Triển lãm Gustav Klimt không cổ điển tại Paris

Một hình thức mới của triển lãm mỹ thuật thời đại kỹ thuật số

Emmanuelle Jardonnet, Le Monde, ngày 27.04.2018

Hiếu Tân dịch

Exposition sur Gustav Klimt à l’Atelier des lumières, à Paris.Ngày 13 tháng Tư trong một xưởng đúc cũ tại quận 11, Paris, đã mở cửa Xưởng Ánh sáng, một địa điểm “Triển lãm nhúng hoàng tráng” dành cho những gương mặt lớn của lịch sử nghệ thuật, sáng tác ngoài trời. Đó là Gustav Klimt (1862-1918) người đầu tiên mở ra những dàn cảnh âm thanh và ánh sáng này cùng với hai người Viên khác là Egon Schiele (1890-1918) và họa sĩ kiến trúc sư Friedensreich Hundertwasser (1928-2000). 140 máy chiếu laser quét một khoảng không gian 1.500 m2 trên 10m cao, âm nhạc được đưa lên không trung qua 50 chiếc loa. “Đây là truyền thông đa phương tiện cố định lớn nhất thế giới”, Bruno Monnier, Chủ tịch Hội Không gian văn hóa, tổ chức đã đầu tư gần 10 triệu euro trong vòng hai năm cho các công việc và quản lí nơi này. Xưởng Ánh sáng là “người anh em” Paris của Công trường Ánh sáng, một công trường khai thác đá vôi cũ ở Baux-de-Provence (Bouches-du-Rhône), nơi những buổi chiếu theo cùng nguyên tắc này được tổ chức từ năm 2012.

Xưởng Ánh sáng hiện nay đứng vị trí thứ 10 trong danh sách tài trợ của Hội Không gian văn hóa, tổ chức này chuyên về quản lí các tượng đài và các bảo tàng. Ở Paris Hội nổi tiếng với việc quản lí hai bảo tàng tư nhân: Bảo tàng Jacquemart-André, từ 1996, Bảo tàng Maillol từ khi mở cửa lại năm 2016. Điều ít được biết hơn, nó là chi nhánh của tập đoàn năng lượng khổng lồ Engie của Pháp (trước là GDF Suez), nắm 86% vốn – còn lại 14% do nhà sáng lập sở hữu. “Không gian văn hóa được Bruno Monnier mở ra vào năm 1988 như một phân ban công nghệ Havas”, Philippe Peyrat, Giám đốc tài trợ của tập đoàn Engie nói. “Năm 1990 công ty được Lyonnaise des eaux [sau này là công ty Suez environnement, bây giờ là Engie] mua lại 50% trong bối cảnh đổi mới các hoạt động và suy nghĩ về thành phố tương lai: quản lí tư nhân sẽ cải thiện được doanh nghiệp.”

Công trình đầu tiên được giao cho Không gian văn hóa là Cung điện Giáo hoàng ở Avignon và Viện Pháp quốc ủy thác Bảo tàng Jacquemart-André. Quản lí mô phỏng theo “mô hình Mỹ”; “Bảo tàng mở cửa hàng ngày và khách tham quan là trung tâm của cuộc tham quan, được hướng dẫn bằng giọng nói thu âm và đưa đi theo hành trình trong khắp triển lãm. Điều này là mới, mới có hai mươi năm; hôm nay, NMR cũng thế”, ông Peyrat nói.

Ở Paris, nó được làm phong phú thêm bằng các tác phẩm mới và phim hoạt hình của xưởng phim Gianfranco Iannuzzi, ông sáng tạo ra một “dàn cảnh” ba mươi phút trong sáu cảnh XXL. Sau các trang trí tân-cổ-điển và các áp phích Secession của Viên, dòng suối vàng, các chân dung và các hình mẫu nhiều màu sắc xuất hiện, sinh động lên rồi biến mất. Các hình cuộn trải ra bên mép các bức phong cảnh, nền là thảm hoa, các khoảng đất trống biến thành những bụi cây thấp. Những tác phẩm thô và khổ ải của Egon Schiele xuất hiện, việc lựa chọn tránh bày các hình khỏa thân khêu gợi nhất. Khách được dẫn đi liên tục không ngừng, thường không có thời gian để hỏi về các cảnh nhìn thấy. Buổi trình diễn khép lại với Klimt quay trở lại, và mười lăm phút được dành cho vũ trụ thơ ca và sinh thái của Hundertwasser.

Wagner, Strauss và Beethoven được đệm cho hành trình. “Không có cách tiếp cận theo kiểu giải thích cổ điển trong một cuộc triển lãm; nó dành cho người ta một khoảng để sống, nó là một trải nghiệm cảm xúc trong nghệ thuật và âm nhạc,” Bruno Monnier biện luận khi có người ngạc nhiên rằng công chúng không được tiếp cận bất kì tham khảo nào hoặc được biết bối cảnh của các tác phẩm. Chắc chắn những người khách hăng hái nhất có thể leo lên gác xép, tại đó có thể thấy một số văn bản bằng tiếng Pháp và Anh đằng sau một bức tường.

“Một cuộc triển lãm kĩ thuật số, nó đảm nhiệm vai trò một đĩa cứng”

Nơi này dành cho ai, tại một trong những thành phố tốt nhất thế giới về phương diện hiến tặng văn hóa? “Cả cho dân sành sỏi – những người có khả năng hiểu sâu đến chi tiết của các tác phẩm, đến một khán giả gia đình. Các bảo tàng khó nhọc vượt qua 50% dân số, và mục tiêu là thêm được 25% số người chưa bao giờ đến xem. Ở đây, không có rào cản nào đối với sinh hoạt văn hóa.” Thận trọng, ông hi vọng khoảng 1.000 khách thăm mỗi ngày trong vòng đầu tiên.

Mặc dù đây phải là nơi được trang bị về kĩ thuật, việc phi vật chất hóa như thế này có thuận lợi so với một cuộc triển làm thông thường, “chúng tôi đang tìm cách giải quyết căng thẳng trong việc mượn các tác phẩm cho những cuộc triển lãm tạm thời. Với chi phí vận chuyển và bảo hiểm, điều này sẽ dẫn đến việc liên tục tăng trong sản xuất của chúng tôi. Một cuộc trưng bày bằng kĩ thuật số, nó đảm nhiệm vai trò một đĩa cứng”, vị quan chức nói. Còn phải thương lượng quyền sử dụng hình ảnh, một khoản chi phí lên tới “100 000 đến 150 000” cho 1.000 hình ảnh được sử dụng. Đối với khách xem, vé vào Xưởng Ánh sáng cao hơn một chút so với vé vào Bảo tàng Maillol và Bảo tàng Jacquemart-André: từ 9,50 euro đến 14,5 euro cho người từ 5 đến 25 tuổi.

“Gustav Klimt” Xưởng Ánh sáng mở cửa cho đến 11 tháng 11 tại 38, phố Saint-Maur, Paris 11. Hàng ngày từ 10g sáng đến 18g. Tối Thứ Sáu và Thứ Bảy đến 22g. Giá vé 9.5 đến 14.5 €.

Comments are closed.