Maman – Nhìn vào nghệ thuật của Louise Bourgeois

Nguyễn Man Nhiên

clip_image012

Louise Bourgeois (1911-2010)

 

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Louise Bourgeois (1911-2010) mang tên Maman (tiếng Pháp, có nghĩa là Mẹ), thực hiện lần đầu tiên vào năm 1999 và trưng bày trước sân Bảo tàng quốc gia Canada ở Ottawa, là một trong những dự án nghệ thuật đầy tham vọng nhất trong sự nghiệp lâu dài của nữ nghệ sĩ xuất sắc này.

Đó là một con nhện chân dài khổng lồ cao hơn 9 mét, rộng 10 mét, được làm từ chất liệu thép không gỉ, đồng và đá cẩm thạch. Cơ thể của nhện được treo cao khỏi mặt đất trên đôi chân dài khẳng khiu, giúp người xem có thể đi lại xung quanh và bên dưới nó. Dưới bụng nhện là một túi trứng lấp lánh trong ánh sáng.

Tác phẩm Maman của Louise Bourgeois tạo ra một cái bóng mạnh mẽ về nhận thức và cảm xúc như thể đó là một sinh vật đến từ cơn ác mộng hoặc một đại diện lớn hơn ngoài đời cho nỗi sợ hãi sâu sắc thời thơ ấu. Bourgeois đào sâu vào những ngóc ngách của cảm xúc cá nhân hơn bất kỳ nghệ sĩ nào khác cùng thời với bà. Nghệ thuật của Bourgeois vừa rộng mở vừa rất cá nhân trong việc miêu tả tâm lý, với những đề cập thường xuyên, rõ ràng về quá khứ đau buồn.

Louise Bourgeois mất mẹ khi còn là một thiếu nữ, để lại vết sẹo tình cảm sâu sắc. Bà bộc lộ: "Người bạn thân nhất của tôi là mẹ, và bà là người thận trọng, thông minh, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, hợp lý, xinh xắn, tinh tế, không thể thiếu, gọn gàng và hữu ích như một con nhện. Mẹ cũng có thể tự bảo vệ mình và tôi". Và bức tượng này là cách Bourgeois thể hiện tình cảm đối với mẹ mình. Bà muốn truyền đạt đến người xem hình ảnh của sự nuôi dưỡng, bảo bọc. Dệt và kéo sợi là tất cả những gì mà mẹ bà đã làm trong đời một thợ dệt. Bà cảm thấy con nhện cũng có những đức tính và năng khiếu của một người mẹ, như cần cù, khéo léo, khôn ngoan và bảo vệ người thân.

Thay vì là biểu tượng của sự kinh hoàng, con nhện là đại diện cho sự bảo bọc của tình mẫu tử. Trong khi cẩn thận cất giữ những quả trứng của mình, con nhện không chỉ thể hiện sự bảo vệ mà còn sửa chữa và hàn gắn những cảm xúc sợ hãi, mất mát và bị bỏ rơi. Quy mô của bức tượng thể hiện tầm quan trọng và bản thân cấu trúc là một sức mạnh che chở những điều dễ bị tổn thương.

Mặc dù những hình ảnh về loài nhện đã xuất hiện trong tác phẩm của Louise Bourgeois từ năm 1947, nhưng bà tập trung vào chủ đề này thường xuyên nhất là vào cuối những năm 1990, gần lúc hoàng hôn cuộc đời mình. Bourgeois nói: "Tôi đã thực hiện một loạt tác phẩm điêu khắc nhỏ với gương và ghế. Chúng nói về việc nhìn và được nhìn. Để tiếp tục những khái niệm này trên quy mô lớn là cơ hội mà tôi không thể bỏ qua". Là nghệ sĩ, Bourgeois sống trong nội tâm kỳ lạ và đen tối được ghi nhớ trong thời thơ ấu của mình; cường độ suy ngẫm của bà về tình dục và quyền lực dễ dàng lấp đầy không gian khổng lồ. Maman đã lật ngược nỗi ám ảnh siêu thực về tâm lý đàn ông, tạo ra hình ảnh đầy ám ảnh về tình mẫu tử – một con nhện mang trứng.

Bourgeois đã tạo ra nhiều phiên bản con nhện với kích cỡ và phương tiện khác nhau. Maman là một bức tượng khổng lồ chỉ có thể được dựng lên bên ngoài hoặc bên trong một không gian lớn. Điều quan trọng nhất với Bourgeois về tác phẩm sắp đặt này là sự tương tác của khán giả với nó.

Bức tượng còn có nhiều phiên bản khác đặt tại các thành phố và quốc gia khác nhau ở khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Thụy Sĩ. Ngoài ra, Louise Bourgeois còn thiết kế một số con nhện nhỏ hơn, có tên là Spider, được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Washington D.C., Viện Nghệ thuật Denver, và Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Kemper ở Kansas City (Missouri).

Một phiên bản bằng thép không gỉ với chiều cao 10 mét và nặng 11 tấn, hiện đang trưng bày tại sảnh Turbine Hall rộng lớn của Bảo tàng Tate Modern ở London, Anh nhân dịp khánh thành vào tháng 5 năm 2000. Những cái chân thép xoắn của con nhện khổng lồ Maman, cùng với một chuỗi các tòa tháp tuyệt vời, đã mang lại cho Bảo tàng Tate Modern một dấu ấn hình ảnh quá ấn tượng và khiến nữ nghệ sĩ lão thành gốc Pháp sống ở New York lúc bấy giờ trở thành một cái tên được hâm mộ và tôn kính. Bourgeois nói về công trình này: “Không gian thật đẹp – bất cứ thứ gì được đặt bên trong nó đều có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ.” và "Các tòa tháp nhằm mục đích trải nghiệm. Nếu bạn không trải nghiệm cả ba tòa tháp theo trình tự thì bạn sẽ không nhận được mảnh ghép."

Louise Bourgeois là một minh chứng hữu ích về cách thực hành nghệ thuật để phân tích cảm xúc nội tâm và địa hình tinh thần của một con người. Làm việc trong nhiều phương tiện và chất liệu như điêu khắc, hội họa, phác họa, dệt may…, nghệ thuật của Bourgeois chủ yếu liên quan đến việc mổ xẻ, điều tra và ứng phó với những trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời của chính bà. Các chủ đề tính dục đôi khi u ám và rõ ràng của Bourgeois, cũng như cách bà thể hiện quan điểm nữ tính về mặt áp bức, chủ nghĩa nữ quyền và tình dục, là điều không bình thường đối với các nghệ sĩ nữ vào thời điểm đó.

Vừa là người sáng tạo vừa là người hướng dẫn các nghệ sĩ mới, Bourgeois đạt danh tiếng rộng rãi và kéo dài, nhất là tầm ảnh hưởng của bà với nghệ thuật sắp đặt (installation) và nghệ thuật ý niệm (conceptual art). Tác phẩm của Bourgeois chuyên chở các chủ đề rất gần gũi, bao gồm tiềm thức, thôi thúc tình dục, ghen tuông, lừa dối, khủng bố, lo lắng, cô lập và cơ thể. Những chủ đề này lấy cảm hứng từ những sự việc đau buồn xảy ra trong thời thơ ấu và trưởng thành của Bourgeois, về một người cha vô đạo đức và một người mẹ chu đáo nhưng thụ động, và bà coi nghệ thuật như một phương pháp chữa bệnh hoặc tẩy rửa.

Thông qua việc sử dụng hình tượng thần thoại và nguyên mẫu, Bourgeois đã chuyển những cuộc gặp gỡ của mình thành một hình ảnh mang tính biểu tượng rất cá nhân, sử dụng những thứ như vòng xoáy, loài nhện, chiếc lồng, thiết bị phẫu thuật và các vật thể khác để thể hiện tâm hồn nữ tính, vẻ đẹp và nỗi thống khổ về tinh thần. Bourgeois đã so sánh tác phẩm điêu khắc của mình và bối cảnh trưng bày của nó với “tế bào” – hay những "viên nang hồi ức", vừa lưu giữ ký ức hoặc cảm giác theo thời gian, vừa gợi lên những cảm xúc mà ký ức đó gợi ra.

Maman – người mẹ hiện thân điêu khắc của nỗi sợ hãi, sự dễ bị tổn thương, sức mạnh bảo vệ của nữ tính – là một tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng và đẹp tuyệt vời của một nữ nghệ sĩ vô cùng tài năng.

 

clip_image001

Maman của Louise Bourgeois tại Bảo tàng Quốc gia Canada ở Ottawa

 

clip_image002

Maman của Louise Bourgeois bên ngoài Tate Modern ở London, Anh

 

clip_image004

Maman của Louise Bourgeois tại Bảo tàng Guggenheim Bilbao ở thành phố Basque của Tây Ban Nha

 

clip_image006

Maman của Louise Bourgeois ở Hamburg, Đức

 

clip_image008

Maman của Louise Bourgeois tại Bürkliplatz, Zürich, Thụy Sĩ

 

clip_image009

Maman của Louise Bourgeois trưng bày trong sân Bảo tàng Nghệ thuật Leeum Art Museum ở Seoul, Hàn Quốc

 

clip_image011

Maman của Louise Bourgeois tại Roppongi Hills, Tokyo, Nhật Bản

 

clip_image013

Maman (chi tiết)

clip_image015

Maman (1999) của Louise Bourgeois trưng bày tại Bảo tàng Long ở Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2019

Comments are closed.