Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 67): Trần Doãn Nho – Một chút Việt Nam

TDN-2015_thumb2Trần Doãn Nho, bút hiệu, sử dụng khi sáng tác; Trần Hữu Thục, tên thật, sử dụng khi viết tiểu luận. Sinh trưởng tại Huế. Theo học đại học Huế và Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết.

Trước 1975, dạy học: Phụ khảo Triết Đại Học Văn Khoa Huế; đi lính: sĩ quan quân đội VNCH; viết: cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Đối Diện.

Sau 1975, ở tù đến 1981. Định cư ở Hoa Kỳ 1993, làm việc cho Sở Giáo Dục Công Lập Thành Phố Worcester, bang Massachusetts.

Cộng tác với các tạp chí văn học giấy hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng: Da Màu, Gió-O, Talawas, Diễn Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn Forum, Bauxite Việt Nam, Văn Việt. Đã xuất bản 8 tác phẩm: 2 tập truyện ngắn (Vết xước đầu đời, Căn phòng thao thức), 1 tập ký và tùy bút (Loanh quanh những nẻo đường), 1 tạp bút (Từ ảo đến thực), 1 truyện dài (Dặm trường), 3 tập biên khảo văn học (Viết và Đọc, Tác giả tác phẩm và sự kiện, Ẩn dụ cuộc phiêu lưu của chữ); Bút ký Một đêm (One Night) trong tập Loanh quanh những nẻo đường được dịch đăng ở tạp chí văn học Meanjin, Melbourne University, số 2, 2015, dịch giả: Tôn Thất Quỳnh Du.
Hiện đã hưu trí, cư ngụ tại Dallas, bang Texas.

Một chút Việt Nam

Đêm rồi, Hưng ngủ muộn, vì cố gắng làm xong mấy bài homework cho tuần sau. Anh muốn có một chủ nhật hoàn toàn không bận bịu. Nửa đêm, mưa bên ngoài, cơn mưa nhỏ, gió mang theo những hạt mưa tạt vào qua khoảng hở của cánh cửa sổ quên kéo xuống. Anh lười biếng nằm im, để vậy, lắng nghe tiếng mưa rơi êm, tiếng cửa gương lay động lách tách. Trong giấc ngủ chờn vờn, trí tưởng anh bay về những vùng trời xa xôi, nửa thực nửa hư. Mưa sa, bão táp, lụt lội, ghe đò bập bềnh sóng nước bên hiên nhà. Chợ búa bồi hồi mùa nước lũ. Đám con trai, con gái xắn quần cao lội nước. Thời gian không đầu không đuôi, kéo dài ra vô tận. Cứ thế, anh nằm, anh đứng, anh ngồi, anh chơi, chậm chạp và lười biếng. Với những mộng tưởng xa vời. Mộng hãy là mộng, chẳng cần phải thành sự thực. Cứ thế …

Thức dậy sớm, làm vệ sinh xong, Hưng đứng tựa cửa sổ nhìn ra. Chúa nhật đã ở bên ngoài với bãi đậu xe ngân hàng trần trụi, phơi ra những ô, những lằn vạch, những mũi tên vô hồn. Đường phố vắng xe, tĩnh lặng nằm yên, y như thể đang say sưa ngủ giấc ngủ ngày. Chúa nhật, thời gian dịu đi, hiền lành, đáng yêu như con mèo nhỏ gối đầu trên chiếc dép ở góc phòng, lim dim ngủ để anh mặc tình sờ mó, vuốt ve, sở hữu. Suốt tuần, nó giục anh chạy, nó ném anh vào dòng sống phiêu linh không bến không bờ, nó chiếm lấy anh, sử dụng anh như một tên nô lệ. Bây giờ, ở đây, lúc này, anh có cảm giác cầm được nó và thả ra từng chút, từng chút. Rất tùy nghi.

Định pha một cốc cà phê, rồi chuẩn bị một tô mì ăn liền với đầy đủ gia vị, thịt thà (mà ngày thường không kịp làm), nhưng thấy bình cà phê sạch nhẵn, anh tự nhủ, thôi thì hãy tới tiệm Mỹ nhâm nhi một cốc cho khỏe. Anh thay áo quần, “lốc” cửa, ra đi. Khác với khu ngân hàng ở bên kia đường, khu chung cư anh ở, ngày chúa nhật ồn ào hơn thường lệ. Đám trẻ con đen, trắng, nâu, vàng chạy nhảy, la hét. Các cánh cửa phòng vốn đóng im ỉm giờ mở toang. Đi qua các căn phòng dân Nam Mỹ, chàng nghe phảng phất cái mùi đặc biệt mà dân Việt Nam ở đây vẫn gọi là mùi “xì” với vẻ mỉa mai. Chữ “xì” bắt nguồn từ chữ ‘Spanish”, dân nói tiếng Tây Ban Nha. Người Việt xem những ai không phải Mỹ chính gốc đều là “xì” và xem thường, thậm chí khinh bỉ họ. Kể ra thì khinh bỉ sắc dân khác cũng là một cách thế tự vệ trong một xứ đa chủng như thế này, anh nghiệm như thế.

Đúng lúc anh bấm nút đóng cửa thang máy, thì một cô gái chạy bổ vào, giọng Mỹ sõi:

– Xin lỗi, cho tôi vào với, tôi có chuyện gấp.

Anh đưa tay chận cánh cửa tự động. Cô gái lách vào qua một khoảng nhỏ còn lại vừa đủ cho thân hình nhỏ nhắn của cô. Cô gái thở gấp, nhìn anh:

– Cám ơn, cám ơn.

“Không có gì”, anh nói theo quán tính, nhìn vào khuôn mặt cô và ngạc nhiên thấy đó là một người châu Á. Cô nói tiếng Anh hay thật, nếu không nhìn mà chỉ nghe, chắc anh vẫn cho cô nàng là dân Mỹ thứ thiệt. Cô mặc cái váy xòe dài màu hồng nhạt, điểm những bông hoa tím nhỏ, áo T-shirt màu đỏ tươi, trước ngực có hàng chữ “Take back the night” nằm trong một ô tròn màu đen. Thắt lưng to bản. Tóc bới cao đuôi ngựa. Phần tóc phía trán được đánh thành hai tua nhỏ kiểu con nít, thả xuống hai bên má, trông thật ngô nghĩnh, y như kiểu tóc của loại dân Nam Mỹ nào đó. Cô còn trẻ lắm. Việt Nam, Tàu, Singapore, Nhật hay Lào? Cô đứng yên, nhưng lộ vẻ bồn chồn. Khi thang máy dừng hẳn, cô phóng ra trước, chạy đi. Anh nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất sau góc phố, lòng bâng khuâng tự hỏi chẳng biết cô nàng đến từ đâu, đến thăm ai hay mới đến thuê phòng trọ.

Anh đi uống cà phê, đi giặt, đi chợ. Khi trở về, vừa đậu xe xong, anh chợt thấy bóng chiếc áo đỏ thấp thoáng trong lối đi chính vào khu chung cư. Như có một sức hút, anh rảo bước theo với hy vọng sẽ gặp cô nàng. Quả không bỏ công, anh đến đúng lúc thang máy vừa xuống. Cửa mở. Cô gái nhìn anh cười và ra dấu cho anh vào trước. Anh lịch sự nhường lại.

Khi thang máy từ từ chạy lên, anh định hỏi thì cô nàng lại bắt chuyện trước:

– Ông ở đây?

– Vâng.

– Tầng mấy?

– Tầng năm. Còn cô, cô đến thăm ai?

– Không, tôi cũng ở đây, tầng bảy.

– Thế à, vậy mà tôi không hề gặp cô lần nào ở đây. Chắc cô mới đến.

– Vâng. Chừng hai tháng.

Hai tháng. Cũng khá lâu, sao anh không hề gặp? Tò mò muốn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng thang máy đã dừng ở tầng năm, tiếc thật. Khi anh chào từ giã, bước ra cửa thì cô gái cũng bước theo. Anh ngạc nhiên, dừng lại nhìn:

– Cô ở tầng bảy kia mà, sao không đi tiếp?

– Không, tôi muốn hỏi ông một việc. Ông người Tàu hay người Nhật?

– Cô đoán thử.

– Chắc là người Hồng Kông?

– Sai, Việt Nam.

Cô gái ồ lên một tiếng, tia mắt rực sáng, đột ngột dang hai tay ra như muốn ôm lấy anh, nhưng kịp buông xuống. Cô hạ thấp giọng, nói bằng tiếng Việt:

– Tôi cũng là người Việt.

Anh cười:

– Thế thì tôi đoán không sai. Tôi cũng ngờ ngợ cô là người Việt từ khi gặp cô hồi sáng.

– Ngờ ngợ? Tôi không hiểu.

– Ngờ ngợ là phỏng chừng, đoán chừng, là guess.

Cô cười:

– Tôi kém tiếng Việt lắm.

– Cô nói sành đấy chứ, à … nói giỏi đấy chứ.

Cô đứng ngẫm nghĩ một lát, rồi nói, giọng ngập ngừng:

– Gặp được anh là người Việt, tôi … vui lắm. tôi muốn nhờ … Xin lỗi, nói thế này có hơi, hơi … bất ngờ, anh thông cảm. Có thể nào, tôi ghé thăm anh được không? Không phải bây giờ mà … mà một lúc nào đó … khi anh không bận …

Anh ngạc nhiên nghe cô đổi từ “ông” sang “anh”:

– Đến thăm tôi, ờ, ờ … tất nhiên là được. Nhưng … có việc gì không cô?

– Cũng chẳng có việc gì, tôi chỉ muốn có bạn … cho vui.

– Nhưng … nhưng khi nào cô đến?

– Tôi không biết. Khi nào đến, tôi sẽ gọi điên thoại báo cho anh. Mà … mà anh không có gì phiền chứ? Lúc nào thì anh có nhà?

– Chúa nhật, còn ngày thường, tôi chỉ rảnh một chút buổi trưa và sau tám giờ tối.

Cô gái vội vã quay đi. Chợt nhớ ra điều gì, cô dừng lại:

– Vội quá, tôi quên hỏi. Anh có thể cho tôi số điện thoại và số phòng anh không?

Anh ghi số điện thoại và số phòng trên một mảnh giấy nhỏ đưa cho cô. Cô vừa quay gót, anh gọi giật:

– Này, cô, tôi chưa có số điện thoại cô.

Cô quay lại, đến gần anh, nói nhỏ:

– Tôi xin lỗi. Điện thoại tôi gọi ra thì được, nhưng không gọi vào được. Anh thông cảm. Cảm ơn anh.

Nói xong, cô quay người lại, đi bộ về phía cầu thang, lên lầu.

Hưng trở về phòng, lòng ngờ ngờ vực vực, không yên. Gặp bất ngờ. Quen bất ngờ. Thêm một cái hẹn bất ngờ. Đã thế, lại hẹn gặp ngay tại phòng mình. Cô ta là ai? Điếm? Dân bụi đời, băng đảng? Gái bất mãn gia đình, trốn nhà ra đi? Nhưng nhớ lại dáng dấp, cử chỉ của cô gái không có vẻ gì bất thường, thậm chí, rất là gái nhà lành. Nghĩ thế, anh cảm thấy yên tâm. Và vui. Một niềm vui thật mới.

Từ ngày qua Mỹ, sống tách khỏi gia đình, tự lập, anh như kẻ chạy đua với thời gian, tìm cách thích nghi càng nhanh càng tốt với xã hội mới, nơi mọi thứ mọi điều đều đầy thách đố, đòi hỏi sự phấn đấu. Không buồn. Chẳng vui. Luôn luôn bận rộn. Bây giờ, tự dưng quen một cô gái, tự dưng lại được hẹn hò khiến anh cảm thấy phấn chấn, một nỗi phấn chấn rất thanh niên bấy lâu bị dồn nén bỗng có dịp tràn ra, dạt dào. Bừng bừng. Sôi sục. Thế là, suốt cả tuần, hễ xong việc là anh về nhà. Hễ nghe điện thoại reo là có bận việc gì, anh cũng chạy vội đến bốc máy ngay. Mong mãi vẫn không nghe điện thoại của cô gái, sốt ruột, anh lên tầng bảy, đi dọc theo hành lang, mong được tình cờ gặp cô nàng đâu đó. Chẳng có ai. Hành lang lúc nào cũng vắng tanh. Các cửa phòng đóng im ỉm. Anh có cảm giác như thế giới không có mặt ở đây trong suốt những ngày làm việc. Cô nàng ở phòng nào nhỉ? Nỗi đợi chờ vu vơ khiến nhịp sống bình thường anh bị chao đảo. Anh cố ý kéo dài những giây phút thư giãn, cố ý giảm bớt những bận bịu, cố ý về sớm và tìm cách đi muộn. Thời gian giãn ra, chậm chạp, bứt rứt và buồn nản. Anh bần thần sống trong cơn mộng tưởng hoang đường.

*

Mãi đến tối thứ bảy, cô gái mới điện thoại cho anh. Cô nói một hơi, tiếng Anh chen lẫn tiếng Việt:

– May quá, anh có ở nhà. Hôm trước, muốn ghé anh, nhưng tìm không ra mảnh giấy anh cho hôm trước. Tôi mới tìm lại được hồi trưa nay trong đống sách vở. Tôi tên Miên Tâm. Gặp được người Việt Nam ở đây tôi rất vui.Tôi rất ít khi có dịp đi ra ngoài. Chắc anh bận lắm phải không? Chiều mai, anh có rảnh không, tôi sẽ ghé xuống anh, khoảng hai giờ đến ba giờ. Anh cứ để cửa vậy, tôi vào, khỏi ra đón. À, số phòng anh là 508 phải không … Tôi sẽ xuống. Nhớ để cửa, đừng đóng. Từ hai đến ba giờ chiều mai.

Nói xong, không đợi anh trả lời, cô đã cúp máy. Anh gác điện thoại, thở phào nhẹ nhõm. Thế là anh đã có một hẹn hò. Ngày chúa nhật sẽ được lấp đầy. Anh sẽ được bận bịu, sẽ có thêm những điều mới mẻ. Thế giới chán ngắt của anh với những màu sắc vụn rời, chắp vá sẽ được điểm xuyết thêm màu tím hay màu hồng của một bông hoa nhỏ. Anh cảm thấy hân hoan, phơi phới. Đầu óc anh đột nhiên đầy những ấn tượng về cô gái. Đôi môi đỏ chót, nốt ruồi chênh chếch bên cánh mũi, đôi bông tai to tròn đu đưa, ngực thấp nhỏ, nụ cười thân thiện, dáng đi hấp tấp, giọng nói tiếng Việt chen lẫn tiếng Anh với những âm nhấn rất Mỹ. À, mà lạ thật, cô gái này đâu có gì đặc biệt, sao lại làm anh xao xuyến như thế! Anh đã từng có bạn gái, đã từng yêu, từng hò hẹn. Thế thì tại sao lại bâng khuâng vô cớ như thế này! Đã khuya. Anh nằm xuống sàn nhà, chập chờn trôi vào giấc ngủ, chiếc áo tràn vào nhuộm đỏ giấc mơ.

Hôm sau, Hưng thức dậy sớm dọn dẹp phòng ốc. Căn phòng nhỏ tạm bợ đột nhiên ấm cúng và tràn đầy ý nghĩa. Ăn trưa xong, Hưng bồn chồn nghe ngóng, lòng thấp thỏm nghi hoặc không yên. Ấy thế mà cô gái đến thật, như một món quà tặng bất ngờ. Quá hai giờ, Hưng nghe bước chân ngoài hành lang. Tiếng gõ cửa thật nhẹ. Cánh cửa nhè nhẹ di động. Cô gái ghé đầu vào, nhìn quanh. Thấy anh, cô cười, nhanh nhẹn lách vào, khép cửa lại. Anh đứng dậy chào, mời cô ngồi. Cô gái nhìn anh:

– Phòng hơi hẹp, anh há.

Anh cưòi:

– Sinh viên nghèo mà cô.

Nàng bước lui, bước tới ngắm nghía mấy bức tranh cũ mua ở yardsale, cầm lên mấy cuốn sách học, nhìn qua rồi để xuống, bước đến cửa sổ, kéo lên, nhìn ra ngoài. Cô nàng tò mò nhỉ, anh nghĩ . Anh yên lặng, vòng tay nhìn nàng, cố đoán xem cô ta thuộc loại người nào. Hôm nay, cô mặc một bộ đồ lụa nhạt, có thêu những nhánh hoa hồng ở hai tà trước. Cổ đeo dây chuyền màu vàng, tóc xõa xuống hai vai. Cô ngồi xuống, nhìn anh, giọng trở nên thân mật:

– Em tên Miên Tâm. Còn anh?

– Hưng.

– Gia đình anh cũng ở đây?

– Vùng này, nhưng “town” khác.

– Vượt biên hay bảo lãnh?

– H.O.

Nàng cười:

– Cũng H.O. Đi đâu em cũng gặp H.O. (*)

– Cô đi đâu mà nhiều thế?

– Em ở nhiều bang lắm. Ở miền Nam có, ở vùng giữa có, giờ lại lên miền Bắc. Em “move” lung tung.

– Để làm gì?

– Đi chơi, đi làm ăn. Mỹ mà, tự do. Còn anh, có đi đâu chưa?

Hưng cười:

– Tôi mới qua, lu bu đủ thứ, đâu có điều kiện để đi. Phải vừa đi học, vừa đi làm.

– Anh học gì?

– Computer.

Cô gái nhìn ra ngoài, qua khung cửa sổ:

– Nghe nói vùng này, mùa đông lạnh lắm. Sao anh không về các bang miền Nam nắng ấm, ở gì đây mà chịu tuyết suốt mùa đông.

Anh cười:

– Lúc mới qua cũng ngán. Nhưng hai mùa tuyết rồi, đâu có sao. Cô uống cà phê nhé?

Cô nhìn lên:

– Em không thích cà phê. Anh có bia không?

Anh hỏi, giọng ngạc nhiên:

– Cô uống bia được à?

– Sao lại không! Một hai chai thôi. Anh ngồi đi, em tự lấy cũng được.

Cô gái đứng dậy, đến tủ lạnh, mở cửa. Nàng nói:

– Budweiser. Không có Heineken. Em khoái Heineken. Nhưng Budweiser cũng OK.

Cô lấy một lon đến ngồi ở bàn, khui uống, tự nhiên, thành thật, ngon lành. Nhìn cung cách cô, anh hãi. Nàng hỏi:

– Anh không uống?

– Tôi ít khi uống bia ban ngày. Uống vào mặt đỏ gay, kỳ lắm. Chỉ thỉnh thoảng uống một lon trước khi đi ngủ. Cô vẫn uống thường như thế à?

– Không thường lắm. Nhưng giờ này, ngồi ở đây, tự nhiên em thích một chút gì đăng đắng. Uống nước ngọt hoài, chán lắm.

Cô gác chân lên chiếc ghế thấp đặt kế bàn học. Những móng chân sơn đỏ chót, cắt tỉa cẩn thận. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, móng để dài, cũng sơn đỏ. Bộ đồ lụa trơn láng, mỏng mảnh, thêu hoa cầu kỳ khiến anh nghĩ đến những bà chủ tiệm vàng hay tiệm mỹ phẩm thường thấy ở các đường phố bên Việt Nam. Chỉ thiếu cái nét phương phi, bệ vệ. Dáng cô mảnh khảnh, khuôn mặt nhỏ, đôi lông mày hơi xếch, trông ngổ ngáo khi ngước nhìn lên. Khi im lặng trầm ngâm, khuôn mặt cô như tối hẳn đi nhưng lúc cười, trở nên đôn hậu, chơn chất. Anh có cảm giác như khi im lặng và khi cười, cô có hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau. Hẳn cô nàng có một cuộc sống thoải mái lắm, anh nghĩ. Ít ra thì cô nàng cũng không phải lao động vất vả trong các hãng xưởng như anh.

Anh hỏi:

– Cô không đi làm?

– Có, nhưng thỉnh thoảng.

– Part-time à?

– Không hẳn thế.

Cô trả lời ngắn gọn, bằng một thứ tiếng Việt khá chuẩn xác. Tiếng Anh hay, tiếng Việt nàng cũng khá. Anh hỏi:

– Cô sang Mỹ lâu chưa?

– Từ khi em tám tuổi.

– Hèn gì!

– Cô gái ngước mắt lên:

– “Hèn gì”? Em không hiểu

Anh giải thích:

– That’s why…cô nói tiếng Anh như … Mỹ. Qua Mỹ mà lớn tuổi như tôi học chậm lắm.

– Anh mà lớn gì! Trẻ măng à, trẻ hơn cả … Garcia … à quên, anh trẻ, … trẻ lắm.

Không để ý đến lời khen, anh hỏi:

– Cô vượt biên à?

– Vâng.

– Với gia đình?

– Không, một mình em.

Anh sửng sốt:

– Tám tuổi sao cô đi một mình?

Cô gái trầm ngâm một chút rồi trả lời:

– Cha mẹ em gửi em cho một người quen.

À, ra thế! Trước đây, anh không hình dung nỗi tại sao người ta có thể gửi đứa con mới mấy tuổi đầu của mình trên những chuyến vượt biên vô cùng nguy hiểm như thế. Có khác gì bỏ con. Dần dà về sau, anh hiểu. Người ta không còn chọn lựa nào khác. Cuộc sống lúc đó đen tối quá, gia đình chỉ còn một cách: đánh cuộc với định mệnh bằng cách gửi con đi. Một đánh cuộc đau đớn. Hơn thế nữa, một đầu tư.

Miên Tâm cúi xuống bàn xoay xoay lon bia, khuôn mặt chùng xuống. Vẻ già dặn toát ra không giấu kín được hết đường nét ngây thơ loáng thoáng đâu đó. Cái vui lẫn quất trong cái buồn. Cô còn trẻ quá, trẻ và nhỏ. Tự nhiên, anh cảm thấy ngậm ngùi với hình ảnh một cô bé còn măng sữa, đã phải trải qua hết tuổi thơ của mình trong một hoàn cảnh lạc loài, cô đơn, xa lạ. Đó là cái giá phải trả cho ước mơ lớn của hai đấng sinh thành. Họ có toại nguyện không? Anh nhìn cô, hỏi:

– Ba mẹ cô vẫn còn sống?

– Vâng.

– Vẫn ở Việt Nam?

– Vâng.

– Cô không bảo lãnh qua à?

Nàng thở dài:

– Qua làm gì cho thêm khổ.

Lại kêu khổ, lạ thật! Chẳng khác gì cách nói của cha mẹ anh, hở cái là than thở. Những là qua Mỹ phải cày ngày cày đêm, con thì hư, Mỹ thì đểu, tình người không có, vân vân và vân vân.

Cô đứng dậy, đi quanh phòng, ngắm nghía, sờ mó mọi thứ. Đến ngăn có sách báo Việt Nam, cô lôi ra một tờ tạp chí, mang đến bàn, lật từng trang xem. Hưng chăm chú nhìn. Anh hỏi:

– Cô thích đọc báo Việt Nam không?

Cô ngẩng nhìn lên:

– Thích. Nhưng … nhưng mà, em không biết đọc tiếng Việt.

Cô gái nhìn đồng hồ trong lúc vẫn lật tới lật lui tờ báo tiếng Việt. Anh hỏi:

– Ai dạy cô nói tiếng Việt?

Cô nhìn anh:

– Không ai dạy cả. Chỉ bắt chước. Bắt chước người này người nọ, nhưng nhiều nhất là bắt chước phim bộ.

– Hèn gì!

Anh trầm ngâm nghĩ ngợi, chợt nhớ đến những lần anh than phiền với ba mẹ anh về việc mấy đứa em nhỏ của anh xem riết phim Hồng Kông, chẳng mấy khi chịu xem phim Mỹ. Anh bảo cứ xem phim nói tiếng Việt mãi thì bao giờ chúng biết tiếng Anh để theo kịp người ta. Anh chợt bật cười. Cô gái hỏi:

– Anh cười em?

– Không, tôi cười tôi. Nghe cô nói, tôi chợt thấy mình sai. Tôi vẫn cho rằng trẻ con mà xem phim bộ Hồng Kông là hư, không ngờ chính nó lại giúp người ta trau dồi tiếng Việt một cách hữu hiệu.

– Hữu hiệu?

– Là tốt, hay, là good.

Cô gái lại xem đồng hồ, vẻ bồn chồn. Uống cạn, tay cô cầm cái lon không bóp lên bóp xuống, nhìn anh, ngập ngừng:

– Em phải về. Em muốn nhờ anh một chuyện.

Chắc bắt đầu ra chiêu đây, anh nhủ thầm. Để thử xem.

Giọng cô chợt nghe thành khẩn:

– Em muốn học tiếng Việt. Anh có thể giúp em được không?

Anh chưng hửng. Anh không thể nghĩ ra một loại đề nghị như vậy. Anh cười:

– Tôi vẫn tưởng cô cần tôi việc gì ghê gớm lắm.

Không đoán được lời nói đùa của anh, cô gái tiếp:

– Thú thật với anh, điều làm em đau khổ nhất là em không đọc được thư nhà và cũng không viết được thư về nhà.

Lời thú nhận bất ngờ giúp anh chợt hiểu một cách sâu sắc nỗi buồn của cô gái. Những giới hạn về ngôn ngữ khiến cô bị cắt lìa khỏi nguồn cội. Cô có thể nói tiếng Việt, cũng như anh có thể nói tiếng Anh, nhưng thiếu hẳn sự gắn bó giữa những âm, những chữ với cuộc đời. Cô nàng đầy những kỷ niệm Mỹ, nhưng không cảm thấy mình là người Mỹ. Cô muốn mình là người Việt Nam, nhưng thiếu hẳn một quá khứ Việt Nam. Tự dưng, anh nhìn thấy một Miên Tâm khác đi. Anh hỏi:

– Cô còn nhớ gì về Việt Nam không?

– Không. Lúc đi, em còn nhỏ.

– Quê cô ở đâu?

– Kien Hoa hay Kien Phong, em không nhớ rõ.

– Cô về thăm ba mẹ chưa?

– Chưa. Em định sẽ về, nhưng chỉ khi nào em đọc và viết được tiếng Việt.

Cô gái lại xem đồng hồ, nhấp nhỏm trên ghế ngồi:

– Thôi, đến lúc em phải về. Em có việc bận. Anh liệu có thể giúp em được không? Yes hay No.

Anh phân vân:

– Giúp thì dễ dàng. Có điều, thì giờ tôi eo hẹp lắm. Như cô biết, tôi vừa đi học, vừa đi làm …

– Em biết. Anh suy nghĩ, em sẽ gọi lại anh tối nay. Dù thế nào, anh cũng rán giúp em. Hy vọng là anh sẽ nói “Yes”.

Cô đứng dậy, giọng dứt khoát:

– Em về!

Nói xong, cô rời phòng ngay, dáng hấp tấp. Anh đóng cửa lại, im lặng cảm nhận chút hơi hướm của cô gái như còn thoang thoảng đâu đây.

*

Hưng đồng ý dạy tiếng Việt cho Miên Tâm. Dù đôi lúc anh hoài nghi ý định thực sự của cô gái, nhưng trong thâm tâm, anh tin rằng cô thực tình đối với anh. Anh rút bớt những giờ nghỉ ngơi và đi chơi với bạn bè để chỉ dẫn cho cô gái. Chỉ phiền một nỗi: giờ giấc cô rất tùy tiện. Khi anh rảnh thì cô không xuống. Khi đang bận thì cô đòi xuống. Đôi lúc, đang học nửa chừng, cô đột ngột bỏ về. Anh bực. Biết thế, cô năn nỉ anh thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt của cô. Cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần: my special circumstance!

Hoàn cảnh đặc biệt! Bây giờ thì dù không hoàn cảnh đặc biệt đi nữa, anh cũng chìều theo ý cô. Làm sao mà từ chối cho được. Anh bị cô hớp hồn rồi! Thời khóa biểu không cần nữa. Lúc cô muốn đến, cô gọi. Anh rảnh, anh dạy. Không thì thôi. Lúc nào cô muốn đến anh cũng cố thu vén bài vở, công việc để dạy nàng. Điều duy nhất làm anh khó hiểu là điện thoại cô không gọi vào được. Hỏi tại sao cô làm vậy, cô chỉ nói gọn lỏn, “Em thích thế.” Đã thế, cô còn yêu cầu anh đừng bao giờ tìm cô, dù chỗ cô ở hay bất cứ ở đâu. Có lần, nghe cô nhắc mãi lời yêu cầu đó, anh bực mình nói: “Em cần anh, em tìm. Còn anh, anh có việc gì mà phải tìm em nào?”  Cô bịt miệng anh lại: “Đủ rồi, đừng nói thêm gì nữa.”

Cô cư xử tự nhiên như một người tình lâu ngày. Thỉnh thoảng, anh cầm tay cô. Thỉnh thoảng, anh thở vào tai cô. Thỉnh thoảng, cô vịn vai anh. Có lúc cô mệt mỏi nằm vật xuống chiếc giường đơn nhỏ bé của anh. Có điều, mọi cử chỉ của cô đối với anh dường như luôn luôn vừa đủ, để không quá xa cách, mà cũng không quá thân mật. Riêng anh, anh vừa dạy cô học, tỉ mỉ, kiên nhẫn, đầy thiện chí, lại vừa vật vã tranh đấu với bản thân. Đôi trai gái trẻ trong một căn phòng nhỏ ấm cúng, thân tình, mời gọi, thế mà cái biên giới mỏng mảnh nằm giữa vẫn còn. Chỉ cần anh cúi sát thêm vào đôi vai cô. Chỉ cần vòng tay anh khép lại thêm. Chỉ cần cô ngả đầu thêm vào vai anh. Chỉ cần cô nằm yên trên giường thêm. Thêm một tí nữa, một tí nữa thôi, tất cả sẽ bị phá vỡ. Ban đêm nằm ngủ, trằn trọc với mùi hương hoa phảng phất, với những ý nghĩ vẩn vơ, với sự thúc dục của một cơ thể đang hồi sung mãn, anh định vượt qua mọi giới hạn ngày hôm sau. Nhưng lạ thật, anh yếu bóng vía, vẫn không làm được, vẫn đứng yên bên này lằn ranh.

Có lần, tập đánh vần xong một đoạn báo, cô nằm xuống giường nhắm mắt, áo quần hớ hênh, để lộ khoảng bụng trắng ngần. Tự nhủ đó là một tín hiệu mời gọi tích cực, anh lân la đến ngồi xuống gần một bên, tay anh bóp cánh tay cô lần lên phía vai, đầu cúi xuống chiếc ngực phập phồng. Anh cúi xuống, cúi xuống, trái tim anh đập thình thịch trong lồng ngực như muốn vỡ tung. Đúng lúc đó, cô mở mắt, tay đỡ nhẹ đầu anh, rồi ngồi dậy mỉm cười, bước đến bàn tiếp tục đánh vần.

Không mấy khi cô đề cập đến đời sống của cô hiện tại. Anh có hỏi han chuyện này, chuyện nọ, cô chỉ cười buồn, khuôn mặt như chùng xuống, tối đi. Gần cô, thay vì hiểu rõ hơn, anh lại thấy cô nàng bí ẩn và khó hiểu thêm. Càng ngày cô càng thu mình vào trong cái vỏ bọc. Càng ngày càng tự nhiên nhưng nghiêm trang, đứng đắn hơn. Anh sốt ruột muốn chấm dứt kiểu thầy trò bất đắc dĩ này. Các buổi học dần dần đâm ra đơn điệu, lạnh lùng. Hưng thấy chán nản. Những ý tưởng háo hức ban đầu cơ hồ như tan biến. Một hôm, cô điện thoại báo sẽ xuống, anh lạnh lùng:

– Anh mệt.

– Anh đau à?

– Không, mệt.

Anh gác máy đột ngột. Một lát, nghe tiếng gõ cửa, anh uể oải đứng dậy mở cửa. Miên Tâm xuất hiện trong cái “rốp” ngủ, bên ngoài thêm chiếc áo khoác. Cô nhìn anh chăm chú:

– Anh đau hay giận em?

Anh trả lời hờ hững:

– Anh nói rồi. Mệt!

– Anh không muốn em vào à?

– Anh muốn nằm nghỉ một lát.

Khuôn mặt cô đột nhiên tối lại, đôi mắt nhìn xuống, tay vân vê tà áo khoác. Cô bước đến gần anh, đưa tay đặt lên vai anh, cười buồn:

– Thì thôi, em về.

Cô quay ra, khép nhẹ cửa phòng. Anh nhìn theo, muốn gọi một tiếng, nhưng lại thôi.

*

Lần học kế, Miên Tâm không đến, cũng không gọi. Anh tự nhủ thôi thế là xong. Chấm dứt là vừa. Anh cũng đã có lòng với cô lắm rồi. Vả lại, anh bận bịu quá. Thì giờ anh dành cho cô, thực ra là cắt xén từ cuộc sống tất bật của anh. Để đổi lấy được gì? Chẳng có gì.

Nhưng hai ba ngày sau, đột nhiên anh thấy trống rỗng. Anh ngờ rằng mình mệt thật. Không phải. Ngẫm nghĩ một hồi, anh mới chợt nhận ra một cách sâu sắc rằng, tất cả chỉ vì thiếu tiếng gọi của Miên Tâm, thiếu bóng của cô. Những giờ rảnh rỗi chợt vô duyên lạ lùng. Có cô, có hơi thở, nụ cười, bước chân, tiếng mở cửa, tiếng đánh vần, dáng nằm dài trên nệm, mùi hương phấn. Có cô, anh quá bận bịu. Vắng cô, anh thấy giờ giấc thừa ra, dằng dặc. Anh đã khước từ, đã đuổi cô, đã mệt mỏi, chán nản. Anh tham lam, ích kỷ. Thiện chí lúc đầu của anh đã biến thành một thứ ham muốn khác. Anh muốn ôm cô, hôn cô, anh muốn, anh muốn…

Nhiều lần, anh ngồi bật dậy, mở cửa, leo lên tầng bảy, bước dọc theo hành lang. Các cửa phòng đóng kín. Anh chẳng biết cô ở đâu. Anh quả tệ thật. Cô lầu bảy, anh lầu năm. Chỉ có mấy phút đi bộ. Thế mà chẳng biết tìm cô ở đâu, khi cần. Chán nản, anh vào thang máy, xuống tầng một, vẩn vơ đứng nhìn con đường, bãi đậu xe, khu ngân hàng tấp nập. Mùa thu, lá rụng đầy. Gió thổi rào rào, dồn những đám lá vàng lại từng chòm rồi đẩy chúng tung ra khắp nơi. Anh buồn bã trở về phòng nằm xuống, bâng khuâng nhớ tiếc bồi hồi. Anh mong tiếng reo điện thoại. Anh mong cô đến.

Chừng một tuần sau, Miên Tâm gọi:

– Thế nào, hết giận chưa anh?

Anh hấp tấp:

– Có giận gì đâu. Em xuống liền chứ?

Giọng nàng ngập ngừng:

– Chưa được …

– Giờ anh đang rảnh. Em xuống nhé?

– Không … Mà này, anh nghỉ làm một bữa được không?

– Để làm gì?

– Anh đưa em đi chơi, được không?

Anh ngạc nhiên:

– Đi chơi?

– Thì đi chơi. Đi ra ngoài chơi cho vui. OK?

– Ờ … ờ, tất nhiên là OK. Em xuống đây rồi cùng đi hay sao?

– Hiện em không ở nhà. Anh đến đón em ở góc đường Queen và King, Family Health Hospital. Lúc hai giờ. OK? Em mặc áo màu đỏ. Như lần đầu gặp nhau.

– OK.

Anh mừng quýnh.

*

Anh đến chỗ hẹn đúng hai giờ. Một lát sau, anh thấy chiếc áo đỏ xuất hiện trong sân Family Health Hospital. Đúng là Miên Tâm. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy cô đẩy chiếc xe chở trẻ con. Đến bên xe, cô cười chào rồi lẳng lặng mở cửa sau, xếp gọn chiếc xe lại, mang xe và một đứa bé nằm trong đó lên xe anh. Anh tắt máy, quay lui nhìn. Đứa bé khoảng một, hai tuổi, tóc hoe, lăn quăn, da nâu phơn phớt. Không đợi hỏi, Miên Tâm nói ngay:

– Con em.

Con em! Anh giật thót mình, sửng sốt nhìn chăm cô, không chớp mắt. Cô cúi xuống đắp chiếc chăn nhỏ lên ngực, lấy bình sữa đút nuốm vào miệng đứa bé, âu yếm và thành thạo. Đứa bé vừa bú vừa cựa quậy, mắt nhìn láo liêng. Anh có cảm giác ngộp thở, muốn hỏi một câu, nhưng không thốt lên được. Phải vài ba phút sau, anh mới lên tiếng, giọng run run:

– Con em! Em không đùa chứ. Trai hay gái vậy?

– Gái.

– Mấy tuổi rồi?

– Mười bốn tháng.

Anh im lặng. Cô cũng im lặng. Một lát, cô gài seat-belt cho đứa bé, giục:

– Thôi đi, anh.

Anh nhìn cô, bối rối không biết phải xử sự thế nào.

– Đi đâu? Anh hỏi, giọng khô khốc.

Cô nhìn ra ngoài cửa xe:

– Một nơi nào ngoài thành phố. Em muốn tâm sự đôi điều với anh.

Anh muốn từ chối, đi về. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới thấy không ổn, anh gài số, lái xe đi. Anh chạy vòng vèo bất định, đầu óc lang bang với những ý nghĩ không đâu. Cảm giác muộn phiền, tấm tức cấu xé trong lòng. Miên Tâm ngồi bất động, mặt nhìn thẳng phía trước. Ra khỏi thành phố, anh hỏi:

– Đi đâu?

– Tùy anh, em chẳng biết chỗ nào ở vùng này cả.

6.

Anh lái về hướng Green Hill. Đó là một công viên lớn ở ngoại ô, nằm kế bìa rừng. Chung quanh là những ngọn đồi nhỏ và khu rừng thưa. Mùa thu, các thứ lá đổi màu khiến tất cả trở thành một rừng màu sắc trông như hoa nở mùa xuân. Lá tím, lá vàng, lá đỏ, lá nâu, lá hồng …Mỗi lá là một bông hoa. Gió từ phương Bắc ào về từng đợt, len lỏi qua các khu rừng, khua động không gian bằng một thứ âm thanh rào rào bất tận, dấy lên trong lòng người cảm giác u hoài, mênh mang khó tả. Lá rụng từng đợt. Lá phủ kín bãi cỏ, mặt đất. Thỉnh thoảng, gió thổi tới, rồi như chạm phải một bức tường cản đâu đó, xoay ngược trở lại cuốn thốc từng khối lá trên mặt đất bay tung tóe lên các cành cây rồi la đà rơi xuống.

Anh đậu xe, mở cửa đứng nhìn sững các khu rừng. Gió phơn phớt lạnh. Bầu trời thấp hẳn, tưởng chừng như chạm phải các ngọn cây qua một lớp mây màu tro nhạt phủ kín. Anh chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Du: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.” “Màu quan san” là màu gì anh không hiểu, nhưng âm thanh của chữ đọc lên, gợi ra một cái gì bâng khuâng, man mác. Và anh chợt thâm cảm hết ý nghĩa của chữ “rừng”. Rừng là nhiều, nhiều quá, bất tận. Mùa thu đậm nét bởi rừng cây đổi màu. Không, rừng lá. Đúng ra, phải nói là rừng hoa, muôn màu muôn vẻ. Ấy thế mà, tháng sau, có thể là vài tuần sau, lá sẽ rụng. Rụng sạch. Biến mất. Y như thể chưa bao giờ có lá, để lại những cành cây trơ trụi, chơ vơ hứng chịu mùa đông tuyết giá.

Miên Tâm đụng khẽ vào vai anh. Anh quay lại, thấy cô run rẩy sau chiếc áo khoác. Anh nói bâng quơ:

– Gió nhiều quá.

Anh nhìn vào xe. Đứa bé đã ngủ say, hồn nhiên. Con nàng đó sao! Nhìn, anh thấy khó chịu.

– Ngủ rồi à? Nhanh thế.

– Vâng. Nó dễ tính lắm.

– Không ẵm theo sao?

– Sao mà ẵm được. Gió lạnh thế này mà. Nó vẫn quen ngủ thế, hai ba tiếng đồng hồ mới thức dậy. Để nó đó, ta đi chơi một lát đi anh.

– Đâu có được, không thể để trẻ em trong xe một mình.

– Đâu có sao, mình đi quanh quanh đây thôi. À, sao anh không mặc áo khoác. Một lát lạnh, cảm chết! Anh có mang theo không?

– Không.

– Thôi được, khoác chung với em.

Cô mở rộng áo, khoác một nửa lên vai anh, cầm tay, giục:

– Thôi đi.

Anh im lặng, thọc hai tay vào túi quần, bước đi. Hai người đi qua một bãi cỏ rộng có những cụm hoa hồng trồng cách quãng đều đặn. Lá từ trong rừng bay ra, vần vũ quanh hai người, đuổi nhau trên những ngọn cỏ. Đi ngang bức tượng đặt chính giữa khu công viên, cô hỏi:

– Em thấy có hai chữ Việt Nam, phải không anh?

– Ừ, đài kỷ niệm các chiến binh Mỹ trong tiểu bang đã chết ở Việt Nam.

Miên Tâm bùi ngùi:

– Ở đây yên lành thế, lại sang Việt Nam mà chết!

Anh bật cười:

– Còn mình đang ở Việt Nam thì lại tới đây mà sống.

Đến một cái hồ nằm gần chính giữa khu công viên, anh dẫn cô lên chiếc cầu nhỏ nối với cụm kiến trúc ở giữa hồ. Chính giữa là ngôi nhà có mái ngói cong cong, chung quanh là các tảng đá lớn, vài khóm hoa, một tượng phụ nữ khỏa thân. Loáng thoáng có đôi ba nét đông phương ẩn khuất đâu đó. Hồ rộng, bờ nước tiếp giáp với các ngọn đồi và rừng ở xa xa. Nước trong vắt, lặng lờ. Anh và Miên Tâm ngồi ở chiếc ghế khuất sau một tảng đá lớn, tránh gió. Anh gỡ áo khoác ra, nhìn cô, đổi cách xưng hô:

– Cô kể chuyện đi.

Cô choàng áo trùm kín hai vai, hai tay thu vào lớp áo trước ngực, ngước nhìn anh:

– Em xin lỗi đã không nói trước với anh là em đã có chồng.

Đã biết từ nãy giờ, nhưng khi nghe nàng nói hai chữ “có chồng”, anh cảm thấy khó chịu. Anh hỏi, không giấu vẻ mỉa mai:

– Lại là chồng ngoại quốc, Mỹ hay “Spanish” vậy?

– Anh ấy người Honduras.

– Vẫn còn ở với cô chứ?

– Vâng, tụi em vẫn ở với nhau.

– Nghĩa là thời gian vừa qua, khi cô xuống gọi là học với tôi, anh ta ở đó với cô, tầng bảy.

– Vâng.

– Trời!

Chữ “vâng” của cô làm anh ngột thở. Nghĩ lại những lần hai người ở chung trong phòng, anh rùng mình. Anh nhìn cô, gằn giọng:

– Cô liều lĩnh thật. Cô muốn hại tôi. Lỡ ra anh ta biết thì có phải là họa cho tôi không?

Miên Tâm cúi đầu:

– Em biết. Nhưng em với anh đâu có làm gì không tốt.

– Ừ, thì đúng là không có gì! Nhưng ai mà tin được. Nếu thằng chồng cô mà biết thì … thì … tốt hay không tốt, anh ta cũng …

Anh ngừng lại, không dám nói tiếp. Miên Tâm im lặng, nét mặt bần thần. Một lát, cô phân bua:

– Không phải em liều. Em chỉ xuống anh khi nào anh ấy đi làm. Nhưng … nhưng mà, nghĩ lại, đúng là liều thật. Nhưng biết làm sao được. Em thích học tiếng Việt. Em thích chơi người Việt. Em thích …

Anh nhìn thẳng vào mắt cô:

– Thiếu gì người Việt ở Mỹ. Vậy trước đây hai người ở đâu?

– Thú thật với anh, anh ấy không muốn cho em tiếp xúc với người Việt. Anh ấy sợ … sợ … mất em.

Anh hỏi:

– Ghen à?

– Vâng, anh ấy ghen với người Việt, vì cho rằng nếu em quan hệ nhiều với người Việt Nam, em sẽ bỏ anh ấy.

Anh gục gặc đầu tỏ ý hiểu. Nàng tiếp:

– Mấy năm rồi, từ khi lấy nhau, anh ấy cứ đem em đi loanh quanh, hết bang này đến bang khác, vừa để tìm việc làm, vừa để em không có cơ hội quen biết thân mật với người Việt.

Nhớ đến những lúc Miên Tâm nói vòng vo khi trả lời những câu hỏi của anh, anh ngớ ra, chép miệng:

– À, ra thế. Đúng là special circumstance, hoàn cảnh đặc biệt.

Cô cúi đầu, rút tay ra khỏi ngực, vân vê tà áo. Một cử chỉ rất là Việt Nam, anh nghĩ. Cô vẫn thường ăn nói, cử động tự nhiên như con gái Mỹ, nhưng giờ này, trông có hơi khác. Ngượng nghịu, e ấp như một buổi hẹn hò đầu đời. Anh hỏi:

– Cô yêu anh ta?

– Không, em không yêu.

– Không yêu sao lại lấy nhau, lại có con. Bị cưỡng ép?

– Không.

Cô chợt thổn thức:

– Em nói rồi, em cô đơn. Hồi đó, chẳng có ai ngoài anh ấy đến với em …

Cô lấy giấy chậm đôi mắt, đứng dậy, bước quanh, rồi trở lại. Cô nhìn anh, khuôn mặt bình tĩnh lại:

– Em sang đây lúc mới tám tuổi, như anh biết. Lúc đầu, em ở chung với gia đình mà cha mẹ em gửi em theo, rồi sau ở chung với một người bà con xa. Không ai tử tế với em cả. Họ chỉ muốn lợi dụng em. Họ ăn bớt tiền trợ cấp. Họ dọa nạt em. Họ bắt em làm việc. Nhiều lần, em trốn đi nhưng không biết ở đâu, đành phải về lại với những người mà em hết sức căm ghét.

Cô ngừng nói, đôi mắt nhìn xa như cố hình dung lại những gì trong quá khứ. Một lát, cô tiếp:

– Ở trong trường, em không có bạn. Em là người Á châu duy nhất. Bọn học sinh trong trường chẳng cần biết em là ai, chúng chỉ gọi em là Asian và khinh ghét em ra mặt. Chỉ có Garcia là đến với em, giúp đỡ em.

– Garcia?

– Vâng, Garcia là chồng em.

Cô gỡ mấy ngọn lá rơi vướng trên tóc, ném ra xa. Anh hỏi:

– Anh ta yêu cô lắm?

Miên Tâm cười gượng:

– Hình như thế.

Anh có cảm giác bực tức:

– Hình như? Đến giờ mà cô vẫn ỡm ờ với tôi. Hai người yêu nhau, lấy nhau, có con với nhau. Anh ta đi đâu, cô theo đó. Vậy cô tìm đến tôi để làm gì? Chỉ có một câu trả lời: cô muốn hại tôi.

Miên Tâm bối rối nhìn anh, nét mặt tràn đầy ân hận. Cô cầm tay anh, bấm nhẹ vào lòng bàn tay, nói:

– Em biết anh giận. Nhưng em nói thật, anh có quyền tin hay không tin. Em muốn yêu một người Việt Nam, nhưng em lại chẳng quen một người Việt Nam nào cả.

Khuôn mặt cô trở nên u ám:

– Em đã trải qua tuổi thơ, mà người ta cho là đẹp nhất đời, không cha, không mẹ, không bà con, không bạn trai, không bạn gái. Em không biết yêu. Có ai đâu để em yêu!

Anh hỏi:

– Garcia yêu cô thế, sao cô bảo không có ai?

Cô nhìn vào mắt anh:

– Vâng, Garcia yêu. Nhưng nói anh đừng cười, Garcia rất kém tiếng Anh, vì khi qua Mỹ, đã lớn. Tụi em trò chuyện với nhau rất ít, vì Garcia không hiểu hết những gì em nói. Tụi em chỉ trao đổi vài ba câu thông thường trong đời sống hàng ngày, chứ chẳng có tâm sự gì được với nhau. Em nghĩ gì, thích gì, Garcia chẳng hề biết. Tụi em ở với nhau như hai con thú …

Anh ngạc nhiên với cách dùng chữ khác thường của Miên Tâm:

– Hai con thú. Tôi không hiểu.

– Vâng, hai con thú. Chỉ có ăn, ngủ, nói chuyện trời mưa trời nắng vu vơ. Còn cái kiểu yêu của Garcia, em muốn nói, cái kiểu make love của Garcia … ghê quá!

– Ghê quá?

Cô quay mặt đi. Hưng nhắc lại câu hỏi. Cô ấp úng:

– Ghê quá là dữ dội … là … Garcia đêm nào, ngày nào cũng bắt em xem phim sex, rồi thì là … dày vò em, bắt em chiều … đủ kiểu. Em sợ …

Cô ôm mặt. Đột nhiên, anh thấy Miên Tâm nhỏ bé, tội nghiệp quá. Anh hỏi, giọng nhẹ nhàng:

– Sao cô không bỏ đi?

– Đâu có dễ. Anh ấy ghen dữ dội. Nhiều lần, anh ấy dọa giết em nếu em bỏ anh ấy. Anh ấy khóa số điện thoại, không muốn cho ai gọi vào với em. Em như người tù.

Anh rùng mình, nhớ lại cảnh Miên Tâm và anh ở với nhau trong căn phòng chỉ cách chỗ anh ta có hai tầng lầu. Nếu anh ta biết được, chắc cả hai không khỏi bị anh ta cho ăn đạn. Nghĩ đến đó, anh nổi da gà. Anh đứng dậy, lồng ngực ngột ngạt, vươn vai, cố hít một hơi dài, nhìn quanh. Nếu anh ta đột nhiên xuất hiện đâu đây, anh chạy đâu cho thoát. Miên Tâm đứng dậy theo, bước đến bên anh. Anh tránh xa, nghiêm nét mặt:

– Đủ rồi. Tôi đưa mẹ con cô về.

Cô ngước mắt nhìn anh:

– Còn sớm mà.

Anh gằn giọng:

– Cô còn muốn đẩy tôi vào tình cảnh kỳ quặc, nguy hiểm như thế này à?

– Cái gì nguy hiểm?

– Chồng cô chứ ai vào đây nữa.

Cô chợt hiểu nỗi sợ hãi của Hưng. Cô nói:

– Anh ấy đi New Hampshire rồi.

– Ai mà biết anh ta ở đâu. Vấn đề là tôi đã chở vợ anh ta đi chơi.

– Em biết chắc. Anh ấy đang ở New Hampshire.

Anh quay đi, không nói gì. Miên Tâm im lặng bước theo, cô nắm tay anh:

– Gió lạnh, Hưng à.

Nàng gọi tên anh, đằm thắm lạ lùng. Anh muốn rút tay ra, nhưng cuối cùng để yên. Anh rùng mình. Cơn gió tốc mạnh về phía anh. Miên Tâm xoay chiếc áo về một hướng, che kín hai người. Lá đổ rào rào chung quanh. Dưới tấm áo, cô ôm vai anh, nép vào ngực anh, nhỏ bé. Hưng nghe hơi thở cô ấm áp một bên. Hai người im lặng bước đi. Công viên chiều vắng ngắt. Mọi người có lẽ ở đâu trong các nhà máy, công sở. Chỉ đôi ba kẻ vô công rỗi nghề, bỏ học như anh, hoặc bỏ chồng như nàng lang thang ở đây.

Đến xe, mở cửa, anh thấy đứa bé vẫn còn nằm yên, ngủ ngon lành. Giờ nhìn nó, anh thấy tội nghiệp. Chẳng biết lớn lên, nó sẽ phải qua những nỗi bất hạnh nào.

Trên đường về, cả hai đều im lặng, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Trả hai mẹ con trước cổng Family Health Center, anh phóng xe rời xa như chạy trốn.

*

Như để bù lại số thì giờ đã phung phí một cách vô ích với Miên Tâm, Hưng lao đầu vào việc học và việc làm. Anh không ân hận, không phiền trách, nhưng cảm thấy như có cái gì hụt hẫng, có cái gì như chợt mấy đi, mất hẳn. Cô ta có lẽ vẫn còn ở tầng bảy, có lẽ hàng ngày vẫn đi vào thang máy, vẫn thỉnh thoảng mặc chiếc áo đỏ, nhưng anh có cảm tưởng như cô đã đi xa, đã rờì bỏ nơi này. Anh mở cửa phòng, bước vào thang máy, chẳng hề ngoái nhìn lui. Cô chỉ còn là một kỷ niệm nhỏ trong đời anh, một vết mực chợt vương trên tờ giấy trắng. Thỉnh thoảng anh tự hỏi có thể nào cô còn gọi điện thoại cho anh? Mấy chữ Việt Nam anh dạy nàng có còn nhớ? Một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua kể từ ngày anh chở mẹ con nàng đi Green Hill.

Một hôm, đúng vào lúc anh không mong chờ gì cả, thì Miên Tâm gọi. Lúc ấy, đã khuya. Đang thiu thiu gần ngủ, anh ngồi bật dậy bắt điện thoại. Tiếng cô hấp tấp:

– Anh vẫn còn đó. Em xuống bây giờ được không?

Anh cương quyết:

– Không. Xin để cho tôi yên. Đừng quấy phá tôi nữa.

Giọng cô gấp rút qua tiếng thở hổn hển:

– Anh ấy đi rồi. Em muốn gặp anh một lần, trước khi … trước khi …

Anh hỏi vội:

– Trước khi gì?

– Trước khi em đi.

Anh giật mình:

– Đi? Đi luôn?

– Vâng, anh Hưng à. Không còn thì giờ nữa, em xuống nhé?

Cô gác máy. Anh bâng khuâng giữ chiếc điện thoại trên tay, chẳng biết có nên mở cửa cho cô ta vào hay không. Nhưng rồi, anh bỏ điện thoại xuống, dứng dậy, bật đèn. Tiếng chân đã nghe loáng thoáng. Anh bước đến cầm nắm cửa, lòng trù trừ không dứt khoát. Gõ cửa. Anh vặn chốt cửa, lòng hồi hộp. Cô lách vào, nhìn anh cười buồn:

– Tưởng anh không mở.

Cô bước đến ngồi trên giường anh. Anh gài cửa cẩn thận, ngồi cạnh bàn, nhìn. Cô mặc “rốp” ngủ màu xanh, hớ hênh, tóc dài xõa đầy hai vai và một phần khuôn mặt nhỏ nhắn. Hai tay cô vòng trước ngực, bất động, buồn bã. Anh muốn nói một câu trách móc, than phiền nào đó, nhưng không được. Một lát, cô ngẩng lên nhìn anh:

– Em đi, trong vài giờ nữa. Chẳng biết có còn gặp lại anh nữa không …

Anh hỏi:

– Chồng em đâu?

Cô bật cười, nụ cười khô, gượng gạo:

– Anh đừng lo, Garcia không có mặt ở đây. Garcia đến hãng lo thu xếp một số công việc gì đó. Em chẳng muốn đem thêm rắc rối đến cho anh đâu. Nhưng …

Giọng cô nghe khác đi:

– Nhưng … em buồn quá. Em sắp xa anh.

Cô nhìn anh chới với:

– Anh đến với em đi …

Hai tay cô dang ra, nước mắt long lanh. Anh bần thần đứng dậy, im lặng bước đến bên cô. Cô víu cổ anh xuống, ôm chặt lấy anh, đầu gục vào ngực anh, nức nở. Nước mắt thấm vào da anh, lành lạnh. Cô ngẩng đầu lên, tay níu hai vai anh:

– Hôn em đi.

Anh chưa kịp phản ứng gì thì cô đã vật anh xuống giường, hôn tới tấp. Cô cắn. Cô rờ rẫm. Hơi thở cô nóng hổi. Anh nghe mùi tóc, mùi nước hoa, mùi da thịt cô tràn trề trên người. Những nụ hôn và những ngón tay. Cô thành thạo. Dữ dội. Cuồng nhiệt. Đắm đuối. Anh đờ đẫn, run rẩy, bàng hoàng, không biết phải làm gì. Tóc nàng rối tung. Cái áo ngủ gần như tuột hẳn xuống. Cô nàng thực quá quắc, anh nghĩ.

Một lát, chừng như thấy anh thụ động quá, cô ngừng lại, hỏi anh qua hơi thở gấp:

– Anh không thích em?

Anh không trả lời, xoay người ôm chặt lấy cô. Cô đưa hai tay giữ lấy đầu anh, thì thào:

– Hưng, em muốn một kỷ niệm Việt Nam. Đừng trách em, tội nghiệp. Em muốn … em muốn … một chút mùi … mùi Việt Nam. Em muốn … enjoy a little taste of Vietnamese … Một chút hương … Việt Nam, một chút … một chút …

Hưng không để cho cô nói nữa. Anh chồm lên người nàng. Như một con thú hoang. Không còn là một Hưng e dè, thận trọng nữa. Không còn Miên Tâm. Không còn Garcia. Không còn trời. Không còn đất. Hai sức trẻ quấn vào nhau như chưa từng. Một lần. Chỉ một lần thôi. Căn phòng rung rinh. Chao đảo. Từng hồi.

Và rồi tất cả lắng xuống. Hai người nằm lặng lẽ nghe hơi thở của nhau.

Chợt nhìn đồng hồ, Miên Tâm ngồi dậy. Cô mặc vội áo quần, kéo anh dậy, hôn nhẹ lên má anh, nói:

– Cảm ơn anh. Em phải về. Bye bye.

Cô bước đi, dứt khoát. Khi đến cửa, cô dừng lại, nhìn lui:

– Em không có gì đáng trách chứ?

Cô mở cửa bước ra. Tiếng chân cô xa dần.

Hưng nhìn xuống thân thể mình, ngẩn ngơ. Và chợt nhớ ra, anh chưa kịp nói gì với Miên Tâm cả.

Trần Doãn Nho

(Trong tập truyện “Vết xước đầu đời”, 1995, tác giả nhuận sắc 2018)

__________________

(*) Ghi chú: H.O: tên chỉ một chương trình định cư dành cho những tù nhân chính trị VNCH sau 4/1975

Văn bản do tác giả gửi cho Văn Việt.

Comments are closed.