Trư cuồng (kỳ 6)

Nguyễn Xuân Khánh

Tiểu thuyết

Phần 1

Nhật ký lợn

Truyện Hồ Ly

Có một lần, sau một ngày bị hỏi cung, tôi buồn bã đạp xe lên Tây Hồ. Tôi muốn khuây khoả. Tôi muốn gió hồ làm dịu đi những cay đắng, lo sợ, phiền muộn, thù hận đã tích tụ nhiều ngày. Tôi đi qua mặt nhiều người mà chẳng rõ mặt ai. Tôi chọn một chiếc ghế đá ở một chỗ ngồi vắng vẻ nhất. Tôi ngòi đấy hút thuốc, đầu óc vẫn nghĩ miên man. Lo đối phó với cuộc hỏi cung ngày mai, đoán định những cái bẫy, những ẩn ý trong những câu hỏi mà người sĩ quan an ninh đeo kính đã đặt ra cho tôi ngày hôm ấy.

Tôi buồn, tôi buồn lắm. Cô đơn nữa. Chẳng có ai để mà tâm sự giãi bầy. Nỗi cô đơn đến mức tuyệt vọng như một hoang đảo đang bị tàn phá mà không một bóng người đến cứu. Tôi biết những người an ninh muốn dẫn tâm hồn tôi đến tình trạng như vậy. Sự cô đơn của người bị hỏi cung là một vũ khí của người làm công việc an ninh. Cái tâm thế của kẻ bị vây hãm, lẻ loi tuyệt vọng, khi đến một giới hạn sẽ là sự đầu hàng vô điều kiện. Thêm vào đó là sự sợ hãi là những đe doạ. Sáng nào cũng phải trả lời một tập hợp điệp khúc mở đầu:

– Tối qua về, anh có gặp ai không?

– Có thông báo với ai về những nội dung tội lỗi của mình không?

– Đêm qua đã suy nghĩ kĩ thêm về những hành vi tội lỗi của mình như thế nào?

Tôi hút thuốc lá liên miên cho đến lúc trời chạng vạng.

– Kìa, anh Hoàng! – Tiếng một người đàn bà nào đó gọi tôi. Tôi quay lại – Đó là một cô giáo, một người bạn quen đã từ lâu. Tên cô là Ly, một cái tên rất âm nhạc. Mới trông thấy tôi Ly đã cười.

– Gớm! Hôm nay mơ mộng thế. Ngồi Hồ Tây một mình.

Cám ơn trời đã ban cho cô gái đó cái tiếng cười tuyệt diệu. Ở chỗ vắng vẻ thì tiếng cười nở rộ ra như những tiếng chuông pha lê. Nó mời mọc tâm hồn ta thư dãn, nó gọi những nụ cười còn lẩn tránh trong ta phải xuất hiện trên đôi môi. ở chỗ đông người, thì tiếng cười đó kết tinh lại thành một mỉm cười, để lộ ra một hàm răng ngọc ngà đều đặn; và tiếng cười vì không thành tiếng, nên đã phải thoát ra bằng những tia mắt long lanh ấm áp.

Tôi thầm cám ơn cái mát mẻ dịu dàng đầy ơn phước toả ra lung linh từ con người cô. Chắc cô chẳng biết chuyện tôi, nên cô chẳng an ủi, nhưng lòng tôi chợt dịu lại. Cô ngồi xuống cạnh, líu lo bằng một giọng nói có nhạc điệu lúc đầy lúc vơi:

– Có anh chàng hỏi em từ đâu tới? Anh chàng nịnh em rất khéo. Không nói ra, nhưng ý muốn bảo em là tiên đấy… Từ trên trời bay xuống mà…

Nói xong Ly cười rồi hỏi tôi:

– Đố anh Hoàng biết em từ đâu tới nào?

– Xin chịu – Tôi lắc đầu.

Cô ta thì thầm nho nhỏ:

– Em là con Hồ Ly đấy. Con Hồ Ly chín đuôi sống ở Tây Hồ anh có biết không? Chắc anh đọc sách cổ nên biết em ở đằng kia kìa… Có một hòn núi đất, ở đó có cái hang của con cáo chín đuôi. Con Hồ Ly tu luyện nhiều năm, thường biến thành người đàn bà đẹp, giao duyên cùng các văn nhân tài tử…

– Tôi nhớ rồi… – Tôi cũng bắt đầu nhập cuộc chơi. Dùng ngôn ngữ ẩn, những điển tích, để tạo ra một không khí mờ ảo, cái không khí rất cần cho một kiếp người mà đời sống thường nhật quá xô bồ, quá rõ nét. Không biết cô Ly có tâm sự gì không, hay chẳng qua chỉ là một chút xót thương, một cảm nhận những nét ưu phiền trên gương mặt nhàu nát của tôi? Và bằng sự nhạy cảm bản năng của người đàn bà, cô hiểu cái ma lực của sự bâng khâng mờ ảo, của một lung linh siêu việt; cô đã dùng cái mờ ảo ấy để an ủi tôi chăng.

– Tôi nhớ ra rồi… Tôi biết rồi. Cô Hồ Ly chín đuôi hàng vạn năm đã tu luyện tại đây. Sống trên một chiếc hồ đầy sương mù nên cô ta cũng sinh ra mơ mộng. Cô ta hoá thành người, yêu một anh học trò. Người con trai có khuôn mặt đẹp đẽ ấy lại là con người tồi tệ. Anh ta đã đánh cắp viên ngọc của cô gái Hồ Ly. Công tu luyện hàng vạn năm phút chốc đã trở thành mây khói. Cô gái đã mất hết phép mầu và trở về kiếp cáo…

Cô gái cười và ngắt lời tôi:

– Anh chưa biết đoạn cuối.

– Sao? Làm gì còn đoạn cuối.

– Có chứ! Đoạn cuối hay hơn.

– Lại thế nữa.

– Hay hơn vì con cáo ấy đã mất thêm một ngàn năm nữa để tu luyện lại và lại đắc đạo lần thứ hai. Con cáo lại có thể biến thành cô gái đẹp… để đi dạo bên Hồ Tây… và để tiếp tục những mối tình huyền ảo.

Tôi cười:

– Chắc lần này cô Hồ Ly ấy khôn ngoan hơn, không để mất đi viên ngọc lần thứ hai.

– Không đâu. Cô ta vẫn chẳng khôn ngoan hơn chút nào. Bởi vì khi trở thành cô gái, thì con cáo kia lại đam mê.

– Và nếu cô ta lại mất ngọc?

– Thì cô ta sẽ tu luyện lại lần thứ ba. Em tin chắc là thế.

– Thực ư?

Cô gái nhìn tôi với nụ cười kỳ ảo. Còn tôi lặng lẽ cúi đầu. Không biết cô gái có tiếng cười pha lê ấy muốn nói gì với tôi bằng cái ngôn ngữ huyền hoặc đầy hàm nghĩa ấy? Nhưng tôi chợt thấy vững tin ở mình hơn. Tôi im lặng quay trở về với những suy nghĩ trong cuộc hỏi cung hôm nay. Đâu còn là hỏi cung. Phần kết đấy. Một sự dụ dỗ đấy. Người sĩ quan an ninh đeo kính trắng, trong căn buồng trắng thủ thỉ với tôi.

– Chúng tôi đã xem kỹ lưỡng lý lịch của anh. Chẳng có dính líu gì với quá khứ với phong kiến đế quốc. Anh bản chất tốt. Anh phải giúp chúng tôi.

– Nghĩa là thế nào?

– Anh là văn nghệ, anh quen giới văn nghệ… chắc anh hiểu tôi muốn nói gì . Anh lại có khả năng viết. Nếu anh giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp lại anh. Anh lại có thể in sách in báo… Còn nếu không… chắc anh cũng hiểu đấy.

Tôi lặng lẽ cầm tay cô gái. Cô Hồ Ly xinh đẹp ơi. Xin cám ơn cô về một huyền thoạt đẹp. Cô gái dắt tay tôi đứng dậy:

– Anh ưu phiền mà làm gì?

Trong giọng nói run run cảm động ấy, tôi chợt hiểu cô gái đã biết rõ về tôi hơn là tôi nghĩ. Cô mỉm cười khi tôi nắm hai tay cô và nhìn vào đôi mắt trong trẻo của cô.

– Hình như anh định xin em một cái gì?

– ???

Tôi lặng lẽ nhìn cô không đáp.

– Em cho anh đấy. Nhưng khẽ nhẹ thôi. Anh hôn vào vành tai em ấy.

Tôi ngơ ngác… rồi khẽ cúi xuống hôn thầm vào mái tóc người con gái. Cô gỡ tay tôi ra, bước đi.

*

* *

Đáng lẽ ra, tôi phải có phần tiếp nối về cô Hồ Ly xinh đẹp ấy. Nhưng tôi đâu có khả năng. Sự sống của tôi như đã cạn kiệt. Cạn kiệt cả khả năng yêu thương. Cô Hồ Ly ấy thực hay là ảo. Hay là tôi đã ngoại tình với những giấc mơ. Tô vẽ chăng? Đời thực chăng? Cô Hồ Ly ấy đã đi đâu? Có còn ở bên động Tây Hồ, hay đã ở một chân trời xa nào đó? Nụ cười của cô còn chất pha lê huyền ảo của con cáo chín đuôi bên Tây Hồ, hay đã tàn úa đi vì một hạnh phúc ngộ nhận nào đó. Đêm nay tôi đã trốn đàn lợn, trốn cái thường nhật khủng khiếp để cám ơn cô về nụ hôn thầm mà cô đã ban cho trong chuỗi ngày lưu đầy. Nó như một tia nắng ấm, trói buộc linh hồn tôi vào một cái gì đẹp đẽ mà tôi biết cần phải giữ lấy.

Tôi đã thức gần trọn đêm để mơ mộng và viết câu chuyện này. Tôi đã ngủ trên chiếc ghế bành cũ kỹ. Có lẽ những trang viết đã giúp lòng tôi thanh thản lại.

Ngày… tháng…

Vầng hào quang của câu chuyện Hồ Ly ấy cũng chỉ đủ để nuôi tâm hồn tôi trong những đêm dài thao thức. Còn ban ngày, anh trốn đi đâu? Và cả ban đêm nữa, đêm dù tịch mịch nhưng cũng không đủ tĩnh lặng để thoả mãn nhu cầu cô đơn của con người. Vẫn còn những ngọn gió đông lang thang trên những lùm cây, đem cái rét về, đánh thức đàn lợn của tôi trở dậy để thù hận lẫn nhau, tranh cướp lẫn nhau. Khoảng nửa đêm, khi đợt gió lạnh rít lên mạnh nhất, khi cái rét được gió gia tốc đâm vào thịt da ta buốt nhói nhất, thì cuộc chiến tranh trong chuồng lợn của tôi cũng kịch liệt nhất. Con lợn Bò quyết tranh lấy tải, tranh lấy chỗ nằm ấm. Lũ lợn ỉn nằm lên lưng con Bò. Con lợn lông vàng rống lên hồng hộc; ba con ỉn rứt tai cắn đuôi, đâm vào bụng con lợn Bò, bắt buộc nó phải trở về chỗ ngoài cùng rét mướt. Con Bò chồm lên, hất lũ ỉn bắn ra xa, nó xông vào con ỉn lang đầu đàn; nó nhay tai con này đến vãi máu ra; nó định xé bụng con Lang; nó dúi đẩy con Lang, ấn đầu vào xó chuồng thối tha ẩm ướt. Nó khống chế con Lang đứng sững tại đấy, không cho chạy. Nó cắn xé hung dữ quá, đến nỗi con Lang chỉ còn có thể nằm chổng vó lên mà thét to, mà kêu thê thảm, thảm hơn cả một con lợn bị chọc tiết, bởi vì lợn chọc tiết người ta buộc mõm lại. Đằng này, chẳng gì trói buộc, con lợn đã kêu váng trời. Tiếng kêu như dựng giường, dựng chiếu. Không ai có thể nằm yên với tiếng kêu hình như đang dãy chết đó. Đến cả vợ tôi, người đàn bà lạnh lùng chả thèm nói với tôi nửa lời hàng tháng nay, cũng không thể nằm yên. Sót ruột quá, cô ta ngồi dậy và thét tôi:

– Anh còn ngồi ỳ ra sao? Tôi xin anh. Chạy mau ra chuồng lợn. Mau lên không chúng cắn xé nhau đến chết mất.

Tôi lật đật cầm chiếc đèn dầu hoả chạy ra sau nhà. Tôi cầm chiếc chổi tre, quật túi bụi con lợn Bò, quật mạnh và liên hồi cho đén lúc nó phải buông tha con lợn Lang.

Qua ánh sáng vàng khè, nhợt nhạt, lúc này tôi thấy ba con ỉn đều run lên cầm cập đứng ở xó chuồng tối tăm bẩn thỉu. Nhìn lũ ỉn, tôi chán ngấy cái dáng thảm hại run rẩy của chúng. Chợt nhớ lại hồi thời gian đầu, lúc chúng hành hạ con lợn bò, sao lúc đó chúng vênh vang đường bệ, chúng phè phỡn tươi tỉnh. Còn bây giờ trông chúng ti tiện đến lợm giọng. Những bộ mặt hơn hớn ngậy mỡ, lúc này trở nên ngây ngô đần độn.

Than ôi vương triều lợn ỉn đang sụp đổ! Này, lũ ỉn! Các người hãy mạnh dạn lên tí chút! Mất hồn rồi hay sao? Sợ hãi đến mê man rồi chắc? Tại sao đứng ì ở cái xó chuồng chất đầy phân rác hôi thối ấy? Hãy ra đây! Ra đây! Chuồng lợn của ta có bốn góc: Một góc ấm nhất và một góc bẩn nhất, nhưng vẫn còn hai góc nữa chứ; hai góc ấy tuy không tiện nghi lắm, nhưng ít ra vẫn còn sạch sẽ hơn, khô ráo hơn, ấm áp hơn cái góc ỉa đái bẩn thỉu ấy. Chuồng lợn của ta tuy bé, nhưng còn đủ không gian khả thể sống cho các ngươi. Bây giờ, ta ném chiếc tải vào góc này… Nào! Hãy lại đây! Mau lên! Tôi dỗ dành, nhưng lũ ỉn vẫn không nhúc nhích, chúng đứng ì ra run rẩy. Tôi phát cáu:

– Thật không ngờ! Trước kia, lúc cưỡi đầu cưỡi cổ con Bò, chúng mày vênh váo thế. Mà nay, chúng mày hèn hạ đến thế.

Tôi bắt buộc phải vào chuồng, dùng tay xua đuổi lũ lợn ỉn đến góc mà tôi vừa mới vứt chiếc tải vào. Cái mùi lợn ti tiện làm tôi phát buồn nôn.

Ngày… tháng…

Thật sốt ruột! Đợt chiến tranh lợn lần này vẫn lai rai tiếp diễn, tuy mức độ ác liệt có giảm đi và số lần tác chiến có giảm đi.

Tôi còn đang sốt ruột vì lợn, hôm nay thằng Linh lại làm tôi nẫu ruột thêm. Buổi sáng, khi hai cha con ngồi uống nước trà với nhau, Linh bảo:

– Bố ạ… có lẽ… con xin thôi học.

– Xin thôi học?

– Vâng.

Tôi im lặng, tay cầm chén nước trà và lòng run rẩy. Tôi chưa nói gì. Tôi còn đang nhớ lại những câu chuyện mà con tôi đã kể về cái trường đại học của nó. Những chiếc giường hai tầng… Những bữa cơm quay trở về nguyên thủy, không bát, không đũa. Tất cả đổ lộn vào một cái chậu và sáu anh con trai lúc ăn bốc, lúc cầm thìa xúc… Những chàng trí thức tương lai ăn cắp, uống rượu, bụi đời… Những ông thầy nhân danh “mô đéc” ăn đút ăn lót của học trò… Những cậu học trò thê thảm! Và những ông thầy cũng thê thảm thế!…

Tôi thở dài hỏi Linh:

– Tại sao con muốn thế?

– Bố hỏi con làm gì câu hỏi ấy?

– Hay anh định “vào đời”… định… chuẩn bị để cầm bút như tôi. Tôi khuyên anh: đừng. Anh nên xem gương tôi.

– Cả nghề viết văn của bố con cũng chán.

– Hay tại cuộc sống nhà trường? ồ! Đấy chỉ là những vấp váp bước đầu. Thất vọng ấy thực quá nhỏ nhoi. Con nên tập làm quen với đời thật…

Con tôi rì rầm tâm sự

– Nhiều đêm, thắp chiếc đèn lên, nhìn vào trang giấy, nhưng óc con trống rỗng. Chữ không vào. Con cứ tự hỏi: “Mình học làm gì nhỉ? Cuộc sống thì quái dị, thối nát. Mình học; liệu học có làm cho cuộc sống ấy thay đổi đi chút nào không?”

– Sao con già sớm thế? Nói đến sự chán ngán thì chính bố phải chán ngán hơn con mới đúng. Cả tuổi trẻ của tôi đã phung phí để phụng sự cho cuộc sống này… Thế mà… Nhưng không sao cả. Tôi vẫn thấy vui sống.

– Vui sống?

– Chứ sao! Chính cuộc sống ti tiện, đau đớn, kỳ quái thế nên mới đáng sống. Vàng son, nhung lụa, ngọt ngào, thô bỉ, ghềnh thác, đau sót, tàn nhẫn, phản trắc… bất cứ phút đời nào ta cũng sống cho hết, cho thấm đến tận thớ thịt, cho cạn đến đáy ly rượu…

– Sống một cách tổng thể như bố nói, hay đấy nhưng khó lắm. Sống như thế phải có sức mạnh nghị lực. Con sợ rằng…

– Thế mày định nhẽo ra à?… Thượt ra à?… Buông tay à…

Con tôi cúi đầu và buồn rầu:

– Nói thực, lắm lúc… con cũng thấy tự tởm lợm mình.

Tôi im lặng một lát, lòng dâng lên một nỗi phiền muộn khó tả. Cứ như thấy mình tự thương mình. Một phần máu thịt của tôi đấy. Nếu nay mai tôi chết, thì một phần đời của tôi còn sót lại trên thế gian này chính là nó đấy. Tôi chợt có mặc cảm tội lỗi. Phải chăng đấy là phần di sản buồn thảm của tôi đã truyền lại cho nó. Phải chăng phần khắc khoải siêu linh của tôi đã truyền thông trong không gian ở, mà con tôi là cái máy thu siêu nhạy, ở ngay cận kề đã bắt lấy. Phải chăng đấy là sản phẩm của một không gian ô nhiễm? Hay là, từ một thời kỳ nào đó, tổ tông ta đã mắc phải một tội lỗi gớm ghiếc nào đó, cho nên đến nay nhiều thế hệ của chúng ta phải chịu cái hậu quả đáng nguyền rủa này. Tôi như kẻ đắm đò ôm đứa con đỏ trong tay, tôi dùng hết tàn lực dâng đứa con lên khỏi mặt nước, để cho ánh mặt trời và làn không khí mát rượi tiêm truyền cho nó cái sinh khí nóng bỏng của sự sống. Có thể hai cha con sẽ lại chìm nghỉm đi dưới làn nước xoáy. Nhưng còn chút lực tàn nào thì cũng phải đem hết ra mà nâng nó lên.

– Đừng phó mặc con ơi. Hôm nay ta có cái gì nắm chắc trong tay; ta hãy sống bằng hết trái tim, khối óc của ta cho cái trong tay ấy. Khi ta đã sống hết sức rồi, thì dù kết quả ra sao, đối với ta thế cũng là mãn nguyện. Sống như thế thu nhập được nhiều con ạ. Cách sống ấy giầu có nhất… hạnh phúc nhất…

Tôi nhìn con tôi đang ngồi im lặng. Nó không hé miệng, không phản ứng. Nó có nghe tôi nói không nhỉ, hay tâm hồn nó đương lạc về một xứ sở lạ lẫm nào đó mà tôi không hiểu? Thế hệ của con tôi hình như đã chán ngấy những ngôn từ. Ngôn ngữ đã biến thành những xác chết. Trong bãi tha ma ngôn ngữ, đã chồng đống những lời cao đẹp. Ngôn ngữ đã mất đi bộ áo lộng lẫy và khoác vào những bộ áo tang xám ngoét. Nó trở thành một hàng rào ngăn cách giữa cha con. Tôi đứng bên này, con tôi đứng bên kia, chúng tôi chỉ nhìn thấy cử động của những vành môi, còn tai chúng tôi thì điếc đặc. Điếc thì hãy giơ tay mà vẫy, mà làm hiệu. Con ơi! Linh ơi! Bố đang vẫy con đây. Bố đang cố sức phá rào để tìm đến với con đây. Đừng suôi tay, đừng phó mặc con nhé. Không biết con tôi có hiểu được những tiếng nói thầm của tôi không nhỉ?…

Ngày… tháng…

Hôm nay, có điều gì mà con tôi vui. Linh hí hửng bước vào nhà và nói:

– Chú Hợi trả con hai cân tóp mỡ. Con lại mua cút rượu cho bố. Con tính hôm nay nhà ta nên ăn nửa cân tóp mỡ cho tươi. Bố uống rượu này; còn mẹ thì chưng mắm tôm với tóp mỡ để ăn với khế, đó là món mẹ ưa thích…

Nhìn con, tôi vui và cảm động – Tôi hiểu con trai tôi đang cố hàn gắn lại sứt mẻ gia đình, cố tìm cách cho bố mẹ làm lành với nhau. Vợ tôi không nói một lời, không tỏ một thái độ nào trên khuôn mặt, nhưng cô ấy đã đi làm những món ăn đúng như con tôi muốn.

Bữa ăn ít nói, nhưng vui. Đã lâu nay, ít có bữa ăn vui trong lòng như vậy. Tôi chợt thoáng nghĩ tới cuộc nói chuyện với con tôi hôm trước… Tôi tợp một hớp rượu, nhai một miếng tóp mỡ ròn tan, và lặng im lắng nghe câu chuyện giữa hai mẹ con. Mẹ hỏi:

– Linh ạ, dạo này cậu đi thực tập, không dạy thêm được cho con chú Hợi; vậy cậu lấy đâu ra tóp mỡ?

– Thế mà vẫn có mới tài mẹ ạ.

– Hay là cái Cúc nó mua hộ. – Vợ tôi cười.

– Không phải. Tóp mỡ này chú Hợi cho con, vì con đã giúp chú ấy một việc.

– Việc gì?

– Con không nói được… Có lẽ nói ra bố con chả bằng lòng… Sau này mẹ sẽ rõ.

Tôi im lặng không hỏi Linh.

Bọn lợn đêm nay không đánh nhau.

Con tôi cầm cây ghi ta dạo một giai điệu rất đẹp, một khúc mục ca Tây Ban Nha thì phải. Lâu lắm, trong mái nhà tôi, mới lại vang lên tiếng đàn. Con tôi đã dạo sang một khúc tình ca. Tiếng đàn trầm buồn kéo tôi đi vào một giấc ngủ. Một thoáng buồn dễ chịu bao giờ cũng gợi nhớ tới một cội nguồn sâu thẳm nào đó trong ta. Tôi tắt lặng mọi suy nghĩ, để tiếng đàn thấm đượm vào từng tế bào. Tôi tự đánh lạc mình vào một mầu đen trong veo, ở đó có tiếng thì thầm:

– Ngủ đi! Ngủ đi! Để ngày mai con lại tinh khôi trắng muốt.

Ngày… tháng…

Hôm nay, Tám mở cửa phòng anh ở. Ngày hôm qua, khi tôi và Lân đến thăm, Tám vẫn nói vọng từ trong buồng ra:

– Sáng mai, tôi mở cửa, mời các anh đến chơi.

Hôm nay, hồi tám giờ sáng, khi chúng tôi đến nơi, vừa mới khẽ gõ cộc cộc, cánh cửa đã mở toang ra ngay. Cứ như thể Tám đã đứng chờ sẵn ở đấy để mở cửa đón chúng tôi.

Trái ngược với tuần lễ vừa qua, hôm nay mọi cửa sổ đều được mở hết. Ánh sáng sớm, lọc qua lùm cây mới trổ lá vàng lụa trước nhà, tràn vào căn phòng; một thứ ánh sáng mật ong đầm ấm dịu dàng. Căn phòng nhỏ đầy sách của Tám hôm nay lại có cả hoa. Tám chỉ lọ hoa hồng nhung đặt trên thành cửa sổ:

– Tôi vừa ra chợ Hôm mua năm đồng hoa về đấy.

– Sang nhỉ?

– Vì đối với tôi, hôm nay là một ngày vui.

Tôi ngạc nhiên nghe giọng nói nghiêm trang và trong trẻo của Tám. Qua tuần lễ cấm cung, Tám có gày đi đôi chút; da anh hình như trắng ra; đặc biệt, đôi mắt anh sáng quắc, sáng một cách kỳ dị, sắc sảo; chợt có cảm giác đôi mắt ấy có thể nhìn thấu suốt vào trái tim ta.

Tám có trà ngon, có cả bánh ngọt để mời chúng tôi ăn. Lân ngồi ngửa mình thoải mái trong chiếc ghế bành độn rơm cà khổ, nhưng rất ấm áp. Anh nói bâng quơ:

– Mình mừng. Thế là cậu khỏi bệnh.

– Tớ có ốm đâu.

– Cái hồi ở Tây Nguyên, cậu bị thương, bỏ anh em trốn vào rừng hơn một tuần; dạo ấy, cậu làm bọn chúng tớ nhốn nháo lo lắng.

– Dạo ấy, mình đang nghiên cứu một thứ lá chữa vết thương. Mình muốn thử nghiệm nó trên chính bản thân mình trước đã.

– Cậu là một thằng gàn.

– Gàn ư?

– Đúng, gàn. Cậu đi tìm một thứ lá có dược tính diệt trùng cực mạnh như pê nê xi lin, mà lại không độc hại, để cứu chữa anh em bị thương. Rồi cậu đòi hỏi con người phải tốt đẹp như phật bồ đề và phải trong trẻo như pha lê. Làm gì có thứ lá và con người kì diệu thế. Nói chung, cậu đi săn tìm những thứ tuyệt đối ở cõi đời này, chính vì thế tớ nói cậu gàn. Nhưng dù thế nào, tớ cũng yêu cậu; có thể ngày mai, bệnh gàn của cậu tiến triển thành bệnh điên, tớ cũng vẫn yêu cậu… Mà thôi, gác chuyện cũ lại; hôm nay cậu hãy nói cho chúng mình nghe, tuần vừa qua cậu lại làm một cái trò kỳ dị nào đó phải không?

– Chẳng một chút kỳ dị. Tớ đóng cửa lại chỉ cốt tĩnh lặng để nghiên cứu một vấn đề.

– Vấn đề gì?

Tám nghiêm trang đứng dậy. Cứ cảm giác như anh sắp thực hiện một nghi lễ. Lúc nãy, khi Lân nói, đôi mắt anh mơ màng chìm đắm nhưng vẫn là đôi mắt trong trạng thái bình thường. Còn lúc này, đôi mắt ấy đột nhiên sáng quắc; hình như có một năng lượng siêu nhiên nào đó bỗng đột khởi trong anh để đôi mắt anh như phát ra một luồng ánh sáng. Đó là đôi mắt của người điên, hoặc con mắt của một con người dị thường. Chúng tôi im lặng nhìn Tám, anh như đang tập trung và bị kích thích. Anh bước những bước hình như hơi run run ra phía tủ sách. Rồi lấy ra một cuốn vở. Lúc này thì đôi bàn tay anh run run thực sự. Anh lật giở từng trang giấy rồi khe khẽ nói:

– Poóc xi nô ma ni.

Lân hỏi lại:

– Cái gì?

Lần này, Tám nói dõng dạc, to và chậm rãi từng âm để chúng tôi nghe được rõ ràng:

– Poóc-xi-nô-ma-ni.

Tôi chợt nhớ lại cái âm nô nô ni ni, mà một lần nào đó, Tám đã nói ở nhà tôi. Thì ra đó là chữ: “Pooc-xi-nô-ma-ni”

Tám đứng đấy, mắt rực rỡ nhìn cuốn sách trong tay. Anh nói đi, nói lại nhiều lần chữ Poóc-xi-nô-ma-ni. Tay anh run, giọng anh cũng run. Đôi mắt sáng nhưng lúc này đầm ấm lạ thường. Cái dáng gày gò, gù gù của anh khiêm nhường và hiền hậu. Dáng anh lúc đó phảng phất như dáng một người chịu khổ nạn; cái dáng khổ ải nhưng tràn đầy tinh lực, cái dáng của gánh nặng đau thương. Tôi bỗng chợt hiểu, suốt tuần qua, Tám đã đóng cửa lại, không tiếp xúc với mọi người, anh đã dùng toàn bộ tâm lực để viết cho đời biết một điều bổ ích. Người ta bảo anh là điên, nhưng có lẽ anh là một nhà tiên tri. Anh đứng đấy mà lắp bắp: “Pooc xi nô ma ni“. Tám chẳng giải thích gì, nhưng chúng tôi như bị thần lực của toàn thể con người anh cuốn hút. Và qua giọng nói lắp bắp của anh, cái tiếng kỳ lạ ấy bỗng làm chúng tôi rung động, chúng tôi hiểu anh đang muốn rao truyền cho chúng tôi một điều gì đó cực kì quan trọng và rất người. Chúng tôi muốn Tám cho mượn đọc những trang sách anh mới viết. Song anh lắc đầu, anh bảo sẽ có lúc cho chúng tôi đọc.

Cái phút linh thiêng ấy, Tám đã dùng thần cảm để nói với chúng tôi; anh đã nói với chúng tôi bằng một ngôn ngữ kì bí, nói bằng những âm sắc run rẩy, nói bằng đôi tay dang rộng đôn hậu, nói bằng con mắt chói loà tình yêu, nói bằng cái tổng thể người đầm ấm. Và ý nghĩa của cái chữ hầu như là thần chú đó chợt tràn vào từng thớ thịt, từng đường gân, từng tế bào trong tôi. Lòng tôi chói loà những cảm giác: buồn và vui, đau đớn và hạnh phúc. Tổng thể con người Tám như muốn nói cùng tôi: “Bạn ơi! Chao ôi! Sao mà đau như xé ruột… Nhưng… chẳng lo. Hãy chịu đựng… Tất cả rồi sẽ qua đi… Một cái gì đó đẹp đẽ, viên mãn đang nhoi nhói trong ta…”

Có phải đó là một tình cảm tôn giáo? Nếu gọi sự giao cảm thần bí giữa con người như vậy là tôn giáo, thì thú thực lúc đó, tôi là một con người tín ngưỡng.

Có lẽ Lân cũng có những cảm xúc như tôi; anh đã thôi không nói bằng cái giọng đùa bỡn như lúc mới đến. Lân im lặng, kính cẩn.

Còn Tám, sau khi nói, có lẽ anh đã đột nhiên xử dụng tinh lực của anh quá nhiều, nên anh có vẻ mệt. Tám thả người ngồi dãn ra trong chiếc ghế bành. Anh uống một cốc nước, tôi thấy bàn tay anh vẫn run run.

Và cả ba chúng tôi cứ ngồi với nhau lặng lẽ như thế, chỉ thỉnh thoảng nói với nhau bằng những câu ngắn ngủi.

– Cậu khoẻ hẳn ra đấy.

– Mình khoẻ!

– Và vui!

– Và điềm tĩnh!

Lân vốn hay nói dài, nói mạnh, lúc này bỗng đổi hẳn kiểu nói. Khi Tám hỏi anh về lợn, Lân chỉ trả lời:

– Tốt! Tốt!

Lân nói xong, lại ngửa người trong chiếc ghế bành lim dim suy nghĩ. Anh vừa nhắm mắt vừa nói:

– Mấy hôm nữa, cậu phải xuống mình chơi.

– Mình xuống chứ.

– Ta sẽ uống rượu.

– Rượu!

Có lẽ cái cảnh tiên tri xúc động ấy, đã phút chốc có thể làm biến đổi sự sống chung quanh. Tôi nghĩ như vậy. Chúng tôi chợt thấy thoải mái, chợt thấy mình tốt đẹp, dễ chịu. Chúng tôi cứ muốn kéo dài ngồi bên nhau. Cho đến khi hết bánh, cạn trà, tôi với Lân tần ngần đứng dậy. Hai thằng cáo từ ra về. Tám không tiễn khách. Anh vẫn ngồi lặng yên. Cánh cửa ra vào vẫn mở sau lưng chúng tôi. Tôi ngoái đầu lại vẫn thấy Tám ngồi trong ghế bành, không nhúc nhích. Chúng tôi nhẹ nhàng bước xuống thang gác ra đường.

Lân kể cho tôi nghe thêm về Tám:

– Một thằng cha gàn đặc biệt. Từ lúc còn đi học, bạn bè đã gán cho hắn cái tên: “Tám gàn”. Gàn nhưng rất hiền. Chả biết đánh nhau bao giờ. Và cái đức quí bạn của hắn thì vô cùng. Hắn có thể cho anh những cái gì mà hắn có, nếu anh cần. Bạn bè còn gọi hắn “thằng gàn đáng yêu.”

Tám đang học năm thứ ba khoa sinh vật trường Đại học tổng hợp thì chúng tôi được gọi nhập ngũ. Năm ấy là năm 1967; chúng tôi vào Nam chiến đấu. Người ta phân chúng tôi vào một đơn vị đặc công. “Tám gàn” bây giờ lại được bớt dấu huyền để trở thành “Tám gan”. Cái tính gan lì mà trước kia chúng tôi không phát hiện ra có lẽ chính là một hệ quả của đức tính yêu quí mọi người của Tám. Một trận đánh, sau khi chúng tôi rút lui nhanh ra khỏi địa bàn tác chiến, mới phát hiện ra còn thiếu một thương binh. Cái lệ đánh nhau với Mỹ là sau khi đánh, ta phải rút thật nhanh gọn; bởi vì chỉ vài phút sau, pháo binh Mỹ có thể lập tức nã cấp tập vào vùng xảy ra chiến sự. Chính trong lúc pháo binh địch bắn như mưa như thế, Tám quay vào tìm thương binh. Suốt đêm hôm ấy, không thấy Tám về. Cả ngày hôm sau nữa, cũng không thấy Tám về. Mãi ba ngày sau, mới thấy Tám cõng thương binh trở về đơn vị. Hắn cõng bạn trên lưng, bò trong mưa pháo; rồi hắn lạc trong rừng ba hôm. Trong ba ngày đó, Tám tìm lá rừng đắp lên vết thương cho bạn, tìm quả rừng nhai mớm cho người bạn sắp chết đó. Nhờ Tám, anh lính đó còn sống.

Giỏi nhất của Tám là tài trèo cây. Có những cây rừng cao chót vót vài ba chục mét, gốc to chừng vài người ôm, nhưng nếu có một cuộn dây thừng trong tay, Tám có thể leo rất nhanh đến ngọn. Có bận, Mỹ đóng quân ngay dưới cây đại thụ như vậy, mà Tám vẫn gan lì nằm trên một cành cao của chính cây ấy, để quan sát địch.

Năm 1970, Tám bị thương vào đầu được giải ngũ, quay trở về hậu phương. Thời gian đứt đoạn xa cách ấy tôi không được rõ chi tiết về đời Tám, nhưng đại thể biết được Tám đã học xong trường Tổng hợp, và trải qua nhiều khúc gay go.

Hình như Tám đã trải qua một mối tình lớn, một mối tình đầy bất hạnh và lắm ngọt bùi. Có thể vì thế nên khi người đàn bà của anh chết đi, anh đã đóng đinh hình bóng người đàn bà ấy vào tâm tưởng mình. Vì thế anh không thể yêu nổi một người đàn bà nào khác. Chúng tôi đã nhiều lần giới thiệu vợ cho anh, nhưng Tám không nói gì, anh chỉ buồn bã lắc đầu.

Hình như Tám đã có lúc làm thơ…

Hình như Tám có dạo lang thang ở các quán bia rượu Hà Nội…

Hình như Tám đã gặp oan trái, anh cũng đã trải qua tù tội… (và hình như đã có lần nào đó, Tám là một nhân vật trong một cuốn sách của tôi…)

Cái đoạn đời đầy sóng gió ấy, không bao giờ Tám kể lại cho ai…

Ngày… tháng…

Chắc chắn rằng cuộc giao cảm giữa chúng tôi và Tám hôm ấy đã để lại cho tâm hồn tôi một ấn tượng mạnh, nên suốt mấy hôm liền, cả đêm và ngày tôi như kẻ mộng du lạc lõng vào những miền đất hoang vu đầy trăn trở.

Có đêm, nỗi chán nản không manh mối chợt dâng lên trong tôi. Tôi nằm cứng đờ cứ tưởng như mình đang chết. Tôi thèm nhắm mắt, nhưng giấc ngủ không đến. Tôi mở mắt trân trân nhìn vào những miền bóng tối. Tai tôi hình như điếc đặc; tiếng kêu, tiếng chí choé của những lợn Bò, lợn ỉn chợt bặt lặng trong tôi. Chỉ còn nghe thấy một âm thanh ri ri… đều đều, bất tận; có lẽ là bản đồng ca của lũ dế quanh nhà. Có cảm giác những tiếng dế đó không phải phát ra từ những hang hốc, những lùm cỏ dại bên bờ ao, mà ở ngay trong óc tôi cất lên. Cái âm thanh siêu thực ấy rỉ rả và không một phút ngừng. Nó được sinh ra từ đáy tâm hồn tôi tạo ra một nỗi âu lo vô hình. Cái tiếng đều đặn buồn buồn ấy nửa như ru tôi ngủ, nửa lại đánh thức tôi dậy, cuối cùng tạo ra cho tôi một trạng thái nửa thức nửa ngủ, trạng thái của những mộng mị, liên tưởng, của những ảo ảnh không ngừng chuyển động, của những suy nghĩ vụt hiện, của những tra hỏi cũ càng nhưng khôn nguôi cứ gặp dịp là dày vò trăn trở.

“Làm gì?”

Ta phải làm gì đây. Câu hỏi ám ảnh rất xưa lại chợt hiện về với căn phòng thẩm vấn trắng toát và lạnh lẽo. Người sĩ quan an ninh đứng tuổi hôm nào bỗng bỏ chiếc kính trắng ra, nhìn tôi chăm chú như nhìn một con vật lạ bị nhốt trong cũi sắt ở vườn bách thú. Và đột nhiên anh ta cười. Trong những cuộc hỏi cung tôi, lần đầu tiên anh ta cười và cũng là lần độc nhất.

Đó là tiếng cười độc ác nhất mà tôi gặp trong đời. Tiếng cười đắc thắng của một kẻ cầm vũ khí, dồn đối thủ tay không đến chân tường. Tiếng cười khoái trá của một con đực bạo dâm, lột truồng người đàn bà nằm tênh hênh trước mặt mình, người đàn bà không còn cách gì chống cự chỉ còn biết giơ hai bàn tay ôm lấy mặt. Tiếng cười ngắn thôi nhưng ròn và vang. Tôi thầm nghĩ: “Nỗi vui của con người bất hạnh.” Trong khi đó, anh ta long lanh con mắt và hùng hồn nói với tôi:

– Làm gì ư? Sao anh cứ quanh co? Anh không nói toạc ra những ẩn ý. Các anh muốn tổ chức chống đối – Anh ta nói dằn mạnh – Tổ chức và chống đối, đó là điểm mấu chốt.

Sau đó anh ta tiếp tục cười, nhưng không lơi quan sát xem tôi lúng túng đến mức nào.

Biết giải thích về những hàm nghĩa của câu tra vấn muôn đời này thế nào nhỉ? Chúng tôi đang đứng ở những tầng ngữ nghĩa khác nhau. Chúng tôi đang độc thoại trước mặt nhau. Anh ta cần những nghĩa rõ ràng đơn giản. Anh ta cần sự buộc tội…

Tiếng cười của con người đeo kính trắng đã hết cao trào, nó tắt dần đi bằng những âm thanh khục khục trong cổ họng. Nó đem lại cho tôi sự kinh tởm, sự chán nản, sự căm giận, sự bất cần. Ừ! Ta chẳng cần gì nữa. Các người muốn đem ta ra mà băm vằm cắt chặt, thế nào cũng được. Ta bất cần… Ta bất cần…

Tiếng cười đó thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc ngủ của tôi. Nó hiện về để nhắc nhở, để đe doạ tôi chăng. Tôi như kẻ bị giam cầm, mà tiếng cười đó là tên cai ngục.

Đêm nay, tiếng cười đó lại hiện về như một bóng ma ám ảnh. Nó muốn xoá đi những âm hưởng của cuộc giao cảm giữa tôi và Tám. Nó hiện hình để bôi nhoà đi cái ánh sáng nhân hậu mà tôi vừa nhận được trong lời Tám nói. Tôi thầm nhắc lại: Poóc-xi-nô-ma-ni.

Âm hưởng của cuộc giao cảm ấy còn theo tôi đi trong cuộc lang thang trên đường phố Hà Nội. Tôi đi dưới những vòm cây. Tôi đi giữa rừng Hà Nội. Những cây bàng, cây me cây sấu, cây phượng còn mang nặng những kỉ niệm thời ấu thơ, thời trai trẻ. Tôi dừng lại dưới gốc cây lộc vừng hồ gươm, cây lộc vừng chín gốc toả bóng xuống hồ, một cái bóng duyên dáng, kín đáo. Ô hay! Cái cây quê mùa ấy cũng có mặt ở chốn thị thành này sao.

Nhìn cây, lại nhớ tới quê. Cái làng quê ven đô của tôi như hình con rết. Con đường cái chạy giữa làng, toả dọc hai bên là những ngõ. Ngõ quê tôi có nhiều tên rất ngồ ngộ. Gần một trăm cái ngõ, nên người ta không thể đặt những tên sang trọng. Cũng như nhiều quê khác, chúng tôi có ngõ Điếm, ngõ Giếng, ngõ Chùa, ngõ Đình. Nhưng riêng quê tôi còn có ngõ Lên (lên dốc), ngõ Ngang (bằng phẳng), ngõ Dọc (song song với đường chính). Chúng tôi còn có nhiều ngõ mang những tên rất vui: ngõ Chó Đá, ngõ Bà thắt Cổ, ngõ Cô Hồn. Riêng tôi, tôi rất thích những ngõ mang tên cây cối: ngõ Si, ngõ Đề, ngõ Hoàng Lan, ngõ Dứa, …và ngõ cây Lộc Vừng. Ôi! Ngõ cây Lộc Vừng! Chính cái ngõ đó là nơi vợ tôi sinh ra.

Năm 1954, khi tôi đi bộ đội trở về quê, tôi, cái anh chàng đô thị ấy đã ngỡ ngàng trước một tên ngõ quê, gợi lên những âm hưởng rất kỳ lạ trong tâm hồn. Một cái tên tôi chưa bao giờ nghe thấy, một cái cây tôi chưa trông thấy bao giờ, một cái ngõ quê hun hút hàng tre

Tôi lững thững đi trong ngõ, sung sướng vì một hồn quê rung động. Một cô bé, quần ngắn cũn cỡn, tóc kẹp sau lưng, lễ phép chào anh bộ đội… Mấy năm sau, cô bé ấy đã trở thành vợ tôi. Khi chị gái tôi giới thiệu tên cô bé ở trong cái ngõ Lộc Vừng đó, tôi chưa hề biết mặt cô. Nhưng nghe cái tên ngõ, không hiểu sao lòng tôi đã tin cậy. Tôi gặp cô, và một tuần lễ sau, cưới cô.

Tôi đã mang cây lộc vừng quê nhà ra Hà Nội, và cây lộc vừng bị tách khỏi quê hương ấy đã hơn hai chục năm nay chịu khốn khổ cùng với kiếp lưu đầy của tôi. Một người đàn bà lấy phải một người chồng lúc nào cũng ngay ngáy những theo dõi, thẩm vấn, những đe doạ tù đầy! Tôi chịu ơn cô ta; tôi chịu ơn sự thuỷ chung lầm lụi, tôi chịu ơn sự khiêm nhường gánh chịu, tôi chịu ơn sự đói khát tha thủi…

Có thể trong tôi đã dấy lên sự phản ứng vô ơn. Có thể tôi muốn trả thù sự chịu ơn đó; một phản ứng vô thức để xoá sạch những ân huệ đó chăng? Tôi đã phóng chiếu sự bất lực, sự căm giận, sự giả dối vào nàng, để qua đó mà trốn chạy gánh nặng lương tâm; để qua đó mà rũ nợ với nàng; để qua đó mà hả hê trả thù những gì mà mình không trả thù nổi; để nhờ đó mà tạo nên một màng che giả dối, một chỗ chốn lủi, một an ủi cho những thất vọng của đời mình.

Những ý nghĩ buồn bã và ray rứt đó có thể chưa đúng lắm, nhưng có thể là một sám hối. Lương tâm lên tiếng để tạo ra một đối trọng, để cân bằng những bi quan u uất trong tôi. Dù sao, đó cũng là một sám hối.

Khi đêm đã khuya, tôi từ giã cuộc lang thang trở về nhà. Giá như đêm ấy tôi gặp nàng, có lẽ tôi trở nên một người chồng nồng thắm để tạ cái ơn gánh chịu. Có lẽ từ một kẻ sám hối, từ một kẻ biết ơn, tôi có thể trở thành một người tình của vợ tôi cũng nên. Nhưng đêm hôm ấy, vợ tôi vắng nhà. Xí nghiệp của vợ tôi phải dệt vội một tấm thảm hoa cho một chính phủ nước ngoài sắp đến kỳ đại hội.

Tôi ngồi trên chiếc ghế bành cà khổ, uống rượu liên miên và nghĩ tới những bông hoa sặc sỡ mà vợ tôi đang cắm cúi cài trên tấm thảm…

(Còn tiếp)

N.X.K.

Comments are closed.