Từ Vũ Trọng Phụng đến Honoré de Balzac

Lê Quốc Anh

Nhà văn Vũ Trọng Phụng có thể gọi là một hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay. Người đã mang đến cả một tư tưởng, một phong cách viết mới lạ theo chủ nghĩa hiện thực, châm biếm. Càng tìm hiểu về ông, càng thấy cái hay, cái lạ, cái tài năng sớm nở mà cũng sớm tắt của ông.

Người tài thế, mà phải chết trẻ thế. Mới có hai mươi bảy tuổi đã mất rồi. Vậy mà nếu có ai không biết, chỉ đọc tác phẩm của Phụng thôi có lẽ sẽ nghĩ tác giả là một tay già đời lắm đây. Phụng viết cứ như đi guốc vào bụng người ta, thông thạo đủ đường, từ tâm tính bên trong con người, đến sự vận hành xã hội bên ngoài.

LE QUOC ANH 1 (1)

Tác giả Lê Quốc Anh

Giá trị văn chương của ông theo tôi là vượt thời gian. Đến bây giờ đọc lại vẫn thấy đúng, vì nó viết về bản chất con người, bản chất xã hội. Dù giàu hay nghèo, dù xã hội văn minh hay lạc hậu, thì có những vấn đề bản chất không thay đổi, chỉ là ẩn dưới lớp vỏ bọc nào đó thôi.

Người ta nói viết truyện ngắn như chơi một bản độc tấu solo, còn viết truyện dài thì như điều khiển một dàn nhạc. Phụng chơi gì cũng hay. Khiến độc giả cứ ngồi đọc mãi từ trang đầu đến trang cuối đến quên cả thời gian. Chẳng phải chỉ có nội tâm của nhân vật hay, mà cách kể chuyện của Phụng cũng rất độc đáo, có lúc vừa thương cảm đến nghẹn lời, lại vừa phải phá lên cười. Cái mà người ta gọi là cười ra nước mắt. Ai đam mê Phụng chẳng có một lần nửa đêm thanh vắng thắp đèn đọc Phụng rồi bỗng ngẩng đầu, đánh đét một cái vào đùi mình rồi lẩm bẩm: Sao lão ấy viết tài thế!

Nhà văn Vũ Trọng Phụng chết vì lao lực. Cũng phải thôi, Phụng viết tác phẩm đầu tiên “Chống nạng lên đường” năm 1930, đến năm 1939 thì Phụng chết. Tức là chỉ có 9 năm sáng tác, mà Phụng có một gia tài đồ sộ các tác phẩm, bao gồm 36 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.

Phụng ăn đói, mặc rách thế mà sáng tạo lắm. Truyện ngắn bao giờ cũng có những cái kết bất ngờ người đọc không lường được. Mà truyện nào cũng phải kết thúc cho ra ngô ra khoai. Tưởng tượng mà như thật, như tận mắt chứng kiến thì cũng nhiều nhà văn làm được, nhưng nhìn thấu tâm can người khác thì không dễ.

Người ta bảo nghệ thuật viết truyện ngắn của Phụng là nghệ thuật trần thuật theo lối trào phúng, tả chân. Đó là ông nhìn đâu cũng thấy cái dâm, cái gian, cái tham của loài người. Rồi bằng một phong cách viết hài hước kiểu vua hề Sác Lô mà khiến người ta đọc bị nhập tâm vào không kìm được cái hỷ nộ ái ố của mình. Người cùng thời đọc Phụng thấy hay đã đành, người đời sau đọc vẫn thấy đúng.

Vậy cái phong cách viết, hay cái chủ nghĩa tả hiện thực, hoạt kê đấy của Phụng đến từ đâu.

Bằng một sự tình cờ nào đó khi tôi đọc các tác phẩm của nhà văn Guy De Maupassant (1850-1893) thì lờ mờ thấy có cái gì đó rất quen thuộc. Quả thật, đọc xong các truyện của Phụng và sau đó của Maupassant mới thấy văn của Vũ Trọng Phụng bị ảnh hưởng rất lớn của người này. Không những cùng theo thể loại văn học tả thực mà một số truyện của Phụng có mô típ khá là tương đồng. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân còn đưa ra dẫn chứng cụ thể, ví dụ như trong tác phẩm “Số Đỏ” của Phụng có chi tiết Xuân Tóc Đỏ dẫn cô Tuyết về nhà bà Phó Đoan. Cả hai đang thân mật thì bà phó Đoan phá đám khiến cô Tuyết bỏ đi. Xuân quay sang bắt đền bà phó Đoan bằng cách ôm luôn bà này. Người nhà nghe tiếng rên sung sướng của bà phó lại tưởng có án mạng liền đi gọi cảnh sát. Đây là các chi tiết đắt giá được tìm thấy gần như giống hệt trong hai truyện ngắn của nhà văn Maupassant.

Ở truyện thứ nhất có tên là “Bà Chủ”, thì nhân vật sinh viên lên Paris trọ học trong nhà một bà cô già hơn bốn chục tuổi (ie, thời đó coi là già). Cậu chàng này dẫn người yêu về phòng nửa đêm. Hai bạn trẻ vừa cởi được cái áo thì bà chủ cũng định tòm tem anh chàng đi vào. Bà lấy lý do nhà này danh giá, không chứa chấp chuyện trai gái, rồi đuổi cô gái đi. Cậu chàng sau đó phải ngồi nghe bà cô giáo huấn một hồi, không những chàng chả thấy tội lỗi gì mà người lại rạo rực ham muốn, thế là bế luôn bà cô lên giường. Bà này cũng kêu rên sung sướng kiểu “Ôi thằng chó nó hiếp tôi!” y hệt bà phó Đoan, không hơn, không kém.

Truyện thứ hai thì giống chi tiết gọi cảnh sát đến vì nghe tiếng rên. Một lão già đưa thư lẩm cẩm bị nhiễm mấy truyện trinh thám, tội phạm. Vì vừa đọc trên báo lá cải có vụ giết người trong một ngôi nhà biệt lập giữa rừng làm lão bị ám ảnh. Khi đến cái nhà giống giống thế để đưa thư mà không thấy chủ nhà có mặt như thường lệ, lại nghe tiếng kêu rên hự hự dồn dập, thống thiết như bị cắt cổ trong nhà, thế là lão liên tưởng ngay đến một vụ án mạng, liền chạy một mạch đi gọi cảnh sát phải đến ngay còn kịp cứu người. Truyện này có tên là “Cái tội của bác Boniface”, được Maupassant viết đăng trên nhật báo “Gil Blas” ngày 24 tháng 6 năm 1884, trong khi tiểu thuyết Số Đỏ được đăng trên Hà Nội Báo ngày mùng 7 tháng 10 năm 1936.

Đọc hết tập truyện ngắn của Guy De Maupassant còn tìm thấy thấy nhiều chi tiết khác giống giống trong các truyện Vũ Trọng Phụng. Nhưng không phải là Phụng đạo văn. Tác phẩm văn học phóng tác, tưởng tượng một cách tự do nên không phải lúc nào cũng cần trích dẫn cụ thể chính xác như một bài báo khoa học. Mà ngay cả làm nghiên cứu khoa học thì cũng phải dựa trên những gì có sẵn để phát triển tiếp. Bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều năm làm nghiên cứu tại Pháp theo phương pháp học hỏi, phát triển lên tiếp như vậy. Hơn nữa, trong trường hợp tác phẩm “Số Đỏ”, Phụng vẫn khai báo trung thực một cách gián tiếp cho sự trùng hợp các chi tiết trong truyện của mình. Khi bà phó Đoan gí tờ báo mới ra, có đăng truyện tương tự “Bà Chủ” của Maupassant cho Xuân rồi kêu gào: “Giời ơi, người ta đang nói xỏ xiên chúng ta kìa!”, thì Xuân, hay chính Phụng, bảo: “Bọn nó lại đi dịch truyện nước ngoài nào đó về đăng thôi, chả liên quan gì đến chúng ta đâu”. Đấy, có ai đi đạo văn mà lại khai ra vậy không.

Tìm hiểu về Guy De Maupassant cũng thú vị, một nhà văn có tư tưởng độc lập. Ông bảo “Tôi không muốn tham gia vào đảng phái, trường phái chính trị gì, tôn giáo cũng không, chả cần biết đến hội, nhóm, đoàn thể nào, phớt lờ hết mọi giáo điều”, nguyên văn như sau:

« […] Je veux n’être jamais lié à aucun parti politique, quel qu’il soit, à aucune religion, à aucune secte, à aucune école ; ne jamais entrer dans aucune association professant certaines doctrines, ne m’incliner devant aucun dogme, devant aucune prime et aucun principe, et cela uniquement pour conserver le droit d’en dire du mal».

Đúng kiểu tôi là người tự do, thích nói gì thì nói, suy luận, phân tích theo cái đầu của tôi.

Không bè phái, chả ngại đụng chạm, mất lòng ai, ông nói rất bạt mạng. Sau thời gian dài sống ở Algérie, ông nhận xét về dân Hồi giáo: “Bọn này có niềm tin tôn giáo đến là hoang dã, tự biến mình thành con rối để tôn giáo điều khiển mình; sự cuồng tín trong câm lặng xâm chiếm toàn bộ cơ thể họ, những khuôn mặt vô hồn bất động đang thực hành lễ lạy”. Rồi khi nói về tính cách người Ả Rập ông viết “Không có dân tộc nào ngụy biện, hay gây gổ, kiện tụng và thù hận như người Ả Rập”.

Biết rằng người Việt ở Pháp quen gọi tiếng lóng là “bọn Rệp”, đánh đồng cho tất cả người đến từ Algérie, Tunisia và Maroc. Đổi lại tụi họ cũng đánh đồng tất cả đám da vàng, mắt híp Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc là “bọn Tàu ti hí mắt lươn khôn vặt, ranh như ma, ăn tham, thô lỗ, nói to”.

Cái thời ngày xưa Maupassant còn nói thoải mái được thế, chứ giờ mà dám công khai viết vậy, theo luật của Pháp sẽ bị kiện vì tội phân biệt chủng tộc. Pháp được coi là đất nước tự do ngôn luận thật, nhưng gì cũng có giới hạn của nó, trong khuôn khổ đạo đức, pháp luật cho phép.

Khi bọn thực dân Pháp lấy danh nghĩa sang khai sáng văn minh cho dân tộc “mọi rợ” An Nam, dùng vũ lực ký Hiệp ước Bảo hộ với triều đình nhà Huế ngày 25 tháng 8 năm 1883, mà thực chất là cuộc xâm lược trắng trợn một đất nước có chủ quyền, Maupassant đã phản ứng chống lại bằng một bản cáo trạng bạo lực của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc trên nhật báo Gil Blas ra ngày 11 tháng 12 năm 1883.

Những người có chính kiến độc lập, suy luận bằng cái đầu của mình như Maupassant đúng là thường viết rất sáng tạo.

Đọc truyện của Maupassant người đọc bị bất ngờ này đi liền bất ngờ khác, khó đoán được các tình tiết tiếp theo. Tác phẩm của Maupassant phải nói là tuyệt. Những truyện khác tôi mà nằm đọc thì được vài phút là ngủ quên mất. Đọc truyện ngắn của Maupassant mất ngủ luôn. Dù có cường điệu hóa hay chỉ phản ánh đúng hiện thực thì những truyện như “;Đứa con”, viết về cô gái trẻ chửa hoang tự rạch bụng mình cũng khiến độc giả không quên được. Đúng là bậc thầy truyện ngắn thế giới.

Sự đời thường bất công là rất nhiều thiên tài chỉ được vinh danh sau khi chết. Maupassant cũng vậy. Đến lúc chết rồi vào năm 1893 mới được nhận giải thưởng Vitet, một giải tương tự như giải Cino del Duca vừa xướng tên nhà văn Dương Thu Hương, đều được trao bởi Viện Hàn Lâm Pháp.

Quay lại với chủ đề tôi nói từ Vũ Trọng Phụng mà liên quan đến tận Honoré de Balzac là vì thể loại văn hiện thực cũng như phong cách viết của Phụng chịu ảnh hưởng nhất từ Maupassant, mà nhà văn Maupassant lại là học trò của Gustave Flaubert, một nhà văn lớn của Pháp theo trường phái tả chân thực về con người và xã hội đương thời.

Gustave là bạn thân của bà Laure, mẹ của Maupassant nên hay qua lại nhà Maupassant chơi, được xem như người cha về mặt tinh thần. “un père spirituel” của Maupassant. Tuy nhiên thiên hạ đồn rằng chính Flaubert là người tình của mẹ Maupassant.

Kể cũng dễ lắm. Muốn qua sông thì phải lụy đò, muốn cưa được mẹ phải chiều thằng con. Nói ngoài lề vậy thôi, chứ thực ra đã có rất nhiều công trình khảo cứu lại những lá thư trao đổi giữa Maupassant và Flaubert đã chỉ ra mối quan hệ thân tình giữa hai đại thi hào này.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng mà ai cũng biết của Gustave Flaubert là “Quý bà Bovary”, viết năm 1857.

Cùng với Victor Hugo, Stendhal, Balzac và Zola, nhà văn Flaubert được coi là một trong những nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất của nền văn học Pháp thế kỷ thứ 19. Ông được trao huy chương hiệp sĩ danh dự “Chevalier de la Légion honneur” của chính phủ Pháp vào năm 1866. Nước Việt ta cũng tự hào có giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận huy chương này vào năm 2012 tại cung điện Elysée nhờ được giải Fields tương đương với Nobel toán học trước đó.

Bây giờ đến nhà văn Honoré de Balzac (1799-1850), như đã nói trên là một tiểu thuyết gia vĩ đại của Pháp, đặc biệt xuất sắc trong thể loại chủ nghĩa hiện thực. Một trường phái chống lại lối viết lãng mạn, phi hiện thực của các nhà văn thời đó và cả bây giờ.

Chính phủ thì thời nào cũng thế, ở đâu cũng vậy đều không ưa chủ nghĩa hiện thực. Khi phong trào văn học tả thực xuất hiện, các nhà chức trách chính trị tại Pháp rất dè chừng nó vì họ coi đó là một phong trào dẫn đến việc phủ nhận tôn giáo và tuyên truyền gây rối loạn xã hội.

Tả thật thì bao giờ cũng trần trụi, động chạm đến đạo đức, đến chính trị, nó phải bắt đầu bằng quan sát hiện thực với sự nhạy bén tột độ và lấy những hiện thực làm chủ đề cho nội dung viết của mình, cho đến nay nhiều tiểu thuyết tả thực vẫn bị coi là thô tục, xấu xí và tầm thường. Nhiều người thậm chí còn gọi thứ văn đó là “văn chương chửi đời”, là văn chương “bất mãn chế độ xã hội”. Chính Vũ Trọng Phụng có lần còn bị chính quyền bảo hộ thời Pháp thuộc đưa án trát ra hầu tòa, vì cái tội “chửi phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs).

Balzac có thể nói là một trong những nhà văn dẫn đầu phong trào chủ nghĩa hiện thực của Pháp. Sau đó là đến Gustave Flaubert, người cha tinh thần của Maupassant, coi Balzac là một tấm gương sáng để noi theo. Đến lượt ông Flaubert lại gọi Balzac là người cha trong lĩnh vực văn học của mình “son père littéraire”. Điều đó được chứng minh rõ nét nhất trong tác phẩm “Quý bà Bovary”, được lấy cảm hứng trực tiếp từ cuốn “ldquo, Người phụ nữ tuổi ba mươi”, một tác phẩm theo trường phái hiện thực của Balzac được viết từ năm 1829 đến năm 1842.

Vũ Trọng Phụng thì chưa thấy gọi ai là cha tinh thần hay cha văn học cả, nhưng có thể chứng minh được nhà văn Việt Nam này đã đọc và tìm hiểu rất nhiều về Maupassant. Trước khi chuyển sang sáng tác, Vũ Trọng Phụng là người hâm mộ, dịch giả trung thành của Maupassant, như đã dịch truyện “ldquo, Kẻ vô nghề nghiệp”; “ldquo, Người lang thang”; “ldquo, Điên”; “ldquo, Hiu Quạnh”… đăng trên Ngọ báo trước năm 1930, lấy tên thật là ký giả Vũ Trọng Phụng.

Từ yêu thích các tác phẩm Vũ Trọng Phụng, tôi đã tìm hiểu và nhận thấy phong cách viết hiện thực này đã được khởi xướng bắt nguồn bởi nhà văn Honoré de Balzac. Người ta nói “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”.

Còn cá nhân tôi thì đang thấy “Văn chương cuối cùng lại dẫn về nước Pháp”.

Paris 12/05/2023

L.Q.A

Comments are closed.