Tháng 3/1975 – Tây Nguyên nắng khô mưa nhão máu người

Lê Công Tư

Ngay cả khi thế giới này chỉ là một nhà thương điên

thì nó cũng chưa đủ để diển tả những gì đang xảy ra nơi

đây .

Chỉ có thể nói đó là sự điên loạn được kích hoạt đến

tận cùng giữa một kho thuốc nổ…

Hồi Ức Lê Công Tư

Tựa như những lời lẽ của sấm ký, điềm triệu, những ẩn nghĩa, huyền nghĩa của chúng chỉ sáng tỏ dần với thời gian qua sự trùng khớp, tương ứng khít khao giữa những lời lẽ tiên báo mang tính biểu tượng khá mơ hồ với những sự kiện cụ thể có thực xảy ra.

Những thứ được xem như là điềm gở cũng thế. Những biểu tượng lẫn lời lẽ này chỉ thực sự bắt đầu có được giá trị sau khi được thời gian xác nhận bằng một sự kiện cụ thể nào đó. Tháng giêng 1975 báo chí Sai gòn đã đăng tin những đoàn sâu bọ kéo dài hàng cây số, chúng bò ra từ những cánh rừng ở Phan Rang quê nhà của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chúng bò ra tới biển rồi chết ở đó.

Sự kiện này dễ khiến ta liên tưởng tới câu chuyện khác. Đó là ngôi mộ của cụ Ngô Đình Khả thân sinh Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ba tháng trước khi chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị nhóm tướng lãnh có sự hậu thuẩn của Mỹ lật đổ, dân chúng ngoài Huế đã xì xầm về chuyện ngôi mộ của cụ Ngô Đình Khả bị sét đánh.

Trở lại những năm tháng cuối cùng trước lúc tàn cuộc chiến. Năm 1974, đó là năm mà kẻ viết bài này được đi khá nhiều nơi. Đi khắp nơi trên đất nước này, tới chỗ nào cũng nghe lũ trẻ hát một bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ “Người đã đi đi trên non cao nay đã về trên đồng ruộng sâu nay đã về trên thành phố mới…”. Chúng hát như một thứ đồng dao, một lời sấm ký, gợi ý về một sự thay ngôi đổi chủ nào đó sắp xảy ra ở phía tương lai.

Sau này khi súng đạn đã im hơi, linh hồn lẫn xương cốt của những người lính đã khuất, có lẽ cũng đã tìm được một sự bình yên thanh thản nào đó với gió núi mưa ngàn giữa những cánh rừng lạ trong cái lần tháo chạy hỗn loạn dạo đó. Còn những kẻ sống sót như anh thì cũng có thể nhớ lại những điềm gở đó như những mảnh đã dự phần làm nên cái toàn thể. Về phương diện này thì sâu bọ cùng với trẻ con như thể đã nhìn ra cái ngày tàn của cuộc chiến nhanh nhạy hơn người bình thường. Cũng giống như lũ động vật tự động rời bỏ nơi mà chúng biết trước sắp xảy ra động đất áu một thứ linh tính trực giác nào đó.

Anh vốn là một kẻ lơ ngơ bẩm sinh và chắc chắn là sẽ còn lơ ngơ cho đến lúc chết, rất ít khi để ý đến những sự kiện đang xảy ra chung quanh mình. Ngay cả khi mà hình như cả Tiểu Đoàn đều đã nhận ra có cái gì đó thật bất tường đang diễn ra, sức nặng của nó đang đè nặng lên khuôn mặt cùng sinh hoạt của từng người lính thì anh vẫn đi ra đi vô như một kẻ vô sự. Ngay cả khi mà đồng đội đang xì xầm với nhau rằng Uỷ Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 Bên đã nhổ trại đi đâu hết rồi, cho dù họ ở cách nơi anh ở chỉ một cái hàng rào kẽm gai lẫn với những bụi cỏ tranh khô cháy chạy dọc theo con đường chính đi vào Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2. Nhìn băng qua mấy ngọn đồi thấp là phi trường Cù Hanh. Không khó để nhận ra những chuyến bay càng lúc càng vội vã, dồn dập khác hẳn ngày thường , đạn pháo của cộng sản cũng đang nả vào chổ này. Những cụm khói đang tỏa ra bên trong khu vực phi trường . Hình như có vài chiếc máy bay dính đạn, nằm ì giữa những cụm khói. Và ngay cả khi mọi người nói với anh rằng đèo An Khê, con đèo từ Quy Nhơn lên Pleiku đã rơi vào tay cộng sản, cả đến khi tay thiếu tá tiểu đoàn trưởng gọi anh lên phòng, với khuôn mặt buồn bã bảo anh lập hồ sơ tổn thất cho đài siêu tần số ở Kiến Đức, điều này đồng nghĩa với chuyện Quảng Đức (Dak Nông) đã thất thủ. Còn việc mất Buôn Mê Thuột thì ai cũng biết rồi, và xa hơn nữa là Phước Long. Rồi hình như có ai đó nói với anh rằng đèo Khánh Dương từ Ninh Hòa lên Buôn Mê Thuột cũng đã rơi vào sự kiểm soát của cộng sản. Tất cả những sự kiện đó cũng đồng nghĩa là quân đoàn 2 với tây nguyên gần như đã bị hoàn toàn bị cô lập

Anh cũng không thể nào quên buổi chiều cuối cùng thơ thẩn trước sân bộ tư lệnh quân đoàn 2. Trên thảm cỏ là những giấy tờ của ai đó quăng ném bừa bãi. Dãy hành lang dài vắng im, chẳng còn ai làm việc. Trước sân chào cờ của quân đoàn chỉ có một người phụ nữ đứng một mình đơn độc với chiếc va li nhỏ như đang chờ đợi ai. Khoảng năm phút sau anh nghe tiếng động cơ của một chiếc trực thăng sau những vòm cây, rồi chiếc trực thăng xuất hiện ngay trước mặt anh. Hình như nó bay từ Kon Tum xuống. Nó vội vàng đáp xuống. Cô gái vội vã trèo lên. Chiếc máy bay cũng vội vã bay lên rồi biến mất về phía trời xanh trước mặt.

Mãi về sau này anh mới biết tướng Phú cùng bộ tư lệnh quân đoàn đã dời về Nha Trang. Tất cả những ai còn lại hầu như đã bị bỏ rơi cùng với những nguồn thông tin quá sức mơ hồ: nào là bỏ Tây Nguyên rút xuống biển để củng cố lại lực lượng, nào là cộng sản dành 32 tiếng đồng hồ cho tất cả những ai muốn rời khỏi cao nguyên trung phần, nước Việt Nam được chia lại, từ vĩ tuyến 13 trở lên thuộc Cộng sản, còn từ vĩ tuyến 13 trở xuống là của chánh quyền miền Nam. Đây cũng là thông tin cuối cùng anh nghe được trong lúc mọi người hối hả khuân vác đồ đạt chất lên x.

Lúc anh đang đứng lơ ngơ trước cửa thì một chiếc jeep đổ ngay trước mặt. Anh nhận ra mấy người lính công binh. Họ hỏi anh:

-Ai là người coi cái kho này đi vào lấy đồ đạc ra đi, để tụi này đặt chất nổ.

Đó là một cái kho tiếp liệu điện tử của quân đoàn 2, nó cung cấp thiết bị điện tử cho cả quân đoàn. Anh vội vã đi vào thu xếp quần áo sách vở cho vào một cái túi đựng quân trang. Mấy tay lính công binh sợ anh quên, nhắc tiếp là coi cái gì thích thì nhớ lấy đi. Cả cái kho tiếp liệu này anh chỉ thích mỗi cái la bàn của Mỹ vì nó rất xinh. Anh nhét cái la bàn vào túi rồi nói: Mấy anh đặt chất nổ đi, xong rồi.

Đạn pháo của cộng quân càng lúc càng dồn dập như thể họ biết quá rõ là nên làm cái gì vào lúc này. Bên kia là phi trường Cù Hanh cũng đang mịt mù trong lửa đạn. Có những chiếc đang bay lên, những chiếc đang vội vã đáp xuống rồi vội vã bay lên. Có những chiếc nằm im giống hệt môt con thú bị thương, nằm co chịu trận. Đó cũng là những chuyến bay cuối cùng trước khi chúng tắt thở.

Số phận của bộ tư lệnh quân đoàn 2 cũng không hơn gì. Đạn pháo nổ khắp nơi, chẳng còn đường nào mà tránh. Đúng lúc anh đang lui cui chất đồ lên xe thì một tiếng nổ chát chúa xé trời ngay dãy nhà bên cạnh, khói bốc mù mị. Hai ba người lính chạy vụt ra từ đám khói, mặt mày xám ngắt la lên:

-Bác Lắm bị gãy chân rồi. Phải rời khỏi đây càng nhanh càng tốt.

Anh hỏi :

-Vậy còn bác Lắm?

-Cộng sản đến sẽ chăm cho bác ấy. Bác ấy ở lại còn có cơ may sống còn nếu đi thì chỉ có chết thôi.

Anh thầm nghĩ, con đường từ đây tới Nha Trang chưa hẳn là xa nhưng cũng chẳng gần chút nào, nhất là trong cái tình cảnh chó chết này. Bác ở lại vẫn có cơ may sống nhiều hơn.

Cả một tiểu đoàn tháo chạy để lại sau lưng là những tan hoang đổ nát với một người lình già nằm lại khiến anh chạnh lòng. Anh sợ người lính ấy sẽ chết trong cô quạnh, vì chắc gì lính Bắc Việt kịp đến lúc bác vẫn còn sống.

Đó là buổi trưa ngày 15 tháng 3 năm 1975. Với riêng anh, đây ngày mà lịch sử của cao nguyên trung phần và quân đoàn 2 đã sang một trang khác.

Đời của anh cũng bắt đầu rẽ qua một hướng khác

***

Những diễn biến quá nhanh có được từ những thông tin khá mơ hồ chẳng thể kiểm chứng, đã khiến cho các sự kiện dồn đống, dồn cục, dẫn đến sự tháo chạy càng lúc càng trở nên cùng cực hoảng loạn.

Đoàn xe rời khỏi quân đoàn 2, sau lưng là tiếng đạn pháo vang trời cùng những cột khói mù mịt. Đi ngang qua cổng phi trường Cù Hanh, anh thấy mấy người lính quân cảnh đang chĩa súng vào một nhóm rất đông đang cố chen lấn để được vào bên trong, cho dù cổng đã khóa còn đạn pháo của Việt Cộng thì vẫn đang nã liên tục vào phi trườn.

Mọi người đang muốn rời khỏi Pleiku nhanh nhất, ngắn nhất bằng con đường dễ chết nhất, như thể không còn bất kỳ lựa chọn nào khác.

Ra tới gần trung tâm thành phố, anh thấy dân chúng đang hôi của. Họ đập phá những nhà kho của quân đội, những căn nhà mà chủ đã bỏ đi. Bọn trẻ con đang phụ bố mẹ khiêng từng thùng đồ ra ngoài, họ lấy đi tất cả những gì có thể dùng được.

Bên dưới đường vẫn còn khá nhiều lính không quân vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bay đang đi ngược về hướng phi trường. Chỉ còn duy nhất công viên của nhà thờ Minh Đức là vẫn còn giữ được cái vẻ yên tĩnh giữa lòng một thành phố đang tán loạn. Chúa đang dõi mắt nhìn sự hỗn loạn với vẻ bình yên, như thể người chẳng xa lạ gì với những trò vớ vẩn khùng điên của con người, đã diễn ra hàng ngàn năm rồi, là những trò cũ rich mà Người đã chán ngấy.

Khi xe chạy ngang qua rạp Diệp Kính, ai đó đã đổ xăng đốt cháy mặt đường Hoàng Diệu, trục đường chính của thành phố. Lửa đang cháy dài trên mặt đường. Dọc hai bên đường là cảnh hỗn độn, mọi người chen chúc rời khỏi Pleiku. Đây cũng là hình ảnh cuối cùng của thành phố trước khi nó khuất mất sau môt con dốc dài.

Đi được khoảng năm hay bảy cây số thì tới một con dốc khá cao, mở ra một cái nhìn toàn thể đủ cho anh thấy cả trước mặt lẫn phía sau anh: không biết cơ m. Nhiều nhất vẫn là xe nhà binh, cả đoàn xe đang hướng về liên tỉnh lộ số 7, con đường duy nhất nối tây nguyên với biển bị bỏ quên mấy chục năm nay vì tình trạng kém an ninh. Không loại trừ con đường này đã bị cộng sản lẫn Fulro kiểm soát lâu rồi, vì nó đi qua Phú Bổn xuống Cheo Reo để ra Tuy Hòa. Người ta chỉ bắt đầu nhớ đến nó khi tất cả những con đường khác đi ra biển mà nhất là đường xuống Quy Nhơn đã bị cộng sản kiểm soát. Giờ thì nó đang trở thành con đường chiến lược cho một cuộc rút quân tháo chạy.

Buổi tối hôm đó, cả đoàn xe chạy rì rầm dưới một bầu trời đầy sao. Nằm ngửa trên đống đồ, ngước mắt nhìn trời sao với một cái đầu lan man, hàng trăm ý nghĩ mơ hồ không rõ nét về tương lai, lẫn lộn giữa hy vọng và lo âu là những cảm xúc mịt mù. Thành phố có bãi biển xanh trước mặt không hứa hẹn bất cứ điều gì, tương lai là một thứ gì đó xem ra vô cùng bất bênh vô định.

Đoàn xe càng lúc càng chạy chậm lại, như rùa bò. Đến Phú Bổn, nó chỉ còn nhích từng chút một. Liên tỉnh lộ số 7, con đường nhỏ vừa đủ cho một chiếc xe đi, giờ này phải chở trên mình khối lượng xe cộ của cả cao nguyên trung phần. Phải đến Phú Bổn mới biết không riêng gì Komtum, Pleiku mà cả Buôn Mê Thuột, Quảng Đức cũng tháo lui bằng con đường này.

Cuộc tháo chạy đó đang nằm trong tầm ngắm của quân giải phóng. Họ quá biết là phải làm gì với đám tàn quân này. Cuộc truy kích của cộng sản đã khiến cuộc tháo chạy diễn ra không hề như mọi người tưởng tượng qua đồn đoán. Cái vĩ tuyến 13 nào đó với một thời hạn cho phép rời khỏi cao nguyên chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng nào đó, là lô an ủi dành cho đám tàn quân bị bỏ rơi.

Đến chiều hôm đó, anh đến trung tâm thị xã Phú Bổn. Anh đi loanh quanh bên ngoài tòa thị chính Phú Bổn gần cả ngày trời vì xe bị kẹt cứng. Trong tòa thị chính là ngổn ngang giấy tờ bị bỏ lại. Nhìn lá cờ ba sọc đỏ trước sân tòa thị chính, trông nó ủ rũ như một miếng giẻ rách, như thế hồn thiêng lẫn anh linh tú khí của đất nước đã rời khỏi miếng vải này rồi. Trên tường vẫn còn tấm bản đồ tỉnh Phú Bổn tỷ lệ 1/10000. Anh tháo xuống, xếp gọn cho vào túi vì tin là mình sẽ cần, bởi khả năng phải cắt rừng đi bộ gần như đã nắm chắc trong tay.

Đoạn đường từ Phú Bổn ra Phú Yên để đến được Nha Trang chưa hẳn là dài, giờ đây đã trở nên vô tận với vô vàn bất trắc mịt mù trước mặt. Những người bạn cùng đơn vị vẫn còn đó cho dù sự vô trật tự đang có khuynh hướng tăng dần. Việc kiểm soát bằng quân lệnh gần như bất khả thi nếu không muốn nói tiểu đoàn của anh đang rã ra từng mảnh trước lúc tan hàng. Tình cảm duy nhất còn lại mang ra dùm bọc nhau lúc này là chút tình đồng đội trộn lẫn vào tình bè bạn cá nhân, xa hơn chút nữa có thể là tình đồng loại.

Buổi sáng và buổi trưa hôm đó, anh ăn cơm với mấy dì phước. Anh đi nhặt củi, tìm thức ăn. Gạo thì đã có gạo sấy, mấy cô con gái của Chúa lui cui nấu nướng. Lúc ăn cơm họ hỏi anh theo đạo gì, anh bảo là đạo Phật, cho dù lúc này cũng như rất nhiều lúc khác anh chẳng tin vào cái gì cả, chỉ tin vào đôi chân cùng số mạng của chính mình. Anh còn tin vào một cái chết đang lẩn quẩn quanh đây, tin rằng sự sống của mình đang trao vào may rủi, vào những thứ mà anh có cảm tưởng đã dự phần làm nên định mệnh nào đó của đời mình.

Ở giữa cái vòng xoáy tan hoang của cuộc di tản này, anh trao hết đời mình cho canh bạc rủi may, nơi mà cuộc sống đang đánh đu trên miệng vực của cái chết. Mấy dì phước thì nói với anh là họ phó thác cả vào tay Chúa. Cái niềm tin xem ra vẫn còn đầy đặn ở những người này thì lại hoàn toàn vắng bóng nơi anh.

Cho đến 4 giờ chiều thì đoàn xe vẩn còn nằm im bất động. Phía trước súng nổ vang trời. Tiếng AK của cộng sả, tiếng AR15 của đám tàn quân đang tháo chạy cùng với tiếng đạn pháo. Một phụ nữ đi ngược lại, vừa đi vừa khóc, trên tay cầm một thẻ nhang, mếu máo nói: Thằng con của tôi nó chết rồi. Bà lấy tay chỉ về phía trước, nơi đạn đang nổ rền giữa cảnh hỗn loạn. Mấy dì phước đưa tay làm dấu thánh giá.

Đúng lúc đó, khá nhiều người từ phía sau chạy tới, mặt mày hốt hoảng la lớn là có Fulro đang tràn tới. Từ lâu rồi anh biết tổng hành dinh của Fulro là ở Buôn Hồ, một địa danh mà cả Việt Cộng lẫn lính của Việt Nam Cộng Hòa mỗi lúc đi ngang đều ngao ngán.

Bây giờ anh mới nhận ra là cả đoàn xe đang bị kẹt cứng không cách Buôn Hồ bao xa. Anh với tay lấy chiếc ba lô chạy vội về phía trước, mấy dì phước cũng chạy tán loạn như một đàn chim vỡ tổ. Tiểu Đoàn 602 của anh cũng thế. Đúng lúc anh chạy vội về phía trước thì một chiếc jeep nhỏ đang bò tới trên con đường mà mấy xe thiết giáp không chịu đựng nổi nạn kẹt ứ, đã mở một con đường mới bằng cách chạy càn qua những bờ bụi nhỏ.

Trên chiếc xe jeep đã chật cứng người, có lẽ là ba gia đình, vì có ba sĩ quan, ba người đàn bà cùng mấy đứa nhỏ. Anh nói với họ: Mấy anh nên cho tôi đi. Tôi có trong tay địa bàn – bản đồ, nếu chẳng may phải đi bộ tôi sẽ dẫn mấy người băng núi để ra Tuy Hòa. Cả ba đều là sĩ quan văn phòng, anh nhận ra điều này từ làn da trắng trẻo của họ. Họ đảo mắt nhìn anh như để đánh giá rồi nói: Leo lên đi. Anh vừa leo lên chiếc jeep thì một đoàn thiết giáp tràn tới, rồi anh nghe có ai đó gọi tên mình. Nhìn lên pháo tháp của một chiếc thiết giáp đang tràn ngang trước mặt, anh thấy có khuôn mặt đầy bụi đang giơ tay vẫy vẫy với một nụ cười cũng đầy bụi. Đó là Vinh, một thằng trong toán nhảy của đại đội trinh sát biệt độngquân quân khu 2. Anh từng làm việc với bọn này gần nửa năm trời, đã từng sống với chúng trên một căn gác nhỏ gần cầu 3 với đầy những kỷ niệm.

Giáng sinh 1973 năm đó gió Lào thổi về, cả bọn bốn đứa lạnh buốt xương. Những cái mền mỏng không thấm vào đâu. Một thằng đề nghị trèo qua cái kho bên cạnh lấy củi về sưởi. Cả bọn không ngờ đó là một cái kho quân trang quân dụng đã bị lãng quên, chẳng ai ngó ngàng gì tới. Vẫn còn rất nhiều thứ có thể mang ra chợ trời ngoài Pleiku bán được. Sáng hôm sau Vinh thuyết phục tay tài xế lái chiếc jeep của ban 2, nhờ hắn chở hết ra chợ trời Pleiku. Cả bọn mang hết tiền bán được để vui vẻ với bốn cô gái giang hồ với đủ cả bánh mứt, rượu tây. Đó là một đêm Giáng Sinh nhớ đời. Đêm hôm đó nếu Chúa có xuống kêu anh về xứ của Người anh cũng xin khất lại lần khác, vì tối hôm đó anh đã có một thiên đường rồi, và anh cũng đọc được trong đôi mắt của những cô gái giang hồ ánh lửa ấm áp được thắp lên giữa những tháng ngày trôi nổi lưu lạc của những thằng con trai xa xứ với những cô gái bị bom đạn chiến tranh lùa khỏi quê nhà trong cái đêm Giáng Sinh đầy ắp niềm vui, ngập ngụa dục lạc đó.

Sao anh cứ nhớ hoài một buổi chiều hình như cả bọn mới bước ra từ một động điếm ở sau lưng rạp Diệp Kính. Trong lúc phấn khích, Nguyễn nói: “Tụi mày thử nghĩ coi, nếu thành phố này không có các cô gái giang hồ thì cuộc sống chó chết này sẽ ra sao?”. Rồi hắn nghêu ngao hát : “Em Pleiku má đỏ môi hồng ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông… Mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên…”.

Trước khi đi lính, hắn sống trong chủng viện. Đời lính đưa hắn xa dần Chúa, mang hắn lại gần cuộc đời hơn, trần trụi hơn, bụi bặm hơn, dày dạn hơn, nói chung là ba trời hơn mấy cha nội tối ngày cứ sợ sa vào địa ngục, một thứ địa ngục lầy lội nhưng không tệ chút nào bởi hình như không có thằng lính nhảy toán nào còn đủ thời gian để có thể đến với cái nước Chúa nữa. Nó vừa quá xa lại mù mờ chẳng biết có thật hay không. Với đám lính nhảy toán này chẳng có cái gì rõ hơn cái chết cứ chập chờn trước mặt trong từng ngày.

Nguyễn cũng thế. Hắn chết vội vã giữa những cơn mưa trắng trời vào mùa mưa năm đó ở một tiền đồn gần Tumorong. Đạn bom như thể đã nhanh tay hơn Chúa. Biết đâu chừng chết sớm như Nguyễn lại là một điều hay. Nó đã sống rồi chết như một người lính, thay vì phải chạy như một đám tàn quân, như một bầy vịt tan tác giữa cái thung lũng khô khốc nắng lửa này.

Mà nào đã hết, cứ hai ba tuần sau những lần đi nhảy toán về, chúng lại dẫn về những cô gái trẻ măng, chẳng biết chúng đào ở đâu ra. Các cô tự nhận là người của nhóm “Tình cho không biếu không”. Cô nào cũng đeo trên cổ cây Thập giá, mỗi lúc làm tình các cô tháo sợi dây Thập giá để trên bàn. Mỗi lúc các cô này xuất hiện trên căn gác nhỏ là chỉ toàn ăn uống, đàn địch. Đúng là những cô tiên mà thượng đế gởi xuống để ủy lạo các chiến sĩ. Mãi về sau anh mới biết bầy chiên ngoan này trôi dạt từ một xóm đạo dưới Tuy Hòa lên.

Có một lần tâm sự, Vinh giải thích tại sao nó bỏ đại đội trinh sát của sư đoàn 25 để về đầu quân chốn này:

-Có một buổi sáng thứ Hai làm lễ chào cờ, em nhận ra quanh mình toàn những khuôn mặt mới lạ hoắc. Đám lính cũ cùng lứa với em gần như đã chết trụi. Sống với bản án tử hình được gia hạn từng ngày từng giờ đã quá sức chịu đựng của em, hoảng quá em mới bỏ lên đây.

Trầm ngâm một chút, Vinh nói tiếp:

-Về đây em thấy cũng chẳng khá hơn chút nào. Mới có mấy tháng mà đã không biết bao nhiêu thằng về chầu ông bà. Anh coi anh Chi đó, em sợ anh ấy chết rồi cũng nên. Mới tuần trước còn lo bà già không gởi tiền lên.

Chi là con của một thượng nghị sĩ có tiếng ở Sài Gòn, hắn chán cuộc sống ở nơi đó nên lên đây tính làm Kinh Kha. Lúc tiền đồn Dakpek ở cực bắc Kontum gần thất thủ, Chi được thả xuống đó để nắm tình hình. Công việc của anh là chuyển những bản tin đã được mã hóa của mấy tay nhảy toán này về bộ tư lệnh biệt động quân, nơi đây sẽ điều nghiên, đánh giá, phân tích, tổng hợp chúng lại trước khi quyết định phải làm gì. Công việc buộc anh phải thường xuyên liên lạc với Chi từng giờ. Mấy phút trước khi Dakpek bị úp đồn, anh nghe tiếng Chi như lạc đi qua máy bộ đàm: “Việt Cộng nhiều quá, tụi nó đang vây kín, đang tiến sát vô hàng rào rồi…”. Nửa phút sau, những gì anh nhận được có bóng dáng một lời vĩnh biệt: “Việt Cộng đã tràn vào đồn rồi”. Sau đó là im bặt, khiến anh có cảm tưởng sự im lặng đó chỉ dành cho những ai đã không còn ở cõi đời này.

Mấy hôm sau thì Tiểu Đoàn 88 biệt động quân chính thức bị xóa sổ. Một vài người lính chạy thoát ra hướng Ba Tơ – Quảng Ngãi cũng bị Việt Cộng nằm vùng ở đây tóm gọn. Hình như cả Tiểu Đoàn chỉ còn sái đứa sống sót…

Những người lính của cả hai phía cứ dần biến mất vào cái guồng máy khổng lồ chuyên sản xuất và đóng gói cái chết dạo đó. Nó nhai, nghiền nát, đóng hộp, gói kín chúng lại rồi vất vào nghĩa địa, như thể sự sống chỉ còn là trò đùa vớ vẩn của cái chết…

Comments are closed.