Nói chuyện Đọc và Viết & Cái sống, Thân Phận, Hiệu Ứng của Chữ

Bùi Vĩnh Phúc

clip_image002

Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc

.1.

Cuốn sách 9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương (viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, và Tô Thuỳ Yên) của tôi vừa được nhà xuất bản Văn Học phát hành. Qua việc viết và cho phổ biến cuốn sách, tôi đã nhận được nhiều hồi ứng từ giới thưởng ngoạn, và cảm nhận được những tình cảm đẹp đẽ của những người đọc sách, trong đó có những người cầm bút và những bạn văn. Tôi xin được, qua bài viết này, gửi lời cám ơn chung đến tất cả.

Người cầm bút ngồi và viết một mình. Người ấy ngồi và viết ra những điều mình suy nghĩ, ôm ấp. Nhưng cái viết của tác giả, sự hoàn tất một cuốn sách, không chấm dứt với những chữ viết cuối cùng của hắn trên văn bản. Đúng, lúc ấy, nó chỉ là một văn bản. Độc giả sẽ là người thực hiện bước tiếp nối. Biến nó thành một tác phẩm, nếu nó xứng đáng. Được đọc, và được cảm nhận. Và có thể được nhớ.

Viết và đọc. Những bước đi ấy tạo nên đời sống văn học, văn chương, tạo nên cái sống của chữ. Không có cái viết và cái đọc, chữ nghĩa (rồi văn chương, nếu có) sẽ nằm trong bóng tối. Bóng tối của những tư tưởng, những nghĩ suy âm thầm, với những chữ có lẽ luôn xao động trong đầu trong tim một người, trong đầu trong tim những người cầm bút, nhưng ở một giác độ và một bình diện nào đó, chúng vẫn bất động. Cái viết và cái đọc làm cho nó, chữ viết, và cùng với nó là tư tưởng, xương thịt và hồn vía của chữ, được phả vào hơi thở của sự sống.

Tự thân cuốn sách của mình, tôi nghĩ, có thể không có ý nghĩa gì. Dù sao, tôi may mắn có được sự đồng cảm, chia sẻ và quý mến của người đọc, trong đó có nhiều bạn văn. Những người ấy đã đưa ý kiến, nhận xét và một số câu hỏi liên quan đến quyển sách, đến hướng viết và cái viết, cũng như một vài suy nghĩ của tôi liên quan đến chữ, đến việc đọc và việc viết, đến quan điểm sáng tác, đến phong cách, đến ngôn ngữ nói chung.

Tôi xin phép chia sẻ ở đây một vài câu hỏi như thế. [1] Và những suy nghĩ của tôi về những câu hỏi ấy. Những câu hỏi có thể phần nào mang tính riêng tư về mặt thao tác văn học đối với một tác giả, nhưng cũng có thể mang tính tổng quát để đi đến một sự sẻ chia suy nghĩ, kinh nghiệm. Những câu hỏi có ý nghĩa cho một người viết. Mở rộng ra, chúng cũng có thể có ý nghĩa, ở một số khía cạnh nào đó, đối với những người đọc. Chúng cho thấy cái viết không xuất hiện từ chỗ của cái không, và nó cũng không dừng lại ở chỗ của cái không. Nó tạo sự chuyển động và nối kết. Nó tạo một đường “link”. Như những cái “link” mà chúng ta có thể tìm thấy trong những văn bản hypertext của thời đại bây giờ. Tôi mong những cái “link” này mở chúng ta ra, và giữ chúng ta lại trong vòng tay ấm áp và thân ái của chúng. Và của chữ.

.2.

Thưa anh, với việc viết và cho phổ biến cuốn sách 9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương, hiện đang được sự quan tâm rộng rãi của giới thưởng ngoạn, anh muốn chia sẻ với người đọc Việt ở khắp nơi điều gì? Niềm đam mê và thiết tha nào đã dẫn anh đi tới việc hoàn thành công trình này?

Xin được cám ơn người hỏi và các độc giả. Điều muốn chia sẻ về quyển sách thì tôi đã, phần nào, trình bày trong phần Lời Vào Sách. Có lẽ cũng không nên nói thêm. Tôi chỉ xin phép ghi lại ở đây một vài điều đã viết: “Tác giả chỉ hy vọng, qua chín khuôn mặt và phong khí được trình bày, giới thiệu, phê bình và nhận định trong cuốn sách này, có thể làm ánh lên đâu đó cái đẹp, cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu, sinh động của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.

Khởi đi và được nuôi dưỡng trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt, rồi tiếp tục bừng nở, mang trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở của thời đại, cùng với mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội tâm hay ngoài Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt được giới thiệu ở đây đã tiếp tục làm lớn mạnh tiếng nói và tâm hồn dân tộc […] Rồi, mở rộng ra, họ đã hoà lưu vào những thuỷ lưu lớn của thời đại, của thế giới, của văn chương con người.”

Tôi tin là chữ viết và văn chương của những nhà văn, nhà thơ này là một minh chứng đẹp đẽ cho nền văn học Việt, bất kể thời gian, không gian, tâm cảm và hoàn cảnh sáng tác của họ.

Còn niềm đam mê và thiết tha nào ư? Tôi yêu văn chương, chữ nghĩa từ khi còn nhỏ. Lớn lên, dù đã có cơ hội tiếp cận, học hỏi, nghiền ngẫm cái viết, bút pháp, phong cách của bao nhiêu nhà văn, nhà thơ và những con người sáng tạo khác, viết từ những vùng văn hoá, thổ ngơi khác biệt trên thế giới, cái tiếng nói và chữ viết Việt vẫn luôn làm cho tôi rung động và hạnh phúc. Tôi viết về họ cũng có nghĩa là tôi viết về niềm hạnh phúc của mình. Viết về tâm hồn mình. Điều đó, một cách giản dị, cũng là sống. Ý thức về sự sống mình. Và cũng là một cách cám ơn của tôi đối với các nhà văn, nhà thơ Việt, nói riêng, và đối với đất nước, văn chương chữ nghĩa Việt nói chung.

Và, để nhắc lại, “Đời sống văn học, cũng như tâm hồn con người – đặc biệt, ở đây, tâm hồn người đọc –  […] là một thế giới kỳ diệu, đặc thù, và đầy ánh sắc, gam mầu, đầy hợp âm, xao động. Tôi mong cuốn sách này […] có thể cho người đọc thấy được, ở những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách và khí chất của những con người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người đọc có thể thấy hay cảm nhận được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một vùng trời đất hoa cỏ quê hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người, nói chung. Cái cõi sống ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng đến. Trong đó, tất cả – người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết và cái được đọc – đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau.”

Thưa anh, trong việc viết phê bình văn học, anh có đặc biệt thích thú một hướng phân tích hay một phong cách phê bình, nhận định nào hay không?

Phê bình có thể có nhiều hướng, nhiều phong cách. Riêng tôi, tôi quý cái viết của nhà phê bình Gaston Bachelard (1884-1962). Ông là một người được thế giới biết đến như một triết gia, một nhà duy lý dấn thân, một người được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực khoa học, và đã có những công trình quan trọng trong lĩnh vực này.

Ngoài việc được xem là một nhà khoa học, Bachelard cũng được đánh giá là một nhà phê bình văn học kiệt xuất. Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt trong quyển L’Eau et les Rêves (Nước và Những Giấc Mơ), và, trước đó, trong quyển La Psychanalyse du Feu (Phân Tâm Học về Lửa), Bachelard đã dùng tinh thần khoa học pha với một ngôn ngữ nhiều chất thơ, tạo nên một thứ thi pháp kết hợp với những suy tưởng, phân tích hiện tượng luận, để đặt thi ca và văn chương trong một quan hệ tốt đẹp và nhiều thành tựu với khoa học về tâm lý.

Khuôn mặt trong gia tài khoa học/văn học của Bachelard mang dấu ấn của một nhận thức luận và một thi pháp học đặc thù, đã cho thấy triết lý, tư duy nơi ông là một tư duy kép, gồm cả tư duy khoa học và tư duy thi ca. Ông cho thấy dù đó là hai mảng có vẻ đối chọi nhau, con người không thể tư duy mặt này mà thiếu mặt kia. AnimusAnima. Trong tác phẩm La Poétique de la Reverie (Thi pháp của mơ mộng), Bachelard đã đối lập animus, gắn bó với tinh thần khoa học, tượng trưng bằng lý trí, với anima, gắn bó với mơ mộng và tưởng tượng.

Cũng thế đối với Maurice Blanchot, một nhà phê bình kiệt xuất khác của Pháp. Trong tác phẩm L’Ecriture du Désastre (Writing the Disaster, 1980), một tác phẩm chứa đựng những suy tư mang tính triết học sâu sắc, thể hiện qua một lối viết được giới phê bình gọi là “prose fragments”, người ta cũng có thể đọc được những đoạn văn đầy thơ mộng của Blanchot.

Tôi thích hướng phê bình và cái viết của cả Bachelard và Blanchot. Dĩ nhiên, còn có những người khác nữa. Có thể tạm kể như Mikhail Bakhtin, Roland Barthes, Roman Jakobson, Claude Lévi-Strauss, Jean Pierre Richard, Pierre Macherey, Charles Mauron, Normand Holland, Jean Starobinski, v.v. Mỗi người viết như thế là một ánh sao, mà cái ánh sáng họ để lại còn làm cho chúng ta, những người đọc, nhìn ngắm, theo đuổi.

Có những người nhận xét là văn phê bình của anh rất đẹp, có những chỗ giống như tuỳ bút, hay giống như thơ. Đó là một lời khen. Dù sao, anh có ngại người đọc như thế có thể nghĩ rằng anh đã đi xa khỏi cái cách mà phê bình nên có? Đọc kỹ, tôi thấy ngoài những đoạn đẹp như thơ và tuỳ bút, như đã được nhiều người ghi nhận, phê bình của anh lại cũng đầy tính lý luận, khoa học, những chuỗi lý giải sắc nét, chặt chẽ, nhiều khi mang màu sắc triết lý. Và anh cũng áp dụng những kiến thức, hiểu biết đặc biệt của anh về ngôn ngữ học, và một số những lãnh vực khác, để soi chiếu, phân tích các tác phẩm văn học. Những cái nhìn này đều có cái lý của chúng. Tôi thích những nhận định và những tham luận của các diễn giả trong buổi Ra Mắt Sách của anh. Như một nhà phê bình, quan điểm của anh trong việc viết, nói chung, và phê bình, nói riêng, là như thế nào?

Lại xin phép để trở lại một chút với Bachelard.

Mới chỉ đọc những dòng phê bình đẹp, nhiều chất thơ, có thể gần gũi với “tùy bút” của Bachelard (và, mở rộng ra, của cả Maurice Blanchot, hay của Wittgenstein, v.v.), người ta không nên vội nhận định về chữ viết, lối viết, hay tư tưởng của họ (vốn là những nhà phê bình hay triết gia) là đã đi xa khỏi phong cách cần thiết nên có của phê bình, của triết luận, từ đó, đưa đến một phán đoán, nhận định sai về mặt giá trị. Bởi, nói như Nabokov, “Tiếng đập của một con sóng không thể giải thích toàn bộ biển cả.” (“The breaking of a wave cannot explain the whole sea.”)

Dominique Lecourt, trong quyển Le Jour et la Nuit (Ngày và Đêm), viết về tác phẩm của Bachelard, đã cho thấy sự quan trọng trong tư duy kép của nhà phê bình này. Tư duy của ông kết hợp phần luận giải khoa học chặt chẽ, với một ý thức đầy sự thức tỉnh chói sáng, và một tưởng tượng thi ca thơ mộng và bay bổng, đầy chất thơ. Ngày và Đêm. Thế giới, đặc biệt là thế giới phê bình, cũng dường như cho rằng chính là phần “ban đêm” này của Bachelard đã khiến ông tạo được ảnh hưởng lâu dài trong phê bình và sự sùng mộ, yêu mến của người đọc.

Colette Gaudin, tác giả của Gaston Bachelard / On Poetic Imagination and Reverie, cho rằng phê bình về thơ của Bachelard là một thứ “thơ về thơ”. Đó là một lời khen trân trọng. Và chính là Bachelard, với cách viết ấy, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm với những phân tích mang dấu ấn của một thứ “triết học mềm mại” mà người đọc còn mãi ghi nhớ. [2]

Trong phê bình văn học của mình, tôi cũng không thật thích, đúng hơn là không thiên về, lối viết có tính “truyền thống”, “tuyến tính”, và có thể, nếu không khéo, đi đến chỗ khá khô khan, là chỉ chăm chăm chú chú tìm cách săm soi những chuyện đúng hay sai, hay hoặc dở. Xin lưu ý: những từ “truyền thống” và “tuyến tính”, ở đây, tôi để trong ngoặc kép. Chúng có những nét nghĩa rất rộng, cả tích cực lẫn tiêu cực, và cả ở “ta” cũng như ở “tây” (“tây”, hiểu theo nghĩa Tây phương, Âu Mỹ nói chung). Từ cổ điển cho đến (phần nào) hiện đại. Nếu ta theo dõi lịch sử phê bình của Âu châu và Mỹ, và đặc biệt của Việt Nam, tạm kể từ thời Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Thiếu Sơn, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, v.v., đến nay, ta đều thấy ít nhiều những nét mà tôi tạm gọi là “truyền thống” và “tuyến tính” này. Nổi bật đậm nhất là ở Vũ Ngọc Phan, người được định danh là “nhà phê bình văn học theo nguyên tắc khen chê” (theo nhà nghiên cứu và phê bình văn học Trần Đình Sử, và, theo tôi, lối định danh này, qua bài viết của Trần Đình Sử về Vũ Ngọc Phan, không nhất thiết phải là tiêu cực. Nó bao gồm cả mặt mạnh lẫn mặt yếu của Vũ Ngọc Phan. Và mặt tích cực cũng nhiều.). Tuy nhiên, ngay cả những người đi theo hướng này, họ cũng có cả những điểm mạnh lẫn những điểm yếu, và ta cũng phải để ý đến phong cách, lối lập luận và, đặc biệt, giọng điệu của mỗi người. Cái hay hoặc dở, duyên dáng hoặc thô cứng, mạnh hay yếu, lôi cuốn hoặc khô khan, của mỗi nhà phê bình, theo tôi, chính yếu nằm ở những chỗ ấy. Nhưng, ở ta, không phải chỉ có những nhà phê bình đi theo hướng vừa nói; còn có những nhà phê bình khác nữa. Những nhà phê bình rất đáng quý. Mặc cho một số giới hạn mà họ có thể có, về mặt này hay mặt khác.

Trở lại chuyện “khen, chê”, và đặc biệt chuyện “hay, dở”, “đúng, sai”. Dĩ nhiên, có những lúc ta cũng phải đưa ra những nhận xét về những điều ấy, và đó cũng là điều cần thiết hoặc nên làm, phải làm, trong phê bình khi cần. Dù sao, tôi không nhất thiết phải xem chuyện ấy là chuyện hàng đầu. Có những cái khác, với tôi, còn xứng đáng để phê bình quan tâm đến hơn: đó là việc tìm ra cái sáng tạo, cái đẹp, cái chói sáng, hay cái khuất lấp của tác phẩm (cho dù khi thực hiện những “thao tác” này, nhiều phần, ta cũng có thể đi vào, ở một mức độ hay phong cách nào đó, việc “khen, chê”, hay nhận xét “hay, dở”, “đúng, sai”, một cách minh nhiên hay không minh nhiên. Vấn đề, với tôi, là không nhất thiết phải làm những điều ấy với thái độ, cung cách “chỉ chăm chăm chú chú tìm cách săm soi”). Phải đưa được cái sáng tạo, cái đẹp, cái chói sáng, hay cái khuất lấp của tác phẩm ra. Và tôi quan niệm, đã viết thì phải có văn. Dù ta viết ở thể loại nào hay nói về đề tài gì.

Về cái viết như thơ, hay như tuỳ bút, tôi cám ơn những người đã nhìn thấy cái viết đó nơi tôi. Và quý mến nó. Đó là những thu hút, những đồng cảm về mặt mỹ học giữa người đọc và người viết. Được chia sẻ và yêu quý như vậy là một hạnh phúc. Và tôi cũng xin cám ơn những người khác, những người đã chỉ ra là, ngoài chất thơ của văn học, họ cũng nhìn ra ở tôi một số những điều khác nữa, làm nên cái chất phê bình của cuốn sách và của tác giả.

Trong phê bình, tôi thường kết hợp những hướng nhìn, hướng phân tích, hay những lý thuyết văn học khác nhau, để tiếp cận đề tài hay đối tượng phê bình của mình. Tôi cũng thường xuyên áp dụng những phân tích về mặt ngôn ngữ để khảo sát, trình bày hoặc đưa ra những lý giải, luận giải cho những nhận định, phê bình mà tôi đưa ra. Tôi thích đi sâu vào các từ, ngữ, cũng như các hình ảnh, ý nghĩa về mặt từ pháp, ngữ pháp, cú pháp và những gì nằm sâu dưới bề mặt văn bản. Đối với tôi, đó là một cái thú của phê bình, của đọc. Nói theo Roland Barthes thì đó là “le plaisir du texte/the pleasure of the text”, cái “khoái cảm của văn bản”. Đó là tìm ra, nhìn ra, hoặc trình hiện, khai lộ, những cái mà chính tác giả cũng không thấy, không nhận thức được. Bởi lẽ, khi viết tác phẩm của mình, các tác giả không phải chỉ viết với sự tham dự của ý thức mình mà thôi; mà họ còn viết với cả vô thức và tiềm thức của họ nữa. Mà những điều “đi ra” từ vô thức và/hay tiềm thức như thế, nhiều phần là tác giả không thể biết hay không thể kiểm soát được.

Tôi vẫn thích câu nói của nhà lý thuyết nổi tiếng về thông diễn học (hermeneutics) Wilhelm Dilthey: “Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản là để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình”. (“The ultimate goal of the hermeneutic process is to understand an author better than he understood himself.”).

Tôi rất quan tâm đến cách anh dùng ngôn ngữ để đi vào và phân tích các tác phẩm. Gần như trong bất kỳ một bài phê bình nào của anh, người ta cũng có thể tìm thấy những phân tích lý thú, hay những đường nét, dấu vết của sự phân tích ấy, cho dù giọng văn và hơi văn của anh, như được nhận xét, nhiều chỗ lại đầy chất thơ. Những phân tích ngôn ngữ của anh mang tính lý luận cao với lối viết và ngôn ngữ cần thiết của nó. Chúng mở ra nhiều chiêu thức, đầy nét sáng tạo, có những khi mang nặng tính chuyên môn, như những phân tích về ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ âm, hay âm vị học, nhưng anh vẫn làm cho chúng có được sự cuốn hút một cách đầy thích thú. Cái nhìn của anh về ngôn ngữ là như thế nào? Và ở đâu ra cái khả năng nắm bắt và lý luận, phân tích về ngôn ngữ ấy của anh?

Tôi nhìn ngôn ngữ, nói chung, và ngôn ngữ văn học nói riêng, là chất liệu của tất cả các loại văn bản, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Người nhạc sĩ dùng âm thanh, dùng các nốt nhạc để xây dựng tác phẩm của mình. Người hoạ sĩ dùng màu sắc và các đường nét. Người viết chữ, nói chung, và các nhà văn nhà thơ nói riêng, dùng ngôn ngữ. Các từ ngữ là vật liệu, là của cải của họ. Trong sự giao tiếp hằng ngày, từ ngữ thường là cái dùng xong rồi bỏ, cái disposable. Nó là cái vật dụng ta dùng để thực hiện một việc gì đấy, mà cái cần đạt tới là chính; cái dùng để đạt được điều ấy, là từ ngữ, thì không cần thiết để giữ lại. Nó thừa mứa. Lúc nào cũng sẵn có để dùng, khiến ta không thấy nó là quý.

Người làm thơ, viết văn thì khác. Từ ngữ là ngọc quý. Nó được trân trọng khi ta sử dụng nó, cũng như khi ta đã dùng xong nó, để xây dựng nên tác phẩm. Từ ngữ được đãi lọc, sao tẩm, chưng cất, cẩn chạm, sao cho nó đạt được cái hiệu quả tối đa, tối hậu của chữ. Nó là cái được sử dụng để tạo hiệu ứng, để làm cho nhớ. Để, sau khi dùng rồi, nó vẫn còn lấp lánh, toả sắc. Cái ánh sắc làm cho người ta rung động, hạnh phúc, buồn đau, hay kinh khiếp. Như Đỗ Phủ nói, trong bài “Giang thượng trị thuỷ như hải thế liêu đoản thuật”, Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu. Chữ mà không làm cho người kinh động, thán phục thì đến chết cũng không yên, không thôi trăn trở, sửa chữa. Từ ngữ, chữ nghĩa, với họ, là cái để dùng, và để lại cho đời. Chữ ở lại. Và người viết chữ cũng ở lại.

Ý thức được cái quan trọng và quý giá của từ ngữ như thế, tôi luôn quan tâm đến chữ. Và khi đi vào tác phẩm, tôi muốn tìm kiếm xem tác giả đã dùng chữ như thế nào. Cách hành từ, hành văn, chấm câu, tạo những mối liên kết giữa các chữ, biến chúng thành ý nghĩ, tư tưởng, hình ảnh và cảm xúc. Trong sự tìm hiểu, phân tích thơ của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Bùi Giáng, hay đối với bất cứ một tài thơ nào, tôi muốn tìm ra cái lý ẩn sau một chữ dùng, cái lý của một âm được đặt để trong một quần thể chữ. Để xem chúng đã tạo được những hiệu ứng như thế nào. Chẳng hạn, để khảo sát một câu thơ của Bùi Giáng, của Thanh Tâm Tuyền, hay của Tô Thuỳ Yên, ta có thể đi vào phần nhịp điệu, ý nghĩa, bóc mở từ ngữ, câu chữ để phát hiện những cái nét đặc thù của chất liệu ngôn ngữ mà nhà thơ đã dùng trên các mặt từ pháp, từ nguyên, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, từ vụ học, ngữ âm học, âm vị học, v.v.

Những câu thơ hay của các thi sĩ, nhiều khi, đọc qua, ta thấy thích, nhưng không thật sự thấy rõ cái đặc sắc của chúng là từ đâu ra. Nhưng nếu cất công phân tích, mở cái cửa của thơ ra, ta có thể thấy chúng là những cấu trúc rất đẹp và rất hoàn chỉnh. Cấu trúc này, có thể thi sĩ không cố tìm cách sắp xếp như những phương trình toán học hay như một tòa kiến trúc với những dụng công tỉ mỉ. Thi sĩ thở ra thơ. Trong vô thức, trong tiềm thức, thi sĩ luôn sống với giấc mơ của mình; bởi thế, khi thở ra, thơ đã là một chỉnh thể vừa có tính thơ mộng của thi ca, vừa chứa đựng trong nó tất cả những yếu tố ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ khí và ngữ ý cần thiết để diễn tả tâm ý mình.

Nói thế, nhưng để có được một câu thơ hay, thi sĩ, dù nhiều khi làm việc với vô thức và/hay tiềm thức mình, thường cũng phải “thậm” công phu với ý thức trong khi sáng tạo. Để có thể diễn được một tư tưởng, hay một hình ảnh, mang tính sáng tạo, gây ấn tượng nơi người đọc, làm họ yêu thích và nhớ mãi, người cầm bút thường phải có một số nỗ lực nào đó. Những nỗ lực ấy được bồi đắp mỗi ngày, mỗi lúc, tạo nên một thứ “công phu” mà người ngoài, người đọc, khó nhìn thấy rõ. Và ta tưởng rằng việc viết chữ là dễ. Thật sự, không hề như thế. Để đạt được cái tưởng như dễ dàng, khinh khoái trong việc viết chữ, cần có một sự “thậm công phu”. Nếu không nói là “tử công phu”.

Ta đang nói về thơ. Nhưng khi đi vào văn, người đọc, với nỗ lực và sự nhạy bén của mình, cũng có thể mở ra những cửa ngõ để thấy được những cấu trúc ngôn ngữ, hình tượng rất đẹp và hoàn chỉnh như vậy. Và, dĩ nhiên, người ta cũng có thể tìm vào/tìm ra cái hay, cái đẹp của văn chương, chữ nghĩa, qua những cánh cửa khác.

Tôi thích tìm cách mở những cửa ngõ của chữ có lẽ là vì yêu chữ, yêu mê đọc sách từ nhỏ. Vì thấy được những trăng sao, trời biển, sông núi, đất đai, cảnh sắc đã được mở ra cho mình từ những chữ và nghĩa. Chỉ có yêu chữ, hạnh phúc với chữ, khổ đau và rung động với chữ, ta mới thấy được những nét, những vẻ, và màu sắc, âm thanh, hương vị của từ ngữ. Tôi thích làm điều ấy, trước hết, vì những điều vừa nói. Nhưng có lẽ cũng vì nhờ được đào luyện trong ngành ngôn ngữ, đủ để biết được một số cánh cửa giúp ta đi vào cái khu rừng lúc thì mịt mù sương móc, khi lại lung linh cái ánh sáng lạ lùng. Nhưng tôi nghĩ là người ta/chúng ta phải đọc, và học hỏi suốt đời, nếu muốn bước vào ngôi đền thâm nghiêm ấy của chữ. Không có cách thế nào khác.

.3.

Khi còn nằm trong vòng tay của tác giả, chịu sự kiểm soát và chăm sóc của người viết, chữ nghĩa có cái “thân phận” của nó. Cái “thân phận” được ôm ấp, chắt chiu, hay bị bỏ mặc, thả hoang, phóng túng. Nhưng khi nó đã nằm trong, và trở nên, một quyển sách, chữ nghĩa có một đời sống khác. Nó đi vào cuộc đời, và nó thuộc về người đọc.

Người đọc sẽ quyết định cuộc sống của sách. Của chữ.

Và chữ, cùng với xương thịt và hồn vía của nó, trở nên có một thân phận riêng. Tất cả chúng ta, như những người đọc, đều liên đới chia sẻ cái sống của chữ, của từng quyển sách. Sự trôi qua của thời gian, cũng là của chữ, như thế, gắn kết với niềm yêu, nỗi nhớ, cái thương cái ghét, cái buồn đau xót xa hạnh phúc của tất cả những con người sờ, chạm, nhìn ngắm và chia sẻ cái sống của chữ với cái sống của mình.

Hiệu ứng của chữ, thân phận của chữ là thế. Không thể khác.

Bùi Vĩnh Phúc

Tháng 4, 2024

__________________________________

[1] Những câu hỏi trong phần 2 của bài này đến từ những độc giả và bạn văn đã có dịp đọc sách 9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương của tôi (nói riêng, và các tiểu luận văn học tôi cho phổ biến từ nhiều năm nay nói chung). Họ đã chia sẻ với tác giả qua một số phương tiện, cách thế, và trong những hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây. Những ý nghĩ, câu hỏi, quan tâm ấy được sắp xếp, kết hợp để làm nên những câu hỏi trong phần 2 này của bài. Những hồi ứng đó của người đọc là một điều quý cho một người viết. Ở đây, tôi đặc biệt cám ơn sự chia sẻ của Đặng Thơ Thơ và Đinh Từ Bích Thúy, cũng là những người viết và người đọc. Và cả những bạn viết và bạn đọc khác nữa.

[2] Một phần viết về Bachelard và Blanchot, đặc biệt là về Bachelard, trong bài này, tôi mạn phép lấy lại từ bài tôi viết năm 2017, “Đọc, giữa những ánh xạ của phê bình” (phần I & II). Trong bài ấy, tôi đã có dịp nói về hai nhà phê bình này (đặc biệt Bachelard còn là một nhà khoa học, đã có những công trình quan trọng trong lĩnh vực này, và ông cũng được xem là một triết gia), một cách chi tiết hơn, với những dẫn chứng sâu hơn và tỉ mỉ hơn. Xin được miễn trình bày quá chi tiết ở đây, trong bài này, vốn được viết với một tâm thế khác, và với một chủ hướng khác. Về viết và đọc, và về cái sống, thân phận, hiệu ứng của chữ.

Comments are closed.