Đọc “AI” của Thơ Thơ

Trần Mộng Tú

Thơ Thơ thân mến,

Đây không phải là một bài “điểm sách” vì em biết đấy, chị không phải là người có trình độ điểm sách, phê bình văn học… hay bất cứ một việc đánh giá tác phẩm lớn, nhỏ nào. Chị chỉ là người làm Thơ lơ mơ, viết lách bâng quơ…

Nhận được “AI” em gửi sau đám tang của Mẹ em, chị cầm cuốn sách, nhớ lại trong thời gian một hai năm gần đây, mỗi lần em gọi chị, hay chị gọi em đều được nghe em nói:

Em bận quá hôm nay mới nói chuyện với chị được.

Chị biết ngay là Mẹ em lại phải vào bệnh viện, hay Bố em tuần này bị cảm, hoặc… Mẹ em, Bố em… cả hai người cùng có vấn đề sức khỏe một lúc, cùng đang phải săn sóc một lượt.

Em vừa đi làm vừa săn sóc Bố Mẹ, nên em chạy hai đầu địa chỉ, vì Bố và Mẹ ở hai nơi. Em là một người luôn luôn không có thời giờ cho chính mình. Chị thật sự không biết em kiếm đâu ra thời giờ mà có thể ngồi xuống viết… vì chị biết em làm việc full-time.

Chị có thói quen đọc sách buổi tối, trước khi đi ngủ. Thời gian đó yên tĩnh và mình với chữ có nguyên một thế giới riêng tư.

Khi chị bắt đầu đọc “AI”, chị thấy có cái gì lạ lạ, có cái gì khác thường, đọc được 1/2 cuốn sách, chị gấp lại, không đọc tiếp nữa. Chị hình dung ra những lần chị đi xem triển lãm tranh “Lập Thể” chị cũng thường đứng rất lâu ở trước bức tranh, nghiêng đầu sang trái, nghiêng sang phải, suy đoán xem họa sĩ vẽ đề tài gì thế này? Thử đoán anh ta vẽ dòng sông hay đám mây, vẽ con cá hay một phụ nữ, hoặc có khi anh ta chỉ vẽ một linh hồn đang bay bổng….

Nếu muốn nhìn ra một linh hồn đang bay bổng trong tranh lập thể, chị cũng phải đứng sát vào bức tranh và cố gắng xoay ngược tối đa cái đầu của mình.

AI cho chị cái cảm giác đó, cái cảm giác đang xem một bức tranh lập thể.

Trước đây khi Thơ của Thanh Tâm Tuyền mới phổ biến, rất nhiều người không hiểu Thanh Tâm Tuyền gửi thông điệp gì trong những câu Thơ “khó hiểu” của ông.

Nếu độc giả nào đã từng yêu tranh “Lập Thể” thì có xác xuất cao là thưởng thức được Thơ Thanh Tâm Tuyền vì những bài Thơ những chữ đó có cái hình hài và hồn riêng của nó. (Tranh lập thể: Hình hài dị dạng; Thơ lập thể: Linh hồn riêng mang).

 

image

 

Khi em (tác giả) muốn clone nhân vật tiểu thuyết của mình, thì chị (độc giả) cũng muốn clone chính mình để có thể đọc hết cuốn sách, vì nếu không clone chính mình thành nhiều phó bản, thì chị sẽ thất lạc cái mảnh “chị” đầu tiên giữa những trang sách đưa chị vào một thế giới “ảo”, như thằng bé thất lạc ở một thành phố khác trên một địa lý khác.

Ước gì chúng ta có thể clone chính mình để một ngày nào đó cả hai chị em mình cùng làm Thơ khác đi, cùng viết văn khác đi và em sẽ nghĩ thêm ra những cái gì đó hoặc điều gì đó cần được clone ra hơn là chỉ một con người, và chắc chắn lúc đó chúng ta cũng sẽ có một số độc giả khác. Những độc giả biết đọc những bài Thơ những bài Văn như xem tranh lập thể.

Khi những bài thơ được clone thì nó có còn chút nào nguyên thủy như con người được clone không hả em? Và điều này làm chị do dự.

Hình như chị mới nghĩ ra, em đã tự clone chính mình rồi, vì nếu không làm sao em có thể vừa đi làm, vừa chăm sóc Bố, Mẹ và vừa có thời giờ viết sách và clone những nhân vật trong sách rồi hà cho nó một linh hồn.

Tựa của cuốn sách kế tiếp của em có thể là: “Làm thế nào để clone một tác giả”.

4-17-2023

Comments are closed.