Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 13)

Tính tự thức và truyện tự thức

Ngu Yên


Tính tự nhận thức (self-reflexivity) (1) trong văn bản sáng tác về hư cấu của sáng tạo là đặc điểm xác định nhất của văn học hậu hiện đại. Mặc dù self-reflexivity là một khuynh hướng văn học đã xuất hiện từ trước, như trong các tác phẩm Tristram Shandy của Laurence Sterne (1760-7), Joseph Andrews của Fielding (1742) … và tiếp tục xuất hiện trong những thế kỷ tiếp theo, nhưng được đào sâu và thể hiện mạnh mẽ qua nhiều cách thế mới lạ như một đặc điểm trong phong trào hậu hiện đại. Nhất là khi sự tự thức gây ra cao trào cho thể loại truyện tự thức (metafiction)(2), một thể loại truyện tự ý thức và tự thừa nhận sử dụng tưởng tượng để xây dựng câu truyện.

Chữ meta thường xuyên xuất hiện trong nhiều lãnh vực, như metapolitics, metarhetoric, metatheatre, metaphysics … Chữ meta mang nhiều nghĩa khác nhau tùy vào nội dung và bản tính của chữ theo sau. Ví dụ meta-physics, gọi là siêu hình học, chính ra là triết học tự biện. Còn như metadrama, nên gọi là kịch tự thức thay vì siêu kịch nghệ.

Chữ meta dùng như tiền tố có nghĩa là “sau,” “vượt qua” hoặc chỉ định một khái niệm trừu tượng. Trong ý nghĩa Hy lạp và Latin, meta là “hậu” hoặc “thêm vào”. Chính vì trong Anh ngữ, meta được phép sử dụng chung với những khái niệm trừu tượng, khiến cho cách ráp tiền tố meta trở thành mông lung, khó quy định. Ví dụ khi học giả Linda Hutcheon gọi Trăm Năm Cô Quạnh của Marquez là metafiction (Linda Hutcheon, 1988. Historiographic Metafiction. New York: Routledge), chữ meta ở đây nên hiểu là vượt qua hiện thực, một loại hiện thực ảo. Theo tôi, chữ meta thường bị lạm dụng bởi một số nhà phê bình Tây phương.

Tính “tự thức phản tỉnh” đề cập đến các mối liên hệ hỗ tương giữa sáng tác và tác phẩm, như liên hệ nhân quả. Sự liên hệ hai chiều tác động lẫn nhau, bao gồm hành động tự tham khảo về tự kiểm tra và tự xét lại. Tính tự thức phản tỉnh có đôi điều khác biệt trong ý nghĩa, khi được giải thích cho từng lãnh vực khác nhau, ví dụ như tính phản tỉnh trong xã hội liên quan đến cá nhân và tập đoàn. Trong khi về kinh tế, tính tự phản tỉnh liên quan đến tâm lý thị trường và dục vọng riêng tư.

Sự tự tìm hiểu và tự kiểm soát bản thân văn học của truyện, gọi là “tự phản tỉnh.” Trong khi tự biết văn bản là nghệ thuật tưởng tượng và thường xuyên nhắc nhở người đọc hoặc bằng một cách nào đó, biểu lộ cho người đọc biết rõ về sự hư cấu trong truyện, gọi là “tự ý thức”. Xin dịch metafiction là “truyện tự thức phản tỉnh”, viết tắt là Truyện Tự Thức.

Thể loại truyện này cũng đã có trước từ thế kỷ 18, nhưng được trọng dụng và mở rộng qua nhiều phong cách truyền đạt hiện đại và đa dạng, khi phong trào hậu hiện đại đặt ra nghi vấn về sáng tác và tiểu thuyết.

Tính Tự thức phản tỉnh trong văn chương

Truyện hậu hiện đại thu hút sự chú ý đến yếu tính hư cấu, bằng cách trình bày và gây khúc mắc về thực tế xảy ra trong câu truyện, khiến người đọc phải thừa nhận sự hư cấu của văn học. Thế giới hư cấu được tạo ra tương tự thế giới bên ngoài. Câu truyện thành hình tự nhiên và mang những nét đặc biệt và rõ rệt của tưởng tượng, để văn bản chỉ đơn giản là cuộc dàn xếp một câu truyện đã hoặc sẽ xảy ra.

Vì dựa trên lý thuyết tự ý thức, văn chương hậu hiện đại trở thành vô hạn và dứt khoát với những phương pháp của hiện đại. vấn đề khác biệt giữa chủ nghĩa hiện đại, truyện hiện đại và phong trào hậu hiện đại, truyện hậu hiện đại là đặc tính và hiệu quả của truyền đạt:

– Hậu hiện đại không phải không muốn trình bày thực tế như hiện đại, nhưng nó không thể trình bày một cách vô thức và thành thật vì nó không có niềm tin như vậy.

– Đối với hậu hiện đại, ngôn ngữ không đủ khả năng diễn đạt. Có một khoảng trống giữa ngôn ngữ và thực tế. Sự bất lực của ký hiệu truyền thông, bao gồm ngôn ngữ. Và bất kỳ trình bày thực tế bằng cách nào, cũng không thể vượt qua thực tế trong bản chất, phạm vi của ngôn ngữ và ký hiệu.

Văn học hậu hiện đại mang tính thực nghiệm và liên văn bản. Mỗi tác phẩm là mỗi thử nghiệm, đóng góp vi mô bản vào văn chương. Bản thân văn bản nhấn mạnh và kêu gọi sự tự nhận thức của người đọc về chính tình trạng của họ, đang là người đọc. Cũng như, bản thân của truyện yêu cầu chú ý đến tình trạng của nó như tiểu thuyết, tức là hư cấu. Khác với quan niệm của thời đại trước, nỗ lực làm cho độc giả cảm thấy tiểu thuyết là một phần của đời sống thật, văn học hậu hiện đại thách thức người đọc kiểm tra các giả định văn hóa về vai trò và chức năng của văn học. Ví dụ, đọc văn bản này không chỉ đơn thuần tiếp nhận bài tường thuật, mà còn đòi hỏi hành vi đọc, phản ứng với văn bản, và suy nghĩ về hành vi đọc của bản thân. Ví dụ, tại sao phải đọc chủ đề này?

Barthes cho rằng một tác phẩm cưu mang hai văn bản sinh đôi, không nhất thiết giống nhau. Một là của tác giả và thể hiện trên tác phẩm. Hai là của độc giả, thể hiện trong nhận thức, mang sự đồng thuận hoặc phản đối với văn bản của tác giả. Độc giả đóng một vai trò mới. Văn chương hậu hiện đại mời độc giả tham dự bằng cách tự giải thích từ vị trí chủ quan, theo sự lợi ích của tri thức và tâm tư. Tuy nhiên, kết quả thường xuyên không làm độc giả hài lòng. Văn bản của độc giả thông thường là phản văn bản.

Kỹ thuật tự ý thức khi áp dụng vào sáng tác đưa ra những tác phẩm đa dạng đa hình, khó tập trung và phân loại. Vì vậy Umberto Eco kết luận, người độc giả tốt nhất là người đồng lõa với tác giả.

Truyện tự thức, metafiction

Cụm từ này cho phép truyện được viết về bản chất và yếu tính của truyện. Nghĩa là: 1- không phải chỉ sử dụng hư cấu, mà trình bày khả năng hư cấu, tác dụng hư cấu, phê phán hư cấu. 2- đánh giá thực tế bằng phương thức tưởng tượng. Thực tế được quan sát, nhận thức và thành hình trong hư cấu. Ví dụ, một người bạn là thực tế. Bỗng dưng trong chiêm bao trở thành tình nhân. Yêu đương thắm thiết. Khi thức dậy, người bạn này trở thành một người mang theo bối cảnh tưởng tượng. Người này đã vào trong hệ thống hư cấu. Rồi khi gặp lại, người bạn hư cấu ảnh hưởng tình bạn trên người bạn thực tế.

Có thể xác nhận, truyện tự thức là truyện tự khám phá chính bản thân trong hành trình mô phỏng thực tế để truyền đạt đến độc giả qua khả năng dàn xếp của tưởng tượng.

Về diện kỹ thuật, thể loại này nỗ lực bắt người đọc phải tham gia vào dàn dựng hư cấu và bản năng hư cấu trong văn học. Truyện tự thức liên tục nhắc nhở người đọc, đây là truyện mang tính tưởng tượng. Không phải chỉ là văn bản trình bày và phản ảnh đời sống, mà thật sự là ngôn từ thể hiện và có được ý nghĩa nhờ sự liên hệ đến những ngôn từ khác. Tức là ý nghĩa trong nội tại văn bản tương quan với liên văn bản.

Chức năng và mục đích văn bản trong thể loại này là phơi bày tưởng tượng như hư cấu, nhưng không nhiều hơn những gì người đọc đã biết trong thực tế, hoặc đã kinh nghiệm trong thực tại. Ví dụ, hư cấu sự hòa nhập giữa thế giới vô hình và đời sống hữu hình. Tư tưởng này không xa lạ. Chỉ là một tái lập của tác phẩm đi trước. Tuy nhiên, cách truyền đạt dẫn đến một quan điểm khác. [Quan điểm trở thành vai trò quan yếu trong sự tái lập, vay mượn từ tác phẩm khác.] Vì dàn dựng theo cốt truyện là sự tưởng tượng mô phỏng thực tế, khiến người đọc luôn luôn biết sự hư cấu đang diễn ra. Người đọc không bị xô nhập vào câu truyện, mà tham gia một cách tỉnh táo, để khám xét ý tưởng, kiểm tra những ngụ ý, những biến dạng, những ẩn dụ. Rốt ráo, tự tạo một văn bản riêng của người đọc so sánh với tác phẩm. Ví dụ, câu truyện Kẽ nứt nhàm chán trên tường tử sinh. Nói một cách khác, như Bran Nicol đã trình bày, truyện hậu hiện đại được xây dựng có hiệu quả, do dàn xếp và thảo luận về cả hai mặt: thế giới hư cấu và đời sống bên ngoài.

Các đặc tính xác định thể loại này, bao gồm:

– Tự ý thức (self-awareness).

– Không quan tâm đến chủ đề lớn có bản chất siêu bản.

– Kết thúc mở với nhiều hợp lý nhưng mơ hồ.

– Tính liên văn bản.

– Thử nghiệm.

– Cưu mang nhiều ký hiệu nhiều ý nghĩa.

– Ràng buộc với những gì khủng hoảng trong cốt truyện đã trình bày.

Kỹ thuật: Những kỹ thuật này thường xuất hiện trong một kết hợp, nhưng cũng có thể xuất hiện một mình. Truyện tự thức thường sử dụng các tài liệu tham khảo liên văn bản và sự ám chỉ bằng:

– Kiểm tra hệ thống hư cấu.

– Kết hợp các khía cạnh của lý thuyết và phê bình.

– Tạo tiểu sử tưởng tượng của các nhà văn hoặc các nhân vật quan trọng.

– Trình bày và thảo luận về tác phẩm hư cấu của nhân vật tưởng tượng.

Kỹ thuật truyền đạt: Lý luận trên căn bản, không thể nào mô tả một đối tượng thực tế như một đối tượng thực tại. Tâm trí con người sẽ bẻ cong, hoặc mờ nhạt, hoặc thêm bớt theo những ý đồ, dục vọng và vô thức, trước khi diễn đạt lại. Cùng một lúc, đối tượng thực tế cũng thay đổi ý nghĩa khi xuất hiện trong những bối cảnh khác nhau. Như thấy con cọp giữa rừng và xem con cọp trong chuồng, sẽ là hai nhận thức và cảm xúc khác biệt. Truyện tự thức hiểu rõ điều này, sẽ không bao giờ có sự diễn đạt, mô tả chắc chắn. Trên văn bản, mọi diễn đạt đều không chắc, không ngờ, không đáng tin cậy. Sự không đáng tin cho phép sáng tác đi sâu tiến xa vào hư cấu và cho người đọc thưởng thức thú vị, cảm nhận ý nghĩa, nhưng đồng thời biết rõ: không đáng tin, chỉ là hư cấu.

Sự vi phạm của tác giả: Hậu hiện đại phản lại những siêu nguyên tắc hoặc những học thuật đã định từ chủ nghĩa hiện đại, vượt qua những giới hạn này, được xem là vi phạm. Tác giả hậu hiện đại xem việc vi phạm là chuyện đi tìm cách giải thoát:

– Đưa lý luận, phê bình, nhận xét, dữ liệu không văn chương, vào truyện.

– Trực tiếp nói với độc giả. Độc giả trở thành ngôi thứ hai, tác giả ở ngôi thứ nhất.

– Liên hệ bản thân với nhân vật truyện.

– Công khai đặt câu hỏi trong truyện về giả định và quy ước biến đổi và thanh lọc thực tế. Sau cùng, nỗ lực chứng minh không có sự thật hoặc ý nghĩa sẵn có.

Truyện tự thức sử dụng những kỹ thuật không theo quy ước và mang tính thực nghiệm:

– Không dùng những âm mưu, ý đồ thông dụng.

– Không nỗ lực trở thành thực tế thật.

– Phá vỡ những quy ước với mục đích chuyển đổi thực tế vào những khái niệm cao kỳ, vẫn còn trong nghi vấn.

– Phóng đại những nền tảng của sự bất ổn.

– Ở vài tác giả thành danh, họ sử dụng ngôn ngữ và tứ văn ở mức độ cường điệu. Mục đích gây chú ý cho người đọc và nhấn mạnh điều gì họ đang muốn nói hoặc đang ám chỉ.

Một diễn ngôn thật sự [là] tiểu thuyết“, Raymand Federman phát biểu. Cảnh báo người đọc đây là tiểu thuyết, không thuần chất tiểu thuyết, nhưng là tiểu thuyết. John Barth nhấn mạnh hư cấu trong tác phẩm của ông, Lost in the Funhouse. Khi dòng tường thuật trôi chảy, bị gián đoạn bởi những hình tam giác Freitag. Như dòng kể chuyện của Kẽ nứt nhàm chán trên tường tử sinh bị gián đoạn bởi những bài thơ. Những gián đoạn này có dạng bình luận hoặc liên quan đến kỹ thuật tạo ra tiểu thuyết. Ví dụ những bài thơ gián đoạn nằm trong dạng: dẫn vào, chuyển tiếp, giải thích, bình luận và quan trọng nhất là tương ứng. Miễn làm sao cho người đọc cảm thấy những gì xảy ra không phải hoàn toàn xa vời thực tế như thần thoại hoặc ảo thuật.

Quan điểm không hẳn là ý niệm khẳng định, thường khi là suy tư không chắc chắn. Quan điểm luôn luôn bị xét lại, tái khám phá và được tham khảo. Ví dụ như quan điểm trong Kẽ nứt nhàm chán trên tường tử sinh, là quan điểm không xác định. Nhàm chán là một căn bệnh đang hủy hoại con người. Một số bị tâm lý nhàm chán trở nên khủng hoảng, trở nặng thành bệnh lý, phải được điều trị bởi bác sĩ và bệnh viện. Số đông khác cảm thấy nhàm chán ở nhiều mức độ khác nhau. Chung quy, họ cho rằng đời sống, cách sống không vừa ý, không hài lòng, đã tạo ra nhàm chán. Vì không muốn nhàm chán, họ phải làm nhiều chuyện, thường khi là vô ích, vì cảm giác nhàm chán luôn luôn tồn tại. Thay vì đối diện nhàm chán, họ chạy trốn hoặc ẩn nấp một cách tạm thời. Hầu hết, bất lực, chỉ còn cách giải quyết sự nhàm chán bằng tìm kiếm hạnh phúc đời sau. Không ai có thể xác quyết, nhưng giả định: nếu bất tử mà không biết làm gì, sẽ sinh ra nhàm chán. Hạnh phúc hoài, không đau khổ, cũng sẽ nhàm chán. Bất tử là sự nhàm chán khủng khiếp. Quan điểm: cõi sống và cõi chết đều nhàm chán. Sống ít chán hơn vì có dục vọng, có hy vọng, có thăng trầm. Và người sống thường không quý trọng lúc sống. Hy sinh cõi sống để hoang tưởng cõi chết.

Câu truyện được xây dựng từ hai hồn ma đã quá chán cõi bất tử. Họ nhập lại đời sống để tìm kiếm niềm vui ngắn hạn và đa dạng. Câu truyện tự tranh cãi, phê phán, bình giải giữa cõi sống và cõi chết, giữa làm người và làm ma, dẫn đến kết thúc tuần hoàn. Người chết thành ma. Ma chết thành người. Nhân quả này không ai có thể khẳng định, cũng không ai có thể chứng minh.

Truyện hậu hiện đại cưu mang sự hoài nghi và cách truyền đạt, thiếu vắng sự đồ sộ ngoài bề mặt, khiến tác phẩm không thể hợp lẽ trở thành siêu văn bản. Nghĩa là không có ý nghĩa tổng thể hoặc thỏa mãn sự kết thúc văn bản như truyện ngắn hiện đại. Truyện hậu hiện đại sử dụng ký hiệu hình ảnh để ám chỉ hướng về tổng thể nhưng trình bày bằng những mảnh rời.

Thể loại truyện tự thức của hậu hiện đại là một nhánh thể loại văn học rộng lớn, bao gồm những loại hư cấu, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Truyện hậu hiện đại bổ sung cho dòng văn học truyện ngắn hiện đại, gần đạt đến sự hoàn hảo của những nguyên tắc sáng tác. Sự phản lại siêu nguyên tắc cho phép truyện hậu hiện đại bảy tỏ mặt bên kia của chủ nghĩa hiện đại trong văn học toàn cầu.

Truyện tự thức bước vào thời sau hậu hiện đại vẫn được khai thác. Dù có những khai phá, biến chuyển mới nhưng vẫn còn trong thể loại này, dù mang nhiều tên khác nhau. Như: Surfiction (truyện siêu hư cấu), antifiction (antinovel, phản tiểu thuyết), fabulation (gần thể truyện Hóa Ảo Hiện Thực), neo-baroque fiction (tân tiểu thuyết Ba-rốc), introverted narrative (truyện hướng nội), self-begetting novel (tiểu thuyết tự sinh), v.v.

Ghi:

(1) Self-reflexivity trong nghĩa văn học là sự tự ý thức của văn bản về tình trạng bản thân như một câu truyện. Self-reflexivity là văn bản, bằng một cách nào đó, tự tham khảo, tự nói về tính nhân tạo hoặc sự sáng tác của mình.

Trong Wemer Huber, Martin Middeke and Hubert Zapf, Sel-Reflexivity in Literature. Text & Theory 6. Wilrburg: Konigshausen & Naumann, 2005, sel-reflexivity thể hiện cả hai điều kiện: biểu lộ và đòi hỏi sự hợp lý căn bản cùng với sự tự ý thức.

Do đó, hai từ “phản ảnh” và “phản xạ”, dịch theo từ điển, đều không bao hàm được ý nghĩa trên. Tôi chọn từ “tự thức”, tức là tự ý thức tình trạng hư cấu của truyện.

Từ “phản tỉnh” cũng có khả năng nói lên phần tự xét lại, tự tìm hiểu của self-reflexivity. Phần này tham dự vào việc xây dựng metafiction (truyện tự thức.)

(2) Metafiction: Truyện tự thức được đào sâu và phát triển trong hậu hiện đại vì sự tự bày tỏ, biểu lộ bản tính và hình thức giả mạo thực tế, dàn trải trong câu truyện. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan niệm mô phỏng, cận giả tạo, thực tế vắng mặt và mất tích của bản sắc hậu hiện đại. Metafiction trở thành phương tiện văn bản đại biểu cho triết lý nghi vấn thực tế.

Reflexive Novel: Loại tiểu thuyết mà tác giả kêu gọi sự chú ý của độc giả vào thực chất là tác giả đang sáng tác truyện. Những gì họ đang viết là hư cấu. Một tên gọi khác của metafiction.

Comments are closed.