Tưởng nhớ Mai Sơn: Trò chuyện giữa Mai Sơn và Lý Đợi về văn chương và nhà văn

 Lời giới thiệu của Văn Việt:

Đây là nguyên văn bài phỏng vấn nhà văn Mai Sơn, do Lý Đợi thực hiện xong ngày 15/8/2004, từng in trên trang mạng eVăn (giờ không còn hiện diện) với tựa khác, sau đó vài báo trích in lại với các bút danh khác, tựa bài khác.

Lời giới thiệu của eVăn lúc in bài phỏng vấn này:

Mai Sơn không phải là típ nhà văn của những sự kiện, theo cái nghĩa tác phẩm có nội dung và hình thức mới lạ, đủ sức gây căng thẳng cho người đọc; càng không phải là nhà văn ăn khách, với những chi tiết đời tư gây chú ý ngoài tác phẩm. Mai Sơn, đơn giản là tác giả của những truyện ngắn, mà ở đó, thấp thoáng vài ý tưởng rất quen với những bạn đọc đã có thói quen đọc sách tư tưởng hoặc triết học. Những ý tưởng này, cũng là những ám ảnh mà các nhân vật (thường mờ nhạt) trong truyện theo đuổi và tự giải quyết lấy. Tác giả của những truyện ngắn này cũng như những người đọc nó, đều không biết rồi nhân vật sẽ đi về đâu và giải đáp những trạng huống hiện sinh như thế nào…

Dưới đây là bài phỏng vấn do Lý Đợi thực hiện, khi tập truyện ngắn Hư cấu vừa được NXB Hội Nhà văn xuất bản, tháng 7/2007. Riêng phần hình ảnh thì có những bổ sung, cập nhật.

 

image

image

image

 

* Mỗi người chọn cho mình một đối tượng để tư duy và cầm bút, người chọn “cây búa”, người chọn “tha nhân”… anh chọn cái gì? Cái đó đến với anh như thế nào, phải chăng là một ám ảnh?

– Trong kinh nghiệm hạn hẹp của tôi, viết là tìm cách đuổi theo một vài ý tưởng triết học và làm sống động nó trong những câu chuyện nhân thế. Dự phóng này của tôi không có gì mới, nếu không muốn nói là quá cũ. Nhân vật Faust của Goethe không ngừng bị ám ảnh bởi câu hỏi nền tảng: “Cái gì nối kết toàn thể vũ trụ ở bên trong nó?” Nhân vật bác sĩ Ravic của Remarque khi trốn chạy khỏi nước Đức để sang Pháp chỉ mang theo bên mình một cuốn sách triết học của đại triết gia Plato… Họ, cũng như các nhân vật của tôi, cũng như tất cả chúng ta, đều có khả năng nêu lên những câu hỏi triết lý nghiêm trọng ngay trong cuộc sống thường ngày mà bản chất của nó [thường là] chống lại triết học, tức là chống lại sự suy tư trừu tượng.

Thường thì tôi thất bại ngay trong đầu, không cách nào viết ra được, nhưng như thế không có nghĩa những cái ít ỏi tôi viết ra là thành công. Đơn giản là tôi đã tìm được một hình thức thích hợp để triển khai một vài ý tưởng của mình.

* Vậy trong Hư cấu (tháng 7/2004) với 10 truyện ngắn, những ý tưởng mà anh cần tư duy nhiều nhất là gì?

– Nhiều nhất vẫn là cái chết. Không phải vì nó bí ẩn và đáng sợ mà vì cái chết đã bị quên lãng trong cuộc tồn tại bề bộn này. Thật ra ai cũng biết để vượt qua cuộc sống khổ ải này thì cần thiết phải rũ bỏ bớt những gánh nặng, đặc biệt là gánh nặng về cái chết tất yếu. Nhưng cũng rất nhiều người tưởng rằng mình sẽ sống mãi. Chính vì những người này mà chúng ta cần phải phục hiện bộ mặt đáng kính của cái chết. Và để thấy rằng sự chết là một thành phần sống động trong hiện hữu đầy ắp của con người. Martin Heidegger nói: “Bản chất con người là luôn luôn bị ném về phía trước”, mà phía trước xa nhất là gì nếu không phải là cái chết.

* Cụ thể, anh thử nói một chút về các truyện như Hư cấu, Hai người trong thế giới này, Trống rỗng và Cái đầu?

– Hư cấu là truyện có nhiều cái chết nhất, nhưng thực ra đó là lời khẳng định về sự sống say sưa và sáng tạo thông qua những suy tư và hành động quyết liệt [khoác cái vẻ tiêu cực theo nghĩa thông thường] mang tính triết học kiểu Nietzsche. Cuối truyện, thần chết có dạy dỗ cho kẻ sắp tự tử một câu, đại khái: “Người đừng ngại sống, đừng mệt mỏi vì thấy chân trời của sự sống cứ lùi xa…”

Hai người trong thế giới này là câu chuyện tình yêu bất khả, bất toại thường thấy trong “thế giới này”. Hai kẻ trong cuộc vừa bị mắc bẫy, lại vừa triết lý về cái bẫy đó. Cái phòng nhỏ và sự chậm rãi trong truyện là ẩn dụ về sự trốn tránh hiện thực ào ạt của thế giới [bên ngoài] này, nhưng không được…

Như tên gọi, Trống rỗng là cảm giác chung của những người hay suy nghĩ trừu tượng, khái quát trong một thế giới mà cái cụ thể, cái riêng tư bạo liệt quá, mạnh mẽ quá…

Về truyện Cái đầu, xin mượn một câu của Jacques Derrida để tránh phải nói gì thêm: “Không có gì ngoài văn bản cả”.

* Trải qua chừng ấy ý tưởng, anh nghĩ mình đã thành công được ý tưởng nào? Bởi nhà văn không hẳn là người viết đúng nhiều ý tưởng triết học?

– Tôi không cảm thấy đắc ý với ý tưởng cụ thể nào cả; tôi chỉ vui một chút vì biết rằng những cái truyện với các nhân vật có vẻ không thực tế chút nào của tôi đã được một số độc giả, trong đó có những người có chuyên môn về triết học, đón nhận. Vâng, có thể một vài ý tưởng triết học trong truyện của tôi không đúng, không lô-gic nếu đem đặt nó trong một hệ thống tư tưởng nào đó. Nhưng nhân vật của tôi không thuộc trường phái triết học nào, và còn lâu mới là nhà triết học; đúng hơn, họ đi theo con đường của triết gia hiện sinh Đan Mạch Kierkegaard, người phản ứng quyết liệt các hệ thống, nhất là hệ thống Hegel, và là một tâm hồn luôn vật lộn với mình để vượt qua những biến cố nhân sinh. Ngoài ra, một con người hiện sinh to lớn khác là Dostoievsky cũng nói: “Hai với hai bằng năm không phải là không có cái quyến rũ của nó”.

* Từ đó, nghĩ về cuộc đời và nghĩ về những người cầm bút khác trong con mắt nhà văn, anh sợ nhất điều gì? Và điều gì làm anh coi thường nhất?

– Tôi sợ nhiều thứ: thứ nhất là tình trạng những kẻ thù ghét cái mới trong nghệ thuật đang say sưa làm nghệ thuật và lại có thế quyền nữa chứ; thứ hai, sân khấu nghệ thuật hiện nay chật chội quá, đầy những nhân vật phụ, thậm chí rất nhiều khán giả cũng nhảy lên sân khấu; thứ ba là tình trạng sáng tạo “điếc không sợ súng” đã trở thành phong trào lớn mạnh. Điều mà tôi coi thường nhất à? Không dám đâu, kẻ vô danh này bị người ta coi thường thì có. Nhưng đó không phải là trở ngại tâm lý để tôi nói thực: tôi không tin những nhà văn không biết tới các đền đài tư tưởng học thuật của thế giới.

* Ngày ngày người ta thấy một Mai Sơn ra ra vào vào tòa soạn báo Mực Tím, nhã nhặn và lịch sự; một Mai Sơn ở chung cư hiền lành, ít nói; một Mai Sơn chu đáo, kỹ tính và bao đồng với gia đình, bạn bè… Còn một Mai Sơn khác, Mai Sơn nhà văn, ở đâu? Và lúc nào thì người ta có thể nhận ra chân diện đó?

– Dĩ nhiên là người ta sẽ tìm thấy một Mai Sơn – nhà văn ngay trong những sáng tác của tôi. Nhà văn chỉ là nhà văn khi hắn đang ở trong tiến trình viết, nhưng ngay trong lúc đó hắn cũng không được viết như nhà chính trị, nhà giáo, nhà chép sử, người kể chuyện, người phịa chuyện… Cá nhân tôi thấy mình có vẻ như bộc lộ nhiều khả năng của một nhà văn khi ở trong tình trạng căng thẳng, luôn phải dập xóa những điều mình mới viết ra; đó là lúc tôi thấy được cái chân trời của văn chương và ngại ngùng không dám thả những con thuyền ngôn từ bé nhỏ của mình xuống biển.

* Anh quan niệm như thế nào về một nhà văn? Cái quan niệm của anh, theo anh hình dung, nó sẽ như thế nào nếu đem kể với người khác?

– Trả lời được hết những câu hỏi này chắc tôi sẽ có một bài tiểu luận. Chỉ xin nói ngắn gọn: Nhà văn là người không thỏa mãn với thế giới này, không được bộc lộ hết bản tính làm người của mình trong thực tại trước mắt, nên bằng ngôn từ hắn không ngừng hư cấu một thế giới khả hữu khác, một thế giới của cái Đẹp, để sống; rất may là nhiều người chấp nhận cái thế giới ấy của nhà văn, nên từ đó văn chương ra đời.

* Bản thân anh, tự xem mình là típ nhà văn kiểu gì?

– Tôi tự coi mình là nhà văn luôn tìm cách học tập để thắng vượt sự sợ hãi chân trời nghệ thuật. Một trong những cách thắng vượt, như phần nào đã nói ở trên, là tự nhủ: sẽ thả con thuyền nhỏ bé của mình xuống biển, nơi mà ngoài xa kia là chân trời, chứ không bằng lòng thả nó xuống ao hồ sông suối hẹp, không thấy chân trời đâu cả. Nếu có bị sóng dập tan tác thì cũng tan tác trong chiều hướng mơ tưởng về một chân trời.

* Có người nói: “Tôi viết văn với 1 phần 3, 1 phần 4… thậm chí 1 phần 7 thời gian của mình”. Anh viết với bao nhiêu phần vậy? Theo anh chừng đó là nhiều hay ít?

– Nói thật, tôi viết rất khó nhọc; văn chương không đầy ắp trong tôi để cứ ngồi vào bàn là tuôn trào ra. Tôi không bị quán tính nội tại lẫn sức ép ngoại tại buộc phải viết đều đặn. Tôi cũng không mắc bệnh ngứa viết [cacoethes scribendi] như Morris West, cũng không mắc bệnh cuồng viết mà theo Milan Kundera đó là căn bệnh tìm cách áp đặt cái tôi cho người khác, là dạng thức thể hiện lố bịch nhất của ý chí quyền lực. Nhưng tôi thường xuyên ghi chép những ý tưởng, những phác thảo thể nghiệm về một hiện hữu nào đó. Phần lớn thời gian tôi dành để suy nghĩ, đọc đủ mọi thứ từ nhật trình đến triết học. Khi sự sợ hãi đi vắng, hoặc khi tự tin rằng mình sắp viết một cái gì đó không giống ai, tôi mới ngồi vào bàn, nhưng không dính cứng ở đó, tôi luôn tìm cách đứng dậy, đóng máy lại. Nói tôi là nhà văn thất bại cũng được, mà bảo tôi là nhà văn tỉnh táo quá đáng cũng được.

Thời gian vật lý cho việc viết văn, theo tôi không quan trọng. Bạn khó có thể rút ra được ý nghĩa quan trọng gì giữa cái thời lượng một đêm để Kafka viết Bản án và thời lượng sáu năm để George Orwell hoàn thành Trại súc vật.

* Tại sao anh chọn truyện ngắn mà không phải tiểu thuyết? Nhiều người nói tiểu thuyết “dễ ăn” hơn, nghĩa là dễ nổi tiếng hơn?

– Tôi từng nghĩ rằng viết một tập gồm 10 truyện ngắn khó gấp mười lần viết một tiểu thuyết, bởi vì bạn phải tạo ra 10 tác phẩm, hay 10 cái hoàn hảo so với một tác phẩm, một cái hoàn hảo. Nhưng bây giờ tôi không nghĩ như vậy nữa. Tiểu thuyết là một hình thức lớn của văn xuôi, đòi hỏi tài năng sáng tạo lớn. Tuy nhiên cái khung lớn của tiểu thuyết đích thực là công trường để nhà văn tha hồ sáng tạo ra nhiều cái mới lạ, chứ không phải là chỗ [ý tôi nói tiểu thuyết] cho những kẻ nhiều chuyện và đa cảm. Vì quan niệm như thế nên tiểu thuyết đối với tôi vẫn còn là một thách thức.

* Cũng cần hỏi thêm, theo anh có gì ở trong truyện ngắn? Phải chăng, truyện của anh thiên về ý tưởng nhiều hơn kỹ thuật?

– Truyện ngắn có tất cả những khả tính của văn chương [kể cả tính thơ] tùy vào cách khai thác và sở trường của mỗi người, nhưng quả thật hình thức và kỹ thuật của truyện ngắn là thách đố quyến rũ nhất. Bây giờ khi nhiều yếu tố của nó [xung đột, chỗ đứng của tác giả, bối cảnh, nhân vật, chủ đề] đều đã bị khai thác cạn kiệt, thì người viết truyện ngắn khó mà có thể tiến lên được về mặt hình thức và kỹ thuật. Truyện của tôi nếu may mắn lắm thì có được nét mới trên phương diện nội dung: chăm chú đến chiều kích mới của nhân vật hư cấu – chiều kích suy tư triết học. Họ trực tiếp tìm cách giải quyết xung đột ngay trong truyện chứ không phải chờ vào tác giả, càng không phải là độc giả.

* Truyện của anh nặng nề “mùi triết” có lẽ do anh là người có chuyên môn về triết học, lại đam mê dịch triết…! Anh thích đọc loại nhà văn như thế nào?

– Truyện tôi nặng mùi triết học vì tôi cố ý dựng lên các nhân vật ưa suy tư phản tỉnh rồi đưa họ vào một biến cố nhân thế nào đó để họ triết lý. Tôi chủ động tạo ra tính chất triết học trong truyện của tôi bằng các mệnh đề phán đoán phát ra từ miệng hay trong đầu các nhân vật, chứ không chờ người ta rút ra ý nghĩa triết học theo kiểu ngụ ngôn. Đến đây tôi muốn nhắc lại nhà văn là nhà tư tưởng sống động khác với triết gia và nhà tư tưởng thuần túy chỉ lăm lăm triển khai tư tưởng triết học của mình từ lúc nó manh nha cho tới khi thành hệ thống.

Tôi thích đọc loại văn chương mà tác giả của nó viết ra không dễ dàng, dù đó là tiểu thuyết André Malraux, Milan Kundera, F. Kafka, Albert Camus hoặc truyện ngắn Bãi biển của Alain Robbe Grillet, tiểu thuyết Linh sơn của Cao Hành Kiện: hoặc là nó chất chứa suy tưởng hoặc là nó nghệ thuật một cách căng thẳng. Tôi thích văn chương của Phạm Thị Hoài vì nó có cả hai yếu tố đó.

* Mở rộng biện độ một chút, theo anh, tại sao VN không có triết gia đích thực và thậm chí không có nhà văn đích thực?

– Chắc anh đã trừ triết gia Trần Đức Thảo và một số nhà văn ra rồi chứ. Về câu hỏi nghiêm trọng của anh, tôi nghĩ mình có thể trả lời được nếu có thời gian suy nghĩ cộng với vài điều kiện khác.

* Đọc Hư cấu, người đọc hay va vào sự trống rỗng; phải chăng sự trống rỗng đang là một phần của nội tâm anh?

– Đúng hơn, cái chết luôn ám ảnh tôi… Khi tôi thấy dòng xe cộ chạy nhanh ngang nhà thờ Đức Bà, tôi tưởng như cái lưới của sự chết chóc giăng ra đầu đường Đồng Khởi đang chờ tóm bắt họ, và tôi tự hỏi tại sao họ lại vội vã đi đến chỗ đó.

* Anh nghĩ gì khi trả lời phỏng vấn của một người không biết truyện ngắn là gì; và cũng không biết phỏng vấn là gì?

– Tôi không nghĩ như anh nói. Tôi đã phải tát cạn lý trí mà vẫn chưa thấy là đã trả lời đầy đủ những câu hỏi đáng lẽ phải bớt khó và bớt chính xác một chút thì tốt hơn.

* Tại sao anh lại tỏ ra e ngại khi biết rằng mình sắp phải trả lời trên eVăn?

– Theo tôi quan sát, eVăn chủ yếu là sân nhà của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trẻ đầy tham vọng đổi mới, và tôi rất ok với chủ trương đó. Do vậy, dù đã “chơi trên sân khách này không ít trận” tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi xuất hiện không phải với “đội hình chính thức” của mình là truyện ngắn.

Lý Đợi (thực hiện)

 

Mai Son 15-1-2007

Mai Sơn ở vỉa hè, trước chung cư Cao Thắng, ngày 15/1/2007. Ảnh: Lý Đợi

Mai Son - Ly Doi 27-8-2014

Mai Sơn và Lý Đợi tại công viên Tao Đàn, ngày 27/8/2014. Ảnh: Trần Văn Duy

Comments are closed.