Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam (kỳ 1): Tiếng thời gian

T.Vấn

clip_image001

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu được hình thành từ một chuyến về thăm quê nhà, nhóm thực hiện nhận được món quà quý giá gồm khoảng 300 bản nhạc cũ xuất bản từ trước biến cố tháng 4 năm 1975. Kèm theo đó, còn có hơn 10 tập nhạc của các nhạc sĩ thời danh Sài Gòn những năm 1960s, 70s đến nay vẫn được giới yêu nhạc trong và ngoài nước mến chuộng. Chủ nhân của món quà, không ai khác hơn những người Sài Gòn cũ, sợ rằng rồi đây nếu không có ai chăm sóc, kho tài sản âm nhạc quý báu ấy sẽ bị bỏ quên đâu đó trong lớp bụi bặm của lãng quên. Món quà được trao gởi, với ước mong nó sẽ được giữ gìn, chăm sóc, và nếu có thể được, dùng mọi phương tiện kỹ thuật sẵn có gởi đến tất cả những người yêu nhạc khắp năm châu.

Với trách nhiệm tinh thần ấy, nhóm thực hiện chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” ao ước được sự tiếp tay và hợp tác của nhiều người, nhiều giới, để kho tài sản âm nhạc quý báu của dân tộc được có cơ hội đến với mỗi mái nhà Việt Nam, như trước đây chúng đã được đón nhận. Kho tài sản âm nhạc đó, như người nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh hiện sinh sống trong nước nhận xét: “ hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng. Vi vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời…” (Tuấn Khanh)

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai (và trong nước) sau này có phần hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại, v.v.

Hiện tại, chúng tôi sở hữu trong tay gần 300 bản nhạc in tại miền Nam Việt Nam trong khỏang thời gian từ 1951 cho đến năm 1975 của các nhạc sĩ mà tên tuổi của họ đã rất quen thuộc với người yêu nhạc. Mỗi bản nhạc được in trên giấy cứng, khổ giấy lớn, bìa là những tác phẩm vẽ minh họa của những họa sĩ nổi tiếng một thời: Duy Liêm, Kha Thùy Châu; hoặc hình những ca sĩ nổi tiếng đương thời, do những nhà xuất bản và trung tâm phát hành như Sóng Lúa, Tinh Hoa, An Phú, Mỹ Hạnh, v.v. in ấn. Với phương tiện kỹ thuật hiện nay, bản phóng ảnh dưới dạng phổ thông JPEG được giới thiệu trong mỗi kỳ sẽ cho người xem được nhìn thấy rõ nét dấu vết thời gian trên các ấn phẩm, tuy không sờ tay vào được và mũi không ngửi được mùi giấy cũ ẩm mốc. Bù lại, chúng ta sẽ được nghe phần âm thanh của bài nhạc trong lúc “cầm” bản nhạc bằng mắt, miệng có thể lẩm nhẩm hát theo với bản nhạc có ghi nốt nhạc và lời trước mặt.

Ngoài ra, kèm theo với những phần “nhìn, nghe” trong mỗi bản nhạc được giới thiệu, chúng tôi cố gắng sưu tầm thêm những thông tin liên quan đến tác giả, hoàn cảnh sáng tác của bài nhạc, những nhận xét của người đương thời về bản nhạc cùng với những giai thoại giúp những người thưởng ngoạn trẻ tuổi hiểu biết (và cảm nhận) hơn về những tác phẩm âm nhạc của một thời.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin các tác giả được trích dẫn, những trang mạng âm nhạc Việt Nam cho phép chúng tôi được sử dụng những bài viết, tài liệu âm thanh mà các trang mạng đó lưu trữ, cũng như các hình ảnh liên quan, để mỗi bài nhạc chúng tôi giới thiệu và lưu trữ được phong phú về giá trị bảo tồn, phục vụ đông đảo giới thưởng ngọan khắp nơi trên thế giới.

Xin trân trọng giới thiệu chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” đến với độc giả của Văn Việt.

Nhóm Thực Hiện

(T.Vấn & Bạn Hữu)

Tiếng Thời Gian – Nhạc: Lâm Tuyền – Lời: Dạ Chung

clip_image001[5]

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Tiếng Thời Gian – Nhạc: Lâm Tuyền – Lời: Dạ Chung

Trình bày: Thái Thanh (trong băng nhạc Trường Hải 7 Pre-75)

clip_image005

(Nguồn : Chiasenhac.com)

Phần Phụ Lục

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 năm tình ca – Lâm Tuyền

Đọc thêm:

(Nguồn: Dutule.com)

Nhà thơ Du Tử Lê viết về nhạc sĩ Lâm Tuyền:

“ . . . Lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới ghi nhận, có những tài hoa xuất chúng, khi sống bị lãng quên, bằn bặt. Nhưng cuối cùng, trên nấm mồ của họ, khi cỏ đã xanh, những vồng hoa rực rỡ nhất, đã được nhân gian biết ơn. Ngợi ca. Tưởng tiếc. Dẫu muộn màng,

Nói vậy, không có nghĩa tài năng ngoại khổ nào, cuối cùng, khi đã nằm xuống, cũng được định mệnh tỵ hiềm, ganh ghét hồi tâm, buông tha! Thực tế, vẫn có những tài năng lớn, cuối cùng, khi nấm mồ được lấp thì, nó lại như một tầng lãng quên khác, phủ thêm lãng quên lên di hài người quá cố!

Cũng thế, đành hanh định mệnh kia, không quên Việt Nam.

Tôi muốn nói giai đoạn văn học, nghệ thuật miền nam, 20 năm, dù ngắn ngủi, nhưng chẳng vì thế mà được định mệnh miễn trừ.

Một trong những tài hoa rất mực của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, theo tôi, là cố nhạc sĩ Lâm Tuyền.

Ông là tác giả của những ca khúc từng được những người cùng giới coi như kinh điển. Đó là những tình khúc còn lưu truyền tới hôm nay, với nhịp đập của trái tim rực rỡ tài hoa trong tác phẩm, không vì thời gian mà giảm sút phần rưng rưng. Thổn thức.

Có thể chúng ta không biết tên những ca khúc như “Tiếng thời gian,” “Hình ảnh một buổi chiều” “Tơ Sầu, hay “Khúc nhạc ly hương”, “Nhắn người viễn xứ” hay “Lặng lẽ”, “Trở về dĩ vãng”… Nhưng tình cờ, đâu đó, chí ít cũng một lần, chúng ta đã nghe:

“Đàn chim tung cánh xa khuất mờ

Chiều thu lưu luyến màu thương nhớ

Nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng

Buồn biết bao giờ cho hết nguôi…”

(Theo Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở).

. . . . .. .

Ca sĩ Quỳnh Giao (cũng là giáo sư dương cầm), trong bài viết nhan đề “Lâm Tuyền và giấc mơ sông hồ”, có đoạn:

“… Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa ‘phôi thai’, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.

Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông….” (4)

Phải chăng, chính vì tài hoa Lâm Tuyền được những tên tuổi lừng lẫy trong giới, cùng thời công nhận mà ông đã bị định mệnh vùi dập, tàn nhẫn như ghi nhận sau đây của Trần Áng Sơn, trong tác phẩm nhan đề “Những trang khép mở”:

“Sau 1975, tôi gặp lại nhạc sĩ Lâm Tuyền mấy lần – ông già đi là lẽ dĩ nhiên – nhưng nỗi buồn ẩn hiện trong những nét khắc khổ trên gương mặt, khiến làm tôi nao lòng! Đã từng biết ông, từng được ông truyền những kỹ thuật solo, làm sao tôi có thể thản nhiên!!!

“Đã bước sang năm thứ 2 của thế kỷ XXI, Lâm Tuyền không còn nữa, ông mất cách đây mấy năm, ra đi âm thầm, đúng theo cách mà người ta đối xử với ông…” (Nhà XB Trẻ, Saigon. Tập 2. Tr. 141-146) (5)

(Trích: Tác giả “Tiếng thời gian”, Lâm Tuyền, bằng chứng khác của định mệnh nghiệt ngã – Du Tử Lê)

Comments are closed.