Tháng ba này hoa gạo…- Tản văn Lê Minh Hà

Tản văn Lê Minh Hà

Gửi Mai Lan

unnamed

Nhà văn Lê Minh Hà

Này tháng nào thì các bà nhà mình làm tương nhỉ?

Quanh năm!
Vậy trí nhớ của mình đã mờ mịt lắm rồi chăng? Sao những ngày này cứ phảng phất quanh mình mùi gió xuân hoa gạo, mùi đồng bãi ngô đậu xanh um, mùi nước sông xưa còn cái lạnh se thịt da người đi bắt hến, mùi khói bếp buổi trưa vờn trên những đống rơm đã bắt đầu sụp chân ẩm hơi xuân, quẩn giữa vòm xoan mới lớn, lá thì xanh mà hoa lại tím cái màu phận bạc? Và từ đó, dậy mùi tương.

 Mấy năm trước có lần về thăm mẹ trên Bất Bạt, rẽ vào chùa Mía, vợ chồng con cái dừng phắt lại giữa sân chùa. Nắng. Óng ả tuôn qua vòm lá chờn vờn trườn trên những cái lưng chum sành ngả màu nửa rêu nửa đất. Hai thằng con hỉnh mũi hít hít ngửi ngửi rồi nhăn mặt. Ông bà thân sinh của hai thằng con cũng hỉnh mũi hít ngửi, rồi nhìn nhau. Mùi gì ấy nhỉ? Mùi đất trong hầm chữ A? Đúng rồi, nhưng còn cái gì chua chua? Hình như còn mốc mốc mặn mặn. Quen quá. Thơm quá.

Á! Mùi tương.

 Ào ạt bao nhiêu năm tháng trở về. Năm tháng của nỗi cô đơn không đúng tuổi thời bom đạn. Năm tháng của những niềm vui giản dị và vô tư lự chỉ đến với trẻ con. Giữa sân chùa thở căng ngực mùi tương, bỗng nhớ bà quá đỗi.

Hình như ngày đó hàng năm vào lúc nắng non hơn nắng tháng sáu này một chút, bà mình làm tương. Nhà dân Hà Nội sơ tán, dẫu gì cũng còn xì dầu nước mắm tem phiếu, bà làm tương là để ăn chơi, nên thường chỉ một cong. Hàng xóm nhà mình thì một dãy chum tương nhỏ thù lù sát bờ rào. Cái cong tương quanh năm đội nón mê đứng đầu sân lặng im dạy được trẻ con bao điều, trước hết là biết thân biết phận đừng nghịch dại. Còn sao nữa! Choang cái gì vào đó mà chum tương vỡ thì cả năm ăn muối, muối có rang lên cho chút mỡ hành thì cũng chỉ thành món cò quay đểu. Giờ nghĩ lại, mới nhớ ra chưa có nhà nào đấu tranh vũ trang với nhau mà mang mấy chum tương ra đập. Các ông mà vác cuốc đứng trấn bên chum tương, đảm bảo các bà lẩm bẩm than thân cũng thôi không dám.

Quê tôi nơi bà đưa chúng tôi về sơ tán làm tương bằng ngô hạt. Ngô tẻ qua bao lần nắng nỏ, dậy màu vàng, cứng như đá. Và đậu tương. Cái món nước chấm này có tên là tương vì thế hay vì gì nhỉ? Nếu vậy, thì thiệt thòi cho ngô quá, chẳng khác đám các bà hàng xóm nhà tôi lấy chồng hôm trước hôm sau là mất tên, đến lúc già khụ rồi có được gọi là cụ thì cũng gọi bằng tên đứa chắt.

Bà đi chợ phiên đã mua về mấy xâu men ở cái hàng “của con mẹ dưới Kinh Đào”, theo lời mách của bà hàng xóm gọi theo tên con gái cả là bà Lúa thay cho tên cha sinh mẹ đẻ là Mạ. Buổi sáng, mở mắt quờ tay không thấy bà, nhảy tót khỏi giường chạy xuống bếp đã thấy chình ình trên bếp một nồi bung to vật tối hôm qua bà vừa tới tận nhà ông Năm Bũm cuối xóm mượn về. Mùi ngô bung thơm cứng cứng. Mùi đậu tương rang bén mình thơm khét khét. Bốc trộm của bà nắm đậu tương rang rồi nhảo ra bến nước, nhìn xuống sông thấy lổng chổng quang gánh nồi bung và bao nhiêu mông đàn bà. Họ đang đãi ngô cho hết mày chuẩn bị làm tương đấy. Có con thuyền đinh khẳm cát ngược nước đi ngang qua. Có người đàn ông quần đùi chân đất gò vai kéo thuyền lựa bước giữa những thúng mủng nồi niêu, đánh mắt lặng im nhìn những mông những lưng đàn bà cúi cúi. Có một đứa trẻ thành phố đứng trên bờ đê, ngón vân vê mấy hạt đỗ rang cuối cùng, hóng ra giữa dòng sông rười rượi nắng có con thuyền vừa đi mất. Khi ấy, tôi đâu đã biết rằng thế là cô đơn.

Bữa trưa ngày làm tương thường bà không thổi cơm. Ngô bung đãi sạch mày ngoài bến sông rồi, đậu xanh xát vỏ đồ kĩ giã nhuyễn nắm thành nắm, hành hoa phi mỡ, bà xúc cho cháu chắt mỗi đứa một bát, rồi bà dùng con dao bài xắt đỗ thành từng lát rất tơi rất mềm, rồi bà rưới mỡ hành. Đứa nào cũng hau háu chờ cái thìa mỡ hành xanh lá bà cầm dùng dằng trên bát mình một chút. Màu vàng mềm mại của đỗ xanh phủ hờ hững trên cái màu vàng mạnh mẽ của những hạt ngô tẻ đã nở hết mình vì được bung kĩ dường như không thật sự hòa nhập với nhau, không giống cuộc phối hôn hoàn hảo của món xôi lúa Hà Nội mẹ dừng xe cho ăn ở bà hàng thường ngồi gốc cây vỉa hè phố nhỏ những ngày chưa xa lắm. Nhưng ngồi tụm với nhau nhai nhẩn nha thì lại có cái ngọt cái bùi riêng, không dễ dãi. Vị bát ngô tẻ bung để làm tương, vị đỗ tương rang của một ngày xa tít nằm rất sâu trong tôi, tôi không hề biết, một buổi trưa giữa sân chùa Mía đột nhiên vùng dậy, làm tôi chao đảo. Thương bao nhiêu ngày xóm nhỏ bên bà.

Mùa ngả tương có những ngày cả nhà toàn mùi tương lên mốc. Bà cuộn chiếu trải cái giường ở gian nhà trái, đặt lên đó nong mốc tương. Thật khó tả cái mùi mốc này, với bà thì là mốc thơm. Nó tỏa trong nhà cửa giả lúc nào cũng thông thống. Nó ám vào chăn chiếu, vào quần áo vừa rút từ sân nắng. Nó thoảng ra tận cổng, nơi con gà thích bới đất dưới gốc chuối thành hũm để vùi mình chờ giai, giai tới lại cục ta cục tác tất tưởi chạy như thể thành tâm lắm.

Tôi không nhớ rõ ràng cái lúc bà cho tất cả vào cong. Đó là một quy trình thủ công đòi hỏi tập trung tinh lực thế nào đó nên bà không cho chúng tôi lai vãng ra hè, nơi bà vừa lom khom bê cái nong mốc ra. Cái cong tương bà đã vợi hết phần còn lại ra một cái vò con rồi rửa sạch phơi khô bà cũng vần ra đó. Rồi đến lúc xong xuôi, bà gọi chú Chấu hàng xóm con bà Lúa qua, nhờ chú ôm cả cong giờ đã đầy một bụng ngô đậu lên mốc với muối ra đặt ở mép sân. Rồi bà lấy lá chuối khô bịt kín miệng cong. Rồi bà úp lên đó cái mê nón rách từ đời tám hoánh nào. Cong tương lù rù đứng đó, nhận vào mình hơi nắng hơi mưa, và tự ngấu.

 Ôi những đứa trẻ Hà Nội vì chiến tranh mà biết mùi vị đời sống nhà quê để mấy mươi năm sau vẫn thấy đấy quê nhà! Có nhớ, và có còn thấy ngon chăng đũa rau lang rau muống rau dền dầm sũng sĩnh trong bát tương mới ngấu?

Tương bà tôi làm thơm dịu, dậy một màu vàng nâu rất lành, loáng thoáng những điểm trắng ngà là cái mày đậu tương còn sót lại. Tương ấy chấm rau dền rau muống vừa mới hái. Tương ấy nấu canh lá khoai lang đời cũ, mà cả rau muống nữa, cho thêm chút gừng. Tương ấy đổ ngập vào niêu cá bà vừa mới mua của thuyền chài lúc sẫm tối, để liu riu trên bếp lửa, đập thêm củ nghệ tươi hay ngon nhất là mấy lá gừng. Bữa trưa mai, bà sẽ chắt nước cá kho tương cho bầy cháu rưới vào bát cơm mậu dịch. Cô láng giềng đi ăn tập đoàn về dúi cho con Hà Nội là tôi gói lá chuối tươi làm phần. Có gì? Miếng thịt nầm, miếng chân giò luộc, dăm ba miếng ba chỉ. Nhà quê làm cỗ thịt chẳng bao giờ thái mỏng, khác kiểu người phố thiếu ăn mà vẫn ưa làm ra vẻ khảnh. Thịt đó, bà cho vào đảo ra hết mỡ, rồi tương, rồi mấy lá hành. Nói thật là thịt mỡ tôi trẻ con háu ăn vẫn chịu, nhưng tương chưng mỡ thì. Ngày giáp tết, nhà dân Hà Nội nhưng vẫn được bà con hợp tác xã thương, chia cho phần cá tát mương. Cá đó bà gửi nhờ hàng xóm nướng giàn bằng lõi ngô, khô cong rồi chờ tới chiều ba mươi mới đổ tương vào kho lại cho thật nục, chan thêm thìa mỡ nước mới rán. Chơi đã đời ngày tết, lúc đói về lục nồi cơm còn nguyên hình bát cơm cúng úp đó, thoảng mùi tàn hương, rồi ăn với cá kho tương. Có quán ngon nào ở đất Việt hôm nay cho được tôi bữa ngon như thế?

Nhà bà Lúa hàng xóm con đàn, gái giai lộc ngộc, năm nào cũng ngả mấy chum tương, đậy bằng cái phẫn sành to như cái đĩa. Tương nhà bà khác tương nhà tôi, màu vàng hơn và cũng mặn hơn. Còn nhớ chú Ba em chú Chấu con bà, da trắng không giống một ai trong nhà dù suốt ngày không ngoài ruộng thì ngoài trại ngỗng, nhiều buổi trưa qua nhà tôi xin tương ăn cơm nguội trong khi nhà chú cũng đầy. Tôi lò dò đi theo hỏi chú tại sao, chú bảo tương bà mày làm kiểu Hà Nội ăn nó ngọt. Chú cầm theo cái muôi to, cẩn thận nhấc cái mê nón đậy chum tương, rút nút lá chuối khô cuộn chặt, chan đẫy tương vào bát ô tô cơm nguội, rồi muôi tương cuối cùng chú sẽ nghiêng người, ngửa mặt dần dần, húp một mạch không dừng y như ông bố húp rượu. Chú cũng sẽ khà một tiếng, y như ông bố. Còn bà ngồi trong nhà nhìn ra, mắt đầy vẻ hỉ hả nhưng miệng lại làu bàu “Ăn như thằng này thì chả mấy ngày cạn mất cong tương nhà mình”. 

Rồi bà cháu tôi về lại phố. Rồi chiến tranh kết thúc. Rồi chú Ba đi bộ đội. Và chú sẽ chết không toàn xác trong ngày bầu cử đầu tiên của một Việt Nam thống nhất khi chú tham gia bảo vệ nơi đặt hòm phiếu. Và chú ở lại mãi trong lòng con bé Hà Nội, tấm lưng trần đẫm nước sông vừa tắm, tiếng khà thỏa mãn khi húp muôi tương bà làm.

 Dòng sông xưa nước trong veo là nơi người xóm nhỏ đãi hến đãi ngô nhân thể đãi tôi đứa trẻ về sơ tán nay thành nơi đổ rác, thả rau muống bè, không ai dám gánh nước về ăn, đến tắm giặt cũng không. Không biết có còn nhà nào ngả tương? Ngờ lắm. Đến cà dưa người ta cũng vác bát ra đầu ngõ mua y như người phố thì ai còn rỗi công làm tương. Bán đầy.

Bán sang cả đất này. Chợ Đồng Xuân ở Berlin có đủ loại tương cà mắm muối. Tôi cũng từng mua, về đổ ngập lên mình con chép năm cân rồi kho. Nhưng mà không ngon. Cá béo quá và tương ngọt quá. Ngờ rằng chẳng phải vì tương này làm từ gạo nếp thay vì ngô như tương bà làm, bởi ngọt vị đường.
Thiếu cái ngọt mộc ngọt thật, thiếu hơi nắng hơi mưa, thứ tương làm quanh năm bán quanh năm theo công nghệ đóng vào chai nhựa không vờn quyến được khẩu vị tôi lâu. Lại nghe cô người quen cái gì cũng biết bảo rằng có chất bảo quản đấy, chai làm từ nhựa tái sinh đấy, chị biết rồi nhựa tái sinh từ… đâm ngại, dẫu vốn là người tham đủ thứ không cứ tham ăn.

Tháng ba này nơi ấy? Hoa gạo đã ngon chưa? Đi dưới nắng nhìn những vòm cây từng ngày phơi phới rồi trầm xanh lại, lại nhớ những đồng bãi ngút ngát màu ngô đậu, những bóng người đầu sông cuối bãi ngoài ngõ trong vườn, âm thầm tất tưởi. Những bóng đàn bà. Họ có còn đất để mà âm thầm tất tưởi nữa không? Hay là vì chồng vì con đã  nhao hết ra ngoài thành phố?

Lại nhớ những món ăn bắt đầu từ ngô đậu qua bàn tay họ.

Từ bà.

Berlin 25. 3. 2014.

Tác giả gửi Văn Việt

 

Comments are closed.