Cái gạt tay và xảo ngữ

Đức Hoàng

 

Có một lần, tôi đánh rơi một chiếc ví chứa nhiều vật giống tiền trên con đường cong mềm mại nối từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng.

Vì con đường cong mềm mại đang thi công, nên khi tôi quay xe lại, bị ngã. Mặt đường tự đập vào mắt cá chân tôi. Cái mắt cá ấy, do vài lần ngã trước và sau đấy, giờ bị đau mỗi lần vận động mạnh.

Đoạn văn trên mô tả một khung cảnh có thật. Và nếu có độc giả khó tính nào đó đang định phàn nàn về văn phong của đoạn này, thì tôi cần khẳng định: nó sử dụng một loạt các từ vựng đã trở thành thói hành văn mới.

“Đường cong mềm mại” là cách mô tả về đường Trường Chinh, con đường vì lý do nào đó đã không thể chạy thẳng và vô tình lượn qua nhiều ngôi nhà, đưa chúng ra mặt đường.

“Vật giống tiền” là cách mô tả các tờ giấy có in hoạ tiết của tiền. Không một ai nên tự tin rằng mình đang tiêu tiền: tờ giấy polymer bạn dùng đi chợ hôm nay đã qua cơ quan giám định nào để khẳng định đó không phải là tiền giả chưa? Nếu chỉ có hoa văn của đồng tiền, thì chưa thể gọi là tiền.

Mặt đường tất nhiên cũng đã tự đập vào mắt cá chân tôi. Nếu cái mặt đường bê tông không nằm dưới chân, mà ở trên đầu, thì chắc chắn chân tôi không va chạm với nó. Đây là logic. Giống như nhiều lần thương tích của thường dân được lý giải theo cách: cái mặt tự va chạm với dùi cui hay là… đế giày của lực lượng chấp pháp.

Tiếng Việt đang ở một thời kỳ thịnh vượng, nếu nhìn vào cách mà chúng ta mô tả các vấn đề trong cuộc sống. Một người bạn của tôi thậm chí tin rằng đã đến lúc làm sống lại phong trào sáng tác ca dao, vì “tục ngữ” mới thì đang được đẻ ra mỗi ngày. “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ cầu Chư Pả xây hình chữ Vê” – bạn tôi ngâm nga. Bởi vì lãnh đạo huyện, khi cầu sập đã khẳng định rằng cái cầu mới xây trên địa bàn không hề sập, nó chỉ được… tạo hình chữ V.

Và mới nhất, nhiều người lại cảm thấy hoài nghi về vốn từ vựng của mình, khi nghe công an thành phố Hà Nội mô tả cuộc xô xát giữa một cảnh sát hình sự và một phóng viên. Trong biên bản làm việc nội bộ vừa được tiết lộ, xác định rằng thượng sĩ Ngô Quang Hưng đã có “hành vi gây thương tích cho anh Trần Quang Thế”. Nhưng tới khi trả lời báo chí, vị lãnh đạo lại quyết định mô tả một cách đầy hình ảnh: chiến sĩ này đã gạt tay trúng má của nhà báo.

Tất nhiên, có nhiều cách để mô tả sự việc. Để khẳng định một cách diễn đạt là đúng hay sai, chúng ta sẽ phải sử dụng đến triết học, mà vẫn có thể bế tắc. Chỉ số cảm nhận tham nhũng không tăng, không giảm, thì tất nhiên là tham nhũng… ổn định. Về mặt ngôn ngữ học, tôi dám chắc không ai dám bắt bẻ rằng, cơ quan thanh tra nhận định thế là sai.

Nhưng việc lựa chọn cách dùng từ lại thể hiện một thái độ. Bởi vì cách mô tả, cũng sẽ tạo ra cách phản ứng: nếu thanh tra nói rằng tình trạng chống tham nhũng đang “không có biến chuyển” thì sẽ rất khác với “tham nhũng ổn định”; nếu đường Trường Chinh thay vì “cong mềm mại” là “không thẳng” thì vấn đề được nhận thức khác; nếu “gạt trúng vào má” được mô tả là “hành vi gây thương tích” thì dư luận xã hội sẽ thay đổi.

Tham nhũng, đường không thẳng, cầu biến dạng và công an lạm quyền gây thương tích là những vấn đề cần được nhìn thẳng trực diện thay vì cố tình dùng xảo ngữ để đánh tráo khái niệm. Khi những khái niệm được đánh tráo, người ta có quyền không tin vào nhận thức đúng hoặc sẽ phải tin rằng, xảo ngữ đã được sử dụng hòng đánh lừa kẻ ngu ngơ.

Và trong xã hội thông tin bây giờ, còn rất ít người ngu ngơ – khi mà một sự vật sự việc được phản ánh rất nhanh và đa chiều.

Phát ngôn của nhà quản lý không chỉ là lời nói: nó phản ánh cái cách mà vấn đề đó sẽ được giải quyết trong tương lai. Sẽ thật ngây ngô nếu có ai đó ban hành các chính sách “hạn chế đường cong mềm mại” hay là “cấm gạt tay”.

Và tất nhiên, không ai cấm hành vi gạt tay cả. Vì cách mô tả rất đỗi tự nhiên ấy, nó sẽ phát triển tự nhiên trong lực lượng hành pháp. Thương tích của người đối diện sẽ chỉ là vấn đề rủi ro.

Phát ngôn của nhà quản lý không chỉ là lời nói: nó phản ánh tinh thần phục vụ của họ. Sự biến ảo trong ngôn từ phát biểu với đại chúng, có thể dễ dàng tạo ra liên tưởng về sự biến ảo trong các hành vi khác. Một cái vali chứa triệu đô có thể hoàn toàn chỉ là “để quên” ở phòng lãnh đạo và nhờ “cất hộ”, theo một lối nói nào đó.

Phát ngôn của nhà quản lý, nếu là xảo ngữ, có thể trở thành một cái “gạt tay” khiến niềm tin của nhân dân đổ sụp.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/cai-gat-tay-va-xao-ngu-3476918.html?utm_source=home&utm_medium=box_gocnhin_home&utm_campaign=boxtracking

Comments are closed.