Sài Gòn – Những ngày phong thành (52)

THÔNG TIN:

*Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo toàn diện phòng, chống dịch tại TP.HCM

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-nguyen-van-nen-chi-dao-toan-dien-phong-chong-dich-tai-tp-hcm-769719.html

*TP.HCM đang sàng lọc F0 điều trị tại nhà được dùng thuốc Molnupiravir

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tp-hcm-dang-sang-loc-f0-dieu-tri-tai-nha-duoc-dung-thuoc-molnupiravir-769744.html

*Đơn hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị

https://thesaigontimes.vn/don-hang-di-cho-ho-dang-don-u-o-cac-sieu-thi/

*Tiếp nhận, điều chỉnh thông tin tiêm chủng COVID-19 trên Sổ sức khỏe điện tử

https://tuoitre.vn/tiep-nhan-dieu-chinh-thong-tin-tiem-chung-covid-19-tren-so-suc-khoe-dien-tu-20210827173854683.htm

*Đưa robot vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19

https://thanhnien.vn/suc-khoe/dua-robot-vao-tphcm-ho-tro-chong-dich-covid-19-1440707.html

*TP.HCM siết giãn cách cao nhất, có được đi ngân hàng hay ATM rút tiền?

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-siet-gian-cach-cao-nhat-co-duoc-di-ngan-hang-hay-atm-rut-tien-769357.html

*WHO đưa ra hai kịch bản về covid-19 trong tương lai

https://www.youtube.com/watch?v=LtdxKtaxYfU

 

 

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT F0 SẮP KHỎI COVID-19

FB BS. Trương Hữu Khanh

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, mất vị giác, khứu giác thường là những triệu chứng cuối cùng của diễn biến bệnh.

(Thứ năm, 18:00 – 26/8/2021)

Ekip thực hiện: Quốc Toàn – Ngọc Nhi – Ngân Phạm – Ái Duyên – Phan Nhật

F0 TẠI NHÀ – ĐỪNG ĐỂ NẶNG THÊM VÌ DÙNG THUỐC SAI!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Thanh niên, ngày 27/8/2021

Tên các loại thuốc cần cho F0, liều dùng chi tiết, tình huống cần dùng hiện nay đã được ngành y tế công khai để mỗi người có thể chuẩn bị sẵn cho mình phòng khi hữu sự.

Đến nay, nhiều người đã sẵn có những loại thuốc đó trong gia đình. Nhưng hãy lưu ý để dùng đúng chỗ.

F0 không triệu chứng thì không cần uống thuốc. F0 nhẹ, gặp triệu chứng gì dùng thuốc đó: sốt, đau đầu thì uống hạ sốt, giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen), ho thì thuốc ho thảo dược (xi-rô ho trẻ em, thuốc ho tự chưng), đau bụng dùng trà gừng, các thuốc trị đau bụng tiêu chảy thông thường…

Ngay cả các thuốc này cũng dùng vừa phải, có triệu chứng mới uống, mỗi lần sốt thì uống 1 viên là đủ. Đã có trường hợp hết sốt rồi vẫn uống, uống 1 lượt 2-3 viên, vừa hại gan âm thầm vừa có biểu hiện tại chỗ: người tự nhiên bị hạ nhiệt, có người còn hơn 35 độ C, rồi vã mồ hôi lạnh, mệt mỏi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: F0 tại nhà - Đừng để nặng thêm vì dùng thuốc sai! - Ảnh 1.

Cấp cứu F0 tại nhà. Ảnh: HUẾ XUÂN

Những thuốc kháng đông, kháng sinh, kháng viêm phải có chỉ định của bác sĩ mới dùng, vì bệnh có từng giai đoạn, nếu dùng sớm quá, có khi có hại.

Nếu dùng kháng sinh quá sớm, tới lúc cần thật sự, có thể cơ thể đã kháng thuốc rồi, kháng sinh đó trở nên không còn hiệu quả nữa.

Kháng viêm là thuốc ức chế miễn dịch, chỉ dùng khi bệnh trở nặng, hệ miễn dịch hoạt động "quá mức" dẫn đến gây hại ngược cho cơ thể, thường gặp trong giai đoạn sau của bệnh, virus lui rồi mà những rắc rối từ hệ miễn dịch vẫn còn. Nếu dùng quá sớm vào giai đoạn đầu của bệnh, hay khi chỉ bệnh nhẹ, đồng nghĩa với việc tước mất khả năng chống lại virus tự nhiên của cơ thể, vậy là virus càng dễ tấn công hơn. Như vậy đôi khi đáng lẽ chỉ bệnh nhẹ, cơ thể tự chống lại, tự khỏi thì lại trở thành ca nặng.

Thuốc kháng đông (chống lại hiện tượng đông máu) mà dùng khi không cần thiết, quá liều thì có thể gây xuất huyết.

Vì vậy mua thuốc chỉ là để sẵn, sử dụng khi cần thiết (y tế địa phương chưa kịp đem thuốc đến hay chưa kịp chuyển bạn đi). Khi bệnh có vẻ trở nặng, SpO2 tụt…, phải gọi cho bác sĩ. Y tế địa phương chưa đến kịp thì gọi các đường dây tư vấn, để bác sĩ hỏi, đánh giá tình trạng và hướng dẫn bạn cụ thể. Hiện nay có rất nhiều tổng đài giúp kết nối bác sĩ với F0 tại nhà, ví dụ tổng đài 1022.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)

 

TỬ VONG DO COVID-19: VÌ SAO?

FB Gs. Trần Tịnh Hiền

(để tưởng nhớ DS Nhã vừa ra đi vì Covid-19 sau 3 tuần chống đỡ – chưa được tiêm vaccine!)

Trong 1-2 ngày nữa số tử vong do Covid-19 ở Việt Nam sẽ chạm mức bi thảm 10,000 ca. Nhiều biện pháp đã và đang được thực hiện… Nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến tử vong nhưng có lẽ quan trọng nhất là nguồn lực của các bệnh viện là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến con số này. Chúng ta hãy xem lại thực lực của chính mình khi đối phó với Covid-19 tới đâu…

1. Trong một nghiên cứu trên 183 quốc gia, công bố vào tháng 4-2021 về sự liên quan với Covid-19 và số giường bệnh viện (hospital bed HB), số giường điều trị cho bệnh cấp (acute bed AB), và giường hồi sức tích cực (ICU bed) cho thấy:

+ Có sự liên quan dương tính giữa số giường ICU/100,000 dân và tử vong do Covid-19

+ Không thấy liên hệ gì giữa giường bệnh viện HB và giường điều trị cấp AB/100,000 dân và tử vong Covid-19

2. Theo số liệu nghiên cứu này:

+ Các nước có thu nhập cao:

ICU: 12.79/100,000 dân (1.8 – 86 SD=14.57)

+ Các nước thu nhập trung bình-cao:

ICU: 9.23/100,000 dân (0.16 – 57, SD = 13.60)

+ Các nước thu nhập trung bình-thấp:

ICU: 2.05/100,000 (0.03 – 15, SD = 3.54)

+ Các nước thu nhập thấp:

ICU: 6.44 /100,000 (0.03 – 65, SD = 19.45)

Việt Nam ở nhóm có <1 giường ICU /100,000 dân (H1: màu đỏ sậm); số liệu trước khi có Đại dịch này!

Ngày 6/7/2021 Sở Y tế TP. HCM công bố kế hoạch chuẩn bị với “kịch bản” có 10,000 – 15,000 ca bệnh và 500 trường hợp nặng.

(số giường ICU = 5/100,000 dân). Thực tế ta đã có bao nhiêu?

Khi dịch diễn tiến phức tạp Nhà Nước hỗ trợ thành lập thêm nhiều Trung Tâm HSCC. Báo cáo của WHO Hanoi (v) thì ở TP.HCM

@ 27-6-2021: 370 giường ICU

@ 25-7-2021: 1,200

@ 25-8-2021: 3.882 (38/100,000 dân) tỷ lệ khá cao ngang với các nước có thu nhập cao theo World Bank!

Nhưng theo thông tin thì ngày 1/8/2021 Bộ Y tế mới có đề án tăng cường năng lực HSCC (vi)

3. Tử vong của bệnh nhân Covid-19 điều trị trong ICU thay đổi trong khoảng 2.5% – 65.4% trong khi tỷ lệ tử vong trong khoa thường vào khoảng 14%. Nhưng tử vong của BN điều trị trong ICU ở nhóm cao tuổi > 65 đến 80%. Như thế tỷ lệ tử vong trong ICU còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi, bệnh nền, độ nặng, và kích cỡ dân số liên hệ.

Nghiên cứu này cũng cho thấy các nước thu nhập thấp có tỷ lệ tử vong chung của Covid-19 thấp hơn với nước thu nhập cao có thể do bệnh nhân không đến được bệnh viện nên tử vong ở nhà (như chúng ta thấy đã xảy ra!)

4. Hiện nay Mỹ và nhiều nước khác dùng chỉ số sử dụng giường ICU (ICU bed occupancy) như một "chỉ dấu tình trạng bệnh covid-19" và khả năng tiếp nhận bệnh để điều chỉnh chiến thuật đối phó (yếu tố quyết định phong toả lockdown hay kêu gọi tăng viện)…

Trong bối cảnh Đại Dịch Covid-19 rõ ràng chúng ta có một khởi điểm quá yếu kém về năng lực HSCC qua chỉ số giường ICU cũng như nhân sự và trang bị. Với ước tính quá khiêm tốn, TP đã không thể chống trả được sự tấn công của Delta và cái giá quá đau đớn…

Bài học này giờ đây chỉ hy vọng dành cho các khu vực còn lại chuẩn bị đối phó khi tình hình dịch trở nên nghiêm trọng vì không thể trong vòng vài ngày có thể tăng số lượng giường ICU gấp 10 lần cùng với trang bị và nhân sự!

Câu nói mà những ai đã có “trình độ chính trị cao cấp” chắc còn nhớ rõ là

“Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”

Chúng ta không thể có một nền y tế "Phù Đổng"!

____________________________

(i)https://www.journalofhospitalmedicine.com/…/analysis…

(ii)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7685049/

(iii)http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/…/ke-hoach-dieu…

(iv) https://moh.gov.vn/…/tp-hcm-rut-gon-thap-ieu-tri-covid…

(v) https://www.who.int/…/covid-19-in-viet-nam-situation…

(vi) https://tuoitre.vn/khan-cap-tang-cuong-nang-luc-hoi-suc…

clip_image004

TIÊM VACCINE VÀ CAO HUYẾT ÁP

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Có bạn ở trong nước hỏi tôi khi tiêm vaccine người ta có hỏi tôi bị cao huyết áp hay có đo huyết áp hay không. Lí do là có nhiều nơi ở VN người ta không tiêm cho người cao huyết áp. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân như sau:

Tôi nhớ là không có đo huyết áp, nhưng có đo thân nhiệt. Ngoài ra, còn có một danh sách về các bệnh và triệu chứng mà tôi phải khai báo để xem mình có đáp ứng tiêu chuẩn tiêm chủng. Nhìn qua danh sách các triệu chứng tôi hiểu họ tầm soát nguy cơ covid. Sau này tôi biết rằng họ có hẳn một qui trình tiêm chủng mà các nhân viên y tế phải tuân theo. Qui trình đó được mô tả ở đây [1,2].

Không thấy có nói gì đến cao huyết áp. Thật ra, cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ bị covid, nên chẳng có lí do gì loại trừ các bệnh nhân này. Thật vậy, CDC khuyến cáo người mắc bệnh tim mạch nên tiêm vaccine [3] và điều này cũng nhứt quán với khuyến cáo của các hiệp hội tim mạch Hoa Kì [4].

Trong khi tìm hiểu vấn đề tôi thấy có một câu hỏi là sau khi tiêm vaccine thì huyết áp có tăng không? Có một báo cáo quan sát rằng một số bệnh nhân (cụ thể là 6 trên 113 người được tiêm vaccine) tăng huyết áp sau khi tiêm [5]. Trong số này có 4 người cần phải dùng thuốc để hạ huyết áp. Nhưng vì đây chỉ là quan sát thôi, nên khó có thể nói tăng huyết áp sau tiêm vaccine là do vaccine, vì có thể là do yếu tố khác. Hiệp hội cao huyết áp Pháp kết luận rằng không có mối liên quan nào giữa tiêm vaccine covid và tăng huyết áp [6].

Tóm lại, các chuyên gia bệnh tim mạch khuyến cáo là người mắc các bệnh tim mạch, kể cả cao huyết áp, nên đi tiêm chủng vaccine covid. Những chứng cớ khoa học cho đến nay cho thấy vaccine không có ảnh hưởng đến cao huyết áp.

____

[1] https://www.health.nsw.gov.au/…/screening-procedure-nsw…

[2] https://www1.health.nsw.gov.au/…/ActiveP…/PD2021_013.pdf

[3] https://www.cdc.gov/…/health-conditions/heart-disease.html

[4] https://newsroom.heart.org/…/heart-disease-and-stroke…

[5] https://www.ejinme.com/art…/S0953-6205(21)00212-0/fulltext

[6] https://www.sfhta.eu/…/Statement-SFHTA-english-final…

clip_image006

GẦN Ở MỨC TUYỆT CHỦNG

Lao Ta

Hình ảnh thủ tướng Phạm Minh Chính, áo đẫm mồ hồi đi kiểm tra, chỉ đạo việc chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, khiến nhiều người xúc động, hết lời khen ngợi. Đã là tình cảm cá nhân thì không nên phán xét đúng sai, bởi nó là quyền thiêng liêng của mỗi người.

Cá nhân tôi, qua quan sát thấy rằng, thủ tướng là người muốn tạo thay đổi. Còn mức độ khao khát thay đổi của ông đến đâu, thay đổi thế nào, liệu ông có thực hiện được hay không, thì còn phải chờ. Trước mắt ông luôn vô vàn vật cản vô tình và cố ý.

Tôi muốn bàn sang chuyện khác.

Thứ nhất, qua những gì vừa nói, thấy dân ta rất dễ động lòng và thiên về cảm tính trong mọi nhận định. Chuyện này chưa có gì phải bàn, ngoại trừ việc nó góp phần ngăn cản sự thay đổi.

Và thứ hai, dân ta quá khao khát một lãnh đạo thực lòng làm việc, nói ít làm nhiều, nói là làm, gần dân, hiểu dân. Vì nó quá hiếm, gần ở mức tuyệt chủng. Đến nỗi họ rồ lên trước hình ảnh một thủ tướng áo ướt đẫm mồ hôi, trong khi việc đó thực ra rất bình thường. Khi đất nước có hoạn nạn, lãnh đạo một số nước còn mặc áo bảo hộ để truyền thông điệp (trước hết là cho cấp dưới) không được phép nghỉ ngơi.

Những gì vừa nói ở trên cũng còn có nghĩa dân ta chán đến tận cổ loại lãnh đạo chỉ lý thuyết suông, đạo đức giả, chỉ tìm cách vinh thân phì gia, chỉ ăn là giỏi. Vì nó quá nhiều, ở đâu cũng gặp (loại tham tàn, khốn nạn thì miễn bàn ở đây, vì làm quan mà tham tàn, đểu giả thì còn kém súc vật).

Mong không chỉ áo của thủ tướng ướt đẫm mồ hôi, mà trán ông luôn ướt đẫm mồ hôi cả khi âm thầm suy nghĩ trong đêm (giả dụ ông lo sợ bị dân thất tín, lo sợ làm điều thất đức, lo sợ bị lịch sử kể tội…).

Đấy mới là chỉ dấu tạo ra hy vọng.

Dù sao cũng mong chờ để được kính trọng ông thực lòng.

clip_image008

SỰ ĐỜI TRÉO NGOE

FB Vu Kim Hanh

GIẢM SỐ NGƯỜI CHẾT VÌ TAI NẠN GIAO THÔNG.

Nghe số thống kê mới tinh từ Ủy ban an tòan giao thông mà mừng, một thành tích lớn. Chỉ riêng một tháng gần đây, từ giữa tháng 7 đến nay, số vụ tai nạn giao thông giảm 56%.

Hơn một nửa.

Quá ngoạn mục? Còn ít. Số thực tế có khi giảm nhiều hơn? Vì té ra là… đường đâu có ai đi, có mấy ai được giao thông đâu mà… tai nạn?

GIẢM GIÁ XĂNG.

Giá xăng giảm đến 600 đồng một lít. Mừng quá. Sực nhớ, đâu có được đi đâu mà cần… xăng. Giảm thật đúng lúc?

GIỐNG NHƯ GIẢM THUẾ THU NHẬP.

Nhà nước giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Mừng. Ủa mà giảm kiểu này kỳ lắm: doanh nghiệp lớn vẫn ăn nên làm ra thì được giảm, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang lỗ, đóng băng, đóng cửa lấy đâu ra thu nhập mà đóng thuế. Vậy giảm làm chi?

Mấy món quà này, thật chẳng khác TẶNG LƯỢC CHO THẦY TU!

VÀ CHUYỆN TRÉO NGOE VỀ… THIỆN NGUYỆN TỰ PHÁT

Khi cả nước khen người Sài Gòn thương nhau, quá chừng tổ chức thiện nguyện chung tay với nhà nước cùng chăm lo cho người nghèo. Nay nghe phán: các tổ chức thiện nguyện tự phát ở nhà đi, lo giãn cách đi, không cấp giấy đi đường. Ủa, vậy làm sao mà “lấy sức dân lo cho dân" đây? Chuyện này dễ mà, tổ chức nào làm gì cũng có khu phố, tổ dân phố và phường biết hết. Vậy thì phường, quận xác minh dễ ợt mà. Ủa, vậy tổ chức cơ sở không đáng tin sao? Và quản lý họ dễ mà, thậm chí, nói địa phương khoanh hoạt động của họ lại để dễ kiểm tra cũng được. Nhưng đừng “cắt” sức dân, buộc họ dừng lo cho nhau mà.

 

NHỎ LẺ

FB Xuân Sơn Võ

Khuya hôm qua tôi nhận được tin nhắn (tôi xin lược bỏ vài chỗ về nhân thân vì chưa xin phép):

Kính Thưa BS Võ Xuân Sơn. Trước hết con xin chúc sức khoẻ Thày ạ. Con xin phép mạo muội được nhắn tin cho Thày để nhận sự trợ giúp, hướng dẫn từ Thày ạ. Con là bác sĩ, cách đây 2 hôm thì con và người nhà đã bắt đầu có triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi. Hôm nay con đã báo trạm y tế phường để test nhanh cho cả gia đình thì có tận 7/10 người dương tính ạ. Hiện tại thời điểm này, có 1 người nhà con, cô ruột giới tính nữ 71 tuổi có bệnh nền THA đang khó thở, cảm giác như có gì chặn ở họng. Con có thể đặt gấp bình O2 hiện tại không Thày Sơn ạ? Nếu không ai giao được thì con sẽ mặc áo scrubs chạy ra để nhận bình O2 ạ.

Sau khi trao đổi, mới biết bạn ấy cũng đã tham gia chống dịch mấy tháng qua. Hiện bạn ấy đang rất lo lắng vì đột ngột nhận một tin sét đánh, khi mình và gần hết cả gia đình nhiễm dịch. Chương trình đã cho bạn mượn bình oxy, đồng hồ, cả dây thở và mask thở, đồng thời, tặng bạn một thiết bị đo SpO2, rất cần thiết để theo dõi tình trạng sức khỏe người nhiễm F0. Sáng nay, nghe nói cô của bạn đã khá hơn.

Ngày hôm nay, đội ngũ vận chuyển chưa thấy bị chặn. Thực ra thì chưa đến lúc. Vì nghe nói tất cả giấy đi đường của công an cấp đều chỉ cho đi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Nên chưa biết sau 6 giờ chiều nay, các bạn có bị gây khó dễ gì không, khi sử dụng giấy đi đường mẫu số 5 dành cho nhân viên y tế.

Đồng ý với ông Lê Mạnh Hà, rằng các tổ chức kiểu như OXY CHO SỰ SỐNG là nhỏ lẻ. Thực ra, khi chúng tôi hoạt động, chẳng có lấy một cái lễ lạt gì, chẳng có cán bộ nào, kể cả cán bộ cấp Tổ dân phố tham dự, cắt băng khánh thành. Thì chắc chắn là nhỏ lẻ, nên không hoàng tráng bằng các tổ chức của thanh niên, MTTQ, trống dong cờ mở.

Nhưng nếu tối hôm qua chúng tôi nghe lời ông, thì cô của vị bác sĩ nói trên sáng nay sẽ ra sao? Và hàng trăm người bệnh khác sẽ ra sao?

Hôm nay, nghe nói các tổ chức cung cấp oxy của nhà nước đã về hàng ngàn bình oxy, chiếm lĩnh các điểm nạp bình miễn phí. Hi vọng tối nay các điểm đó sẽ bắt đầu gánh vác được việc cứu dân. Nếu hệ thống cấp cứu của nhà nước có thể cứu dân được kịp thời, chúng tôi sẵn sàng ở nhà, không cần phải lao ra đường, không cần đi vào nơi phơi nhiễm làm gì. Tôi cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình tôi, cho gia đình của các bạn bè tôi. Họ cũng đang rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ tôi.

Tất nhiên, quan điểm của chúng tôi khác với ông Lê Mạnh Hà. Với chúng tôi, 1 mạng người, hay bao nhiêu mạng người, đều không phải là nhỏ lẻ. Đối với chúng tôi, để mỗi một nhân viên y tế tuyến đầu đói, là góp phần làm tăng thêm người tử vong. Một phần ăn thôi cũng không thể gọi là nhỏ lẻ, chứ đừng nói là vài trăm phần ăn. Có thể ông theo truyền thống nào đó, coi mạng người là nhỏ lẻ. Chứ chúng tôi thì không như vậy được.

Khi nào hệ thống Trạm y tế lưu động và các đội phản ứng nhanh hoạt động tốt, chúng tôi sẽ tự động rút lui. Còn như bây giờ, khi các bác sĩ trực của chúng tôi còn không có thời gian để uống nước, khi mà lực lượng giao nhận tại phòng khám chúng tôi không được ngồi xuống từ sáng đến chiều, khi mà lực lượng giao bình oxy tại nhà không có thời gian để ăn, thì nếu ông ngăn cản chúng tôi, chắc chắn đó là tội ác.

Nếu ông cứ kiên quyết ngăn chặn chúng tôi, kiên quyết không cho phép chúng tôi làm cái việc mà hệ thống của nhà nước chưa kịp làm tốt, thì rồi sẽ có ngày, người ta sẽ nói về những quyết định của ông, giống như người ta nói về những quyết định liên quan đến sinh mạng của 64 chiến sĩ ngày nào.

 

THAY VÌ DÙNG KÉO LẠI DÙNG DAO (*)

FB Khúc Thụy Du

Cho tới bây giờ việc tát cạn hết F0 ở SG là điều không thể nữa, tường thành phên dậu của SG như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa đã nát ra rồi. Giả như tát cạn F0 liệu giữ SG được mấy ngày?

Khi cất shipper đưa quân đội vào nó giống như thay vì dùng kéo lại dùng dao, nó mất đi sự nhanh nhạy và thực dụng mà thay vào sự uy nghiêm của quân đội không cần thiết nên đã xảy ra nhiều sự cố hài hước. Cho tới bây giờ các chuyên gia đã chỉ ra những đợt lây lan lớn chính là sự tập trung đông người bởi chính quyền tạo ra chứ không phải bởi dân.

SG cần nhất bây giờ vẫn là nhu yếu phẩm, nhưng giá mỗi combo thì không dành cho người nghèo với 4,7 triệu người cần có cái ăn. Các đoàn thiện nguyện thì tắt nghẹn, trong khi thừa mứa lương thực, thực phẩm của các tỉnh, vùng lân cận nó tạo ra khủng hoảng kinh tế cho các tỉnh ấy ngày càng lan rộng.

Phải chi quân đội nên lùi ra làm nhiệm vụ hậu cần, mua hàng hóa tận nơi ở các tỉnh đưa về SG, tạo ra các kênh phân phối dã chiến đi sâu vào có thể thay các các chợ truyền thống, với 5.283 điểm phong tỏa và thực hiện với nền tảng shipper đang có tuân thủ nguyên tắc 5k. Và cũng tạo ra các khu bong bóng khép kín (UAE đã thực hiện world cup vòng 2 với VN và sắp tới VN cũng thực hiện cho vòng 3 tại Mỹ Đình), để cho các đoàn từ thiện các tỉnh vào bên trong cứu trợ dưới sự giám sát hướng dẫn quân đội. Và các đoàn từ thiện trở về được cách ly tại tỉnh nhà. Điều này nó làm an lòng dân hơn và cũng ít nhiều là giải pháp kinh tế với sự thừa mứa khủng hoảng lương thực, thực phẩm các tỉnh lân cận. Chả hiểu sao họ mang quân đội xáp la cà với dân làm gì.

Cứ giả như SG hết dịch với hoạt động mỗi ngày 1,2 triệu lượt ra vào SG, vậy SG phải đóng cửa ngồi hát Như có Bác Hồ à? Nghĩ mà uất!

clip_image010

(*) Nhan đề của Văn Việt.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN KHẮC PHỤC SAU 3 NGÀY CÁCH LY TUYỆT ĐỐI

FB Nguyen Ngoc Chu

Rất nhiều điều phải nghĩ sau 3 ngày cách ly. Sau đây là một số điểm cần khắc phục trong giãn cách.

1. Sử dụng lại lực lượng shipper. Họ là những đội ngũ chuyên nghiệp, có công nghệ, biết công nghệ, biết công việc, biết đường sá, làm việc hiệu quả hơn bộ đội. Không ai bỏ quân thiện chiến để sử dụng tân binh. Bắt hàng chục ngàn shipper (62 000) ngồi nhà, đã không sử dụng được đội quân vạn người giao hàng chuyên nghiệp, lại biến họ thành lực lượng phải cứu trợ. Cần tiêm vaccine cho shipper và đưa họ hoạt động trở lại với sự quản lý cần thiết.

2. Hàng hoá đang khan hiếm. Giá cả đang bị tăng. Cho hoạt động trở lại nhiều thêm nữa các địa điểm cung ứng. Phải tổ chức cung ứng hàng hoá tốt hơn để đáp ứng nhu cầu và không bị tăng giá. Có hình phạt nghiêm khắc với những trường hợp lợi dụng cách ly tăng giá để trục lợi. Cấm tăng giá bán với bất kỳ lý do gì.

3. Vẫn còn nhiều các trường hợp khó khăn chưa nhận được sự trợ giúp. Cần lập tài khoản điện tử công khai (Zalo, Fb…) cho toàn thành phố (ngoài Cổng thông tin điện tử của phường) để người dân phản ánh, người dân đăng yêu cầu. Cổng thông tin điện tử của phường là chưa đủ, vì có phường không xử lý tốt, để sót, thì cũng không ai biết, hoặc biết thì rất muộn. Yêu cầu gọi theo số điện thoại sẽ bị nghẽn. Gửi yêu cầu theo số điện thoại cũng có thể không được xử lý, mà không có cách nào để kiểm tra. Phải có tài khoản điện tử công khai để ai cũng có thể kiểm tra được.

Đồng thời cho lực lượng bộ đội rà soát từng ngõ, hẻm, các khu trọ, khu lao động nghèo lập danh sách những người chưa được trợ cấp. Sau đó lực lượng bộ đội cấp phát trực tiếp cho dân. Điều này bộ đội có thể làm tốt. Tốt hơn đi chợ hộ.

4. Dồn tuyệt đại đa số vaccine về nước hiện nay và trong thời gian tới cho TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai để giải quyết dứt điểm cả 4 tỉnh trầm trọng nhất. Từ đó mới có thể nới lỏng giãn cách và tháo bỏ giãn cách hoàn toàn. Cách chia đều vaccine tại mọi thời điểm là không tối ưu trong chống dịch. Đấy không phải là công bằng.

5. Không thể giãn cách mãi. Kinh tế quốc gia và người dân đang đối mặt với sự kiệt quệ. Việc nới lỏng giãn cách là không tránh khỏi. Cần có cách tiếp cận mới để nới lỏng giãn cách.

6. Rất trân trọng việc các lãnh đạo Trung ương thân chinh đến các vùng dịch phía Nam để trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Nhưng càng tốt hơn nữa khi Trung ương mang đến cho địa phương những biện pháp cụ thể bù đắp cho các thiếu sót mà địa phương đối mặt, cùng với sự bổ sung nhân lực vật lực mới để khắc phục, ngoài những chỉ đạo đã quen biết. Ở điểm này, rất cần học tập cách hành xử của các chỉ huy chiến trường khi trực tiếp ra chiến tuyến.

clip_image012

NÓ VẪN CỨ LÀ KHOAI TÂY (*)

FB Cầm Phan

Đầu tiên, vào thứ Hai, tổ trưởng phát cho tờ giấy mua hàng, danh mục cho 10 món. Quốc hội gia đình tập trung trí tuệ, suy tính rất lâu xác định xem đâu là những thứ thiết yếu nhất, và đặc biệt là không được hiểm trở quá mà gây khó cho cán bộ đi chợ giùm. Giấc này còn trăn trở trà xanh hay là muối, trắng răng hay the mát gì nữa, gì cũng chơi tất nha cán bộ, bà Cầm cảm kích biên cẩn thận cạnh mục Kem đánh răng: “Loại nào cũng được ạ”.

9 món còn lại, tất nhiên rồi, “Thiết yếu, con ơi, rất là thiết yếu” – mụ trấn áp anh 17 toan tính bổ sung món snack. Quốc hội gia đình họp tí cho có vẻ dân chủ chứ má mày độc tài nguyên chất nghe con.

Nhưng ngày vui đúng ngắn, tổ trưởng qua sáng hôm sau bảo giấy đi chợ đó hổng có xài nữa, bà con đợi vài bữa nữa có mẫu giấy mới nha. Bà Cầm thở dài mang khoai tây ra sáng tạo. Sau đó, bà nức nở hỏi ngài Lê Quang là làm sao bọn Đức lại ăn được khoai tây vĩnh hằng thế cụ nhở, em thử 1001 cách chế biến cực kỳ táo bạo out xa khỏi box rồi nhưng nó vẫn cứ là khoai tây.

Ai ngờ, dịch giã phũ phàng: “Ba mươi năm khoai tây đấy, ba mươi năm có lẻ”.

Thế rồi sáng qua có ba chú bộ đội mặc đồ xanh rằn ri rất đẹp đi vào trong hẻm sâu, rất sâu, đi ngang qua đầu không ngoảnh lại, chân không hề dừng. Các chú ơi, chị ở đây! Không, “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. Bà Cầm, mắt trừng gửi mộng sau cổng sắt, thở dài quay về gọt khoai tây tiếp.

Trong hẻm có một anh tình nguyện vào tổ an sinh phường, anh có giấy đi chợ hộ. Nhưng dòm qua danh mục bà con trong hẻm hôm qua tha thiết nhờ anh, gồm những là gạo nhiều chục ký, mì gói, thịt trứng, sữa cho người tiểu đường, sữa và tã giấy cho em bé, bà Cầm lặng lẽ chôn giấu các ước mơ. Không biết anh ấy sẽ cáng đáng thế nào với chỗ hàng bà con đã gửi. Xin Thánh thần và linh hồn các đảng hãy phù hộ cho anh ấy mạnh khỏe. Bà sẽ tìm cách chế biến khoai tây thứ 1002.

Ngài Richard Epstein đã bẩu, trong cuốn Simple Rules for a Complex World, một hệ thống càng phức tạp thì các quy tắc chi phối nó càng đơn giản. Bình thường cũ, bà Cầm có thể khoan nhặt bớt một thêm hai giữa chợ phiên để mua con cá nhưng với một Sài Gòn không bình thường mới, với hơn 12 triệu dân và đang ở trong đại dịch dư lày, các quy tắc của nó được đơn giản hóa tối đa. Khoai tây hoặc không gì cả. Combo 5 món 300k hoặc 3 món 150k, đừng có lằng nhằng.

Trôi dòng nước lũ, mơ ba combo đong đưa…

Bức tranh này có câu chuyện hay lắm đới, link đơi: https://cuoituan.tuoitre.vn/…/vi-sao-co-ban-rau-trong…

clip_image014

MỘT NỖI LO LẮNG (*)

FB Huy Nguyen

clip_image016

APP DÙNG ĐỂ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH COVID-19 (*)

FB Bs.Hùng Lê

Quý đồng nghiệp đang dùng công cụ gì để theo dõi bệnh nhân? Quý đồng nghiệp đang dùng phương pháp gì để tiên lượng bệnh nhân chuyển độ nặng trong thời gian gần? Có những đồng nghiệp hoang mang không hiểu sao bệnh nhân đang khỏe lắm mà đến tối đã mất rồi. Có những phường có 2 bác sĩ phụ trách hơn 400 ca bệnh tự chăm sóc tại nhà, vì quá tải trong công việc nên nói bệnh nhân có biểu hiện gì thì gọi điện báo, nhưng đến khi bệnh nhân thấy biểu hiện rõ rệt thì đã là muộn. Như vậy các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại gia đình phải có phần mềm để theo dõi sức khỏe bệnh nhân.

Dựa vào Mô hình Chăm sóc người bệnh COVID-19 ở cộng đồng của ĐH Y Dược Tp HCM, dựa vào các biểu mẫu bệnh án của các bệnh viện điều trị covid 19, dựa vào đội ngũ kỹ sư tài giỏi của phòng thí nghiệm MediMech và dựa vào kinh nghiệm thực tế công tác của đồng nghiệp và bản thân, chúng tôi đã tạo ra web app: www.kiemsoatdichbenh.com để chăm sóc người bệnh Covid 19.

Ưu điểm của phần mềm:

1/ Phần mềm được thiết kế để làm việc theo nhóm, phù hợp với tất cả các mô hình được giới thiệu trong “Mô hình Chăm sóc người bệnh COVID-19”. Các nhóm có thể tự xây dựng và quản trị đội ngũ nhân sự làm việc của riêng mình, không ảnh hưởng gì đến các nhóm khác. Các loại hình nhân sự có trong phần mềm gồm có: Quản trị nhóm, Bác sĩ phụ trách ca bệnh, Bác sĩ chuyên gia, thư ký hành chánh, nhân sự địa phương hỗ trợ Y tế, bệnh nhân hoặc thân nhân.

2/ Bệnh nhân hoặc thân nhân dễ dàng nhập dữ liệu vào phần mềm để báo cáo tình trạng sức khỏe mỗi 2 lần 1 ngày. Các chỉ số để nhập chỉ dựa vào những công cụ chăm sóc sức khỏe cơ bản như máy đo huyết áp, máy đo SpO2, máy đo thân nhiệt và dựa vào các quan sát người bệnh. Nếu không có máy có thể dùng phần mềm trên điện thoại thông minh.

3/ Phần mềm sử dụng trí thông minh nhân tạo để tiên lượng chuyển độ nặng và cảnh báo cho đội ngũ nhân viên Y tế trong vòng 1 giây sau khi bệnh nhân gởi báo cáo tình trạng sức khỏe của mình lên phần mềm. Tiếng ho của bệnh nhân là một dữ liệu quan trọng để hệ thống AI sử dụng để tiên lượng sự chuyển độ nặng.

Đã có một số nhóm sử dụng phần mềm và phản hồi lại là có một số bất tiện:

1/ Nội dung phải điền nhiều quá. Theo mình thì bệnh án phải nhiều thông tin nhất có thể, sự nghiêm túc trong viết bệnh án thể hiện tâm và tầm. Bệnh án đầy đủ thì mới theo dõi được sức khỏe của người bệnh và trên hết là phải nhiều thông tin thì hệ thống AI mới làm việc chính xác. Bệnh án này tuân theo chuẩn bệnh án Y khoa chứ không thể tùy ý phóng tác. Để giúp các nhóm mình đã nhờ các bạn sinh viên Y khoa, may mắn là các bạn quá nhiệt tình. Do đó nếu trong quá trình sử dụng phần mềm nhóm của bạn cần thư ký hành chánh thì cứ nói mình.

2/ Quản trị phức tạp quá. Theo mình nó là đơn giản nhất trong tất cả các phần quản trị web app, đơn giản hơn cả quản trị các trang bán hàng trên facebook rất nhiều. Nếu không quen dùng thì các bạn cũng đừng lo, mình sẵn lòng làm nhiệm vụ đó cho các bạn, các bạn chỉ cần có bác sỹ, có bệnh nhân và một trái tim yêu thương là đủ.

3/ Xấu quá. Hic, mình và anh em đã không ngủ được mấy từ gần tháng nay nên nó không thể đẹp. Nhưng không sao, nó dùng được là được. Lần dịch sau mình sẽ làm đẹp hơn.

Các bạn hãy liên lạc bằng tin nhắn với mình để mình trao đổi trực tiếp với các bạn qua zoom hoặc goole meet, giới thiệu cụ thể về tính năng, cách sử dụng phần mềm. Hoàn toàn không mất phí cho việc sử dụng phần mềm này.

Mọi người tham khảo mô hình Chăm sóc người bệnh COVID-19 ở cộng đồng của ĐH Y Dược Tp HCM tại đây.

https://drive.google.com/…/179EUaRvR9v…/view…

clip_image018

(*) Nhan đề của Văn Việt.

TÌNH NGƯỜI NƠI TUYẾN ĐẦU PHÒNG CHỐNG DỊCH: NHỮNG DÒNG TIN NHẮN CUỐI CÙNG…

Tự Phong – Tuổi Trẻ Online, 27/08/2021

clip_image019

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân – Ảnh: DUYÊN PHAN

"Ngồi trên chiếc xe buýt Phương Trang chở lực lượng bác sĩ nội trú ra hỗ trợ Bệnh viện Ung bướu 2, nhìn ra những đại lộ và con sông Sài Gòn qua ô cửa sổ, lòng tôi đã có chút lạ lẫm. Cảm giác này không rộn ràng như cảm giác mấy tháng trước ngồi trên xe đi tiêm ngừa cho các khu công nghiệp.

Đó là sự bâng khuâng. Bâng khuâng vì cuối cùng mình cũng đã có cơ hội giúp đỡ cho người Sài Gòn, những người đã dang rộng vòng tay đón chào dân tứ xứ về mưu sinh với tấm lòng chân tình. Nhưng bâng khuâng cũng vì khi đến lượt mình được huy động thì có lẽ các anh chị bác sĩ chuyên ngành hồi sức ngoài kia cũng đã bắt đầu mệt mỏi…

Những ngày trực đầu tiên đã đến. Tôi chậm chậm mặc đồ bảo hộ bước vào khoa ICU 2B, rảo nhìn qua một vòng. Nhiều bệnh nhân thở máy. Cố gắng thích nghi thật tốt, lắng nghe thật tốt để phụ giúp các anh chị nơi đây, từ làm hồ sơ, quan sát bệnh nhân thở máy đến giúp đỡ các anh chị những việc khác.

Mỗi kíp trực như vậy để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, nhưng có lẽ cảm giác trung dung nhất là cái cảm giác bạn phải gạt qua một bên nỗi đau buồn trước sự ra đi của một người để tiếp tục theo dõi những bệnh nhân còn lại.

Tiếp tục đi rảo quanh một vòng để nhìn lên máy đo sinh hiệu và máy thở đang báo động trong khi bệnh nhân đã khuất vẫn còn nằm đó, im ắng, lặng lẽ. Nhưng dường như sự im ắng trong không gian lúc này để che lấp đi nỗi đau sục sôi không nói nên lời của bác sĩ, của điều dưỡng, và cả người nhà bệnh nhân ở đâu đó ngoài kia.

Tôi nhìn ra bầu trời của thành phố Thủ Đức, thật trong xanh với những áng mây trắng vắt qua ngọn cây xanh rờn. Quang cảnh nhìn ra thành phố Thủ Đức từ Bệnh viện Ung bướu 2 thật đẹp. Nhưng có lẽ những người bệnh ở đây không có cơ hội cảm nhận được điều đó. Và có lẽ họ cũng đã không cảm nhận về sự khốc liệt của cuộc chiến này…

Giờ đã 0h sáng, đứa bạn cùng phòng đã say giấc. Đêm nay là đêm đầu tiên tôi không ngủ được. Tôi vẫn còn ám ảnh khoảnh khắc hồi chiều.

Đó là lúc các anh chị điều dưỡng chuẩn bị kiểm tra lại đồ đạc trước khi chuyển bệnh nhân đi an táng thì chiếc điện thoại của bệnh nhân sáng màn hình… Chiếc iPhone 11 Pro Max xanh rêu có khắc các hình ảnh Phật pháp phía sau… Anh điều dưỡng nói với tôi: "Ôi giời ơi, bác xem này".

Tôi thầm nghĩ chuyện gì mà phải ngạc nhiên đến vậy. Liếc qua nhìn thì thật sốc. Đó là hình nền một người đàn ông khỏe mạnh chụp khi tắm biển. Đó là những cuộc gọi nhỡ từ gia đình, bạn bè mà anh ấy đã bỏ lỡ khi phải chuyển vô ICU. Đó là những tin nhắn đánh vội, chữ đúng chữ không.

"Anh ơi, em tin là anh sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn này, mạnh khỏe trở về với gia đình, con và em luôn cầu mong anh từng ngày, cố lên anh nhé" – có vẻ như từ người vợ, hay tin nhắn Zalo "ae chờ mong anh trở về" của một người anh em bạn bè và hàng dài tin nhắn khác chưa kịp đọc.

Khóe mắt tôi chực trào ra, cả cơ thể ớn lạnh, nhưng giọt nước mắt vừa kịp dâng lên tới khóe mắt thì đã kịp chặn lại và nuốt ngược vào trong. Tôi kéo vội chiếc mền, cuộn mình nằm nghĩ về chiếc iPhone Pro Max xanh rêu, về người vợ, về sự nghiệp và về cuộc đời…

Có lẽ rồi từ từ tôi cũng sẽ quen khi nhìn những cảnh này, như bác sĩ Khoa trưởng kíp và mọi người ở khoa ICU 2B mấy tháng nay. Phải cố gắng để đáp lại sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần mà các anh chị nội trú khóa trên cũng như anh chị giảng viên: những chiếc khẩu trang N95, những bộ scrub đi trực, những chai xì dầu, những mẩu bánh mì hay những câu chuyện pha trò để giảm bớt căng thẳng…

Dẫu biết rằng, với một bác sĩ sản khoa, vốn hằng ngày đã quen với việc vui cười đón chào những sinh linh mới ra đời thì bây giờ phải chứng kiến sự ra đi, là một điều không dễ dàng…

Nhìn những cảnh này, tôi chỉ mong rằng mọi người thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, hãy chích bất cứ loại vắc xin nào hiện có để ít nhất giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ nhập viện, vì biến chủng mới không chừa một ai. Người đàn ông khỏe mạnh, nam thanh niên sinh năm 1997 không bệnh nền…

Chúng ta bây giờ còn rất ít thời gian để chọn lựa nữa rồi, dẫu biết rằng quyền lựa chọn là quyền cơ bản của mỗi người…

Nhìn ra ô cửa sổ, chợt nhìn thấy tòa nhà cao tầng bên cạnh đang chạy hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ "Keep calm" chậm rãi, tôi tin rằng một ngày nào đó, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. Sài Gòn rồi sẽ trở về những ngày bình yên như xưa, hào sảng, chân tình và thật văn minh, dẫu rằng trái tim người Sài Gòn đã có những vết sẹo, đang lành lại…".

 

"CHẾT RỒI, BỌN MÈO SỐNG LÀM SAO!?"

FB Ký ức đại dịch

Đó thực sự là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe tin giãn cách toàn thành phố cách đây… tôi đã mất khái niệm thời gian, chẳng còn nhớ là cách đây bao lâu nữa. Lúc đó, tôi không nghĩ về bản thân hay về con người, mà về những con mèo lang thang.

Tôi bao nuôi khoảng 15 con mèo, hai con ở công ty (quận 2), ba con ở nhà (quận 9), và chừng chục con ở sân chung cư của tôi nữa. Ngoài ra, từ chục năm nay, tôi hỗ trợ một bà cụ bên Thủ Đức bao nuôi chừng một trăm con cả chó cả mèo.

Từ khi giãn cách xã hội, mọi chuyện trở nên khó khăn. Không thể lên công ty. Khó đặt đồ ăn. Đặt được thì việc chuyển qua nhà bà cụ cũng là cả một chuyện. Bà cụ điếc, cái iPad của bà thì chập chờn. Khu Hiệp Bình Chánh, nơi bà cụ sống, thì bị phong tỏa cứng mà tôi đâu có biết. Thường thì tôi sẽ nhắn trước cho bà tầm giờ người giao hàng tới để bà đợi ở cửa. Lần này, em shipper báo về, "Chị ơi, người ta không cho vào, em đứng ở chợ, chị bảo bà ra lấy." Tôi nhắn tin không thấy trả lời, gọi điện bà đâu có nghe được chuông. Em shipper tìm mọi cách để vào nhưng bất thành. Mãi rồi bà cụ cũng đọc tin nhắn rồi lật đật chạy ra. Nhưng ra đâu? iPad thì không có 3G, tai bà thì điếc. Shipper hối mình. Mình hối bà (mà bà không đọc được tin). 30 phút sau, tôi đầu hàng, bảo shipper quay ngược lại, tôi trả thêm.

Đúng lúc đó, tôi nhận được tin nhắn từ số lạ. Hóa ra bà cụ nhờ được hàng xóm liên lạc. Tôi kết nối anh hàng xóm của bà với shipper. Mọi chuyện trót lọt, tôi tặng thêm em shipper cái thẻ điện thoại vì em ấy mệt với tôi quá.

Hai ngày trước khi thành phố nâng cấp gói “CT16 pro max”, tôi lo đặt đồ ăn và cát cho mười mấy cái tàu há mồm ở nhà và ở chung cư, còn chỗ bà cụ thì chịu rồi. Nhưng không cửa hàng nào nhận đơn. Mãi mới tìm được một nơi, thì gần hai ngày không ship được. Tới tận chiều trước ngày lệnh có hiệu lực, cửa hàng mới báo có shipper nhận, phí là 76k cho khoảng 5km.

Nhưng may là những ngày này, tôi và những con mèo tạm bình yên. Tôi ở trong nhà suốt, tới 10h đêm thì người ta sẽ thấy tôi xuống sân chung cư để kêu meo meo meo.

Tôi biết rất nhiều người, trong đó có bạn bè tôi, cũng lo cho những con mèo như vậy. Trên Facebook, tôi thấy bức ảnh chụp hai cái máng ăn tự chế với tấm bìa các-tông, "Đây là thức ăn cho mèo hoang, xin vui lòng không dọn đi." Đồng nghiệp của tôi buộc dây vào cái hộp nhựa và ngày ba bữa thả đồ ăn cho lũ mèo sống dưới mái tôn nhà hàng xóm. Người cứu trợ người vui, người cứu trợ mèo cũng vui.

Dẫu sao thì, bỏ qua tất cả những sự ngỡ ngàng và trăn trở, tôi vẫn biết ơn vì mình còn khỏe, những con mèo quanh tôi vẫn có đồ ăn, và cuộc sống thì vẫn còn nhiều hy vọng.

—–

Đây là bài chia sẻ của bạn Lại Hồng Vân (TP HCM) gửi đến Ký ức đại dịch. Nếu bạn cũng chia sẻ với nỗi lo của Vân, hoặc bạn cũng có những con chó con mèo để lo – dù chúng là chó mèo nhà bạn hay thú hoang bên đường, xin hãy ghi lại câu chuyện của mình với Ký ức đại dịch.

 

LÀM TỪ THIỆN LÀ ĐỂ "CẢM ƠN"…

FB Kyo York

Cuối năm 2009 tôi đến Việt Nam cũng xuất phát từ mục đích làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại Hậu Giang, sau đó gắn bó – chính xác hơn là “có duyên” với Việt Nam. Tính đến nay có thể nói tôi là người nước ngoài 100% không người thân dòng họ nào tại Việt Nam mà bám trụ, làm việc và lập nghiệp cũng như hoạt động nghệ thuật lâu nhất hiện nay. (Tôi không phải con lai cũng chưa từng biết 1 chữ tiếng Việt bẻ đôi trước khi đến Việt Nam).

Khi cuộc sống thành công, có giai đoạn tôi làm thiện nguyện khiến anh chị báo chí phỏng vấn tưởng “tôi giàu có lắm” vì thấy Kyo đi làm từ thiện liên tục mà không hề thấy tôi kêu gọi gì. Tôi tập trung từ thiện vào trẻ em và giáo dục: học sinh, sinh viên… bởi đối với tôi đó là tương lai của một đất nước, các em xứng đáng được giúp đỡ được tiếp bước.

Cách tôi làm từ thiện trước tiên bỏ tiền ra làm, tiền từ những lần tôi đi diễn trích ra, được ký hợp đồng quảng cáo trích ra; 100% số tiền lớn từ những giải thưởng, những đêm nhạc tôi tự tổ chức, … Tôi say mê hoạt động thiện đến ekip phải khuyên dành nhiều thời gian hơn cho công việc, vì tôi hoạt động gần 10 năm ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn đi xe gắn máy, xe đạp, ở nhà thuê… Chỉ khi có những dự án thiện nguyện tôi không đủ sức, tôi thường kêu gọi người thân, bạn bè, khán giả. Nhưng ngay sau đó tôi minh bạch tất cả những thu chi và con số hoạt động từ thiện liền và ngay sau mỗi hoạt động. Tôi chưa bao giờ là người đứng tên một Số tài khoản cho Quỹ thiện nguyện nào bởi cá nhân tôi là một người nước ngoài giấy tờ thủ tục phức tạp, cộng đầu óc tôi không giỏi tính toán, nên việc làm này tôi thường để những bạn có chuyên môn và giỏi hơn tôi xử lý một cách minh bạch với người đóng góp (nếu có kêu gọi).

So với xã hội, tôi chỉ là một hạt cát nhỏ giữa sa mạc chia sẻ tình thương, so với nhiều anh chị nghệ sĩ, những con số chia sẻ của tôi còn rất hạn chế. Tất cả những hoạt động thiện nguyện khi tôi làm dù lớn hay nhỏ tôi không phải hình thức hay qua loa, tôi là người luôn trực tiếp đến, trực tiếp làm, trực tiếp chia sẻ tận vùng miền, xa xôi hẻo lánh, Tây Bắc, Tây Nguyên, Miền Trung, Miền Tây… mỗi nơi tôi đều đi qua nhiều lần.

Thật ra tôi làm từ thiện cũng không phải để ai đó nhớ đến mình bằng một hình ảnh cao đẹp, mà tôi ý thức rằng từ khi gắn bó và sinh sống những ngày đầu khó khăn ở Việt Nam, tôi nghĩ tôi không thể ở đây lâu vì không thể làm gì lớn lao hơn cho cuộc đời mình, cho đến khi tôi gắn bó âm nhạc mọi thứ thay đổi, từ một người Tây mỗi đêm phải đi hát tiếng Việt 100- 200k/đồng/show tại phòng trà buổi tối sáng đi dạy cố tiết kiệm tiền để đủ mua chiếc vé bay về Mỹ mà không cần trợ giúp của cha mẹ như mấy người bạn khác, tôi đã có duyên với âm nhạc Việt, nghệ thuật và gắn bó đến tận bây giờ. Nên những gì tôi có hôm nay, đối với tôi là may mắn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Tôi làm từ thiện bằng một tâm thế “là chia sẻ, là cảm ơn, là tri ân”, chứ không phải làm từ thiện để được phước hay được trời cho lại gì cả. Nên tổ chức nào, quỹ từ thiện nào, ở đâu kêu mà có thời gian tôi đều tham gia mà không hề đòi hỏi trừ khi họ kinh doanh và quảng cáo.

Bao năm qua tôi vẫn giản dị, hoạt động thu nhập chỉ đủ tiền để làm từ thiện và nuôi dài con đường nghệ thuật, tôi không có ai chống lưng và cũng không cần điều đó bởi xung quanh tôi có nhiều người ủng hộ tinh thần. Bằng những suy nghĩ của một người nước ngoài tôi cũng không ít lần va chạm với bạn bè đồng nghiệp, sau đó lâu dài thì họ hiểu và cảm thông cho tôi nhiều hơn.

Cuộc sống chúng ta không thể làm hài lòng tất cả, chỉ cần sống đúng, làm tốt và tiếp tục mạnh mẽ lan toả.

Ngày hôm nay tôi vẫn tiếp tục kêu gọi Quỹ Sài Gòn Thương – hỗ trợ và giúp đỡ nhiều sinh viên đang thực sự khó khăn, đói khổ, không tiền trọ, không tiền ăn, không tiền học… khi dịch bệnh kéo dài. Đối với tôi đay là việc cần làm và cần kêu gọi ngay lúc này, kính mong Quý Mạnh Thường Quân, Bạn Bè,… có điều kiện hãy cùng chung tay với quý thầy cô Khoa Du Lịch & Việt Nam Học (NTTU) đóng góp theo thông tin dưới đây:

NGUYỄN THỊ CHANG

STK: 21019187

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Á CHÂU (ACB) – Chi Nhánh TP.HCM

SWIFT code: ASCBVNVX

Asia Commercial Bank

Điện thoại 0978 175 476

——- Thông tin thiện nguyện sẽ minh bạch trên trang fanpage của Khoa —-

Chân thành cảm ơn đã theo dõi ủng hộ những điều Kyo đã và đang làm.

#SaiGonThuong

https://youtu.be/CJtJMerCv28

NGƯỜI MẸ F0

VTV9 Online

Đã có rất nhiều những mất mát, chia xa mà không ai mong muốn khi dịch covid -19 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Nhiều gia đình mất đi người thân, những đứa trẻ vừa ra đời đã không được bên cạnh mẹ. Những câu chuyện đầy ám ảnh và xót xa như thế như đang được xoa dịu từ những hành động đẹp đến từ các nhân viên y tế tuyến đầu. Chúng tôi xin kể về một nữ điều dưỡng từng là F0. Sau khi điều trị khỏi bệnh, cô đã lập tức đăng ký tình nguyện quay trở lại chăm sóc các trẻ sơ sinh, là con của những người mẹ Covid. Và, tình người đã lan tỏa từ việc làm ấm áp này.

 

   

SAI MỘT LI ĐI MỘT DẶM

FB Vu Lê

Đầu tiên Vũ xin lỗi nếu bài viết này khiến bạn thêm lo sợ. Nhưng Vũ mong chúng ta đủ lo sợ để chuẩn bị tinh thần ứng biến. Bởi thời khắc ấy, hoang mang là mất tất cả.

Nhìn nhiều người thân của bạn bè ra đi, đắn đo suốt đêm, Vũ mới quyết định chia sẻ câu chuyện đã xảy ra vừa qua cho mọi người. Nếu có thiếu sót gì mong mọi người thông cảm và cầu mong những thông tin này đến được những ai đang trong nghịch cảnh sẽ thêm vững tin xoay sở, cứ nhắn tin Vũ nếu hoang mang.

Sau khi Vũ vượt qua cơn sốt vào ngày thứ 8, sức khỏe hồi phục nhanh vào ngày 9. Vũ cầu trời: Làm ơn hãy cho con hết nhanh, vì biết chắc chắn, mẹ sẽ là người tiếp theo. Và chuyện đã xảy ra, mẹ đã có dấu hiệu bệnh 2 ngày mà giấu cả nhà.

—–

Dấu hiệu bệnh: Mắt đỏ, ho khan hoặc có hốc đàm, đau họng, dần khó thở (nghẹt mũi). Có thể tiêu chảy, mất vị giác và quan trọng là mất khứu giác (uống sữa tươi không nghe mùi).

– Mỗi ngày dùng nước muối Nacl 0.9% xúc miệng và rửa mủi 3 lần

– Uống thuốc điều trị triệu chứng: ho uống thuốc ho, tiêu chảy uống thuốc tiêu chảy…

– Khi có các triệu chứng trên mới cần uống kháng sinh, kháng viêm, kháng đông theo khuyến nghị bác sĩ/thông cáo bộ y tế, Vũ dùng: medrol, augmentin, xarelto – liều dùng phải liên hệ bác sĩ.

—–

Sáng ngày thứ 4, Vũ được chú cho số tổng đài 1022 nhánh 4. Lập tức có 1 bạn bác sĩ gọi Vũ để hỏi thăm tình hình sức khỏe mẹ. Kết bạn zalo để nhờ bạn hỗ trợ.

Bạn video call để theo dõi chỉ số sp02 và huyết áp cho mẹ, chỉ mẹ cách thở bằng miệng, sâu đến bụng, tầm 4 tiếng bạn gọi 1 lần. Còn Phường chiều xuống, test nhanh dương tính và khuyên chờ, vì quá tải họ không thu xếp được bệnh viện dã chiến, tạm cách ly tại nhà.

—–

Quan trọng: Gọi tổng đài 1022 bấm số 4. Rất cần máy SP02 (hiệu jumper thấy ổn), nhiệt kế, nếu có máy huyết áp càng tốt. Nếu không thể mua sp02 bây giờ, thì phải kết bạn Zalo, video call liên tục, bác sĩ sẽ có những phương pháp để xác định… Đừng quên báo Phường để hỗ trợ, họ là người gần mình nhất, năn nỉ mượn được gì thì mượn.

—–

Ngày thứ 5, mẹ dần trở nặng, khó thở hơn nhiều oxy còn 90 và sốt. Vũ liên hệ ATM oxy, họ tới khảo sát nhà rồi nói sẽ mang tới nhưng lại không mang tới.

Gần khuya, Vũ liều chở mẹ đi cấp cứu Trưng Vương, 115. Bệnh nhân nằm nhiều ngoài cổng. Mấy người y sĩ nói là về đi, ở đây sẽ bị nhiễm nặng hơn. Chở mẹ về trong đêm lạnh, Vũ vừa lo vừa giận mình tại sao dám làm điều liều lĩnh như vậy? Mẹ đã sốt suốt đêm.

—–

Quan trọng: Khi sốt uống paracetamol (efferalgan 500mg), uống cách 4-6 tiếng. Liều 10mg/kg tức 50kg uống 1v, 75kg uống 1,5v. Vì mất vị giác và sốt nên ăn không nổi mẹ chỉ uống là nhanh nhất: protein, vitamin C và đa vitamin khoáng chất để giữ sức khỏe. Đừng chủ quan với ATM oxy như Vũ, họ cũng rất khó khăn. Cần làm mọi cách, phải CÓ rồi mới ngưng.

—–

Sáng ngày thứ 6, Vũ hối Phường phải đưa mẹ lên khu cách ly để thở oxy. 13h, mẹ được đưa đến đó. Mẹ đi một mình vì Vũ âm tính (nghiệt ngã thiệt). Đêm đó dù đã thở bình oxy, mẹ vẫn tụt oxy dưới 90. Mẹ gọi kêu Vũ vào chăm.

Gom đồ, chạy lên khu cách ly, người ta không cho vào, vì cần có giấy của Phường. Chạy lên Phường, người ta chần chờ vì âm tính không được vào, làm giấy cam kết chấp nhận nhiễm, vẫn không được duyệt. May trời được chị bác sĩ trong đó nói giúp: “Mẹ người ta oxy còn 85, không cho vào, ai chăm? Kệ đi, cứ cho vô”.

Đến tầm 19h Vũ được vào với mẹ. Được phát đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Vũ làm cháo mẹ ăn, vệ sinh cho mẹ, nấu nước sôi mẹ uống, ngồi trông máy sp02 và bình oxy.

—–

Quan trọng:

1. Mang bô hoặc tã dán hoặc dùng thau. Giấy vệ sinh

2. Bình nấu nước sôi, bình thủy hoặc ca nước lớn để liên tục thay nước nóng, một ly nước nhỏ và ống hút (vì mệt sẽ nằm uống).

3. Nồi nhỏ nấu cháo ăn liền, hoặc dùng nước sôi để làm nóng. Dinh dưỡng dạng uống để dễ dùng và tiêu hóa. 01 bộ đồ để thay khi cấp bách.

4. Càng tinh gọn càng dễ lưu chuyển, tình hình ổn định, mang thêm sau. Cần đưa thuốc đang dùng và hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Chỉ chợp mắt khi bác sĩ thức và tuyệt đối thức khi bác sĩ ngủ. Nhờ vậy kịp báo bác sĩ bình oxy hết.

5. Cần nằm sấp, hoặc nghiêng sang trái, phải. Tuyệt đối không nằm ngửa.

6. Và tuyệt đối không để bệnh nhân có bệnh nền một mình cho đến khi có sự điều trị đảm bảo.

—–

Trong đêm vẫn ổn, sp02 dần lên lại đến 95. Đến gần sáng ngày thứ 7, đột ngột sp02 giảm mạnh còn 85. Vũ sợ nên hỏi bên đó có cách nào không? Họ nói không đủ khả năng về thuốc lẫn thiết bị y tế để điều trị, cần chuyển đi bệnh viện. Mà họ không xử lý chuyển ngay được vì quá tải. May mắn Vũ liên hệ được bệnh viện quận.

Cần xe cứu thương có bình oxy. Hỏi phường thì họ không đủ xe, cần sắp xếp. May nhờ anh bạn gửi danh sách xe, trong 10 có 1 số gọi được và có bình oxy. Trời, biết ơn cái xe đó. Vũ nhờ được thêm 2 bạn y sĩ của Phường để đi cùng. Phải mất 1h để mẹ ổn định hơi thở để lên xe.

Đến bệnh viện lúc gần 11h30, nhưng người ta chưa nhận bệnh, phải chờ trên xe. Ơn trời xe và 2 bạn y sĩ vẫn chờ với Vũ. Phải tới lui thuyết phục đủ kiểu, bệnh viện nhận bệnh lúc 13h.

—–

Quan trọng: bình oxy là vô cùng quan trọng khi trở nặng. Cần thu xếp bệnh viện thật kỹ. Tìm người thân và gọi cả 115, báo tình trạng khẩn cấp. Cầu cứu đủ cách, cái nào có trước mình xử lý trước. Nhiều lựa chọn vẫn hơn không còn lựa chọn.

—–

Có chứng kiến mới thấy sự quá tải là thế nào. Nhiều bệnh nhân nằm ngoài trời trước cửa bệnh viện. Chỉ nằm thở oxy và chờ đợi. Vũ thấy không thể cứ ngồi chờ đợi, phải làm gì đó. Vũ chạy tới lui hỏi bác sĩ: nãy mẹ đã được làm a, b, c… em cần làm gì nữa không? Có lẽ vì vậy bác sĩ tiến hành cho mẹ nhanh hơn, họ vào nước biển, chích thuốc thử máu… Tình hình có vẻ ổn.

Đột ngột sp02 mẹ tụt tiếp xuống 50. Bác sĩ kêu Vũ ra nói riêng: “mẹ em nguy cấp lắm rồi, mẹ chỉ nằm thở, cứ vậy cho tới trút hơi cuối cùng, em chuẩn bị tâm lý”

Chân run, Vũ như muốn gục ngã, một tinh thần thép ùa tới, không hiểu sao Vũ quay qua nói: “không sao đâu, sẽ ổn thôi, bây giờ mình có cách gì ko anh?”.

Ảnh bất lực chia sẻ thêm: “Ở đây ko đủ thiết bị, phải có máy ECMO, có máy đó mới hi vọng cứu được. Anh không thể làm gì được”

Vũ lột hết đồ bảo hộ và cả cái quần jean, còn mặc tà lỏn để chạy cho lẹ, giờ nhiễm lại hay gì cũng kệ nó. Bắt máy gọi cho 2 người bạn thân đã giúp Vũ suốt mấy ngày rồi. Vừa sợ vừa muốn khóc, giọng run run hỏi tụi nó có biết nơi nào có ECMO nhận bệnh không? Gọi cho 115 báo tình hình khẩn cấp. Gọi tiếp cho bất cứ ai mà mình nghĩ có liên quan y tế… Rồi Vũ ngồi động viên mẹ, kể chuyện. Nói mẹ hít thở, bắt mẹ mở mắt nhìn Vũ. Mẹ khát nước thì uống nước, môi mẹ xuất huyết. Nói chuyện liên tục với mẹ, giỡn với mẹ, nói rất lớn để mẹ nghe, ôm mẹ, hôn mẹ bằng mọi cách không để mẹ mê man.

—–

Quan trọng: Vũ đã quá chủ quan và thụ động, đáng ra phải nghe lời bạn: sp02 >93 phải tìm oxy gấp, <= 93 phải vào viện gấp, bằng mọi giá, ~85 là rất nguy kịch. Khi sắp mê man sẽ khát nước, uống mỗi lần ngụm nước nhỏ, cần uống nhiều lần, tầm 10p/lần.

Nhận thấy: Có mặc đồ bảo hộ rồi mới hiểu sự mệt mỏi, rất xót cho bác sĩ và y tá, họ chỉ còn biết làm theo quán tính, sức lực cạn kiệt. Nên:

1. Không thể cứ ngồi chờ, phải chủ động “Hỏi bước tiếp theo mình cần gì?” dù có bị la cũng nhẫn nhịn và chân thành.

2. Lúc bế tắc nhất đừng vội buông tay, phải “Hỏi cho ra cái cần nhất lúc đó là gì?” để mình bằng mọi cách xử lý.

3. Khi cầu cứu, phải mô tả rõ ràng, tập trung vấn đề “mẹ em 55 tuổi, có bệnh nền huyết áp, thừa cân, sp02 chỉ còn 50, hiện đang ở bệnh viện abc, tình huống nguy cấp, cần chuyển sang bệnh viện Tầng 4 hoặc 5 có máy ECMO để thở”. Phải rõ ràng như vậy. Mình ậm ừ không biết thì không ai hiểu tình huống để cứu giúp mình. (Mô tả các tầng bệnh viện và đối tượng tại hình đính kèm)

—–

Sau một lúc, có tin chuyển được bệnh viện đáp ứng điều trị. Trời ơi, mừng muốn khóc. Nghe tin mẹ mừng lắm, cố gắng thở sp02 tăng lên lại 85. Người vào cùng mẹ lúc trưa ra đi nhiều. Kiểu 4-5 ng thì mất 2-3 người. Cảnh tượng tuyệt vọng. Vũ quay mẹ vào góc khuất, chỉ nhìn mỗi Vũ thôi. Tiếp tục ngồi nói xàm để giữ mẹ tỉnh táo.

—–

Quan trọng: Nhờ đã 1 mũi vắc-xin (phải ít nhất 2 tuần) mà giúp bệnh mẹ diễn biến chậm để kịp thời cấp cứu. Máy sp02 là cái quan trọng nhất từ đầu đến giờ, mọi quyết định đều xoay quanh nó. Theo dõi thật sát, để phát hiện sớm chuyển biến bệnh.

—–

17h30 có xe chuyển viện. Lúc lên xe oxy mẹ tụt xuống không còn số. Nhờ y tá hạ cáng, chỉnh bình oxy. Vũ ngồi nói xàm tiếp, bắt mẹ hít thở và nhìn Vũ. Sp02 mẹ dần lên 20, lên tầm 60. Sau 20p tới nơi, chỉ bệnh nhân được ở lại. Vũ theo xe cấp cứu về lại chỗ cũ. Xe vừa lăn bánh là bật khóc vì nén cơn sợ, gọi cho mọi người vừa mừng vừa cám ơn. Đời này mang ơn lớn với mọi người. Về tới bệnh viện, thì tìm cách bắt taxi về nhà (có xét nghiệm âm tính Mai Linh mới chở). Tới nhà ngồi thiền cầu nguyện cho mẹ.

Sau ngày thứ 10, trộm vía đến hôm nay mẹ đã qua cơn nguy kịch và khỏe lên, trộm vía sớm được về nhà. Thật sự biết ơn tất cả mọi người đã cứu giúp.

—–

Quan trọng (Bổ sung 27.8): Bệnh không có thuốc chữa, cơ thể phải tự vượt qua. Hầu hết bệnh viện tầng 4-5 (2-3 mô hình mới) người thân không được vào chăm sóc. Người bệnh sẽ cô đơn. Nên rất cần động viên:

1. Chia sẻ bệnh nhân biết nơi họ đang điều trị là rất tốt, may mắn lắm mới vào được. (Dù đó là bv nào đi chăng nữa). Mình an tâm, tin tưởng, nghe lời hướng dẫn bác sĩ.

2. Hãy để người mà bệnh nhân thương nhất dặn dò về viễn cảnh gia đình đoàn tụ. Sẽ cùng nhau làm gì đó, ăn gì đó. Viễn cảnh càng hạnh phúc càng tốt.

3. Trước đó, chỉ bệnh nhân dùng zalo gọi video và mang theo sạc điện thoại, đây là cách mình có thể chủ động liên lạc bệnh nhân sau 1-2 ngày cấp cứu.

4. Khi liên lạc tránh hỏi thăm áp lực, càng vui vẻ, càng nói chuyện tích cực càng tốt. Không quên dặn bệnh nhân phải ráng tập thở, giúp phổi càng giảm sự tổn thương và nhanh bình phục.

Bác sĩ chia sẻ nhiều bệnh nhân may mắn vào được bệnh viện đáp ứng điều trị. Nhưng tinh thần yếu, không muốn tiếp tục sống, bác sĩ khó lòng cứu chữa. Không động viên là công sức đổ biển.

—–

Bài viết chia sẻ những điều Vũ đã chủ quan, đã sai phạm và sự quá tải của bệnh viện để chúng ta rất cần thận trọng. Bệnh chuyển biến nhanh, nguy hiểm, dễ sai một li đi một dặm.

Mong giúp mọi người có thông tin vững tinh thần ứng biến và vượt nghịch cảnh.

Và thật sự rất trân quý sự quan tâm của mọi người nhưng mẹ Vũ đang trong giai đoạn điều trị, nhà cũng lu bu cho Vũ xin phép mọi người cố gắng nén cảm xúc lại và đợi khi mẹ được về đến nhà hãy liên lạc hỏi thăm ạ.

  

clip_image021

clip_image023

BỘ NÃO ĐẠI DỊCH

FB Nguyen Phuong Mai

I’m diving into tons of studies telling us that many parts of the brain shrink as the result of the pandemic. The upside? What we call "hope", science calls it "brain plasticity".

Lockdown là con dao hai lưỡi. Nó có thể cứu nhiều sinh mạng ở thời điểm hiện tại, nhưng lại có thể giết dần giết mòn tinh thần của con người.

Nhiều nhà khoa học đã lo ngại rằng ảnh hưởng của việc đứt nối các kết nối xã hội sẽ còn dai dẳng đến nhiều năm nữa, thậm chí tạo ra một cơn đại dịch về sức khoẻ tâm lý và tinh thần ngay sau khi đại dịch qua đi.

Khái niệm “bộ não đại dịch” – the pandemic brain – bắt đầu xuất hiện khi nhiều nghiên cứu nhận thấy tình trạng teo não trở nên khá phổ biến khi chúng ta bị giam cầm trong bốn bức tường.

Châu Âu là nơi đã trải qua nhiều tháng ngày lockdown. Họ đi trước và để lại cho Việt Nam nhiều phương thức chống chọi mà ta có thể học theo. Nay nhiều thành phố lại tiếp tục dãn cách nghiêm ngặt hơn, chúng ta hãy cùng điểm lại những liều thuốc giúp sống chung với bộ não đại dịch.

Ai chưa làm có thể bắt đầu. Ai đã làm có thể mang theo tới tận khi COVID qua đi, vì những phương pháp này khiến cuộc sống cơ bản là tốt hơn.

1. THIỀN

Con người là động vật bầy đàn. Khi các mối liên kết xã hội bị đứt gãy, phản ứng đương nhiên của con người là căng thẳng và hoảng sợ. Cách nhanh nhất để "đánh lừa" bộ não, khiến nó tưởng mọi nguy hiểm đã qua là: Hít thở thật chậm, thật sâu, thật đều. Chỉ cần thiền mỗi ngày từ 10-20 phút là ta đã có thể thấy kết quả rõ ràng trong việc giải tỏa stress.

Bộ não cũng giống như một cơ bắp, rèn luyện nhiều thì sẽ mang được quả tạ ngày càng nặng hơn, chịu đựng được áp lực tâm lý hiệu quả hơn. Khoa học gọi là brain plasticity. Việc một số vùng não bị biến đổi do đại dịch cũng có thể phục hồi nếu ta biết kiên trì luyện tập.

2. LỌC THÔNG TIN

Thiền sẽ mất tác dụng nếu bộ não vẫn liên tục bị tấn công bởi các tín hiệu căng thẳng sợ hãi. Đây là lúc ta có thể thanh lọc mạng xã hội, tạm ẩn những người bạn hay có lời hằn học hoặc những trang tin tiêu cực, hạn chế tham gia các cuộc tranh cãi chỉ để chứng minh mình đúng, đọc sách và xem phim có chọn lựa cẩn thận.

Không những lọc thông tin "đầu vào" mà ta còn cần lọc thông tin "đầu ra". Ấy là khi ta cố gắng ít comment hoặc phát ngôn những lời cay nghiệt, chửi rủa kẻ khác ngu si độc ác, phán xét một người xa lạ như thể họ là ác quỷ xấu xa.

Việc xả ra một tràng cho bõ tức không có gì là xấu. Vấn đề là khi ta khẩu nghiệp, ta không chỉ khiến mình phấn khích mà còn khiến kẻ khác đớn đau. Khi họ đánh trả, sự phấn khích ban đầu ta có dần dần trở thành sự hằn thù bực dọc.

Tự tạo cho mình căng thẳng ngày thường đã mệt mỏi. Tấn công, đôi co, tranh cãi trong khi giãn cách chỉ càng làm ta mệt mỏi thêm.

3. TẠO THÓI QUEN VÀ LẬP NHỮNG KẾ HOẠCH NHỎ:

Bộ não trở nên căng thẳng và lo sợ nhất khi nó phải đối mặt với sự bất định. Nếu ta biết trước mình sẽ bị mất việc thì bộ não sẽ không bấn loạn bằng khi ta mông lung không biết liệu có bị mất việc hay không.

Chính vì thế, để "đánh lừa" bộ não, ta có thể biến một ngày ở nhà thành những thói quen lặp đi lặp lại, khiến bộ não biết trước điều gì sẽ xảy ra và trở nên đỡ căng thẳng hơn. Ví dụ, đi ngủ và dậy đúng giờ, cứ 10h sáng là tập yoga, cứ 3h chiều là đọc sách, cứ ăn cơm xong là học ngoại ngữ…vv.

Ta cũng có thể lập kế hoạch và viết lại một cách chi tiết ngày mai sẽ làm gì trước khi lên giường. Bộ não khi biết ta đã có kế hoạch đầy đủ cho tương lai gần sẽ trở nên yên tâm hơn và để yên cho ta ngủ.

4. CHĂM SÓC VÀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

Lockdown là thước đo tinh thần kỷ luật và sự tôn trọng bản thân của mỗi con người.

Đó là khi ta không thể lấy lý do bận rộn để trốn tập thể dục, học một cái gì đó online, nấu một món ăn cho đến thật ngon mới thôi, vẽ một bức tranh, thử đan một cái khăn, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, lau nhà cửa sạch bong, sửa cái bàn bị gãy, luyện một ngoại ngữ, chăm một cái cây, viết nhật ký biết ơn ghi lại những điều tốt đẹp ta trải nghiệm, dù đó chỉ là nhìn thấy một cái lá mới nhú trong vườn, vv.

Bộ não tuy không thích thay đổi nhưng cũng lại có tính dẻo – brain plasticity. Chính vì vậy, lockdown có thể là thảm họa hay cơ hội để đổi thay, tùy vào việc ta biết tận dụng tính dẻo của nó, bẻ nó sang hướng xấu xí hay tốt đẹp.

5. KẾT NỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

Các gắn kết xã hội là cơ chế sinh tồn của loài người. Con người là động vật phải có bầy đàn thì mới sống sót. Trong câu chuyện Tarzan, khi không có hình bóng con người thì bầy đàn của cậu bé là gia đình nhà vượn đã đem cậu về nuôi.

Nếu không có các kết nối xã hội, con người dù có đủ thức ăn nước uống cũng không thể phát triển toàn diện và lâu dài.

Lockdown trở nên nguy hiểm vì nó tấn công vào cái gốc sinh học của giống loài.

Khi Hà Nội bắt đầu giãn cách, mình dặn mẹ mình từ bây giờ mỗi ngày phải gọi điện nói chuyện với ít nhất 1 người. Mẹ già rồi, bạn bè dần dần đi xa hết. Nhưng mình động viên mẹ chịu khó gọi cho họ hàng, cả những người xưa nay cụ ít gặp hoặc thậm chí không ưa. Người không ưa, nhưng mùa dịch lại là một cái cớ hoàn hảo để hỏi thăm, biết đâu lời hỏi thăm ấy có thể hàn gắn và làm tình cảm nảy chồi trở lại?

Kết nối không chỉ "vươn ra ngoài" mà còn "hướng vào trong". Chúng ta thường nghĩ mình đã hiểu rõ những người trong gia đình. Thế nên khi bị bó chân trong nhà, hình ảnh thường thấy là mỗi người ôm một cái điện thoại, chìm đắm vào thế giới riêng, ngày càng xa rời nhau. Tuy nhiên, việc những người trong gia đình trở nên thân thiết thấu hiểu nhau hơn nhờ đại dịch là điều hoàn toàn có thể.

Đó là khi cha mẹ chủ tâm lập kế hoạch dành thời gian trò chuyện và chơi cùng con cái. Đó là khi cả nhà lục tung internet để nghĩ ra vô số trò đặng vui vẻ cùng nhau.

Mình và bạn trai trong những thời khắc bị trói chân một chỗ thường chọn một vài câu trong bộ 36 câu hỏi từng một thời nổi sóng trên New York Times (xem link). Mỗi câu hỏi có thể chạm vào sâu thẳm tâm tư của từng con người, khiến họ thổ lộ những tầng bậc suy nghĩ mà bình thường không có lý do để chia sẻ một cách dễ dàng.

Mang bộ câu hỏi này đi tán tỉnh có thể khiến bạn ghi điểm. Vậy tại sao ta không dùng nó để cưa đổ những người thân quanh mình thêm nhiều lần nữa, vì thương yêu – về bản chất – vốn là liên tục tìm cách cưa đổ nhau mỗi ngày?

Ví dụ một lần mình hỏi anh: "Nếu được hẹn ăn tối với một người nổi tiếng thì đó là ai?". Thật vô cùng bất ngờ khi chứng kiến chàng trai của mình cân đo tính toán, chia sẻ rất nhiều suy nghĩ thú vị vì sao một kẻ vô thần + fan cứng của tất cả những gì liên quan đến thế chiến II, nhưng cuối cùng lại bỏ qua Hitler để ăn tối với Chúa Jesus.

6. GIÚP ĐỠ NGƯỜI DƯNG LÀ GIÚP ĐỠ BẢN THÂN

Tâm lý học có một khái niệm rất hay là "helper’s high", tức là sự sung sướng khi được san sẻ gánh nặng với kẻ khác. Khi ta làm nhẹ nỗi vất vả của một người dù xa lạ, bộ não kích hoạt các con đường phần thưởng – reward pathways. Ta cảm thấy mình là người có ích, điều ta làm có ý nghĩa, xã hội này tốt đẹp lên vì hành động của ta.

Đứng từ góc độ tiến hoá, kẻ biết giúp đỡ người khác nâng cao sự tín nhiệm, tin tưởng mà cộng đồng dành cho họ. Đổi lại, họ cũng sẽ được giúp đỡ, chia sẻ các lợi ích để tồn tại.

Chính vì thế, giúp đỡ người khác thậm chí được coi là một hình thức "vị kỷ gián tiếp". Ta sống tốt với người khác vì tiến hóa quy định rằng đó là cách tốt nhất để ta sống sót trong một cộng đồng mà chỉ dựa vào nhau thì cộng đồng đó mới có thể sinh tồn. Nhà sinh vật học tiến hóa Mark Pagel thậm chí còn nói rằng trong một cộng đồng, chúng ta “thi nhau hợp tác” – "we compete to cooperate".

Nếu tính đến tác dụng với sức khỏe, việc tập thể dục 4 ngày một tuần chỉ giúp giảm thiểu các yếu tố có hại được 30%, trong khi việc hảo tâm giúp đỡ kẻ khác giúp giảm thiếu tới 44%, cao gần bằng tác dụng giảm thiểu tác hại của cai thuốc lá (48%) – Link nghiên cứu mình đã post.

Giúp đỡ người khác không cần phải là những gì to tát. Đó có thể là việc chủ động hỏi thăm một người quen; lắng nghe một lời tâm sự mà không phán xét hay đưa ra lời khuyên; khen ngợi một hành động nhỏ mà bình thường ta hay bỏ qua.

Trẻ con là đối tượng để ta nhìn thấy điều này rất rõ. Mình nhớ có lần chứng kiến cháu bé út ít trong gia đình vui sướng thế nào khi nó được mẹ hướng dẫn giải cứu con ốc sên mắc kẹt ngoài ban công. Mới đầu nó muốn nhốt con ốc lại để chơi, nhưng khi giải cứu con ốc xong nó phấn khích tột độ vì ốc con đã được về với mẹ. Nó vui cũng vì nó là anh hùng trong câu chuyện ấy.

Mình tò mò muốn biết các bạn thấy phương cách số mấy hợp với bản thân nhất, và bạn có phương cách nào riêng muốn chia sẻ với mọi người?

Giãn cách và lockdown là điều không ai mong muốn. Ta không thể chạy trốn nghịch cảnh. Nhưng trong nguy có cơ, khổ đau đôi khi là chất liệu của hạnh phúc.

Ta chỉ cần quan sát bùn lầy cho thật kỹ, và trồng lên đó một toà sen (Thích Nhất Hạnh).

Image credit: Sonny Ross/The Guardian

clip_image025

NHỮNG BỨC TRANH TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID- 19

FB Bệnh Viện Thành Phố Thủ Đức

Dưới đây là một số tác phẩm được vẽ lên để tri ân các nhân viên y tế chiến đấu với virus Covid-19. Bên cạnh đó còn có những bức tranh được vẽ bằng chất liệu màu nước của họa sĩ Richie Vios. Xin gửi lời cảm ơn đến những người hùng trong cuộc chiến chống COVID-19.

clip_image027

clip_image029

clip_image031

clip_image033

clip_image035

clip_image037

clip_image039

clip_image041

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Đi du lịch mùa dịch

clip_image043

GÓC: KHI PHẢI ĐI TEST NƠI ĐÔNG NGƯỜI NHƯNG KHÔNG TIN AI

FB Nhật Ký Chống Dịch

Hum nay lại lụm được một câu chiện thú dzị: Một người đàn ông tại TP.HCM khi phải đi ra đường làm xét nghiệm đã trùm đầu kín mít bằng một chiếc túi vải đen, chỉ đục thừa ra hai mắt và lỗ mũi.

Nhìn người đàn ông trùm túi đen, ai cũng hốt hoảng bởi nhìn qua giống như… ninja nhưng sau đó lại không khỏi bật cười khi nhận ra đây chỉ là một cách để ông phòng ngừa dịch bệnh.

clip_image045

TRANH Sài Gòn Của Tôi

Chào mừng các anh đến với Tô Ký, nơi mà số nhà 11 kế số nhà 97, nơi mà nhà mặt tiền thì xoẹt còn nhà hẻm thì số nguyên.

clip_image047

TRANH Thăng Fly Comics

Chấm đỏ.

clip_image049

GIỚI TRẺ TGP SÀI GÒN: XIN

Tổng Giáo phận Sài Gòn

Bài hát: Xin

Sáng tác: Đoàn Vi Hương

Singer: Thiên Tú

Pianist: Xuân An

Violinist: Nghi Quang

 

TÔI CÓ LÀ NIỀM VUI?

Tổng Giáo phận Sài Gòn

Sáng tác: Song Anh, FSC.

Ca sĩ: Phêrô Hoàng Anh Thiên

Hòa âm phối khí: Văn Tình

Phòng thu: Em production

Mến tặng các tu sĩ tình nguyện phục vụ bệnh nhân Covid

Tháng 8.2021

Comments are closed.