Cái chết của nhà thơ Nga vĩ đại nhất thế kỷ XX

Dương Thắng

Cuốn sách cuối cùng của Linda Lê De personne je ne fus le contemporain [Ta không là người cùng thời với ai cả] (2022) được viết ra để tưởng niệm hai nhân vật lịch sử lỗi lạc: Hồ Chí Minh và Osip Mandelstam. Bên cạnh cái tên Hồ Chí Minh rất quen thuộc với những người Việt Nam thì cái tên Osip Mandelstam lại khá là xa lạ. Vậy Osip Mandelstam là ai?

*****

image

 

Ossip Mandelstam (1891-1938) sinh ra và lớn lên ở Saint Petersburg, nơi ông theo học tại trường Tenishev danh tiếng, trước khi theo học tại các trường đại học Saint Petersburg, Heidelberg và Sorbonne. Vào năm 1910 Mandelstam lần đầu xuất bản các bài thơ của mình trên Apollyon, một tạp chí văn nghệ tiền phong, sau đó hợp tác với Anna Akhmatova và Nicholas Gumilev để thành lập nhóm Acmeist, nhóm các nhà văn ủng hộ tính thẩm mỹ của sự mô tả chính xác và hình thức thi ca như những tác phẩm được chạm khắc tinh tế.

Trong Cách mạng Nga, Mandelstam rời Saint Petersburg đến Crimea và Georgia, rồi quay về định cư ở Moscow vào năm 1922, nơi tập thơ thứ hai của ông, Tristia, xuất hiện. Không được chính quyền Liên Xô ưa chuộng, Mandelstam ngày càng gặp khó khăn trong việc xuất bản thơ của mình, mặc dù một ấn bản thơ của ông đã được xuất bản vào năm 1928. Năm 1934, sau khi đọc một bài thơ công kích Stalin cho bạn bè nghe, Mandelstam bị bắt và bị đày đi lưu vong. Ông viết một cách điên cuồng trong những năm này và vợ ông, Nadezhda, đã ghi nhớ tác phẩm của ông đề phòng trường hợp sổ ghi chép của ông bị phá hủy hoặc bị thất lạc.

*****

Vào tháng 10 năm 1938, Osip Mandelstam gửi bức thư cuối cùng cho anh trai Alexander. Nhà thơ bị giam trong một trại giam trung chuyển gần ga Vtoraya Rechka – thuộc Vladivostok ngày nay – và ông dường như cảm nhận được những ngày cuối cùng của mình đã gần kề: “Sức khỏe của em rất kém, kiệt sức và gầy gò, em gần như không thể nhận ra chính mình, nhưng em không biết có được phép nhận quần áo, thực phẩm và tiền bạc hay không. Nhưng anh cứ thử đi. Em rất lạnh bởi không có quần áo đủ ấm để mặc”.

Ngay từ những ngày đầu của chế độ Bolshevik, Mandelstam đã sống với niềm tin chắc chắn rằng sớm hay muộn ông cũng sẽ bị tống giam – ít nhất là vậy. Ông luôn chống đối quyết liệt nền văn học chính thống thời đó, luôn viết thơ với một sự tự do phi thường. Ông ghét sự bắt chước, thái độ xu nịnh và cơ chế kiểm duyệt và không bao giờ cố gắng tỏ ra mình trung thành với chế độ, mặc dù điều đó có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của vợ chồng ông. Đối với Mandelstam, việc thỏa hiệp niềm tin của mình theo cách này đơn giản là không thể chấp nhận được.

Vào tháng 11 năm 1933, Mandelstam đã phát động một cuộc tấn công gay gắt vào chính cá nhân Stalin thông qua một bài thơ mà ông ta đọc trực tiếp cho một số bạn bè nghe và chưa bao giờ viết ra giấy: “Những ngón tay cồng kềnh của ông ta béo như giun. / Lời nói của ông chắc như chì. / Giống như những con gián, bộ ria mép của ông ấy dài ra khi cười. / Và lấp lánh trêu chọc, đôi bốt bóng loáng của ông ta”. Nhà văn Boris Pasternak là một trong những người bạn được Mandelstam chọn để đọc cho nghe những dòng này. Khi nhà thơ đọc xong, Pasternak nói ngay: “Những gì bạn vừa đọc… nó không phải là thơ, đó là một vụ tự sát… Hãy nhớ rằng bạn chưa đọc nó cho tôi, tôi chưa nghe nó và tôi xin bạn đừng đọc nó cho bất cứ ai”. Lời khuyên này bị bỏ ngoài tai và Mandelstam bị bắt lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1934.

Tin tức về vụ bắt giữ đã gây lo ngại cho một số nhà văn nổi tiếng, trong đó có Pasternak, người đã trực tiếp nhận được một cuộc điện thoại từ chính Stalin, “Anh ta có phải là bạn của anh phải không?” nhà lãnh đạo tối cao của Đảng hỏi, ám chỉ tới Mandelstam. Pasternak bối rối và không biết phải phản ứng thế nào. “Nhưng anh ta là một bậc thầy phải không? Anh ta có phải là một bậc thầy về nghệ thuật của mình không?”, Stalin nhấn mạnh. Ngắc ngứ mãi cuối cùng Pasternak cũng đáp lại Staline: “Chuyện này chả quan trọng gì, mà tại sao chúng ta lại nói về Mandelstam và chỉ Mandelstam? Tôi đã muốn gặp ông từ lâu và nói chuyện nghiêm túc”.

"Về chuyện gì? “ Stalin hỏi.

“Về sự sống và cái chết,” Pasternak trả lời.

Stalin dập máy mà không trả lời.

Rõ ràng, Pasternak quá sợ hãi trước cuộc điện thoại của Stalin đến nỗi không thể thỉnh cầu ông ta một chút ân huệ cho bạn mình. Tuy nhiên, Nikolai Bukharin, một người Bolshevik già đã đứng ra bảo vệ nhà thơ và chính nhờ ảnh hưởng của ông mà những khắc nghiệt của bản án của Mandelstam được giảm bớt đáng kể.

 

image

Osip Mandelstam sau khi bị bắt

 

Mandelstam bị đày cùng vợ tới Cherdyn. Nhà thơ bị chấn động tinh thần dữ dội sau khi bị thẩm vấn và giam cầm nên sau đó phải nhập viện. Tại bệnh viện ông đã cố gắng kết liễu cuộc đời mình bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ. Sau nỗ lực tự sát này, bản án của ông được giảm xuống còn ba năm lưu đày ở Voronezh, và đã kết thúc vào năm 1937 khi ông trở lại Moscow lần cuối.

Khi Bukharin bị bắt và hành quyết vào mùa xuân năm 1938, Mandelstam mất đi người bảo trợ cuối cùng trong số các quan chức cấp cao của Đảng. Ngay sau đó, Stavsky, Tổng Thư ký Hội Nhà văn, đã mời ông đến nghỉ dưỡng tại một khu nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe ở Samatikha, vùng Moscow. Thoạt nhìn, đó là một cách điều trị các vấn đề sức khỏe mãn tính của ông, nhưng Nadezhda, vợ của nhà thơ, luôn tin rằng đó là một cái bẫy có chủ ý được giăng ra với sự hợp tác của Stavsky: việc bắt Mandelstam khi ông đang ở đó sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đi theo dõi ông và vợ, bởi họ thường xuyên chuyển chỗ ở giữa các căn hộ của những người bạn khác nhau.

Thời điểm đen tối của Mandelstam cuối cùng cũng đến vào một đêm tháng Năm, ông bị đưa đi vội vã đến mức thậm chí còn không có thời gian để mặc áo khoác. Nadezhda không bao giờ gặp lại chồng mình: Osip đã được gửi đến một trại tập trung gần sông Kolyma, phía đông bắc Siberia. Mandelstam đã không thể vượt qua được sự đày ải của nhà tù, ông đã chết trong một trại trung chuyển bí mật tên là Vladperpunkt – tên viết tắt trong tiếng Nga có nghĩa là Điểm trung chuyển Vladivostok.

Hoàn cảnh chính xác về cái chết của nhà thơ vẫn còn là một bí ẩn trong một thời gian dài. Chỉ nhiều năm sau, Nadezhda mới có thể nói chuyện với một số người ở cùng trại với Osip và những người biết ông trong những ngày cuối đời. Nhà nghiên cứu người Nga Pavel Nerler gần đây đã khai quật được thêm thông tin trong kho lưu trữ.

Nhóm tù nhân trong đó có Mandelstam được đưa đến Vladivostok vào tháng 10 năm 1938. Lúc này, nhà thơ vĩ đại đã vô cùng kiệt sức và hoang tưởng: ông từ chối ăn khẩu phần của trại vì sợ bị đầu độc. Ông yếu đến mức không được tiếp nhận vào làm việc và suốt ngày lang thang trong trại. Những tù nhân khác nhận ra ông là một nhà thơ nổi tiếng thế giới, và một số người đã tìm cách bảo vệ và giúp đỡ ông. Ông thậm chí còn kết bạn với một nhóm tội phạm nổi tiếng hâm mộ thơ của ông. Họ mời ông đến khu trại của họ để đọc thơ và mời ăn bánh mì trắng và món thịt hầm đóng hộp – những món ngon phi thường trong một trại như vậy.

Ngoài việc đọc tác phẩm của mình, Mandelstam còn liên tục sáng tác những bài thơ mới, ghi nhớ hoặc viết chúng ra một tờ giấy nhỏ. Ngoài những lời thoại riêng lẻ được các bạn tù nhớ đến, phần còn lại của những gì ông sáng tác vào thời điểm đó đều đã bị thất lạc.

Sức khỏe tinh thần của nhà thơ bắt đầu suy giảm dần khi điều kiện khắc nghiệt ảnh hưởng đến họ. Trong những tuần cuối cùng, Mandelstam lân la khắp nơi. Đề nghị một trao đổi: ông sẽ đọc lại bài thơ “đen đủi” mà ông sáng tác về Stalin để đổi lấy nửa khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng những tù nhân đã tìm cách xua đuổi ông đi.

Một ngày nọ, Mandelstam tình nguyện giúp một người bạn của mình khuân đá đến công trường. Trong giờ giải lao, Mandelstam nói: “Cuốn sách đầu tiên của tôi có tên là “Đá” và đá sẽ là cuốn sách cuối cùng của tôi”.

Vào tháng 12, bệnh dịch sốt phát ban tấn công vào trại của ông. Sau ba tuần cách ly, các tù nhân bị buộc phải khỏa thân đứng trong doanh trại lạnh giá (-4 F) trong khi quần áo của họ được xử lý bằng hóa chất trong một phòng đặc biệt để diệt chấy rận và rệp. Nhà thơ tiều tụy không thể chịu nổi những điều kiện này và ngã gục xuống đất. Xác ông bị lôi đi, trong tình trạng được cho là đã chết, nhưng thực ra ông vẫn sống sót tiếp tục thêm một ngày nữa trước khi chết trong bệnh viện của trại.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 1939, một gói hàng mà Nadezhda (vợ của nhà thơ) gửi cho Osip đã bị trả lại. Cô được nhân viên bưu điện thông báo khá thẳng thắn rằng gói hàng không thể chuyển được vì “người nhận đã chết”. Tuy nhiên, mãi đến mùa hè năm 1940, Nadezhda mới nhận được giấy chứng tử của chồng và sự kiện đau buồn này vẫn được coi là một đặc ân: vào thời điểm đó, thân nhân của các tù nhân chính trị không bao giờ được thông báo về cái chết của họ. Giấy chứng nhận ghi rằng Osip Mandelstam chết vì suy tim vào ngày 27 tháng 12 năm 1938, ở tuổi 47.

Sau khi Mandelstam chết, thi thể của ông bị ném vào một ngôi mộ tập thể và vị trí chính xác của nó không được biết đến trong nhiều năm. Chỉ đến năm 1998, 60 năm sau khi ông qua đời, tượng đài đầu tiên tưởng nhớ nhà thơ mới được dựng lên ở Vladivostok, gần địa điểm trại trung chuyển, nơi cuộc đời nhà thơ Nga vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã kết thúc đột ngột theo một cách vô cùng lãng xẹt.

Comments are closed.