Thế lực thù địch (kỳ 12)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

13

Hoàng Y đáp chuyến bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h45 phút. Bạn y, đại tá Cao Thiện Lương, đại diện văn phòng Bộ tại phía Nam, không đón y về nhà khách T4 ngay mà đưa y đến một nhà hàng ở đường Hoàng Sa. Ở đây có món lẩu cá kèo rất ngon. Và bia tươi, một trăm phần trăm houblon Tiệp.

-Có việc gì gấp mà phải vào giờ này? – Lương nhìn thẳng vào mắt y – Nếu việc cơ quan thì khỏi nói, còn việc riêng thì…

Lương là bạn học cùng với y và Ngô Viễn, người làng Phí. Hồi học phổ thông, hai đứa coi nhau như mẻ, nhưng đến khi cùng ngành thì lại thân nhau đến con chấy cắn đôi. Vì sự gắn kết những quyền lợi và công việc, lại là người cùng quê.

-Chả muốn giấu gì ông, tôi vào vì việc riêng… Hồi tôi yêu Quỳnh Thy, ông quá biết…

-Tôi hiểu rồi. Chuyện con Quỳnh Liên vào trong này biểu tình chứ gì? Chiều nay Tuẫn Chiết da lệnh cho tôi bằng mọi cách phải giải cứu con bé.

Trống ngực y đập thình thịch. Chuyện Quỳnh Liên là con riêng của y và Quỳnh Thy, không giấu được thiên hạ. Tuẫn Chiết da đã rêu rao mấy năm nay rồi. Vậy là Quỳnh Thy đã cầu cứu Peter Tuẫn. Y luôn luôn đến chậm một nhịp.

-Thực ra chẳng cần giải cứu ai cả – Lương rót bia cho y, nói chậm rãi – Ngay từ khi cuộc biểu tình bị giải tán, anh Chín đã lệnh vào, yêu cầu thả hết những người bị bắt đưa về các đồn. Toàn thanh niên choai choai của các trường đại học và dạy nghề. Ông còn nhớ vụ hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt vì rải truyền đơn trên cầu An Sương không? Bọn trẻ bây giờ khôn hơn nhiều. Trước khi đi biểu tình, chúng đã cất hết giấy tờ tùy thân ở trường, ở nhà. Khi xe bus chở chúng về điểm tập kết hoặc về đồn, chúng đều ú ớ khai không mang giấy tờ, hoặc theo bạn đi chơi phố, rồi bị cuốn vào dòng người biểu tình. Nếu cố tình bắt chúng viết tờ khai thì chúng bịa ra một cái tên, một địa chỉ. Và đều nhất loạt khai đã bỏ học, chưa có việc làm. Những tình huống này, giáo trình chống bạo loạn của chúng ta chưa dạy…

– Như vậy nghĩa là… Quỳnh Liên đã được thả? – Y hỏi lại, vì sợ nghe nhầm.

-Tôi đã gọi điện đến các quận tìm cháu Vũ Quỳnh Liên. Khi có hình ảnh cháu trên mạng, tôi đã chuyển ngay cho các quận trên toàn thành phố.

Y mở iphone, đưa cho Lương xem tấm hình phóng viên BBC đã chụp Quỳnh Liên.

-Có đúng là tấm ảnh này không?

– Còn sai vào đâu được. Làm báo phải như thế chứ. Tôi bái phục tay phóng viên BBC này. Con gái ông bỗng nhiên nổi tiếng toàn thế giới.

-Nhưng biết đâu Quỳnh Liên vẫn bị kẹt ở đâu đó? – Y lo lắng và nói một câu bâng quơ.

– Sau khi nhận được ảnh của cháu Quỳnh Liên, cậu Huy, trưởng đồn công an phường Trường Sa gọi ngay cho tôi, nói cô gái trong ảnh đã bị xe bus đưa về đồn cậu ta.

-Vậy ư ? Con bé có bị đánh đập, hành hạ gì không? – Y chợt hốt hoảng, như con gái y đã bị tra tấn.

– Huy bảo, khi xe đổ người xuống, Huy chú ý ngay tới một cặp, có vẻ như tình nhân, vì gã trai luôn như con gà trống xù lông bảo vệ ả gà mái. Anh chàng cao lớn thư sinh, cô nàng đài các xinh đẹp như diễn viên Hồng Diễm. Họ lập tức bị phân tán đi các phòng và bị thẩm vấn ngay. Cô gái khai tên là Lê Thị Miên, chàng trai khai là Trần Văn Thông. Giấy tờ tùy thân, không có. Nghề nghiệp, không. Quê quán, Hải Dương. Đi du lịch Sài Gòn, hiện mất hết giấy tờ đồ đạc. Đang đến nhà thờ Đức Bà thì bị bắt. Suốt ba tiếng đồng hồ, cặp tình nhân đều một mực khai báo như thế. Cuối cùng công an cũng phải chào thua, răn đe vài câu rồi trả tự do cho họ.

-Rồi bọn chúng đi đâu?

Cao Thiện Lương nhún vai, cười giễu:

-Bó tay chấm com. Đến thằng bố đẻ nó ngồi trước mặt tôi đây còn chưa được nhận nó và không biết chúng nó biến đi đâu giữa đất Sài Gòn thiên la địa võng này, huống chi người trần mắt thịt chúng tôi.

-Lẽ ra tôi phải vào sớm… Để kịp gặp Quỳnh Liên…

-Ông đang mơ tưởng được làm Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, hoặc làm Thạch Sanh vào hang trăn tinh cứu công chúa đấy à? Kể ra trong trường hợp của ông, muốn nhận con, cũng phải tạo ra một sự kiện động trời cho ấn tượng…

-Dù không gặp, nhưng tôi rất mừng vì Quỳnh Liên đã được thả. Cám ơn ông. Cám ơn công an thành phố đã xử lý rất hay trong vụ biểu tình này.

-Không phải công an thành phố, mà đây là đề xuất của anh Chín với Bộ trưởng – Lương nói – Khác các cuộc biểu tình trước đây, thường bắt những kẻ quá khích, giam một hai ngày, lần này, anh Chín đề nghị thả ngay, không giam giữ một ai. Đây là một giải pháp thuận lòng người. Bời vì, với những cuộc biểu tình có yếu tố Trung Quốc, tinh thần dân tộc thường lên rất cao, tác động đến toàn xã hội. Lẽ ra chúng ta không được ngăn cấm, mà phải tạo điều kiện để người dân thể hiện lòng yêu nước.

-Nhưng đám cháy, dù đốt bằng rơm rạ, bằng củi, bằng xăng hay bằng bom napalm, bằng núi lửa tuôn trào…, thì sức hủy diệt vẫn là như nhau, là vô tận – y nói -Lâu nay chúng ta luôn sợ các cuộc biểu tình. Chúng ta thường mang những cuộc cách mạng màu ở Bắc Phi, ở Trung Đông… ra dọa nạt chính mình.

-Đảng và Nhà nước vẫn nợ nhân dân một đạo luật biểu tình chính là vì thế. Bởi chúng ta chưa tin dân, vẫn coi thường dân, cứ nghĩ dân biểu tình sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để lật đổ chính quyền. Điều này không phải tôi nói, mà là anh Chín nói trong hội nghị tổng kết cuối năm vừa qua.

Y thấy gần đây Lương có những ý kiến, quan điểm đồng cảm với y. Dường như, cuối đời, tướng Huỳnh Thi Ka đã thay đổi cách nhìn nhận về thời cuộc, về nghề nghiệp và đã truyền cảm hứng ấy đến với anh em họ Cao làng Phí… Không biết điều này có ảnh hưởng gì đến câu slogan nổi tiếng của ông: Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình, nữa không?

***

Đời Y, thực sự đã biến đổi, kể từ khi có tờ giám định ADN ấy. Phải nhiều lần năn nỉ lắm, Loan mới chịu hạ hỏa, không đưa đơn ly hôn ra tòa, cũng không làm ầm ĩ lên về bản giám định định mệnh ấy nữa.

Cuộc hôn nhân của y và Thu Loan được cứu vãn, có hai yếu tố trợ giúp. Ấy là, căn bệnh tuổi già của ông bố Loan, tướng Cao Thiện Căn. Suốt hai năm điều trị bệnh, lúc ở nhà, khi trong bệnh viện, cho tới khi ông cụ mất, không ai trong gia đình được phép gây cho ông cụ phiền lòng hoặc bị sốc về bất cứ điều gì. Đến thăm bố, cả Loan và y và hai đứa cháu ngoại đều đóng vai gia đình hạnh phúc. Lại nữa, cuộc tình ái vụng trộm giữa Loan và Tuẫn Chiết da rất cần một chiếc bình phong là người chồng hư hỏng của Loan. Loan ngang nhiên cắm sừng trước mũi y mà y không làm gì được, thì cuộc tình càng lên hương và mãnh liệt hơn nhiều. Loan chỉ cần có thế, để cho hai đứa con nàng vẫn nghĩ rằng chúng vẫn có cả bố lẫn mẹ, gia đình chúng vẫn yên ấm, hạnh phúc.

Cho nên, Loan lệnh cho Tuẫn Chiết da giữ mồm giữ miệng, không bạch hóa chuyện Quỳnh Liên là con của Hoàng Y vội. Hãy cứ để bọn trẻ lớn lên chút nữa. Hãy tận dụng thời gian hòa hoãn giữa hai phe để hưởng thụ một cuộc tình, dù mèo mả gà đồng, nhưng luôn vọt trào tới đỉnh.

Y sống như trong một nhà mồ. Y và Loan hầu như không nhìn mặt nhau. Là vợ chồng mà hằng ngày không nhìn mặt nhau thì khủng khiếp quá. Ấy vậy mà cả y và Loan vẫn phải tỏ ra không có chuyện gì để cho hai đứa con thấy rằng căn nhà của chúng vẫn là một tổ ấm. Y thường nại cớ để thường xuyên đi công tác, hoặc nhiều khi y ngủ lại cơ quan. Rất may, tòa soạn của y chiếm một nửa căn biệt thự cũ, có cổng biệt lập. Phòng làm việc của y, ngoài bộ salon tiếp khách, vẫn đủ để kê một chiếc giường gấp. Buổi trưa y ở lại, tất nhiên. Nhưng thường buổi tối, sau khi đi nhậu với bạn bè, hoặc ra đầu phố làm bát bún ngan, bát phở, rồi lấy cớ phải viết bài, duyệt bài, y ngủ lại.

Thế rồi, hai đứa con y, bằng cách nào đó, cũng biết bố mẹ chúng không còn yêu nhau nữa. Không biết chúng nó đã biết khái niệm ly thân chưa, nhưng đại khái chúng cũng biết từ lâu, hai bố mẹ không ngủ cùng phòng với nhau. Chúng biết bố luôn tìm cách lẩn trốn bữa cơm gia đình. Lâu rồi bố không đưa mẹ và chúng đi ăn tiệm, đi du lịch, tắm biển mùa hè.

Có một lần, khoảng tám giờ tối, khi y đang chế bát mì tôm tại phòng làm việc, thì có tiếng chuông cửa. Bất ngờ quá, Hoàng Cao Nga, con gái y và cô bạn cùng lớp đại học xuất hiện mà không hề báo trước.

-Bố nói dối con. Bố bảo đi công tác, nhưng con tin là bố chỉ lấy cớ để không về nhà. Người ta đồn bố trốn nhà sống với bà Lê Trang …

Nga ôm mặt khóc khi thấy bát mì tôm đã nguội ngắt.

Y lúng túng, hết nhìn con gái lại nhìn cô bạn của nó.

-Không phải đâu con… Đừng nghi oan cho cô Trang… Kế hoạch thay đổi. Mai bố đi sớm…

-Sao bố phải giấu con. Bố đóng kịch mãi thế. Con có còn trẻ nít nữa đâu? – Nga nghẹn ngào, rồi đẩy vai bạn – Phượng ơi, mày ra ngoài chờ tao. Tao có chuyện riêng với bố.

Cô bạn biết ý, xin phép y, lánh ra ngoài.

Bây giờ thì không có gì ngăn được nước mắt con gái. Nga khóc thổn thức. Bao nhiêu nỗi đau dồn nén, được dịp trút ra hết.

-Mẹ bảo con đến đây à?

– Đến bây giờ mà bố vẫn còn mơ tưởng – Nga lau nước mắt, nhìn y ngạc nhiên – Mẹ chỉ muốn bố đi cho khuất mắt. Mẹ nói với con và em Phong hết cả rồi. Mẹ bảo bố phản bội mẹ. Ban đầu thì con tin, sau con hiểu, hóa ra mẹ ghen ngược. Bố có chị Quỳnh Liên trước, thì có lỗi gì đâu? Con và em Phong lại thích, vì mình có thêm một chị gái. Con dắt em Phong đi xem mặt chị Liên rồi bố ạ. Chúng con đóng vai như trong phim tình báo, chị ấy chẳng biết gì hết. Hồn nhiên và đáng yêu vô cùng… Con chưa dám gặp mẹ chị Liên, nhưng chắc phải đẹp lắm, bố nhỉ.

Y không ngăn nổi nước mắt. Ôi, con gái của y, nó hồn nhiên và vị tha quá thể. Vậy mà y tưởng sẽ phải đẩy một cánh cửa nặng ngàn cân để có thể nói câu chuyện về Quỳnh Liên với nó.

-Các con biết hết rồi à? Cám ơn con đã tha thứ cho bố.

-Sao lại tha thứ hả bố? Chúng con phải biết thông cảm và chia sẻ với bố chứ. Con cảm ơn bố đã cho chúng con một người chị gái. Chúng ta sẽ có một lễ long trọng để nhận bố con, chị em, bố nhỉ…

-Nhất định rồi… Nhưng chưa phải là thời gian này con ạ.

-Con biết rồi…

Nga nhìn đồng hồ. Nét mặt cô gái xịu buồn.

-Nhưng bố ơi, bây giờ thì bố về nhà đi. Ở nhà vẫn phần cơm bố mà…

Y thở dài, chợt nghĩ đến cái nhà tù, giống như những nhà tù mà y và Lê Trang đã đến thăm.

-Sáng sớm mai bố đi công tác thật mà. Tối nay còn bao nhiêu việc…- Y nói và lảng tránh cái nhìn của con gái.

Cô bé phụng phịu giận dỗi, rồi đột ngột bật ra:

-Thế bố định bàn giao mẹ cho ông Tuẫn thật à? Con ghét ông ấy. Mấy lần con bắt gặp ông ấy ở nhà mình…

Như có một mũi tên vừa xuyên vào tim, y đứng lặng. Biết rằng việc ấy đã xảy ra rồi, nhưng y không ngờ, lại nghe từ chính con gái mình.

Thằng đàn ông, không gì nhục bằng bị cắm sừng. Việc cắm sừng ấy lại không chỉ mình y biết, mà cả con cái y đều biết, mới đau.

Con gái và bạn nó về rồi, y bỏ bát mì tôm trương phềnh, ôm mặt khóc.

Trong nhạt nhòa nước mắt, hình ảnh hai đứa con gái, Cao Nga và Quỳnh Liên thấp thoáng hiện ra. Cao Nga thì quá tuyệt vời rồi. Nó thấu hiểu và biết bảo vệ bố, sẵn sàng đón nhận người chị cùng chung dòng máu. Còn Quỳnh Liên thì sao nhỉ ? Từ cái hôm có kết quả ADN, y có một niềm vui, âm ỉ, niềm hạnh phúc âm thầm rằng, y có đứa con gái với nàng. Mà sao con bé giống mẹ như cùng khuôn đúc. Một cô bé xinh đẹp, cao tới mét bẩy, nhưng thuần Việt. Chao ơi, đã nhiều lần y giả làm người đi đón con, đỗ xe trước cổng trường, ngóng nhìn qua tấm kính xe để thầm ngắm đứa con gái của mình. Giá có con Hoàng Cao Nga ở đây, chắc chắn nhiều người sẽ bảo chị em nó giống Thúy Kiều, Thúy Vân. Nga thấp hơn một chút, mặt bầu hơn một chút, đáo để hơn một chút. Nhưng cả hai đều đáng yêu, mười phân vẹn mười. Có lần ngồi trong xe, y say sưa ngắm cảnh hai mẹ con đón nhau. Quỳnh Thy và Quỳnh Liên, cứ như hai chị em chứ không phải mẹ con. Bao nhiêu năm mà nàng rất ít thay đổi. Còn Liên, sao cứ gợi nhớ cái lần y mua vé mời Quỳnh Thy và Ngô Viễn xem vở kịch Hà My của tôi.

‘‘Alo, anh biết gì chưa? Quỳnh Liên tham gia biểu tình ở Sài Gòn, đã bị bắt. Trời ơi, con bé bị đuổi học mất. Anh phải làm gì đi chứ?’’

Chỉ trong tình huống tuyệt vọng của người mẹ, nàng mới bộc lộ sự thật của mình. Cú điện thoại ấy, đã thú nhận với y hết cả. Cái câu hỏi mà Quỳnh Thy nhất định không trả lời trong cái buổi chiều ở quán cà phê Hoa Sữa đường Nguyễn Du ấy, rồi nhiều lần y gặng hỏi qua điện thoại nữa, thì bây giờ nàng bỗng bật lên thành tiếng, hốt hoảng, lo âu.

Chỉ một cú điện thoại ấy, khiến y lập tức bốc vé bay Sài Gòn.

Và bây giờ, y đang lang thang ở Vũng Tàu.

***

Tấm ảnh chàng trai dang tay bảo vệ Quỳnh Liên đăng trên mạng, khiến y nhận ra Ngô Cao Thượng, con trai nhà văn Ngô Thời Bá. Bằng phép nội suy, y nghĩ ngay đến mối quan hệ bạn bè, và có thể là tình yêu, giữa Thượng và Liên. Rất có thể y sẽ gặp Quỳnh Liên ở Vũng Tàu, nếu biết số điện thoại của Ngô Cao Thượng.

Và chẳng khó khăn gì, chỉ một cú telephon y đã nghe giọng ông nhà văn giữa một đám bạn nhậu ồn ào.

-Ở đâu cũng chỉ một chủ đề về những cuộc biểu tình chưa từng có ở Hà Nội và Sài Gòn – Bá nói như quát vào máy – Dân trí nước mình đã mở ra rồi. Mừng nhất là lớp trẻ đã không còn sợ hãi, đã dám biểu thị tinh thần yêu nước… BBC vừa đăng ảnh thằng con trai tao. Hả? Chú đang ở Vũng Tàu à? Thằng Thượng lên Sài Gòn biểu tình, bị hốt lên xe bus đưa về đồn công an, nhưng được thả rồi. Số điện thoại và địa chỉ nó ở Vũng Tàu hả? Đợi chút, có ngay.

Y đến căn hộ 12.07 ở tòa tháp Plaza Vũng Tàu, đúng lúc chủ nhà đang chuẩn bị một cuộc party. Được bố gọi điện thoại báo trước, Thượng nhận ngay ra y và vồ vập, sung sướng như gặp người chú đồng hao thân thiết với bố.

-Ôi, chú Hoàng Y, bố cháu vừa gọi điện báo chú vào chơi – Ngô Cao Thượng vồ vập đón y từ cửa. Mới hai, ba năm không gặp mà Thượng đã cao to, chững chạc hẳn ra. Một đàn ông đích thực với bộ râu quai nón xanh mờ ôm lấy gương mặt tuấn tú.

Thượng giới thiệu y với ba người bạn, và nhấn mạnh:

-Chú Hoàng Y, cùng với bố mình đều là con rể họ Cao làng Phí. Chú vừa là nhà báo tài năng vừa là xạ thủ súng ngắn, bắn hai tay trăm phát trăm trúng đấy nhé.

Hai cô gái đang làm bếp, cùng tròn mắt nhìn y đầy ngưỡng mộ.

Y như bị thôi miên không rời mắt khỏi Quỳnh Liên trong bộ quần jean, khoác tạp dề ngoài áo phông trắng. Liên đấy, con gái của y đấy. Lần đầu tiên y được đến gần Liên thế này. Đã bao lần y ngồi trong xe, qua tấm kính, ngắm cô từ xa. Có một lần y đến gần cổng trường để nhìn cô gần hơn. Mỗi lần lại muốn đến gần một chút, và lần nào cũng bồi hồi khó tả. Nhưng bây giờ thì cô đang trước mặt y, gần đến nỗi y nhìn rõ cả làn da mịn hồng, những sợi tóc mai đẫm mồ hôi trên má. Và kìa, có một nốt ruồi son ngang đuôi mắt, giống Quỳnh Thy lạ lùng. Một nỗi khát khao tưởng không cưỡng nổi là y muốn ào đến dang hay tay ôm cô bé vào lòng và bật lên tiếng reo: ‘‘Con gái của bố. Bố đây. Bố đẻ của con đây”. Vậy mà giờ đây chân y bủn rủn không bước nổi. Và thậm chí y không cất được lên lời.

-Chú có chuyện gì không ổn ạ? – Thượng ngạc nhiên, đỡ y ngồi xuống ghế.

-Không sao… Chú có bệnh đau khớp…

Thượng chỉ vào ba người bạn đang làm bếp.

– Giới thiệu với chú, ba người bạn của cháu mới từ Hà Nội vào, Doãn Cường, bạn cùng trường Đại học Mỏ, đang muốn xin vào Vũng Tàu làm dầu khí. Cường có bố là họa sỹ Doãn Kiên nổi tiếng Hải Phòng…

Ô, họa sỹ Doãn Kiên, tù nhân cùng bị giam chung với luật sư Vũ Duy ở An Điềm – Y suýt kêu lên, nhưng kịp ngưng lại, giơ tay bắt và nhìn Cường đầy khích lệ.

-Chú có biết bố cháu, một họa sĩ đầy cá tính.

-Bố cháu bị đi tù mà. Sao chú biết?

-Vì bố cháu quá nổi tiếng. Những người làm báo như chú đều biết. Rồi lúc nào đó chú cháu mình sẽ nói chuyện nhiều về bố cháu – Y nói và nhìn sang hai cô gái đang bỏ dở công việc gọt trái cây và rán nem.

– Đây là Thu Sa, bạn gái của Cường, cô giáo tương lai – Thượng giới thiệu tiếp – Người đang làm món nem rán truyền thống là Quỳnh Liên, hoa khôi Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đấy chú ạ.

Đôi mắt mở to của Quỳnh Liên từ nãy cứ nhìn y dò hỏi. Dường như có một luồng điện chạy qua người, khiến y run lên. Trời ơi, như một phiên bản không tì vết của Quỳnh Thy. Con gái y hình như đang đặt câu hỏi về y. Ông là ai? Sao ông cứ nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ như vậy? Hay ông là cảnh sát đến bắt chúng tôi vì hôm qua đã đi biểu tình?

-Chú ơi, chú có biết luật sư Vũ Duy không ạ?- Thượng nhìn Liên đầy tự hào – Người tù nhân lương tâm nổi tiếng được báo chí phương tây ca ngợi, chính là ba của Vũ Quỳnh Liên đấy chú ạ.

Y như người tụt huyết áp. Cái tên Vũ Duy làm y chống chếnh không đứng vững.

-Chú làm báo, chắc có biết ba Vũ Duy cháu chứ ạ? – Liên vặn nhỏ lửa bếp ga, xoay người lại, cả ánh mắt, cả câu hỏi của Liên đều xoáy vào y.

-Biết chứ, biết chứ. Chú đã từng vào thăm ba cháu ở trại giam An Điềm.

-Vậy hả chú? Chú thấy ba cháu có bị tra tấn không? Có khỏe không? Trên đời này, cháu thấy ba Duy là một người cha tuyệt vời…

-Chú còn biết cả mẹ cháu đấy – Tự nhiên y bật ra câu nói chợt nảy trong đầu – Nghe tin hôm qua cháu đi biểu tình, mẹ lo lắm.

Quỳnh Thy bỗng chắp hai tay, cúi đầu.

-Biết ngay mà. Mẹ cháu sợ nhất cháu đi biểu tình. Có phải mẹ cháu nhờ chú đi tìm cháu không?

Thu Sa và Doãn Cường, Ngô Cao Thượng cùng nhao nhao:

-Hôm qua là một ngày lịch sử của bọn cháu…

-Đi biểu tình ở Sài Gòn, khác hẳn đi biểu tình ở Hà Nội chú ạ…Ở Hà Nội, sợ trường, sợ khoa, sợ họ hàng người thân bắt gặp, tóm lại là sợ đủ thứ, nhưng ở Sài Gòn, bọn cháu như ùa vào thế giới tự do, tha hồ đả đảo quân bành trướng, bọn xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, đả đảo bọn tham nhũng, bọn Việt gian thân Tàu cộng… Tưởng như trong người bọn cháu đều tiêm do-ping liều cao ấy chú ạ. Chúng cháu hát vang bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn… Cứ như ngày 30 tháng tư…

-Bị bắt vào đồn công an mà chẳng ai sợ hãi gì. Đố công an giam hết được cả dân Sài Gòn… Lâu lắm rồi chúng cháu mới được thể hiện lòng yêu nước…

-Doãn Cường bị gã dân phòng như con trâu mộng huých ngầm khuỷu tay vào mạng sườn – Thu Sa véo vào tay Quỳnh Liên, bật cười, chợt nhớ ra – Còn mình, đểu lắm nhé, bị bọn du côn bịt mặt cứ véo vào mông vào đùi. Mấy đứa con gái bên cạnh cũng kêu oai oái vì bị tấn công vào chỗ hiểm. Eo ơi, đàn áp biểu tình kiểu ấy, chỉ có ở Việt Nam mình…

Mặt y bỗng tối sầm. Y như vừa bị Thu Sa hắt một cốc nước bẩn vào mặt. Cô bé Thu Sa hồn nhiên kể những điều không hề bịa đặt mà cô vừa trải qua. Trước khi đến đây, y đã chuẩn bị sẵn một loạt giáo án. Sẽ nói gì với Quỳnh Liên, với bạn bè nó về biểu tình, về dân chủ, cái được và cái mất. Ở các nước phương Tây, người ta có truyền thống dân chủ hàng mấy trăm năm, nên biểu tình là nhu cầu của họ. Ở Việt Nam mình, dân trí còn thấp, người dân dễ bị kẻ xấu, nhất là thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây nên mất an toàn xã hội, thậm chí dẫn đến gây rối, bạo loạn, lật đổ chính quyền… Cho nên, nhiệm vụ của tuổi trẻ lúc này là tránh xa các cuộc biểu tình, quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng. Y sẽ nói về trào lưu cách mạng màu ở các nước Bắc Phi và Trung Đông, Trung Mỹ gần đây. Về người bạn bốn tốt và mười sáu chữ vàng mà Đảng ta xác định. Vì sao ta phải gắn bó với Trung Quốc và giữ khoảng cách với Mỹ. Về yêu nước, có nhiều cách, nhưng cách tốt nhất là hãy tin ở Đảng và Nhà nước, mọi việc hãy để Đảng và Nhà nước lo…

Nhưng, tất cả những điều ấy, bây giờ, nói ra thật hài hước và ngu xuẩn. Con gái y, đứa con gái từ giọt máu của y sinh ra, sẽ nghĩ thế nào về người cha đẻ của nó mà lâu nay vì hoàn cảnh, nó chưa được nhận, khi thấy những điều y nói ra là giáo điều, bảo thủ, thậm chí dối trá, lừa bịp và vô sỉ. Không một người nào mang trong mình dòng máu Việt, con Lạc cháu Hồng, lại nói với con cái mình những điều mà thực tế luôn chứng minh ngược lại. Ngăn chặn lòng yêu nước bằng cách trấn áp hay reo rắc nỗi sợ hãi, đều là tội ác.

Y rất muốn được ở bên con gái, được hòa đồng với bọn trẻ để hiểu thêm đời sống tinh thần của bọn chúng. Nhưng càng lúc y càng thấy mình khác biệt. Y là một thế giới khác hẳn với bọn chúng, nếu không nói là đối nghịch như nước với lửa. Y thoáng nghĩ đến cách làm thế nào để rút êm khỏi cuộc party của bọn trẻ, thực chất là y trốn chạy, khi mục đích lần đầu tiên được tiếp cận con gái đã toại nguyện. Càng ở lâu, con người thật của y sẽ lộ ra, sẽ hiện trong mắt con gái y nguyên hình một con robot khoác trên mình bộ sắc phục cảnh sát an ninh. Rất may là con gái y vẫn chưa hay biết gì. Quỳnh Thy vẫn chưa nói cho con bé biết về y. Phải bình tĩnh và chờ đợi. Dục tốc bất đạt. Sẽ phải thêm một thời gian để chuẩn bị cho cuộc nhận mặt cha con thiêng liêng tưởng như từ trên trời rơi xuống này.

Có tiếng điện thoại reo, như giải thoát cho y khỏi tình trạng bối rối. Y ra ngoài ban công, mở iphone. Giọng nhà văn Ngô Thời Bá oang oang:

-Chú đã gặp cháu Thượng chưa? Đang ở chỗ cháu à? Chú nói với cháu rằng, nếu cô gái trên mạng ấy là người yêu, thì phải bằng mọi cách bảo vệ nàng như bảo vệ con ngươi của mắt mình, nghe chưa?

-Dạ vâng, thưa nhà văn của làng Phí, thằng cháu Ngô Cao Thượng và các bạn cháu đi biểu tình, bị bắt nhưng được thả ngay. Không bị ghi lý lịch là may mắn lắm rồi ạ…

Y nghe thấy tiếng thở dài trong máy, rồi máy cúp đột ngột.

Và y nhận ngay ra rằng, mình vừa phạm một sai lầm.

H.M.T.

Comments are closed.