Thằng hủi

Truyện Vũ Ngọc Tiến

VU NGOC TIEN

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

1.

Như đã thành lệ, mỗi lần đi công tác xa về, Phạm Tâm đều ghé qua nhà tôi. Khi bận rộn, anh ào đến bắt tay, thăm hỏi qua loa vài câu, cho quà lũ nhỏ rồi lại ào đi như một cơn gió. Những lúc rảnh rỗi, anh ngồi lỳ ở nhà tôi cả buổi tối. Hai đứa lai rai ấm chè hay chén rượu nói chuyện nhân tình thế thái. Là giáo sư tiến sĩ chuyên nghiên cứu về tâm lý học tội phạm, anh đi thăm nhiều trại giam, gặp vô khối chuyện lạ thuộc đủ các gương mặt trong xã hội thời mở cửa. Nhưng anh cũng am hiểu nhiều lĩnh vực khác nên hễ ai đã ngồi với anh thì khó dứt ra được.

Bạn bè tôi nghe anh diễn giải kinh dịch, bàn về tư tưởng Khổng – Mạnh, Lão – Trang hay Gandhi, E.Kierkegaard, E.Husserl… ai cũng phải gật gù thán phục. Các bà, các cô đến nhà, gặp lúc anh cao hứng bình thơ, phân tích một bức tranh của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái hay hát nhạc Trịnh cứ ngỡ anh là một nghệ sĩ lớn. Riêng tôi không hiểu vì sao, thường chờ đợi nghe những mẩu chuyện về thân phận người mà anh mang về từ các trai giam xa xôi, hẻo lánh.

Lần này Tâm đến tôi, người ướt như chuột lột. Hai nhà cách nhau hơn mười cây số, có lẽ cơn mưa đầu hạ đã đuổi theo anh dọc đường. Cơn mưa mỗi lúc một to, đường phố ngập đầy nước, cuộn chảy như một dòng sông nhỏ. Tôi và Tâm im lặng ngồi nghe mưa gõ bồm bộp lên mái tôn, đếm từng giọt thời gian tí tách rơi trong tách cà phê. Bỗng anh thở dài, mắt đăm chiêu nhìn lên mái nhà đang cuộn bay những mành tơ khói thuốc màu xanh…

– Có gì mà buồn vậy, triết gia? – Tôi hỏi

– Buồn gì đâu. Mình đang nghĩ về một loại tù đang ngày một đông ở các trại giam mà sởn gai ốc.

– Thế ư, có gì lạ nào?

– Gần đây, trong các trại giam có khá đông phạm nhân có chức quyền, học hàm học vị hẳn hoi mà nhân cách có khi không bằng lũ trộm cướp đĩ điếm, mới lạ, cậu ạ!

– Có lẽ dưới con mắt của cậu những kẻ mang áo số không còn có ai tử tế nữa. Cậu giống như ông bác sĩ nhìn vào đâu cũng thấy vi trùng.

– Đừng nghĩ oan cho mình. Trong số họ, mình biết có người nhất thời lầm lỡ, nhưng có những thằng cả đến bọn lưu manh chuyên nghiệp cũng không tiêu hóa nổi.

– Số đó chắc không nhiều?

– Giời ơi, rất nhiều mới tởn chứ! Hình như chúng nó đã đánh cắp quyền lực từ đời ông đời bố, mới thật nhục dân hại nước.

Tâm dụi điếu thuốc vào gạt tàn, khẽ thở dài nâng ly cà phê lên nhấm nháp. Tôi thấy anh có vẻ suy tư nghĩ ngợi nên im lặng nhìn anh không nói. Hồi lâu Tâm bắt đầu kể, giọng anh trầm hẳn xuống.

Mình vừa đi trại giam Ấm Thượng về. Ở đó chừng một tháng, mình phát hiện ra một thằng hủi. Hắn có tên họ, chức vụ, học hàm học vị hẳn hoi, nhưng hết thảy phạm nhân đều gọi hắn là thằng hủi, ngay từ ngày hắn bị tạm giam ở Hỏa Lò, chờ thụ lý điều tra và xét xử. Các phạm nhân kể rằng, suốt bốn tháng tạm giam chẳng ai thèm bắt chuyện với hắn. Họ xa lánh ghê tởm tới mức không ai chịu ngồi ăn cùng mâm với hắn. Tới bữa ăn hắn thui thủi mang suất ăn của mình vào một góc buồng giam nhai nhồm nhoàm như chó đói. Người ta bình phẩm đặt vè từng động tác nhai cơm húp canh của hắn. Thức ăn gia đình gửi vào cho hắn đủ thứ thịt rang, muối lạc, cá kho, tiêu ớt… Hắn giấu kỹ dưới đống chăn màn to lùm lùm và không bao giờ mang ra vào bữa ăn. Đợi cho mọi người ngủ trưa hắn mới lôi ra thu thu, giấu giấu, bỏ từng miếng vào mồm nhai lúng búng. Giữa đêm khuya, mọi người đang nằm im lặng, hắn mò dậy lấy bánh quy, lương khô hay mì ăn liền nhai lục cục, rau ráu khiến nhiều lần tù trật tự của buồng giam vùng dậy đạp cho hắn mấy cái vào bụng vãi cả đái. Lật mép chiếu của hắn, người ta thấy bừa bộn từng nắm đóm hút thuốc bằng giấy bọc quà hay vỏ mì tôm. Ngồi tù không mấy ai không thèm thuốc lào, nhưng đố ai hết thuốc xin nổi hắn một điếu bằng cúc áo sơ mi. Mỗi lần hút thuốc, hắn luồn tay xuống chiếu vê một điếu nhỏ rồi lấy đóm, xách điếu vào phòng vệ sinh hút vội hút vàng, có khi ho sặc sụa làm nước điếu bắn tung tóe cả bệ xí và hắn lại được tù trật tự nện cho nhừ tử. Kem đánh răng, xà phòng giặt hắn không thiếu, dư thừa là đằng khác, nhưng hễ ai để quên trong nhà tắm, ngoài bể nước là hắn vơ vội lấy dùng, còn của mình thì găm cạp quần, túi áo để dành lần sau.

Vì không ai trong phòng giam hỏi chuyện nên suốt ngày hắn như một thằng câm. Nhiều lúc phạm nhân ngồi tán với nhau, có lẽ sau mấy năm ngồi tù hắn quên cả tiếng nói của loài người…

Khi đã thành án, hắn được đưa về trại Ấm Thượng. Người ta xem hồ sơ, chiếu cố đến tuổi tác và quá trình cống hiến, cho hắn được đặc cách ra làm nấu bếp ở phân trại A. Chỉ qua vài tuần, quản giáo lên báo cáo lãnh đạo, suốt ngày hắn bị tù trưởng bếp đánh vì tội ăn vụng và đề nghị trả lại buồng giam. Ông giám thị lại xuống lệnh cho hắn ra khu đầm Ao Châu, phiên chế vào đội chăm sóc các đồi trồng vải thiều. Số vải thiều hôm nay mình mang về làm quà cho các cháu không biết chừng có túm do ông tiến sĩ, phó viện trưởng một viện nghiên cứu chuyên ngành hái cũng nên…

Kể đến đây, Tâm mỉm cười lắc đầu chua chát. Tôi nghe chức danh của gã phạm nhân cảm thấy ngờ ngợ, nhưng chưa tiện hỏi. Ngoài trời mưa vẫn chưa ngớt. Tôi gợi ý:

– Mưa còn to lắm. Có lẽ kéo dài đến hết đêm. Cậu ngủ lại đây với mình cho khỏe.

– Cũng được, nhưng để mình gọi điện cho bà xã yên tâm.

Đêm ấy chúng tôi nằm gác chân lên nhau tán dóc đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tâm rủ tôi đi chơi trại giam với anh mấy ngày để thay đổi không khí. Anh nói:

– Thỉnh thoảng cậu phải rời cái ổ chuột này, quên đi những chồng sách và đi dã ngoại dăm ba ngày cho dãn gân, nở phổi. Lần này lên trại, mình sẽ nghĩ cách đưa cậu đi ca nô ngắm đủ 99 con lạch, leo đủ 99 quả đồi của đầm Ao Châu. Các phạm nhân sắp mãn hạn tù, cải tạo tốt hoặc trong diện ưu tiên mới được đưa đến đây làm việc. Nước sông công tù, cậu sẽ chết mê vì những đồi chè xanh mướt và những đồi vải thiều đỏ rực đang mùa trái chín.

– Nghe cậu tán mình đã thấy khoái, ngại nỗi đang phải viết dở một chương quan trọng cho đề tài nghiên cứu sắp nghiệm thu.

– Thôi đi bố trẻ. Tham công tiếc việc vừa thôi. Độ này xem cậu gầy và xanh lắm. Hết đề tài nọ, đề án kia mà rách vẫn hoàn rách. Đã đến lúc cậu phải nghĩ đến việc lo cho mình, cho vợ con. Cậu mà cứ nghèo kiết xác thế này mãi thì người hận cậu, oán cậu đầu tiên là bà xã nằm trong phòng kia kìa.

– Biết vậy, nhưng đành “an bần nhi lạc” chứ còn cách nào khác.

Tâm nghe nói tủm tỉm cười, mắt lơ đãng nhìn lên đỉnh màn nói bâng quơ, nhát gừng:

– “An bần nhi lạc”…, hay thật!… Chẳng bù cho cái thằng hủi trên trại giam… Mà thôi, quyết định nhé… Hễ xin được giấy phép, mình sẽ lôi cậu đi giải lao ít ngày, nhân thể làm quen với ông bạn trí thức trên đó. Cậu hãy quan sát hắn và cho mình vài nhận xét thật khách quan…

tên

Vài ngày sau, Tâm đưa xe đến đón tôi cùng anh đi ăn sáng ở quán gà tần Cây Si nổi tiếng ở đường Tống Duy Tân rồi lên trại giam. Ngồi xe, anh vui vẻ nói:

– Từ nay mỗi lần đi dã ngoại mình sẽ tranh thủ lôi cổ cậu ra khỏi bàn viết. Ngồi mãi như thế nó mụ người ra. Bà xã của cậu hiền thật đấy. Thời buổi bây giờ, nếu mình là bà ấy sẽ ra ngấm vào nguýt vài lần một ngày cho cậu động não làm giàu mới phải.

Cứ thế, chúng tôi râm ran tán chuyện suốt dọc đường từ Hà Nội lên ga Ấm Thượng. Đến nơi, Tâm nhao đi liên hệ các thủ tục loáng cái đã xong. Anh như người nhà của cả ban giám thị vậy. Khoảng đầu giờ chiều, cơm nước xong anh xin bám càng ông giám thị trên chiếc ca nô, đưa tôi đi thăm các đồi vải thiều trong đầm Ao Châu. Đến một quả đồi, khi ca nô vừa cập bến đã nghe tiếng huyên náo từ phía bụi rậm sau khu lán tranh của phạm nhân. Tâm gọi cán bộ quản giáo quen cũ và hỏi:

– Chuyện gì mà ầm ĩ thế hở ông bạn?

– Lại chuyện thằng hủi ấy mà.

– Thằng hủi… Thằng hủi làm sao thế? – Tâm nheo mắt nhìn tôi ra hiệu.

– Bọn Hùng sẹo đánh thằng hủi.

– Có dữ đòn, có đau lắm không?

– Đang chẻ lạt cho mọi người túm vải giao cho khách hàng nó xin phép đi vệ sinh rồi lỉnh vào bụi ngồi ăn vụng vải. Bọn Hùng sẹo hết lạt đi tìm, thấy hắn tụt quần ngồi chồm chỗm giữa bụi rậm, phân không thấy chỉ thấy đống vỏ và hột to như mả thằng ăn mày.

– Các anh là quản giáo để cho họ đánh đập nhau, đứng làm tượng à?

Ông giám thị thấy có tôi là người lạ, bực mình quát to, làm anh quản giáo luống cuống thanh minh:

– Báo cáo, chúng tôi đang dẹp thì anh đến. Vả lại tụi Hùng sẹo có đánh nó cũng không oan. Hụt năng suất, tổ của Hùng sẹo sẽ bị trừ tiền thưởng. Vải đang chín rộ, chậm thu hoạch là hỏng.

– Gọi tất cả tổ đến gặp tôi.

Ông giám thị đanh mặt ra lệnh. Từ phía lán một toán chừng ba mươi phạm nhân, đa số còn rất trẻ, thất thểu bước ra. Đi sau cùng là một gã chừng ngoài năm mươi, tóc hoa râm, mặt mày thâm tím, môi rách máu chảy ròng ròng, quần áo bê bết đất trông rất thảm hại. Tôi sững người nhìn hắn hồi lâu. Không lẽ đây chính là Hoàng Văn Đợt, sếp cũ của mình. Hình như hắn cũng nhận ra tôi, cúi gằm mặt, hai mắt láo lơ nhìn đi nơi khác.

– Chúng cháu chào Ban! – Đám phạm nhân đồng thanh chào ông giám thị.

– Anh nào đánh phạm nhân Đợt bước ra khỏi hàng năm bước.

Lệnh vừa phát ra, Hùng sẹo và mấy người nữa bước lên phía trước. Đứa nào đứa nấy mặt tái đi vì sợ hãi.

– Các anh có biết mình sắp mãn hạn giam không?

– Dạ thưa Ban nhớ ạ.

– Đến lúc này mà thú tính trong con người các anh vẫn chưa hết à?

– Thưa Ban, chúng cháu vẫn nhớ. Chúng cháu lao động hết mình… Nhưng hôm nay chúng cháu ức quá. Chúng cháu lỡ phạm kỷ luật, xin Ban tha cho.

Hùng sẹo lắp bắp nói. Hai mắt hắn ngây dại nhìn ông giám thị. Ông nhìn lại hắn, im lặng hồi lâu rồi bảo với Hùng sẹo:

– Anh có tiến bộ nhiều, tôi biết. Nhưng kỷ luật là kỷ luật. Anh Hùng sẽ bị cùm chân biệt giam năm ngày, các anh khác phạt lao động thêm mỗi ngày ba tiếng đến hết vụ vải. Tất cả nghe rõ chưa?

– Thưa Ban rõ.

– Chấp hành ngay đi! Anh Đợt ở lại tôi gặp một lát.

Họ tản đi hết, còn mình Đợt đứng lại trông thảm hại như con gà rù gặp mưa. Tôi không ngờ ông phó viện trưởng ngày xưa bây giờ ra nông nỗi này. Bên tai tôi văng vẳng tiếng đay nghiến của ông giám thị.

– Tôi rất thông cảm anh là người có tuổi lại nhiều chữ, nhưng anh làm phiền cho tôi quá. Những đứa như Hùng sẹo chỉ bằng tuổi con anh mà chúng khinh anh như mẻ thế này còn ra thể thống gì nữa. Rõ nhục vì miếng ăn! Thôi, ra bến rửa mặt rồi đi làm… Các anh quản giáo nhớ canh chừng không cho họ đánh nhau.

Ông giám thị đi xa rồi, tôi vẫn còn tần ngần nhìn theo bóng Đợt lủi thủi bước lên đồi. Lòng tôi man mác một nỗi buồn.

Cơm tối xong, tôi và Tâm ngồi uống cà phê. Thấy tôi bỗng trở nên lầm lì ít nói, Tâm lườm tôi, hỏi tới tấp:

– Sao?… Chuyện gì thế? Chưa đi được một ngày đã nhớ nhà hay tiếc việc hở bố trẻ? Muốn về à?…

– Mình thấy buồn và ngao ngán cho sự đời lắm cảnh éo le.

– Vì sao thế?

– Đợt đã từng là bạn học của mình thời sinh viên, đã từng là thủ trưởng cấp trên trực tiếp của mình.

Tâm ớ người, vỗ trán reo lên:

– Chết cha tôi rồi. Trong lý lịch ghi hắn đã từng là phó tiến sĩ địa vật lý cùng ngành với cậu. Năm 80, hắn mới chuyển sang làm phó ban kiến thiết cơ bản thành phố rồi sau đó làm phó giám đốc sở nhà đất… Toàn chỗ béo bở, chữ ký vẽ ra tiền. Trước khi về hưu, hắn khoắng một mẻ đất cát lớn lắm. Nghỉ hưu được hai năm, hắn lại nổi máu làm giàu, chung vốn với mấy ông chủ buôn lậu ô tô sang biên giới phía bắc và bị bắt vì những chiếc ô tô đó là của bọn ăn cắp ở bên Campuchia tuồn sang Việt Nam.

– Đến bây giờ mình mới hiểu từ quản giáo đến phạm nhân đều gọi hắn là thằng hủi, thật không oan.

– Chắc cậu có nhiều kỷ niệm về hắn. Mình cam đoan nếu có cũng chẳng vui gì.

– Vui thì không rồi, nhưng khôi hài đến chảy nước mắt thì có.

– Mình đang có đề tài nghiên cứu về nguồn gốc sâu sa của tội phạm tham nhũng, buôn lậu. Cậu hãy kể về hắn cho mình nghe, biết đâu lại chẳng có một vài gợi ý hay hay.

Nghĩ cũng oái oăm, lúc đầu Tâm rủ tôi lên trại tù để tiêu dao và xem mặt thằng hủi trí thức, cuối cùng tôi lại là nhân chứng cung cấp thông tin cho anh trong đề tài nghiên cứu tội phạm.

3.

Năm 1966, do loạn cách mạng văn hóa bên Trung Quốc nên tôi về nước tiếp tục học ngành địa vật lý ở khu sơ tán. Trong lớp tôi có một sinh viên tên Hoàng Văn Đợt, nhưng sinh viên cùng khóa gọi hắn là khỉ đột. Đợt có dáng người tạm gọi là dễ coi. Hắn cao to, da trắng trẻo, mắt một mí, mặt tròn như cái đĩa, miệng quả quýt. Giọng nói của hắn ỏn ẻn như đàn bà. Quê hắn ở vùng Bảo Lạc Cao Bằng. Vùng này thuộc lãnh địa cát cứ lâu đời của dòng họ chúa đất Hoàng Đình Tân, Hoàng Đình Tuyên. Dưới quyền cai trị của dòng họ nhà chúa, xã hội vùng này chia ra nhiều đẳng cấp, trong đó có hai đẳng cấp được liệt vào hạng thấp hèn.

Lục Rướn nghĩa đen là đứa con trong nhà chúa. Họ xuất thân là những người ngụ cư chạy khỏi chúa cũ đến nương nhờ sự che chở của chúa đất họ Hoàng. Họ cũng có thể là nông dân tự do trong công xã mắc nợ bị chúa đất bắt làm Lục Rướn. Họ buộc phải làm ruộng, cày cấy không công cho chúa đất, và không có quyền tham gia các buổi lễ hàng phủ, hàng châu. Lục Rướn chỉ có quyền lấy lẫn nhau. Nếu ai muốn lấy vợ đẳng cấp khác phải nộp cho nhà chúa hai đồng bạc trắng. Đẳng cấp này tuy thấp hèn nhưng vẫn còn nhân cách. Họ bị sa xuống những đẳng cấp thấp hèn vì những hoàn cảnh éo le bất khả kháng.

Lục Khởi nghĩa là đầy tớ. Đẳng cấp này gồm toàn loại gái lăng loàn chửa hoang; kẻ có tội nặng đáng chém, sợ chết xin tình nguyện là lục khởi; kẻ thông dâm khi còn để tang bố mẹ; kẻ loạn luân… Loại người này đã bị loại ra khỏi cộng đồng công xã, bị tước khỏi quyền làm người ở công xã và phải làm tôi tớ cho nhà chúa hết đời.

Bố của Hoàng Văn Đợt thuộc đẳng cấp lục khởi. Ông ta mắc tội loạn luân với mẹ kế của cha mình. Bị bắt quả tang trên nương nên phải chịu bốn mươi roi đuôi trâu và làm lục khởi cho nhà chúa. Vì xác người to lớn, lực lưỡng lại nhanh nhảu mồm miệng nên ông ta được các cô con gái nhà chúa có cảm tình. Thời ấy các cô con gái nhà chúa bị cấm cung, không cho tiếp xúc với người ngoài dòng họ chúa. Đòi hỏi sinh lý khiến các cô sinh hư. Cô nào cũng chọn cho mình một anh lục khởi. Dân gian trong vùng truyền tụng câu nói: “Giác khẩu pây rướn phi, giác hy pây rướn qoắng”. Nghĩa là: Đói cơm đến nhà đám, đói gái đến nhà quan.

Ông bố của Đợt có số đào hoa, được cô con gái út nhà chúa chấm ngay từ hôm đầu. Ông không phải làm việc nặng nhọc mà chỉ nấu ăn trong bếp và dắt ngựa theo hầu cô út mỗi khi có việc ra khỏi nhà. Đến quãng đường vắng, cô chủ buồn tình thì ông ta có nghĩa vụ thỏa mãn nhu cầu không chút đắn đo, khách sáo. Nếu có lần nào ông bị quản gia đánh đập đều do tội hay ăn vụng trong bếp. Thường ngày ông hay được cô út bênh vực, cưng chiều ra mặt.

Số phận ra đời của Hoàng Văn Đợt được quyết định bởi một tai họa của ông bố. Thời ấy vùng Bảo Lạc còn lưu hành tục “đêm đầu”. Theo đó các cô gái, tất nhiên chỉ là những cô xinh đẹp vừa mắt chúa đất, trước khi về làm dâu phải đến hầu hạ chúa năm ngày để học “Khem mẩy rướn quan”, nghĩa là học kim chỉ nhà quan. Cô nàng Hạnh Đào nổi tiếng đẹp và lẳng lơ trong vùng. Cô đến học “Khem mẩy rướn quan”, chưa kịp hầu hạ chúa đất đã bị anh chàng lục khởi dẻo mồm “xơi tái” trước. Chuyện bị vỡ lở, sợ bị tội chết, ông ta bỏ trốn đi biệt tích. Nàng Hạnh Đào mắc tội chửa hoang nên phải làm lục khởi thay ông, chịu bao khổ nhục. Hoàng Văn Đợt là kết quả lần ăn vụng lớn nhất của bố tác thành.

Năm 1950, bộ đội mở chiến dịch Cao – Bắc – Lạng giải phóng Cao Bằng. Ông bố của Đợt theo đoàn dân công hỏa tuyến chỉ có mục đích hôi của nhà quan và các đồn binh Pháp. Tuy vậy, nhờ sự nhanh nhẹn, lém lỉnh lại thuộc thành phần lục khởi rất cơ bản nên ông được làm chủ tịch xã. Thời cuộc biến đổi khôn lường. Từ một anh lục khởi vì mắc tội dâm loạn, ông ta ngẫu nhiên làm vua một xứ, tác yêu tác quái chẳng khác gì chúa đất ngày xưa. Hoàng Văn Đợt giấu biệt xuất thân lục khởi của bố. Lợi dụng mình cùng họ với chúa đất Hoàng Đình Tân, hắn thêu dệt một tiểu sử cho bố mình rất huy hoàng: Xuất thân từ dòng họ quý tộc nhà chúa, bố hắn đã sớm giác ngộ cách mạng, đoạn tuyệt với giai cấp mình, đi theo tiếng gọi của thiêng liêng giải phóng dân tộc, cứu dân cứu nước. Ông đã từng làm giao liên cho cán bộ cấp cao. Khi giải phóng, nhân dân tín nhiệm bầu ông làm chủ tịch xã!…

4.

Thời tiền sử, vượn tiến thành người phải đợi hàng vạn năm tiến hóa, còn thời hiện đại ở xứ ta thì sao?… Thì ra Đợt chỉ mất hai năm đói khổ, rách rưới khi còn ở với mẹ làm lục khởi cho nhà chúa. Bố lên làm chủ tịch, hắn sống như cậu ấm con quan ngày xưa. Hắn được lên tỉnh học hết cấp ba, rồi đi học đại học cùng khóa với tôi. Trong lớp có một sinh viên cùng quê với Đợt nên tôi biết rõ lai lịch của hắn. Sự tích cái tên khỉ đột của hắn cũng khá là ngẫu nhiên từ một chuyện đùa theo kiểu nhất quỷ nhì ma, thứ ba là… sinh viên.

Ở quê nhà, bố mẹ Đợt đã tìm cho hắn một cô gái khá xinh. Hai anh chị đã đi lại mấy năm và gia đình đã chuẩn bị lễ cưới. Vào đại học, tiếp xúc với các sinh viên gốc thành phố, hắn sớm quên mối tình với cô gái sơn cước. Hắn theo bạn bè lân la mò sang khu sơ tán trường y tán đổ một cô sinh viên y khoa gốc quê Hải Phòng. Cô này là con một bà mậu dịch viên ở cửa hàng bách hóa thành phố, cái nghề béo bở nhất thời ấy nên gia đình khá giả và cô rất được nuông chiều. Cô không biết thêu ren nhưng rất thích mặc đồ lót có thêu hoa, đính riềm đăng ten. Đợt rất muốn tặng người yêu theo đúng sở thích. Tiền hắn không thiếu, nhưng từ khu sơ tán về Hà Nội đường đi hắn còn không thuộc, nói gì đến việc tìm mua đồ lót thêu hoa cho phụ nữ. Gửi bạn gái mua hộ hắn sợ ngượng.

Lớp sinh viên của tôi sơ tán về vùng quê Hà Bắc. Sau nhà bà chủ của Hoàng Văn Đợt là nhà có hai cô gái cùng lớp ở trọ. Một cô tên Thành là con gái phố Hàng Gai thêu, đan, móc ren rất giỏi. Thỉnh thoảng cô lại phàn nàn với bạn bè, kêu mình bị mất đồ lót chỉ vừa mới dùng lần đầu. Khi cô thấy mất chiếc quần lót thêu hoa hồng trắng, lúc mất áo lót thêu cành mai vàng… Cô nghĩ là lũ trẻ con bà chủ nhà lấy trộm. Sau cô phát hiện thủ phạm là Hoàng Văn Đợt. Tuy vậy, cô chỉ nghe nói Đợt mang tặng người yêu bên trường y những thứ giống hệt của mình mà chưa hề bắt được quả tang. Cô không dám nói ra, chỉ ngấm ngầm bực tức.

Một lần bên nhà bà chủ của Đợt có con chó cái đẻ một lứa năm con trông rất ngộ nghĩnh, dễ thương. Chúng thường hay chạy sang nhà sau nô đùa trước sân. Bọn sinh viên chúng tôi nam cũng như nữ đều thích nghĩ ra những trò đùa ma quỷ phải chịu thua. Lần ấy, Thành và cô bạn nảy ra ý chơi khăm Đợt. Hai cô vào lục tung ba lô, chọn ra những thứ đồ lót thêu hoa thật đẹp. Mỗi chú chó con được các cô quàng lên cổ một chiếc đồ lót thêu hoa đủ kiểu sặc sỡ, đẹp mắt. Xong xuôi đâu đó hai cô luộc khoai mời sinh viên nhà bên sang chơi cùng ăn. Khi Hoàng Văn Đợt vừa bước vào cổng, lũ chó nhận ra người quen thi nhau chạy lại vẫy đuôi mừng tíu tít. Hắn nhìn đàn chó, mặt nhăn nhó đến thảm hại như khỉ nhai gừng. Cái tên khỉ đột bắt đầu phát sinh và lưu truyền từ ngày ấy.

Tâm đứng dậy, đi về phía tủ tìm chai rượu tắc kè. Tay trái anh ôm ngang bụng, hắt hơi, cười rũ. Tôi ngồi chờ anh, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài sân, trong lòng rộn lên bao kỷ niệm của thời sinh viên sơ tán. Đêm đã vào khuya. Trời im gió. Ánh trăng soi chếch mấy tàu lá cọ bên sườn đồi. Không gian bốn bề vẳng tiếng côn trùng, ếch nhái gọi mời những cơn mưa đầu hạ. Tâm đã quay lại ghế ngồi, gẩy gẩy ngón tay cái mở nút chai rượu một cách điệu nghệ. Anh rót đầy một chén tống đẩy về phía tôi và nói:

– Uống chén rượu đã bố trẻ. Nghe mãi chuyện thằng khỉ đột ấy tớ cười đến thắt ruột mà chết mất thôi.

– Cậu nghĩ thế nào về thằng khỉ đột bố? – Tôi hỏi.

– Chuyện ấy thì rõ rồi: Từ yêu cầu trung thành với giai cấp vô sản nảy sinh ra cái chủ nghĩa thành phần. Thừa dịp này ối thằng khỉ đột bố đã len lỏi vào hàng ngũ quan cách mạng. Đáng tiếc!… Mà thôi… Cậu kể tiếp đi…

5.

Vào thời kỳ những năm 1960, đối với giới trí thức chúng tôi quan trọng nhất là thành phần Gia đình. Hoàng Văn Đợt tập trung đầy đủ các tiêu chuẩn của đối tuợng ưu tiên hàng đầu. Thành phần gia đình lục khởi, bố làm chủ tịch xã lại là dân tộc ít người. Ba lá bùa hộ mệnh ấy đã che chở cho hắn suốt bốn năm học đại học. Người ta “bốn năm là tám kỳ thi, một kỳ đồ án còn gì là xuân”. Riêng hắn bốn năm mười sáu kỳ thi mà vẫn như con lươn bò qua hết năm này năm khác và cuối cùng nhận mảnh bằng tốt nghiệp loại khá. Trong trường đại học rất hiếm có trường hợp thanh niên được kết nạp vào đảng. Ông bí thư đảng ủy của trường là Hoàng Minh, vốn là đại tá trong quân đội chuyển sang, quê ở Cao Bằng có quen ông bố của Đợt. Năm thứ tư đại học, trước khi đi thực tế làm luận án tốt nghiệp, hắn được long trọng kết nạp vào đảng nhân kỷ niệm “ba ngày lễ lớn”. Hành trang chuẩn bị ra trường của hắn thật là lý tưởng khiến chúng tôi phải mơ ước.

Ra trường được hai năm, vì có thẻ đảng viên nên Đợt được đề bạt là trưởng phòng nghiên cứu khoa học, cấp trên trực tiếp của tôi tại một viện nghiên cứu lớn. Vận may cứ liên tiếp đến với Đợt. Ông viện trưởng của tôi có một cô con gái học kinh tế kế hoạch, người cứng như thanh củi tạ, da màu chì, giọng khàn khàn như vịt đực. Cô ta yêu Đợt tha thiết. Cô không giấu diếm tình cảm của mình nên cả viện đều biết. Anh trưởng phòng Đợt tính toán thấy đây là cơ hội hiếm có nên vội nhạt tình ngay với cô bác sỹ năm nào từng chết mê chết mệt, tặng nàng đồ lót thêu hoa. Đợt nhận lời đi chơi công viên với cô con gái ông viện trưởng. Họ quen nhau vẻn vẹn có ba tuần thì làm lễ cưới. Lý do rất đơn giản là phụ nữ cần cưới chồng trước lúc ra trường để có cớ xin nhận công tác ở Hà Nội. Sau đám cưới là cuộc liên hoan của phòng nghiên cứu khoa học tiễn trưởng phòng Đợt đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô.

Cánh trí thức chúng tôi thời đó thừa biết mười anh đi nghiên cứu sinh có tới sáu bảy anh có bằng phó tiến sỹ “đơ-ru-zơ-ba” nghĩa là phó tiến sỹ hữu nghị. Mấy ông giáo sư, viện sỹ Nga rất thương học sinh Việt Nam đau khổ vì chiến tranh; vì tình hữu nghị Việt – Xô, lại nể vì anh ta biếu mấy bức tranh sơn mài thủy mạc phương Đông, nên đã chiếu cố cấp cho cái bằng phó tiến sỹ rất là hữu nghị. Đối với dân trí thức, có thể giấu âm mưu thủ đoạn, che đậy nhân cách chứ không ai có thể giấu dốt. Dẫu sao khi về nước, với học vị phó tiến sỹ khoa học, lại là đảng viên nên ông bố vợ yêu quý có đủ lý do để đề bạt hắn lên làm phó viện trưởng với danh nghĩa bồi dưỡng cán bộ trẻ. Có chức mà không có trách thì ai làm quan chẳng được. Viện phó chưa phải là to. Tất cả nấp dưới chiêu bài tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, sai lầm có tập thể gánh.

Mỗi lần tiếp xúc với đồng nghiệp nước ngoài là giáo sư, tiến sĩ, nếu họ chuyên về Seismic (địa chấn) thì Đợt nói hắn chuyên về Graviatation (trọng lực) hay thăm dò phóng xạ. Gặp người chuyên môn về trọng lực thì hắn lại nhận mình chuyên về địa chấn hay điện đo sâu. Không biết hắn có cảm nhận được gì, nhưng chúng tôi đều hiểu và thấm thía hết cái đưa mắt cám ơn rất lịch thiệp của vị đồng nghiệp nước ngoài…

Hàng năm viện có đề tài nghiên cứu nào lớn, quan trọng hắn đều vơ lấy làm chủ nhiệm. Cỡ như tôi chỉ là phó chủ nhiệm quyền rơm vạ đá. Khổ nhất là đám kỹ sư trẻ miệt mài đọc sách, đi lăn lộn thực tế cho ông chủ nhiệm hưởng danh, cuỗm lợi. Trong tất cả mọi thứ chiếm đoạt ở đời này thì dã man và đê tiện nhất là chiếm đoạt chất xám. Tuy nhiên tôi vẫn thường an ủi lũ trẻ rằng hắn cần danh lợi, còn chúng ta cần công việc suôn sẻ. Có ông viện phó làm chủ nhiệm nếu cần xin người, xin vật tư sẽ dễ hơn. Nếu phải đi công tác lấy tài liệu thực tế, khi về thanh toán, chúng tôi đưa hắn ký trước sẽ đỡ bị các ông bà phòng tài vụ bẻ hành, bẻ tỏi. Nói cho sòng phẳng theo kiểu cơ chế thị trường thời mở cửa là đôi bên cùng có lợi.

Tôi ngừng kể vì thấy Tâm thở dài, lắc đầu tỏ ý không muốn nghe tiếp. Anh rót đầy một chén tống rượu tắc kè và uống cạn một hơi. Trán anh lấm tấm mồ hôi, cặp lông mày nhíu lại. Mắt anh nhìn sâu vào góc nhà, thoáng bợn lên chút bụi sương mù của ưu tư, phiền muộn. Nom bộ dạng anh tôi cảm thấy hoang mang chưa biết bạn mình đang nghĩ gì. Anh buông thõng một câu.

– Hóa ra đám trí thức ở viện của cậu toàn một lũ hèn.

– Hèn là hèn thế nào? – Tôi ngơ ngác nhìn Tâm và hỏi.

– Chứ không hèn à? Sĩ khí các người để đâu hết cả rồi? Nhét cho đầy bụng chữ mà hóa ra không bằng mấy ông thợ cày. Giương mắt nhìn một thằng hủi, thằng khỉ đột chui vào hàng ngũ trí thức thì dũng khí các cậu ở đâu? Để cho thằng hủi ấy ngang nhiên làm khoa học trên lưng bạn bè, cộng sự của mình, thử hỏi lương tâm nghề nghiệp các cậu cất vào túi to, túi nhỏ nào rồi?

Thấy tôi không trả lời chỉ tủm tỉm cười một mình, Tâm càng tức sôi lên. Anh chỉ tay vào mặt tôi nói gay gắt:

– Cả cậu nữa, cậu cũng là một thằng hèn. Mấy mươi năm bè bạn với nhau, hôm nay mình mới vỡ lẽ cậu cũng hèn đớn, tầm thường như mấy thằng trí thức rởm khác.

– Cậu lên án mình thật đấy à? – Tôi hỏi, mặt tỉnh queo.

– Tha phạt cậu còn là may. Vì cái hèn ấy của các cậu mà bây giờ chúng tớ thêm nỗi nhọc lòng, vất vả nghiên cứu. Trại giam khỉ ho cò gáy này liệu còn phải đón thêm mấy chục hay mấy trăm thằng hủi xuất hiện trong đề tài của tớ nữa đây?

– Cậu lên những nơi rừng hoang suối vắng này nhiều chưa? – Tôi nhẩn nha hỏi lại.

– Nhiều. Mỗi năm vài chuyến.

– Chắc cậu đã chứng kiến nhiều cơn lũ nước?

– Ừ, kinh khủng lắm!

– Trên đường cơn lũ đi qua, cây to hàng chục người ôm nó cũng nhổ phăng, cuốn đi tơi tả. Chỉ có mấy bụi cỏ gai đứng nép ra bên mép bờ nước là an toàn đứng đọi ngày lũ tan, nắng ấm. Vào cái thời ấy, chúng tớ chỉ có cách làm bụi cỏ gai nọ, cam chịu tiếng hèn mới tồn tại nổi đến hôm nay chứ bỡn.

– Ngụy biện. Đấy là giọng lưỡi ngụy biện của bọn người lắm chữ các cậu. Tớ không tin…

– Cậu không tin cũng được, nhưng hãy cứ bình tĩnh nghe thằng bạn nối khố của mình kể tiếp.

6.

Thấy Tâm đã im lặng, nở một nụ cười hình thoi, tôi nhẩn nha mồi thuốc, thủng thẳng kể nốt đoạn chót câu chuyện thằng hủi và cũng là một cơn tai bay vạ gió của mình… Ngoài đầm Ao Châu tiếng chim cuốc kêu, gọi một mùa vải chín ngọt. Xa xa con sông Hồng ầm ào vỗ sóng, cuồn cuộn đổ về xuôi. Tôi vừa kể chuyện vừa ngắm đôi vành tai như tai Phật của Tâm, cảm thấy lòng ấm lại, dù phải kể một chuyện buồn. Cuộc đời đâu chỉ có những thằng hủi, thằng khỉ đột. Tôi còn có Tâm và bao người bạn khác nữa.

Vụ bê bối năm 1978-1980 không ai trong viện có thể quên ông phó giáo sư, phó tiến sĩ, phó viện trưởng Hoàng Văn Đợt. Chuyện kiện cáo xảy ra kéo dài hơn hai năm, ầm ĩ lên tới tận trung ương. Miền Nam vừa giải phóng, Nhà nước cần thẩm định lại triển vọng dầu khí ở thềm lục địa và đồng bằng Sông Cửu Long. Ngành địa vật lý được coi là mũi nhọn đi đầu trong công tác này.

Đoàn công tác thăm dò địa vật lý chúng tôi trong khí thế hào hùng của dân tộc hăm hở vào miền Nam công tác. Chúng tôi xông xáo đi đo đạc khắp miền sình lầy, muỗi vắt ở U Minh, Đồng Tháp, còn Hoàng Văn Đợt dẫn đầu đoàn cán bộ sang Pháp đàm phán với một hãng địa vật lý nổi tiếng thế giới. Cánh chuyên môn địa vật lý chúng tôi vẫn thừa hiểu bài toán địa vật lý là bài toán đa trị. Muốn lọc bỏ nghiệm số ngoại lai phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp địa vật lý cùng một lúc.

Về mặt thực tế, đã cùng một công đưa tàu đi đo địa chấn trên biển, sông ngòi hay kênh rạch, trong khi căng cáp rải máy thu sóng, nổ mìn người ta tất yếu phải lợi dụng quăng thêm dăm chiếc phao để đo thêm tài liệu trọng lực. Nhưng vốn là một thằng dốt, lâu ngày làm công tác quản lý xa rời thực tế nên khi Hoàng Văn Đợt đàm phán chỉ thuê họ thăm dò địa chấn phản xạ điểm sâu chung. Đương nhiên các chuyên gia của hãng không dại gì quên đo thêm giá trị trọng lực, nhưng theo hợp đồng họ chỉ giao cho phía Việt Nam tài liệu đo địa chấn.

Phát hiện ra điều này, bằng lương tâm trách nhiệm người kỹ thuật, chúng tôi đã báo cáo kịp thời với nhà nước đề nghị giải quyết. Một cuộc đàm phán căng thẳng đã diễn ra. Phía nước ngoài đòi tính giá trị của tài liệu trọng lực trên cơ sở chi phí cho một đoàn tàu mới cùng với chi phí của cán bộ chuyên gia đi theo tàu. Tổng giá trị lên tới nhiều triệu phơ-răng. Một sự thua thiệt khủng khiếp đối với một quốc gia vừa bị chiến tranh tàn phá bắt nguồn từ sự ngu dốt của kẻ đi đàm phán hợp đồng.

Qua nhiều lần thương lượng kết hợp với sự tranh thủ tình cảm của chúng tôi đối với đồng nghiệp người Pháp, cuối cùng ngã giá phía Việt Nam phải trả thêm ba chục phần trăm chi phí vừa tính… Họ nói thẳng với giới chuyên môn chúng tôi rằng, họ vốn không nỡ tâm bắt chẹt và tính toán với Việt Nam theo kiểu ăn cướp như vậy. Song họ muốn qua việc này lưu ý chúng ta về phương pháp quản lý. Nếu theo giới chuyên môn Việt Nam chúng tôi tính toán, đáng lẽ chỉ tốn vài chục ngàn phơ- răng nữa là cùng. Tuy nhiên chúng tôi đã cố hết sức mình cứu vãn tình thế, đỡ cho nhà nước khỏi thua thiệt hàng triệu phơ-răng.

Công hóa thành tội, Hoàng Văn Đợt bực tức mạt sát chúng tôi đã làm hắn mất uy tín. Lẽ ra chúng tôi phải báo cáo kín riêng với hắn để hắn lo liệu. Từ đó hắn để bụng thù dai trù dập từng người, chính tôi cũng nằm trong số nạn nhân đó, bị dìm dập long đong, giam lương mấy năm liền…

7.

Nghe tôi kể chuyện, Tâm thỉnh thoảng lại lắc đầu thở dài. Tôi biết anh đang suy nghĩ để cố tìm lời giải cho căn bệnh hủi của Hoàng Văn Đợt. Lâu nay anh vẫn thường trăn trở truy tìm nguồn gốc của mọi thứ tội phạm.

Chúng tôi ngồi hút thuốc, uống cà phê đến nửa đêm mà chẳng ai nói với ai điều gì. Mỗi người theo đuổi một mối suy tư. Trước lúc đi nằm, tôi đề nghị với anh:

– Mình muốn sáng mai nhờ cậu xin cho mình gặp Đợt một lúc, dẫu hắn không là bạn thì cũng là người quen biết cũ.

– Việc ấy nên làm cậu ạ. Giọng Tâm trầm và hơi buồn đáp lại.

Đêm ấy tôi mơ mình lạc vào giữa trại hủi Quy Nhơn. Xung quanh tôi toàn những thân hình nát bấy, chảy ròng ròng những mủ và nước vàng. Có nhiều người bị rụng ngón tay, ngón chân hay cả một vành tai, nhưng gương mặt họ nom thật hiền lành, đáng thương và rất yêu đời. Tôi an ủi họ yên tâm chữa bệnh, nhất định sẽ khỏi…

Sáng dậy tôi ra thị xã mua bánh giò, thịt quay và hoa quả, thuốc lá về chờ Hoàng Văn Đợt. Lòng tôi cứ băn khoăn suy nghĩ về hắn. Nếu theo sách tử vi nên gọi hắn là hên hay xui, sướng hay khổ. Khoa học ngày nay đã chứng minh bệnh hủi không hề lây lan sang cộng đồng. Theo thời gian, người mắc bệnh sẽ dần dần được cộng đồng cảm thông, chấp nhận, không còn cảnh hắt hủi, xa lánh nữa.

Liệu cái bệnh hủi từ trong não tủy của cả đám quan chức như Đợt có lây lan, hủy hoại tiến hóa của cộng đồng?…

Hà Nội, 1993

V.N.T

Comments are closed.