Cinéphile tháng 5: "Bi, đừng sợ"

Lê Hồng Lâm

 

Cùng thời điểm này của 14 năm trước (2010), Bi, đừng sợ (Bi, Don’t Be Afraid) là một hiện tượng của truyền thông khi trở thành bộ phim dài đầu tiên của điện ảnh Việt Nam (không tính Trần Anh Hùng vì anh mang quốc tịch Pháp) được chọn tranh giải tại Liên hoan phim Cannes danh giá.

Tại Liên hoan phim năm đó, Bi, đừng sợ đã giành hai giải thưởng tại Tuần lễ phê bình (Critics Week) và được đề cử giải Camera d’Or (Hạng mục mà Phạm Thiên Ân chiến thắng năm ngoái với Bên trong vỏ kén vàng). Thành tích mang tính đột phá đó, cùng với giải FIPRESCI Prize tại Liên hoan phim Venice năm 2009 cho Chơi vơi (Adrift) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (do Phan Đăng Di viết kịch bản) là một minh chứng cho thấy Phan Đăng Di đã "bắt kịp tần số" với dòng phim nghệ thuật của thế giới, được thể hiện qua các bộ phim tranh giải ở Liên hoan phim quốc tế hàng đầu.

Cho dù thời điểm đó Phan Đăng Di đang thuộc biên chế của một hãng phim nhà nước, anh lại là một đạo diễn có cuộc vượt thoát về tư duy điện ảnh để tìm con đường riêng cho mình. Phan Đăng Di tự tìm đến các quỹ điện ảnh quốc tế để tìm nguồn tài chính làm phim thay vì chờ nguồn ngân sách của hãng phim nhà nước. Thành công của Bi, đừng sợ thực sự là một cuộc "cách mạng" nhỏ của điện ảnh Việt Nam thời điểm ấy, truyền cảm hứng cho rất nhiều đạo diễn trẻ theo đuổi con đường điện ảnh độc lập tiếp bước "cánh chim đầu đàn" Phan Đăng Di. Và trong hơn một thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến thêm nhiều cái tên đạo diễn trẻ có phim được chọn tranh giải (và có giải) tại các Liên hoan phim hàng đầu thế giới và châu Á (Cannes, Venice, Berlin, Busan…) như Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Trần Dũng Thanh Huy, Trương Minh Quý… Tôi nghĩ trong hành trang điện ảnh của những đạo diễn kể trên, chắc chắn có rất nhiều cảm hứng được truyền từ người anh cả Phan Đăng Di.

Tôi nhớ lần đầu tiên hẹn gặp Phan Đăng Di để phỏng vấn và viết bài vì anh là nhân vật "Man of the Year" năm đó của lĩnh vực nghệ thuật (của tờ tạp chí mà tôi phụ trách), anh hẹn tôi ở… một quán bia hơi. Một quán bia hơi bình dân của Hà Nội, nằm ở một cái chân dốc hơi tối, nơi mà những người đàn ông thường la cà sau giờ làm với vài ly bia tươi, vài miếng đậu phụ luộc (hoặc tẩm hành) hay đĩa lạc luộc trước khi về nhà.

Đó là một hình ảnh rất điển hình của Hà Nội và nó được đưa vào Bi, đừng sợ cũng rất Hà Nội, nơi chỉ qua vài khung hình đầu tiên, ta cảm nhận được một cái gì đó rất bí bách, rất ngột ngạt của Hà Nội, đặc biệt là những ngày Hè, cho đến khi uống một hợp bia tươi mát lạnh và thấy như được cứu rỗi. Đó cũng là nơi mà nhân vật người bố của Bi (Nguyễn Hà Phong) tìm đến, cùng với tiệm mát xa rẻ tiền – để giải phóng những bí bách ngột ngạt trong cuộc đời anh ta mà không thể nói thành lời. Và hóa ra, không chỉ anh ta, tất cả các thành viên người lớn trong cái gia đình ba thế hệ ấy cũng đều bí bách ngột ngạt (hoặc đau đớn) không thể nói thành lời. Một người mẹ (Nguyễn Kiều Trinh) cố vun vén, chịu đựng để làm vợ, làm mẹ mà không thể tìm thấy sự kết nối từ người chồng thờ ơ. Một người cô (Hoa Thúy) hơi muộn chồng, được mai mối với một anh thầu xây dựng nhưng tất cả hồn vía bị một thằng nhóc học trò mặt sáng như trăng rằm (Huỳnh Anh) hút hồn khi nó một lần nhường ghế trên xe bus. Một người ông (Trần Tiến) mới từ nước ngoài về để dưỡng bệnh trong những ngày chờ chết. Ngoài ra còn có một bà vú giúp việc lâu năm (Mai Châu).

Giữa thế giới của bí bách và ngột ngạt nói không thành lời ấy của người lớn, thằng nhóc sáu tuổi tên Bi (Phan Thanh Minh), nhân vật duy nhất có tên riêng, là một thằng bé hồn nhiên, trong trẻo và đầy hiếu kỳ như lứa tuổi của nó. Nó say mê khám phá thế giới xung quanh giữa những người lớn đầy mệt mỏi và muộn phiền trong thế giới rệu rã của họ.

Bi, đừng sợ với tôi là một "cú nổ" của đạo diễn Phan Đăng Di với điện ảnh. Anh quyết liệt rời bỏ lối làm phim theo kiểu cũ "truyền thống ba hồi", không chú trọng "cốt truyện", phá bỏ "kịch tính"; lối diễn xuất "nhập vai" và những câu thoại sắc sảo truyền thông điệp. Anh dùng ngôn ngữ điện ảnh (qua dàn cảnh, qua những cú máy, qua biểu đạt âm thanh…) để kể câu chuyện về một gia đình Hà Nội rất truyền thống, rất "điển hình" nhưng sự kết nối giữa họ như bị ngăn cách bởi một tảng đá lạnh giá. Đá lạnh trở thành một ẩn dụ tuyệt vời trong phim này, được sự dụng một cách tinh tế và táo bạo nhờ kết nối với bối cảnh (nhà máy làm đá lạnh cạnh nhà Bi, mấy cảnh ở đây quay tuyệt đẹp) và trở thành một hình ảnh xuyên suốt để xoa dịu những chịu đựng ẩn ức bí bách đau đớn của người lớn. Với thằng bé Bi, đó lại là một "thế giới" trong suốt, nơi nó lén đặt vào khay nước quả táo màu đỏ, chiếc lá phong rồi chờ điều kỳ diệu diễn ra khi thấy "tác phẩm" của mình được bao bọc trong suốt bởi đá lạnh.

Phan Đăng Di sử dụng rất nhiều cú máy trung cảnh (medium shot) để kể câu chuyện về một gia đình Hà Nội rệu rã như một lối quan sát gián cách. Một cái nhìn trung dung, không phán xét và để cho hình ảnh kể chuyện. Nhưng phim cũng có những cú máy cận cảnh ấn tượng, như những cú máy đặc tả đôi mắt hay gương mặt thuần khiết của Bi và sự chịu đựng đau đớn của bệnh tật trong những ngày cuối đời của ông nội. Còn những cú máy toàn (establishing shot) lại làm nên chất thơ cho bộ phim, với những cảnh quay bãi giữa sông Hồng, cảnh một "cánh đồng" lau sậy rung rinh trước gió… như một thế giới khác mở ra với rất nhiều niềm vui "nguyên sơ" của con người mà chỉ có bọn trẻ con mới cảm nhận một cách trọn vẹn…

Còn rất nhiều điều thú vị nữa về bộ phim này mà chúng ta sẽ tiếp tục trò chuyện với đạo diễn Phan Đăng Di – khách mời của Cinephile tháng 5 ngay sau buổi chiếu phim Bi, đừng sợ vào tối thứ 6 tuần này (24/5).

Link đăng ký tham dự chương trình tôi để ở phần comment nhé.

Và như thường lệ, "first come, first served".

Lưu ý thêm, phim này dán nhãn "18+", với hai cảnh quay khá nhạy cảm và táo bạo mà tôi chưa từng thấy trên phim ảnh Việt Nam trước đó.

 

clip_image002

Cái poster này đẹp quá. Thằng bé Bi ra chơi ở bãi giữa sông Hồng và khám phá thế giới tự nhiên ở đó. Bên cạnh nó là một thằng nhóc cởi trần – một trong hai "thủ phạm" vặt trộm quả dưa hấu mà thằng Bi bí mật vun vén mỗi ngày, rồi dùng tay đập ra tranh nhau bóc ăn như hai con chuột con – trông đáng yêu không thể tả.

 

clip_image004

Một ẩn ức không thể nói thành lời

 

clip_image006

Vì ánh mắt của chàng thư sinh này mà cô giáo lỡ thì mất luôn hồn vía.

 

clip_image008

Thế giới của Bi chỉ có màu nguyên sơ.

 

clip_image009

Sức sống của tuổi 17 làm cô giáo lỡ thì điêu đứng

 

clip_image011

Một cảnh rất đẹp trong xưởng làm đá lạnh ở Hà Nội, nơi Bi thường qua đây chơi.

 

clip_image013

Rất nhiều khung hình không thoại mà nói được nhiều điều như thế này.

 

clip_image015

Bi ngồi cạnh để quan sát mẹ trang điểm cho ông nội trước giờ khâm liệm.

 

clip_image017

Comments are closed.