Người Việt – một câu hỏi lớn (5)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng.


(Từ các câu hỏi gợi ý của Văn Việt:

-Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Ngày nhỏ anh/chị có mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?”.

HOANG HUNG (1)

*Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có thể coi là thuộc “lớp trên” của Hà Nội thời thuộc Pháp. Vậy mà, cho đến nay, hình ảnh lung linh nhất của tuổi thơ trong ký ức tôi vẫn là: con đường bờ ruộng đêm khuya, tôi ngồi trong một cái thúng nhún nhảy theo nhịp đòn gánh của “u” (bà vú nuôi) trên đường tản cư. Cái mùi ao bèo, mùi đốt rạ trên đồng từ những năm “kháng chiến” vẫn còn nao nao đến tận bây giờ… Rồi tôi “hồi cư” về lại Hà Nội vào lúc chưa lên mười. Kỷ niệm về lớp học mà tôi còn nhớ mãi, là giờ Pháp Văn, tôi không nghe thầy giảng mà lén dịch bài thơ của Victor Hugo trong sách giáo khoa: “… La lune blanche/ déjà se penche/ à l’horizon/ Et sa lumière/ glisse légère/ sur le gazon”. “Mặt trăng trắng bệch đằng kia/ Đã nghiêng về phía xa xa chân trời/ Và làn sáng nhẹ như hơi/ Lướt trên bãi cỏ xanh tươi êm đềm”. Thầy giáo đến bên tôi lúc nào không biết, thầy véo tai tôi, rồi lẳng lặng trở lên bục giảng.

Hai kỉ niệm trên đã hằn sâu vào cả cuộc đời tôi. Thân phận tôi như đã định: một người Việt Nam thành thị nhưng cái hồn làng quê Bắc Bộ đã ám sâu từ kiếp nào; một tuổi thơ chiến tranh tao loạn rồi lại sớm “nhiễm” văn hoá phương Tây!

*Về con đường nhận thức của bản thân, tôi chỉ xin kể ba cuốn sách đã “thay đổi đời tôi”: Đầu tiên là tiểu thuyết Docteur Jivago bản tiếng Pháp tôi đọc được trong Thư viện Quốc gia Hà Nội (trong kho sách mà Sứ quán Pháp cung cấp hằng năm cho Thư viện) những năm đầu 1960; nó mở đầu cho cuộc tìm hiểu về thực chất của “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Cộng sản” (Liên Xô) và con đường của trí thức Nga sau Cách mạng tháng 10! Để rồi dẫn đến câu hỏi cho nước mình: “… Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?” và lời khẳng định “sự nặng nề ngu độn của các anh/ cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển” trong nhật ký viết đầu những năm 1970 (đã khiến tôi bị “tập trung cải tạo” những năm đầu 1980).

Cuốn thứ hai là Poèmes d’Apollinaire mượn trong Thư viện Hội Nhà văn Việt Nam (qua nhà thơ Phạm Hổ) những năm cuối 1960, mở ra cho tôi về thi pháp thơ hiện đại phương Tây, dẫn đến chuyển biến trong đời Thơ của tôi.

Cuốn thứ ba là Thiền luận của Suzuki, tôi mua lại từ một người bà con ở Sài Gòn trong chuyến đầu tiên vào Sài Gòn năm 1975, nó mở đầu cho quá trình học hỏi về triết lý Phật giáo, ảnh hưởng sâu đậm tới việc làm và lối sống của tôi từ đó.

*Như trên đã kể, ngay từ năm lên mười tôi đã mê thơ, đã dịch thơ, làm thơ, đã có thơ đăng báo… Cho đến nay, dù sống bằng nghề gì, dạy học, làm báo, dịch sách báo, Thơ vẫn là chốn sâu thẳm của lòng tôi. Hơn thế nữa, Thơ đã là Thần hộ mệnh của tôi trong những năm tù đày không biết đến ngày về! Không có Thơ, chắc tôi đã hèn hạ, đã thảm hại, đã thân tàn ma dại trong “mùa Địa ngục” ấy (mượn chữ của Rimbaud). Nhưng chưa bao giờ tôi coi Thơ là một cái nghề, cũng như không thích cái ý niệm “nhà thơ chuyên nghiệp”. Thơ là cái tinh tuý của Trời Đất, hồn mình có lúc đón được nó như lá cỏ đón được giọt sương sớm. Vậy thôi!

Nghịch lý là, về “đời thường”, số phận lại đưa tôi vào hai cái nghề rất “giết Thơ”: dạy học và làm báo. Dạy học mười mấy năm, cả người lớn lẫn trẻ em, rồi làm báo gần năm mươi năm, cả báo “chính thống” lẫn báo “lề trái”, cả trong vai “viên chức báo” lẫn “nhà báo tự do”. Nghiệm lại, hoá ra mình đâm ra khá giống cái anh hai Nam Bộ này: “Ra đường gặp vịt cũng lùa/ Gặp sông cũng lội gặp chùa cũng tu”. Chẳng thế mà có lúc tự đặt báo danh là Thuận Thiên (thuận theo lẽ Trời, nghe theo lời Trời mách bảo). Chẳng có ước vọng, tham vọng, mưu đồ hay sự nghiệp gì. Cho nên cũng chẳng làm được bao lăm.

Nhưng đến giờ, tôi cũng có thể tự sướng về ba điều: một là được tham gia xây dựng những tờ báo đứng đắn trên con đường “đổi mới” rồi “thoát Cộng” (báo Lao Động Chủ nhật, tạp chí Người Đô Thị, báo mạng Talawas, báo mạng Bauxite Việt Nam, báo mạng Văn Việt) và những nhóm dân sự thiện nguyện (như nhóm Cánh Buồm có mục tiêu góp phần hiện đại hoá giáo dục, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập); hai là lương tâm sạch sẽ; ba là tận tuỵ hết lòng với bất cứ việc gì mình nhận làm. Vậy thôi!

*Trên là đôi điều về bản thân. Giờ nói về Việt Nam!

Cảm ơn nhà văn Kim Cúc cho tôi có dịp thổ lộ vài điều băn khoăn, ám ảnh không dứt tâm trí mình trong nhiều năm nay. Mà có lẽ cũng ám ảnh nhiều bạn tôi, những người “cả nghĩ” về đất nước, về dân tộc mình qua bao nhiêu biến cố dồn dập suốt hơn một thế kỷ rồi, mà vẫn cứ… loay hoay như chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn!

-Lịch sử Việt Nam, tôi mạn phép tóm tắt: Không chịu thằng “ngoại” nào cưỡi cổ nhưng lại nhẫn nhục làm “tôi” cho thằng chủ “người mình”! Làm “tôi” cho chủ nhưng mắt trước mắt sau ăn cắp, lãn công, “làm chui” việc riêng. Khi đói quá thì sẵn sàng “cướp kho thóc” nhưng ngày thường thì không chịu nghĩ xa, làm sao cho thóc luôn đầy bồ!

Hậu quả: Sau mỗi lần đuổi được ngoại bang thống trị, lại rơi vào lạc hậu trì trệ, để rồi lại bị ngoại xâm… Vòng luẩn quẩn!

-Thế giới quan của người Việt: Không ra khỏi luỹ tre làng. Cái này hình như bao trùm lên đời sống và tâm hồn của người Việt. Dù trải qua hơn một thế kỷ Âu hoá cưỡng bách rồi tự nguyện, dù hàng triệu người đã ly tán, trưởng thành trong môi trường Âu Mỹ, nhưng mọi thay đổi dường như vẫn mới ở lớp bên ngoài.

Nói một cách hình ảnh: cái mùi ao bèo và mùi đốt rác bao đời vẫn nằm sâu trong hồn chúng ta!

Nói thêm: bộ phận dân Nam tiến qua bao đời ly hương, rồi được hưởng nền trực trị của Pháp, được viện trợ của Mỹ nhào nặn, có phần nào thoát khỏi luỹ tre, nhưng sau 1975 lại dần dần… chịu sự thống trị trở lại của “văn hoá làng”!

-Cái “thế giới quan” ấy quyết định “nhân sinh quan” của người Việt, mà ở đây tôi mạn phép chỉ nói đến một đặc điểm tiêu cực nhất, vẫn còn chi phối xã hội chúng ta ngày hôm nay. Đó là cái lòng riêng tư ích kỷ, chỉ biết đến mình, gia đình vợ con mình, cái nhà riêng của mình, và kết phe nhóm cũng để tranh đoạt cho cái riêng! Theo quan sát cá nhân, sự ích kỷ, chia rẽ, phe nhóm manh mún vẫn là tình trạng nổi bật nhất của mọi cộng đồng người Việt, cả trong lẫn ngoài nước.

Chỉ khi nào có đại nạn chung như bão lụt, chiến tranh…, người Việt Nam mới tạm quên lợi ích riêng nhỏ nhoi để sát cánh vượt qua. Sau đó, lại… tự động trở về bản tính ích kỷ nhỏ nhen!

Thứ nữa, cái sự mưu lợi ích kỷ nhỏ nhen ấy, do chỉ có nguồn lực xoay xở từ mẩu đất ruộng nhỏ xíu, nên chủ yếu là dựa vào khôn vặt, ranh vặt, “Gà què ăn quẩn cối xay”, không nghĩ lớn, làm lớn được! Và cứ phải giả dối, lừa lọc nhau để tồn tại!

Điều này quyết định đến cả chuyện chính trị và tâm linh. Người Việt rất khó có một lý tưởng sống vượt khỏi nồi cơm bé nhỏ. Về mặt xã hội: Dễ dàng đi theo “Đảng Cộng sản”, lý do trước hết vì ở thế kỷ 20, “Đảng Cộng sản” là lực lượng duy nhất có năng lực giành được độc lập cho đất nước bằng bạo lực (cần nói rõ: bạo lực đã là đường lối của hầu hết đảng phái Việt Nam yêu nước); khi nhanh chóng nhận ra sự huyễn hoặc của “lý tưởng cộng sản”, người Việt không dám công khai chống lại, bèn rũ bỏ/chuồn khỏi bằng mọi thủ đoạn: dân thì “lách luật”, “chui”; quan thì mồm dạy đạo đức cộng sản trong khi tay cứ việc biến “công” thành “tư” (điển hình nhất là biến đất đai “sở hữu toàn dân” thành nhà, đất của cá nhân!).

Về mặt tâm linh, dễ hùa theo tôn giáo A, B, C…, nhưng không có niềm tin tâm linh thực sự, mà chủ yếu với đầu óc mê tín và thực dụng: xì xụp cúng bái là để cầu tài cầu lộc cầu danh!

Điều này quyết định cả chuyện “thể chế”. Trong lịch sử, chế độ tập quyền chưa bao giờ kéo dài được ở Việt Nam. Chỉ ngắn ngủi đầu Lê, đầu Nguyễn. Liệu có thể nói chế độ Việt Nam hiện nay là chế độ “độc tài toàn trị”? Đó là nói cho thuận miệng, chứ thực tế thì sao?

Lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ biết đến một thời kỳ độc tài thực sự và hữu hiệu ở miền Bắc khi nó làm cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam. Nền độc tài ấy sau 1975 đã rạn nứt dần và đổ vỡ khi nó chứng tỏ sự bất lực trong việc xây dựng đất nước. Giờ đây, chúng ta đang ở trong một thể chế quái lạ, vừa là độc tài toàn trị của một đảng, vừa mang đậm tính vô chính phủ, vô thiên vô pháp, với sự hoành hành của các phe nhóm thân hữu! Đất nước làm thế nào đi lên trong một cấu trúc quyền lực kiểu mafia ấy?

-Tương lai nào cho đất nước? Tôi thực sự buồn trước thực tế cay đắng này: Từ thế kỷ 20, tuơng lai Việt Nam do tương quan thế lực của các cường quốc quốc tế quyết định. Việc mà người Việt Nam có thể làm và nên làm lúc này là: Nỗ lực xây dựng một xã hội tiến bộ, cũng qua đó có được sự trưởng thành, để có đủ bản lĩnh và trình độ nhằm tranh thủ đúng thời cơ (đã nhiều lần để mất!), tận dụng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để tự cường, thoát khỏi tình trạng lạc hậu trì trệ và thân phận hoặc là nô lệ hoặc là con bài trong tay người khác!

Có lẽ điều may mắn của dân tộc hôm nay là ở chỗ: Sau cả một thế kỷ, kẻ thù của độc lập dân tộc bị gắn liền với phương Tây tư bản chủ nghĩa, thì nay ngược lại, đó lại là thế lực ta phải dựa vào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhờ đó, ta xác định được con đường đúng để trưởng thành của dân tộc Việt Nam là: vứt bỏ ảo tưởng về sự “vĩ đại” (vì “đánh thắng mấy đế quốc”), về “con đường đi riêng” (không giống ai), về “truyền thống, bản sắc” (lạc hậu, đậm Hán) của mình. Kiên trì, kiên quyết thoát Trung (thoát Á)! Học phương Tây một cách toàn diện, căn cơ. Đó chính là con đường người Nhật, người Nam Hàn đã đi. Đó là điều khiến cho người Hồng Kông hôm nay khác hẳn người Tàu đại lục.

Nói học phương Tây, xin xác định: phải học một cách bài bản từ Giáo dục, Khoa học, Thiết chế (như “thời Tây” đã học), không phải “học đòi” một cách tự phát, kiểu “vọng ngoại” như đang thấy trong đời sống hằng ngày hiện nay, phần lớn là học cái “dỏm”, cái bề nổi ăn chơi…

Cuối cùng, nếu nói về hy vọng, niềm hy vọng của tôi đặt vào lớp trẻ hôm nay. Họ không bị bịt mắt bởi một quá khứ hận thù và định kiến, có điều kiện học hỏi thế giới văn minh, nên dễ thấy con đường phát triển hợp lẽ tự nhiên.

Tôi đã thấy xuất hiện ngày càng đông những người trẻ có lý tưởng sống không mù quáng, có bản lĩnh, có tầm nhìn vượt khỏi luỹ tre làng, đang tích cực hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực.

Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã dứt khoát chọn con đường đúng cho dân tộc! Con đường “thoát Trung, thoát Cộng”! Họ sẽ làm nên tương lai của đất nước.

Comments are closed.