“Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất”

Nguyễn Thị Tịnh Thy

clip_image002

Bộ ba tiểu thuyết từng đoạt giải Pulitzer 1932: Đất lành, Đời conLy tán của nữ nhà văn Pearl S. Buck (Nobel văn chương 1938) vừa trở lại với bạn đọc Việt Nam với bản dịch mới của Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Tuấn Bình và Nguyễn Quang Huy (Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2024).

Đất lành, Đời conLy tán kể về lịch sử một gia tộc nhưng qua đó, ta thấy lịch sử của cả một dân tộc gắn với đất đai. Đất đai là giấc mơ lớn nhất của cuộc đời người nông dân Trung Quốc. Nhưng khi sở hữu càng nhiều đất đai, họ càng xa rời bản chất của mình. Lịch sử gia tộc của người nông dân Vương Long đi lên từ nỗi khát đất, có đất, giàu đất (Đất lành) đến bán đất, cướp đất (Đời con), và cuối cùng là mất đất (Ly tán). Song hành cùng vòng đời của đất là vòng đời của gia tộc. Từ bần cố nông, Vương Long đã nhờ thắt lưng buộc bụng và may mắn mà mua được nhiều đất đai, trở thành địa chủ. Nhưng rồi, các con của Vương Long lần lượt bán đất để hưởng lạc, để tham gia tranh đoạt hoặc tăng vốn kinh doanh và dần từ bỏ di nguyện, di ngôn của cha mình: “Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất”.

Vương Điền Chủ bán đất để ném tiền vào tửu sắc, Vương Thương Gia bán đất để tăng vốn kinh doanh, Vương Mãnh Hổ bán đất để mua vũ khí và lương thực cho sự nghiệp binh đao. Con cái họ cũng đều chơi bời phá tán. Kẻ lạc hậu thì vào ca lâu tửu điếm, kẻ tân tiến thì vào vũ trường khách sạn, “cuộc vui suốt sáng trận cười thâu đêm”. Bán đất, nghĩa là bán đi tình yêu với lao động, bán sự lương thiện, nhân tình, nhân tính và nhân tâm. May mà còn Vương Nguyên – thế hệ thứ ba của gia tộc – chàng trai yêu đất đai và công việc gieo trồng đã khiến cho gia tộc thoát khỏi viễn cảnh “chấm hết”. Du học trở về, chàng nhìn nhận đất đai và người dân quê bằng con mắt mới mẻ. Chàng gắn bó với nơi này bằng tình yêu, nhận thức và trách nhiệm của con người tiến bộ đại diện cho một thế hệ mới đầy hứa hẹn.

Song song với bước đường của gia tộc Vương là lịch sử của đất nước Trung Quốc. Cùng với sự suy thoái của chế độ phong kiến là sự thống trị của tư bản phương Tây, cách mạng Tân Hợi, các cuộc nổi dậy của lãnh chúa phong kiến liên tục nổ ra khắp nơi… Ý thức hệ thay đổi; tham vọng, dục vọng, sự tàn nhẫn, cái đói, cái ác,… bị đẩy lùi; chỉ còn lại tình yêu, sự cảm thông, lòng bác ái và tinh thần tự do sẽ đưa con người và đất nước đến một chân trời mới đầy nắng ấm.

Những người đàn ông khao khát lợi dụng đất đai, nắm giữ quyền lực, đam mê chinh chiến, theo đuổi lạc thú, coi thường phụ nữ,… đã nằm lại hoặc đánh mất vai trò của mình trước thời cuộc, nhường chỗ cho những người đàn ông biết trân trọng giá trị đích thực của đất đai và con người. Những người phụ nữ thiệt thòi như đất, nghèo khổ, câm nín, nhẫn nại, chịu đựng như đất cũng đã nằm lại; một thế hệ phụ nữ mạnh mẽ như đất, tự tin, bền bỉ, phong nhiêu, tươi mới và sinh sôi như đất đã vươn lên. Mở đầu tác phẩm là chàng trai bần cố nông Vương Long đi mua vợ, vì tiền ít nên chỉ mua được cô hầu gái A Lan xấu xí thô kệch bị nhà chủ thải loại; kết thúc tác phẩm là chàng kỹ sư Tây học Vương Nguyên – cháu nội Vương Long – cầu hôn nữ bác sĩ Mỹ Linh với sự trân trọng, và Mỹ Linh có quyền quyết định hôn nhân của mình. Thế hệ cha ông của Vương Nguyên truyền dạy con cháu rằng: “… Chẳng có gì phí phạm thời giờ hơn việc ở cạnh phụ nữ, kể cả là bên mẹ hay chị em, bọn họ dù sao cũng chỉ là đàn bà, dốt nát ngờ nghệch”. “Làm đàn ông phải biết nhịn đàn bà, bọn họ giỏi nhất là cự cãi rồi làm mọi thứ rối tung lên. Có học hay vô học cũng vậy, mà đám có học tệ nhất vì họ chẳng biết e dè gì cả. Cứ để đàn bà làm nóc nhà,… còn thích thư thái thì đi chỗ khác”. Nhưng đến lượt mình, Vương Nguyên đã nghĩ khác và làm khác. Ý thức về nhân quyền, nữ quyền của chàng và những thanh niên tân tiến cùng thế hệ được khai sáng bởi tri thức mà họ học được. Và, cuộc cách mạng giải phóng đất đai cũng chính là cách mạng nữ quyền – giải phóng người phụ nữ. Dẫu biết rằng phía trước vẫn còn nhiều dông bão, mưa nắng bất thường, nhưng những người con của đất sẽ cho ta niềm tin về trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của họ trong cuộc đời và trong lịch sử, bởi vì “người ta là hoa đất”.

Pearl S. Buck có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật. Cũng như trong các tiểu thuyết khác của bà, bộ ba Đất lành, Đời conLy tán đã thể hiện tâm lý của nhân vật – tâm lý người Trung Hoa một cách xuất sắc. Đàn ông, đàn bà, nông dân, địa chủ, thương nhân, binh lính, tướng lĩnh, nữ chủ, a hoàn, văn nhân, thi sĩ, trí thức,… đều có tâm lý đặc sắc; vừa mang tính loại hình, vừa riêng biệt độc đáo và có sự biến chuyển tinh tế đầy thuyết phục. Qua tâm lý con người, ta thấy được tâm lý dân tộc; qua lịch sử gia tộc, ta thấy được lịch sử quốc gia.

Bộ ba tiểu thuyết của Pearl S. Buck là sử thi về dòng họ vươn lên từ đất với bao thăng trầm, được mất, bi hoan; đồng thời, cũng là sử thi về đất nước Trung Quốc giai đoạn cận – hiện đại, một giai đoạn đầy biến động. Và, thật có ý nghĩa thời sự khi đọc thấy câu nói cách đây gần một thế kỷ từ nhân vật của Pearl S. Buck: “Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất”. Quả là, những tác phẩm bất hủ không bao giờ cũ kỹ với thời gian!

Comments are closed.