tôi vừa nhìn thấy bóng ông ta trong phòng, tôi nói với Hữu Nhuận. Hữu Nhuận lại bảo, có lẽ chưa đi. Tôi vừa ra cửa thì gặp ngay Hữu Thỉnh xách cặp vội vã đi ra, lão liền dừng lại bảo, chữa “quảng trường”, không được “quảng trường” nha, tôi đã chữa thành “vườn hoa” cho ông… Dĩ nhiên là tôi phải kêu lên năm sáu lần chữ “được… được…”, quả là “vườn hoa” hay hơn quảng trường, rồi nhìn cái chóp đầu lão đã bắt đầu rụng tóc xuống cầu thang. Tôi nghĩ xem người hói đầu trước hói trán là tip người thế nào. Là lãnh tụ, là thủ lĩnh, là người đội trời che cho thiên hạ ư, là Sóng Hồng hay Tố Hữu…

Thứ năm báo ra, Vũ Đình Minh đến tòa soạn lấy báo, tôi kéo Vũ Đình Minh cầm tờ báo ra quán bia, vừa uống vừa xem. Tôi đọc lại truyện Linh nghiệm thấy tất cả các chữ “quảng trường” đều được đổi thành “vườn hoa” nhưng còn sót lại một chữ “quảng trường” ở cuối bài. Cũng chẳng sao, quảng trường có từ thời Olympia cơ mà. Vũ Đình Minh mặc cốc bia vừa rót ra sủi bọt chúi mũi vào đọc Người bào chế thuốc giảm đau, tôi nhấp bia một mình và hút thuốc ngắm ông bạn hiền hậu nhỏ con. Vũ Đình Minh vốn là thầy giáo, quê Vĩnh Yên, cùng quê với Hữu Thỉnh, anh vốn làm thơ là chính, sau cũng viết kí và truyện ngắn. Anh cũng có truyện khá như Ông già Đồng Tháp Mười. Thơ Vũ Đình Minh có những bài tinh tế, tôi từng chép vào sổ tay khi chưa biết nhau.

Vũ Đình Minh đọc gần hết hai truyện rồi bỏ báo xuống kêu lên, hay, đúng là TrangThế Hy, đúng là Triệu Huấn, số này khá lắm, chúc mừng. Tôi bảo, mày chúc mừng đểu. Vũ Đình Minh cười, rất hiền, thằng Thỉnh sẽ không còn tin mày chút nào nữa hết, nó sẽ cảnh giác với mày, trước nó vái mày mấy vái trong phòng Tổng biên tập thì nay nó giẫm lên mày… Tôi ngồi thừ mặt ra nghĩ, lão này vốn tinh tế mà phải nói thẳng toẹt thế này là hắn cảm nhận được điều gì đó mà mình thì không, nghĩa là không cảm nhận được cái hậu quả mức độ nào. Hắn làm bên Đài phát thanh Hà Nội, gắn chặt với chính trị xã hội…

Hai thằng vừa nhớm đứng lên thì Hòa Vang, Lâm Huy Nhuận đã đứng trước mặt. Ầm ĩ một lúc rồi trở lại bàn bia. Những cốc bia hơi Hà Nội sủi tăm đang trên tay thì Hòa Vang cười hì hì chỉ ra đường, Văn Chinh, Đỗ Bảo Châu đang tắt máy xe Honda… Hôm nay các nhà văn thường đến báo Văn nghệ rất đông, ai có bài thì lấy báo biếu, ai không có bài thì xin một tờ. Tirage báo Văn nghệ đến năm đó vẫn còn giữ được mười lăm vạn…

Chuyện Hữu Thỉnh vái tôi là chuyện có thật vì chuyện gì ở báo tôi cũng hay than thở với Vũ Đình Minh. Hôm ấy họp thành lập Ban sơ khảo cuộc thi truyện ngắn của báo năm 1990, có mời một số nhà văn bên ngoài như Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê. Trong cuộc họp ấy bàn về phát động cuộc thi và nêu một số thể thức, tôi có phát biểu một số ý và nói thêm Tổng biên tập nên tôn trọng ý kiến và bài vở mà ban Văn đưa lên. Họp xong còn ngồi lại uống nước và tán chuyện linh tinh, Lê Minh Khuê có hỏi lại tôi việc mà tôi nói trong cuộc họp, tôi bảo là biên tập viên bao giờ cũng đọc kĩ, đưa cái gì là cân nhắc lắm…

Chiều hôm ấy Hữu Thỉnh gọi tôi sang phòng làm việc, đóng sầm cửa lại. Hai người vừa ngồi vào bàn uống nước, tôi thì chờ Hữu Thỉnh sai bảo, còn Hữu Thỉnh cũng chưa nói gì. Rồi bất ngờ Hữu Thỉnh ra khỏi ghế và quỳ xuống sàn vái tôi mấy vái. Thực sự tôi quá bất ngờ về tình huống này, nên đứng bật dậy và nói hơi to: “Sao anh lại làm như vậy? Tôi không hiểu có chuyện gì”. Có lẽ nghe to tiếng nên Trần Thị Thắng ở phòng bên ngoài xô cửa vào, hốt hoảng hỏi hai anh có việc gì thế. Tôi liền ra khỏi phòng, Trần Thị Thắng cũng ra theo khép cửa lại.

Cũng vì chuyện này mà một tuần sau, một buổi sáng tôi chưa kịp đi làm thì Hữu Thỉnh và cô con gái đầu là Thanh đến. Vào cửa Hữu Thỉnh kéo cô con gái lên trước vào bảo: “Con cảm ơn chú Quang đi, chú Quang đã xin cho con vào học cấp 3”. Cháu Thanh đứng đó nói: “Cháu cảm ơn chú Quang”, xong Hữu Thỉnh kéo con về, để lại cho tôi sự ngơ ngác, bàng hoàng mà không hiểu mình đã làm gì sai, làm gì phật ý người nắm sinh mệnh mình, người đó đã biến mình thành kẻ bất nghĩa lố bịch.

Tôi không biết nói gì, tôi với lão trở thành không hiểu nhau, xa cách mà phải làm việc với nhau quả là sự khốn cùng của cảm giác. Tôi như người bị ẩn ức, cô độc mà không nghĩ ra cách gì để Hữu Thỉnh hiểu mình.

Tuy nhiên tôi chờ đợi mà vẫn chưa thấy Hữu Thỉnh ra đòn.

Tôi nghĩ đây là món nợ mà Hữu Thỉnh sẽ đòi lại. Đây là cơ hội hiếm có đối với Hữu Thỉnh.

Thời gian ấy tôi được Ban Chấp hành Hội mời tham gia Hội đồng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (là ủy viên Hội đồng) thì gặp tôi Hữu Thỉnh bảo Thỉnh định đưa Quang vào ban Nhà văn trẻ nhưng anh Nam muốn ông ở Hội đồng Văn học lực lượng vũ trang. Tôi cười nghĩ đây là điểm yếu của Hữu Thỉnh, người khác không nói vuốt đuôi như vậy. Nhưng tôi cũng cảm thấy được giải tỏa cái ẩn ức về sự trả thù của Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh là người rất chăm lo cho sự tiến bộ về con đường quan chức của mình, xây dựng hình tượng toàn bích về một lãnh tụ văn chương hơn cả Tố Hữu. Hữu Thỉnh rất mê tín, theo Võ Văn Trực thì Hữu Thỉnh từng ngồi đội bát nhang bốn tiếng đồng hồ liền, kiêng ra ngõ gặp gái. Hữu Thỉnh dưới trướng có vài ba chuyên gia tử vi, phong thủy để chọn ngày giờ đi làm việc với cấp trên hoặc khai mạc hội họp quan trọng. Luôn luôn không để mất lòng hội viên, nhất là hội viên cao tuổi và chức sắc. Trên quan lộ được chăm chút từng milimet ấy, nếu ai vô tình để lọt một hạt cát vào đó thôi thì Hữu Thỉnh sẽ rất đau khổ, cũng làm cho Hữu Thỉnh bất an. Để tránh nỗi bất an này Hữu Thỉnh có cách chiều nịnh khủng khiếp, tìm cách ban phát ân huệ. Công bằng mà nói, một trong những phẩm cách thủ lĩnh là biết ban phát ân huệ cho bề tôi, buộc bề tôi phải trung thành. Vấn đề là làm sao tạo ra được nhiều ân huệ mà ban phát.

Xét về mặt ấy thì Hữu Thỉnh xứng tầm thủ lĩnh. Tôi hiểu vì sao Hữu Thỉnh lập ra nhiều ban bệ, lập ra nhiều khu vực văn học, mở ra rất nhiều hội nghị… Chúa đất là chúa hay lo, đêm nằm nghĩ việc ra cho mà làm, câu ca như để nói về Hữu Thỉnh. Nhưng trong nhiều nhiệm kì Chủ tịch hội không ai làm được nhiều việc như Hữu Thỉnh, không nhiệm kì nào của ai, hoạt động của hội lại sôi nổi như những nhiệm kì mà Hữu Thỉnh làm Chủ tịch.

Quả là trên cái quan lộ mà Hữu Thỉnh đã là phẳng lì ấy, tôi đã vô tình làm vương một hạt bụi. Có thể Hữu Thỉnh coi tôi là phần tử nguy hiểm hay sao mà vái lạy như vậy? Sau khi định đưa tôi vào ban Văn học trẻ, còn gửi cho tôi một cái thư rất thân ái, rất bè bạn trên giấy papier en tête như thế này.

Thân gửi đồng chí Trần Huy Quang!

1/ Chiều 30/4, tôi ngồi lại một mình ở Tòa soạn, đọc lại số báo vừa ra, đọc bài tường thuật của đồng chí, thấy thích thú và muốn nói chuyện với đồng chí quá. Giỏi! Hoạt bát, nhiều thông tin và đặc biệt có nhiều hàm ý. Đây mới là tường thuật của báo Văn nghệ. Và phỏng vấn nữa, phỏng vấn của ông là hay, vì vừa hỏi vừa phẩm bình, vừa gợi ý vừa đề dẫn. Sướng thật.

2/ Tôi đọc và yêu ông.

3/ Chúc cả nhà ăn tết 1/5 vui vẻ. Và ông đi trại của Quân đội vui, viết được và viết hay.

4/ Thân yêu.

Hữu Thỉnh.

Tôi đọc và tần ngần, đây là thông điệp gì? Tôi muốn hiểu theo khía cạnh tích cực, “Bỏ qua khúc mắc, dù gì Thỉnh và Quang cũng là bạn bè, thân yêu.”

Có thể Hữu Thỉnh thấy tôi chỉ như cái tăm làm gì cũng không ảnh hưởng đến cái hình ảnh toàn bích mà ông đang xây dựng cho mình hoặc là chính ông có lòng từ tâm, đầy cảm tính. Mà cũng có thể là, Hữu Thỉnh với tâm thế thủ lĩnh không muốn gây thù chuốc oán gì với ai trên con đường trở thành Tố Hữu của ông. Các nhà thơ cứ luôn bảo Hữu Thỉnh là chính khách, lão làm chính trị, gặp ai lão khen tuyệt vời mù mịt, điều đó là có thật. Nhưng mọi người ít ai để ý chính Hữu Thỉnh là nghệ sĩ nhất. Hữu Thỉnh đã có lần cầm chai bia đinh phang vào đầu Ngô Ngọc Bội trong bữa liên hoan ở tòa soạn. Hữu Thỉnh từng đẩy Trương Vĩnh Tuấn ra khỏi ô tô giữa đồng không mông quạnh lúc 9 giờ tối trên đường từ Thổ Tang trở về Hà Nội. Một lần Hữu Thỉnh và tôi ra Sầm Sơn chơi, ngồi uống nước dừa ở cái quán nhỏ dưới gốc cây bàng, giữa trưa nắng. Chủ quán là cô sinh viên xinh xắn, rất có duyên nghỉ hè về bán hàng kiếm tiền lo học phí. Thế mà sau đó tôi đọc bài thơ “Ghi ở Sầm Sơn” của Hữu Thỉnh thì biết bài thơ ấy viết về cô nàng. Đó đích thực là nhà thơ, một nghệ sĩ dễ rung cảm trước một hình ảnh đẹp, chính khách không ai dại để lộ cảm xúc thật của mình như vậy, phần nhiều nước mắt và nụ cười của họ đều trên sàn diễn.

Hôm kỉ niệm 35 năm ngày Thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, rất đông quan khách, nhà văn Đào Vũ dẫn chương trình, phần giới thiệu quan khách và các cơ quan hữu quan tặng hoa, đã nói một câu giới thiệu gở, sái, là Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tặng lẵng hoa. mặc dù Đào Vũ lỡ lời, sửa ngay nhưng người Việt Nam vốn nặng về kiêng cữ, câu sái ấy sau này rất nhiều người nhắc, còn tôi bị ám ảnh không dứt.

Trong buổi hôm ấy, khi chưa vào khai mạc, nhà văn Hữu Mai đi vào hội trường trước tôi một hàng ghế, thấy tôi ông cười, giơ tay bắt và bảo, hư vô quá như nhắc lại. Tôi chỉ cười, dạ dạ… Tôi thầm cảm ơn nhà văn Hữu Mai rất nhiều, vì ông đã đọc và nói ra điều ông nghĩ, không biết khen hay chê tôi cũng cảm kích vô cùng. Còn hơn nhưững người khác im lặng, tôi hiểu sự im lặng của họ, như kiểu cho mày chết. Nhà văn Xuân Thiều, ngày ấy ông sang làm Chánh văn phòng Hội. hai anh em hay đi uống bia hơí với nhau nhưng tuần ấy tôi tâm tư xáo động không có lúc nào ngồi với ông được như ông hẹn. Không biết ông có mắng mỏ gì không, vì ông là nhà văn quân đội, dứt khoát là rất kiên định.

Họp tòa soạn, Trương Vĩnh Tuấn nói ở quận Đống Đa, cán bộ lão thành cách mạng gọi điện đến tòa soạn chửi mắng ầm ầm, cụ Huy Cận đến đập bàn, Vũ Tú Nam than, sao lại in cái truyện ấy chứ, mọi người đọc thế nào mà lại in cái truyện như vậy chứ. Sắp bầu đại biểu Quốc hội, Vũ Tú Nam lo cũng phải. Hữu Thỉnh rất hi vọng vào Trung ương vấp cái này thành khó cho lão rồi. Bên Nhà Văn học, Lữ Huy Nguyên sắp lên thứ trưởng lại in Chân dung nhà văn của Xuân Sách nên xịt. Ngày ấy Chân dung nhà văn của Xuân Sách là một nghi án đang nằm trên thớt, thì chợt có Linh nghiệm, nó được đưa lên thớt thay cho Chân dung nhà văn, đưa Chân dung nhà văn ra khỏi đám cháy. Trong các đám bia rượu ồn ào, có người đùa bảo Linh nghiệm cứu Lữ Huy Nguyên. Cũng chỉ là chuyện đùa nhưng mấy năm sau, đâu như năm 1995, Lữ Huy Nguyên gặp tôi bảo, Quang có bản thảo nào chưa in đưa đây. Tôi đưa anh bản thảo tiểu thuyết Nửa mặt người mà nhà sách của bà Miên mấy năm trước đang in vì Linh nghiệm phải hủy, anh chấp nhận in và chỉ bảo đổi tên thành Khúc hoàn lương.

Nói thêm, tôi chơi thân với nhà văn Trần Dũng, nhóm nhà văn Hà Nội gồm những Đỗ Bảo Châu, Giang Trung Học, Lưu Nghiệp Quỳnh… Trần Dũng đã bàn với nhà văn Xuân Du, Trưởng phòng Văn học, nhà văn Xuân Cang, Giám đốc nhà xuất bản Lao động, tái bản tiểu thuyết Nước mắt đỏ của tôi cũng trong thời gian này. Tôi đã nhờ những ấn phẩm khai thông này để trở lại văn đàn. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm ba mươi mấy năm, dân ta đã có một thế hệ nhà văn mới, nhận thức mới, tâm thế mới và hành xử với văn chương, đồng nghiệp cũng mới.

Chiều hôm ấy, thứ tư, Tổng biên tập Hữu Thỉnh cho người sang nhà gọi tôi sang tòa soạn gặp ông. Cơ quan đã về hết chỉ còn vài cô làm trị sự. Hữu Thỉnh đóng sập cửa lại và đưa cho tôi bản đánh máy và bảo đọc đi với vẻ mặt cực kì nghiêm trọng khác thường ngày. Bản đánh máy đó như sau:

Hà Nội, ngày 6-7-1992

Kính gửi: Anh Hữu Thỉnh

Tổng biên tập báo “Văn nghệ”

Tôi tự xem mình là một độc giả trung thành của báo Văn nghệ, hơn nữa từ cách đây hơn 20 năm, có lúc tôi cũng đã từng là cộng tác viên của báo. Tôi vui mừng vì trong sự nhộn nhạo của báo chí đủ loại, Văn nghệ vẫn là tờ báo đẹp, phong phú, trang nhã, cao sang và trí tuệ, được lòng cả những trí thức khó tính nhất. Mấy năm gần đây, báo đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp Đổi mới của đất nước trên nhiều mặt, không chỉ riêng văn nghệ. Các bài bút kí, phóng sự, tin văn hóa văn nghệ, bình luận… đều khá sắc sảo và tâm huyết, thể hiện được lương tâm và trách nhiệm của giới cầm bút trước hiện tình của đất nước. Nhiều bài đã diễn tả, nói hộ được những suy nghĩ và cảm xúc của độc giả. Vì vậy tôi thường đọc báo Văn nghệ kĩ hơn nhiều loại báo khác. Nhân đây xin hoan nghênh và cảm ơn các anh.

Cũng chính vì vốn quí mến, trân trọng các anh và tờ báo mà tôi rất ngạc nhiên, bực bội, cảm thấy bị xúc phạm khi đọc truyện ngắn “Linh nghiệm” của Trần Huy Quang đăng trong số 27 ra ngày 4-7-1992 vừa qua.

Tôi chưa biết Trần Huy Quang là ai, chỉ biết anh được chú ý sau mấy bài viết về “ông vua lốp”, còn truyện ngắn thì chưa có gì đáng chú ý, nên tôi không đọc, dù đã đọc gần hết các bài chính của tờ báo ngay từ hôm thứ sáu. Tình cờ tối qua, sau bữa cơm, cầm tờ báo lên chỉ liếc qua bài còn lại, thế rồi phải đọc kĩ lại lần nữa. Tôi thật tình chưa hiểu tác giả định nói gì đây? Tôi tự nhủ lòng, phải tỉnh táo, tránh suy diễn chủ quan, chớ áp đặt cho tác giả những điều mà họ không nghĩ đến, v.v. Đã có biết bao nhiêu cách thưởng thức văn học một cách méo mó, thô thiển đã bị lên án? Nhưng rồi để tránh thô thiển, tôi buộc phải cố đọc lại để hiểu điều tác giả muốn nói đắng sau những câu chữ mà tôi cho là cũng chỉ rất tầm thường và thô thiển.

Vậy nó được đăng vì lẽ gì? Phải chăng vì nhân vật và vấn đề mà nó chuyển tải đang cần đặt ra với người đọc hôm nay? Đành phải theo câu chữ của tác giả mà tóm tắt ra đây:

1. Nhân vật Hinh là ai? “Là con thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo, chẳng giàu”. Cha anh ta có đỗ đạt, từng làm quan, nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố, nên đã bỏ quan, khi dạy học, khi bốc thuốc. Hinh sáng dạ, có chí, hai mươi tuổi biết làm thơ chữ Hán, đọc Rousseau, Montesquieu bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm một dạ xuất ngoại, còn lập thân bằng văn chuơng thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi… Hinh ngước cái nhìn mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông… để đưa về cho chúng sinh. 

Đọc đến đây người đọc bình thường cũng đã có thể đoán được Hinh là ai rồi!

2. Hinh đi tìm cái gì? Bằng một giấc mơ, tác giả cho Hinh gặp được bậc Chí Thánh, đấng lập Đạo trao cho một Đạo Thư, qua đó anh tìm được chân lí. Và đây là phút anh bắt gặp chân lí: “Hinh sung sướng hét toáng lên… Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. Ôi, chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sang đường chúng ta đi…”

Hinh đã đi theo đạo thư, từ chối mọi đam mê, cám dỗ dọc đường và đã đến được vườn hoa Mùa xuân, “Lòng như ngất ngây hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa trì xuống… Rồi anh chợt tỉnh lại: “Tìm cái này” là tìm cái gì? Anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên tri… Anh như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì nhưng anh trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và bước từng bước một chậm rãi để “Tìm cái này”.

3. Kết của việc tìm kiếm.

Sự kì lạ đã lôi kéo được những người qua đường đi theo. Bắt đầu là một nhóm học sinh hiếu kì và hiếu động rồi đến đám dân lang thang thất nghiệp, dân nhà quê đang đói rách bỏ ra thành phố kiếm cơm, rồi tiếp đến dân xích lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi… nói gọn lại là đám vô sản du côn dần đông như một đàn kiến, bu lại xung quanh Hinh.

Vì người đi tìm cũng không biết mình “tìm cái gì” nhưng khi nhận ra có đám đông đi theo, khớp với đạo thư, nghĩa là “được thiên hạ”, thế là Hinh “rơm rớm nước mắt, mãn nguyện ra về”.

Còn cái đám đông đi theo thì thất vọng “tìm cái này” là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hi vọng có chút ấm no mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm để họ trở thành một dòng nước. Trưa. Rồi chiều. Và… vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuân.

Một giấc mơ hão huyền,vô nghĩa, vô vọng vì mù mịt, bởi người đi tìm chân lí cho chúng sinh nào đã biết mình tìm cái gì, cho nên cái đám đông hi vọng có một chút no ấm mờ mờ trong cái vườn hoa gọi là Mùa Xuân (của Nhân loại) ấy đã thất vọng. “Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau”. Đó liệu có phải là bức thông điệp mà tác giả định gửi đến cho bạn đọc hay chăng?

Thưa các anh.

Truyện ngắn này được đăng vào số kỉ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà văn, vào lúc anh Vũ Tú Nam, Tổng thư kí Hội khẳng định trong diễn văn của mình rằng những hành động cực đoan, quá khích, chia rẽ, bè phái, cơ hội chủ nghĩa rốt cục chỉ đem lại sự mất ổn định và rối loạn trong xã hội, khiến những người cầm bút cũng tan rã theo… Vậy truyện ngắn này có góp phần vào dòng suy nghĩ đó không? Báo Văn nghệ duyệt, cho đăng truyện ngắn này có còn trung thành với tôn chỉ “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” của nó nữa không?

Riêng tôi, tôi thành thật nghĩ rằng đây chỉ là một sơ suất của khâu biên tập, một bài viết lạc điệu không trung thực với chính mình của Trần Huy Quang, nó phản lại truyền thống tốt đẹp của báo Văn nghệ, phản lại lí tưởng và tâm huyết của bao thế hệ nhà văn yêu nước và cách mạng của chúng ta, họ đã hi sinh không phải là vô ích cho một mùa xuân thật sự của đất nước và nếu được sống lại, họ cũng sẽ giết hết những kẻ cầm bút nào dám phỉ báng quá khứ, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng nhất của cả một dân tộc và của loài người tiến bộ đối với lãnh tụ kính yêu của mình.

Kính thư

Trần Tiến Đức

56b Quốc Tử Giám – Hà Nội”

Đọc xong, tôi nghĩ, để anh theo được đến bao giờ, Liên Xô Đông Âu không phải thất vọng trước bỏ về trước hay sao, nhưng nhìn thấy Hữu Thỉnh mặt mày xanh mét nên chỉ im lặng thở dài, rồi hỏi, ông viết này là ai? Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh đấy, Hữu Thỉnh dài giọng ra. Giờ là cơn bão hiểu chưa, bão cấp 15, cấp 20… đổ đến ầm ầm, giờ là lúc phải nằm bẹp xuống, nằm dưới đất làm con giun, con dế, có bị giẫm đạp cũng mặc, cho bão lướt qua, nhổm lên là chết. Nhổm lên là hứng đạn, hiểu chưa? Ông không được đi đâu hết, không quán xá với ai hết, không nói chuyện gì hết, không cãi ai hết, không nghe ai hết, họ chửi cũng mặc, họ khen ông càng chết…

Tôi ra về, khép cửa lại, cảm giác nặng nề không chịu nổi khi đối diện với Hữu Thỉnh. Phố Trần Quốc Toản đã lên đèn. Lái xe của Tổng biên tập ngồi một mình chờ, thấy tôi liền bảo, có mấy người đến xin báo có truyện của chú rồi người ta đưa đi photo ra nhiều lắm. Tôi không nói gì vì thực ra đầu óc tôi lúc này đâu nghĩ ra được điều gì. Cơn bão, quả thực là cơn bão giật cấp 15, 20. Hữu Thỉnh có thể mất chức, mình có thể bị tù, nhẹ thì bị đuổi việc.

Hôm sau, ngày 16 tháng 7, buổi chiều, họp tòa soạn với sự bất bình thường, và không thể không có những đại diện theo dõi báo như chuyên viên của các cơ quan cấp trên, vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, vụ Báo chí bộ Văn hóa, A25 bộ Công an. Họp đúng giờ, khác bình thường, không khí như trong chiến tranh. Mấy tuần nay khách ít, chắc ai cũng biết báo đang gặp vấn đề nguy ngập nên tránh. Hữu Thỉnh ngồi chính ghế giữa phía trên, đấy là cái ghế của Hữu Thỉnh, khi Hữu Thỉnh đi vắng ghế ấy bỏ trống, Hữu Nhuận hay Hoàng Minh Châu họp tòa soạn cũng không dám ngồi vào đó. Hữu Thỉnh vốn mê tín.

Đủ mặt các anh tài, Bế Kiến Quốc, Trần Ninh Hồ, Võ Thanh An, Hồng Phi, Ngô Vĩnh Viễn, Ngô Ngọc Bội, Hoàng Minh Tường, Triều Dương, Thiếu Mai, Ngọc Trai, Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đăng Bảy, Hoàng Minh Châu, Hữu Nhuận… Vắng Phạm Tiến Duật. Trần Huy Quang đã được Tổng biên tập nhắc là đối tượng cuộc họp, là bị can không thể vắng mặt.

Tổng biên tập nói về vụ việc của tôi và những hệ lụy tai hại, nguy hiểm mà nó gây ra, giọng văn và nội dung rất giống bản luận tội của viện Kiểm sát ở các phiên tòa, chỉ khác Hữu Thỉnh nói vo. Tôi đã đọc bản kiểm điểm dài hai trang đánh máy. Hữu Thỉnh nói thêm về tình hình dư luận cực kí căng thẳng, nguy ngập đối với báo hiện nay, không khác gì chiến sự.

Hoàng Minh Châu tiếp ngay nói rất dài, rất lí luận về văn học và cách mạng, về sự dấn thân của các tầng lớp nhà văn chúng ta đi theo cách mạng, theo Bác Hồ. Thiếu Mai nói, văn học cách mạng đã có rất nhiều thành tựu, cách mạng đã đẻ ra cho đất nước, cho giai cấp vô sản những thiên tài văn chương, dân tộc ta với những chiến công lừng lẫy sánh vai cùng các nước trên thế giới… là nhờ Đảng ta nhân dân ta đã đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn. Thế mà có người đã dám nghi ngờ con đường đó. Tôi rất buồn, người đó lại ở trong cơ quan báo chí chúng ta… Nhà phê bình văn học Thiếu Mai nói rất rất đau đớn, cuối cùng chị cũng nói nhẹ nhàng hơn, chúng ta phải vì cái chung, vì sự phát triển văn học và nhất là vì tờ báo Văn nghệ. Chúng ta đã có một tờ báo 35 năm vẻ vang, mọi người phải có trách nhiệm với nó, không được thích cái gì thì in, làm mất uy tín của báo. Ai thích in cái gì thì xin ra một tờ báo riêng mà in.

Còn các nhà văn khác nhẹ nhàng hơn, tỏ ra tiếc, chúng ta đã sơ suất và nên rút kinh nghiệm. Có người nói, mấy hôm nay không dám đến báo, xin đọc bài ở nhà. Lại dẫn thêm, có nhà thơ ở gần nhà anh Quang sợ bị ném lựu đạn nhầm nhà, phải lên Hội xin lên tá túc ở nhà sáng tác Quảng Bá để sơ tán. Hữu Nhuận cũng phải kiểm điểm… Nhưng góp ý của họa sĩ Phạm Minh Hải khi họp đã xong là hay nhất. Hải bảo, anh dại quá, cứ viết là tôi không biết gì, tôi lơ ngơ, ngu dại, bây giờ mọi người nói tôi mới nhận ra, cứ làm ngớ ngẩn mới được. Tôi phì cười bảo, nó đéo tin đâu, chiêu này Trần Mạnh Hảo bị kiểm điểm Ly thân làm rồi, nó tha cho khối. Tôi chợt nhớ đến ngón đòn dân gian hay nói, là đòn hội chợ, cái gì thuộc về tập thể đều nguy hiểm, bị đánh chết mà không có thủ phạm.

Tổng biên tập đứng lên tổng kết cuộc họp kiểm điểm và công bố quyết định của Ban biên tập báo: Đồng chí Trần Huy Quang nghỉ việc từ hôm nay để làm kiểm điểm tiếp. Thứ ba hàng tuần đồng chí phải đến họp tòa soạn. Kể từ tháng này đông chí nghỉ việc hưởng 75 phần trăm lương.

Từ đó tôi không phải đi làm và viết một bản kiểm điểm cho thật thành khẩn, cho thật đau xót, cho thật hối hận vì tác phẩm đã làm người đọc mất lòng tin vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Bác và Đảng đã lựa chọn. Tôi lại viết lần nữa, dựa theo những phát biểu lên án kịch liệt của Hoàng Minh Châu, Thiếu Mai, Triều Dương, Trần Thị Thắng để viết vào bản kiểm điểm giống như tự nhận thức được đầy đủ sai lầm của mình. Thực ra, tôi nghĩ tôi có bị gì sắp tới, có thể đi tù, có thể bị đuổi việc, chẳng phụ thuộc quái gì vào sự thành khẩn hay đau xót của mấy trang kiểm điểm của tôi cả, nó phụ thuộc vào sự tính toán ở đâu đó.

Nghe Hữu Nhuận nói Ban biên tập mấy ngày nay họp liên miên, chi ủy, chi bộ, ban biên tập, sau khi Tổng thư kí Hội xuống làm việc Ban biên tập lại họp cả buổi tối đến nửa đêm mới xong. Trần Thị Thắng một mình làm Ban bạn đọc vài ngày lại chuyển cho tôi một lô thư bạn đọc gửi, có gói là cái khăn Ấn Độ, có cái thư kẹp bên trong mấy chục ngàn, có thư chỉ một bài thơ, không ai đề tên người gửi và các tập họa báo kèm theo carte de visite tùy viên văn hóa của các Đại sứ quán Pháp, Anh và Úc, Thắng bảo cái này anh Quang đừng mang về nhà. Còn lại là thư của các cụ lão thành cách mạng, của cựu chiến binh, có thư tự xưng là đại diện cho năm ngàn cán bộ hưu trí quận Đống Đa đòi cách chức Tổng biên tập và phải bỏ tù tác giả. Điện thoại gọi đến thì như Trương Vĩnh Tuấn đã nói trong các cuộc họp, quát tháo ầm ầm, đòi cách chức Tổng biên tập. Có người xưng là lính tăng, nếu không cách chức Tổng biên tập thì đưa tăng đến Trần Quốc Toản húc đổ báo. Hóa ra tôi bây giờ không phải là mục tiêu của những thư và điẽn thoại của bạn đọc nữa. Nó có vẻ như sâu xa và bí hiểm gì hơn…

Dạo ấy, cứ khoảng mười giờ là Đỗ Bảo Châu và Văn Chinh, cả hai không chức sắc gì, không đảng viên lại gọi tôi lên báo Nông nghiệp rồi kéo nhau đến quán cà phê nho nhỏ nào đó ở phố Lê Thạch, Nguyễn Xí hay Tràng Tiền nói chuyện tào lao, trưa đi ăn bún đậu hay cháo lòng. Ngày nào cũng thế, ba kẻ bặm trợn, cuối tuần thì có thêm Trịnh Bá Ninh, Thư kí tòa soạn hoặc Lê Nam Sơn Tổng biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi trộm nghĩ là mấy đứa này không coi lập trường giai cấp ra cái gì hay sao mà lại chơi với mình. Có buổi tối Vũ Đình Minh rủ tôi đi chơi, ra ngõ thì gặp Hòa Vang vừa rẽ từ Lý Thường Kiệt sang Bà Triệu liền bảo, coi chừng nó đâm xe rồi đi luôn như Vũ Thư Hiên đấy. Nhưng Vũ Đình Minh gắt lên bảo bọn tao đang vội rồi đi luôn. Lão đèo tôi thẳng lên Hàng Da lên Hàng Điếu rẽ sang Lý Nam Đế. Bảo để tao vào thăm dò lão Thỉnh tình hình thế nào, tôi bảo thôi hắn mặt xanh như đít nhái, đâu còn hồn vía nào. Hai thằng lại ra vườn hoa Hàng Đậu ngồi hút thuốc đến mười một giờ về.

Về lại qua phố Lý Nam Đế, tôi nhớ đến Lê Lựu, vì lão quen nhiều quan lắm. Đến năm 1980 tôi mới biết Lê Lựu, nhất là sau chuyến đi một tháng về Công binh Quân khu Ba gồm Lê Lựu, Nguyễn Bảo và Trần Huy Quang do Lê Lựu tổ chức. Ngày ấy tôi còn làm ở báo Độc Lập theo dõi công nghiệp và thủ công nghiệp thường đi viết bài với Giang Trung Học, Vũ Từ Trang hai phóng viên báo Tiểu thủ công nghiệp. Giang Trung Học, Vũ Từ Trang thuộc đội ngũ nhà văn công nhân do Sở Văn hóa Hà Nội đào tạo gồm những Trần Dũng, Lưu Nghiệp Quỳnh, Đoàn Trúc Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Hoàng Bách… dưới sự dìu dắt của nhà văn Lê Bầu khi Lê Bầu chưa bị đánh vì tập bản thảo Sương mai mà sau này vẫn chưa tìm lại được. Ngày ấy các chàng trai Hà Nội say mê văn chương bỏ học hết đi làm công nhân (vô sản hóa) để viết văn như Nguyễn Mạnh Tuấn ra Quảng Ninh, Trần Dũng lái máy kéo, Đỗ Bảo Châu học thợ gầm mà tôi hay đùa anh là thợ gừ.

Một buổi sáng tôi mò đến nhà riêng Lê Lựu, khi anh dã chuyển về Lý Nam Đế. Lê Lựu cười rất lạc quan: “Để tao tổ chức hội thảo là xong, không có gì phải lo”. “Nhưng anh đọc chưa?”, tôi hỏi. Lựu nói: “Chưa đọc, nhưng ổn thôi…”. Đây là phép mà các nhà văn thường làm để đỡ đòn cho nhau. Như truyện Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, tiểu thuyết Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh bị đánh hoặc mới xì xào, báo Văn nghệ đã tổ chức hội thảo ý kiến bảo vệ được tường thuật nhiều hơn. Tôi giục Lê Lựu tối nay đọc đi, mai tôi đến, giờ đi làm cốc bia đã. Mọi hôm gặp nhau liền kéo ra quán bia cỏ gầm cầu, chuyện gì ra đó nói, ngồi không hạn định. Nhưng hôm ấy Lê Lựu không muốn đi, rủ mãi ra đến ngõ lại quay vào. Tôi về quên ngay chuyện Lê Lựu với hội thảo hội thiếc. Mấy năm trước tôi ra cuốn tiểu thuyết Nước mắt đỏ, Tô Phán làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam định làm cuộc trao đổi về cuốn đó gồm Lê Lựu, Ngô Vĩnh Bình và tôi, tác giả, hẹn ngày giờ đàng hoàng. Mở đầu Lê Lựu phát biểu: “Để cho có trọng tâm, nhà văn Trần Huy Quang nên phát biểu trước, tóm tắt đầy đủ chi tiết nội dung tác phẩm của mình và thông điệp mà mình muốn gửi gắm”. Tôi liền hiểu cái ma lanh của Lê Lựu, lão có khi chưa giở cuốn sách ra chứ đừng nói đọc nhưng Tô Phán lại muốn lão nói trước mà lão biết nói gì. Thế mà nghe xong cốt truyện, lão thao thao gần hết chương trình ba mươi phút.

Tôi vẫn rất quý Lê Lựu, các nhà văn bên tạp chí, tôi thấy ấm áp vô cùng, tin cậy, yêu mến, kính trọng cứ như họ là người anh, cha chú của mình. Không phải các anh và tôi có mẫu số chung hay thông số chung là người lính và cùng dân Nghệ hoặc là người nâng đỡ tôi bước đầu. Người nâng đỡ tôi bước đầu chập chững là nhà văn Từ Bích Hoàng, người mà anh em viết trẻ thời đó bảo là hiền như Phật. Chính ông là người đọc bài kí đầu tiên của tôi viết về đơn vị pháo binh của tôi hành quân vào Đèo Ngang xe đổ rồi tối ấy tiểu đoàn lính mới bọn tôi phải lên Mũi Độc trên đỉnh Đèo Ngang nhặt những cánh tay, cẳng chân, mớ thịt và ruột lòng thòng vuớng trên cành cây, có người lính chỉ còn cánh tay và cái đầu, chân tay nữa ở chỗ nào không biết, máu me chưa kịp khô, có gì gom lại trên tấm tăng của đơn vị Hải quân đóng trên Mũi Độc Đèo Ngang bị máy bay Mĩ đánh hồi chiều ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964. Lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với xác chết, với máu người, nhặt từng mẩu thịt xương vương vãi, tôi khiếp đảm, mấy tuần sau mà cứ bị ám ảnh và cứ cảm thấy mùi tanh của máu người. Mấy tháng sau dù phải kéo pháo vào kéo pháo ra dọc bờ biển Quảng Trạch, Quảng Bình, tôi vẫn cứ buồn nôn. Tôi bỏ ra đến dăm buổi chiều chủ nhật để viết bài kí về chuyện ấy, thấy sao viết vậy, kể cả cuộc chiến đấu vào chiều hôm sau đơn vị phải dùng súng bộ binh đánh trả hàng chục máy bay tiếp tục san bằng căn cứ Hải quân Việt Nam trên Mũi Độc. Tháng sau tôi nhận được cái thư của tạp chí Văn nghệ quân đội gửi. Cái thư dán tem quân đội trên phong bì, phía sau có đường chấm chấm hướng dẫn người nhận rọc để mở thư. Mở phong bì thì hóa ra mặt trong của phong bì là nơi viết thư. Tôi chỉ nhớ câu nhận xét là bài viết sinh động nhưng tản mạn, tòa soạn rất tiếc không dùng được, hi vọng… Kí tên Từ Bích Hoàng. Tôi nhớ ơn nhà văn quân đội Từ Bích Hoàng suốt đời chỉ vì hai chữ “tản mạn”. Biết tản mạn là gì để khắc phục. Không hi vọng gì lắm nên khi bị từ chối tôi không hề nản, ngược lại cái thư trả lời là phần thưởng quí giá.

Người lính thời chiến, đêm báo động đến mấy lần. Ngày vừa trực chiến vừa học tập, chia nhau đi trồng rau, hái củi, lấy gạo. Không có chủ nhật, chả ai quan tâm đến thứ ngày trong tuần. Chỉ đến khi nhơ nhớ chữ nghĩa, thèm đọc một vài dòng văn chương gì đó thì vớ lấy tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội, vốn được phát về từng đại đội. Rồi đến một trận đánh của trung đội nữ dân quân thúc đẩy tôi lại thử viết.

Tiểu đoàn pháo binh mặt đất lại chuyển ra bờ biển Hà Tĩnh. Xe pháo lại rập rình nghiêng ngả vượt Đèo Ngang trong đêm, không hiểu sao qua đó, tôi lại có cảm giác như ngửi thấy mùi máu tanh của những miếng thịt còn mắc trên cành cây. Một đoàn xe pháo ngụy trang cây lá rậm rạp giống như cả cánh rừng chuyển động. Vượt qua cầu Đá Hát, Ròn, qua thị trấn Kì Anh, qua Voi, rẽ xuống phía biển về trận địa Kì Phú, đã được chuẩn bị tọa độ. Nhưng cuộc hành quân của tiểu đoàn đại pháo đã phải dừng lại trước một con sông nhỏ. Cuộc chiến với con sông này mới vỡ mật, tôi nghĩ. Xe pháo qua sông thì phải có phà nhưng đây không có con phà nào. Từ bờ sông này ra bờ biển còn xa khoảng cây số nữa, các trận địa pháo mặt đất phải nằm ngay bờ biển. Xe kéo pháo không qua sông được nhưng pháo phải qua sông. May là con sông nhỏ, và không sâu. Phải cho từng khẩu pháo một lặn qua sông mà sang bờ bên kia. Dù gì nó cũng phải qua sông, như pháo Điện Biên năm xưa leo núi. Thế là bằng sức của một tiểu đoàn lính trai trẻ cộng với mấy đại đội nữ dân quân của các trân địa những xã xung quanh đó, một khẩu pháo 100 li đã qua được sông giống như chuyện thần tiên. Và cứ thế cả tiểu đoàn pháo, từng chiếc một, được kéo thẳng luôn ra bờ biển chiếm lĩnh trận địa, không phải bằng động cơ của những chiếc Zin, cũng không phải qua những con đường đá có sẵn mà bằng sức người và qua các bãi cát mấp mô.

Cũng chỉ ngày hôm sau, vừa củng cố xong trận địa, tính toán xong tọa độ hai đài quan sát, tiểu đoàn pháo đã đánh trả trận pháo kích dữ dội của tàu tuần dương Mĩ ngoài khơi nã liên hồi vào các vị trí hiểm yếu trên đường số Một và dọc bờ biển Kì Anh. Trận địa pháo dân quân bên cạnh bị máy bay phát hiện bắn rocket vào trận địa nhưng họ đã chiến đấu chống trả một cách đích đáng, có người hi sinh, có người bị thương mà tất cả các cô không hề nhụt chí sợ hãi. Khâm phục và thương cảm, tôi lặng lẽ viết một bài báo, không cần biết nó là thể loại gì, trên những tờ giấy pơluya dành để viết thư, gửi đến tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lần này thì rất mong bài được dùng và cầu mong xe thư đi dọc đường không bị bom. Không ngờ độ hơn tháng sau, tôi nhận được cái thư của tạp chí y xì như cái thư mà năm ngoái tôi đã nhận được, vừa nhỏ vừa mỏng dí, thư viết như thế này.

Tạp chí VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

“Hà Nội ngày 19 tháng 3 năm 1967.

Thân gửi đồng chí Huy Quang,

Thường trực tòa soạn chúng tôi đã đọc kí sự “Pháo dân quân” của đ/c gửi cho tạp chí. Xin báo để đ/c rõ là tạp chí chúng tôi sẽ đăng kí sự đó vào một số tới và sau số đăng bài, đ/c được tòa soạn biếu sáu tháng tạp chí.

Xin cảm ơn nhiệt tình của đ/c đã gửi sáng tác tới tạp chí.

Chúng tôi rất mong sẽ nhận được tiếp những sáng tác mới của đ/c.

Xin chúc đ/c luôn mạnh.

Thân mến,

Từ Bích Hoàng (tổ văn)”

Đây là kỉ niệm đầu đời cầm bút nên tôi rất nhớ, còn giữ được thư và chính nhờ cái kí sự đầu tiên được in này mà tôi viết thêm mấy truyện ngắn của đời lính pháo như Anh Hộ, Chiếc áo màu lửa, Trận địa, Như cánh hoa rừng, Nhật kí hành quân… Có hai năm được tặng thưởng tác phẩm hay trong năm (Như cánh hoa rừng Nhật kí hành quân), tặng thưởng là chiếc bút Kim tinh. Tôi coi đây là sự DÌU DẮT của của các nhà văn Quân đội đối với tôi, và mươi năm sau đó, năm 1980, là sự GHI NHẬN của tạp chí với những cố gắng của tôi bằng trao giải Nhì cho truyện ngắn Khe Cò trong cuộc thi truyện ngắn 1980 của Tạp chí mà giải Nhất là truyện ngắn rất nổi tiếng Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư.

Lan man thêm vài câu nữa là tôi coi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế là ngôi nhà yêu quý của các cây bút trẻ. Mỗi lần tôi đến đó, tình cờ gặp anh Nguyễn Trọng Oánh, anh Xuân Thiều hoặc anh Nguyễn Minh Châu, đều nhận được những lời chỉ giáo, với tôi, rất bổ ích. Còn nhà văn Như Trang thì viết thư mong nhận được những truyện mạnh mẽ khỏe khoắn như Khe Cò. Người đầu tiên viết phê bình về sáng tác của tôi cũng là các nhà văn quân đội: nhà văn Ngô Vĩnh Bình khi anh còn là trung úy và nhà văn Vũ Thị Hồng.

Lại được triệu tập sang họp. Hôm ấy là ngày 22 tháng 7.

Nhìn qua lần này thành phần cũng như lần trước nhưng tính chất nghiêm trọng cấp độ cao hơn được thể hiện trên từng nét mặt của những người tham dự. Mục đích cuộc họp nghiêm trọng hôm nay là kiểm điểm sai lầm và trách nhiệm của nhà văn Trần Huy Quang trong số báo 27, thể hiện ngay trong lời mở đầu cuộc họp của Tổng biên tập Hữu Thỉnh. Tôi đã đọc cái bản kiểm điểm lần thứ ba của tôi như một bản tổng kết một cách có hệ thống những phát biểu phê phán và lên án của hai kì họp trước, có thể nói là đầy đủ, chi tiết và rậm rạp, kể cả góp ý bên ngoài đường của Phạm Minh Hải. Những phê phán như hịch truyền đã được tiếp thu và lĩnh hội quá đầy đủ, quá chân thành không cần biết đúng sai vào hết trong bản kiểm điểm lần thứ ba này nên những cái roi đang muốn giơ lên nữa cảm thấy hụt, không có đối trọng, như đấm vào không khí, phí cả lí luận. Hữu Thỉnh đứng lên, nghiêm trọng và đau khổ, đọc bản đề xuất kỉ luật. Ban biên tập chân thành và nghiêm khắc nhận sai lầm. Riêng với đồng chí Quang, Ban biên tập quyết định: một, cảnh cáo tác giả. Hai, đình chỉ công tác, hưởng 75 phần trăm lương. Ba, cấm xuất hiện trên báo Văn nghệ 3 năm. Bốn, từ chức chủ tịch Chi hội nhà báo. Năm, kéo dài thời hạn nâng lương một năm. Ai có ý kiến gì không?

Không ai nói gì và tôi cũng không có ý kiến gì.

Toàn cơ quan giơ tay nhất trí.

Tan họp Ngô Vĩnh Viễn cười cười bắt tay tôi, như một sự an ủi. Hồng Phi kéo lại bảo, mày làm khổ bọn tao, sau Linh nghiệm Hữu Thỉnh sẽ cảnh giác và sợ dúm, báo sẽ rất nhạt. Hồng Phi quả là người nhìn xa ngàn dặm. Sau đó báo in toàn hồi kí cách mạng, hết Trần Văn Giàu đến Vũ Đình Huỳnh… Bão cấp 15 cỏ cây phải nằm rạp xuống. Võ Văn Trực im lặng, nhưng ông thường im lặng trong nhiều cuộc họp chứ đâu phải cuộc họp này, im lặng với ông, cũng là một sự đồng cảm.

Đỗ Bảo Châu đứng ở đằng phố Bà Triệu, thấy tôi ra cổng liền vẫy. Châu đèo tôi đến quán bia phố Dã Tượng, nhìn vào đã thấy Văn Chinh, Hoàng Trần Cương, Hòa Vang, Vũ Huy Cương (hàng xóm của tôi, người đi tù 9 năm trong vụ xét lại chống Đảng) đã ngồi xung quanh một bàn đầy những cốc bia vừa rót. Tôi cầm tay anh Vũ Huy Cương bảo, không ngờ anh cũng ra đây. Vũ Huy Cương cười giơ hai cái răng cửa còn sót lại, Hòa Vang chen vào, anh ấy có kinh nghiệm 9 năm, ông sẽ cần. Cả bọn cười. Hoàng Trần Cương bảo, Hữu Thỉnh không đuổi anh, tui gọi lão là Bụt. Hoàng Trần Cương có đôi lông mày rất rậm, đặc sắc của Cương, thơ hắn như dao chém đá, chất Nghệ hơn tất cả người Nghệ. Văn Chinh nói át hết mọi người, lão Thỉnh đuổi anh là hợp pháp, hợp lí, không ai chê trách được mảy may, đúng tính đảng, đúng chủ trương đường lối, thế mà lão không, không đuổi, thế mới là Hữu Thỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh, tấm lòng Hữu Thỉnh, con người Hữu Thỉnh. Hóa ra cuộc họp như thế nào ở đây đã biết cả.

Comments are closed.