Hoang tưởng mùa thu

Hà Thúc Sinh                                                                        Truyện ngắn

Ông Hưởng quơ cây gậy qua lại giữa hai thành cửa và lách tấm sáo bước vào trong quán.

Gió lùa theo ông thổi tung mớ lá vàng vừa bay qua cửa sổ tụ nơi góc phòng.

Có mấy tiếng reo: “Hiệp sĩ kia rồi!”.

Ông khom mình chào chung mọi người.

Một người đẩy chiếc ghế bên cạnh, nói:

– Đây, ngồi đây!

Ông lại gật đầu chào và ngồi xuống ghế.

Một người khác hỏi:

– Người uống gì đây?

– Y bổn cũ!

Giọng nói hướng vào trong quầy, phía bếp, gọi to:

– Thêm một cà phê sữa đá!

Ông Hưởng thong thả kẹp cây gậy vào giữa hai chân.

Đám lá vàng lại lao xao trong góc quán.

Một ông la lên:

– Gián nhiều quá!

Một người cười, nói:

– Hiệp sĩ, chơi một con coi!

Ông Hưởng vùng gậy xỉa vào góc tường. Hai, ba ông bạn, đều đã vào tuổi mắt mù dở, đồng la lên:

– Hay quá! Trúng một chú gián rồi!

Thực ra ông Hưởng đã đâm trúng một chiếc lá vàng, chứ chẳng có con gián nào cả.

Lũ mù dở vẫn reo lên:

– Đúng là Zaitoichi, hiệp sĩ mù nghe gió kiếm!

Ông cười, khoa nhanh cây gậy trong tay rồi lại kẹp nhẹ vào háng.

Từ khi bị loà, thực ra mấy năm nay ông Hưởng lười đi tới đi lui lắm. Nhiều phen ông đã thoái thác việc tụ tập cà phê cà pháo với đám bạn già nơi thành phố này. Ông chỉ muốn nằm yên một chỗ trong căn phòng nhỏ mà các con dành cho ông. Ông nằm nghe radio và gần như suốt ngày đêm không bỏ sót một tin tức nào từ quốc tế đến quốc nội.

Ông xuyến xao với từng cái trở mình của quê hương: Tin một người bạn qua đời làm ông thống khổ, giống như cuộc đời cứ tuần tự giằng khỏi tay ông mà bỏ đi vậy.

Mới tối hôm qua, một số anh em hướng đạo tụ tập làm lễ giỗ cho một người bạn đã qua đời tám năm về trước. Nhìn ảnh bạn, ông ngậm ngùi quá đỗi. Mới ngày nào mà tính ra giờ đã năm mươi năm, ông và bạn còn là những thiếu sinh tụ tập sinh hoạt ở Vườn Tao Đàn Sài Gòn mà giờ bạn chỉ còn là một khung ảnh trên chiếc bàn nhỏ và ông ngồi với đầu óc mù mịt nghe các bạn nói lời ai điếu.

Ông nhìn ảnh, ngẫm nghĩ: Ảnh hắn đó, mình ngồi đây, cách nhau có mấy gang tay. Hai đứa dính vào nhau chỉ là tích tắc. Nghĩ thế rồi ông lại bồi hồi tấc dạ.

Vâng, những lúc gần đây ông dễ xúc động lắm, và xem chừng ông đang lâm chứng bệnh trầm cảm.

Mấy người bạn gần gũi thấy ông nằm miết, đã đến lôi ông dậy với lời răn đe: – Ông ơi! Ông không ngồi dậy đi đây đi đó, cứ nằm tối ngày như vậy, dính trầm cảm thì chết.

Thế là ông lại vùng dậy, thay quần áo theo bạn bè phó hội.

Không lâu, mới đây, người bạn tên Bách ghé, than thở với ông:

– Ông Hưởng ơi! Lúc này tôi rầu lắm!

– Sao? Sao thế!

Ông Bách thú nhận lúc này ông như một kẻ liệt, hoàn toàn hết… xí quách!

Và bà Bách vợ ông, mắng chửi ông một cách tàn tệ. Bà còn thẳng tay đuổi ông ra khỏi nhà.

Ông gầm lên trong bụng, bảo, khốn nạn thế sao, rồi vác kiếm sang nhà tìm bà Bách, chẳng nói chẳng rằng ông tuốt kiếm dí một đường từ trên xuống, xẻ bà Bách làm đôi. Ông vác kiếm về, vừa đi vừa thầm trách sao mình có thể ác vậy nhỉ!.

Kế nữa, lại tới lượt ông Viên, ông này cũng đến phòng ông than thở:

– Bây giờ cả bên nhà vợ tôi chúng kéo sang nhà tôi làm giặc ông ạ. Chúng nó ỷ ở bên Mỹ đông họ hàng anh em, kéo đến nhà tôi ra tay phá phách.

Ông Hưởng lại nổi đoá, vác kiểm sang nhà bà Viên và họ hàng, đi một đường kiếm ngang. Ôi thôi, tất cả như một rừng lá vàng tan tác!

Ông vác kiếm về và lại thầm nghĩ: Sao mình ác thế!

Ông ngẫm nghĩ nhiều lắm mà cũng chưa phân định được con người thật của mình giờ nó thế nào…

Sau cùng, như khám phá ra điều gì, ông hoảng hốt rên lên: Ôi! Ôi! Mình mắc chứng hoang tưởng mất rồi!

Rời bàn rượu với mấy ông bạn, ông lang thang chống gậy đi trên con đường tắt qua rừng về nhà. Ông như ngửi thấy cả một rừng thu vàng đang đổ xuống mình. Ông ngửi thấy mùi lá khuynh diệp trong gió, mùi thông lẫn với mùi hăng hắc của tử kính đào, cả mùi ẩm mốc của rơm rạ từ những cánh đồng xa thổi tới. Ông loáng thoáng nhớ mấy câu chuyện bạn bè kể trong bữa rượu:

“Có một con gấu già từng được một gánh xiếc tặng cho sở thú Houston hay Austin gì đó, đã sổng chuồng và giờ đang lẩn trốn trong các rừng cây thuộc khu vực Memorial. Hình như cảnh sát với sự phụ giúp của vệ binh quốc gia đang lùng bắt nó”.

Ông vừa đi vừa lắng tai nghe, hình như có tiếng máy bay trên đầu thì phải. Thốt nhiên ông bấn loạn. Ông nghe như từ bốn phương tám hướng tiếng hú của xe cảnh sát, tiếng còi xe quân đội vang lên khắp vùng. Ông dừng chân nghe ngóng. Đúng như thế, không nhầm được. Cả một vùng rừng cây như đang bị một cơn địa chấn lướt qua. Ông ngồi thụp xuống, và khi chống gậy đứng lên được thì ông đã ngã ngửa.

Xuất hiện từ trong rừng cây bóng một con vật to lớn đang lom khom bên lề đường. Cái bóng ấy thốt nhiên gầm rống lên một tiếng kinh hồn. Qua đôi mắt loà, ông đã nhận ra đó là một con gấu, một con gấu khiếp đảm. Con gấu vừa vượt qua một cái mương bên đường và phóng về phía ông. Nó chồm tới. Không còn cách nào khác, ông giơ tay lên lên đỡ. Ông lách nhanh sau một thân cây, con gấu rượt ông vòng vòng gốc cây.

Nó lại chồm lên và ông lại đỡ. Nhưng lần này ông phản công. Dưới háng, hai hòn dái con vật phơi ra. Tay phải ông nắm cây gậy thật chặt, quất và nện chí tử vào hai cái hòn ở háng nó. Rõ ràng con vật thấy đau. Nó dừng chân và có vẻ hoang mang. Đúng, nó hoang mang vì còi xe và những tiếng động cơ lẫn với những tiếng súng bắn chỉ thiên làm con vật hoảng sợ và tháo lui vào rừng cây.

Tờ Memorial Evening tối đó đã loan bản tin:

Chuyện hy hữu: Một con gấu sổng chuồng đã từ vườn cây nhảy ra tấn công một người Việt Nam sống trong vùng, lúc đang trên đường từ một quán ăn trở về nhà.

Cảnh sát cho biết, ông bị xây xát nhẹ nhưng không có dấu hiệu gì là trầm trọng. Ông được đưa vào một bệnh xá trong vùng và được xuất viện vài giờ sau đó.

Nhà báo dò hỏi và được mấy ông cụ trong vùng cho biết, trước đây ông ấy cũng thường xuất hiện ở các tiệm cà phê trong vùng, nhưng gần đây chẳng mấy ai thấy ông ấy nữa cho đến hôm nay.

Hỏi tên ông, họ đều nói:

– Ở đây chúng tôi gọi ông ấy là hiệp sĩ mù!

H. T. S.

Comments are closed.